Sức mạnh tuyệt đối của Trung Quốc trong ngành cảng biển: Đổ 40 tỷ USD để trở thành ông trùm ‘dỡ hàng’, doanh nghiệp phương Tây có muốn dịch chuyển sản xuất cũng khó

Theo tờ Financial Times (FT), sức mạnh cảng biển Trung Quốc ở một vị thế hoàn toàn khác tại Châu Á khiến các công ty ở Phương Tây có muốn dịch chuyển sản xuất cũng khó.

Không chỉ là công xưởng của thế giới, nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu mà Trung Quốc còn là nhà xuất khẩu lớn nhất trái đất. Bởi vậy cơ sở hạ tầng cảng biển tại đây cùng thuộc hàng “trùm” tại Châu Á.

Không so sánh nổi

Tờ FT cho biết dù nhiều công ty tại Phương Tây muốn tìm cách dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ và những nước Đông Nam Á khác để tránh căng thẳng Mỹ-Trung.

Thế nhưng việc dịch chuyển sản xuất sẽ phải đi kèm với khoản đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là cảng biển, vốn là thế mạnh nhiều năm qua của Trung Quốc.

Sức mạnh tuyệt đối của Trung Quốc trong ngành cảng biển: Đổ 40 tỷ USD để trở thành ông trùm ‘dỡ hàng’, doanh nghiệp phương Tây có muốn dịch chuyển sản xuất cũng khó - Ảnh 2.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy hơn 80% hàng hóa trên thế giới là được vận chuyển bằng đường biển. Trong khi đó báo cáo của hãng nghiên cứu Drewry cho thấy những thị trường sản xuất Châu Á ngoài Trung Quốc lại đang thiếu khả năng “dỡ hàng” tại các cảng biển để có thể duy trì dòng thương mại với Phương Tây.

Trung Quốc hiện có đến 76 cảng biển đủ sức hỗ trợ những tàu chở hàng chứa đến hơn 14.000 chiếc container 20ft (những container dài khoảng hơn 6m). Trong khi đó Nam Á và Đông Nam Á chỉ có 31 cảng biển đủ sức làm điều đó.

Báo cáo của hãng MDS Transmodal cho thấy những tàu chở hàng cỡ lớn chiếm đến 2/3 tổng trọng tải của dịch vụ vận tải Đông Á sang Phương Tây.

Thậm chí giám đốc Mike Garratt của MDS còn khẳng định rằng việc các nền kinh tế mới nổi Châu Á chắc chắn sẽ gặp khó khăn để xử lý những tàu trọng tải lớn như ở Trung Quốc nếu không cần vốn và thời gian để đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển.

“Đây là điều chắc chắn không cần bàn cãi”, giám đốc Garratt khẳng định.

“Sức mạnh của ngành sản xuất Trung Quốc và khả năng vận hành, chuyển hàng của họ ở mức độ không thể so sánh nổi”, giám đốc điều hành Glenn Koepke của tập đoàn kinh doanh chuỗi cung ứng FourKites đồng quan điểm.

Trong khi đó cảng biển kết nối tốt nhất của Đông Nam Á với Bắc Mỹ là thành phố Hồ Chí Minh-Việt Nam cũng chỉ phục vụ 19 đơn hàng mỗi tuần.

Dày công xây dựng

Tờ FT nhận định sự khác biệt quá lớn về công suất các cảng biển giữa Trung Quốc và những thị trường khác cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã dày công xây dựng, đầu tư, tốn thời gian cho chuỗi cung ứng như thế nào. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới.

Số liệu của Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan (QIRI) cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đổ ít nhất 40 tỷ USD trong khoảng 2016-2021 để xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển.

Nghiên cứu của Dynamar và UN thì cho thấy khoản đầu tư này đã giúp 275 triệu container 20ft được xử lý tại các cảng biển Trung Quốc trong năm 2022, cao hơn ít nhất 80% tổng lưu lượng xử lý container tại tất cả các cảng biển ở Nam Á và Đông Nam Á cộng lại.

Chính vì vậy, giám đốc Garratt của MDS nhận định các nền kinh tế mới nổi Châu Á sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian mới có thể bắt kịp Trung Quốc vể công suất cảng biển, chưa kể chính quyền Bắc Kinh vẫn còn tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng ven biển.

Giám đốc Garratt cho biết thông thường một nhà vận hành cảng biển sẽ cần 5 năm để xây dựng mới một cổng dỡ hàng mới (Terminal).

Sức mạnh tuyệt đối của Trung Quốc trong ngành cảng biển: Đổ 40 tỷ USD để trở thành ông trùm ‘dỡ hàng’, doanh nghiệp phương Tây có muốn dịch chuyển sản xuất cũng khó - Ảnh 3.

Khó rời đi

Theo FT, chính sức mạnh quá lớn của ngành cảng biển tại Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi dịch chuyển sản xuất để tránh xung đột thương mại.

Giám đốc Dheeraj Bhatia của Hapag Lloyd tại Trung Đông cho biết dù hãng muốn dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ nhưng quốc gia này cần làm rất nhiều thứ nữa để nâng cấp hạ tầng cơ sở cảng biển.

“Tôi cho rằng việc dịch chuyển này sẽ chẳng thể nhanh chóng được đâu, ít ra cũng cần vài năm đầu tư xây dựng”, giám đốc Bhatia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, CEO Rodolphe Saade của CMA-CGM nói với FT rằng Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ cần 5-10 năm để nâng cấp những cảng biển xử lý tàu chở hàng cỡ lớn, qua đó mới có thể đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng và sự dịch chuyển sản xuất được.

Trớ trêu thay, Trung Quốc cũng lại đang đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, cảng biển ở nhiều nước Châu Á thông qua dự án “Một vành đai, Một con đường”.

Giám đốc Chen Yipeng của hãng vận hành cảng biển quốc doanh COSCO Shipping Ports cho biết họ nhận thức rất rõ xu thế dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á của các doanh nghiệp và đang tích cực chuẩn bị đầu tư để tận dụng cơ hội này.

Nguồn: FT & Cafebiz

Andritz cung cấp dây chuyền tái chế vỏ lon nước giải khát cho Giấy Đồng Tiến Bình Dương, Việt Nam

Andritz đã nhận được một đơn đặt hàng từ Tetra Pak South East Asia Pte Ltd., Singapore, cung cấp một hệ thống mới để tái chế các vỏ lon nước giải khát đã qua sử dụng (UBC).

Máy sẽ được lắp đặt tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương, đặt tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Việt Nam và dự kiến sẽ khởi chạy vào giữa năm 2023. Dây chuyền này sẽ gồm hai máy thuộc dòng Prime (cao cấp) của ANDRITZ:

Máy nghiền bột PrimeFFD BT mới – một trong những trống nghiền bột giấy Fibre-Flow rất thành công – sẽ xử lý khoảng 50 tấn nguyên liệu thô thay thế mỗi ngày.

Trống nghiền sẽ hoạt động ở chế độ liên tục, biến UBC thành sợi chất lượng cao một cách hiệu quả cũng như tách và loại bỏ các thành phần poly-nhôm có giá trị, sẽ được sử dụng để sản xuất tấm lợp sóng.

PrimeClean TO (Hai trong Một) cải tiến kết hợp hai giai đoạn làm sạch trong một thiết bị và tách các sợi cũng như chất gây ô nhiễm với hiệu quả cao và năng lượng tiêu thụ ít hơn.

Hiện Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương đã có dây chuyền tái chế UBC của ANDRITZ đang vận hành rất thành công. Lần hợp tác này thể hiện sự kỳ vọng của công ty và khẳng định ANDRITZ là một đối tác lâu dài được đánh giá cao kể từ năm 2007./.

Doanh nghiệp lại kêu cứu – Bài 2: “Khản tiếng” với chuyện hoàn thuế, đánh thuế giá trị gia tăng

Bài 2: “Khản tiếng” với chuyện hoàn thuế, đánh thuế giá trị gia tăng

Doanh nghiệp đói khát vốn, nhưng hàng ngàn tỷ đồng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị “găm” khiến hoạt động sản xuất đình đốn, nguy cơ phá sản hiện hữu.

Doanh nghiệp gỗ khẩn khoản xin tiền hoàn thuế

Báo cáo mới đây với Thủ tướng Chính phủ, Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) thông tin, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang bức xúc câu chuyện bị “găm” tiền hoàn thuế GTGT.

Đại diện Công ty TNHH Hào Hưng (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ván dăm, viên nén và ván ghép thanh) cho biết, Công ty đang khốn khó vì thủ tục hoàn thuế GTGT kéo dài. Quá trình thu mua dăm gỗ của các doanh nghiệp xuất khẩu qua rất nhiều khâu, nên doanh nghiệp chỉ có thể truy xuất được 1-2 chủ thể trước họ, chứ không thể truy xuất đến F0. Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác (F0) không khác gì “mò kim đáy bể”.

Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền họ chờ được hoàn thuế GTGT cộng dồn từ năm 2020 tới nay lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, cơ chế hoàn thuế GTGT là khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế GTGT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đảm bảo tâm lý an tâm cho họ khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Tuy nhiên, với quy trình hoàn thuế GTGT đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể cũng như số tiền thuế bị “găm” lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay.

“Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản”, Báo cáo của Ban IV viết.

Nguyên nhân chính yếu dẫn tới chậm hoàn thuế là khâu xác minh nguồn gốc gỗ. Ngành thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước có độ rủi ro cao về thuế, nên yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ từ rừng trồng.

Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để đảm bảo gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế không phù hợp với thực tiễn cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho khâu sản xuất, xuất khẩu (yêu cầu chịu trách nhiệm minh bạch về toàn bộ hóa đơn, chứng từ liên quan chuỗi cung; chịu thuế GTGT đầu vào và phải chờ xét hoàn thuế).

Cách làm này dẫn tới một thực trạng là, sau khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả các doanh nghiệp nhóm “nhà mua” nguyên liệu chế biến gỗ đã đồng loạt thông báo dừng nhập nguyên liệu “gỗ đầu vào cho sản xuất” ở các tỉnh phía Bắc, nên ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng.

Đó là chưa nói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, với gỗ rừng trồng hợp pháp, người dân không phải xác nhận về nguồn gốc với cơ quan quản lý. Nhưng, công văn của Tổng cục Thuế ban hành sau đó 2 năm lại yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ tới tận UBND cấp xã.

Việc không nhất quán này đang gây khó cho quá trình thực thi của cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp.

Liên quan vấn đề trên, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ra Công văn số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách liên quan đến thuế GTGT. Tuy nhiên, tới giờ này, “tiếng kêu cứu” của doanh nghiệp vẫn còn nguyên vẹn!

Doanh nghiệp phân bón năn nỉ xin… đánh thuế

Theo đại diện Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, phân bón không được “đánh” thuế GTGT nên suốt 7 năm qua, doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào. Từ đó dẫn tới bị thiệt hại trung bình 90-100 tỷ đồng/năm và giá thành sản phẩm lại tăng 6-7% vì bắt buộc phải tính thuế GTGT vào giá bán.

“Kêu” tới Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẩn thiết xin đánh thuế GTGT với mặt hàng phân bón.

Theo các doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2015.

Việc phân bón là hàng hóa không chịu thuế GTGT khiến nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không được khấu trừ, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này buộc phải tính toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT vào chi phí sản xuất. Tình thế này khiến giá thành tăng 5-6%. Giá thành tăng làm giảm sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón không được hoàn thuế GTGT cho trang thiết bị, công nghệ cấu thành tài sản cố định của dự án khiến suất đầu tư dự án cao, làm giảm động lực của doanh nghiệp đối với việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để áp thuế GTGT đối với phân bón, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

 Doanh nghiệp giấy xin… đóng thay thuế GTGT

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, doanh nghiệp ngành này rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, nên không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế GTGT 10%.

Sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng cục Thuế cho phép làm các bảng kê, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, số tiền không quá 100 triệu đồng là quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều doanh nghiệp, nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành.

“Cực chẳng đã”, các doanh nghiệp ngành giấy “xin” cho phép tự mình đóng thuế GTGT thay cho các đầu mối thu mua phế liệu, sau đó tiến hành hoàn thuế để giải quyết các vướng mắc về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc thu mua, tái chế phế liệu.

Với bức xúc của doanh nghiệp gỗ, Ban IV vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đưa ra quy định để phân loại doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT theo hướng: với các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh thì cho phép hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất; đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước, sau đó mới tiến hành hoàn thuế.

Nguồn: Báo đầu tư & VPPA

Lợi thế cảng công suất lớn của Trung Quốc khiến phương Tây khó rời xa

Nhiều nước châu Á thiếu bến cảng tiếp nhận tàu lớn

Trong những năm qua, các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu đã hoặc có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh dâng cao.

Tuy nhiên, các số liệu của ngành vận tải biển cho thấy, các nước khác trong khu vực cần phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng cảng cũng như năng lực sản xuất để đáp ứng công suất của các tàu container khổng lồ.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 80% hàng hóa thương mại trên toàn cầu được vận chuyển bằng tàu biển. Tuy nhiên, dữ liệu từ hãng tư vấn hàng hải Drewry Shipping cho thấy, các trung tâm sản xuất khác của châu Á thiếu bến cảng container có thể tiếp nhận những con tàu lớn nhất, vốn đóng vai trò thiết yếu để vận chuyển hàng hóa từ phương Đông sang phương Tây.

Trung Quốc có 76 bến cảng có thể hỗ trợ các tàu lớn chở hơn 14.000 container 20ft mỗi tàu nhưng các nước Nam và Đông Nam Á chỉ có 31 cảng như vậy. Theo nhà cung cấp dữ liệu MDS Transmodal, các tàu container lớn chiếm khoảng 2/3 năng lực vận chuyển hàng hóa trên các tuyến hàng hải giữa Đông Á và châu Âu.

Mike Garratt, giám đốc MDS Transmodal, cho rằng nếu không đầu tư đáng kể, các cảng ở các thị trường mới nổi châu Á khác chắc chắn phải vật lộn để xử lý khối lượng container tương đương như ở Trung Quốc

“Sức mạnh sản xuất và và vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc là không thể so sánh được”, Glenn Koepke, tổng giám đốc của Công ty giám sát chuỗi cung ứng FourKites, khẳng định.

Theo MDS Transmodal, cảng Thượng Hải, lớn nhất của Trung Quốc, có 51 dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng tuần đến Bắc Mỹ, nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ trung tâm trung chuyển nào ở Nam Á hoặc Đông Nam Á. TPHCM, nơi cảng kết nối tốt nhất Đông Nam Á với Bắc Mỹ chỉ có 19 dịch vụ một tuần.

Khoảng cách công suất giữa các cảng của Trung Quốc và các đối thủ sản xuất ở châu Á cho thấy chính sách đầu tư hạ tầng cảng mạnh mẽ trước đây đã giúp Trung Quốc thống trị hoạt động sản xuất của thế giới như thế nào. Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan, có trụ sở tại Thâm Quyến, từ năm 2016 đến năm 2021, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 40 tỉ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng cảng biển.

Khoản đầu tư đó tương đương với công suất xử lý 275 triệu container 20 ft ở các cảng của Trung Quốc vào năm ngoái. Con số này tương đương 80% công suất xử lý container hàng năm của tất cả các nước Nam Á và Đông Nam Á gộp lại.

Mất 5-10 năm để bắt kịp Trung Quốc

Theo Mike Garratt, các thị trường mới nổi khác ở châu Á cần đầu tư lớn vào hạ tầng cảng để bắt kịp Trung Quốc. Các nhà điều hành cảng thường mất tới 5 năm để xây dựng một bến tàu mới.

Các tập đoàn vận tải biển thừa nhận, đamh đối mặt thách thức khi giúp các công ty đa quốc gia chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Dheeraj Bhatia, một lãnh đạo cấp cao của hãng vận tải biển Hapag-Lloyd (Đức), cho biết khách hàng mong muốn nhập khẩu nhiều hơn từ Ấn Độ nhưng quốc gia này cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy đầu tư vào năng lực cảng container nếu muốn tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và dân số trẻ.

“Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ có thể đổi nhanh chóng mà sẽ mất vài năm”, Bhatia nói.

Hồi tháng 1, Hapag-Lloyd công bố kế hoạch mua 40% cổ phần của nhà điều hành cảng JM Baxi Ports & Logistics của Ấn Độ.

Rodolphe Saadé, Giám đốc điều hành của CMA-CGM (Pháp), hãng tàu container lớn nhất thế giới, ước tính Ấn Độ và Đông Nam Á có thể mất “5 hoặc 10 năm” để xây dựng các bến cảng cho tàu lớn và đóng một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng ở các nền kinh tế châu Á, chẳng hạn như Sri Lanka và Pakistan thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Tuần trước, Chen Yipeng, Phó tổng giám đốc  COSCO Shipping Ports, nhà đầu tư cảng biển của Trung Quốc, cho biết công ty đã nhận thấy các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Vì vậy, nhà đầu tư cảng này đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ở khu vực này

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại phương Tây vẫn theo đuổi kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, được thực hiện vào thời kỳ cao điểm của đợt phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái, gần 1/3 số công ty châu Âu được hỏi cho biết đang cân nhắc chuyển khoản đầu tư hiện tại hoặc đã lên kế hoạch ở Trung Quốc sang những nước khác.

Dale Buckner, Giám đốc điều hành của Global Guardian, nhà cung cấp dịch vụ phản ứng khẩn cấp, y tế và an ninh cho doanh nghiệp, cho biết công ty đang hỗ trợ một công ty lớn rút khỏi Trung Quốc. Ông tiết lộ, các công ty này lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ Latin cũng như Philippines.

Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây đối với Nga chỉ làm tăng thêm mối lo ngại về một phản ứng tương tự nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, lãnh thổ Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền.

Theo Buckner, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cung cấp cho các doanh nghiệp một bài học nhãn tiền. “Làm thế nào để các tập đoàn đa quốc gia tự bảo vệ mình khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang bị chia cắt? Trường hợp xấu nhất trong dài hạn là có thể mất chuỗi cung ứng ở Trung Quốc”.

Theo phân tích của hãng dữ liệu Sentieo, doanh nghiệp Mỹ có xu hướng tăng trích dẫn mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi như là một phần trong các rủi ro kinh doanh được nêu trong báo cáo thường niên của họ nộp cho Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC).

Theo Financial Times

Vương quốc Anh tránh được suy thoái kinh tế

Điều này đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh đã tránh được suy thoái  kinh tế vào cuối năm ngoái.

Giám đốc thống kê kinh tế của ONS, ông Darren Morgan cho biết sự tăng trưởng vượt dự báo của các ngành viễn thông, xây dựng và sản xuất là yếu tố giúp nền kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng trên. Lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn của Anh tăng 0,1%, nhờ các công ty du lịch tăng trưởng gần 11%. Sản xuất tăng 0,5% nhờ có sự đóng góp của lĩnh vực dược phẩm, trong khi xây dựng tăng 1,3%. Thu nhập khả dụng của các hộ gia đình tăng 1,3% sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Ngoài ra, theo ông Morgan, các hộ gia đình ở Vương quốc Anh đã tiết kiệm được nhiều hơn trong quý IV/2022, với nguồn tài chính tăng lên khi chính phủ hỗ trợ để thanh toán các hóa đơn năng lượng cao ngất ngưởng. Cụ thể, tỷ lệ tiết kiệm tương đương 9,3% thu nhập khả dụng, tăng lên so với mức 5,6% ngay trước đại dịch. Trong khi đó, thâm hụt cán cân thanh toán của Vương quốc Anh so với phần còn lại của thế giới được thu hẹp, do thu nhập từ nước ngoài của các công ty Anh tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Mặc dù dữ liệu kinh tế được cải thiện, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh vẫn thấp hơn 0,6% so với mức cuối năm 2019 và Anh là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm Các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19. (G7 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 1 dự báo Anh sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất tăng trưởng âm trong năm 2023, một phần do tỷ lệ lạm phát trên 10%. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, kinh tế Anh vận hành tốt hơn dự báo của giới phân tích.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tuần trước đã tăng lãi suất và đây là lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp của thể chế tài chính này. Hiện các nhà đầu tư đang có quan điểm trái ngược nhau về khả năng BoE sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 5 tới.

Tại Pháp, số liệu của Viện Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho thấy lạm phát trong tháng 3 là 5,6%, giảm từ mức 6,3% trong tháng 2. Xu hướng đi xuống của giá năng lượng đã góp phần giảm lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dù giá thực phẩm tăng tới 15,8%.

Tại Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone, lạm phát cũng giảm từ 8,7% trong hai tháng đầu năm xuống 7,4% trong tháng 3. Tương tự, tại Tây Ban Nha, lạm phát đã giảm từ 6% trong tháng 2 xuống 3,3% trong tháng 3.

Nguồn: Báo đầu tư

Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp loạt lãi suất điều hành từ ngày 3/4

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.

Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vì mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Bên cạnh đó, NHNN giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm.

Ngoài ra, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cũng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

Thông cáo cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tăng trưởng Quý I thấp so với cùng kỳ nhiều năm; lạm phát trong nước được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; đồng thời, các TCTD cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 03 tháng 4 năm 2023.

Nguồn: Nhịp sống Thị trường

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa, dự kiến triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Phát biểu tại toạ đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh” do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 30/3, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực NHNN, cho biết, mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.

Chính sách lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phải nền kinh tế phát triển, hài hoà nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với nhiều lĩnh vực…

Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng NHNN Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Vốn hiện nay đang thừa, chúng tôi khuyến khích cho vay.

“Quan điểm của NHNN lúc này là phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới sẽ vận động các ngân hàng thương mại giảm tiếp, giảm nhiều hay ít là tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng”, ông Tú nói.

Bên cạnh đó, việc giãn/hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn/hoãn nợ phải phù thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.

Trước đó, từ ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN t.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo NHNN, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, NHNN cũng cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đồng thời, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: Nhịp sống Thị trường

Bản Tin VPPA tháng 03/2023

Trong bản tin số 3 – tháng 3/2023 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

Andritz cung cấp dây chuyền tái chế vỏ lon nước giải khát cho Giấy Đồng Tiến Bình Dương, Việt Nam

Thị trường giấy cán láng dự kiến sẽ tăng 4,6% từ năm 2023 đến năm 2033

Lee & Man Paper đặt Andritz lô ép kiểu giầy để tăng hiệu suất năng lượng

    >>> XEM BẢN TIN VPPA THÁNG 3/2023

Doanh nghiệp sốt ruột vì quá khó khăn, muốn được đối thoại với Tổng cục Thuế

Lý do của đề xuất này là phần lớn những khó khăn, vướng mắc mà Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổng hợp thông tin từ trên 30 hiệp hội doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thuế, chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế.

Trong công văn do Trưởng Ban IV Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3, tình trạng chậm hoàn thuế VAT (cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, …); mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá… đã được Ban IV liệt kê.

Cụ thể, Ban IV báo cáo, quy trình hoàn thuế VAT đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến doanh nghiệp bị động. Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền chờ hoàn cộng dồn từ năm 2020 lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản.

Liên quan đến doanh nghiệp giấy, doanh nghiệp trong nước rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, do đó không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế VAT 10%.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việ Nam, sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng Cục thuế cho phép làm các bảng kê. nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều DN nên DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật…

Ngoài ra, còn việc chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (như y tế, giáo dục…).

Nếu không được đối thoại, Ban IV đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tiến hành rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu Covid-19…, từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một số chính sách hoặc khâu thực thi chính sách trong nước chưa theo kịp diễn biến thị trường quốc tế, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành và các DN nội địa.

Cụ thể, Ban IV báo cáo Thủ tướng, các doanh nghiệp logistics và kinh doanh vận tải, cảng biển phản ánh sự chậm điều chỉnh các quy định liên quan giá bốc xếp cảng biển, thời gian lái xe kinh doanh vận tải.

Các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thép, may mặc, da giày, nhựa… phản ánh việc gặp khó khăn về thông tin và thực thi, đặc biệt đối với các yêu cầu mới của các thị trường quốc tế về chuỗi cung ứng, về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội phản ánh sự lúng túng trong thực thi các quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế.

Đối với các vấn đề có nhiều diễn biến mới trên quy mô toàn cầu (như xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hay các quy định ràng buộc về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp…), Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành đầu mối (ví dụ Bộ Tài nguyên – Môi trường, hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Công thương) thiết lập các chuyên trang thông tin và/hoặc chương trình giao ban định kỳ (hàng tháng, hàng quý) với doanh nghiệp để trao đổi thông tin 2 chiều, nhằm giúp doanh nghiệp trong nước sớm định hình hướng đi, tận dụng mọi cơ hội, vượt qua các thách thức.

Nguồn: Báo đầu tư

Ngành giấy khuyến cáo năng lực sản xuất bao bì đã vượt xa nhu cầu

Ở chiều ngược lại, ngành giấy cần doanh nghiệp phát triển phân khúc bao bì giấy cao cấp vì hiện tại Việt Nam đang chi hàng tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu dòng sản phẩm này.

Thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị khởi động chuỗi triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa kết hợp với tọa đàm “Kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững” tại TPHCM vào ngày 28-3.

Tại sự kiện, ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA, cho biết hiện nay khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. “Việt Nam hiện là đất nước có sản lượng giấy bao bì phổ thông sản xuất nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành giấy và và số lượng doanh nghiệp thuộc VPPA chỉ có 130 đơn vị nhưng lại chiếm đến 90% công suất toàn ngành.

Vị đại diện của VPPA cho biết, từ tháng 9-2022 tới nay doanh nghiệp ngành giấy gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Lý do, ngành giấy hiện đang là ngành phụ trợ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu nên khi các ngành này như giầy dép, dệt may, đồ gỗ,… chịu ảnh hưởng và suy giảm đơn hàng đã kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy bao bì.

Theo ước tính của VPPA, hiện nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 50%-60% công suất thiết kế để duy trì sản xuất. Ông Sơn dự báo năm 2023 này, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong ngành còn khó khăn hơn do các ngành sản xuất của Việt Nam đang suy giảm.

Với năng lực sản xuất lớn lên đến khoảng 8 triệu tấn/năm, nhưng các nhà máy hiện chỉ chạy khoảng 60% công suất, nên theo ông Sơn hiệu quả không cao.

Dự báo năng lực sản xuất đến năm 2025 có thể tăng thêm khoảng 3 triệu tấn nữa, trong khi đó tình hình cho thấy dòng vốn rót vào sản xuất bao bì giấy phổ thông đang tiếp tục gia tăng. Theo ông Sơn, các doanh nghiệp nhỏ đang tiếp tục tăng quy mô sản xuất, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực này tiếp tục tìm đường đầu tư vào Việt Nam.

Do đó người đại diện của VPPA khuyến cáo doanh nghiệp, nhà đầu tư ngành này nếu tiếp tục rót vốn nâng công suất thì sẽ rất khó khăn về đầu ra.

Theo ông Sơn, hiện khoảng 90% sản phẩm bao bì giấy làm ra tiêu thụ ở thị trường nội địa. Do đó, để các nhà máy hoạt động hiệu quả thì cần phải gia tăng tỉ lệ xuất khẩu.

VPPA khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu mới tại các nước như Châu Mỹ, Trung Đông… Việc tham gia các hội chợ triển lãm như chuỗi Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa diễn ra vào tháng 6 tới tại TPHCM cũng được VPPA cho là để tiếp cận khách hàng mới.

Ông Sơn khuyên các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phát triển phân khúc bao bì giấy cao cấp vì hiện mỗi năm nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước chi hàng tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu đến 1 triệu tấn dòng sản phẩm này.

Cũng theo ông Sơn, ngành giấy đang gặp những khó khăn từ nội tại, cần có giải pháp tháo gỡ trong dài hạn. Cụ thể là chưa đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững; chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn nên đang phải nhập khẩu hơn 500 ngàn tấn bột giấy mỗi năm. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành giấy còn đối mặt thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao…

Do đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững, VPPA kiến nghị Nhà nước cần khuyến khích đầu tư sản xuất bột giấy từ nguyên liệu trong nước với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường…

Chuỗi triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành này gồm: Triển lãm và Hội thảo quốc tế thứ 10 chuyên ngành công nghiệp giấy và bột giấy (Paper Vietnam 2023); Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 9 chuyên ngành công nghiệp cao su và sản xuất xăm lốp xe (Rubber & Tyre Vietnam 2023); Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về chuyên ngành sơn phủ, tạo màu, nhuộm và mực in (Coatings Expo Vietnam 2023); Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về máy, thiết bị, công nghệ và nguyên phụ liệu ngành nhựa (Plastech Vietnam 2023).

Các triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-6-2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM. Công Triển lãm Minh Vi (VEAS) – đơn vị tổ chức sự kiện này cho biết 4 triển lãm nói trên sẽ có 230 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày.

Nguồn: Thesaigontimes.vn & VPPA