Nhà máy Bột – Giấy VNT 19: Bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu

Phát triển xanh, bền vững là mục tiêu hàng đầu

Đại diện nhà máy Bột – Giấy VNT 19 cho biết đang sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất bột giấy phổ biến nhất thế giới hiện nay. Các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ được tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao, hầu hết đều có xuất xứ từ châu Âu.

Cụ thể hơn, Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt (Isothermal cooking-ITC), hệ thống thu hồi hóa chất khép kín và hệ thống tẩy trắng bột giấy với công nghệ tẩy ECF tiên tiến. Theo doanh nghiệp, quy trình này không sử dụng nguyên tố Clo để tẩy trắng, có chi phí vận hành thấp, bột có chất lượng cao hơn trong khi mức độ ô nhiễm môi trường thấp.

Để hạn chế nguồn phát nước thải, nước rửa bột giai đoạn sau được tận dụng tối đa làm nước rửa bột cho giai đoạn trước. Theo đó toàn bộ dịch đen loãng sẽ được thu hồi trong một vòng tuần hoàn khép kín, cô đặc để làm nhiên liệu cho lò hơi thu hồi sinh hơi nước để phát điện cho nhà máy công suất 54 MW, đồng thời tiết giảm nguồn phát thải, hạn chế tác động đến môi trường.

Để bảo đảm nước thải sau khi xử lý luôn ổn định, đạt chất lượng khi xả thải ra môi trường, chủ đầu tư nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đã ký hợp đồng với Công ty Aquaflow (AQF) đến từ Phần Lan cho hạng mục thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt, chạy thử và chuyển giao đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Nhà máy Bột - Giấy VNT 19: Bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu - 2
Kho chứa dăm nguyên liệu có sức chứa lớn đảm bảo hoạt động cho nhà máy (Ảnh: VNT 19).

Phân xưởng xử lý nước thải tập trung có tổng công suất là 50.000 m3/ngày đêm. Theo đại diện doanh nghiệp, công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn là công nghệ sinh học kết hợp hóa lý bao gồm sử dụng lắng trọng lực tách chất rắn lơ lửng, vi sinh hiếu khí cho xử lý BOD, COD, hóa lý xử lý độ màu kết hợp tuyển nổi xử lý chất rắn lơ lửng còn lại trong nước thải. Đây là sơ đồ công nghệ xử lý tiêu chuẩn ở tất cả các nhà máy sản xuất bột giấy trên thế giới.

“Như vậy, với kỹ thuật, công nghệ châu Âu tiên tiến được sử dụng tại phân xưởng xử lý nước thải này, phương án xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh là khả thi và an toàn cho môi trường”, đại diện đơn vị khẳng định.

Nguồn lực con người – nhân tố quan trọng trong định hướng phát triển của công ty

Ngoài các hoạt động tăng cường bảo vệ môi trường và từ thiện xã hội thì con người, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ đã trở thành nhân tố trọng yếu trong định hướng phát triển bền vững của Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT 19 trong nhiều năm qua.

Với phương châm phát triển sản xuất kinh doanh không quên lợi ích của người dân, Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT 19 luôn ưu tiên tối đa cho việc sử dụng nguồn lao động tại chỗ.

 

Nhà máy Bột - Giấy VNT 19: Bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu - 3
Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 chú trọng công tác đào tạo cho người lao động (Ảnh: VNT 19).

Theo đó, Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT 19 đã ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, trước hết là lao động thuộc các gia đình trong diện giải phóng mặt bằng, con em của các hộ dân xung quanh dự án như các xã Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước và các xã lân cận thuộc huyện Bình Sơn. Người lao động chưa có bằng nghề theo yêu cầu của một số vị trí, công ty đã tuyển dụng và cho đi đào tạo, học nghề tại các cơ sở, nhà máy trong nước.

Đợt tuyển dụng tháng 8/2022, nhà máy đã tuyển được 35 người là con em ở các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Hải. Hiện, những lao động này đã hoàn thành khóa đào tạo nâng cao tại trường cao đẳng nghề giấy, thị trấn Phù Ninh tỉnh Phú Thọ và trở về làm việc tại dự án. Những lao động có năng lực tốt còn được công ty tạo điều kiện học tập để sắp xếp vào những vị trí quan trọng trong nhà máy.

Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 vẫn đang tiếp tục tuyển dụng rất nhiều lao động từ các ngành nghề như: kỹ sư điện, kỹ sư điều khiển – tự động hóa, kỹ sư giám sát lắp đặt, trưởng phòng quản lý cơ khí, chuyên gia kỹ thuật/vận hành tuabin, trưởng phòng nhà máy điện…cho đến nhân viên QC quản lý tài liệu, công nhân thủy lực, nhân viên QC cơ khí,..

Dự kiến năm 2023, Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, đóng góp lớn cho nguồn ngân sách của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.

Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chấp thuận chủ trương đầu tư tại Thông báo số 40/TB-UBND vào ngày 31/3/2011; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 2270/QĐ-BTMNT (ngày 7/9/2015).

Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là sản xuất bột giấy tẩy trắng cao cấp cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; tạo công ăn việc làm, phát triển dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động; giảm nhập siêu của quốc gia, đóng góp thuế cho ngân sách địa phương, góp phần hiện đại hóa, nâng sức cạnh tranh ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy…

    >>> Andritz nhận đơn đặt hàng tiếp theo từ Giấy Xuân Mai, Việt Nam

Theo báo Dân trí

Andritz nhận đơn đặt hàng tiếp theo từ Giấy Xuân Mai, Việt Nam

Máy sản xuất giấy tissue chất lượng cao, được làm từ 100% bột giấy nguyên sinh hoặc 100% bột giấy đã khử mực (DIP) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Máy có tốc độ thiết kế 1.800 m/phút, khổ giấy sau cắt biên 2,85m và công suất thiết kế 72 tấn/ngày. Lô hút chân không sẽ được phủ một lớp vỏ polyurethane polysoft để khử nước hiệu suất cao.

PrimeDry Steel Yankee (đường kính 16 ft) kết hợp với tủ hút COMBO làm nóng bằng hơi nước cho phép sấy khô hiệu quả cao với mức tiết kiệm năng lượng đáng kể.

Andritz cũng sẽ cung cấp dịch vụ và hỗ trợ tự động hóa và các thiết bị phụ trợ khác.

Trong năm 2020, công ty Giấy Xuân Mai đã khởi chạy thành công dây chuyền sản xuất khăn giấy của ANDRITZ.

Đơn đặt hàng tiếp theo này một lần nữa khẳng định vị thế đối tác lâu dài của công ty Giấy Xuân Mai./.

    >>> Thị trường bột giấy Trung Quốc: Giá giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung cao

Theo Pulpapernews

VPPA dịch

Thị trường bột giấy Trung Quốc: Giá giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung cao

Tình hình bất ổn của thị trường kéo dài, nhu cầu thấp trên toàn cầu, các dự án mới sắp được vận hành tại Nam Mỹ, cùng với đó tại thị trường Trung Quốc, do nhu cầu tiêu thụ giảm, nguồn cung dồi dào và kế hoạch ngừng máy kéo dài đã thúc đẩy người mua tại Trung Quốc hạn chế nhập khẩu các loại bột giấy. Khách hàng Trung Quốc tăng mua vào khối lượng hàng giao ngay và giảm khối lượng các hợp đồng dài hạn khi ký kết hợp đồng cho năm 2023.

Đồng thời, ngay tại Châu Âu và Châu Mỹ nhu cầu cũng giảm nên các nhà cung cấp đã chuyển hướng sang thị trường Châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Vì vậy đây cũng là yếu tố khuyến khích các nhà nhập khẩu Trung Quốc đưa ra điều kiện giảm giá.

Đối với bột gỗ cứng

Hiện nay, tại thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp giữ nguyên giá ở mức 850-860 USD/tấn đối với bột kraft gỗ cứng tẩy trắng chuẩn Nam Mỹ.

Mặc dù người mua đang đề nghị mức giảm 30 USD/tấn xuống còn 820-830 USD/tấn, nhưng các nhà cung cấp lại ràng buộc điều kiện đơn hàng phải có khối lượng lớn và giao hàng từng tháng. Cả hai bên dường như đồng ý về giá, nhưng chưa thống nhất về việc giao hàng theo quý.

Tuy nhiên, nhà cung cấp Suzano đã công bố mức giảm 40 USD/tấn xuống còn 820 USD/tấn đối với bột BEK.

Trong khi đó, các nhà cung cấp cho rằng Suzano quyết định giảm giá do Arauco chuẩn bị khởi động Dự án MAPA 1,56 triệu tấn/năm tại Chile trong tháng 12/2022, đã bắt đầu tiếp thị bột BEK của dự án cho thị trường Trung Quốc và dự án Toros sản xuất bột BEK công suất 2,1 triệu tấn/năm của UPM sắp đi vào hoạt động ở Uruguay trong quý I/2023.

Trước viễn cảnh của hai dự án khổng lồ bột BEK tại Nam Mỹ, người mua Trung Quốc đã giảm lượng mua vào và đồng thời thúc ép mạnh mẽ việc giảm giá.

Để đáp lại tình trạng này, APP đã thông báo tạm ngừng sản xuất trong 2 tháng đầu năm 2023 tại hai trong số ba nhà máy bột BEK ở Indonesia, giảm 150.000 tấn sản lượng.

Đối với thị trường bột gỗ mềm

Do nhu cầu thấp, giá giảm, lượng giao hàng hạn chế nên một số nhà cung cấp cũng hạ giá bột kraft gỗ mềm tẩy trắng nhập khẩu phương bắc tại Trung Quốc.

Bột kraft gỗ mềm phương bắc tẩy trắng của Canada chỉ còn 900-910 USD/tấn, giảm10-40 USD/tấn so với thời điểm tuần đầu tháng 12/2022.

Bột kraft gỗ mềm phương bắc tẩy trắng Bắc Âu được định giá ở mức 860-910 USD/tấn, giảm 40-50 USD/tấn.

Do đó, giá trung bình của bột kraft gỗ mềm phương bắc tẩy trắng là 895 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn.

Các nhà cung cấp cũng đã giảm giá đối với bột gỗ thông radiata, với giá niêm yết được cắt giảm 30 USD/tấn xuống còn 910 USD/tấn.

Giá bột gỗ thông phương Nam là 850 USD/tấn đối với loại ở dạng tấm và 820 USD/tấn đối với bột giấy ở dạng cuộn.

Giá bột kraft gỗ mềm không tẩy trắng Bắc Mỹ có giá 730-740 USD/tấn.

Khung giá cho loại bột từ Châu Mỹ này không đổi ở mức 730-810 USD/tấn nhưng hầu hết các giao dịch đã được chốt ở mức giá thấp hơn do được giảm giá./.

    >>> Giá OCC giảm mạnh tại Đông Nam Á và Đài Loan, đặc biệt là OCC Châu Âu

Theo RISI Fastmarkets

VPPA dịch

Giá OCC giảm mạnh tại Đông Nam Á và Đài Loan, đặc biệt là OCC Châu Âu

Thống kê thông tin thị trường OCC châu Á tuần qua, các khách hàng ở Đông Nam Á đã thúc đẩy  mạnh mẽ việc giảm giá nhập khẩu thùng sóng cũ (OCC). Trong bối cảnh đó, dự báo sẽ có nhiều đơn hàng được thực hiện do áp lực tồn kho và việc tiêu thụ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Các nhà cung cấp cho hay, tại thời điểm trung tuần tháng 12/2022, khách mua tại hai nước Thái Lan và Việt Nam đang đặt hàng mua vào nhiều nhất. Tại đây, giá OCC12 của Mỹ đang bị ép bán với giá dưới 170 USD/tấn, với lý do loại OCC này của Mỹ chốt giá ở mức 165-170 USD/tấn tại Đài Loan. Trong khi đó, OCC 95/5 của châu Âu được giao dịch với mức giá 130 USD/tấn, người mua viện dẫn đến sự gia tăng nguồn cung OCC từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp đều cho biết, tại Đông Nam Á và Đài Loan nhịp độ mua vào OCC cũng đã suy giảm, do dự báo thị trường giấy bao bì tại khu vực và Trung Quốc trong giai đoạn đầu năm 2023 vẫn chưa mấy sáng sủa. Nhu cầu giảm nên nhiều nhà sản xuất đã cho tạm dừng máy, ngừng sản xuất và chuyển sang bảo dưỡng như tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan…

Các nhà cung cấp cũng thông tin, ngay cả Ấn Độ, nước mua OCC nhiều nhất cũng đã giảm mua, mặc dù giá cước vận chuyển đường biển đối với giấy thu hồi từ Mỹ và Châu Âu giảm 10 USD/tấn. Tuy nhiên, các dự án sản xuất bột tái chế và giấy làm thùng sóng của các công ty Trung Quốc đặt  tại Đông Nam Á, nhất là ở Malaysia và Thái Lan sẽ vận hành trong nửa đầu quý I/2023 nên lượng mua vào chuẩn bị cho sản xuất sẽ rất lớn. Dự kiến, công suất bột tái chế bổ sung sẽ lên tới một triệu tấn/năm vào tháng 4/2023. Bởi vậy, đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến việc giá OCC giảm chỉ là tạm thời và giá có thể sẽ tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Hơn nữa nhiều nhà cung cấp đã cắt giảm khối lượng chào bán tại châu Á, dự kiến lượng thu gom tại Mỹ và châu Âu sẽ sụt giảm do mức tiêu thụ giấy và bìa ở đó giảm dần.

So với thời điểm tuần đầu tháng 12/2022, tại Đài Loan, OCC 12 của Mỹ có giá 165-170 USD/tấn, giảm 15-25 USD/tấn; cũng tại Đông Nam Á và Đài Loan, OCC 11 của Mỹ ở mức 160-180 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn. Giá OCC 95/5 của Châu Âu giảm mạnh nhất, còn 135-145 USD/tấn, giảm 15-20 USD/tấn. Trong khi đó, do lượng OCC sẵn có của Nhật Bản tăng lên, nên khách hàng tại Việt Nam, Thái Lan đang gây áp lực giảm giá đối với OCC châu Âu, OCC 95/5 của châu Âu được giao dịch với mức giá 130 USD/tấn./.

Theo PPI Asia

Đoàn công tác Hiệp hội tham quan và làm việc tại các nhà máy phía Nam

Từ ngày 09/12 đến ngày 12/12/2022, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tổ chức một đoàn công tác hỗn hợp đi tham quan và làm việc với một số nhà máy sản xuất giấy khu vực phía Nam. Thành phần tham gia đoàn công tác là các cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng viên… thuộc lĩnh vực chuyên ngành của các đơn vị: Văn phòng Hiệp hội, Bộ Công Thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Cao đẳng Công Thương Phú Thọ, Viện CN Giấy và Xenluylô, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Mục đích chuyến đi của đoàn công tác là tham quan, tìm hiểu về quy mô công suất, trình độ quản lý và công nghệ hiện đại của các dây chuyền sản xuất giấy bao bì công nghiệp và giấy tissue tại khu vực Miền Nam, đồng thời  góp phần phục vụ công tác xây dựng chính sách, hỗ trợ khoa học công nghệ phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam. Đoàn công tác đã tham quan và làm việc với các nhà máy: Công ty CP Giấy Sài Gòn; Công ty KoA (Kraft of Asia PaperBoard &Packaging) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hai công ty Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper và Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến tại tỉnh Bình Dương.

Tại các công ty đến làm việc, đoàn đã được Ban lãnh đạo của các doanh nghiệp đón tiếp trọng thị, chu đáo và giới thiệu cụ thể về mô hình hoạt động sản xuất của công ty, về định hướng phát triển và những mối quan tâm của doanh nghiệp đối với lĩnh vực sản xuất của Ngành Giấy Việt Nam.

Hai bên đã thông tin, trao đổi và thảo luận về một số vấn đề như nghiên cứu và đào tạo nhân lực cho Ngành Giấy, những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, mối quan tâm và hỗ trợ của Văn phòng Hiệp hội trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự đánh giá cao mối quan tâm của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, của đoàn công tác tới các doanh nghiệp và mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý ngành giấy, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành giấy cũng như các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp sản xuất giấy ngày càng phát triển hơn nữa.

Sau đây là một số hình ảnh của đoàn công tác:

    >>> Chiến dịch “Stavian – trồng rừng, vững sống” tặng 20.000 cây xanh cho Mù Cang Chải

VPPA

Chiến dịch “Stavian – trồng rừng, vững sống” tặng 20.000 cây xanh cho Mù Cang Chải

Nhằm hưởng ứng và phát huy tinh thần cả nước chung sức, đồng lòng hưởng ứng Đề án “Một tỷ cây xanh – Vì Việt Nam xanh” do Thủ tướng phát động, Tập đoàn Stavian đã triển khai chiến dịch “Stavian – rồng rừng, vững sống” (Stavian – For a Greener Vietnam) với mục đích góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng.

Theo đó, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Yên Bái, Tập đoàn Stavian tài trợ và trao tặng tổng cộng 20.000 cây giống bà con huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nhằm phủ xanh hơn 50ha đồi trọc và rừng nghèo, rừng năng suất thấp tại 2 xã La Pán Tẩn và Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải.

Chiến dịch Stavian - trồng rừng, vững sống tặng 20.000 cây xanh cho Mù Cang Chải - 2
Đại diện Tập đoàn Stavian trao tặng 20.000 cây giống cho huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái (Ảnh: Stavian).

Với số cây trao tặng trên, Tập đoàn Stavian mong muốn chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện thỏa thuận COP26 về chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, chiến dịch lần này cũng lựa chọn 3 loại cây là dổi, thông và dẻ vốn có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân tại địa phương.

Chiến dịch Stavian - trồng rừng, vững sống tặng 20.000 cây xanh cho Mù Cang Chải - 3
Tập đoàn Stavian trao tặng cây giống tượng trưng cho các hộ gia đình tiêu biểu tại 2 xã La Pán Tẩn và Dế Xu Phình (Ảnh: Stavian).

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hà – đại diện Tập đoàn Stavian – chia sẻ tập đoàn Stavian luôn hướng tới việc kiến tạo những giá trị bền vững, đề cao yếu tố con người và môi trường. Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, công ty nhận định hoạt động này càng trở nên cần thiết hơn hết.

“Chúng tôi vui mừng khi được hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Yên Bái triển khai chiến dịch “Stavian – trồng rừng, vững sống”, mang lại lợi ích kép không chỉ tăng diện tích rừng, bảo tồn thiên nhiên mà còn tạo thêm sinh kế cho bà con, góp phần gia tăng giá trị kinh tế địa phương. Hy vọng rằng, chiến dịch sẽ lan tỏa và tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp hơn nữa chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng một Việt Nam xanh”, ông Hà chia sẻ.

Chiến dịch Stavian - trồng rừng, vững sống tặng 20.000 cây xanh cho Mù Cang Chải - 4
Ông Nguyễn Đức Hà – đại diện Tập đoàn Stavian – phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Stavian).

Đại diện huyện Mù Cang Chải cũng cho biết trong thời gian triển khai, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý và hỗ trợ việc trồng cây để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, các hộ dân được lựa chọn nhận và chăm sóc cây cũng đáp ứng các tiêu chí về diện tích đất trồng và khả năng quản lý, chăm sóc cây trồng.

Cũng tại sự kiện, Tập đoàn Stavian đã trao tặng nhiều phần quà cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 2 xã La Pán Tẩn và Dế Xu Phình với hy vọng mang tới cho các hộ gia đình, các em học sinh một mùa Tết thêm phần ấm áp.

Chiến dịch Stavian - trồng rừng, vững sống tặng 20.000 cây xanh cho Mù Cang Chải - 5
Bên cạnh trao tặng cây giống, Tập đoàn Stavian còn gửi đến những món quà cho các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương nhân dịp Tết đến Xuân về (Ảnh: Stavian).

Trong thời gian tới, Tập đoàn Stavian sẽ tiếp tục triển khai đa dạng các dự án cộng đồng nhằm đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế – xã hội Việt Nam, kiến tạo thêm nhiều giá trị bền vững và đảm bảo hoạt động trách nhiệm cao với cộng đồng và các khu vực nơi Tập đoàn hoạt động.

Được thành lập từ năm 2009, Stavian hiện là tập đoàn sản xuất, thương mại, đầu tư đa ngành – đa quốc gia, có trụ sở chính tại Việt Nam và hệ thống chi nhánh, kho bãi tại gần 30 nước. Tập đoàn định hướng phát triển bền vững, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập cao cho người lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tham gia bảo vệ môi trường và hoạt động có trách nhiệm cao với cộng đồng.

Stavian hưởng ứng các chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy kinh tế song song với việc nâng cao trách nhiệm xã hội. Tập đoàn Stavian đã và đang đồng hành cùng cộng đồng, đóng góp cho xã hội trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thể thao, bảo vệ môi trường, các hoạt động thiện nguyện…

    >>> Bản tin VPPA tháng 11/2022

Theo báo Dân trí

Bản tin VPPA tháng 11/2022

Trong bản tin số 10 – tháng 11/2022 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

Andritz nhận đơn đặt hàng tiếp theo từ Giấy Xuân Mai, Việt Nam

EU sẵn sàng giảm phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực giấy vào năm 2023

Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp

   >>> Xem BẢN TIN VPPA THÁNG 11/2022

Ngành giấy hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn

Sáng ngày 6/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo: “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.

Ngành giấy Việt Nam mục tiêu Top 10 Châu Á

Theo ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngành giấy là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Thật vậy, ngành giấy được cho là ngành phụ trợ quan trọng đối với các ngành khác như: điện tử, may mặc, da giày, thủy sản, đồ gỗ, … góp phần rất lớn thúc đẩy sự phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại điện tử. Ngoài ra, những sản phẩm giấy cũng là một trong những loại hàng hóa thiết yếu cần thiết trong xã hội, đặc biệt cho văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông… Sự phát triển của ngành giấy, mức tiêu dùng giấy cũng là một trong những thước đo sự phát triển của một quốc gia nói chung và các ngành kinh tế, xã hội nói riêng.

Tính đến năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó: hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm ~ 35% sản lượng. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm tỉ lệ trên 80%, còn lại là các loại giấy tissue, in viết, vàng mã và các loại giấy khác.

Nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất giấy là dăm gỗ rừng trồng và giấy thu hồi, trong đó giấy thu hồi thu gom trong nước và nhập khẩu vẫn đã, đang và sẽ là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất của toàn ngành.

Trong định hướng phát triển, đến năm 2030, ngành giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Khu vực và châu Á, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ 2, giấy bao bì đứng thứ 1 trong Khu vực, trong Top 10 Châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong sự phát triển đi lên nhanh chóng của toàn ngành, cũng phát sinh một số vấn đề bất cập cần sớm có giải pháp xử lý, để ngành phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng được kỳ vọng của người dân và xã hội. Trong đó, phải kể đến sự bất hợp lý như: Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ số một thế giới nhưng lại nhập khẩu phần lớn bột giấy để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước; phần lớn toàn ngành tập trung vào sản xuất giấy mà không chú trọng đến sản xuất bột giấy, nên chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu xơ sợi dồi dào ở trong nước; tập trung sản xuất giấy chất lượng khá và trung bình, nhưng lại nhập khẩu số lượng lớn giấy cao cấp; giấy thu hồi được sử dụng chủ yếu cho sản xuất nhưng tỷ lệ thu gom trong nước vẫn chưa cao, nên phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu; vấn đề môi trường trong sản xuất ở các làng nghề vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, gây ảnh hưởng không tốt đối với toàn ngành, làm cho người dân và xã hội hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về vấn đề bảo vệ môi trường của ngành…

Ngành giấy vẫn luôn luôn xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng ngay từ khi chuẩn bị đầu tư và trong qua trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, việc tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải để tận dụng đưa trở lại quá trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn là mục tiêu trọng điểm của ngành trong thời gian tới.

Với mục tiêu trên, đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi, nhằm tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất, đồng thời xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là vấn đề đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc đang được triển khai áp dụng tại một số nhà máy và đã mang lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt.

Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, Phát triển xanh, bền vững và hướng tới Kinh tế tuần hoàn đang được Nhà nước, Chính phủ và nhiều ngành kinh tế đặt làm chiến lược và mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Việc bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ chốt của ngành công nghiệp giấy, trong đó xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải tại nhà máy, là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển Ngành trong những năm tới. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.

Cùng với đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, để phát triển kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần thực hiện việc thiết lập hệ thống quản lý, thực hiện các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao tái sử dụng, tái chế phế liệu và chất thải… Tại Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, cho phép việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại cơ sở sản xuất với điều kiện bảo đảm về công nghệ và bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Thực tế hiện nay tại các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn.

Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Thông thường lượng rác thải này hiện nay nhiều nhà máy đều phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ. Trong khi đó, cơ sở sản xuất có đủ khả năng và trang thiết bị về công nghệ (lò hơi tầng sôi) để trực tiếp xử lý tại chỗ chất thải này, và đây còn là một nguồn phế liệu cần được tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ trở lại cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó.

Ông Đức cho rằng, biện pháp đồng xử lý này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khi sử dụng lò hơi tầng sôi như Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Trung Quốc… Ngay tại Việt Nam việc sử dụng lò hơi tầng sôi để đồng xử lý chất thải rắn cũng đã được một số nhà máy giấy áp dụng thử nghiệm như: Công ty Giấy Chánh Dương, VinaKraft, Tân Mai, Đông Hải Bến Tre, Hưng Hà… Kết quả kiểm định cho thấy việc đồng xử lý chất thải rắn công ngiệp thường trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đều đưa ra các chỉ tiêu ô nhiễm đạt quy chuẩn về khí thải, nồng độ bụi… đáp ứng với các chỉ tiêu đối với lò đốt rác thải công nghiệp theo QCVN 30:2012/BTNMT.

Đặc biệt, ngành giấy được đánh giá là ngành sản xuất điển hình, phù hợp nhất với việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hầu như toàn bộ phế liệu, chất thải rắn từ quá trình sản xuất đều có thể thu hồi, tái chế, tái sử dụng tới 100%. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn nhiều hơn nữa.

Theo báo Công Thương

Hiệu quả kép từ đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp

Hội thảo nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất trong việc sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải rắn của các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi, qua đó cho thấy hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường của giải pháp công nghệ này.

Tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải

Phát biểu tại sự kiện ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt nam cho biết trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.

Trình bày về “các chính sách liên quan đến phân loại tại nguồn và tái chế chất thải ở Việt Nam”, tại Hội thảo TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đề cập đến các định hướng chính sách quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải, các hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Thông tư 02 – Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, Nghị định 08 Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT…)

Theo đó các quy định về phát triển KTTH được định nghĩa trong Luật là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Về Chất thải rắn công nghiệp CTRCN thông thường Luật BVMT 2020 quy định chủ cơ sở sản xuát công nghiệp phải thực hiện phân loại thành tại nguồn thành các loại: có thể tái sử dụng tái chế; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; CTRCN thông thường phải xử lý.

Đồng thời Luật cũng quy định tổ chức, cá nhân phát sinh CTRCN thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các yêu cầu như: Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có…; phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý CTRCN thông thường, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý CTR trong các quy hoạch có liên quan…

hình ảnh tại Hội thảo
Trong Thông tư 02 Bộ tài nguyên và Môi trường, quy định danh mục chi tiết của ngành Giấy như chất thải từ quá trình chế biến, gỗ, giấy và bột giấy, vỏ cây, chất thải từ phân loại giấy vụn bìa phục vụ tái chế, mùn bùn thải…đều là CTRCN thông thường.

Theo VPPA đến năm 2022, Ngành Giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó: hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm ~ 35% sản lượng.

Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn. Đến năm 2030, ngành Giấy Việt Nam có định hướng sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Khu vực và châu Á, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ 2, giấy bao bì đứng thứ 1 trong Khu vực, trong Top 10 Châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì.

Lò hơi tầng sôi  giúp các nhà máy giấy đạt hiệu quả kép

VPPA cho biết thực tế các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi đều có một lượng lớn CTRCN thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm phần lớn.

Thực tế nhiều nhà máy phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ. Trong khi đây là một nguồn nguyên liệu quý có thể tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó.

Theo VPPA, đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi, tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất, đồng thời xử lý được hầu hết CTRCN thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là vấn đề đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc đang được triển khai áp dụng tại một số nhà máy và đã mang lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt.

Hiện hầu hết các nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn, hiện đại đều sử dụng lò hơi tầng sôi (dựa vào nhiệt lượng sinh ra của nhiên liệu, biến thành nhiệt năng của hơi nước). Lò đốt tầng sôi có khả năng đốt cháy kiệt các loại nhiên liệu, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, đồng thời cũng có khả năng đốt cháy hầu hết các khí hữu cơ phát sinh trước khí thải ra môi trường. Ngoài ra, ở các nhà máy giấy còn có một số loại bùn thải có cũng có thể được xử lý bằng phương pháp đốt để tận dụng nhiệt như: bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, cặn bột giấy…

hình ảnh tại Hội thảo
Kết luận hội thảo các đại biểu đều nhất trí việc sử dụng lò đốt tầng sôi tại các nhà máy giấy để đồng xử lý chất thải rắn đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn cả trong và ngoài nước thỏa mãn các quy chuẩn về môi trường. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững…

Valmet – Phần Lan là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ và thiết bị ngành giấy, đã nghiên cứu và thử nghiệm khắt khe đồng đốt (đồng xử lý) với rất nhiều các loại nhiên liệu trong lò hơi tầng sôi trên toàn cầu. Valmet chỉ ra lò hơi tầng sôi có nhiều ưu điểm như: khả năng linh hoạt sử dụng các loại nhiên liệu (nhiên liệu nhiệt trị cao, nhiều xỉ đến nhiên liệu độ ẩm cao); khả năng đồng đốt than và sinh khối đa dạng; độ tin cậy và hiệu suất cao; phát thải thấp (loại bỏ được hợp chất sulphur và các hợp chất ô nhiễm tiềm tàng khác ngay từ trong lò đốt).

Các dự án lò hơi tầng sôi trong đồng xử lý CTRCN thông thường đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu như: Bỉ, Thụy Điển, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc… đều cho thấy giải pháp này xử lý các phế phẩm và bùn thải từ nhà máy giấy đều đạt hiệu suất thu hồi năng lượng cao và đáp ứng các quy định môi trường khắt khe.

Thực tế thử nghiệm đồng đốt chất thải rắn không nguy hại trong lò hơi của các công ty như: Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, cho thấy khi đồng đốt chất thải từ nhà máy giấy trong lò hơi sử dụng nhiên liệu than và trong lò hơi sử dụng củi thì các chỉ tiêu ô nhiễm của khói thải như: nhiệt độ khí thải, nồng độ ôxy dư; nồng độ CO, SO2, NOx; nồng độ bụi, HCl, Pb, Hg, Cd sau xử lý bằng bụi tĩnh điện đều đạt quy chuẩn môi trường QCVN 30:2012/BTNMT.

Martech Boiler là đơn vị sản xuất lò hơi lớn nhất tại Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ công nghệ, đã giới thiệu tổng thể lò hơi tầng sôi, đồng đốt, đồng xử lý rác thải rắn công nghiệp, chuyển hóa rác thải thành năng lượng với nhiều ưu điểm: hiệu suất thiết bị cao đến 87%; đốt đa nhiên liệu: than, trấu rời, trấu viên nén, trấu băm, bã mía, bã cà phê, mùn cưa, vỏ điều, vỏ cọ… vận hành ổn định; giảm chi phí, ít bảo trì; phát thải thấp & xử lý khí thải tiên tiến…

Làm chủ được công nghệ, thiết kế chế tạo được thiết bị lò hơi tầng sôi tiên tiến chất lượng phù hợp, giá thành rẻ hơn nhập ngoại Martech Boiler đã cung cấp các lò hơi đồng đốt, đồng xử lý chất thải rắn, đồng phát điện ở rất nhiều các nhà máy giấy lớn trên khắp cả nước như: Giấy Xuân Mai, Công ty Đông Hải Bến Tre, Giấy Thuận An (Bình Phước)… xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Hàn, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Philipines, Indonesia, Ôxtrâylia…

hình ảnh lò hơi tầng sôi
Trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy là sự lựa chọn đúng đắn, có hiệu quả cao cả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Khuyến nghị đưa ra là các dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy rất cần chú trọng trong quá trình triển khai thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Theo TS. Đặng Văn Sơn: Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam dù có sơ sở pháp lý vững chắc, đồng thời được kiểm chứng bằng bằng thực tiễn khoa học nhưng mô hình Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi vẫn chưa thể ứng dụng rộng rãi do nhiều thách thức.

Cụ thể như: thiếu các văn bản hướng dẫn, thông tư dưới luật (nhằm cụ thể hóa các điều khoản trong Luật), dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất trong trong triển khai áp dụng; Nhận thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng nhất, dẫn đến có địa phương cho phép có địa phương không. Doanh nghiệp cũng chưa chú trọng chú ý từ lúc nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Sơn vốn đầu tư lò hơi tầng sôi có đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp cao hơn so với lò hơi thông thường, trong khi, hiện nay vẫn chưa có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, mặc dù đã có một số chương trình khuyến khích như: sử dụng năng lượng hiệu quả, kinh tế tuần hoàn,… tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận.

Theo ông Sơn bên cạnh nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật và môi trường cần Khảo sát chính thức toàn diện và đánh giá hiệu quả của loại hình đồng xử lý này cả về mặt kinh tế và môi trường trong phạm vi toàn Ngành trên cả nước để làm căn cứ xây dựng các giải pháp thúc đẩy. Đồng thời xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể dễ hiểu để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiểu và triển khai đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương trong cả nước…

   >>> Công nghệ lò hơi tầng sôi giải bài toán chất thải ngành giấy

Theo Tạp chí Công Thương

Công nghệ lò hơi tầng sôi giải bài toán chất thải ngành giấy

Tại hội thảo về xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi, tổ chức sáng 6/12, TS Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam đã chỉ ra nhiều vấn đề trong khâu xử lý chất thải rắn của ngành.

Ông cho biết, để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi, nhà máy sẽ thải ra khoảng 120 kg rác thải, trong đó lượng lớn có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng. “Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới, lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn”, ông Sơn nói và cho biết, hiện nhiều nhà máy phải thuê công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Quyền, Viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện có nhiều công nghệ có thể giải quyết bài toán của ngành giấy, trong đó có công nghệ lò hơi tầng sôi. Công nghệ này cho phép xử lý bùn thải, cặn bột và rác.

Lò hơi tầng sôi sử dụng công nghệ đốt cháy nhiên liệu trong lớp sôi, được tạo bởi các nguyên liệu đốt. Công nghệ sử dụng phương pháp pha trộn than với bùn thải, cặn bột làm nhiên liệu đốt cháy. Bùn và cặn bột sau khi ép nước, hoặc sấy để giảm ẩm xuống dưới 40% và phối trộn với nhiên liệu khác (dăm gỗ, mùn cưa, rác thải, than) hoặc có thể đưa trực tiếp vào trong lò hơi bằng một đường riêng biệt. Do đó, công nghệ tầng sôi có thể xử lý tại chỗ lượng bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải của các hệ thống xử lý nước thải của chính nhà máy hoặc khu công nghiệp.

Với các loại chất thải rắn công nghiệp (rác) tách từ quá trình nghiền bột, cần đưa qua hệ thống băm cắt, đảm bảo kích thước đồng đều trước khi đưa vào lò hơi.

Theo ông Quyền, việc sử dụng nồi hơi tầng sôi còn giúp kiểm soát được nhiệt độ tầng sôi, sự tiếp xúc giữa bề mặt nhiên liệu và oxy lớn nên công nghệ này kiểm soát hiệu quả và hạn chế sự sản sinh dioxin/furan.

Công nghệ có thể đốt cháy ổn định nhiều loại nhiên liệu từ than và nhiên liệu pha trộn chất lượng thấp có nhiệt trị khác nhau, hiệu suất đốt cháy khá cao. Ngoài ra có thể đốt kèm rác thải rắn công nghiệp thông thường, cặn bột giấy, bùn thải… giúp tiết kiệm được tài nguyên, chi phí đầu tư và sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Quyền cho biết, hiện một số công ty chế tạo lò hơi trong nước đã làm chủ công nghệ và thiết kế chế tạo được thiết bị lò hơi tầng sôi tiên tiến hiện đại, phù hợp có chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn nhập ngoại.

Trên thế giới nhiều nước đã phát triển và ứng dụng công nghệ này như Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Tại Việt Nam, việc sử dụng lò hơi tầng sôi để đồng xử lý chất thải rắn cũng đã được một số nhà máy giấy áp dụng thử nghiệm như công ty giấy Chánh Dương, VinaKraft, Tân Mai, Đông Hải Bến Tre, Hưng Hà… Kết quả kiểm định cho thấy việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thường trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đều có các chỉ tiêu ô nhiễm đạt quy chuẩn về khí thải, nồng độ bụi… đáp ứng với các chỉ tiêu đối với lò đốt rác thải công nghiệp.

   >>> Người dân 18 quận, huyện TPHCM bán và thu mua vỏ hộp giấy trên VECA

Theo Vnexpress