Các công ty Trung Quốc tại Đông Nam Á tăng mua, giá OCC Mỹ tăng cao

Xuất phát từ nhu cầu của Trung Quốc lục địa, các công ty của nước này có cơ sở đặt tại Lào, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, với tổng công suất lên tới 7,0 triệu tấn/năm, trong vài năm qua đã ưu tiên nhập khẩu OCC Mỹ. 

Sản phẩm chủ yếu là bột giấy tái chế và giấy bao bì hòm hộp và chủ yếu sẽ được xuất khảu trở lại thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, các công ty lớn như Nine Dragons Paper (Holdings), Lee & Man Paper Manufacturing và Shanying International, có các cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á, đã sẵn sàng trả mức giá rất cao cho giấy nâu Mỹ chất lượng tốt vào thời điểm khi nguồn cung RCP Mỹ bị hạn chế và chi phí vận chuyển đường biển đến Đông Nam Á tăng cao. 

Bởi vậy, chính các công ty này đang là nhân tố đã chi phối việc định giá OCC của Mỹ trong khu vực và khoảng cách giữa giá OCC Mỹ với OCC châu Âu ngày càng lớn. 

Nguồn cung RCP từ Mỹ khan hiếm được cho là do nhu cầu ổn định của thị trường nội địa Mỹ và dự kiến sẽ hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 qua đi. 

Trong khi đó, khối lượng OCC (11) được chào bán tại khu vực lại đột ngột giảm với số lượng lớn. 

Tại Hàn Quốc, giá chào bán OCC (11) Mỹ từ các nhà cung cấp là 300-315 USD/tấn và 315-330 USD/tấn đối với OCC (12) của Mỹ.

Tương tự, người mua ở Đài Loan đã nhận được nhiều lời chào hàng OCC (12) Mỹ hơn so với OCC (11) Mỹ, với mức giá chênh nhau 5 USD/tấn. Giá OCC (12) Mỹ ở mức 310-315 USD/tấn và giá OCC (11) Mỹ ở mức 305-310 USD/tấn. 

Tại Đài Loan và Đông Nam Á, giá OCC (11) Mỹ ở mức 300-330 USD/tấn, tăng 5-10 USD/tấn so với đầu tháng 7/2021. Giá OCC (12) đã đạt 335-350 USD/tấn. 

Giá OCC châu Âu (95/5) ở mức 290-300 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn, trong khi OCC của Nhật Bản giảm 5-10 USD/ tấn xuống còn 300-315 USD/tấn. 

Tại Thái Lan, Việt Nam người mua đang nỗ lực đàm phán giảm giá, nhưng dường như thị trường vẫn biến động trái ngược với mong muốn của các nhà nhập khẩu./.

    >>> Hiệp hội tiếp tục kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp

Theo FastMarkets RISI

Hiệp hội tiếp tục kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp

Trong đó, hai nội dung đã được Hiệp hội tiếp tục kiến nghị:

Tiếp tục gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2022 (thay vì ngày 31/12/2021);

Tiếp tục gia hạn đến hết ngày 31/12/2022 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, như nội dung Mục 14 của Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020;

Giảm giá điện 10% cho các doanh nghiệp Ngành giấy từ tháng 8/2021 đến hết tháng 12/2021 và kéo dài thêm đến hết tháng 6/2022 nếu dịch vẫn còn tiếp diễn;

Giảm mức đóng phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% và cho phép sử dụng bù vào quỹ lương chi trả cho người lao động;

Giảm 50% chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xin giãn thời gian nộp từ 6 – 12 tháng;

Giảm 50% tất cả các loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thu nhập cá nhân cho người lao động, thuế khác đồng thời xin giãn thời gian nộp từ 6 – 12 tháng;

Giãn thời gian trả nợ vay đến hạn cho doanh nghiệp từ 6-12 tháng, giảm 30% lãi suất vay so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới;

Khẩn cấp tổ chức cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành giấy được tiêm vắc xin sớm nhất và nhanh nhất có thể;

Cho phép doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch và đăng ký thực hiện với chính quyền địa phương sở tại, thay vì áp dụng cứng nhắc các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường”, “2 địa điểm”;

Sản phẩm giấy các loại, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của ngành giấy cần được xem là hàng hóa thiết yếu, được đưa vào “luồng xanh” để vận chuyển, lưu thông. Thống nhất các quy định vận chuyển giữa các địa phương, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa;

Tạm dừng thực hiện việc thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm các mức phí đang áp dụng đối với các doanh nghiệp Ngành giấy./.

     >>> Kiến nghị hỗ trợ Doanh nghiệp trong thời kỳ Covid

     >>> Kiến nghị nội dung Luật BVMT 2020

Biến thể Delta làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu

Sau khi vượt qua các đợt dịch ban đầu tốt hơn các nước khác, các quốc gia từng thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 đang chứng kiến biến thể Delta lây lan nhanh chóng, tạo ra hàng loạt thách thức tại các nhà máy và bến cảng.

Những khó khăn ở châu Á – nơi Liên hợp quốc ước tính chiếm khoảng 42% xuất khẩu thế giới – có nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhu cầu hàng hóa thường tăng cao trong mùa mua sắm lễ Giáng sinh.

Các trục trặc lưu thông khởi phát từ các cảng châu Á, sau đó lan tỏa và tạo ra những chậm trễ ở những nơi như Los Angeles hoặc Rotterdam, dẫn đến giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn khi đến tay người tiêu dùng.

Biến thể Delta đã xâm nhập vào hệ thống phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, gieo mầm những ca bệnh đầu tiên trong nhiều tháng ở những nơi như Bắc Kinh và Vũ Hán.

Dù số ca nhiễm ở Trung Quốc tương đối thấp, nhưng với phương pháp tiếp cận không khoan nhượng, họ đã đóng ga Mai Sơn ở cảng Ninh Ba – Chu Sơn, khiến tất cả các dịch vụ container đi và đến đều bị tạm dừng vào tuần trước. Vụ đóng cửa này diễn ra sau khi cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến ngưng hoạt động trong khoảng một tháng sau một đợt bùng phát nhỏ, gây ảnh hưởng lớn đến vận chuyển quốc tế.

Trong khi Đông Nam Á – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất – có nhà máy đã ngừng sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc và một số sản phẩm khác. Điều này đe dọa đà tăng trưởng xuất khẩu, vốn là lực đỡ cho nhiều nền kinh tế dựa vào thương mại để vượt qua và phục hồi sau dịch. Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong, trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu do tiêm chủng chậm lại.

Các đợt bùng phát cũng làm tồi tệ thêm một năm chồng chất khó khăn đối với các nhà xuất khẩu, vì chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu container và nguyên liệu thô như chất bán dẫn khan hiếm và đắt đỏ.

“Biến thể Delta có thể làm gián đoạn đáng kể thương mại ở châu Á. Cho đến nay, hầu hết các thị trường đã may mắn kiểm soát tốt virus này. Nhưng khi dịch tiếp tục lan rộng, may nắm này có thể kết thúc tại nhiều nơi”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á trụ sở tại Singapore, nhận định.

Tại Đông Nam Á, các nhà sản xuất đã chứng kiến hoạt động sụt giảm trong tháng trước, do phải vật lộn để duy trì hoạt động nhà máy, một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể tạo ra sự sụt giảm trong thương mại có khả năng phục hồi của khu vực.

Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng họ có thể tác động mạnh đến các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 quốc gia này, trong khi Mỹ phụ thuộc vào một nửa nhập khẩu chất bán dẫn từ đó. Samsung Electronics cho biết vào tháng trước, doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động đã bị ảnh hưởng bởi dịch bùng phát ở Việt Nam.

Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh để giảm thiểu tác động đến xuất khẩu khi làn sóng dịch lần thứ tư xuất hiện. Nhà chức trách yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” vì tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ vẫn còn thấp. Điều đó là không đủ đối với các công ty như Harco, ở Hưng Yên.

“Mọi thứ ngày càng tệ hơn khi hầu hết nhà máy ở các tỉnh phía Nam phải ngừng hoạt động và các công ty phía Bắc đang phải chật vật để duy trì sản xuất”, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Harco Shoes nói và cho biết: “Toàn bộ chuỗi cung ứng của đất nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng”.

Malaysia đã nới lỏng các hạn chế đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, cho phép họ đi lại giữa các bang và dùng bữa tại các nhà hàng khi chính quyền tìm cách mở cửa lại nền kinh tế.

Các nhà kinh tế đang giảm dự báo tăng trưởng cho châu Á khi có dấu hiệu cho thấy tác động đến tiêu dùng và các hoạt động khác. Bloomberg Economics đánh giá, chỉ riêng sự bùng nổ của biến thể Delta ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các khu vực chiếm hơn một phần ba GDP của nước này. Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase & Co. nhấn mạnh rủi ro từ các quốc gia châu Á là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Dịch bùng lên khi các nhà xuất khẩu tiếp tục chật vật về chi phí vận chuyển đường biển tăng mạnh so với trước đại dịch, chủ yếu do thiếu container. Chỉ số container của Drewry World đạt 9.421,48 USD mỗi container 40 feet tính đến ngày 12/8, cao hơn khoảng 350% so với cùng thời điểm một năm trước.

“Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần trước đại dịch”, Lanm Lai, Giám đốc ngoại thươngCNC Electric ở Chiết Giang, Trung Quốc nói và cho biết: “Năm ngoái, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ là ngắn hạn. Nhưng sắp tới, tôi không nghĩ sẽ sớm có một sự thay đổi đáng kể”.

Các giám đốc điều hành như Raymond Ren, CEO Pinghu Kaixin Plastic Industry nói rằng ông không nghĩ có sự thay đổi nào trong ngắn hạn của chuỗi cung ứng. “Bạn không thể đoán trước được bất cứ điều gì trong đại dịch này”, ông nói.

    >>> Bản tin VPPA tháng 8/2021

Theo VnExpress

Bản tin tháng 8/2021

Trong bản tin số 7 – tháng 8/2021 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

Tập đoàn Arkhbum Tissue của Nga lên kế hoạch mở rộng thị trường nội địa

Voith lắp đặt máy sản xuất bìa ngà công suất 1 triệu tấn/năm cho nhà máy của Asia Symbol tại Jiangsu

Công ty United Paper của Thái Lan mở rộng sản xuất giấy bao bì hòm hộp

     >>> Xem BẢN TIN VPPA THÁNG 8

Doanh nghiệp nói gì về 4 phương án sản xuất an toàn của TPHCM?

Đây là những giải pháp nhằm duy trì sản xuất được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ sơ kết thực hiện Chỉ thị 16 hôm 15/8.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố đưa ra 4 phương án để doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch.

Với phương án 1, sẽ tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2, tiếp tục thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường – 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên một cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).

Trong khi đó, phương án 3 sẽ gồm cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm”. Và phương án 4 sẽ tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”, gồm: Nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Vẫn duy trì “3 tại chỗ” nhưng linh hoạt

Sau 5 tuần thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong điều kiện phòng dịch, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) đóng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TPHCM, cho biết hiện người lao động đã quen và không muốn đổi sang phương án mới.

Để duy trì hoạt động, ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng việc sàng lọc mầm bệnh trong công nhân là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp này thực hiện xét nghiệm nhanh hằng tuần cho tất cả công nhân đang tham gia “3 tại chỗ”. Với nhóm nguy cơ cao như tài xế, công nhân bốc xếp thì công ty thực hiện xét nghiệm 2 lần/tuần. Dù việc này phát sinh chi phí rất nhiều nhưng ông Hiến khẳng định đây là phương án hiệu quả với đặc thù của doanh nghiệp.

Về kinh nghiệm sau 5 tuần duy trì “3 tại chỗ”, Tổng Giám đốc Bidrico chia sẻ, ngay sau tuần đầu tiên, đã xuất hiện tình trạng bất ổn tâm lí ở một số công nhân. Những người này rất dễ trở thành “vết dầu loang” ảnh hưởng đến tâm lí của người nhiều khác.

“Họ lên mạng và thấy những thông tin tiêu cực, rồi thêm người thân gọi điện giục về quê. Họ lo sợ nếu ở lại nhà máy thì sẽ lây nhiễm lẫn nhau… Từ một người hoang mang mà nỗi sợ lan cho cả bộ phận. Nhưng lúc này, chúng tôi không thể ép buộc họ ở lại, chỉ khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng”, ông Hiến chia sẻ.

Bidrico đã áp dụng chế độ nghỉ phép 7 ngày hoặc 11 ngày cho những công nhân muốn về nhà. Trong 7 ngày, công nhân về nhà 4 ngày, 3 ngày còn lại là thời gian cách ly và xét nghiệm trước khi quay lại nhà máy. Chế độ nghỉ phép 11 ngày cũng tương tự như vậy.

Với cách làm này, trong gần 400 người đang sản xuất “3 tại chỗ”, chỉ có 21 người đăng kí về phép. Ông Hiến cho rằng việc linh động chế độ nghỉ phép cũng như một dạng đổi kíp nhưng không làm giảm công suất làm việc của cả nhà máy. “Nếu tổ chức “3 tại chỗ theo kíp” thì doanh nghiệp phải chia theo từng nhóm, như vậy lực lượng lao động trong từng ca sẽ bị giảm đi. Vậy nên, nếu tiếp tục giãn cách xã hội thì chúng tôi vẫn duy trì phương án “3 tại chỗ” như hiện tại cùng với chế độ cắt phép cho những công nhân có nhu cầu”, ông Hiến cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) đóng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, cho biết, doanh nghiệp có thể sẽ chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang phương án “4 xanh”.

“Chúng tôi chưa quyết định ngay vì vẫn phải tính toán lại một cách thận trọng và an toàn”, ông Dũng nói và cho biết, doanh nghiệp đứng chân tại địa bàn đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp, do vậy, chính doanh nghiệp phải bảo đảm được yếu tố phòng dịch an toàn nhất. Đó là môi trường nhà xưởng an toàn, người lao động được tiêm đủ vaccine và an toàn về sức khỏe, còn “cung đường xanh” và “nơi ở xanh” không nằm ở sự quyết định của doanh nghiệp.

Dễ thở với phương án “4 xanh”

Đánh giá phương án thứ 4 – “4 xanh” có thể “dễ thở” hơn với các doanh nghiệp nhưng ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư kí Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng cần phải có hướng dẫn thật cụ thể về tiêu chí “4 xanh”. Nếu có hướng dẫn cụ thể hơn thì các doanh nghiệp thuộc HAWA có thể sẽ chuyển sang phương án “4 xanh” trong một tháng giãn cách sắp tới.

Trước đó, HAWA cũng đã kiến nghị với Sở Công Thương TPHCM về phương án sản xuất này. “Tôi cho rằng UBND TPHCM đã có sự lắng nghe nhưng chưa kịp xây dựng quy trình áp dụng”, ông Phương thông tin và cho biết HAWA sẽ tổ chức toạ đàm trực tuyến với các hội viên để thảo luận thật kĩ cách làm cho phù hợp, vẫn bảo đảm sản xuất an toàn mà giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với phương án này, ông Phương cho rằng cần thống nhất chủ trương giữa TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai. Bởi vì theo ông Phương, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM nhưng nhà máy đặt ở Bình Dương và Đồng Nai hoặc nhà máy ở TPHCM giáp ranh với 2 tỉnh trên nên người lao động có thể đang cư trú ở các tỉnh. Do vậy, việc công nhận “cung đường xanh” giữa các địa phương này phải được quy định rõ để không gây khó cho doanh nghiệp.

Cũng sẵn sàng chuẩn bị chuyển trạng thái của công ty sang phương án “4 xanh”, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean với 3 nhà máy ở TP. Thủ Đức (TPHCM) và Đồng Nai, Bình Dương cũng đặt vấn đề về tính đồng bộ trong triển khai phương án “4 xanh”.

“Thành phố phải thống nhất chủ trương này đến từng phường vì vấn đề hiện nay nằm ở khâu giám sát tại các địa bàn. Dù đáp ứng các điều kiện “4 xanh” nhưng công nhân có qua được các chốt, trạm kiểm dịch tại các phường, các quận không?”, ông Việt băn khoăn.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí-Điện TPHCM cũng nêu vấn đề, khi doanh nghiệp áp dụng “4 xanh”, công nhân đi lại từ nơi ở đến nhà máy nhiều hơn, lộ trình công tác trở thành lộ trình đi làm. Trong khi nếu vẫn kiểm tra giấy thông hành tại các chốt như hiện nay thì vừa gây ùn tắc vừa tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chí “4 xanh” thì việc quản lý lộ trình của công nhân nên được thực hiện bằng mã QR và việc này có thể giao cho doanh nghiệp chủ động, vì theo ông Tống, hơn ai hết, chủ doanh nghiệp luôn muốn người lao động của mình đi đúng lộ trình, bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất.

Đối với Việt Thắng Jean, ông Việt cho rằng trước hết, cần tuyên truyền cho công nhân nhận thức được việc chủ động phòng ngừa, chấp hành tuyệt đối các biện pháp phòng dịch và sau đó, mỗi người phải cam kết đi đúng lộ trình.

Theo ông Việt, nếu có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chủ trương triển khai đến từng phường thì công ty của ông cũng như nhiều doanh nghiệp trong Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM có thể khôi phục dần công suất hoạt động. Hiện nay, Việt Thắng Jean đang duy trì khoảng 30% công suất, có thể tăng 50% ngay trong tháng 9 và giữ nhịp độ này cho những tháng còn lại của năm 2021 nếu chuyển trạng thái sang “4 xanh”.

Do điều kiện cư trú của công nhân chưa bảo đảm 100% “nơi ở xanh” nên doanh nghiệp vẫn thuê địa điểm làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân. “Với nhà máy ở TP. Thủ Đức thì còn khoảng 10% công nhân đang ở nhà trọ, công ty vẫn phải tổ chức nơi ở tập trung và đưa đón đến nhà máy”, ông Việt cho biết./.

     >>> Thủ tướng: Nghiên cứu, điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ”

Theo Báo Chính phủ

Thủ tướng: Nghiên cứu, điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ”

Về hoạt động sản xuất, tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 diễn ra sáng nay, 15 tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, Bộ Y tế, Công Thương và địa phương cần lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và người dân, khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện cho phù hợp một số mô hình như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, bãi bỏ ngay quy định không phù hợp; tăng cường phối hợp tốt với bộ, ngành liên quan để thống nhất thực hiện biện pháp kiểm soát theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ về xét nghiệm, tổ chức ăn ở cho công nhân… để duy trì sản xuất và thúc đẩy sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữ chuỗi cung ứng không đứt gãy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 diễn ra sáng nay, 15 tháng 8

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao triển khai nhanh chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ, nghiên cứu, mở rộng mô hình túi an sinh của TP.HCM.

Các địa phương bảo đảm việc lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để bất kỳ ai bị thiếu đói trên địa bàn. Chính phủ cũng thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do Covid-19.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh.

Một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại chiến lược với vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn yêu cầu tại Chỉ thị số 16; tiếp tục phong tỏa chặt, cô lập, thu hẹp vùng có nguy cơ, đặc biệt vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ); giữ vững, củng cố, mở rộng vùng xanh an toàn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt. Ông cho rằng vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ phải thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân./.

    >>> Bao bì phân hủy sinh học – Sự lựa chọn cho thế kỷ XXI

Theo Vietnet24h

Malaysia áp dụng quy định mới nhập khẩu RCP từ 01/9

SIRIM đã cấp phép cho một số tổ chức chứng nhận quốc tế thực hiện việc kiểm tra RCP trước khi giao hàng tại các quốc gia có xuất xứ RCP, trong đó có cả Công ty Chứng nhận và Kiểm tra Trung Quốc (CCIC).

Trước khi Trung Quốc thực hiện hoàn toàn cấm nhập khẩu RCP vào đầu năm 2020, nước này đã thắt chặt các quy định nhập khẩu và CCIC được phép kiểm tra RCP xuất khẩu trên toàn thế giới trước khi chúng được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bản dự thảo hướng dẫn các quy định nhập khẩu mới đã được cơ quan quản lý Malaysia công bố từ tháng 2/2021, trên cơ các ý kiến của các chuyên gia và phản hồi từ các nhà sản xuất trong ngành giấy của nước này.

Viện Công nghiệp Tái chế Phế liệu (ISRI) của Mỹ đã phản hồi về quy định mới này của Malaysia, lo ngại về lệnh cấm nhập khẩu giấy loại hỗn hợp và thắc mắc về về sự cần thiết của hai đợt kiểm tra trước và sau đối với RCP sẽ gây tốn kém chi phí và thời gian của các doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, khối lượng giấy loại hỗn hợp nhập khẩu tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan tăng cao do giá các loại giấy màu nâu ngày càng đắt đỏ trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy giảm.

Trong khi đó, chất lượng giấy hỗn hợp xuất khẩu từ châu Âu và Mỹ sang khu vực này đã được cải thiện, với mức tạp chất cho phép không quá 5%. Sau lệnh cấm nhập khẩu RCP từ năm 2020 tại Trung Quốc, nhiều công ty lớn của Trung Quốc, như Nine Dragons Paper (Holdings) và Lee & Man Paper Manufacturing đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất giấy bao bì từ RCP và bột giấy tái chế tại Malaysia, nhằm xuất khẩu trở lại Trung Quốc. Và hầu hết nguồn cung nguyên liệu cho các dự án đầu tư mới này đều là RCP nhập khẩu./.

    >>> Hiệp hội kiến nghị về các quy chuẩn kỹ thuật môi trường Ngành Giấy

Theo Fastmarkets RISI

Bao bì phân hủy sinh học – Sự lựa chọn cho thế kỷ XXI

Hãy hình dung, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, sản lượng giấy của thế giới ước đạt 420 triệu tấn/năm, trong đó 2/3 là giấy làm bao bì. Sau một thời gian diễn ra dịch bệnh, sản lượng giấy đã giảm cùng với các loại hàng tiêu dùng khác, nhưng thật khó hình dung trong mọi tình huống mà thiếu bao bì giấy, bởi đó là dạng bao bì đáp ứng được nhu cầu bức thiết của mọi lĩnh vực, phù hợp cho mọi sản phẩm và có giá hợp lý mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể cần và mua được, đồng thời tiện lợi xử lý sau khi sử dụng. Công nghệ sản xuất giấy bao bì và bao bì giấy đã đạt đến sự hoàn thiện. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của công nghiệp hiện đại là nâng cao chất lượng bao bì giấy để đáp ứng nhu cầu về công dụng và thẩm mỹ của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực sản xuất hàng hóa yêu cầu bao bì chất lượng cao.

Từ hơn 10 năm trước cho đến nay, bao bì từ PE/PP gần như đã trở thành loại bao bì thông dụng mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, sử dụng túi ni-lông đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người tiêu dùng. Vẫn biết rằng đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu, nhưng mọi nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi ni-lông chỉ mới được bắt đầu triển khai bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động, hạn chế. Giảm thiểu cũng đã đạt được ở mức độ nào đó, nhưng chưa thực sự tạo ra những đột phá.

Chưa hết, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng bao bì, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần, lại tạo ra một làn sóng mới, đảo lộn mọi thói quen và tập quán, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Người người, đâu đâu cũng có vẻ sẵn sàng và có phần ưu tiên sử dụng các loại bao bì này trong mọi nhu cầu sinh hoạt của mình, nhất là giới trẻ. Rõ ràng, mức sống ngày càng tăng, thế giới rộng mở và tư tưởng được giải phóng, họ luôn hướng tới những xu hướng thời đại, bắt nhịp và theo kịp mọi thị hiếu, họ cũng tự sáng tạo cho chính mình chứ không chỉ sao chép hay chạy theo những gì thế giới đang có. Vậy nên, đừng có quá mất nhiều nỗ lực để cản lại cái gọi là “thị hiếu” và “xu hướng tiêu dùng”.

Thực tế cho thấy, để người tiêu dùng từ bỏ thói quen và lạm dụng sử dụng bao bì nhựa truyền thống, ngoài việc tuyên truyền, hạn chế, cần có những chuyển biến mạnh mẽ trong định hướng tiêu dùng, phát triển và tăng cường sản xuất các sản phẩm thay thế.

     >>> ĐỌC TIẾP BÀI VIẾT

     >>> Hiêp hội kiến nghị về các quy chuẩn kỹ thuật môi trường Ngành Giấy

Theo KHCN Công Thương

Hiệp hội kiến nghị về các quy chuẩn kỹ thuật môi trường Ngành Giấy

Dự thảo Nghị định lần này thực sự là một Đại Nghị định, dài 200 trang có tới 194 điều và có tới 88 phụ lục với độ dài 297 trang, sẽ thay thế cho Nghị định 40/2019/ND-CP vốn là nghị định tổng hợp, chỉnh sửa và bổ sung của một số Nghị định và thông tư về bảo vệ môi trường trước đó, Dự thảo nghị định lần này, liên quan mật thiết và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề môi trường. Đối với Ngành giấy, vấn đề nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, quan trắc nước thải, danh mục mã HS phế liệu nhập khẩu là những vấn đề luôn nóng và luôn là chủ đề “đấu tranh” của Hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm mục đích tạo điều kiện và bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp hội viên.

Trước đó, Hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước về nhiều vấn đề như: Kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục gia hạn đến hết 31/12/2022 về việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu giấy phế liệu theo như Nghị quyết số 129/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch covid-19…; Góp ý và kiến nghị về Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (QCVN 33:2021); về hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” trong bối cảnh dịch covid-19.

Nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của các thông tư, nghị định và luật, Hiệp hội Giấy đã kiến nghị Dự thảo nghị định chỉ quy định các điều khoản về môi trường, còn các điều khoản liên quan tới các luật khác, không thuộc lĩnh vực môi trường cần được dẫn chiếu bởi quy định, luật khác.

Hiệp hội kiến nghị bỏ Khoản 4, Điều 53 của Dự thảo nghị định, trong đó quy định “Từ ngày 01/01/2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế, số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.”. Điều này không ảnh hưởng đến vấn đề môi trường mà ảnh hưởng bởi vấn đề cung cầu nguyên liệu cho sản xuất và nên chăng điều chỉnh bởi chính sách khuyến khích thu gom và tái chế.

Nội dung về Trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của Điều 55 của Dự thảo nghị định, cũng được Hiệp hội đề xuất bỏ. Bởi vì, Trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, quản lý rủi ro sẽ được điều chỉnh và dẫn chiếu bởi Luật Hải quan và Luật Thương mại.

Đồng thời, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tiếp tục kiến nghị về những vướng mắc, bất cập trong việc quy định và cấp chi tiết các mã HS trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận).

Hiện nay, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định 28/2020/QĐ-TTg), trong đó đối với ngành giấy có 03 mã HS được phép nhập khẩu (4707.10.00, 4707.20.00, 4707.30.00), cả 03 mã HS này đều là giấy đã được phân loại. Việc xử lý 03 loại giấy phế liệu có mã HS trên đều không có sự ảnh hưởng khác biệt về các chỉ tiêu bảo vệ môi trường.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân theo Quy luật giá trị, còn phải chịu sự điều tiết và chi phối bởi quan hệ cung – cầu theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm, phải sử dụng nhiều loại phế liệu khác nhau, tương ứng với nhiều mã HS. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải sản xuất loại sản phẩm nào khách hàng và thị trường cần, khi đó mới có nhu cầu mua và sử dụng loại nguyên liệu tương ứng để sản xuất loại sản phẩm đó; Ngoài ra, việc mua bán còn phụ thuộc vào nguồn cung cả về chủng loại, số lượng và giá cả để có quyết định có tính khả thi và đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ luật pháp. Đặc biệt là khi nguồn cung thiếu hụt do khan hiếm, phải cạnh tranh gay gắt và vấn đề vận chuyển trong giai đoạn hiện nay cho tới nhiều năm về sau. Bởi vậy, Giấy xác nhận chỉ nên cấp tổng khối lượng phế liệu và tên gọi các loại mã HS được nhập, không nên cấp khối lượng chi tiết cho từng mã HS.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến nguy hiểm và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành, cũng như đến đời sống, sinh hoạt của người lao động. Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, tin chắc lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành vững vàng, tổ chức tốt việc phòng dịch và bảo đảm sản xuất, vượt qua đại dịch, hướng tới giai đoạn phát triển mới./.

VPPA

     >>> Công văn kiến nghị sửa đổi Dự thảo ND – Luật BVMT 2020

     >>> Công văn góp ý QCVN 33-2021 — VPPA-

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về mô hình sản xuất “3 tại chỗ”

Ngày 12/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống Covid-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (sau đây gọi là đơn vị) chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố:

Căn cứ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và đặc biệt dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Chống dịch “3 tại chỗ” thực hiện tại nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp nhưng chưa hiệu quả trong thời gian qua

Chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp, UBND cấp huyện và/hoặc các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch và phương án phòng, chống dịch của các đơn vị trên địa bàn đảm bảo vừa an toàn phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị tránh chồng chéo (không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh) để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo không gây ùn tắc và tạo điều kiện cho đơn vị vận chuyển hàng hóa;

Chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn cụ thể: xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc Covid-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc Covid-19.

Trước đó, một số tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất như hình thức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương việc áp dụng mô hình phòng, chống dịch tương tự chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Theo Báo Giao thông