Hải quan TP.HCM hướng đến ‘phi giấy tờ’

Chiều 14-4, Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức Hội nghị “Cục Hải quan TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế” và Tọa đàm “Logistics Thành phố Hồ Chí Minh cất cánh”.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM cho biết mục đích của Hội nghị là đẩy mạnh hợp tác, phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là sự phối hợp, đồng hành của Hải quan TP.HCM, Hiệp hội Logistics TP.HCM, các sở ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Nghiệp, để logistics TP phát triển là ngành tỉ USD, có vị trí vững vàng, cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid -19, Cục hải quan TP.HCM cam kết thích ứng an toàn, linh hoạt, phản ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, chủ động tiếp nhận thông tin và đưa ra các hành động xử lý, giải quyết kịp thời nhanh chóng.

“Thứ hai, hải quan TP triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022. Cục Hải quan TP.HCM xin hứa với lãnh đạo TP sẽ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 116.500 tỉ đồng”- đại diện Cục Hải quan TP.HCM cam kết.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng đến hải quan phi giấy tờ. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội logistics để đẩy mạnh vai trò Đại lý Hải quan, thực sự là cánh tay nối dài của cơ quan hải quan, là cầu nối giữa Hải quan và doanh nghiệp, hướng đến tính chuyên nghiệp, tự nguyện tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan, minh bạch hóa các khâu thủ tục…

“Cục sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ. Đảm bảo chặt chẽ an toàn, an ninh thương mại qua biên giới trên địa bàn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chân chính sản xuất, kinh doanh và quyết liệt ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan xảy ra trên địa bàn”- lãnh đạo Cục Hải quan TP thông tin.

Cũng tại hội nghị, Cục Hải quan TP.HCM và Hiệp hội Logistics TP.HCM thực hiện ký kết quy chế phối hợp giữa hai bên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường kết nối trong hoạt động dịch vụ logistics.

Hai bên giúp đỡ lẫn nhau nhằm phát triển hoạt động logistics của TP, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực, đáp ứng các mục tiêu về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của TP trong giai đoạn 2025.

Theo thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, năm 2021 mặc dù bị tác động rất lớn bởi đại dịch nhưng sức phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu của TP rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thực hiện đạt hơn 127 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM có thể đạt 130.000 tỉ đồng vào năm 2025 và 147.000 tỉ đồng vào năm 2030.

    >>> Ngành công nghiệp bột giấy hút ẩm sẽ bùng nổ vào năm 2022

Theo Pháp luật

Đồng thuận với tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tất cả 17 thành viên của hội đồng đều bỏ phiếu đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1/1/2023. Với nguyên tắc theo đa số, Hội đồng chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1/7/2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Đánh giá về kết quả trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam (đại diện NLĐ tại Hội đồng tiền lương) cho hay, phía đại diện NLĐ đề xuất và mong mức tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng 6%. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, mức tăng 6% cũng “chấp nhận được”, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp với NLĐ để cùng vượt qua khó khăn, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

“Các bên trong Hội đồng tiền lương đã đưa ra các quan điểm phong phú, lập luận khác nhau, nhưng đều chia sẻ với NLĐ và doanh nghiệp, đồng hành cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn. Mức tăng lương 6% thể hiện sự chia sẻ của các bên, nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích doanh nghiệp đối thoại với NLĐ để trả mức lương cao hơn”, ông Hiểu nói.

Về thời điểm tăng lương từ 1/7 tới, theo ông Hiểu, thông lệ tăng lương tối thiểu thường tính từ ngày 1/1 của năm kế tiếp, nhưng lần này lương tối thiểu đã gần 2 năm chưa tăng, dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế dần phục hồi, thời điểm tăng lương như trên kịp thời giúp NLĐ bớt khó khăn. Bên cạnh đó, tăng lương cũng là công cụ thúc đẩy NLĐ tăng năng suất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; cũng là giải pháp buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Thời gian gần đây số NLĐ rút Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ông Hiểu cho rằng, đây cũng là thông điệp gửi tới các thành viên Hội đồng tiền lương và toàn xã hội phải cùng suy ngẫm, tìm giải pháp giúp NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt. “Khi có nhiều hỗ trợ, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp, tăng lương… NLĐ sẽ không chọn phương án đầy mất mát và mạo hiểm khi bỏ qua lương hưu trong tương lai để lo cuộc sống trước mắt”, ông Hiểu nói thêm.

Phía đại diện người sử dụng LĐ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm, doanh nghiệp còn khó khăn, mới phục hồi, như người mới ốm dậy đi ra đường rón rén vì lo ốm lại.

“Mức điều chỉnh lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7 chúng tôi chưa thật sự hài lòng, chưa như kỳ vọng chung của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kỳ vọng nếu tăng lương tối thiểu nên tăng từ ngày 1/1/2023. Việc tăng lương vào giữa năm tạo ra nhiều vất vả cho doanh nghiệp, khi phải điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đơn hàng, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, chi phí… đã được xây dựng từ đầu năm cho tới hết năm”, ông Phòng nói.

Dù vậy, với mức tăng lương được hội đồng thông qua, theo ông Phòng, cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng được mức tăng 6%, nên kỳ vọng NLĐ cũng cần đồng hành, chia sẻ với nỗ lực đó của doanh nghiệp. Dù tiền lương thực tế doanh nghiệp trả cho NLĐ cơ bản cao hơn lương tối thiểu, nhưng lương tối thiểu tăng sẽ khiến các chi phí căn cứ theo mức lương này tăng, như chi phí bảo hiểm, công đoàn…

Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Phòng cho hay, nhóm doanh nghiệp này lên phương án kinh doanh rất chặt chẽ, nên VCCI sẽ nỗ lực để thông tin đầy đủ, chia sẻ để các doanh nghiệp đồng thuận, hiểu đúng và cùng chia sẻ với việc điều chỉnh tiền lương.

Trước đó, tại phiên họp thứ 2 diễn ra ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu bình quân thêm 6% từ ngày 1/7 tới để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Cụ thể:

Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng.

Vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng.

Vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng.

Vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.

Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2022 tới hết năm 2023.

    >>> Trung Quốc duy trì thuế ADDs đối với giấy kraft nhập khẩu từ EU, Nhật Bản và Mỹ

Theo Tiền phong

Trung Quốc duy trì thuế ADDs đối với giấy kraft nhập khẩu từ EU, Nhật Bản và Mỹ

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) kết luận rằng việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt hiện tại có thể dẫn đến việc tiếp tục bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp giấy trong nước.

Sản phẩm bị ảnh hưởng, được đăng ký theo mã HS là 4804.2100 và 4804.3100, chủ yếu được sản xuất từ bột gỗ chưa tẩy trắng, mặc dù nó cũng có thể từ một số nguyên liệu bột khác như giấy thu hồi và bột tre.

Giấy kraft có định lượng cơ bản không quá 115 g/m², được sử dụng để làm bao bì cho xi măng, hóa chất và hàng khô.

Theo kiến nghị của nhà sản xuất giấy kraft Trung Quốc Fujian Qingshan Paper Industry, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiến hành xem xét điều tra từ tháng 4/2021.

So với mức thuế Trung Quốc lần đầu tiên áp với giấy kraft từ các khu vực này vào tháng 4/2016 thì mức thuế ADD là không thay đổi và các nhà xuất khẩu Mỹ và Nhật Bản vẫn ở mức lần lượt là 14,9% và 20,5%, các nhà xuất khẩu EU là từ 26,2-29%./.

   >>> Ngành công nghiệp bột giấy hút ẩm sẽ bùng nổ vào năm 2022

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch

Ngành công nghiệp bột giấy hút ẩm sẽ bùng nổ vào năm 2022

Theo dự báo nghiên cứu thị trường mới của Smithers, tương lai của bột giấy hút ẩm đến năm 2027 (The Future of Fluff Pulp to 2027), sẽ đạt giá trị 8,31 tỷ USD, tăng từ 6,88 tỷ USD trong năm 2021.

Năm 2017, tiêu thụ bột giấy hút ẩm toàn cầu là 5,8 triệu tấn. Con số này đã tăng lên 7,0 triệu tấn trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2017-2022 đạt 3,8%/năm. Đến năm 2027, tiêu thụ bột giấy hút ẩm toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 8,5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cho 2022-2027 là 4,1%.

Việc thiếu nguồn cung bột giấy hút ẩm đã dẫn đến cán cân cung/cầu bị mất cân bằng và giá cả ngày càng tăng. Tình trạng mất cân bằng cung cầu này dự kiến ​​sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2027, mặc dù giá dự kiến ​​sẽ giảm xuống khi chi phí vận tải quay trở lại bình thường./.

    >>> Vai trò khí đốt tự nhiên của Nga trong sản xuất giấy bao bì hòm hộp tại Châu Âu

Theo Pulpapernews

VPPA dịch

Vai trò khí đốt tự nhiên của Nga trong sản xuất giấy bao bì hòm hộp tại Châu Âu

Hiện nay, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, chiếm khoảng 40-45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu, bởi vậy việc nhanh chóng thay thế nguồn cung từ Nga là điều bất khả thi. Trong khi đó, các quốc gia có công suất giấy bao bì hòm hộp (containerboard) lớn nhất lại là các quốc gia có mức độ phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga cao.

vai-tro-khi-dot-tu-nhien-cua-nga-trong-san-xuat-giay-bao-bi-hom-hop-tai-chau-au
Hình 1. Sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga của các nước châu Âu

Tại châu Âu, sản xuất containerboard tiêu tốn rất nhiều năng lượng, mặc dù các nhà máy đều đưa ra các giải pháp giảm thiểu sử dụng, nhưng trung bình khoảng hai phần ba năng lượng sử dụng trong sản xuất containerboard từ giấy tái chế là do khí đốt tự nhiên cung cấp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất containerboard từ bột giấy nguyên thủy có thể sử dụng năng lượng tổng hợp từ các nhà máy sản xuất bột giấy của họ, nhưng nhu cầu sử dụng khí tự nhiên trong sản xuất cũng chỉ ít hơn khoảng 20% so với từ giấy tái chế. Nhìn chung, việc ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga sẽ làm gián đoạn đáng kể hoạt động sản xuất containerboard từ giấy tái chế, trong khi vấn đề này đối với các nhà máy sản xuất từ bột giấy nguyên sinh sẽ không đáng nghiêm trọng do sự linh hoạt chuyển đổi của họ.

Theo dự tính, nếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bị ngừng và các nhà máy sản xuất containerboard không thể thay thế nhu cầu năng lượng của họ bằng các loại nhiên liệu khác và sản lượng containerboard trên toàn châu Âu sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

vai-tro-khi-dot-tu-nhien-cua-nga-trong-san-xuat-giay-bao-bi-hom-hop-tai-chau-au
Hình 2. Dự tính sản lượng containerboard sụt giảm tại châu Âu nếu Nga ngừng cấp khí đốt (tấn/tháng)

Việc thiếu khí đốt tự nhiên sẽ làm giảm sút khả năng sản xuất hơi, nhiệt và điện tại các nhà máy sản xuất containerboard. Trong khi đó, một phần sản lượng điện của châu Âu lại dựa vào khí đốt tự nhiên, mà việc Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên sẽ làm giảm sản lượng điện ở châu Âu và hạn chế hoạt động của các nhà máy.

Dự tính, sản lượng containerboard của châu Âu có thể giảm hơn 600.000 tấn mỗi tháng nếu không có nguồn nhiên liệu dự phòng thay thế cho khí tự nhiên từ Nga. Các quốc gia sản xuất containerboard có công suất lớn lại là nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ là những quốc gia sẽ phải chịu mức độ thiệt hại lớn nhất.

Hầu hết các nhà máy sản xuất containerboard đều có lò hơi dự phòng cho phép họ hoạt động ở mức thấp, do đó mức độ tổn thất sản xuất có thể ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ở nhiều nước Châu Âu giải pháp điện dự phòng lại dựa vào nhiên liệu hóa thạch, và nguồn cung nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá) lại cũng được nhập khẩu từ Nga. Hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan do phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, và việc thay thế nguồn cung cấp đó sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn tài chính. Việc nhanh chóng ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hay nhiên liệu hóa thạch từ Nga sẽ gây khó khăn và phức tạp cho hoạt động sản xuất cho nhiều ngành công nghiệp nói chung và containerboard nói riêng tại châu Âu và đây có thể được coi là nhiệm vụ bất khả thi trong thời điểm hiện nay./.

    >>> EU cấm nhập khẩu bột giấy và giấy từ Nga

Theo Fastmakets RISI

VPPA dịch

‘Khám sức khỏe tổng thể’ doanh nghiệp 2022

Thu thập thông tin để lập chính sách, kế hoạch phát triển toàn bộ nền kinh tế

Điều tra doanh nghiệp năm 2022 thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế – xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.

Bên cạnh đó điều tra doanh nghiệp năm 2022 còn phục vụ tính chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2021, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế.

Kết quả điều tra còn được sử dụng để biên soạn “Sách Trắng doanh nghiệp năm 2023” và “Sách Trắng hợp tác xã năm 2023”; cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp…

Tiến hành điều tra doanh nghiệp trên phạm vi 63 tỉnh, thành

Về phạm vi, điều tra doanh nghiệp năm 2022 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là tỉnh, thành phố) đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc tất cả các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018), trừ 3 ngành: Ngành O – Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; Ngành U – Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế; Ngành T – Hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (do đối tượng điều tra không phát sinh trong các ngành này).

Đối tượng điều tra là tổ chức, cá nhân, thỏa mãn các điều kiện: Có địa điểm xác định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh; có người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp; có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh; mỗi đơn vị cơ sở chỉ đóng tại một địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) và chỉ tiến hành một loại hoạt động kinh tế thuộc ngành kinh tế cấp 3.

Điều tra doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty

Đơn vị điều tra là doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty. Trong đó, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo Luật hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành như: Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán, …

Tập đoàn, tổng công ty gồm 64 tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có hoạt động hạch toán toàn ngành (bao gồm 03 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng).

Về nội dung, điều tra doanh nghiệp năm 2022 thu thập các thông tin: Thông tin nhận dạng; Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động, Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh.

Kết hợp điều tra toàn bộ với chọn mẫu

Điều tra doanh nghiệp năm 2022 là cuộc điều tra thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu.

Trong đó, điều tra toàn bộ áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp nhằm thu thập thông tin cơ bản về thông tin định danh, ngành nghề sản xuất kinh doanh, lao động, kết quả sản xuất kinh doanh.

Điều tra chọn mẫu áp dụng đối với các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra nhằm mục đích mở rộng nội dung điều tra, phục vụ tính các chỉ tiêu chuyên ngành, giúp nâng cao chất lượng điều tra nhất là đối với các câu hỏi phức tạp, chuyên sâu.

Dự kiến Quý I/2023 công bố kết quả chính thức

Thời điểm điều tra được tiến hành vào ngày 15/4/2022. Các chỉ tiêu thu thập theo thời điểm điều tra được quy định cụ thể trong từng phiếu điều tra.

Thời kỳ thu thập thông tin đối với các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu năm 2021. Các chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ như: Kết quả sản xuất kinh doanh, vốn đầu tư thực hiện, sản lượng sản phẩm sản xuất và một số chỉ tiêu khác.

Thời gian điều tra được tiến hành từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 30/5/2022.

Tổng cục Thống kê cho biết, điều tra doanh nghiệp năm 2022 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp thông qua hình thức thu thập thông tin trực tuyến. Các đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê.

Dự kiến, quý I/2023 công bố kết quả chính thức kết quả điều tra và biên soạn Sách Trắng doanh nghiệp và Sách Trắng hợp tác xã./.

    >>> Malaysia tạm dừng cấp phép cho các dự án sản xuất giấy mới

Theo Chính phủ

Malaysia tạm dừng cấp phép cho các dự án sản xuất giấy mới

Quy định áp dụng đối với các dự án nhà máy mới, mở rộng công suất tại các nhà máy hiện có và đối với các nhà máy quy mô nhỏ xin cấp giấy phép sản xuất (trước đây nằm trong diện được hưởng miễn trừ).

Đối với các dự án mở rộng hoặc thành lập nhà máy của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã được phê duyệt trước đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định mới này.

Kể từ ngày 15 tháng 3, Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) sẽ không tiếp nhận bất kỳ đơn đăng ký mới nào. Các đơn đăng ký trước ngày 15 tháng 3 sẽ được xử lý nhưng vẫn phải được chính phủ Malaysia phê duyệt. Bên cạnh đó, việc mua lại các nhà máy hiện có cũng sẽ bị đình chỉ.

 Giấy phép sản xuất là cần thiết để tránh áp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và thiết bị được sử dụng trong sản xuất giấy. 

Việc vận hành một nhà máy giấy ở Malaysia mà không có giấy phép sản xuất là bất hợp pháp, bên cạnh những cơ sở cực nhỏ được miễn trừ.

Cụ thể, từ ngày 15 tháng 3, chỉ những nhà sản xuất có giá trị ròng dưới 590.000 USD hoặc sử dụng ít hơn 75 công nhân sẽ được miễn trừ. Hoạt động mà không có giấy phép có thể đối diện với án phạt tiền và tù.

MIDA kỳ vọng rằng việc đình chỉ các đơn xin giấy phép sản xuất sẽ cho phép chính phủ Malaysia có thời gian và nguồn lực để quản lý và giám sát việc nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) theo quy chuẩn mới.

Gần đây, quy chuẩn nhập khẩu RCP được thắt chặt hơn đã được thực hiện vào tháng Giêng, và sau đó nhanh chóng bị tạm ngưng đến 1/7 do vô số vấn đề logistics. 

Chính phủ Malaysia thừa nhận rằng ngành công nghiệp giấy của nước này đang có tình trạng thừa công suất và nhập khẩu RCP tăng đột biến kể từ năm 2018. 

Cuối năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu loại bỏ dần việc nhập khẩu RCP và cấm hoàn toàn vào năm 2021. 

Do đó, MIDA đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhà sản xuất giấy Trung Quốc đang muốn mở rộng hoạt động của họ tại Malaysia, bằng cách bắt đầu một dự án mới hoặc bằng cách liên doanh với các công ty Malaysia hiện có.

Các nhà máy lớn của Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Malaysia bằng cách thành lập các nhà máy mới hoặc mua lại các nhà máy hiện có.

Đến nay, tổng công suất giấy và bìa của Malaysia đạt khoảng 1,9 triệu tấn/năm. Con số này sẽ tăng lên 10 triệu tấn/năm khi các công ty có trụ sở tại Trung Quốc hoàn thành các dự án đã được phê duyệt.

MIDA ước tính rằng các khoản đầu tư theo kế hoạch của Trung Quốc vào lĩnh vực giấy và bìa tại Malaysia tổng cộng đạt 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp giấy và bìa Malaysia đã dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu thô trong nước, các vấn đề về quản lý chất thải và tình trạng môi trường ngày càng tồi tệ.

Phần lớn các nhà máy giấy và bìa của Trung Quốc đều sử dụng RCP nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào. Điều này dẫn đến những lo ngại tiềm ẩn về môi trường mà chính phủ Malaysia đang theo dõi chặt chẽ.

Do thiếu hụt nguồn RCP trong nước, nhập khẩu RCP vào Malaysia đã tăng từ 334.000 tấn trong năm 2018 lên 1,8 triệu tấn vào năm 2021.

    >>> Giá giấy thu hồi nhập khẩu giảm tại Ấn Độ và Đông Nam Á

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch

Những quy định mới về cấp giấy phép môi trường

Thời điểm nộp hồ sơ xin cấp phép

Theo quy định, những dự án đầu tư nhóm I là các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Dự án nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nhưng có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường… Các nhóm dự án này khi đi vào vận hành chính thức đều phải có giấy phép môi trường.

Về thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường quy định 4 thời điểm theo 4 loại dự án khác nhau.

Chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án.

Chủ dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1-1-2022) có tiêu chí về môi trường như dự án nhóm I, II, III đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.

Chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định này nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.

Thời hạn và chi phí cấp phép môi trường

Để triển khai những quy định mới về cấp phép môi trường, hiện nay, một số địa phương đã ban hành quyết định về việc thay đổi một số thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp huyện/UBND cấp xã trên địa bàn.

Đơn cử, Hà Nội mới đây đã ra Quyết định số 1040/QĐ-UBND công bố danh mục 11 thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định về thời hạn cấp phép, cấp phép lại, cấp đổi giấy phép môi trường.

Theo đó, các cơ quan chức năng phải cấp phép môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; trong thời hạn 15 ngày đối với các dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây: Không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Đối với các dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất (trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường); Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn…, việc cấp lại giấy phép môi trường phải thực hiện trong thời gian là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện. Cụ thể, phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường như sau: Đối với các dự án hoặc cơ sở thuộc nhóm I (trừ một số dự án) có mức phí là 50 triệu đồng/giấy phép; đối với các dự án thuộc nhóm II hoặc các dự án, cơ sở nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biên chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh có mức phí là 45 triệu đồng/giấy phép. Phí thẩm định cấp điều chỉnh giấy phép môi trường là 15 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở…

    >>> EU cấm nhập khẩu bột giấy và giấy từ Nga

Theo Hanoimoi

Lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 6%

Tại phiên họp sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất sớm trình phương án và thời điểm tăng để Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, lương tối thiểu vùng I sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng II lên 4,16 triệu; vùng III đạt 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Tiền lương tối thiểu giữ nguyên từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

luong-toi-thieu-vung-du-kien-tang-6

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ lo lắng khi thời điểm tăng lương kéo dài từ 1/7/2022 đến hết 31/12/2023. Ông ví cộng đồng doanh nghiệp sau mấy đợt dịch Covid-19 như “người mới ốm dậy”, việc tăng lương từ giữa năm nay khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, chỉ số, đơn hàng…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại kỳ vọng mức tăng 7-8% (dao động 215.000-354.000 đồng) vì mức này mới phù hợp sau hai năm chưa điều chỉnh và bù đắp phần nào trượt giá. Đại diện công đoàn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, song người lao động cũng đã đến ngưỡng chịu đựng khi vật giá leo thang, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch.

“Hình ảnh người lao động xếp hàng từ mờ sáng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần những ngày qua rất đáng suy nghĩ để các bên thảo luận về mức lương tối thiểu vùng hợp lý”, đại diện công đoàn chia sẻ.

Lý giải đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thay vì tháng 1/2023 theo như kiến nghị VCCI, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tăng sớm sẽ tránh dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp. GDP quý I/2022 đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Năm 2021, khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cho kết quả 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

luong-toi-thieu-vung-du-kien-tang-6

    >>> EU cấm nhập khẩu bột giấy và giấy từ Nga

Theo VnExpress

EU cấm nhập khẩu bột giấy và giấy từ Nga

Hàng hóa bị cấm bao gồm các loại giấy phế liệu sử dụng để tái chế; giấy bao bì hòm hộp bao gồm các loại kraftliner và testliner; giấy và bìa không tráng phủ; giấy in, viết cũng như các loại giấy kraft làm túi giấy và giấy dán tường.

Ngoài ra, EU cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các nhà khai thác đường vận tải của Nga và Belarus làm việc tại EU, khiến cho các công ty của Nga và Belarus không thể xuất khẩu hàng vào EU. Tuy nhiên, ngoại trừ các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, viện trợ nhân đạo cũng như năng lượng.

Các lệnh cấm nhập khẩu này sẽ ảnh hưởng đến tổng giá trị doanh thu khoảng 5,5 tỷ Euro (6 tỷ USD) đối với Nga.

Mặc dù trao đổi thương mại giữa Ukraine và Nga đã dừng lại kể từ đầu cuộc xung đột, nhưng Ukraine cũng đã chính thức ban hành lện cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga. Bình quân hàng năm nhập khẩu hàng hóa từ Nga sang Ukraine đạt khoảng 6 tỷ USD.

   >>> Giá giấy thu hồi nhập khẩu giảm tại Ấn Độ và Đông Nam Á

 Theo PPI Europe

VPPA dịch