Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, ngành: Nhiều giấy phép, thủ tục hành chính sẽ thay đổi

Ngày 24-04-2019
VPPA-Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 22 tháng 4 năm 2019, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành […]

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 22 tháng 4 năm 2019, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành và một số Hiệp hội nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp.

Các Bộ, ngành làm việc gồm: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương và một số Hiệp hội ngành nghề. 

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham dự gồm: Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội; Ông Đặng Văn Sơn – Tổng thư ký và ông Lê Công Hoàng – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô – Chuyên gia pháp chế của Hiệp hội,…

Tại cuộc họp, nhiều kiến nghị của Hiệp hội Giấy và Bột giấy về việc phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã được Tổ công tác đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các rào cản về hành chính là tạo bứt phá cho tăng trưởng năm 2019. Chính  phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội và các bộ, cơ quan, địa phương để thực hiện việc cải cách hành chính được thực hiện mạnh mẽ, thực chất.

“Tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp nêu lên khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách, đồng thời kiến nghị cụ thể trong từng nội dung, lĩnh vực. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành đã có ý kiến chi tiết đối với từng kiến nghị của các Hiệp hội.

Ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần thay đổi nhiều chính sách giúp ngành giấy phát triển bền vững.

Kiến nghị của Hiệp hội và ý kiến của các Bộ, ngành

Tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề cụ thể sau:

Bộ Công Thương:

– Kiến nghị xây dựng “Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 theo nội dung Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2015, thay cho Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Giấy Việt Nam đến năm 2010, có xét đến 2025”, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 01/01/2019, làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy, giúp cho ngành phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.

– Ý kiến của Văn phòng Chính phủ: Nhất trí với kiến nghị của Hiệp hội. Đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 và báo cáo Thủ tướng.

– Ý kiến của Bộ Công Thương – Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Thống nhất với ý kiến của Văn phòng Chính phủ và sẽ nghiên cứu, xem xét giao các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam thực hiện.

– Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bổ sung: Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chiến lược sẽ bao gồm các phần chính sách thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung; đầu tư nước ngoài FDI vào các dự án giấy và bột giấy… như Hiệp hội kiến nghị.

Bộ Tài nguyên và Môi trường:

 – Kiến nghị xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm giấy thu hồi, hoạt động thu gom và tái chế giấy. Từ đó, nghiên cứu hoàn thiện chính sách phát triển ngành nói chung và nhập khẩu nói riêng theo xu hướng của các nước phát triển đối với ngành công nghiệp giấy. Xây dựng các thủ tục tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy đang tăng nhanh. Coi giấy thu hồi như một loại nguyên liệu thứ cấp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất như hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng.

– Kiến nghị đối với thủ tục đầu tư: Đề nghị chỉ cần doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì đủ điều kiện thay thế các loại giấy phép khác như: giấy phép cấp nước, giấy phép xả nước thải, giấy phép xả khí thải, giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm tiêu chuẩn sản xuất… Điều này nhằm hạn chế việc trùng lặp khi cấp phép giữa các giấy phép khác nhau.

– Về quy định nguồn thải: Đề nghị bỏ việc phải xin cấp Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp để kiểm soát ô nhiễm, do việc này chỉ mang tính hình thức.

– Về công tác xin chấp thuận Chủ trương đầu tư dự án: khi chuẩn bị Hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, các cấp có thẩm quyền yêu cầu phải có “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường” theo Điều 34 Luật đầu tư, tuy nhiên theo quy định của pháp luật về môi trường hiện hành chưa hướng dẫn thế nào là “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”. Hơn nữa, tại thời điểm lập Hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chưa có đủ thông tin để tiến hành đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị, nhà đầu tư chỉ phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sau khi đã được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư mà không cần phải “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”. 

Ý kiến của Văn phòng Chính phủ: Các nội dung trên đã được tiếp thu và sẽ xử lý tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định hướng dẫn Luật môi trường (hiện đang trình Chính phủ phê duyệt). Những vướng mắc giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường, đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.

 Ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ghi nhận ý kiến của Hiệp hội, đồng thời thông báo, những nội dung này sẽ được xem xét trong quá trình soạn thảo nội dung Nghị định sửa đổi Nghị định số: 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu sẽ được ban hành trong thời gian tới.

– Kiến nghị Quốc hội xây dựng và sớm ban hành “Luật Khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế” hay “Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên” hoặc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014, số 55/2014/QH13) nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế trong nước, hạn chế dần việc nhập khẩu; nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với ngành công nghiệp giấy, từ đó hiểu rõ ngành công nghiệp giấy là một trong những ngành sản xuất tuần hoàn, có tính tái tạo cao và có ý nghĩa quan trọng; gắn liền với sự phát triể của nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và cơ khí chế tạo, năng lượng, vận tải…

  Ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Khi chưa có luật cần xây dựng nghị định dưới luật để triển khai, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắt trước mắt cho doanh nghiệp hoạt động.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo, các kiến nghị của Hiệp hội đã được xem xét và đưa vào nội dung Nghị định sửa đổi Nghị định số: 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Bộ Tài chính:

– Về thời điểm tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (gọi tắt là ký quỹ). Đề nghị giảm số phần trăm phải nộp khi kỹ quỹ và quy định việc ký quỹ phải được thực hiện trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu (không quy định số ngày như hiện tại). Đồng thời, đề nghị xem xét nếu nhà nước đã quy định chỉ cấp phép nhập khẩu phế liệu cho các đơn vị trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thì việc ký quỹ có thể thực hiện linh hoạt, nhằm hạn chế việc tồn đọng vốn khi ký quỹ và giảm bớt thủ tục khi thực hiện như sau: cho phép doanh nghiệp được lựa chọn hình thức ký quỹ, nghĩa là có thể thực hiện ký quỹ theo từng lô hàng hoặc doanh nghiệp có thể đặt sẵn một khoản tiền trong kho bạc, việc ký quỹ tiếp tục có hiệu lực cho lô hàng sau nếu lô hàng trước được thông quan, không có vi phạm.

 Ý kiến của Văn phòng Chính phủ: Các nội dung này đã được xử lý tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn luật môi trường đang trình Chính phủ, theo đó, ký quỹ tại dự thảo nghị định đã cho lựa chọn hình thức theo lô hàng hoặc theo hợp đồng (thời gian ngắn hoặc dài là theo thời gian hợp đồng).

 Ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Riêng hình thức ký quỹ vẫn phải duy trì, đây là cách các nước trên thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét không quy định ngày ký quỹ. Hình thức ký quỹ sẽ đề xuất Bộ Tài chính xem xét sao cho phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

 – Xây dựng chính sách quy định, định hướng và phân vùng đầu tư, tận dụng tối đa được lợi thế về địa lý và nguyên liệu sản xuất, tránh việc đầu tư quá tập trung tại một hoặc một số địa phương, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư của các dự án, dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng.

Cấp phép đầu tư mới cần xem xét với từng dự án cụ thể, không cấp phép dự án có quy mô quá lớn và thực hiện nhiều giai đoạn trong thời gian dài như trước đây. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp;

Ban hành chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung của ngành giấy, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp đã quy hoạch, nhằm đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng điện nước, nguyên liệu cho hệ thống sản xuất, đồng thời quản lý và xử lý môi trường tập trung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp;

Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

 Áp dụng chính sách bình đẳng giữa các doanh nghiệp đầu tư trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong việc hỗ trợ cơ chế, tiếp cận nguồn vốn, thuê đất,… Đa dạng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn bằng cách đẩy nhanh tiến độ cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, tạo lập nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành giấy, tạo điều kiện để ngành giấy tiếp cận với công nghệ hiện đại.

 Ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư – Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu: Đối với các kiến nghị của Hiệp hội về chính sách liên quan đến thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ghi nhận các kiến nghị của Hiệp hội, đồng thời đề nghị Hiệp hội có những báo cáo cụ thể, chi tiết để Bộ có cơ sở, căn cứ sửa đổi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

– Đầu tư phát triển nguyên liệu trong nước, nhất là sản xuất bột giấy nhằm đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, tiết kiệm ngoại tệ và thay thế hàng nhập khẩu. Khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển vùng trọng điểm rừng trồng nguyên liệu giấy phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có xét đến lợi thế so sánh giữa các địa phương.

 Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Về kiến nghị xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu của Hiệp hội, theo chức năng quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên, thực tế ngành công nghiệp giấy không thiếu nguồn nguyên liệu, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dăm mảnh lớn, trong khi sử dụng trong nước chưa cao. Vì thế cần cân đối, xem xét, và đề nghị Hiệp hội có báo cáo chi tiết để Bộ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có quy hoạch phù hợp phục vụ phát triển ngành giấy.

Sau khi nghe trao đổi, giải trình của các Bộ, ngành, ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cảm ơn các Bộ, ngành, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp giấy Việt Nam, đồng thời kiến nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến việc áp mã HS cho nguyên liệu nhập khẩu (đề nghị nghiên cứu, xem xét làm rõ việc áp mã HS đối với mã 4804 và 4805, đồng thời đề nghị không hồi tố việc truy thu thuế và phạt doanh nghiệp việc áp sai mã thuế khi chưa thống nhất việc thực hiện) và bất cập trong quy định thuế nhập khẩu đối với giấy tráng phủ 1 mặt và 2 mặt.

Kết luận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:

Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của Hiệp hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã kết luận:

Ghi nhận và nhất trí các kiến nghị của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành rà soát, trả lời nhằm đưa ra các chính sách, cơ chế phù hợp thực tiễn.

Những ý kiến, kiến nghị của các Hiệp hội và kết luận của phiên họp này sẽ được Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết phiên họp sắp tới của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hiện nay Chính Phủ đang nỗ lực cải cách hành chính nên Tổ trưởng Tổ công tác và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành khi xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật cần đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên liên quan, cũng như đề nghị nên tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các hội ngành nghề với các vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp, để đưa ra những quyết sách điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng văn bản pháp luật một khi đã ký ban hành, sẽ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Vì hiện tại, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về hành lang pháp lý, đảm bảo một hành lang thông thoáng, minh bạch và ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi làm ăn, nâng cao năng lực cạnh tranh”./.

VPPA tổng hợp

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng