Giấy mời tham dự Hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”

Với mục đích cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất, trong việc sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải rắn của các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo: “Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.

Thời gian: 8h00 Thứ 3, ngày 6 tháng 12 năm 2022

Địa điểm: Phòng hội thảo Helix – tầng 6, Khách sạn Lake Side, số 23 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Thành phần: Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường tại Trung ương, địa phương, các nhà khoa học và các Hiệp hội, Doanh nghiệp có liên quan.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường trân trọng kính mời Quý đơn vị tham dự.

Xin đăng ký trước ngày 01/12/2022 theo liên lạc sau:

Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. Số điện thoại: 024.6654.2872  Hoặc: 096.886.0333 (Mr. Lương Chí Hiếu), 097.780.5832 (Mrs. Đặng Mai Anh)

Email: vanphong.vppa@gmail.com.

Xin trân trọng cảm ơn và rất mong được đón tiếp!

Giấy mời tham dự Hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”

Người dân 18 quận, huyện TPHCM bán và thu mua vỏ hộp giấy trên VECA

Theo đó, với sự hợp tác từ Tetra Pak, công ty cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm từ Thụy Điển, và VECA, nhà phát triển ứng dụng thu gom ve chai số, TPHCM sẽ có thêm 4 quận có thể bán, thu mua vỏ hộp giấy đựng đồ uống ngay trên ứng dụng VECA, gồm Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân và Thủ Đức.

Đồng thời, Tetra Pak và VECA cũng phối hợp đặt thêm điểm thu gom vỏ hộp giấy đã qua sử dụng tại 10 chung cư trên địa bàn gồm cao ốc Screc, Sài Gòn Avenue, Phú Thọ, trung tâm thương mại Kiến Thành, Celadon City, The Splendor, Khang Gia, Starlight Riverside, Hà Đô, Topaz Garden and Center. Theo Tetra Pak, số vỏ hộp giấy dự kiến thu gom được sau 6 tháng triển khai mở rộng mạng lưới có thể đạt 6 tấn.

Theo bà Lương Thanh Thư, Giám đốc phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam, việc hợp tác với các nhà tái chế để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ngành đồ uống và thực phẩm thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là những hoạt động được Tetra Pak chú trọng triển khai tại Việt Nam để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon. Công ty Thụy Điển này hướng đến thu gom vỏ hộp giấy tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và hình thành một văn hóa tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng trong cộng đồng dân cư.

Trước đó, cuối năm 2021, vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã được thêm vào danh mục thu gom của ứng dụng ve chai số VECA trên điện thoại thông minh. Hoạt động tương tự mô hình gọi xe công nghệ, VECA giúp kết nối người có nhu cầu bán phế liệu với người mua phế liệu trong phạm vi gần nhất, với giá cả công khai. Tính đến hết tháng 8/2022, trên 7.300 đơn mua bán các loại phế liệu được thực hiện qua app VECA, trong đó có trên 2 tấn vỏ hộp giấy đã qua sử dụng.

Người dân 18 quận, huyện TPHCM bán và thu mua vỏ hộp giấy trên VECA - 2
Ứng dụng ve chai VECA hoạt động tương tự như các ứng dụng đặt xe công nghệ nên người dùng không gặp quá nhiều khó khăn (Ảnh: Tetra Pak).

Ứng dụng VECA lần đầu tiên được ra mắt từ giữa năm 2020. Đến nay, VECA đã có gần 32.000 người dùng và hiện tại, giá thu mua vỏ hộp giấy đã qua sử dụng trên app Veca là 2.000 đồng/kg.

“Chúng tôi luôn đặt mục tiêu tăng lượng tải và sử dụng ứng dụng thông qua việc mở rộng danh mục thu gom, cũng như hợp tác với các nhà sản xuất để hoạt động thu gom diễn ra dễ dàng và thuận tiện hơn… Chúng tôi kỳ vọng sử mở rộng mạng lưới thu gom tại các quận có diện tích lớn lần này sẽ khuyến khích thêm nhiều người bán ve chai và người thu mua sử dụng ứng dụng, từ đó tiến gần hơn tới mục tiêu một Việt Nam không rác thải” ông Bùi Thế Bảo – Founder VECA – chia sẻ.

Hiện nay, Tetra Pak đang triển khai nhiều hoạt động hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Công ty hợp tác với các đối tác tái chế để tăng công suất và chất lượng cho sản phẩm tái chế, trong đó có khoản đầu tư 1,2 triệu EUR cho nhà máy giấy Đồng Tiến với mục tiêu nâng cấp và mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại nhà máy từ 9.000 tấn/năm lên 17.000 tấn/năm.

Người dân 18 quận, huyện TPHCM bán và thu mua vỏ hộp giấy trên VECA - 3
Bên cạnh VECA, Tetra Pak cũng hợp tác với nhiều bên để đẩy mạnh năng lực tái chế, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn (Ảnh: Tetra Pak)

Trong năm 2022, công ty cũng đã hợp tác với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) và tổ chức Circular Action để triển khai thí điểm mô hình thu mua vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại TPHCM từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, với mục tiêu thu mua và tái chế hoàn toàn 3.000 tấn vỏ hộp giấy thành những sản phẩm hữu ích như bìa giấy nguyên liệu và mái lợp sinh thái.

Người dân 18 quận, huyện TPHCM bán và thu mua vỏ hộp giấy trên VECA - 4
Tetra Pak hợp tác với PRO Vietnam và tổ chức Circular Action để nhân rộng mô hình thu mua vỏ hộp giấy tại TPHCM (Ảnh: Tetra Pak).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng hợp tác với các đối tác trong ngành bán lẻ như Aeon Mall, MM Mega Market để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy công cộng, đưa tổng số điểm thu gom vỏ hộp giấy lên đến 76 điểm trên toàn quốc.

    >>> Kinh tế tuần hoàn – Lời giải của phát triển bền vững

Theo báo Dân trí

Kinh tế tuần hoàn – Lời giải của phát triển bền vững

Bắt đầu từ hôm nay, tại Hải Phòng diễn ra “Diễn đàn Logistics Xanh năm 2022“. Tại Diễn đàn, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tham luận: “Logistics xanh, kinh tế tuần hoàn và lợi ích thực tế cho doanh nghiệp“. Vậy “kinh tế tuần hoàn” là gì?, Việt Nam đã đặt vấn đề như thế nào?

Kinh tế tuần hoàn – giải pháp đột phá

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế tuần hoàn (KTTH) có nhiều ưu điểm và lợi ích. Cụ thể, đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. KTTH hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đối với xã hội, KTTH hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân…

Đối với doanh nghiệp, KTTH thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên; góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…

Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thực hiện KTTH còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Ngày 7/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Mục tiêu, từ tăng cường nhận thức đến hành động, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Đến năm 2025, các dự án KTTH hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án KTTH hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.

KTTH trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh

Mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.

Mô hình KTTH hoàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ KTTH.

Lồng ghép phát triển KTTH ở các địa phương

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH tại các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền.

Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nghiên cứu, lồng ghép phát triển KTTH vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình KTTH.

dang_web_78456.jpg
Diễn đàn năm 2022 có chủ đề: “Logistics xanh”. Ảnh: Bộ Công Thương.

Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển KTTH

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khác của Đề án là chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về KTTH, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường…) thân thiện với KTTH.

Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.

Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTTH. Nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển KTTH trong một số lĩnh vực ưu tiên/có thể thí điểm triển khai sớm.

Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.

* “Diễn đàn Logistics Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức từ năm 2013 đến nay. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành logistics Việt Nam với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022“, Tạp chí Vietnam Logistics Review là một trong 16 tập thể được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen về những đóng góp trong phát triển dịch vụ Logistics năm 2022.

   >>> Nguồn cung thấp, nhu cầu tăng, giá OCC nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh tại Đông Nam Á.

Theo báo VLR

Nguồn cung thấp, nhu cầu tăng, giá OCC nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh tại Đông Nam Á.

Nguyên nhân chính được cho là nguồn cung sụt giảm, lượng thu gom tại các nước xuất khẩu thấp và việc tăng giá mua vào của các khách hàng lớn tại các nước châu Á.

Chủ yếu là các nhà máy sản xuất bột giấy tái chế tại Đông Nam Á (SEA) như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, có liên kết với thị trường Trung Quốc, họ sẵn sàng gom hàng OCC chất lượng cao từ Mỹ và Châu Âu.

Trong khi đó, thị trường nhập khẩu Ấn Độ cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh, họ thu gom số lượng lớn với mức giá tăng từng này.

Ngay từ tuần thứ 2 của tháng 11/2022, mức giá đã đột ngột tăng, với mức 20-25 USD/tấn đối với OCC Mỹ và 15-30 USD/tấn đối với OCC châu Âu.

Tại thời điểm trung tuần tháng 11/2022, OCC 12 của Mỹ đã lên 145-170 USD/tấn, OCC 11 của Mỹ lên 140-160 USD/tấn và OCC châu Âu (95/5) lên 135-145 USD/tấn.

Thị trường Đông Nam Á hiện nay có hai nhóm khách hàng: không yêu cầu kiểm tra trước khi giao hàng tại nước xuất xứ, như Thái Lan, Việt Nam và Philippines có mức giá tương đương giá tại Đài Loan.

Trong khi, tại Indonesia và Malaysia, những nước yêu cầu kiểm tra trước khi giao hàng, có giá cao hơn 5-15 USD/tấn.

Nhân cơ hội này, các nhà cung cấp tiếp tục tạo áp lực tăng giá đối với các nhà nhập khẩu. Từ trung tuần tháng 11, OCC12 của Mỹ được chào giá ở mức USD175-180/tấn tại Đài Loan và USD180-200/tấn tại Đông Nam Á và Ấn Độ.

Hiện nay có một số nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tăng giá của OCC tại thị trường Đông Nam Á.

Vấn đề vận chuyển đường biển vẫn là lý do thường trực ảnh hưởng đến giá cả của giấy thu hồi từ Mỹ và châu Âu về Đông Nam Á, yếu tố Lễ hội (Tết âm lịch ở các nước châu Á, hay lễ Ramadan tại Indonesia) cũng là các nguyên nhân thúc đẩy các nhà nhập khẩu gia tăng gom hàng, đẩy giá lên cao.

Mức giá OCC hiện tại: Giá giao dịch OCC12 đã tăng 15-20 USD/tấn, hiện đạt mức 165-175 USD/tấn tại Đài Loan.

Cùng loại này (OCC12), tại các nước không thực hiện kiểm soát như Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang có giá 170-190 USD/tấn, nhất là với các nhà máy cung cấp bột tái chế cho Treung Quốc có mức giá cao nhất.

Trong khi Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đã trả 180-205 USD/tấn cho OCC12.

Tại Đài Loan và Đông Nam Á, OCC11 tăng 20 USD/tấn, đạt 160-180 USD/tấn. OCC 95/5 đã tăng 15-20 USD/tấn, đạt mức 150-165 USD/tấn. OCC của Nhật Bản đã tăng 5-10 USD/tấn lên 165-175 USD/tấn.

     >>> Giá OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á bất ngờ tăng trở lại

Nguồn PPI Asia

(VPPA dịch)

Kiến nghị minh bạch quỹ tái chế, xử lý chất thải

Mới đây, 12 Hiệp hội ngành hàng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm minh bạch quy chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Mặc dù quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) mới có hiệu lực, nhưng nguồn đóng góp đã vào khoảng 500 tỷ đồng.

Đồng tình với việc đóng góp tài chính cho quỹ, nhưng các hiệp hội cho rằng dự thảo thông tư đang được xây dựng còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 08 của Chính phủ.

Mặc dù luật quy định khoản đóng góp chỉ được sử dụng hỗ trợ tái chế, nhưng có tới 10 trong tổng số 11 loại chi phí dự thảo thông tư đưa ra lại dành cho nhiều mục đích khác như lễ tân, khánh tiết…

Ngoài ra, dự thảo quy định các doanh nghiệp, dự án tái chế bao bì, xử lý chất thải nếu muốn nhận được hỗ trợ từ khoản tiền mà các doanh nghiệp đã đóng góp đều phải nộp hồ sơ về Văn phòng EPR tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các hiệp hội cho rằng điều này gây khó khăn cho các tỉnh xa. Chưa kể, các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ cũng chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo, còn khá chung chung, dễ tạo cơ chế xin – cho.

“Tránh những từ mang tính tượng trưng hoặc những từ mang tính định tính, các từ như lớn hơn, cao hơn, ít hơn để dễ dàng tạo cơ chế xin – cho và tùy tiện trong quyết định của Văn phòng EPR. Cần minh bạch các khoản chi mà ở đó phải tuân thủ theo Nghị định 08, đó là thực hiện kiêm nghiệm, trong hoạt động này cần phân cấp đến các địa phương để trách việc tất cả các tỉnh đều gửi hồ sơ về Văn phòng EPR ở Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam VASEP, nhận định.

    >>> Giá OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á bất ngờ tăng trở lại

Theo báo VTV

BIOMASS VÀ RÁC THẢI – GIẢI PHÁP NĂNG LƯỢNG CHO NGÀNH GIẤY

Cơ hội và thách thức trong ngành giấy Việt Nam

Ngành giấy là một trong 5 ngành công nghiệp có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn trên thế giới – đứng vị trí thứ 5 và tỷ trọng sử dụng chiếm tới 4% năng lượng toàn cầu mỗi năm. Do mức độ tiêu thụ năng lượng lớn như vậy nên nhu cầu tiêu hao nhiên liệu tương ứng cũng vô cùng lớn.

Hiện nay, các nguồn nhiên liệu chính được sử dụng trên toàn cầu chia thành ba nhóm gồm Nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, gas; nhiên liệu biomass và nhiệt/điện.

Hình 1. Các nguồn nhiên liệu chính sử dụng trên toàn cầu

Theo số liệu thống kê, than và biomass đều chiếm tỷ trọng 40% tại thị trường châu Á; tại các quốc gia thuộc vùng lãnh thổ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc thì dầu, gas và điện là các nguồn nhiên liệu được ưa chuộng hơn hết, chiếm tỷ trọng từ 25% – 65%, trong khi đó, nhiên liệu sinh khối chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng cơ cấu. (Nguồn: atiofny.com)

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, biomass là nguồn nhiên liệu chính phục vụ cho hoạt động sản xuất của ngành giấy và chiếm khoảng 45%, tiếp theo đó là than đá chiếm 30%, còn lại là các nhiên liệu khác như dầu, khí đốt,…

Hình 2. Cơ cấu nhiên liệu sử dụng trong ngành Giấy tại Việt Nam

Điều này chứng tỏ, cơ cấu năng lượng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch.

Thời gian qua, chuỗi cung ứng nhiên liệu trên toàn cầu liên tục gặp thách thức.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Trong khi đó, các nguồn nhiên liệu được sử dụng trong ngành công nghiệp giấy hiện nay chủ yếu vẫn bao gồm than đá, gas, dầu,…

Theo sau đó, các quốc gia vừa bước vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch Covid, thì gần đây, xung đột giữa Nga – Ukraine đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt khiến chi phí xuất – nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh chi phí mua nhiên liệu, doanh nghiệp phải chi trả hàng loạt các chi phí khác trong vận hành. Vấn đề đau đầu hơn mà các doanh nghiệp phải đối mặt chính là phải tiêu tốn khoảng chi phí cực kì lớn cho việc xử lý lượng rác thải khổng lồ mỗi ngày từ nhà máy sản xuất.

Trong thời gian gần đây, những thông tin về xu hướng chuyển đổi nhiên liệu đang xuất hiện khắp các kênh truyền thông. Đây là vấn đề được các quốc gia trên toàn cầu đặc biệt quan tâm và muốn đẩy mạnh thực hiện. Chỉ riêng Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Hình 3. Cơ cấu chuyển dịch năng lượng ngành Giấy đến 2030. Nguồn: www.iea.org

Kèm theo đó là Thông tư số 24/2017/TT-BCT về Định mức tiêu thụ năng lượng (SEC) trong ngành giấy Việt Nam. Cơ sở sản xuất sản phẩm giấy phải đảm bảo suất tiêu hao năng lượng không vượt quá định mức tiêu hao năng lượng theo quy định.

 Cụ thể giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 như sau:

Bảng 1.Cơ cấu định mức tiêu hao năng lượng giữa các lĩnh vực trong ngành Giấy

Trong thông tư còn đề cập việc lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất giấy phải tận dụng tối đa các giải pháp quản lý và công nghệ; Khuyến khích các cơ sở sản xuất giấy áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tiên tiến và áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất giấy.

Cơ hội nào cho ngành giấy tại Việt Nam?

Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, vậy nên các phế phẩm từ nông nghiệp tương đối đa dạng và có đủ khả năng trở thành nguồn nhiên liệu chính tạo ra năng lượng cung cấp cho nhà máy. Các loại nhiên liệu chủ yếu như trấu rời, trấu viên, củi băm, vỏ dừa, bã mía,… Còn tùy thuộc vào đặc tính nông nghiệp của mỗi vùng miền mà phân bổ nhiên liệu tại đó khác nhau.

Ngoài ra, lượng rác thải từ các nhà máy giấy có thể lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày là con số khổng lồ tạo nên áp lực nặng nề đối với môi trường nhưng lại là một cơ hội mới cho ngành giấy nếu có giải pháp và công nghệ thích hợp.

Hình 4. Tiềm năng nhiên liệu sinh khối tại Việt Nam đến năm 2035

Các nguồn nhiên liệu gọi chung là Biomass này giúp cắt giảm 70% khí CO2 và 30% các khí thải độc hại khác. Bên cạnh đó, nếu biết cách tận dụng tốt, rác và bùn thải từ sản xuất giấy có thể chuyển đổi thành năng lượng hữu ích giúp giảm từ 10 – 15% chi phí năng lượng.

Giải pháp cho ngành giấy trong giai đoạn sắp tới

Bên cạnh các phương pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, cách mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để nắm bắt cơ hội hiện nay là áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm chuyển đổi nhiên liệu hiệu quả – cải thiện hiệu suất nhiệt và tăng cường sử dụng nhiên liệu phát thải thấp có thể giảm lượng khí thải ô nhiễm.

Tại Hội thảo Kỹ thuật ngành Công nghiệp giấy Việt Nam 2022 diễn ra vào 22 – 23/09, Công ty Cổ phần Mạc Tích – một trong những doanh nghiệp Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng đã trình bày các nội dung liên quan đến sử dụng năng lượng hiệu quả.

Được biết, để có thể sử dụng năng lượng hiệu quả, cần nắm rõ các nguyên nhân gây ảnh hưởng trong quá trình sử dụng. Nhìn chung là do thất thoát năng lượng trong quá trình vận hành và không tận dụng được nguồn nhiên liệu triệt để. Từ đó phải đề ra các giải pháp chiến lược phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp như:

  • Sử dụng các thiết bị phụ trợ để bảo ôn cách nhiệt, hạn chế tình trạng tỏa nhiệt ra môi trường bên ngoài;
  • Điều chỉnh chế độ khi vận hành và kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị nhằm kiểm soát việc đốt cháy nhiên liệu như nhiệt độ buồng đốt, độ ẩm nhiên liệu, nồng độ Oxi trong lò, phân phối nhiên liệu và thời gian lưu khói.

Bên cạnh đó, cũng tại Hội nghị, Công ty đã đề cập đến giải pháp công nghệ chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang Biomass và Rác thải tạo Hơi – Nhiệt – Điện cho ngành công nghiệp giấy.

Hình 5. Sơ đồ chuyển đổi rác thải thành năng lượng với công nghệ của Martech

Bài toán áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu đã được thực hiện và cho thấy hiệu quả với chi phí tiết kiệm được 1 năm lên đến hàng tỷ đồng.

Dựa trên cùng một lượng nhiệt cung cấp, nhiên liệu Biomass có chi phí rẻ hơn từ 30 – 80% so với các loại nhiên liệu như dầu DO, các loại khí gas như LPG, và điện. Các chi phí phải chi trả cho việc xử lý rác thải tại nhà máy cũng được cắt giảm.

Kết hợp giữa việc chọn lựa nguồn nhiên liệu phù hợp nhằm tối ưu chi phí đầu vào, công nghệ giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu và làm tăng hiệu suất lò hơi.

Bảng 2. So sánh hiệu quả sử dụng giữa lò hơi tầng sôi và lò hơi ghi xích

Là một doanh nghiệp Việt Nam, Martech JSC là minh chứng cho sự phát triển của công nghệ nước nhà đã và đang đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các doanh nghiệp.

Công nghệ hiện đại và đa dạng có thể đốt được đa nhiên liệu giúp cho các doanh nghiệp trong ngành giấy có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp như: Chuyển đổi rác thải thành năng lượng (WTE), Thu hồi nhiệt thải (HRSG) và kết hợp đồng thời tạo ra nhiệt – điện (Co-generation).

Như đã nói đến ở trên, vấn đề môi trường trong tiêu thụ năng lượng phải được đảm bảo. Đơn vị giới thiệu cũng tin rằng khi áp dụng công nghệ được giới thiệu có khả năng giải quyết được vấn đề năng lượng cho ngành giấy và đảm bảo đạt tiêu chuẩn phát thải của quốc gia (TCVN).

    >>> Nghiên cứu sử dụng xơ sợi từ bã sắn cho sản xuất giấy bìa cứng

Thạc sỹ Nguyễn Tống Phương

GĐKD Công ty CP Mạc Tích

Nguồn: martech.com.vn

Nghiên cứu sử dụng xơ sợi từ bã sắn cho sản xuất giấy bìa cứng

I. Mở đầu

Các sản phẩm của ngành giấy là những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số đã dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại mang đến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy. Cùng với sự phát triển của công nghiệp và đời sống văn hóa xã hội, trong tương lai gần, nhu cầu về các sản phẩm giấy vẫn tiếp tục gia tăng, do vậy công nghiệp giấy thế giới và trong nước sẽ gặp những khó khăn nhất định về nguồn nguyên liệu [1].

Ngành sản xuất giấy hiện nay ở nước ta chủ yếu sử dụng nguyên liệu chính là bột hóa học và cơ học từ gỗ, tuy nhiên ở một số quốc gia có nền nông nghiệp phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ…), một lượng lớn bột giấy được sản xuất từ các phế phụ phẩm nông nghiệp. Vì vậy, tăng cường sử dụng nguyên liệu phi gỗ, đặc biệt là phế thải nông nghiệp là hướng phát triển nguồn nguyên liệu xơ sợi, phục vụ phát triển bền vững, nhất là đối với các nước đang phát triển [2].

Công nghệ tái chế giấy loại đã và đang phát triển khá mạnh. Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước (giấy thu hồi – giấy tái chế) không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa, hầu hết các doanh nghiệp phải nhập khẩu số lượng lớn phục vụ cho sản xuất. Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý. Trong khi đó, công tác quản lý giấy thu hồi nhập khẩu lại gặp phải không ít thách thức gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì.

Nước ta đã có gần 100 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với công nghệ hiện đại, công suất từ 200 -500 tấn củ/ ngày. Có thể nói tiềm năng sản xuất sắn ở nước ta rất lớn. Một trong những chất thải ra từ quá trình sản xuất tinh bột sắn là bã sắn. Lượng bã sắn thải ra từ quá trình chế biến tinh bột chiếm khoảng 45%, khối lượng sắn củ. Bã sắn có chứa một lượng lớn chất xơ và một lượng dư tinh bột. Dư lượng chất xơ phong phú trong trong bã sắn thu được từ sản xuất công nghiệp tinh bột sắn có thể sử dụng để có được một hỗn hợp bột tương tự như các tông, thông qua một kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất quy mô nhỏ của giấy tái chế. Việc sử dụng bã sắn kết hợp với bột giấy tái chế được xem như bổ sung xơ sợi dài để nâng cao độ bền cho vật liệu [3].

Các vật liệu từ bã sắn có đặc tính tương tự giấy tái chế. Tuy nhiên bã sắn có lợi thế hơn vì nó là nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường. Các nghiên cứu cho thấy rằng bã sắn là nguồn xơ sợi tiềm năng cho sản xuất giấy và bột giấy, đặc biệt ở các nước có nguồn gỗ hạn chế [4][5].

II. Nguyên vật liệu và phương pháp nghiên cứu:

Nguyên liệu bã sắn được lấy sau công đoạn ép tách tinh bột được bảo quản trong túi nilon buộc kín sử dụng cho phân tích. Thành phần hóa học của nguyên liệu đã được xác định theo các phương pháp tiêu chuẩn của Hiệp hội kỹ thuật Công nghiệp bột giấy và giấy của Mỹ TAPPI và TCVN, như sau: xenluloza 32,7%; lignin 10,5%, pentozan 29,1 % và tinh bột 6,1%.

Xử lý sơ bộ bã sắn bằng enzym amylaza, mức dùng: 0,1% ở nhiệt độ: 500C,  pH: 7, thời gian: 10 phút. Sau khi xử lý bằng enzym bã sắn được rửa sạch có thể bảo quản trong túi nilon buộc kín hoặc sấy khô. Với điều kiện này bã sắn có thể để dự trữ được 6 tháng với bã ướt hoặc 18 tháng với bã khô.

Giấy lề OCC được thu gom từ các cửa hàng tạp hóa được xé nhỏ và đánh tơi trong thiết bị đánh tơi và nghiền bằng máy nghiền Hà Lan theo TCVN 9574-1:2013. Độ nghiền được xác định theo TCVN 8202-1: 2009. Bột OCC được phối trộn với bã sắn theo các tỷ lệ khác nhau theo yêu cầu của từng phép thử. Sau khi nghiền tới độ nghiền 40-45 oSR, các mẫu giấy được xeo trên máy xeo thí nghiệm theo TCVN 8845-1:2011, sau đó các mẫu giấy ướt được ép bằng tấm ép phẳng với áp lực 5 Kpa trong 5 phút. Kết thúc các mẫu giấy được sấy khô và xác định tính chất cơ lí. Độ chịu bục và độ bền xé được xác định tương ứng theo  TCVN 3228:2000 và TCVN 3229:2000, độ dày được xác định theo TCVN 3652: 2007

III. Kết quả và thảo luận:

Giấy lề OCC sau khi thu gom về được loại bỏ tạp chất, đánh tơi, nghiền tới độ nghiền 40-45 oSR. Bã sắn được nghiền riêng biệt tới cùng độ nghiền và phối trộn với bột OCC để chuẩn bị cho quá trình xeo giấy. Sau khi phối trộn, các mẫu giấy được xeo, ép và sấy khô ở cùng một điều kiện để xác định các tính chất bền của giấy.

 Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ chịu bục:

Hình 1: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ chịu bục

Để khảo sát ảnh hưởng của bã sắn tới độ chịu bục của giấy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thực nghiệm với các mức dùng bã sắn tăng dần từ 10 tới 40 %. Mẫu không sử dụng bã sắn được xeo ở điều kiện tương tự. Kết quả cho thấy với tỷ lệ dùng bã sắn  ≤ 20%, độ chịu bục của giấy hầu như không bị ảnh hưởng. Nhưng với tỷ lệ phối trộn bã sắn cao hơn 20%, độ chịu bục bắt đầu giảm và giảm mạnh khi mức dùng bã sắn cao hơn 30%. Kết quả ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ chịu bục được thể hiện ở Hình 1.

Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền kéo:

Các kết quả xác định độ bền kéo của các mẫu giấy được thể hiện ở Hình  2 cho thấy: Với mức dùng bã sắn tăng từ 20 % đến 30% thì độ bền kéo giảm nhẹ, sau đó nếu tăng mức dùng bã sắn thì mức giảm độ bền tăng khá nhanh. Do độ bền kéo được quyết định bởi độ bền và chiều dài xơ sợi. Xơ sợi từ bã sắn có độ dài thấp hơn và độ mềm mại kém hơn nên khi bổ sung với lượng nhỏ thì không ảnh hưởng nhiều đến độ bền kéo, nhưng khi bổ sung với lượng tương đối lớn thì độ bền kéo sẽ bị ảnh hưởng.

Hình 2: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền kéo

Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền xé:

Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng khi tăng mức dùng bã sắn thì độ bền xé giảm, điều đó có thể xét đến sự có mặt của một lượng xơ sợi ngắn của bã sắn sẽ làm cho độ bền xé giảm. Với mức dùng bã sắn thấp thì độ bền xé giảm nhẹ, mức độ giảm sẽ tăng khi tăng mức dùng bã sắn, và khi tăng mức dùng lên trên  35 % thì độ bền xé giảm qua mức cho phép.

Hình 3: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền xé

Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ dày, khối lượng riêng:

Để khảo sát ảnh hưởng của bã sắn tới độ dày của giấy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thực nghiệm với các mấu khác nhau. Mẫu đối chứng là mẫu không sử dụng bã sắn và các mẫu dùng bã sắn với các mức dùng khác nhau, các mẫu được thực hiện ở cùng một điều kiện độ nghiền, xeo cùng một định lượng và các chế độ công nghệ ép, sấy như nhau. Kết quả xác định độ dày và khối lượng riêng được thể hiện ở đồ Hình 4:

Hình 4: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ độ dày của giấy

Các mẫu sau khi kiểm tra độ dày, sẽ được kiểm tra định lượng để xác định khối lượng riêng của giấy. Kết quả xác định khối lượng riêng được thể hiện ở Hình 5.

Hình 5: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới khối lượng riêng của giấy

  Kết quả thực nghiệm cho thấy khi tăng mức dùng bã sắn thì độ dày của giấy tăng, khối lượng riêng của giấy giảm. Điều này do xơ sợi của bã sắn có tính xốp, nhẹ nên đã tạo cho giấy có độ dày, độ xốp nhất định,  nên  khối lượng riêng của giấy  giảm đi.

IV. Kết luận:

Từ các kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy rằng xơ sợi từ bã sắn có tính chất sợi phù hợp để làm giấy bìa cứng, ngoài ra xơ sợi bã sắn có tính xốp, nhẹ nên phù hợp sử dụng cho làm giấy bìa có độ xốp cao.

Với mức dùng bã sắn thấp hơn 15% thì việc sử dụng bã sắn hầu như không ảnh hưởng tới độ bền của giấy, với mức dùng từ 15-30% một số tính chất độ bền bị giảm nhẹ và độ bền của giấy giảm mạnh khi mức dùng bã sắn tăng trên 35%./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. World Pulp & Recovered Paper Forecast – 15 Year, RISI (2011).

[2]. Gami B., Limbachiya R, R. Parmar, H. Bhimani, B. Patelet; An Evaluation of Different Non-woody and Woody Biomass of Gujarat, India for Preparation of Pellets – A Solid Biofuel, Energy Sources, Part A: Recovery, Utilization, and Environmental Effects, Vol. 33, Issue 22 (2011).

[3] K.N Matsui. Cassava bagasse-Kraft paper composites: analysis of influence of impregnation with starch acetate on tensile strength and water absorption properties. Carbohydrate Polymers. Volume 55, Issue 3, Pages 237–243, February, 2004

 [4 ] Ashuvila Mohd Aripin. Cassava bagasse for Alternative Fibre in Pulp and Paper Industry: Chemical Properties and Morphology Characterization. International Journal of Integrated Engineering Vol 5, No 1 (2013).  

 [5] Zawawi Daud. Chemical composition and Morphological of cocoa Pod Husks and cassava pells for pulp and paper production. Australian Journal of basic and Applied Sciences, 7(9): 406-411, 2013.

   >>> Giá OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á bất ngờ tăng trở lại

Hồ Thị Thúy Liên, Nguyễn Đăng Toàn, Cao Thị Bình

Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ

Giá OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á bất ngờ tăng trở lại

Khi đó, mức giá của OCC(12) của Mỹ giảm xuống 120-150 USD/tấn, OCC(11) xuống 115-140 USD/tấn và OCC của Châu Âu 95/5 xuống 105-130 USD/tấn.

Người mua tận dụng cơ hội và mua vào số lượng lớn, thì các nhà cung cấp lại phản ứng bằng việc tăng giá.

Thị trường Trung Quốc vẫn là nơi có ảnh hưởng lớn, các công ty Trung Quốc đặt nhà máy ở Đông Nam Á, nhất là các nhà sản xuất bột tái chế là nhưng khách hàng đang đẩy mạnh mua vào cả OCC của Mỹ lẫn của châu Âu.

Logistics vẫn là vấn đề khó khăn đối với việc vận chuyển giấy thu hồi từ Mỹ và châu Âu về khu vực Đông Nam Á, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do có nhiều tàu bị hủy chuyến, nhất là đến Indonesia và Malaysia.

Sự gián đoạn đã gây ra lo ngại về sự chậm trễ trong giao hàng, thúc đẩy tâm lý lo thiếu hàng của người mua và họ buộc phải chấp nhận việc tăng giá.

Do đó, giá OCC của Mỹ và Châu Âu đã tăng lên. Tuần đầu tháng 11/2022, tại Đông Nam Á giá OCC12 của Mỹ chào giá 165-170 USD/tấn và OCC 95/5 của Châu Âu ở mức 145-150 USD/tấn.

Tuy nhiên, với quan điểm rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục ảm đạm trong một thời gian nữa, một số khách hàng đã không vội vã tích trữ RCP vào thời điểm mà người bán đang thúc đẩy tăng giá mạnh mẽ. Nguồn tin, người ban đầu nhắm mua khoảng 40.000 tấn OCC nhập khẩu vào tháng trước, đã cắt giảm mục tiêu của mình đi 1/4.

Tuy vậy, tại thị trường Đông Nam Á, giá tiêu chuẩn OCC11 của Mỹ được đánh giá ở mức 140-160 USD/tấn, tăng 20-25 USD/tấn so với tuần cuối tháng 10/2022.

OCC 95/5 của Châu Âu chốt mức 135-145 USD/tấn, tăng 15-30 USD/tấn. OCC của Nhật Bản vẫn ổn định ở mức 155-160 USD/tấn./.

   >>> Giá bột giấy tại Trung Quốc và Châu Á: Dự báo bột BSK giảm, bột BHK ổn định

Theo PPI Asia

VPPA dịch

Trên 50% đại biểu Quốc hội không muốn có thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp tư

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có tổng hợp phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, có 432/498 đại biểu Quốc hội gửi lại phiếu ý kiến.

Về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động trong dự thảo luật, có 163/432 đại biểu (chiếm 37,73% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 32,73% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án 1 là các quy định Luật áp dụng với các tổ chức có sử dụng lao động.

Có 264/432 đại biểu (chiếm 61,11% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 53,01% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án 2, là luật chỉ áp dụng ở doanh nghiệp nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp; tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.

Ngoài ra, có 5 đại biểu không chọn phương án và 11 đại biểu có ý kiến khác.

Về việc thành lập ban thanh tra nhân dân, có 161/432 đại biểu (chiếm 37,27% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 32,33% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án thành lập ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, gồm xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng lao động.

Đồng thời, có chỉnh lý thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tính chất, điều kiện của từng loại hình cơ sở, đặc biệt là ở khu vực ngoài nhà nước.

   >>> Cần minh bạch đóng góp của doanh nghiệp để tái chế, xử lý chất thải

Theo báo Thanh Niên

Cần minh bạch đóng góp của doanh nghiệp để tái chế, xử lý chất thải

Chiều 7/11, tại TPHCM, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội DN sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, cho rằng, các khoản hỗ trợ theo dự thảo đều theo cơ chế xin-cho, tập trung tại Bộ TN&MT, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng, không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của DN để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải, nguồn kinh phí quản lý hành chính còn trái với Nghị định 08.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng, theo điều 55 Luật Bảo vệ môi trường thì khoản đóng góp của DN chỉ dùng cho mục đích tái chế. Điều 82 quy định chi phí quản lý hành chính được lấy từ tiền lãi ngân hàng trong việc đóng góp của DN. Tuy nhiên trong dự thảo chỉ có 1/11 tiêu chí của Văn phòng ERP (nhiệm vụ tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu) là dùng cho việc tái chế, còn lại dùng cho mục đích khác.

Cần minh bạch đóng góp của doanh nghiệp để tái chế, xử lý chất thải ảnh 2
Toàn cảnh hội thảo

“Điều này đồng nghĩa với việc các khoản tài chính đóng góp của DN được sử dụng vào các mục đích không liên quan trực tiếp đến tái chế, xử lý chất thải. Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường, khoản đóng góp tài chính này chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào các mục đích khác” – bà Chi nói.

Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT – Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư cho biết, nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải. Đây là điểm khác biệt giữa khoản đóng góp tài chính này so với các loại thuế, phí môi trường hiện nay.

    >>> Điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo báo Tiền phong