Trung Quốc thử nghiệm tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số, hàm ý chính sách đối với Việt Nam thế nào?

Ngày 13-05-2020
VPPA-Với lợi ích và xu thế phát triển tiền kỹ thuật số của NHTW và Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này, đã đến lúc NHTW các nước cần nghiêm túc coi đây là một việc mang tầm chiến lược. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, có ít nhất 5 hàm ý chính sách quan trọng đối với Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nhanh liên quan đến động thái thử nghiệm tiền Nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số.

Bản chất, lợi ích và ý nghĩa của việc thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số của Trung Quốc

Sau gần 2 năm công bố chính thức về nghiên cứu đồng NDT kỹ thuật số, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số (gọi tắt là DCEP) từ đầu tháng 5/2020. Đây được coi là giai đoạn 1- giai đoạn thử nghiệm trong lộ trình 3 giai đoạn triển khai DCEP. Theo đó, NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ hợp tác với 7 tổ chức ngân hàng – công nghệ để thực hiện thử nghiệm trong quy mô nhỏ, thí điểm tại 4 thành phố: Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Bảo Định từ ngày 4/5/2020; và chưa rõ thời gian thí điểm sẽ bao lâu. Một số công ty nước ngoài như Starbucks, McDonald’s và Subway được cho là sẽ tham gia thử nghiệm.

Về bản chất, DCEP là đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (CBDC), trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kỹ thuật số, là một dạng tiền pháp định được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi NHTW Trung Quốc (thông qua giá trị đồng NDT). DCEP được coi là phiên bản nâng cấp của NDT tiền mặt với nhiều chức năng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của NHTW trong nền kinh tế số. DCEP được vận hành như tiền giấy thông thường, chỉ khác là tồn tại dưới dạng kỹ thuật số trong ví điện tử được NHTW Trung Quốc công nhận.

Về lợi ích và tác động dài hạn của DCEP: với nền tảng công nghệ Blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của NHTW, 6 lợi ích nổi bật của DCEP gồm: (i) Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt (chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, lây lan dịch bệnh…); (ii) Nâng cao vị thế đồng NDT, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng tiền này, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD;

(iii) Nâng cao hiệu quả  thực thi chính sách tiền tệ và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính (do trong tầm kiểm soát); (iv) Hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế (thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số); (v) Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; (vi) Tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn…v.v.

TS. Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

Ý nghĩa của việc thử nghiệm DCEP đối với Trung Quốc: việc sớm đưa vào thử nghiệm đồng DCEP có 6 ý nghĩa nổi bật đối với Trung Quốc, đó là: (i) Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc đưa đồng DCEP trở thành đồng tiền KTS có chủ quyền, có kiểm soát đầu tiên trên thế giới; (ii) Khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc đối phó với các loại tiền ảo hay tiền kỹ thuật số ẩn danh như Bitcoin, Litecoin, đặc biệt đồng Libra (do Facebook đang khởi xướng) … có thể đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính Trung Quốc và toàn cầu; (iii) Là sáng kiến hợp tác công – tư; theo đó việc hợp tác với các tổ chức thanh toán lớn và uy tín của Trung Quốc như Alipay, Tencent để phát triển các chức năng tương tự các nền tảng thanh toán trực tuyến hiện có sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng mức độ phổ cập cho người dân (kể cả những người chưa tiếp cận tài chính chính thức, chưa có tài khoản ngân hàng, buôn bán nhỏ lẻ tại các miền quê…);

(iv) Bắt đầu với các giao dịch giá trị nhỏ trong giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, du lịch, khách sạn…sau đó từng bước mở rộng giá trị và phạm vi giao dịch để không gây xáo trộn hệ thống thanh toán; (v) Hướng tới xã hội không tiền mặt đầu tiên trên thế giới hậu Covid-19, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh do lưu thông tiền tệ truyền thống (tiền mặt, coin…); (vi) Do đồng DCEP là tiền kỹ thuật số, “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, có thể tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh; theo đó, NHTW Trung Quốc có thể áp dụng lãi suất âm để kích thích tăng trưởng ngay cả khi đồng DCEP được sử dụng rộng rãi và người dân không gửi tiền trong ngân hàng.

Rủi ro, thách thức khi Trung Quốc dùng DCEP

Năm hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Với lợi ích và xu thế phát triển tiền kỹ thuật số của NHTW và Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này, đã đến lúc NHTW các nước cần nghiêm túc coi đây là một việc mang tầm chiến lược. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, có ít nhất 5 hàm ý chính sách quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ nhất, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước về việc xây dựng lộ trình phát hành CBDC (nếu có) phù hợp với Việt Nam: thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát hành DCEP từ năm 2014 và thực hiện nhất quán việc triển khai bất chấp các quan điểm khác nhau, trái ngược của các quốc gia, tổ chức quốc tế. Kế hoạch nên được xây dựng với lộ trình, nội dung cụ thể, chi tiết về đơn vị đầu mối chính, cơ chế vận hành, thời gian thử nghiệm, chính thức…v.v. Một điểm cốt yếu cần lưu ý là cần có cách tiếp cận mở song vẫn kiểm soát được rủi ro.

Thứ hai, đánh giá tác động của việc Trung Quốc triển khai đồng DCEP và các nước phát hành đồng tiền kỹ thuật số khác sau này để có thể: (i) xác định phương án tham gia và thái độ chấp nhận phù hợp (nếu được mời); (ii) đánh giá tổng thể, bài bản, thường xuyên về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư (FDI, FII) của Trung Quốc để có kế hoạch, kịch bản ứng phó khi đồng DCEP được Trung Quốc sử dụng rộng rãi, trong cả thanh toán và đầu tư quốc tế; và (iii) xây dựng kế hoạch ứng phó với sự phát triển của đồng DCEP trong thanh toán biên mậu và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ ba, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới xã hội không tiền mặt, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bắt kịp xu thế thế giới: (i) Việt Nam cần sớm ban hành “Chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia“; ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (đã áp dụng từ năm 2016); (ii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm – sandbox) đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, Fintech, mobile money, cho vay ngang hàng….v.v.; (iii) Thực hiện tốt cấu phần giáo dục tài chính trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (qua kênh Mobile như một số quốc gia đang thực hiện; nên quy định giáo dục tài chính cá nhân như là môn học bắt buộc từ bậc phổ thông trung học) từ đó hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ tư, nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số: (i) Nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS), cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được tiếp cận RGTS, tiến tới cho phép tiền kỹ thuật số được tích hợp một cách hiệu quả vào hệ thống thanh toán quốc gia; (ii) Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; (iii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Cuối cùngtăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý đồng tiền DCEP của Trung Quốc và tiền kỹ thuật số nói chung: (i) NHNN chủ động phối hợp với NHTW các quốc gia và các tổ chức quốc tế nghiên cứu, chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số nói chung và tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành nói riêng; (ii) NHNN và các tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số cần phối hợp tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, chống trốn thuế; nghiên cứu cơ chế lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với qui định của Việt Nam và pháp luật quốc tế; và (iii) Tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập, an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia.

TheoCafeF

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng