Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, ngày 23/11, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) tổ chức tọa đàm về “Vai trò của công tác đối ngoại nhân Việt Nam-Thụy Điển trong 50 năm qua”.
Tọa đàm là dịp tốt để nhân dân hai nước cùng ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Thụy Điển, giữa Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển và các đối tác, bạn bè Thụy Điển; đặc biệt là những việc làm, tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam và người dân Thụy Điển dành cho nhau trong suốt chặng đường 50 năm qua.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Thụy Điển là một trong số các nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/1/1969. Quan hệ hai nước Việt Nam-Thụy Điển ngay từ đầu đã gắn với những phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều tổ chức Thụy Điển tham gia. Mối quan hệ này không ngừng được vun đắp qua năm tháng bởi những thế hệ người Việt Nam và Thụy Điển. Sự hỗ trợ, ủng hộ của nhân dân Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam không chỉ là sự ủng hộ quý báu về mặt tinh thần, tình cảm mà còn có cả sự hỗ trợ về mặt vật chất trong giai đoạn đất nước Việt Nam gặp khó khăn. Những công trình lớn ở Việt Nam được Thụy Điển giúp xây dựng như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Uông Bí đã trở thành những biểu tượng của mối quan hệ giữa hai nước.
Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, đóng góp vào sự phát triển tốt đẹp quan hệ hai nước những năm qua, Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển đã tổ chức được nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân như trao đổi đoàn, giao lưu hữu nghị, văn hóa, giáo dục, trao đổi thông tin, tuyên truyền để người dân hai nước hiểu hơn về nhau, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Thụy Điển.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển hy vọng và tin tưởng, sự hợp tác giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Thụy Điển sẽ ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phồn vinh của mỗi quốc gia, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển trên toàn thế giới; khẳng định, Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển, các chi hội và mỗi thành viên sẽ nỗ lực hết sức để góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Ann Margareta Mawe cho biết, là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969, Thụy Điển đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhiều công trình tái thiết chiến tranh và các dự án viện trợ ý nghĩa khác. Thụy Điển là nhà tài trợ đầu tiên cho Việt Nam trong các lĩnh vực cải cách tư pháp,chống tham nhũng, minh bạch, bình đẳng giới…
Đánh giá cao sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua, Đại sứ Ann Margareta Mawe cho biết, với việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, hiện nay, Thụy Điển đã rút hầu hết các dự án viện của mình ở Việt Nam; tuy nhiên, Chính phủ Thụy Điển vẫn tham gia các chương trình khu vực và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc. 60 doanh nghiệp Thụy Điển có mặt ở Việt Nam không chỉ mang đến công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của Thụy Điển mà còn là cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.
Về lĩnh vực đối ngoại nhân dân, Đại sứ Ann Margareta Mawe khẳng định, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước sẽ tiếp tục có bước phát triển vượt bậc trong tương lai trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực đối ngoại nhân dân.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe các tham luận, trao đổi, đóng góp ý kiến tích cực và có những chia sẻ chân tình, tâm huyết góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Thụy Điển và triển vọng phát triển quan hệ hợp tác song phương.
Theo báo Tin tức