Đề xuất chậm nộp 5 tháng thuế GTGT, thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19

Để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ tháng 3 đến 6 cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh.

Chiều 10-3, Bộ Tài chính công bố dự thảo nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19.

Giãn nợ thuế cho đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các nhóm ngành kinh tế gồm:

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản phẩm từ cao su; sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống);

Vận tải đường sắt; đường bộ; đường thủy; hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng được gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT.

Chỉ kê khai mà chưa phải nộp thuế

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của các tháng 3, 4, 5 và 6 năm nay kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế này theo quy định hiện hành.

Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 3 chậm nhất là ngày 20-9 thay vì ngày 20-4. Thuế GTGT của tháng 4 được gia hạn nộp đến ngày 20-10. Còn thuế GTGT của tháng 5 có hạn chót phải nộp là 20-11 và của tháng 6 là ngày 20-12.

Còn với những đơn vị đang kê khai và nộp thuế GTGT theo quý thì được gia hạn tiền thuế của quý 1 và quý 2 năm nay. Theo đó, thời hạn nộp thuế GTGT quý 1 chậm nhất là ngày 30-9, còn của quý 2 là ngày 30-12.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thuế GTGT thì chỉ kê khai, nộp tờ khai thuế GTGT tháng, quý như quy định hiện hành. Còn tiền thuế GTGT thì chưa phải nộp ngay, mà sau 5 tháng nữa mới phải nộp

Với việc gia hạn 5 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của tháng 3 đến tháng 6, Bộ Tài chính ước tính số thu ngân sách giảm khoảng 22.600 tỉ đồng. Trong đó, số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỉ đồng; của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 31-12.

Ngoài đối tượng doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, Bộ Tài chính cũng cho biết cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thuộc các ngành nghề nêu trên cũng được chậm nộp tiền thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân năm nay với tổng số tiền 3.000 tỉ đồng.

Hạn chót phải nộp 2 sắc thuế này là trước ngày 15-12.

Theo Tuổi trẻ

Khó khăn vì COVID-19, doanh nghiệp lại thêm hụt hẫng vì ngành thuế sửa nửa vời

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra khá hụt hẫng trước quyết định mới nhất của Bộ Tài chính liên quan đến dự thảo sửa đổi Nghị định 20 liên quan đến trần lãi vay.

Với việc phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai, điển hình là tạo thêm gánh nặng thuế cho rất nhiều doanh nghiệp trong nước, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án sửa đổi Nghị định 20 là áp dụng lãi vay thuần (lãi vay trừ lãi tiền gửi, tiền cho vay) và nâng trần lãi vay từ 20% lên 30%.

Tuy nhiên điều khó hiểu là Bộ Tài chính lại quyết định không cho hồi tố những khoản thuế phát sinh từ quy định bất cập này của kỳ quyết toán thuế năm 2017, 2018 mà chỉ thực hiện từ kỳ quyết toán thuế 2019.

Theo phần đông ý kiến của các chuyên gia, việc cho hồi tố sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế khi mà bên vay lẫn cho vay đều phải nộp thuế cho phần vượt mức trần. Việc công ty mẹ đứng ra vay rồi cho các công ty con vay lại là việc hết sức phổ biến trong mô hình các tập đoàn kinh tế hiện nay.

Là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng lớn của trần lãi vay với số thuế phát sinh hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm qua, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Lê Quang Dũng đã chia sẻ trên VTV: “Nếu quy định không cho hồi tố thì đơn vị này sẽ rất khó khăn, đặc biệt là các khoản vay đứng ra thu xếp hộ đơn vị thành viên, Tập đoàn hoàn toàn không có khoản thu chênh lệch gì mà cuối cùng cả công ty mẹ lẫn các đơn vị thành viên đều phải chịu thuế”.

Do đang trong quá trình cầm cự để tái cấu trúc hoạt động, CEO HAGL Võ Trường Sơn nhận định việc không cho hồi tố khiến tập đoàn lâm vào tình cảnh khó mà vực dậy được. Việc đang thua lỗ nhưng vẫn phải nộp hàng trăm tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp là một nghịch lý rất lớn, làm doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn thêm.

Với kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20.

Nếu phương án không hồi tố được “chốt” thì theo như ý kiến loại trừ của kiểm toán, HAGL sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Với góc nhìn tổng quan hơn, luật sư Trần Minh Hải, giám đốc điều hành công ty luật Basico cho rằng Bộ Tài chính cần phải quay lại vấn đề cốt lõi của Nghị định 20 là chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI chứ không phải chỉ là sửa đổi trần lãi vay từ 20% lên 30%. “Đối với các DN trong nước đã có luật Thuế thu nhập DN điều chỉnh. Trong đó các chi phí, thu nhập liên quan đến tài chính, lãi vay đều phải theo quy định của luật thuế là hợp lý, hợp lệ” – luật sư Trần Minh Hải chia sẻ trên báo Thanh niên.

Rõ ràng trong lúc các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang tìm cách ứng phó với tác động của Covid-19, Bộ Tài chính cần sửa đổi Nghị định 20 theo hướng tháo gỡ triệt để khó khăn cho doanh nghiệp.

Nếu được hồi tố khoản thuế đã nộp, đây có thể coi như một liều vắc xin giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn hiện tại. Và nó cũng sẽ đi đúng theo tinh thần của chỉ thị 11/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

Theo CafeF

“Khai tử” hóa đơn và đơn thuốc giấy

Đó là các thông tin được đưa ra từ Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) và Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. 

Hóa đơn điện tử kiêm giấy tính tiền

Theo ông Ông Lưu Đức Huy – vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) trong bài phỏng vấn trên Báo Tuổi trẻ, từ ngày 1-11-2020, sẽ chính thức chấm dứt sử dụng hóa đơn giấy và chuyển sang dùng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi cả nước.

Bên bán và bên mua hàng hóa, dịch vụ sẽ thỏa thuận để lựa chọn phương thức giao, nhận HĐĐT như qua email, fax, tin nhắn…

Đối với hàng hóa tiêu dùng ở siêu thị, cửa hàng thuốc tân dược… hay các dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà hàng… thì HĐĐT là giấy tính tiền được in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu về cơ quan thuế.

Khách thanh toán tiền mua hàng tại siệu thị tại TP.HCM

Đối với các hộ kinh doanh nhỏ, nhất là ở các chợ đều không có máy tính nên việc phát hành HĐĐT kết nối với cơ quan thuế là khó khăn.

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phối hợp với các công ty cung cấp các ứng dụng phần mềm để các hộ kinh doanh chỉ cần có điện thoại thông minh để tải phần mềm, app về để khởi tạo HĐĐT.

HĐĐT không được kỳ vọng có thể là chìa khóa vạn năng, có thể chống được tuyệt đối việc gian lận, trốn thuế. HĐĐT giúp quản lý tốt hơn và tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ hóa đơn của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Không đơn thuốc giấy

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh vừa tổ chức tại Hà Nội: Khi có đơn thuốc điện tử Quốc gia, người dân sẽ không còn cần dùng đơn thuốc giấy và sổ y bạ như trước đây. 

Theo vị này, vì bất cập trong việc kê đơn thuốc nên cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát đơn thuốc, không biết bác sĩ có đủ thẩm quyền kê đơn không, nhà thuốc có bán thuốc theo đơn không, người bệnh có sử dụng đơn thuốc quá hạn để mua không, tình trạng đơn thuốc viết tay rất khó đọc hoặc lạm dụng kê đơn, kê thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Do đó, Bộ Y tế quyết tâm xây dựng đề án kê đơn thuốc điện tử, liên thông toàn bộ đơn thuốc tất cả các cơ sở y tế trên cả nước, đang được thí điểm tại 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh. 

Toàn bộ đơn thuốc đã kê của 2 tỉnh này đều đã được gửi lên đơn thuốc điện tử quốc gia và các cấp quản lý; các cơ sở cũng cũng nhận được đơn thuốc qua hệ thống điện tử và tiến hành bán thuốc theo đơn.

Toàn bộ thông tin về người kê đơn, tên bệnh nhân, bác sĩ kê đơn sẽ được hiện đầy đủ trên dữ liệu đơn thuốc điện tử quốc gia

Sau khoảng 1 năm thí điểm, Bộ Y tế sẽ triển khai áp dụng đồng thời ở các cơ sở khám chữa bệnh công và tư nhân trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Y tế kỳ vọng đề án này sẽ khắc phục được tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và các thuốc kiểm soát đặc biệt để tránh tình trạng kháng kháng sinh đang tăng nhanh tại nước ta.

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện đầu tiên tại Đồng Nai triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Bệnh án điện tử sẽ trực tiếp kết nối với các phần mềm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, điều dưỡng không còn phải in phiếu ra như trước mà chỉ cần dựa vào bệnh án điện tử để đưa bệnh nhân đi làm xét nghiệm. Điều dưỡng không cần ghi chép lại thông tin mà chỉ cần kiểm tra thông tin của bệnh nhân trên bệnh án điện tử xem đã đầy đủ chưa.

Khi dùng bệnh án điện tử, bác sĩ, điều dưỡng có thêm nhiều thời gian để giao tiếp, tương tác với bệnh nhân, hiểu bệnh nhân và có những chia sẻ qua lại nhằm đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

VPPA tổng hợp