Hành động sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngày 25 tháng 10 năm 2019, hội thảo Hành động sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã được tổ chức tại Nhà khách Tổng liên đoàn.

Hội thảo do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (PTBV), Bộ Công Thương và Hội khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan nhà nước như Vụ thị trường trong nước, Viện Dệt may, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Phát triển Xanh, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng các chuyên gia kinh tế, môi trường.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và PTBV thuộc Bộ Công Thương cho biết, “Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã có một số nghiên cứu về khái niệm nền kinh tế tuần hoàn được các tổ chức quốc tế thảo luận rất nhiều. Những nội dung của nền kinh tế tuần hoàn trùng khớp với các hoạt động liên quan tới SXTDBV. Hội thảo này không chỉ chia sẻ về các hoạt động về SXTDBV, mà còn thảo luận các hoạt động thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và PTBV.”

Nền kinh tế luôn bắt đầu từ sản xuất và tiêu dùng. Nếu thiết kế quy trình sản xuất tốt thì ngay trong nhà máy sẽ có các khâu tái chế sản phẩm; và nếu người tiêu dùng có ý thức thì sản phẩm đã được phân loại sẵn trước khi đem đến bãi thải.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch VECEA cho biết, “Nền kinh tế tuần hoàn khác với nền kinh tế tuyến tính ở chỗ hướng tới khai thác tài nguyên bền vững và giảm thiểu chất thải ra môi trường. Do đó phải tối đa hóa thời gian sử dụng sản phẩm, làm sao để sản phẩm được quay vòng càng lâu càng tốt trước khi được loại thải hoàn toàn.”

SXTDBV là quá trình thúc đẩy sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, hạ tầng bền vững và đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận các dịch vụ cần thiết, thân thiện môi trường, cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, SXTDBV giúp đạt được các mục tiêu phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, môi trường và xã hội đồng thời nâng cao tính cạnh tranh và giảm đói nghèo.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch VECEA.

Bà Giang nhấn mạnh, “Một trong những mục tiêu quan trọng của Quyết định 76/QĐ-TTg là thực hiện SXTDBV theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đầy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm, ứng dụng đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm”.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các trung tâm nghiên cứu ứng dụng lần lượt chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động sản xuất hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững như tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp, công nghệ dệt – nhuộm thân thiện môi trường…
Các đại biểu cũng nêu những vấn đề còn tồn tại từ thực tế sản xuất, khuyến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy SXTDBV, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững