Theo quy định tại Điều 7 Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức rộng rãi trong toàn quốc nhằm tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu của KH&CN đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai…
Các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm nay được tổ chức tiết kiệm, thiết thực, quán triệt thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức trực tuyến các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2020.
>>> Tiên phong ứng dụng công nghệ vật liệu trong công nghiệp bao bì tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm
Theo đó, Bộ KH&CN tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo; thông tin về các thành tựu KH&CN nổi bật phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành và địa phương và những đóng góp thiết thực của ngành KH&CN phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; phổ biến về Chỉ thị số 01/CT-BKHCN ngày 21/4/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc nâng cao năng lực KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19; giới thiệu về chính sách, pháp luật KH&CN mới được ban hành và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Các hoạt động chào mừng trước và sau Ngày KH&CN Việt Nam sẽ được tổ chức thông qua các hình thức tin, bài, phóng sự, phim tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức triển lãm sáng tạo của sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ của các viện, trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp; phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp; tổ chức ngày hội trí tuệ Việt Nam bằng hình thức trực tuyến; lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu; trao giải thưởng báo chí về KH&CN…
Đồng thời, tổ chức các chương trình gặp gỡ, giao lưu trực tuyến giữa các nhà quản lý KH&CN, nhà khoa học với học sinh, sinh viên, nhà sáng chế trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các tầng lớp trí thức, nhà khoa học tiêu biểu thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương trực thuộc; giới thiệu các thành tựu KH&CN, trình diễn các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam trên trang, cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp.
Nhằm hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2020, Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 3206/BCT-KHCN về việc tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức trực tuyến các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN năm 2020; treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng; phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, tổ chức khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhân Ngày KH&CN Việt Nam; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật KH&CN, thành tựu KH&CN nổi bật, trình diễn các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam…
Có thể nói, trong thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp cụ thể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện qua đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2%… Đặc biệt, ngành KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; triển khai theo quy trình đặc biệt các nghiên cứu về dịch tễ học, phác đồ điều trị, chế tạo robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về virus SARS- CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch.
Đồng thời, phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế; huy động hiệu quả mạng lưới đại diện KH&CN tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ và sản phẩm phòng, chống dịch; thúc đẩy hợp tác công – tư trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.
Trong giai đoạn tới, ngành KH&CN tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba” nhằm duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi; đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Theo Công Thương