Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy: Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cây nguyên liệu giấy cho năng suất, chất lượng cao

Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất

Trong giai đoạn 2015 – 2020, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy tổ chức thực hiện 21 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước, 16 đề tài và 02 dự án cấp Bộ Công Thương, 01 dự án cấp tỉnh Phú Thọ, 01 đề tài cấp Tổng công ty. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu đầu tư tập trung cho lĩnh vực như: Chọn tạo giống mới bạch đàn và keo; nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô các giống mới để đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống cho sản xuất; các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phòng trừ sâu bệnh hại nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng cung cấp gỗ và nguyên liệu giấy. Viện tập trung ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp mới đáp ứng mục đích kinh doanh của ngành như: Bạch đàn (PN2, PN14, PN3d, PN10, PN14, PN21, PN24, PN46, PN47, PN54, PN108, PN116, PNCT3, PNCTIV, PNCT4), Keo lai (KL2, KL20, KLTA3), Keo hạt (xuất xứ SW.Cains và Bloomfield). Công nghệ nhân giống hiện đại (nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống) đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống trồng rừng của Vinapaco, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Viện tiếp tục triển khai chọn và dẫn giống, lai giống để tìm ra những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt nhằm bổ sung nguồn giống cho quốc gia. Nghiên cứu thành công kỹ thuật lâm sinh thâm canh cao trong trồng rừng công nghiệp có năng suất cao, với năng suất bình quân của một số dòng bạch đàn mô, hom đạt từ 20 – 25 m3/ha/năm. Đồng thời, Viện triển khai các nghiên cứu về: mật độ trồng rừng, làm đất, phân bón, trồng rừng hỗn giao… Từ đó xây dựng được các quy trình trồng rừng thâm canh áp dụng cho các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy.
Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy: Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cây nguyên liệu giấy cho năng suất, chất lượng cao
Cây nguyên liệu giấy giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống trồng rừng của Vinapaco
Bên cạnh các nội dung thuộc thế mạnh đang triển khai, Viện còn đẩy mạnh tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong, ngoài nước nhằm tận dụng tối đa sự hỗ trợ, phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đối với hoạt động SXKD cây giống, Viện xây dựng chiến lược theo hướng nâng cao sức cạnh tranh về chủng loại, chất lượng sản phẩm, không ngừng hoàn thiện và đổi mới công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất.

Ứng dụng các đề tài nghiên cứu trong hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp

Viện đã từng bước đưa vào thực hiện các nhiệm vụ có tính ứng dụng cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Với những thành công trong công tác chọn, tạo, nhân giống và áp dụng những thành quả vào sản xuất, hàng năm Viện sản xuất từ 3 – 5 triệu cây mầm mô bạch đàn phục vụ nhu cầu trồng rừng trong Tổng công ty và đông đảo nhân dân trong vùng. Tổ chức sản xuất tại chỗ  4 – 5 triệu cây con bằng mô, hom (bạch đàn, keo lai, keo hạt) đủ tiêu chuẩn xuất vườn cho các tổ chức, cá nhân SXKD trồng rừng nguyên liệu giấy.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy còn thúc đẩy phát triển hợp tác tư vấn cho các cá nhân, tổ chức sản xuất cây giống trong vùng và cả nước về sản xuất cây con chất lượng cao từ 1 – 1,5 triệu cây.
Hàng năm trồng từ 40 – 50 ha rừng trồng sản xuất theo hình thức thâm canh cao với năng suất sản lượng đạt 15 – 20 m3/ha/năm.

Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy: Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cây nguyên liệu giấy cho năng suất, chất lượng cao

Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy: Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cây nguyên liệu giấy cho năng suất, chất lượng cao
Cây con sản xuất tại chỗ bằng mô, hom đủ tiêu chuẩn xuất vườn cho các tổ chức, cá nhân SXKD trồng rừng nguyên liệu giấy.
Mỗi năm, khai thác gỗ nguyên liệu giấy từ 4.000 – 5.000 m3 phục vụ cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy. Thông qua hoạt động nghiên cứu, năm 2016 Viện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận thêm 03 giống mới bạch đàn là giống quốc gia để đưa vào trồng rừng sản xuất đại trà ở khu vực phía Bắc. Từ năm 2016 đến nay, quy trình nuôi cấy mô các giống Bạch đàn PNCT3 và PNCTIV được Viện nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất ngay tại đơn vị đã góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của Viện. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn cùng sự cố gắng của các bộ phận sản xuất, cơ cấu sản phẩm cây giống của Viện đã có những bước dịch chuyển tích cực. Các giống mới có năng suất, chất lượng cao (Bạch đàn PNCT3, PNCTIV, PN108, Cự vĩ DH32-29…) đã được đưa vào sản xuất để thay thế các giống đã sử dụng nhiều năm nay (Bạch đàn PN2, PN14, U6) góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thường xuyên bám sát nhu cầu thị trường, đẩy mạnh công tác tiêu thụ cây giống (đặc biệt là cây con trồng rừng trong thời điểm chính vụ). Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, trung bình mỗi năm đơn vị sản xuất và tiêu thụ gần 5 triệu cây giống các loại. Cây giống do Viện cung ứng ra thị trường đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng giống mới trong trồng rừng sản xuất ở vùng Trung tâm Bắc Bộ. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu nói chung luôn đi đôi với khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy: Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cây nguyên liệu giấy cho năng suất, chất lượng cao
Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng rừng nguyên liệu, thân thiện với môi trường
Để khẳng định uy tín và vị thế của đơn vị trong cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp năng suất, chất lượng, Viện nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật về sử dụng vật liệu mới, cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, Viện chú trọng tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng, củng cố công tác tiêu thụ sản phẩm, phối hợp nhịp nhàng giữa lĩnh vực sản xuất với lĩnh vực tiêu thụ từ đó tăng tính hiệu quả nâng cao năng suất, góp phần phát triển bền vững Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Theo Tổng công ty Giấy Việt Nam

Hiệp hội Giấy dự họp với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về Nghị định 40/2019/ND-CP

Sáng ngày 27/8/2020, Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã tham dự buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các Hiệp hội và tổ chức đã có kiến nghị về những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp khi thực hiện nội dung của Nghị định 40/2019/ND-CP. Phát biểu tại cuộc họp, Ông Đặng Văn Sơn tiếp tục trình bày về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Ngành Giấy khi thực hiện Nghị định, giải thích rõ về các kiến nghị của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã gửi về Tổ Công tác và Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Đối với Quy định về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất: Đề nghị tự động gia hạn Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp có Giấy xác nhận hết hạn trước thời gian này.

Đối với quy định về thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Gia hạn thời gian thực hiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục đến 31/12/2021. Nội dung này đã có ý kiến của Bộ Tài nguyên – Môi trường, đề nghị đưa vào Nghị quyết tháng 8/2020 của Chính phủ.

Đề nghị xem xét không quan trắc, giám sát định kỳ chỉ tiêu Dioxin/Furan trong QCVN12-MT/2015/BTNMT đối với các nhà máy sản xuất giấy tissue, giấy bao bì hòm hộp (có nguyên liệu từ bột giấy thương phẩm, giấy thu hồi).

Chiều ngày 28/8/2020, Ông Đặng Văn Sơn lại tiếp tục tham dự buổi việc của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan về phương án xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới Nghị định 40/2019 sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, các bộ, cơ quan đã thống nhất hướng xử lý nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc thực hiện Nghị định 40. Các bộ, cơ quan cho rằng kiến nghị, phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp là hợp lý và có cơ sở thực tiễn, do khó khăn bất khả kháng của tình hình đại dịch Covid-19.

Các bộ, cơ quan đã thống nhất đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời gian phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc đến trước ngày 31/12/2021, tức là thêm 1 năm nữa.

Các bộ, cơ quan cũng thống nhất phương án cho tự động gia hạn/cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu nguyên liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31/12/2021./.

VPPA

APP Trung Quốc mua lại Bohui Group, chiếm lĩnh thị phần bìa ngà có tráng tại Trung Quốc

Việc nắm quyền sở hữu Bohui Group đã giúp APP Trung Quốc trở thành nhà sản xuất bìa carton từ bột nguyên thủy (virgin cartonboard) lớn nhất tại Trung Quốc với tổng công suất đạt 3,3 triệu tấn/năm, chủ yếu là bìa ngà có tráng (coated ivory), tại hai nhà máy ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang và một nhà máy ở thành phố Tần Châu, Tỉnh Quảng Tây.

Shandong Bohui giữ vị trí thứ hai, có tổng công suất giấy, bìa carton từ bột giấy nguyên sinh đạt 2,9 triệu tấn/năm tại nhà máy Zibo ở tỉnh Sơn Đông và nhà máy Dafeng ở tỉnh Giang Tô. Sản phẩm chủ yếu của Shandong Bohui cũng là bìa ngà có tráng.

Cả hai công ty này chiếm khoảng 50% tổng sản lượng giấy bìa ngà có tráng của cả nước.

APP China hiện đang xây dựng một máy sản xuất bìa carton làm từ bột nguyên thủy công suất 1,25 triệu tấn/năm tại nhà máy Qinzhou ở Quảng Tây, với dự kiến ​​khởi chạy vào giữa năm 2021./.

   >>> Thống kê bột giấy toàn cầu tháng 7/2020

Theo Fastmarkets RISI

Tháo nút thắt cho doanh nghiệp sử dụng phế liệu nhập khẩu

Chiều 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với các bộ, cơ quan về phương án xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới Nghị định 40/2019 sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Phát biểu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Nghị định 40 ra đời trong bối cảnh vấn đề quản lý phế liệu được xã hội và các cơ quan quản lý rất quan tâm. Nội dung nhất quán là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phát triển kinh tế phải giữ được môi trường.

Nghị định đã xử lý được rất nhiều vấn đề, chấn chỉnh các khâu liên quan đến bảo vệ môi trường từ cấp phép, nhập khẩu tới sản xuất. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghị định cũng có những khó khăn, vướng mắc.

Vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp trong nước cũng đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng và tổ công tác về các khó khăn, vướng mắc này.

Cụ thể, theo Khoản 20, 23 Điều 3 Nghị định 40, các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải liên tục, tự động và truyền dữ liệu về sở tài nguyên và môi trường địa phương để được theo dõi, giám sát, thời hạn hoàn thành trước 31/12.Tại buổi làm việc, các bộ, cơ quan đã thống nhất hướng xử lý nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc thực hiện Nghị định 40. Các bộ, cơ quan cho rằng kiến nghị, phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp là hợp lý và có cơ sở thực tiễn, do khó khăn bất khả kháng của tình hình đại dịch Covid-19.

  >>> Ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 4 – 2020

Các doanh nghiệp phản ánh, do dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không bảo đảm nguồn lực để hoàn thành thủ tục theo thời hạn. Vì chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nói trên, các doanh nghiệp cũng không thể nhập phế liệu dùng làm nguyên liệu để sản xuất do không xin được giấy phép nhập khẩu.

Các bộ, cơ quan đã thống nhất đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời gian phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc đến trước ngày 31/12/2021, tức là thêm 1 năm nữa.

Các bộ, cơ quan cũng thống nhất phương án cho tự động gia hạn/cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu nguyên liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31/12/2021.

Cùng với đó, cho tự động gia hạn/cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định 40 đến hết ngày 31/12/2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết các nội dung này sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới để tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu Nghị định 40 nhằm kịp thời phát hiện các bất cập, tồn tại khi áp dụng trong thực tiễn để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước và phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với đất nước, xã hội trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo Văn phòng Chính phủ

Thống kê tiêu thụ giấy SC, CMR, UMR tại Châu Âu

Tổng tiêu thụ giấy cán láng (SC) tại châu Âu giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 179.000 tấn. Trong đó, trong EU giảm 12,8%, xuống 165.000 tấn và ngoài EU giảm mạnh 62,6%, xuống 14.000 tấn.

Tổng tiêu thụ giấy không tráng (CMR) tại châu Âu giảm mạnh 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 253.000 tấn. Trong đó, trong EU giảm 29,0%, xuống còn 203.000 tấn, ngoài EU giảm 62,0%, xuống 49.000 tấn.

Tổng tiêu thụ giấy in từ bột cơ học không tráng dạng cuộn (UMR) tại châu Âu giảm 10,3% so với năm ngoái, xuống còn 142.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ trong EU giảm 7,5%, xuống 113.000 tấn và ngoài EU giảm 19,9%, xuống còn 29.000 tấn.

    >>> Thống kê bột giấy toàn cầu tháng 7/2020

Theo EURO-GRAPH

Thống kê bột giấy toàn cầu tháng 7/2020

Theo số liệu báo cáo của Hội đồng sản phẩm Giấy và Bột giấy toàn cầu, trong tháng 7/2020, tiêu thụ bột giấy toàn cầu chỉ đạt 4,179 triệu tấn, giảm 3,6% so với 4,337 triệu tấn trong tháng 6.

Tỷ lệ tiêu thụ trên công suất giảm xuống còn 85% trong tháng 7, giảm so với tháng 6 đạt 91%.

Tiêu thụ bột kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) tăng từ 1,825 triệu tấn trong tháng 6 lên 1,883 triệu tấn trong tháng 7. Trong khi đó, tiêu thụ bột giấy kraft gỗ cứng (BHK) đã giảm từ 2,373 triệu tấn trong tháng 6 xuống còn 2,137 triệu tấn trong tháng 7.

Tồn kho của nhà sản xuất toàn cầu tăng hai ngày, lên 44 ngày cung cấp trong tháng 7 (46 ngày đối với BSK và 43 ngày đối với BHK), thấp hơn mức tồn kho tháng 7/2019 11 ngày./.

   >>> Tác động của mức tiêu dùng giấy tissue đến thị trường bột giấy toàn cầu

Theo Fastmarkets RISI

Ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 4 – 2020

Ấn phẩm CÔNG NGHIỆP GIẤY số 4-2020 

Số này bao gồm

Thị trường – đầu tư

Ngành giấy Việt Nam: 7 tháng đầu năm & triển vọng những tháng cuối năm

Tác động của mức tiêu dùng giấy tissue đến thị trường bột giấy toàn cầu

Chính sách

Hiệp định EVFTA: cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam

Khoa học – Công nghệ

Quạt chân không tiết kiệm 40-50% chi phí năng lượng trong sản xuất giấy tissue

Nghiên cứu công nghệ chế tạo giấy thấm sử dụng để kiểm tra độ hút nước của giấy

Trao đổi kinh nghiệm

Giải pháp kỹ thuật cải thiện độ bền cơ học cho giấy bao bì công nghiệp

Sử dụng máy liên hợp phân ly và tách rác thế hệ mới SCIS-N làm sàng thô cấp 2 trong hệ thống xử lý bột tái chế từ OCC

Phổ biến kiến thức

Tính chất và xu hướng phát triển của giấy chống thấm dầu mỡ

XEM ẤN PHẨM TẠI ĐÂY: An pham CN Giay so 4 – 2020

Cổ phiếu ngành giấy Dohaco, Hapaco… thăng hoa

Đông Hải Bến Tre (Dohaco, HoSE: DHC) là một doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành, đặc biệt là đứng đầu về thị phần giấy Kraft (giấy xi măng) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thị phần khoảng 30%. Cơ cấu doanh thu từ giấy chiếm hơn 75%, còn lại là nguồn thu từ bao bì carton.

Cuối năm 2018, Dohaco vận hành thêm nhà máy Giao Long 1 công suất 60.000 tấn/năm và là nhà máy giấy Kraft lớn thứ 7 cả nước. Đến tháng 9/2019, công ty tiếp tục vận hành thêm thêm nhà máy Giao Long 2 công suất 220.000 tấn/năm, nâng năng lực sản xuất giấy gấp 4 lần. Nhờ sự mở rộng đó, hiệu quả kinh doanh tăng đột biến.

Dohaco liên tục tăng trưởng, được đóng góp thêm sản lượng từ nhà máy Giao Long.

Năm 2019, công ty có doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, lần lượt ở mức 1.430 tỷ và gần 182 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận tiếp tục gấp 3,6 lần cùng kỳ đạt gần 169 tỷ đồng và cũng là mức lãi bán niên cao kỷ lục.

Với động lực trong kinh doanh, cổ phiếu DHC có mức tăng giá tốt từ vùng 30.000 đồng/cp cuối tháng 3 lên trên 45.000 đồng/cp. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu tăng cao với hàng triệu cổ phiếu được trao tay mỗi phiên.

Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP) cũng đang gây chú ý với chuỗi tăng trần 12 phiên liên tiếp. Tính đến 21/8, cổ phiếu có giá 6.770 đồng. Thanh khoản đạt mức kỷ lục hơn 6 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn công ty vừa được sang tay trong phiên gần nhất.

Sự tăng giá của cổ phiếu này đến từ thông tin công ty muốn xây dựng lại thương hiệu HAP của 10 năm đầu tham gia thị trường chứng khoán. Được biết HAP là 1 trong 3 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán cùng với REE và SAM.

Hapaco được thành lập năm 1960 trên cơ sở là Xí nghiệp giấy bìa Đồng Tiến và từng có thời gian dài được biết đến là Nhà máy giấy Hải Phòng, đứng thứ 2 về quy mô sản xuất tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên sau 20 năm hoạt động quy mô doanh nghiệp không có tiến triển lớn, doanh thu hàng năm chưa bao giờ vượt quá 500 tỷ đồng. Nguồn thu của công ty chủ yếu đến từ các nhà máy giấy Hapaco Hải Âu Hapaco Yên Sơn, Hải Hà và Hapaco H.P.P.

Hapaco muốn trở mình với loạt dự án lớn.

Tuy nhiên, HĐQT công ty mới đây đã công bố muốn đầu tư loạt dự án lớn bao gồm bệnh viện đa khoa quốc tế Việt – Hàn với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng; dự án trung tâm thương mại quốc tế tại 135 Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng; dự án tòa nhà văn phòng cho thuê tại số 9 đường Cầu Bình với mức đầu tư 164 tỷ đồng; cùng các dự án bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị khác tại Hải Phòng.

Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) cũng có những bước biến chuyển mạnh sau khi Nhà nước thoái hết vốn cuối năm 2018. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng hàng năm là động lực giúp cổ phiếu này tăng mạnh từ vùng 10.000 đồng/cp đầu năm lên khoảng 33.000 đồng/cp như hiện tại.

Năm ngoái công ty sản xuất được 98.500 tấn giấy các loại, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 72 tỷ đồng, tăng 91% và là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp. Lãnh đạo công ty đang có kế hoạch đầu tư nâng công suất dây chuyền giấy toàn công ty lên 150.000 tấn/năm.

Lợi nhuận Giấy Việt Trì tăng mạnh các năm gần đây.

Cổ phiếu Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (HoSE: VID) bất ngờ tăng vọt từ khoảng 3.500 đồng/cp giữa tháng 5 lên mức 10.500 đồng/cp như hiện nay, tức tăng 200% sau 3 tháng giao dịch. Thông tin quan trọng thời gian này là việc chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 309 tỷ đồng.

Công ty trước đây chính là Nhà máy Giấy Viễn Đông và được cổ phần hóa năm 2000. Hiện nguồn thu chính đến từ công ty con Giấy Toàn Lực với doanh thu năm ngoái đạt 1.042 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp 97%. Ngoài ra doanh nghiệp cũng bắt đầu đầu tư sang 1 số ngành nghề khác như mở trường học, trồng chè, sách báo…

Theo Người Đồng Hành

Chính phủ Trung Quốc cấp phép nhập khẩu RCP lần thứ 11 năm 2020

Đây là đợt cấp phép nhập khẩu RCP thứ 11 trong năm 2020 với hạn ngạch phân bổ cho 16 công ty. Trong đó riêng Nine Dragons Paper (Holdings) nhận được số lượng 25.210 tấn – nhiều hơn 16.210 tấn so với lần cấp trước, còn lại các công ty đều có mức hạn ngạch bằng với lần cấp phép thứ 10. Liansheng Paper (Longhai) chiếm khối lương lớn nhất với 51.430 tấn. Shanying Huanan Paper, một công ty con của Shanying International Holdings, được cấp phép 44.070 tấn. Shandong Century Sunshine Paper và công ty con Numat Paper nhận tổng cộng 37.190 tấn.

Tính đến thời điểm này, tổng hạn ngạch nhập khẩu giấy thu hồi được phê duyệt trong năm 2020 đã lên tới 5,94 triệu tấn. Dự kiến đợt cấp phép nhập khẩu RCP cuối cùng sẽ được ban hành vào trước tháng 10/2020./.

   >>> Oji Holdings tăng cường đầu tư sản xuất bìa hộp sóng tại Malaysia

Theo Fastmarkets RISI

Oji Holdings tăng cường đầu tư sản xuất bìa hộp sóng tại Malaysia

Công suất của nhà máy ước tính đạt 7 triệu m2 bìa hộp sóng/tháng và dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào tháng 1 năm 2022. Oji Holdings hiện đang vận hành nhà máy thứ ba tại phía nam Malaysia và 6 nhà máy khác tại miền bắc và miền trung Malaysia.

Cơ sở đầu tư mới của Oji Holdings tại Malaysia sẽ là nhà máy sản xuất bìa hộp carton sóng thứ 26 của công ty tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Tháng 3/2020, công ty đã khởi công một nhà máy trị giá 3 tỷ Yên, có công suất 72 triệu m2 mỗi năm tại Gujarat, Ấn Độ.

Trong năm 2020, Oji cũng đã đưa vào vận hành nhà máy bìa hộp thứ 3 tại Phnom Penh, Campuchia, với trị giá đầu tư trên 3 tỷ Yên.

PT Oji Sinar Mas Packaging, công ty nắm giữ 55% vốn liên doanh với Oji Holdings, đang xây dựng một nhà máy sản xuất giấy lớp sóng (corrugating) trị giá 35 USD tại Tây Java, dự kiến cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay./.

   >>> Thị trường bột giấy Châu Á quý III: sau Acacia của Indonessia, Trung Quốc tiếp tục mua lượng lớn bột BEK; giá BSK tăng nhẹ

Theo Fastmarkets RISI