KH&ĐS: Ngành giấy nguy ngập vì khủng hoảng nguyên liệu trong dịch Covid-19

Ngành giấy bị khủng hoảng nguyên liệu chậm hơn các ngành công nghiệp khác, do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, diễn biến dịch kéo dài và bất trắc tại những thị trường nguyên liệu chính đã khiến nhiều nhà máy giấy lao đao, có nguy cơ đóng cửa.

Ảnh hưởng nguồn cung từ mọi thị trường

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nguồn nguyên liệu chính cho ngành giấy là bột giấy và giấy phế liệu hiện đang được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Châu Âu và một số nước ở Châu Mỹ Latin như Brazin.

Dịch Covid-19 từ Trung Quốc và Châu Âu đã khiến ngành giấy phải hứng chịu những biến động giá bột giấy và giấy thu hồi nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics do phụ thuộc rất lớn vào cung – cầu tại thị trường Trung Quốc.

Tại thời điểm giữa tháng 2/2020, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, ngoài giá giấy phế liệu tăng và khan hiếm do phải cung cấp cho Trung Quốc số lượng lớn (nội địa nước này không thu gom do dịch), thì cước vận tải cũng tăng khoảng 25-30USD/tấn, đã đẩy giá bột giấy và giấy thu hồi tăng cao hơn 30-40USD/tấn (khoảng 28%).

Nhiều nhà cung cấp lớn cho các công ty giấy Việt Nam buộc phải thông báo hủy đơn hàng, không thể giao hàng hoặc trì hoãn giao hàng để gom hàng và yêu cầu tăng giá. Nhiều doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn trong việc mua nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.

Trong khi khó khăn về nguyên liệu nêu trên chưa dừng lại, thì Châu Âu, Mỹ và các nước tại Châu Mỹ Latin bùng phát dịch. Một lần nữa, ngành giấy lại rơi vào khủng hoảng nguồn cung nguyên liệu. “Sóng dịch” lần này được đánh giá gây ảnh hưởng nặng nề hơn lần trước rất nhiều.

Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho hay, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đã khiến giá giấy phế liệu, cước vận tải và các phụ phí khác tăng cao; Tới khi Châu Âu và Mỹ bị dịch Covid-19 và đóng cửa biên giới, khủng hoảng của các nhà sản xuất giấy nội địa càng thêm trầm trọng.

Nhiều hãng tàu giảm số lượng tàu hoạt động, sau khi một số nước Châu Âu đóng cửa biên giới. Một số hãng tàu từ chối vận chuyển giấy thu hồi và tăng cước vận chuyển từ châu Âu về Đông Nam Á lên tới 2.500USD, thậm chí 4.000USD/container 40 feet. Đây là giá cước rất khó khăn để xuất khẩu giấy thu hồi.

Đáng chú ý, theo phản hồi từ doanh nghiệp, hiện nay nhiều nhà máy không thể đặt hàng dù giá giấy thu hồi làm nguyên liệu đã cao. Lý do vì nguồn cung đã sụt giảm và việc thu gom, lưu thông, vận chuyển khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh và đã xuất hiện tình trạng tranh mua giấy thu gom nội địa đẩy giá tăng nhanh liên tục từ đầu tháng 03.2020 đến nay.

thuế covid-19
Do dịch Covid-19, cước vận tải và các phụ phí khác tăng cao trong khi nguồn cung nguyên liệu khan hiếm khiến doanh nghiệp ngành giấy lao đao

Nguy cơ đình đốn, phá sản là rất lớn

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, các nhà máy giấy đang thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Những công ty có tiềm năng tài chính lớn có thể tích trữ nguyên liệu tồn kho từ 2-4 tháng thì đến nay cũng đang dần cạn nguồn nguyên liệu trong kho dự trữ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải tính đến các phương án tạm dừng máy, cho công nhân nghỉ việc do không đủ tài chính mua nguyên liệu với giá cao, trong khi cũng không tìm được nguồn mới và chưa tăng được giá bán giấy thành phẩm.

Mặc dù vậy, nhìn chung, tất cả các doanh nghiệp hiện đều đang nỗ lực tìm mọi cách tăng cường mua vào nguồn giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu, kể cả nguồn nội địa lẫn nhập khẩu, cùng với nỗ lực cắt giảm chi phí, áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng tránh dịch bệnh để vượt khó.

“Khan hiếm nguyên liệu và nguy cơ lan nhiễm đến doanh nghiệp khiến các công ty phải dừng máy hay phá sản, là kịch bản xấu của ngành giấy nếu dịch Covid – 19 tiếp tục kéo dài sang quý 3/2020” – ông Hoàng Trung Sơn nhấn mạnh.

Trong khi khó khăn về nguyên liệu chưa được giải quyết, thì các doanh nghiệp ngành giấy còn phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu sang các nước sụt giảm về lượng, nhu cầu trong nước cũng đã giảm 15-20% so với cùng kỳ, vẫn phải tiếp tục giữ chân khách hàng, duy trì làm việc và bảo hiểm cho người lao động…

“Ngành giấy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 muộn hơn nhưng nặng nề không kém các ngành công nghiệp khác. Chúng tôi vẫn phải tìm kiếm các nguồn cung cấp hàng mới, nỗ lực trong phòng tránh dịch bệnh và cắt giảm chi phí để cố gắng duy trì hoạt động với hy vọng dịch sẽ qua nhanh. Và do vậy, cũng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và ngân hàng như các ngành nghề khác.” – ông Hoàng Trung Sơn nói.

thống kê ngành giấy

Theo Khoa học & Đời sống

Họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ: Nhiều kiến nghị hỗ trợ ngành giấy

Chiều 26/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có nhiều kiến nghị thiết thực dành cho doanh nghiệp trong ngành.

Chính sách có đến được với doanh nghiệp?

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; đại diện các các hiệp hội: Dệt may Việt Nam, Da giày và túi xách Việt Nam, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Vận tải Việt Nam, Ô-tô Việt Nam, Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Bất động sản Việt Nam, Logistics Việt Nam; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp ứng phó, phòng chống dịch bệnh quyết liệt, cụ thể, đồng bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cuối tháng 3 này, dự kiến Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về bốn nội dung trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thiệt hại nặng nề do tác động của dịch bệnh, nhất là khối doanh nghiệp vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, logistics…

“Các chính sách hỗ trợ có đến được với doanh nghiệp không, đến được mức độ nào?”, Bộ trưởng đặt vấn đề và cho biết buổi làm việc với các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để có cơ sở tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chỉ đạo kịp thời.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Tổ công tác sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, không chung chung, đồng thời phải hết sức khẩn trương; các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cũng phải kịp thời trình Quốc hội.

Kiến nghị nhiều chính sách gắn liền doanh nghiệp ngành giấy

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, TS. Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành giấy bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời có nhiều kiến nghị cụ thể, thiết thực dành cho các doanh nghiệp trong ngành.

TS. Đăng Văn Sơn kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy do ảnh hưởng của dịch.

Cụ thể, trước thực trạng nguyên liệu khan hiếm, chuỗi cung ứng quốc tế đang bị ùn ứ, không có cont. để xếp hàng, không có tàu để vận chuyển, cước vận chuyển tăng cao trong giai đoạn qua đã đẩy giá nguyên liệu giấy thu hồi nhập khẩu cao gấp đôi thời điểm tháng 12 năm 2019. Cước phí vận tải nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam đã tăng gấp gần 4 lần so với đầu tháng 01/2020.

Cùng với đó, TS. Đặng Văn Sơn cũng chỉ rõ việc áp dụng mức thu phụ phí lưu huỳnh thấp (phí LSS – Low Sulfur Surcharge) từ các hãng vận tải hàng hóa bằng đường biển tại thời điểm hiện nay là chưa hợp lý, nhất là khi giá dầu thế giới đang xuống mức thấp, chi phí nhiên liệu trong tổng chi phí chạy tàu giảm nhiều so với trước đây…

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Tổ Công tác của Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đối với Hiệp hội vận tải biển, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, các hãng vận tải biển cũng như các Cảng vụ hàng hải có chính sách giảm phí vận chuyển tàu biển và dịch vụ cảng xuống 50%; Gia hạn, giảm thu phụ phí lưu huỳnh trong thời điểm hiện nay.

Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép doanh nghiệp giãn nộp thuế VAT sau khi thông quan hàng hóa nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư thiết bị và hóa chất ngành giấy thay cho quy định doanh nghiệp phải nộp thuế VAT ngay tại thời điểm thông quan.

Đồng thời, miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 (nếu chưa nộp) với thời hạn 6 tháng cho doanh nghiệp ngành giấy mà không tính phí chậm nộp.

Đối với vấn đề bảo hiểm xã hội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị tại cuộc họp, xem xét giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho 6 tháng đầu năm 2020 đến cuối năm cho tất cả các doanh nghiệp mà không cần có bất kỳ điều kiện nào. Đồng thời, giảm 30-50% khi doanh nghiệp có 50% số lao động đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc do covid-19 gây ra. Dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lương cho lao động nghỉ việc của doanh nghiệp, giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% năm 2020…

Riêng đối với khối ngân hàng, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần cơ cấu lại nợ cũ, giảm từ 1-1,5% lãi vay ngắn và trung hạn. Gói vay mới giảm từ 1,5-2% so với lãi vay tại thời điểm hiện nay. Giảm lãi suất vay và kéo dài thời gian ân hạn cho vốn vay đầu tư trong ngành giấy.

Ngoài ra, tại cuộc họp với Tổ Công tác của Thủ tướng, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng có nhiều kiến nghị khác như Chính phủ đưa ra các quyết định cắt giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình thông quan, không tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện…./.

VPPA

Sẽ giãn nộp hơn 80.200 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp vì COVID-19

Chiều 26-3, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Điểm mới nhất của dự thảo này là ngoài 3 loại thuế sẽ được gia hạn là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất như đề xuất ban đầu, trong văn bản chính thức trình Chính phủ lần này, Bộ Tài chính bổ sung giãn nợ cả thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghị định này sẽ được áp dụng ngay khi Chính phủ ban hành.

Hỗ trợ cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp

Trong tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất các đối tượng được gia hạn gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế gồm:

– Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thu3y sản;

– Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ôtô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

– Vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải đường bộ khác; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải;

– Dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống;

– Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch;

– Giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội;

– Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.

Và toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không phân biệt ngành nghề đều được gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất như nêu trên.

Theo bộ này, đây là những ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19.

Gia hạn 61.600 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng

Trong tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất thời hạn chậm nộp thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu) 5 tháng đối với số thuế phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5 và tháng 6-2020 (đối với trường hợp kê khai thuế VAT theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1 và 2-2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý).

Theo đó, số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 5 được chậm đến ngày 20-9 năm nay, của tháng 6 là ngày 20-10… Còn hạn chót nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 1 được lùi đến là ngày 30-9, quý 2 là ngày 30-12. Bộ Tài chính ước tính tổng số thuế giá trị gia tăng được chậm nộp là 61.600 tỉ đồng.

Chậm nộp 11.100 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp

Điểm mới so với dự thảo nghị định lần đầu đưa ra là Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thêm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1 và 2 năm nay.

Thời gian doanh nghiệp được chậm nộp sắc thuế này là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Như đối với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán thuế của năm 2019 được lùi đến ngày 31-8 thay vì ngày 31-3 năm nay.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 vào ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp, tổ chức được bù trừ với số phải nộp của các loại thuế khác.

thuế trong covid-19

Theo Tuổi trẻ

Người lao động cách ly vì COVID-19 vẫn được hưởng lương

Người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch COVID-19, như phải đi cách ly, thì vẫn được hưởng lương bình thường.

Đây là nội dung chính trong văn bản của Bộ Lao động – thương binh và xã hội vừa gửi các Sở Lao động – thương binh và xã hội địa phương hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc, và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Huy Hưng, cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến có những lao động phải ngừng việc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều lao động nước ngoài không thể trở lại làm việc. Thậm chí có những lao động thuộc diện phải đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền…

Để thuận lợi cho việc chi trả lương cho người lao động thuộc các diện kể trên, Bộ Lao động – thương binh và xã hội hướng dẫn các các Sở Lao động – thương binh và xã hội địa phương hướng dẫn việc chi trả lương của doanh nghiệp theo đúng quy định tại điều 98 của Bộ luật lao động hiện hành về trả lương khi ngừng việc.

Với các trường hợp người lao động không thể trở lại làm việc do dịch COVID-19, trong đó có đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương theo quy định của điều 98.

Trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, hay ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương.

Cụ thể, với các trường hợp người lao động không thể trở lại làm việc do dịch COVID-19, trong đó có đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương theo quy định của khoản 3 điều 98 (Bộ luật Lao động năm 2012).

Khoản tiền lương này do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tức là, trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động hay ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương.

Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường dẫn đến không bố trí đủ việc làm, người sử dụng có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác. Nếu thời gian tạm ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể tạm hoãn thực hiện hợp đồng…

Theo Tuổi trẻ

Thủ tướng: Tạm dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng nay, 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ).

Trong cuộc họp, thủ tướng biểu dương ngành y tế, các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện nghiêm với quyết tâm cao trong triển khai các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong những ngày qua.

Cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, Thủ tướng nêu rõ, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay.

Thủ tướng dẫn lại một ý kiến khuyến nghị nên xem tình hình dịch của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau 3 tuần, Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể, 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang) và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22/3) khi đã quá muộn, đáng nhẽ nên đóng cửa vào 12/3 khi số ca dưới 1.000, Việt Nam nghiên cứu vấn đề này như thế nào.

Thủ tướng đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000.

Theo dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt. Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND quận Tây Hồ trong ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch vừa qua (24/3) đã để quá đông người dân đến chùa chiền ở khu vực này.

Đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, “như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”.

Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác. Người dân được yêu cầu ở lại nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài.

Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch.

Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0h ngày 28/3/2020 trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau.

Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện.

Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để làm sao không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm.

Tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc. Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ, nhân viên y tế làm tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Chính quyền địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành y tế có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc. “Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19”, Thủ tướng nói, bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch.

Thực hiện nghiêm khắc quản lý biên giới đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không được đến thăm, mang đồ ăn uống tới nơi cách ly và giám sát việc cách ly chuyên biệt.

Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu chỉ đạo mở rộng các cơ sở cách ly ở miền Trung và khu vực biên giới Tây Nam. Các ngành chức năng xử lý nghiêm, kể cả hình sự, đối với những người vi phạm, không khai báo y tế và không thực hiện cách ly theo đúng quy định.

thủ tướng phát biểu trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19
Thủ tướng phát biểu trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các cấp, các ngành tiếp tục thay đổi thói quen làm việc để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tất cả các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đối với TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng thêm các cơ sở xét nghiệm, nâng công suất, bảo đảm sàng lọc được toàn bộ trường hợp nghi nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế mua ngay trang thiết bị y tế. Ngành y tế và ngành công thương hợp tác, có hợp đồng cụ thể để sản xuất khẩu trang y tế cũng như các khẩu trang đạt tiêu chuẩn khác để phục vụ trong nước một cách đầy đủ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với vật tư y tế mà các nước đang có nhu cầu.

Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ những nhu yếu phẩm cũng như vật tư y tế, xử lý nghiêm nạn đầu cơ nếu có và buôn lậu các vật tư y tế. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật.

Các cấp, các ngành và các địa phương liên quan bảo đảm an sinh xã hội, an toàn xã hội ở mọi nơi, mọi lúc, trong đó có việc Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế bàn xây dựng một số bệnh viện dã chiến khi thấy cần thiết.

Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền vận động và yêu cầu nhân dân nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục đoàn kết, quyết tâm ngăn chặn dịch COVID-19 thành công trong những tuần đến.

“Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm”, Thủ tướng nói.

Theo Chính Phủ

Mỹ Latinh tạm dừng hoạt động các dự án mở rộng sản xuất bột giấy và giấy do COVID-19

Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất của các công ty, dự án sản xuất bột giấy và giấy tại Mỹ Latinh.

Tại đây, hiện nay số người nhiễm visus đã tăng lên và chính quyền nhiều nước đã ban bố các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Do có số lượng công nhân làm việc tại các công trường rất lớn, nên các dự án mở rộng công suất bột giấy và giấy tại Mỹ Latinh đã bắt đầu bị ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Hiện tại, các dự án mở rộng của Klabin (Puma II, Brazil), WestRock (Três Barras, Brazil), UPM (Paso de los Toros, Uruguay) và Arauco (MAPA, Chile) đã bị tạm dừng ở các mức độ khác nhau. Hai dự án đầu tiên ở Brazil là các dự án giấy kraftliner mới, trong khi hai dự án sau tại Uruguay và Chile lại tập trung vào bột giấy bạch đàn tẩy trắng (BEK).

Đối với dự án Klabin (Puma II, Brazil) công suất 450.000 tấn/năm giấy kraftliner giai đoạn I, được dự kiến khởi chạy vào quý II/2021.

Dự án WestRock, mở rộng công suất nhà máy Três Barras từ 470.000 tấn/năm hiện tại lên mức 680.000 tấn/năm, cũng đã quyết định tạm ngừng hoạt động.

Tại Chile, dự án Arauco, MAPA, xây dựng một dây chuyền bột BEK 1,56 triệu tấn/năm mới, khởi chạy quý II/2021 cũng đã được đề nghị cho 8.000 công nhân làm việc tại dự án này tạm thời nghỉ việc.

Tại Uruguay, dự án UPM ở Paso de Los Toro cũng đã đình chỉ công trình xây dựng. Nhà máy tại Uruguay có công suất sản xuất 2,1 triệu tấn/năm bột BEK, dự kiến khởi chạy vào Quý II/2022. Nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, chính quyền cũng đã yêu cầu công ty cho công nhân nghỉ việc trong vòng 2 tuần.

Ngoài ra, tại Brazil hiện nay còn có hai dự án khác đang triển khai xây dựng là dự án chuyển đổi sản xuất giữa bột bạch đàn và bột giấy hòa tan (BEK/DP) tại Bracell, Lençóis Paulista, São Paulo; và nhà máy LD Celulose sản xuất bột hòa tan tại Minas Gerais, Brazil. Cả hai dự án này cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách ly do chính quyền ban bố, mặc dù chưa phát hiện có công nhân nhiễm bệnh./.

Theo RISI Fastmarkets

Arauco Chile tạm ngừng hoạt động nhà máy bột giấy do COVID-19

Arauco Horcones đã tạm ngừng hoạt động nhà máy bột giấy công suất 805.000 tấn/năm tại Chile do ảnh hưởng của COVID-19.

Arauco, nhà sản xuất bột giấy thương phẩm lớn thứ hai thế giới, đã bắt đầu đóng cửa nhà máy bột giấy Arauco Horcones công suất 805.000 tấn/năm tại Chile sau khi một công nhân bị dương tính với coronavirus (COVID-19).

Arauco Horcones, nằm ở Región del Biobío của Chile, có công suất 805.000 tấn/năm bột gỗ thông radiata tẩy trắng (BKP) và bột kraft bạch đàn tẩy trắng (BEK) trên hai dây chuyền sản xuất. Arauco đã ngừng hoạt động tại nhà máy này từ ngày 25/3/2020 sau khi có một công nhân tại cơ sở bị phát hiện nhiễm coronavirus COVID-19.

Hiện nay, Arauco chưa có kế hoạch cho nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, khi quay trở lại hoạt động thì cũng chỉ có thể tăng sản lượng của một trong hai dây chuyền sản xuất.

Arauco Horcones là nhà máy thứ hai của Arauco bị đóng cửa trong những tháng gần đây. Trước đó, tháng 12/2019 nhà máy Licelon có công suất 154.000 tấn/năm bột gỗ mềm không tẩy (UKP) cũng đã bất ngờ dừng hoạt động do không có nguồn nước cấp cho sản xuất.

Arauco có trụ sở tại Santiago có công suất ước tính 3,95 triệu tấn/năm tại các nhà máy ở Chile, Uruguay và Argentina./.

Theo RISI-Fastmarkets

Phân lập và tuyển chọn xạ khuẩn ưa nhiệt có khả năng phân hủy lignin từ mẫu mùn thu nhận tại Nhà máy giấy Bãi Bằng

Lignin là hợp chất tự nhiên có thành phần cấu trúc phức tạp, khó bị phân hủy và cần được loại bỏ trong ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy. Ở Việt Nam, nguyên liệu được sử dụng cho sản xuất bột giấy là keo và bạch đàn; hàm lượng lignin trong hai loại gỗ này chiếm khoảng 27,6%.

Hiện nay, công nghệ sản xuất bột giấy sinh học thân thiện với môi trường sử dụng các enzyme phân giải lignin cho phép nâng cao chất lượng bột giấy và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm nước trong công nghiệp giấy. Từ 20 mẫu mùn thu nhận tại công ty giấy Bãi Bằng, 47 chủng xạ khuẩn ưa nhiệt có khả năng phân giải lignin đã được phân lập.

Trong đó, chủng CX9 là một trong các chủng có khả năng sinh Lignin peroxidase cao (7345 U/L). Chủng CX9 phát triển tốt trong khoảng 37÷45oC, có khuẩn ty khí sinh màu xám và sinh sắc tố tím trên môi trường ISP2. Dựa vào các đặc điểm sinh học và phân tích trình tự gen 16S rDNA, có thể xếp chủng CX9 thuộc vào Streptomyces thermo violaceus, do đó được đặt tên là Streptomyces thermo violaceus CX9.

ĐỌC BÀI NGHIÊN CỨU TẠI ĐÂY.

Theo Công Thương

 

Đông Hải Bến Tre thành lập công ty con vốn 20 tỷ đồng

Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DHC, sàn HoSE) vừa có chủ trương thành lập công ty con.

Theo đó, công ty dự kiến thành lập có tên là Công ty TNHH MTV Bao bì Bến Tre (Mã: DHC)với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa, in ấn, vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy nội địa.

Đông Hải Bến Tre cử ông Lê Bá Phương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Đông Hải Bến Tre) là đại diện Ủy quyền và là Chủ tịch công ty mới thành lập, cử bà Hồ Thị Song Ngọc làm đại diện pháp luật và Giám đốc công ty.

Đông Hải Bến Tre cũng đang có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông đợt 2 năm 2019 với tỷ lệ 10%. Theo đó, mỗi cổ phiếu sẽ được chi trả số tiền cổ tức là 1.000 đồng.

Đông Hải Bến Tre là doanh nghiệp cổ phần sản xuất giấy, bao bì, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy hải sản. Công ty có vốn điều lệ 560 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.118 tỷ đồng, tổng tài sản 2.118 tỷ đồng.

Năm 2019, Đồng Hải Bến Tre đạt doanh thu thuần 1.430 tỷ đồng (năm trước đạt 927 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 181,6 tỷ đồng (năm trước đạt 134,1 tỷ đồng).

Tài sản ngắn hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2019 là 880 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền là 156 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 8 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 392 tỷ đồng, hàng tồn kho 311 tỷ đồng…

Tài sản dài hạn có giá trị 1.238 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu dài hạn là 18,8 tỷ đồng, tài sản cố định là 1.197 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn là 4,7 tỷ đồng…

Theo Đầu tư