Hơn 18.000 hộ kinh doanh tại TP.HCM ngừng, nghỉ do dịch COVID-19

Cục Thuế TP.HCM cho biết số thu thuế từ các hộ kinh doanh giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Trong 4 tháng đầu năm, có 18.627 hộ kinh doanh xin ngừng, nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm gần 7,5% số hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn. Với số hộ ngừng, nghỉ kinh doanh này, Cục Thuế TP đã thực hiện miễn giảm thuế 12,7 tỉ đồng/tháng.

Ngoài ra, hàng loạt hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tạm ngưng hoạt động do thực hiện chỉ thị số 15 của Thủ tướng cũng khiến số thuế thu từ khu vực này ước giảm thêm 82,8 tỉ đồng trong tháng 4-2020.

Về phía doanh nghiệp, trên địa bàn TP, 4 tháng đầu năm có 1.523 doanh nghiệp giải thể, tăng 54,82% so với cùng kỳ 2019. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỉ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Thuế TP.HCM cho biết hoạt động kinh doanh bị đình trệ do giãn cách xã hội nhằm chống dịch COVID-19, nên tổng số thu thuế lũy kế 4 tháng trên địa bàn chỉ đạt hơn 30% so với dự toán, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2019.

Hàng loạt sắc thuế chịu ảnh hưởng mạnh, như số thu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 11,08% , thu thuế giá trị gia tăng giảm 6,27% so với cùng kỳ 2019.

Số thu lệ phí trước bạ 4 tháng đầu năm 2020 giảm 28,11%, tương ứng giảm 638 tỉ đồng. Đây là mức giảm sâu nhất trong giai đoạn 2017-2020. Trong đó lệ phí trước bạ ôtô giảm 30,96%, lệ phí trước bạ xe máy giảm 35,15% và lệ phí trước bạ nhà đất giảm 12,24%.

Theo Tuổi trẻ

Diễn biến tăng giá đột biến của OCC và SOP tại Mỹ

Tháng 5/2020, mức giá trung bình của OCC tại Mỹ đã đạt 104 USD/tấn, tăng 74 USD/tấn, tăng gần 250% so với mức giá 30 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Lần gần đây nhất giá OCC trung bình tại Mỹ đứng ở mức 104 USD/tấn là vào tháng 01/2018 và 12/2017. Đến tháng 02/2018, giá trung bình của OCC giảm 10 USD/tấn xuống còn 94 USD/tấn và giá đã không tăng mạnh kể từ đó. Đến tháng 6 năm 2018, giá OCC trung bình đạt 66 USD/tấn và chốt giá năm 2018 ở mức 69 USD/tấn.

Một năm sau vào tháng 6 năm 2019, giá trung bình OCC của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 25 năm là 25 USD/tấn. Vào tháng 11/2019, giá tụt xuống chạm mức thấp kỷ lục 22 USD/tấn. Tháng 5/2020, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp giá OCC đã tăng sau một năm biến động giá giảm và gần 2 năm rưỡi sau năm có giá cao nhất. Như vậy so với mức giá thấp nhất 22 USD/tấn của tháng 11/2019, mức giá tháng này đã cao gấp gần 5 lần. và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại.

OCC giao ngay tại Mỹ trong tháng 5/2020 đã được bán với giá 200 USD/tấn (FOB). Thậm chí có nhà máy đã đồng ý mua khối lượng lớn với giá hơn 200 USD/tấn. Trong tháng 5/2020, giá xuất khẩu OCC của Mỹ cũng đã tăng 40 USD/tấn (FOB). Giá xuất khẩu cho tất cả các loại hàng đều tăng, đặc biệt đối với OCC11 đến các nước châu Á và OCC12 (DSOCC) sang Trung Quốc, giá đã tăng khoảng 30-35 USD/tấn (FAS) và DLK tăng 30 USD/tấn (FAS).

Giấy SOP tăng vọt 40 USD/tấn vì nhu cầu tiêu thụ sản xuất giấy tissue ở Bắc Mỹ vẫn cao, và lề trắng lựa chọn (SWL) cũng tăng 20-30 USD/tấn.

Do nguồn cung hạn hẹp, thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất, nên các nhà máy tại Mỹ đã phải nỗ lực tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế khác. Các nhà máy sản xuất giấy bao bì hàm hộp và giấy tissue thậm chí đã chuyển sang bổ sung bằng bột gỗ nghiền nguyên chất hoặc giấy loại hỗn hợp. Giá giấy loại hỗn hợp tại khắp các khu vực tại Mỹ đã tăng lên đến 15 USD/tấn, giá xuất khẩu đã tăng lên đến 10 USSD/tấn.

Sau khi tăng giá trong quý đầu năm 2020, giá bột giấy tái chế màu nâu (BRP) đã giảm trở lại trong tháng 5/2020. Mức giá bột BRP xuất khẩu hiện đang ổn định trong phạm vi 300-350 USD/tấn (CIF) tại các cảng chính của Trung Quốc, tuỳ thuộc vào chất lượng.

Chủng loại Tháng 5/2020 Tháng 4/2020 Tháng 3/2020 % thay đổi so với tháng 5/2019
OCC 104 71 44 246,6
DLK 112 79 55 180,0
Mixed Paper 11 -2 -7 n.a
OMG 108 73 48 30,1
SOP 170 131 95 22,3
SWL 227 192 163 -5,0

Diễn biến giá một số loại giấy thu hồi tại Mỹ từ tháng 3 đến tháng 5/2020 (FOB, USD/tấn)

PPI Pulp & Paper Week

Tiên phong ứng dụng công nghệ vật liệu trong công nghiệp bao bì tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm

Ngày 09 tháng 05, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra, thẩm định sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styrene acrylate và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp” do Công ty CP Giấy Vạn Điểm phối hợp với Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thực hiện.
Đây là dự án thuộc Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” do Bộ Công Thương chủ trì. Dự án được triển khai từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2019.
Tham dự buổi kiểm tra có đại diện Vụ Khoa học và công nghệ, Phòng Tài chính – Kế toán (Bộ Công Thương), tổ chuyên gia, đại diện Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, lãnh đạo và cán bộ Công ty CP Giấy Vạn Điểm.
TS. Dương Xuân Diêu, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đọc Quyết định thành lập Hội đồng và Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN thực hiện từ năm 2017 của Công ty CP Giấy Vạn Điểm.
Theo TS. Đặng Văn Sơn – Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Chủ nhiệm dự án, mục tiêu chung của dự án là làm chủ được công nghệ, thiết bị sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate và ứng dụng nhũ tương copolymer styren acrylate để làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp.
Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate làm chất chống thấm bề mặt trong sản xuất giấy bao bì công nghiệp. Sau đó, tiến hành thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị dây chuyền sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate công suất 450 tấn/năm.
Đoàn công tác Bộ Công Thương đã kiểm tra thực tế dây chuyền sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate tại nhà máy sản xuất giấy của Công ty CP Giấy Vạn Điểm (Thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Qua kiểm tra cho thấy, dây chuyền sản xuất hoạt động và vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu của quy trình công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate.
Với dây chuyền sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate được lắp đặt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất thử nghiệm thành 13 đợt với tổng khối lượng nhũ tương copolymer styren acrylate là 169,839 tấn có các chỉ tiêu chất lượng: hàm lượng chất rắn chiếm 31,5% tổng khối lượng nhũ tương; độ nhớt 28 cP; mật độ diện tích 0,1025 mmol/l; kích thước hạt đạt 150-200mm. Sản phẩm nhũ tương đảm bảo chất lượng ổn định, có khả năng tiêu thụ trên thị trường.
Từ sản phẩm nhũ tương copolymer styren acrylate sản xuất được, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng để sản xuất thử nghiệm 2 đợt với tổng khối lượng sản phẩm giấy bao bì công nghiệp là 248,709 tấn đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật theo yêu cầu của giấy bao bì công nghiệp.
“Hiện nay, các loại chất chống thấm bề mặt sử dụng trong các nhà máy sản xuất giấy trong nước hầu hết là nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu này thường có giá thành cao, việc vận chuyển từ nước ngoài về lại mất nhiều thời gian. Do đó, việc sản xuất thành công nhũ tương copolymer styren acrylate làm chất chống bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp ngành giấy tăng tính chủ động trong sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp”, TS. Đặng Văn Sơn cho biết.
Đồng quan điểm với TS. Đặng Văn Sơn, ông Nguyễn Mạnh Anh – Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất Công ty CP Giấy Vạn Điểm nhận định: “Trước đây, đơn vị chúng tôi thường sử dụng keo alkyl ketene dimmer (AKD) nhập khẩu để chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, chúng tôi đã tạo ra được sản phẩm nhũ tương copolymer styrene acrylate thay thế tốt cho sản phẩm AKD, giúp chúng tôi có thể chủ động trong quá trình sản xuất. Đồng thời, thông qua dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styrene acrylate và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp” được Bộ Công Thương giao, chúng tôi đã chế tạo ra được loại sản phẩm chống thấm bề mặt mới và xây dựng được quy trình sản xuất phù hợp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm nhũ tương copolymer styrene acrylate để đưa vào thị trường”.
Ông Nguyễn Mạnh Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất Công ty CP Giấy Vạn Điểm phát biểu tại buổi kiểm tra.
Tại buổi kiểm tra, bên cạnh những đánh giá về chuyên môn, đoàn công tác Bộ Công Thương cũng thực hiện kiểm tra hồ sơ tài chính. Những khó khăn, vướng mắc của đơn vị đã kịp thời được tháo gỡ và hướng dẫn xử lý, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
Đánh giá chung của đoàn công tác, Công ty CP Giấy Vạn Điểm đã thực hiện rất nghiêm túc các nhiệm vụ được giao. Tổ chức chủ trì và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ các nội dun theo thuyết minh và hợp đồng ký kết với Bộ Công Thương; các sản phẩm đều đủ hoặc về số lượng, khối lượng. Chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khoa học, có tính logic và có đầy đủ các minh chứng kèm theo. Một số vấn đề còn thiếu sót, đoàn công tác Bộ Công Thương đề nghị nhóm thực hiện tiếp thu các góp ý của tổ chuyên gia, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo trước khi tiến hành nghiệm thu theo đúng quy định.
Một số hình ảnh đoàn công tác Bộ Công Thương tham quan nhà máy sản xuất giấy của Công ty CP Giấy Vạn Điểm:
Đoàn công tác tham quan hệ thống thiết bị sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate.
Sản phẩm giấy bao bì công nghiệp ứng dụng nhũ tương copolymer styren acrylate.
Thông tin thêm
Tên dự án: Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp.
Thuộc: Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao”
Thời gian thực hiện: 30 tháng (Từ tháng 6/2017 đến hết tháng 12/2019)
Tổ chức chủ trì: Công ty cổ phần giấy Vạn Điểm
Chủ nhiệm dự án: TS. Đặng Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau đó, hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không “than nghèo, kể khổ”. Nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu (thể hiện qua hàng loại gói hỗ trợ được đưa ra thời gian qua).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đại diện cho các doanh nghiệp ngành giấy, TS. Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy đã tham dự trực tiếp Hội nghị, đồng thời có báo cáo bằng văn bản gửi Ban tổ chức với các nội dung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động ngành và các doanh nghiệp, người lao động…

Cụ thể, Hiệp hội đánh giá về thực trạng nhu cầu nguyên vật liệu, linh phụ kiện phục vụ sản xuất; Khó khăn trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước do ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Đồng thời đưa ra các đề xuất và kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là vấn đề nguyên liệu và nguồn vốn.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt nhấn mạnh về các chính sách đã có thể áp dụng như  Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thuế và tiền thuê đất khi ngành giấy được đưa vào danh sách các đơn vị được áp dụng Nghị định. Và chỉ ra những điểm còn khó khăn, vướng mắc từ các Chính sách hỗ trợ tài chính ngân hàng…

Cũng tại hội nghị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo về các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao báo cáo về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan: Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Công thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có báo cáo tham luận…

VPPA

Ảnh hưởng trì trệ của thị trường giấy, bìa Trung Quốc, các nhà cung cấp bột xem xét giảm mức tăng giá

Nhiều người bán và người mua bột giấy khối lượng lớn tại thị trường Trung Quốc cho rằng việc tăng giá này hiện nay là chưa xác thực. Các nhà sản xuất lớn, nhất là các nhà sản xuất duy nhất giấy tissue, hoặc sản xuất nhiều loại giấy và bìa (P&B), đang tìm cách giữ giá ổn định, hoặc chỉ một số ít người sẵn sàng chấp nhận một mức tăng nhỏ.

Các nhà cung cấp bột giấy sau khi thông báo mức tăng đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, vì họ đang lo bị bỏ lỡ mất cơ hội và bị lỡ kế hoạch. Bột BHK sau khi thực hiện mức tăng, đã được thông báo giá bán ở mức 480-490 USD/tấn.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, thị trường giấy, bìa Trung Quốc đang chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn trên thị trường, đặc biệt giấy in cao cấp không tráng (UFP) đã giảm mạnh 1.000 RMB/tấn (141 USD/tấn). Hiện tượng suy thoái của thị trường giấy, bìa đã làm sâu sắc thêm sự hoài nghi của người mua đối với bất kỳ sự tăng giá nào đối với bột  BHK và các loại bột giấy khác tại Trung Quốc.

Phản ứng lại động thái này của thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp lớn như Klabin và CMPC đã bán BHK Nam Mỹ ở mức 470 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với mức thông báo tăng trước đó, BHK nhập khẩu từ Châu Âu và Nhật Bản có giá 460 USD/tấn. Đến nay, giá BHK của Nam Mỹ vẫn ổn định ở mức 460-490 USD/tấn, tương đương giá cuối tháng 4/2020.

 >> CMPC đạt mức tăng giá bột BEK tại Trung Quốc và nỗ lực mở rộng ra 

Trong khi đó, Arauco cũng đã hủy bỏ quyết định tăng 10 USD/tấn bột gỗ thông radiata cho hợp đồng giao hàng tháng 5/2020. Do đó, giá NBSK của Arauco đã giảm từ 610 USD/tấn xuống còn 600 USD/tấn.

Việc giảm mức tăng giá cũng đã lan sang bột BSK khác. Bột gỗ thông radiate có giá 570-590 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với mức giá phổ biến cuối tháng 4/2020. Bột BSK của Nga đã giữ nguyên ở mức 580-590 USD/tấn. BSK miền bắc Canada (NBSK) đã giảm 10 USD/tấn xuống còn 580-600 USD/tấn.

Nhu cầu tiêu thụ giấy, bìa các loại trì trệ tại Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm của thị trường bột giấy. Bắt buộc các nhà cung cấp phải rút lại thông báo theo dự định của mình trước đó, chỉ đưa ra mức tăng nhỏ giọt nhằm duy trì được thị trường./.

Theo PPI Asia  

 

CMPC đạt mức tăng giá bột BEK tại Trung Quốc và nỗ lực mở rộng ra các thị trường khác

CMPC, nhà sản xuất giấy và bột giấy Chile tuyên bố đã đạt được mục tiêu tăng giá bột BEK trong tháng 4 tại Trung Quốc, với mức tăng 20-30 USD/tấn, và giá bán đạt 470-480 USD/tấn. Công ty CMPC đã đạt được mức tăng giá không chỉ ở Trung Quốc, mà cả châu Á. Tại khu vực này, các nhà sản xuất giấy tissue là những người đầu tiên chấp nhận mức tăng giá này.

CMPC hiện đang áp dụng mức giá tăng tại châu Á làm cơ sở cho đàm phán tăng giá ở châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh vào tháng 5.

Tại thời điểm này, thị trường bột giấy đang hoạt động tốt, với nhu cầu tiêu thụ tương đối tốt. Nhu cầu tiêu thụ giấy tissue vẫn còn mạnh ngay cả sau khi giai đoạn tâm lý của người tiêu dùng đã mua vào trong những tuần đầu tiên của COVID-19 bùng phát.

Nhu cầu tiêu thụ giấy in, viết hiện nay là yếu hơn, trong khi trong giấy bao bì có sự pha trộn, giữa các phân khúc có nhu cầu cao hơn và các phân khúc khác có nhu cầu thấp hơn./.

Theo FastMarkets RISI

Mới có 2,9% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính sách

Cụ thể, tại thời điểm khảo sát (từ 10/4-20/4), mới chỉ có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách. Trong khi đó, 21,2% doanh nghiệp đã biết tới Chỉ thị và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận, số doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa biết đến các chính sách này.

Xét theo quy mô, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp đã được tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp nhất, chỉ đạt 2,1%, trong khi 8,7% doanh nghiệp lớn đã được tiếp nhận hỗ trợ.

Nguyên nhân của sự bất cập này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ.

Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan còn hiểu chưa đầy đủ và áp dụng cứng nhắc các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Chưa kể, nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hầu hết ngành và nhóm doanh nghiệp, nhưng phạm vi áp dụng của các giải pháp chỉ đang tập trung vào một số ngành trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp thực tế bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng không được nhận hỗ trợ do không thuộc những nhóm ngành được hỗ trợ đã liệt kê trong giải pháp.

>> Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đánh giá các kênh truyền thông và hướng dẫn thực hiện chính sách chưa thực sự hiệu quả, kịp thời như mong đợi. Mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay, là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo việc hiểu và thực hiện đúng các quy định, chính sách của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, không gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp, hơn là các hỗ trợ bằng tiền.

Thực tế, khoảng 86% doanh nghiệp được khảo sát cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động càng cao. Doanh thu quý I của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến 4 tháng đầu năm sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70%.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Trên 45% doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh..

Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh. Cụ thể, con số này giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019 với tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4%. Đồng thời, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng mạnh, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Zing.vn

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Cộng đồng DN mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để “yểm trợ” và làm “bệ đỡ” cho DN vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

* PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế  và kinh tế trên toàn cầu. Tại Việt Nam, để ứng phó với đại dịch, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp đúng đắn, kịp thời nhằm kiểm soát dịch bệnh đi đôi với khôi phục kinh tế. Một loạt gói cứu trợ kinh tế đã được Chính phủ đưa ra như giảm lãi suất cho DN, gia hạn thuế và tiền thuê đất, gia hạn thời gian đóng vào quỹ hưu trí, quỹ tử tuất, cho vay lãi suất 0% trả lương DN… Những chính sách này đã có tác động như thế nào đối với DN, thưa ông?

– Ông Vũ Tiến Lộc: Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho DN và người dân trong bối cảnh đại dịch Covid -19.

 Đối với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 trong đó có chính sách hỗ trợ cho người lao động nghèo, lao động mất việc nghỉ không lương và bị tạm hoãn hợp đồng… sẽ có tác động rất hiệu quả đối với các đối tượng được thụ hưởng; đồng thời cũng hỗ trợ được một phần cho DN trong việc thực hiện các chính sách đối với người lao động cũng như các DN đang gặp khó khăn về tài chính.

Ông Vũ Tiến Lộc

Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, được triển khai thực hiện cũng rất nhanh và đơn giản nên DN nào cũng có thể được hưởng. Chính sách này sẽ giúp cho các DN có thêm một nguồn tiền đảm bảo giải quyết thanh khoản trong ngắn hạn.

Đối với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng dùng để giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cũng rất quan trọng với DN. Tuy nhiên, do các ngân hàng cũng là DN nên việc đáp ứng các điều kiện vay đang là thách thức đối với các DN.

Trong thời điểm hiện nay, DN cần nhất là dòng tiền và thanh khoản. Các gói hỗ trợ của Chính phủ đã tập trung giải quyết những yêu cầu này của DN. Vấn đề hiện nay là phải tổ chức thực hiện thật khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ này. Nhanh một ngày là DN có thể phục hồi, chậm một ngày DN có thể bị xóa sổ.

* PV: Riêng về các chính sách tài khóa, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng kinh phí 180 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định về miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí dự kiến lên tới 46 nghìn tỷ đồng. Những chính sách này sẽ tác động ra sao, thưa ông?

– Ông Vũ Tiến Lộc: Như tôi đã nói, trong thời điểm này, DN cần nhất là dòng tiền và thanh khoản. Gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất, giảm phí sẽ giúp DN có thêm dòng tiền để cầm cự và phục hồi. Tôi đánh giá cao Nghị định 41 khi đã mở rộng đối tượng được gia hạn thuế lên tới 98% tổng số DN đang hoạt động. Điều đó cho thấy, độ phủ sóng của chính sách này gần như tất cả các DN đang khó khăn cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi cho rằng số 2% DN còn lại không được hưởng lợi từ chính sách này cũng cần được rà soát mức độ khó khăn và có cơ chế chính sách phù hợp.

Chính sách miễn, giảm thuế sẽ là một “liều kháng sinh” mạnh để DN có sức đề kháng tài chính vượt qua khó khăn. Đây mới chính là sự hỗ trợ lâu dài và bền vững mà các DN nhỏ và siêu nhỏ, các DN bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 thực sự cần.

Mức miễn, giảm phí, lệ phí đã thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân, DN trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn; tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn DN kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Hiện nay, ngân sách nhà nước đang rất hạn hẹp. Vì thế cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội DN để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

* PV: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Với vai trò là đại diện, tiếng nói của cộng đồng DN, VCCI có đề xuất gì về các giải pháp khôi phục nền kinh tế, hỗ trợ DN, thưa ông?

– Ông Vũ Tiến Lộc: Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng. Các biện pháp khác đóng vai trò bổ trợ. Nhưng khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các DN bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì trọng tâm chính sách là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ. Đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu nhà nước, thậm chí Nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, DN lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền. DN nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm.

Tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tôi nghĩ rằng, tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng DN mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm “bệ đỡ” cho DN vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này. Trong thời đại dịch, trọng tâm công tác của Chính phủ vẫn phải là thể chế.

Thế giới sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại, công nghệ biến đổi, do đó cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây.

Ngoài ra, DN muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nhà mình là quan trọng. Quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của DN và nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, khi DN khó khăn về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN Việt.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Gần 200 nghìn tỷ đồng giãn, giảm thuế, phí, lệ phí

Trước tình hình dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đề xuất thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho khoảng 98% doanh nghiệp (DN) với số tiền khoảng 180.000 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, vật tư và thiết bị y tế khác. Điều chỉnh Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Dự kiến   giúp giảm nghĩa vụ nộp NSNN của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây quyết định ưu đãi thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020. Dự kiến áp dụng thuế suất 15 -17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN. Có khoảng 700 nghìn DN được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp NSNN năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến, tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020  khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính còn rà soát để cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho DN và người dân trên các lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, miễn lệ phí môn bài, lệ phí đăng ký DN, du lịch, xây dựng… tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

 

* Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso):

DN mong sớm nhận được các khoản hỗ trợ   

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng tại các nước có thị trường xuất khẩu chủ đạo như Mỹ và EU, tổng số đơn hàng bị hủy của toàn ngành tại các thị trường ước tính chiếm đến khoảng 70%. Cũng theo ước tính của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam đến nay, hầu hết DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, điều đó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 1,2 triệu lao động trong ngành.

Do đó, các DN da giày rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các chính sách về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, các gói hỗ trợ tài chính. Hiện các DN cũng đang thực hiện kê khai theo yêu cầu của cơ quan thực thi để chờ xét duyệt hỗ trợ, nhằm nhanh chóng nhận được các khoản hỗ trợ về tài chính trong tháng 5 để DN có dòng tiền trang trải.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhiều DN vẫn còn khó khăn, vẫn còn nhiều DN chưa có thông tin về các văn bản hướng dẫn, đầu mối thực thi… Do đó, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng liên quan sớm hướng dẫn thủ tục để DN đăng ký các gói hỗ trợ kịp thời và có một đầu mối để hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

* TS. Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam:

Chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp ngành giấy giảm áp lực

Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy được Bộ Tài chính bổ sung vào danh sách các ngành hàng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020.

Qua khảo sát các DN trong ngành cho thấy, chính sách của Chính phủ đưa ra rất chi tiết, cụ thể nên khi DN áp dụng cũng dễ dàng, minh bạch, không phải chuẩn bị quá nhiều giấy tờ, phương thức chứng minh thiệt hại…

Cụ thể, hầu hết các DN ngành giấy được gia hạn 5 tháng tiền thuế VAT phát sinh tháng 3, 4, 5, 6 và tiền thuê đất. Chính sách này đã giúp DN giảm các áp lực, khó khăn trong giai đoạn do dịch Covid-19 gây ra, nhất là DN ngành giấy có đầu ra lớn. Số tiền đó được DN tận dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh, chi trả lương cho người lao động…

Các DN rất mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét kéo dài thời gian gia hạn thuế GTGT. Đây là điều rất cần thiết và hỗ trợ thiết thực đến doanh nghiệp trong ngành giấy.

* Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

DN đang tích cực tận dụng “phao cứu sinh”

Theo thống kê, ngay trong tháng 5 và tháng 6 sắp tới, DN dệt may gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa, kéo theo sản xuất bị suy giảm, tính toán cho thấy, việc làm của gần 50% lao động sẽ bị ảnh hưởng.

Để giảm thiểu tổn thất, hỗ trợ DN, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp cho các DN về việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch, như: khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt… Đồng thời, các đơn vị áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm, làm việc luân phiên để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của các sản phẩm phòng dịch cũng đang gặp khó khăn do thị trường nội địa đã bão hòa, thị trường xuất khẩu thì yêu cầu cao về tiêu chuẩn và không phải DN nào cũng có thể đáp ứng để xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chính là “phao cứu sinh” cho cộng đồng DN. Theo khảo sát, một số DN chia sẻ đã nhận được thông báo của phía ngân hàng và hoàn thiện hồ sơ để vay vốn, qua đó, DN có được dòng tiền về để thanh toán, chi trả các chi phí sản xuất, đầu tư nhà xưởng, duy trì sản xuất. Đồng thời, các DN cũng đang làm việc với các ngân hàng về việc triển khai các biện pháp hỗ trợ về khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn trả nợ, hạ lãi suất cho vay.

* Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE):

Chính phủ đã làm tốt việc bảo vệ nguồn thu

Thuế là nguồn thu chính của mọi quốc gia nên việc nuôi dưỡng nguồn thu, bảo vệ nguồn thu là hết sức quan trọng. Với tình hình dịch Covid-19 tác động nặng nề như hiện nay thì quan trọng nhất là bảo vệ nguồn thu, tức là bảo vệ người dân, bảo vệ DN. Do vậy, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đề ra là tương đối kịp thời, toàn diện cho cả người dân và DN, nhất là những biện pháp như giãn thuế, cho nợ thuế, tiền thuê đất, gói tín dụng từ các ngân hàng.

Hiện tại, cũng còn hơi sớm để đánh giá được tác động của các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã thực hiện. Nhưng tôi cho rằng, Chính phủ đã làm tốt việc bảo vệ nguồn thu của mình. Có thể thấy trước mắt, đó là một liều thuốc tinh thần rất tốt cho DN, nhất là khi DN khó khăn, đang trên bờ vực phá sản thì có thể tận dụng những cơ hội hỗ trợ của Nhà nước để trụ lại tiếp tục hoạt động. Tức là họ thấy rõ ràng rằng mình không bị Chính phủ bỏ rơi nên có thêm niềm tin vào Chính phủ. Một điều hết sức quan trọng và ấn tượng khác là Việt Nam là một trong những quốc gia xử lý dịch bệnh tốt nhất thế giới. Điều đó đã nâng uy tín của Chính phủ Việt Nam, uy tín của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đó cũng là một lợi thế rất lớn để hỗ trợ các DN khẩn trương hồi phục sau đại dịch.

* Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Những trợ lực cần thiết, kịp thời cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cần thiết, kịp thời cho DN. Đặc biệt, tôi cho rằng, với chính sách hỗ trợ về thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, sẽ có khoảng 98% số DN sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Đồng thời, việc gia hạn nộp thuế được thực hiện rất đơn giản, thuận tiện và được thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm đã tạo nhiều thuận lợi cho DN.

Cộng đồng DN đánh giá, các chính sách hỗ trợ về thuế của Bộ Tài chính là giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp cho DN có nguồn vốn tạm thời và tương đối khá để có thể trang trải các chi phí và duy trì sự tồn tại trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh. Hơn thế nữa, những chính sách này còn có ý nghĩa khích lệ, động viên DN nỗ lực nhanh chóng ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển khi dịch bệnh lắng xuống và quan trọng hơn đó là niềm tin của cộng đồng DN vào sự đồng hành của Chính phủ, của Nhà nước, trên cơ sở đó DN càng thêm nỗ lực vượt khó để cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra…

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Thị trường bột giấy Châu Âu tháng 4/2020

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung bột giấy tại thị trường châu Âu. Sau một vài tháng ổn định, giá NBSK bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4. Ngay từ đầu năm 2020, một số nhà cung cấp đã tăng giá NBSK thêm 20-40 USD/tấn.

Trong tháng 4, hai nhà cung cấp SCA và Metsä Fiber thông báo tăng 40 USD/tấn cho các đơn hàng giao từ ngày 1/5. Một số nhà cung cấp khác cũng tăng 20 USD/tấn vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, vẫn có những nhà cung cấp vẫn giữ giá NBSK ở mức 840-860 USD/tấn.

Nguyên nhân tăng giá được cho là do số lượng đơn đặt hàng hiện tại tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giấy tissue và giấy đặc biệt tăng ổn định, giá bán tại các khu vực khác cũng tăng.

Trong tháng 4, giá bột BEK vẫn ổn định ở mức 680 USD/tấn, giá giao ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông ở mức 490-510 USD/tấn. Tuy nhiên, hai nhà cung cấp Suzano và Eldorado đã thông báo sẽ thực hiện tăng giá bột BEK thêm 30 USD/tấn từ tháng 5/2020, lên mức 710 USD/tấn. Các nhà cung cấp khác cho biết họ đã có thể tăng giá sớm hơn, vì ngay từ đầu năm, nhu cầu bột BEK đã tăng mạnh. Tuy nhiên lại có nhà cung cấp cho rằng thời điểm tăng giá tháng 5 đối với BEK là sớm, do số lượng đơn đặt hàng trong tháng 5 không cao. Thậm chí, nhà cung cấp này còn có dự định sẽ giảm khối lượng bột BEK cung ứng trong tháng 6 tới.

Trong tháng 5, giá giao ngay của BEK tại Thổ Nhĩ Kỳ là khoảng 500 USD/tấn còn Trung Đông lên tới 520 USD/tấn./.

Theo PPI Europe

 

 

 

 

 

Xuất khẩu giấy kraft của Mỹ tăng vọt trong Quý I/2020

Do ảnh hưởng của COVID-19, sản xuất giảm tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ gia tăng nên các nhà gia công hòm hộp đã tăng nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là Mỹ. Trong quý I/2020, lượng giấy kraft xuất khẩu của Mỹ đã tăng 277.389 tấn so với quý I năm 2019. Sự gia tăng chủ yếu là do thị trường Trung Quốc, lượng mua đã tăng đáng kể trong năm 2020 sau khi giảm 40% trong năm 2019. Trong quý I, Trung Quốc đã mua khoảng 70.000 tấn/tháng từ Mỹ, tăng từ mức trung bình 30.000 tấn/tháng trong năm 2019.

Mỹ đã xuất 208.132 tấn giấy kraft sang Trung Quốc trong quý I năm nay, tăng 125,2% so với  quý I năm 2019. Tháng 4/2020, giá của giấy kraft xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã tăng lần đầu tiên sau hai năm. Các nhà quan sát thị trường về giấy và bột giấy cho biết rằng sự gia tăng xuất khẩu là do đại dịch Covid-19 và một cuộc khủng hoảng thiếu nguyên liệu tại Trung Quốc, và Trung Quốc cũng miễn thuế nhập khẩu giai đoạn một đối với giấy kraft của Mỹ vào đầu năm nay.

Mexico vẫn là thị trường xuất khẩu giấy kraft số 1 của Mỹ. Trong quý I năm 2020, Mỹ xuất khẩu sang Mexico 222.223 tấn, tăng 2,4% bình quân năm.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ giảm thuế nhập khẩu đối với giấy kraft của Mỹ, xuất khẩu của Mỹ sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể. Quý I, Thổ Nhĩ Kỳ nhập 42.894 tấn, tăng 182% so với 15.213 tấn của quý đầu năm 2019.

Xuất khẩu của Mỹ đến các quốc gia Nam và Trung Mỹ cũng gia tăng, tăng 46,4% đến Ecuador, tăng 34,5% đến Guatemala và tăng 16,9% cho Costa Rica./.

Theo Fastmarkets RISI