Arauco điều chỉnh giảm giá gỗ thông radiata, gỗ mềm chưa tẩy trắng đối với các lô hàng tháng 1 ở mức 20 USD/tấn sang Trung Quốc

Các nhà sản xuất Chile đã công bố giá cho hai loại bột giấy từ gỗ mềm này vào thứ Năm, ngày 14 tháng 12 năm 2023. Họ cũng ấn định giá bột giấy kraft từ gỗ cứng tẩy trắng ở thị trường Trung Quốc ở mức 650 USD/tấn, mức này chưa được sửa đổi, mặc dù có nhiều nhà cung cấp Nam Mỹ, như Suzano và Eldorado muốn tăng giá 10 USD/tấn.

Các đại lý của Arauco tại Trung Quốc giải thích rằng việc điều chỉnh giảm giá đối với hai loại bột giấy từ gỗ mềm này phù hợp với giá bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng (NBSK) phía Bắc cho hoạt động kinh doanh trong tháng Giêng.

Nhu cầu yếu khiến các nhà cung cấp cắt giảm mức danh sách NBSK từ 20-30 USD/tấn xuống còn 780 USD/tấn, với giá giao ngay cho loại nhập khẩu từ Canada và khu vực Bắc Âu giảm xuống còn 700-730 USD/tấn.

 

Nguồn Risi

VPPA biên dịch và tổng hợp

Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 12,37 tỷ USD; năm 2021 là 14,8 tỷ USD; năm 2022 là 16 tỷ USD; năm 2023 là 13,37 tỷ USD.

Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC là 188,01 triệu USD, chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; năm 2022 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC là 267,78 triệu USD, chiếm 1,7%, tăng 42,4% so với 2021; 11 tháng năm 2023 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC 226,85 triệu USD, chiếm 2%.

Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC với số doanh nghiệp có chứng chỉ FSC COC tính đến 1/12/2023 là 1.654 doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam có hai nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC phục vụ ngành chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa gồm nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và từ rừng trồng trong nước.

Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC chiếm tỷ lệ nhỏ. Năm 2022, Việt Nam nhập 66,61 triệu USD cho gỗ FSC trong số 3 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm 2,2%.

Diện tích rừng ở Việt Nam có chứng chỉ FSC đang tăng lên trong những năm gần đây. Hội đồng Quản lý rừng FSC tính đến hết tháng 12/2023 diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282.960 ha chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam.

Dù vậy, theo ông Trần Lê Huy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định – hiện nguồn cung gỗ FSC rừng trồng trong nước còn hạn chế. Các sản phẩm FSC chủ yếu tập trung đồ nội thất, viên nén và bột giấy.

“Nguồn gỗ trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và cũng chưa có chứng chỉ FSC-FM; trong khi theo yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ, phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc”, ông Trần Lê Huy chia sẻ.

Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ
Khu rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC tại Nghệ An. Ảnh Nguyễn Hạnh

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Các quyết định của nhà mua hàng liên quan về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, yêu cầu gỗ có chứng chỉ FSC đang tác động lên toàn bộ chuỗi cung.

Hiện nay, tại một số quốc gia phát triển trên thế giới, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ ra thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, để các sản phẩm gỗ Việt Nam có vị thế trên thị trường, đặc biệt là hướng đến thị trường lớn thì các cần phải thay đổi ngay từ lúc này.

Chia sẻ tại Hội nghị Doanh nghiệp FSC châu Á 2023 diễn ra giữa tháng 12/2023, đại điện doanh nghiệp Costco – đơn vị bán lẻ lớn thứ 3 trên thế giới với nhiều các sản phẩm khác nhau trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ – cho hay, các sản phẩm gỗ, giấy, sợi sẽ tác động nhất định đến hệ sinh thái, vì vậy, chúng tôi cố gắng cung cấp các sản phẩm chất lượng, với giá bán ổn định và kinh doanh các sản phẩm có chứng nhận FSC.

Tương tự, là nhà bán lẻ lớn tại thị trường Hoa Kỳ – đại diện Wiiliam Sonam Inc cho hay, doanh nghiệp cũng đặt ra mục tiêu mới đó là đến năm 2025, 50% sản phẩm của doanh nghiệp đưa lên kệ đều được chứng nhận FSC.

Với việc hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng, Wiiliam Sonam Inc đang cố gắng nhằm tăng cường nhận thức và tiêu dùng sản phẩm có trách nhiệm. Mặt khác, đây cũng là cách để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vùng nguyên liệu gỗ FSC để đón đầu cơ hội thị trường. Hòa Phát, một trong những công ty phát triển mạnh diện tích gỗ FSC, thông qua liên kết với hộ trồng rừng phát triển sản lượng 15 nghìn tấn/năm, trong đó, tập trung mạnh về gỗ rừng trồng cao su, gỗ teak.

Ngành gỗ đang hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ Việt Nam.

Theo bà Vũ Thị Quế Anh – đại diện FSC ở Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và cập nhật các tiêu chuẩn, hướng dẫn mới của FSC và xu hướng thị trường, để đảm bảo nguồn nguyên liệu với giá thành phù hợp và chuỗi cung ứng toàn vẹn đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Việc hình thành liên kết chuỗi sẽ góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản với các yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc gỗ như Quy định chống phá rừng của liên minh châu Âu (EUDR) và chứng chỉ FSC.

Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm gỗ có chứng chỉ, bà Vũ Thị Quế Anh cho rằng rất cần sự vào cuộc nhiều hơn của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong việc cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.

FSC là viết tắt tên của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế và cũng là một loại chứng chỉ rừng do chính hội đồng này quản lý. Chứng chỉ FSC nhằm xác minh nguồn gốc gỗ, quy trình khai thác, sản xuất theo đúng pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Trong đó, hai chứng nhận quan trọng là FSC- FM (nguyên liệu gỗ có xuất xứ từ những vùng rừng được phát triển bền vững) và FSC-COC (chuỗi khai thác, chế biến đến thành phẩm, xác định nguyên liệu từ rừng đã được quản lý tốt, kết nối trong quy trình sản xuất).

Nguyễn Hạnh
Nguồn: Báo Công thương

Quyết sách mới, điểm tựa mới

Động lực cho nhà đầu tư

Những ngày cuối năm 2023, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối cùng của năm cũ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội, bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã quan tâm và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo bức thư này, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước 2 quyết sách được ban hành đồng thời và rất kịp thời, cho rằng đây là một động lực để nhà đầu tư lớn ở nước ngoài tiếp tục yên tâm đầu tư, cam kết đầu tư lâu dài và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

“Đó là mục tiêu mà chúng ta nhắm đến”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Hai quyết sách khiến các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Nghị quyết này, theo Chủ tịch Quốc hội, là “đã rất kỳ công và rất cẩn trọng, cân nhắc…”.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị, cho đến tận phiên họp tháng 10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vẫn đề nghị chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Lý do là hồ sơ dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong khi 2 nghị quyết này cần xem xét, thông qua cùng một thời điểm.

Nhưng, ngày 2/11/2023, Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ sáu, bổ sung việc xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đồng thời, trong nghị quyết chung của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội tán thành chủ trương cho phép dùng nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu này và các nguồn vốn hợp pháp khác để thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư đối với những lĩnh vực và những đối tượng cần khuyến khích đầu tư.

“Trong giai đoạn cạnh tranh, cơ cấu lại các chuỗi cung ứng cũng như các dòng đầu tư như hiện nay, thì quyết sách của chúng ta phải nói là rất tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận.

Đó chỉ là một trong nhiều quyết sách từ nghị trường được ban hành rất kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chỉ tính riêng Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

“Việc Quốc hội tiếp tục cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với 21 dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm cũng góp phần giải tỏa những ách tắc, những khó khăn và tạo ra xung lực phát triển. Không phải ngẫu nhiên, mà 100% đại biểu Quốc hội tán thành với nghị quyết này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thêm một điểm tựa mới cho nền kinh tế.

Cụ thể, Quốc hội đồng ý cho tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vượt quá 50% tổng mức đầu tư theo Luật PPP hiện hành với 2 dự án tại Thái Bình và Lạng Sơn. Thủ tướng Chính phủ được xem xét, quyết định giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 7 dự án.

Người đứng đầu Chính phủ còn được quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án.

Quốc hội cũng cho phép nhà thầu thi công trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án tại Nghị quyết. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hạ nhiệt “điểm nóng” mua sắm công, đấu thầu

Vào ngày đầu tiên và giữa năm 2024, nhiều đạo luật có hiệu lực thi hành, lấp dần những “khoảng trống” pháp luật về đầu tư, kinh doanh, như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Viễn thông…

Có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) không chỉ hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu, mà còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực rất nóng này.

Đáng chú ý, trong 10 trường hợp được áp dụng chỉ định thầu có gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sắp tới, cùng với các thông tư hướng dẫn được ban hành, việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế sẽ hiệu quả hơn.

Một luật khác cũng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), có hiệu lực từ giữa năm 2024. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Luật đã bổ sung quy định một trong các tiêu chí để được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước; bổ sung quy định về chính sách nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhằm góp phần phát triển, thúc đẩy và lan tỏa các điển hình kinh tế tập thể.

Điểm mới nữa là Luật quy định hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường; hỗ trợ hình thành sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương…

Cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, Luật Viễn thông đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Trên cơ sở quan điểm “quản lý nhẹ”, Nhà nước không hạn chế tỷ lệ sở hữu người đầu tư kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới được giảm bớt một số nghĩa vụ so với doanh nghiệp viễn thông truyền thống (không phải đóng quỹ dịch vụ viễn thông công ích, phí quyền hoạt động viễn thông…).

Mọi chính sách của Quốc hội đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tinh thần đó sẽ luôn là điểm tựa cho nền kinh tế vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng trong năm mới 2024.

.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Lập pháp kiến tạo phát triển

– Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Hệ thống pháp luật giữ vai trò là một trong 3 đột phá chiến lược, thể hiện tinh thần kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Riêng năm 2023, Quốc hội đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác, thông qua 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 1 pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. Tính hết năm 2023, có 114/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành.

Như vậy là, giữa nhiệm kỳ, Quốc hội đã hoàn thành hơn 83% khối lượng công việc lập pháp của cả nhiệm kỳ theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Nguồn: Báo đầu tư

PPPC: Tồn kho của nhà sản xuất bột giấy thế giới giảm

SAN FRANCISCO, ngày 28 tháng 12 năm 2023 – Hàng tồn kho của các nhà sản xuất bột giấy trên toàn thế giới đã giảm một ngày cung cấp trong tháng 11/2023 và kết thúc tháng ở mức 40 ngày cung cấp, Hội đồng Sản phẩm Giấy và Bột giấy – The Pulp and Paper Products Council (PPPC) báo cáo. Số lô hàng toàn cầu tăng 8,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 4,722 triệu tấn.

Tồn kho của các nhà sản xuất bột giấy trên thị trường toàn cầu giảm trong một ngày cung cấp và đóng cửa tháng 11 ở mức 40 ngày cung cấp. Sự sụt giảm này xảy ra sau khi PPPC điều chỉnh lượng tồn kho tháng 10 tăng so với báo cáo ban đầu là 40 ngày lên 41 ngày cung cấp.

Tồn kho trên toàn thế giới tại các nhà sản xuất bột giấy trên thị trường kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) đã giảm một ngày cung cấp, đến cuối tháng 11 còn 37 ngày tồn kho.

Các kho dự trữ giấy kraft gỗ cứng đã tẩy trắng (BHK) ít thay đổi, đóng cửa tháng 11 ở cùng mức 43 ngày như số liệu tháng 10 đã sửa đổi. Ban đầu, PPPC báo cáo tồn kho BHK đã đóng cửa tháng 10 ở mức 42 ngày.

Theo số liệu của PPPC, trong tháng 11, lượng xuất khẩu bột giấy trên thị trường toàn cầu đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,722 triệu tấn, đồng thời tăng 5,4% so với 4,481 triệu tấn của tháng trước.

Các lô hàng bột giấy BSK toàn cầu đạt tổng cộng 1,984 triệu tấn trong tháng 11, tăng 4,6% so với lô hàng 1,896 triệu tấn của năm trước và mức tăng tương tự so với 1,897 triệu tấn của tháng trước.

Các lô hàng BHK trên toàn thế giới đạt tổng cộng 2,583 triệu tấn trong tháng 11, tăng 11,8% so với lô hàng 2,311 triệu tấn của năm trước và tăng 6,7% so với lô hàng 2,421 triệu tấn trong tháng 10.

Tỷ lệ lô hàng trên công suất, được một số người coi là chỉ báo chính về nhu cầu, đã tăng 7 điểm trong tháng 11 và đóng cửa ở mức 92%. Con số này cũng cao hơn 4 điểm so với tỷ lệ lô hàng trên công suất 88% vào tháng 11 năm 2022.

Số liệu thống kê về thị trường bột giấy trên thị trường chiếm 82% công suất toàn cầu theo dữ liệu từ 17 quốc gia hiện đang sản xuất. PPPC đã loại bỏ số liệu thống kê về bột giấy kraft từ ba quốc gia vào năm 2014 do đóng cửa vĩnh viễn nhà máy ở Maroc, Na Uy và Swaziland. Dữ liệu vẫn được thu thập từ Na Uy về bột giấy năng suất cao, còn được gọi là bột hóa cơ nhiệt.

 

Nguồn: Risi

Biên dịch: Ban biên tập VPPA

Dự cảm 2024

Ngành này đóng góp 11% cho xuất khẩu, gần 5% lực lượng lao động toàn quốc; là ngành công nghiệp lớn thứ năm, có vai trò quan trọng trong tiến trình xanh hóa, tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và an sinh xã hội.

Điều khiến tôi vui mừng là ngành đã chủ động thích ứng, quan tâm hơn đến xanh hóa, số hóa và phát triển bền vững; đang sản xuất, xuất khẩu theo hướng xanh hơn. Nhưng đơn hàng phục hồi chậm, còn nhiều thách về đầu tư, ứng dụng công nghệ, thay đổi cấu trúc lao động; về năng suất, việc làm, môi trường, cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Câu chuyện đang xảy ra với ngành dệt may phần nào phản ánh bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024.

Bối cảnh quốc tế năm 2023 gặp nhiều thách thức với xung đột địa chính trị, sức cầu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cao, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tài chính – tiền tệ gia tăng… Dù vậy, năm 2023 ghi nhận ba điểm thuận. Một là, kinh tế thế giới (nhất là Mỹ, EU) không suy thoái như dự báo. Kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng khoảng 3% từ mức 3,5% năm 2022 (theo IMF), trong đó thương mại tăng 0,8%, đầu tư FDI giảm khoảng 2%. Hai là, lạm phát toàn cầu giảm khá nhanh (từ mức bình quân 8,6% năm 2022 xuống khoảng 5,5% năm 2023), nên các nước không tăng lãi suất nữa và người dân bắt đầu chi tiêu nhiều lên. Ba là, xu hướng xanh hóa, số hóa tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong nước, điểm sáng đầu tiên thể hiện ở nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành và địa phương với việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách. Đây là nỗ lực chưa từng có, tập trung vào nhóm chính sách tài khóa (giãn hoãn, giảm thuế và phí), chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi, cho phép cơ cấu lại nợ…), tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực: y tế, đất đai, xây dựng, nguồn vốn tín dụng – trái phiếu, bất động sản và du lịch… Những quyết sách này góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu tạo đà phục hồi kinh tế.

Nhiều luật quan trọng như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng… cũng được sửa đổi và thông qua, tạo nền tảng pháp lý cho phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới. Nền kinh tế nhờ vậy phục hồi từ cuối quý 2/2023. Tăng trưởng cả năm đạt 5,05% và năm tới dự báo có thể đạt 6-6,5%.

Điểm sáng thứ ba là kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, với lạm phát thấp (tăng 3,25%), lãi suất giảm, tỷ giá ổn định hơn năm ngoái, các cân đối lớn (về thương mại, thu – chi ngân sách, tiết kiệm – đầu tư…), an sinh xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; nợ công, nợ nước ngoài ở mức an toàn và thấp hơn các nước tương đồng. Những yếu tố này cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thời gian tới góp phần nâng hạng hệ số tín nhiệm cho Việt Nam của Tổ chức Fitch.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều chuyến thăm cấp cao, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Dù vậy, các động lực tăng trưởng giảm và phục hồi chậm. Xuất khẩu năm 2023 giảm 4,4% (điều chưa từng xảy ra trong giai đoạn 2011-2022), đầu tư tư nhân tăng thấp (chỉ đạt 2,7% so với thông thường tăng 7-8%), doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dẫn đến khả năng đáp ứng tiêu chuẩn tín dụng giảm, khả năng hấp thụ vốn còn yếu trong bối cảnh các tổ chức tín dụng trở nên thận trọng hơn, nợ xấu gia tăng. Thu ngân sách Nhà nước giảm 4,2% (so cùng kỳ năm ngoái), khiến dư địa tài khóa eo hẹp hơn; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản chậm phục hồi, thị trường vàng biến động nhiều hơn; tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu.

Một thách thức nữa là việc hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Năng suất lao động tăng thấp, 3,65%, thấp hơn nhiều mức 4,8% năm 2022 và khá xa so với mục tiêu 6,5%/năm của giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng thái quá vẫn diễn ra, dù có nhiều đôn đốc, nhắc nhở từ các cấp.

Năm 2024 đã đến, kinh tế thế giới dự báo tăng chậm lại (khoảng 2,4-2,9%), trong đó các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc phục hồi chậm. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và lạm phát tăng khoảng 4-4,5%. Đây là những mục tiêu cụ thể, rất thách thức trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp có quyền chờ đợi vào nhiều giải pháp để có những chuyển biến tốt lên. Đầu tiên là hiệu quả hơn trong thực thi cơ chế, chính sách, luật lệ đã ban hành; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đặc biệt là chất lượng và tiến độ thực thi công vụ. Tiếp đến là thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống cùng với phát huy tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, trong đó cần khai thác tốt những FTAs đã ký, những cơ hội đến từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vừa qua.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh bên ngoài và nội tại còn nhiều rủi ro, thách thức; không chủ quan với vấn đề an ninh năng lượng, lương thực; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu… Những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém phải tái cơ cấu, giảm ách tắc, vì đây là những “cục máu đông”, khiến phân bố nguồn lực kém hiệu quả và chi phí tốn kém.

Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế, nhất là tháo gỡ vướng mắc hiện tại, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới; tăng năng suất lao động gắn với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách mạnh mẽ cơ chế tuyển dụng – đánh giá cán bộ – tiền lương của đội ngũ công viên chức… đều là những việc cấp thiết.

Song song với cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần được luật hóa, cụ thể hóa, giảm tùy tiện và hình sự hóa quan hệ kinh tế. Có như vậy, mục tiêu kép “phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế – xã hội” mới đảm bảo song hành.

Tất cả giải pháp này cho năm 2024, đều đã được khởi động từ năm 2023. Nên, dù trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức, ta vẫn dự cảm được điều tốt lành nhờ niềm tin vào sự điều hành khôn khéo hơn, đồng bộ của nhà quản lý và hoạch định chính sách.

 

Cấn Văn Lực

Nguồn: Báo Vnexpress

Doanh nhân Lào góp mặt trong DN muốn làm Nhà máy chế biến bột giấy và giấy gần 22.000 tỷ tại Bình Định: Từng hợp tác với T&T, VinFast

Trong khuôn khổ Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Định đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư 12.713,5 tỷ đồng.

Đồng thời trao Bản ghi nhớ đầu tư cho 23 nhà đầu tư của 24 dự án trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 17 dự án sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản; 7 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, có dự án Nhà máy chế biến bột giấy và giấy Bình Định tại huyện Phù Mỹ, vốn đầu tư dự kiến khoảng 21.700 tỷ đồng của Tổ hợp nhà đầu tư đại diện bởi Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Mekong.

Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Mekong (Mekong Investment Holdings) thành lập vào tháng 8/2017, có địa chỉ trụ sở chính hiện tại ở Tòa nhà Century Tower số 458, phố Minh Khai – Phường Vĩnh Tuy – Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty theo đăng ký doanh nghiệp là sản xuất điện.

Quản lý Đầu tư Mekong là nhà phát triển dự án tư nhân và nhà đầu tư, tham gia vào hoạt động kinh doanh sản xuất điện ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Theo giới thiệu trên website, công ty đã tham gia vào phát triển 5 dự án điện tại Việt Nam và Lào với tổng công suất lắp đặt trên 1.000 MW, trong đó 160MW (1 trang trại năng lượng mặt trời và 2 nhà máy thủy điện) đã vận hành thương mại, 300MW đang được xây dựng và phần còn lại đang được xây dựng, chuẩn bị thi công. Tổng số vốn đã đầu tư khoảng 400 triệu USD.

Hiện trong cơ cấu cổ đông của Mekong có sự góp mặt của cổ đông nước ngoài là ông Phongsavath Senaphuan – Chủ tịch tập đoàn Phongsupthavy (Lào).

Tập đoàn Phongsubthavy là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất của Lào hoạt động đa ngành, trong đó năng lượng là một trong những lĩnh vực chủ chốt. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Phongsubthavy hiện đang sở hữu danh mục dự án lên đến 2.000MW. Phongsubthavy hiện đang nắm giữ 24% cổ phần và là một trong những cổ đông lớn của Công ty sản xuất điện lực Lào (EDL-Generation) – doanh nghiệp thuộc sở hữu của Điện lực nhà nước Lào (EDL). Hiện tại Tập đoàn đang xây dựng đường dây truyền tải 220kV Nậm Săm – Nông Cống (Thanh Hoá) và 220kV Nậm Mô – Tương Dương (Nghệ An) để cung cấp điện năng cho Việt Nam

Tập đoàn này đã hợp tác với EVN để xuất khẩu điện từ Lào sang Việt Nam; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với T&T Group để hợp tác phát triển các dự án NLTT tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500 MW hướng tới bán điện về Việt Nam; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với VinFast để phân phối các mẫu xe VinFast sang thị trường này.

 

An ninh Tiền tệ

Doanh nghiệp công nghiệp lạc quan với cơ hội kinh doanh Quý I/2024

Hơn 71% số doanh nghiệp ngành công nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý I/2024 sẽ tốt hoặc ổn định hơn quý IV/2023.
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023. Kết quả cho thấy, có 31,7% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2023; 37,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 30,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Kết quả trên tích cực hơn so với kết quả điều tra vào quý III/2023 với 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý trước; 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý I/2024, có 31,6% số doanh nghiệp ngành công nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2023; 40% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 28,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 72,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 71% và 66,8%.

Theo kết quả điều tra của các doanh nghiệp ngành công nghiệp, các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 là: Nhu cầu thị trường thấp, khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước; nhu cầu thị trường quốc tế thấp; khó khăn về tài chính; lãi suất vay vốn cao; không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu…

Doanh nghiệp ngành công nghiệp lạc quan với cơ hội kinh doanh

Về khối lượng sản xuất, có 32,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp trong quý IV/2023 tăng so với quý III/2023; 36,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 30,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.

Xu hướng quý I/2024 so với quý IV/2023, có 30,5% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 42,4% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng, có 29,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2023 cao hơn quý III/2023; 39,7% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 31,1% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm.

Xu hướng quý I/2024 so với quý IV/2023, có 29,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 43,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 27,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV/2023 so với quý III/2023, có 22,4% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 32,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý I/2024 so với quý IV/2023, có 24,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 28,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

 

Nguyễn Hoà
Nguồn: Báo Công Thương

Những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2023

1.Giữ đà tăng trưởng ổn định

Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

2. Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng đáng ghi nhận khi giá trị kim ngạch năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD. Nổi bật nhất là sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh là gạo và rau quả.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt tới 5,6 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu sầu riêng.

Với mặt hàng gạo, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với mặt hàng rau quả, xuất khẩu năm 2023 đạt tới 5,6 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 bứt phá mạnh mẽ, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2022.

3.Giữ vững mức tăng thu hút FDI

Giữa những bất định của suy giảm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn giữ vững với mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 36,61 tỷ USD, là năm cao thứ ba trong giai đoạn từ 2008 đến nay.

Giữa những bất định của suy giảm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn giữ vững với mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.

Trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

4. Thương mại điện tử tiếp tục bứt phá

Thương mại điện tử tiếp tục giữ vững vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số, với quy mô năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế số của Đông Nam Á năm 2023 (công bố hồi đầu tháng 11/2023) cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về quy mô nền kinh tế số với tổng giá trị hàng hóa khoảng 30 tỷ USD.

Bán hàng đa kênh duy trì vị trí đứng đầu trong xu hướng thương mại điện tử năm 2023. Khảo sát cho thấy có khoảng 56% khách hàng sử dụng smartphone nghiên cứu về sản phẩm khi đang ở trong cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, 75% người dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, cửa hàng… để mua sắm. Và khoảng 73% tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình trải nghiệm.

5.Dấu ấn cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2023 cũng là năm có nhiều dấu ấn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trợ lực cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn trong năm 2023, Chính phủ, Quốc hội đã ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí của tự do kinh tế là những ưu tiên quan trọng.

Một trong những chính sách mang lại hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục được thực hiện đến giữa năm 2024, đó là chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

Ngoài ra, liên quan đến việc hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%).

6.Ấn tượng hoạt động đăng ký kinh doanh

Bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.

Bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.

Bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.

Năm nay, gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022.

Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý, tính chung cả năm 2023 đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Hơn 1 triệu lao động đăng ký mới trong năm qua.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

7.Thúc đẩy những ngành, lĩnh vực mới nổi

Năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, là một “điểm sáng” trong chuyển đổi số ở nước ta.

Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); tập trung xây dựng, hoàn thiện 3 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Năm 2023 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới.

Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), lần đầu tiên bán tín chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

8.Đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục khởi sắc

Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km, đồng thời đang thi công khoảng 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên; xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.

Năm 2023, dù được giao vốn đầu tư công kỷ lục, lên đến 114.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước nhưng ngành giao thông vận tải tiếp tục dẫn đầu và có tỷ lệ giải ngân cao. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều dấu ấn, sự đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm quốc gia…

 

Nguồn: Báo mới

Doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên vì cước tàu biển đột ngột tăng

Giá cước đột ngột điều chỉnh tăng chóng mặt

Tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ thời gian qua do lực lượng Houthi tại Yemen tăng cường tấn công các tàu chở hàng phương Tây trong khu vực nhằm đáp trả việc Israel tấn công Dải Gaza đã và đang tác động trực tiếp đến cước tàu biển.

Theo đó, gần đây hàng loạt hãng vận tải lớn như: Maersk, Hapag-Lloyd, và CH Robinson Worldwide, CMA CGM… đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á – châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Trong đó, hãng vận tải biển hàng đầu thế giới CMA CGM đã thông báo về việc tính thêm phụ phí từ 325 USD – 500 USD/container 20 ft trên các tuyến từ Bắc Âu đi châu Á và từ châu Á đi khu vực Địa Trung Hải.

Không chỉ thông báo về việc tăng giá cước mà thời gian vận chuyển hàng hoá giữa châu Á – châu Âu được CMA CGM dự kiến tăng lên đáng kể. Nguyên nhân do hãng này phải tạm ngừng đi qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ – cụ thể là phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.

Doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên vì cước tàu biển đột ngột tăng
Các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại bị ảnh hưởng từ việc giá cước vận tải biển tăng (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua tuyến này ảnh hưởng ra sao?

Việc các hãng tàu biển điều chỉnh tăng giá cước đã và đang tác động trực tiếp đến những doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu qua khu vực Biển Đỏ. Cụ thể, theo ông Nguyễn Huy Tiến – Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Thảo Nguyên, hiện những đơn hàng vận chuyển xuất đi Trung Đông của doanh nghiệp đang phải trả thêm phí 300 USD/cont 20ft, với cont 40ft mức tăng thêm là 600 USD.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco)- cũng cho biết: Do công ty có một số đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ nên gần đây đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển. Mức tăng từ 200-500 USD/cont 40 ft với thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải là giá cước tàu biển qua tuyến này, mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài.

“Cước tàu biển tăng giá trong giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn bởi hiện đơn hàng của doanh nghiệp ngành gỗ mới chỉ phục hồi khoảng 20%. Đó là chưa kể nhiều chi phí khác cũng gia tăng, khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó”- ông Trần Quốc Mạnh lo lắng.

Cùng chung nỗi lo, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ, giá cước vận chuyển đã tăng khoảng 500 USD/cont 40 ft từ 15/12/2023. Dự báo, giá cước có thể còn tăng thêm nữa nếu tình hình an ninh ở khu vực Biển Đỏ xấu thêm. “Tàu bè vận chuyển sẽ phải đi vòng, dẫn tới thời gian di chuyển lâu hơn và các nhà xuất khẩu tại khu vực châu Á sẽ bị ảnh hưởng nhất”- ông Có nói.

Theo các doanh nghiệp, kênh đào Suez hiện là tuyến đường thuỷ ngắn nhất kết nối châu Á – châu Âu, với khoảng 15% lượng giao thông đường thuỷ toàn cầu phải đi qua kênh đào này. Kênh đào này là một trong số bảy nút thắt (choke points) quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng năng lượng trên thế giới. Chính vì vậy, mất an ninh ở khu vực này nếu kéo dài sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trước tình trạng trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Đặc biệt, các hiệp hội, doanh nghiệp kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.

Thùy Dương
Nguồn: Báo Công Thương

Kinh tế thế giới 2024 đối mặt rủi ro địa chính trị gia tăng từ 2 cuộc chiến và 50 cuộc bầu cử

Theo deccanherald.com, ngoài xung đột Nga – Ukraine, các cuộc tấn công vào tuyến giao thông vận tải quan trọng ở Biển Đỏ mà lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện, cùng với tác động lan tỏa từ cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza đang tạo ra bất ổn mới cho nền kinh tế thế giới đang trải quả tình hình địa chính trị ngày càng căng thẳng.

Nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông là vấn đề mới nhất trong chuỗi các cuộc khủng hoảng khó lường đã gây tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu, khiến nền kinh tế đi chệch hướng và để lại các vết sẹo.

Trong năm 2024, còn nhiều biến động hơn nữa đang chờ đợi khi có một loạt cuộc bầu cử ở nhiều nước mà kết quả có thể gây ra tác động sâu sắc và lâu dài. Hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia, như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Mỹ, Nga và 27 quốc gia thuộc Nghị viện châu Âu, sẽ tham gia bỏ phiếu. Nhìn chung, những nước diễn ra bầu cử năm 2024 chiếm 60% tổng lượng kinh tế thế giới.

Tại một số nước, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong bối cảnh cử tri bị chia rẽ gay gắt và có mối lo lắng sâu sắc và thường trực về triển vọng kinh tế.

Những người chiến thắng sẽ đưa ra các quyết định chính sách quan trọng ảnh hưởng đến trợ cấp dành cho các nhà máy, giảm thuế, chuyển giao công nghệ, phát triển trí tuệ nhân tạo, kiểm soát, rào cản thương mại, đầu tư, giảm nợ và chuyển đổi năng lượng.

Nếu một loạt nhân vật theo chủ nghĩa dân túy lên nắm quyền năm 2024, thì họ có thể thúc đẩy các chính phủ tiến tới kiểm soát chặt chẽ hơn thương mại, đầu tư nước ngoài và nhập cư.

Bà Diane Coyle, Giáo sư chính sách công tại Đại học Cambridge, cho rằng những chính sách như vậy có thể đưa nền kinh tế toàn cầu vào một thế giới rất khác so với thế giới mà mọi người từng quen.

Ở nhiều nơi, tâm lý hoài nghi về toàn cầu hóa ngày càng lớn khi thu nhập trì trệ, mức sống giảm sút và bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, bà Coyle nhận định rằng một thế giới thương mại bị thu hẹp là một thế giới mà thu nhập sẽ giảm sút.

Bà Coyle cảnh báo: Điều đó làm tăng khả năng xảy ra một vòng luẩn quẩn, bởi vì khi những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu thắng cử, chính sách của họ có thể sẽ làm suy yếu thêm tăng trưởng toàn cầu và làm tổn hại đến vận mệnh kinh tế.

Cuộc bầu cử lớn nhất vào năm tới là ở Ấn Độ. Hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nước này đang chạy đua để cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 1 có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại Mexico, cuộc bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng đến cách tiếp cận của chính phủ đối với năng lượng và đầu tư nước ngoài. Tổng thống mới ở Indonesia có thể thay đổi chính sách đối với các khoáng sản quan trọng như niken.

Tất nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới. Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng. Tuần trước, Mỹ và Liên minh châu Âu đã đồng ý tạm dừng áp thuế cao đối với thép và nhôm của châu Âu cũng như đối với rượu whisky và xe máy của Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Waterloo, bang Iowa ngày 19/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận này cho phép Tổng thống Joe Biden thể hiện lập trường cứng rắn đối với các thỏa thuận thương mại khi ông cạnh tranh phiếu bầu. Cựu Tổng thống Donald Trump, người có tiềm năng là ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã ủng hộ các chính sách thương mại bảo hộ và đề xuất áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ. Đây là một động thái chắc chắn sẽ khiến các nước khác trả đũa.

Ông Trump cũng đã chỉ ra rằng ông sẽ rút lui khỏi quan hệ đối tác của Mỹ với châu Âu, ngừng ủng hộ Ukraine và theo đuổi lập trường đối đầu hơn đối với Trung Quốc.

Công ty tư vấn EY-Parthenon kết luận trong một báo cáo gần đây: “Kết quả của cuộc bầu cử có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại, gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu, các quy định và liên minh toàn cầu”.

Đến nay, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn chưa rõ ràng. Tăng trưởng ở hầu hết các nước trên thế giới vẫn còn chậm chạp và hàng chục nước đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ. Về mặt tích cực, lạm phát giảm nhanh đang khuyến khích các ngân hàng trung ương giảm lãi suất hoặc ít nhất là ngừng tăng lãi suất. Chi phí đi vay giảm nói chung là động lực thúc đẩy đầu tư và mua nhà.

Khi thế giới tiếp tục chia rẽ thành các liên minh và khối đối đầu, mối lo ngại về an ninh càng lớn hơn.

Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường mua dầu, khí đốt và than đá của Nga sau khi châu Âu giảm mạnh lượng mua từ xung đột ở Ukraine. Đồng thời, đáp lại những hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho ngành công nghiệp của mình, Mỹ cũng dành ưu đãi lớn cho xe điện, chất bán dẫn và các mặt hàng khác được coi là thiết yếu cho an ninh quốc gia.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ở Biển Đỏ của lực lượng Houthi là một dấu hiệu nữa cho thấy căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Bà Courtney Rickert McCaffrey, nhà phân tích địa chính trị tại EY-Parthenon, cho biết trong vài tháng qua, ngày càng có nhiều nhân tố nhỏ như Yemen, Hamas, Azerbaijan và Venezuela đang tìm cách thay đổi hiện trạng. Bà nói: “Ngay cả khi những xung đột này nhỏ, chúng vẫn có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu theo những cách không ngờ tới. Quyền lực địa chính trị ngày càng bị phân tán và điều đó làm tăng tính tính bất ổn”.

Chú thích ảnh
Các tay súng Houthi trên tàu Galaxy Leader. Ảnh: Houthi

Cuộc tấn công của Houthi vào các tàu thuyền liên quan Israel ở Biển Đỏ đã đẩy giá cước vận chuyển, bảo hiểm và giá dầu tăng cao đồng thời chuyển hướng giao thông đường biển lên nhiều. tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn. Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ mở rộng liên minh quân sự để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi qua tuyến đường thương mại này, nơi 12% thương mại toàn cầu đi qua. Đây là đợt chuyển hướng thương mại toàn cầu lớn nhất kể từ khi Nga xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022.

Ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại công ty Pantheon Macro Economics, cho biết tác động của các cuộc tấn công cho đến nay vẫn còn hạn chế. Ông Vitesen nói: “Từ góc độ kinh tế, chúng tôi không thấy giá dầu và khí đốt tăng mạnh”. Dù vậy, ông cho rằng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ là điểm nóng rõ ràng nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tình trạng bấp bênh có tác động làm suy yếu nền kinh tế. Các doanh nghiệp có xu hướng chờ đợi trước khi quyết định đầu tư, mở rộng và tuyển dụng.

Một cuộc khảo sát giữa năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy: “Biến động liên tục trong quan hệ địa chính trị và địa kinh tế giữa các nền kinh tế lớn là mối quan tâm lớn nhất ở cả khu vực công và tư nhân”.

Với những xung đột quân sự dai dẳng, thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng và hàng loạt cuộc bầu cử lớn sắp diễn ra, có khả năng năm 2024 sẽ còn nhiều biến động.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức