Lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp

* Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi):

– Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.

– Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu sau:

+ 4.000.000 đồng/năm đối với cơ sở lưu lượng nước thải bình quân từ 10 đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);

+ 3.000.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 05 đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ).

+ 2.500.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 05 m3/ngày (24 giờ).

**Đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên: phí tính theo công thức sau: F = f + C.

    >>> Bảo vệ môi trường, yếu tố sống còn của ngành giấy

Trong đó:

– F là số phí phải nộp.

– f là mức phí cố định: 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 01/01/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 01 quý = f/4.

– C là phí biến đổi, tính theo: tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất theo Biểu tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 53/2020.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định 7 trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm:

1-  Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện.

2- Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra.

3- Nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch; hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng.

4- Nước làm mát (theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường) không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng.

5- Nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn.

6- Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân.

7- Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị (theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải) đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Theo Công Thương

Đến năm 2030, 100% siêu thị dùng bao bì thân thiện môi trường

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

   >>> Vì một tương lai không rác thải

Theo đó, để thực hiện chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 như:

– 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy;

– 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

– 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững;

– 90% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các văn bản chínhsách, pháp luật tại địa phương;

– Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

– Giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát;…

Quyết định 889/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 24/6/2020.

Theo Công Thương

Vì một tương lai không rác thải

Với mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp, hạn chế rác thải, Nestlé Việt Nam và La Vie đã chung tay với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì sáng lập nên Liên minh Tái chế Bao bì (PRO Việt Nam) vào tháng 6/2019, nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách giúp cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn.

Phát biểu nhân sự kiện Tổng kết một năm thành lập PRO Việt Nam, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công Ty Nestlé Việt Nam cho biết: “Nestlé Việt Nam luôn gắn các hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Thông qua sự hợp tác cởi mở với cộng đồng các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, cơ quan chính phủ, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen và ứng xử với rác thải nhựa, Nestlé mong muốn góp phần vì một Việt Nam Xanh – Sạch – Đẹp hơn”.

vi mot tuong lai khong rac thai
Công ty La Vie thực hiện hàng loạt nỗ lực để biến rác thải nhựa thành tài nguyên, bên cạnh việc tăng cường dùng bao bì có thể tái sử dụng nhiểu lần

Nestlé Việt Nam và La Vie, các thành viên của Tập đoàn Nestlé, đang thực hiện chuỗi các hành động cụ thể để hiện thực hóa cam kết cho đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng được, với tầm nhìn vì một tương lai không rác thải, tập trung vào 3 lĩnh vực: Phát triển bao bì bền vững, Định hình một tương lai không rác thải, Nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng mới.

Cụ thể, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bao bì bền vững, từ đầu năm 2020, các sản phẩm sữa uống liền của Nestlé Việt Nam, bao gồm sữa lúa mạch Nestlé MILO Bữa sáng và sữa Nestlé Nesvita 5 loại đậu đã tiên phong sử dụng ống hút giấy bảo vệ môi trường, giảm thiểu hàng triệu ống hút nhựa đưa ra môi trường.

Đối với Công ty La Vie, hàng loạt các cải tiến về bao bì đã được thực hiện nhằm từng bước đạt được mục tiêu có thể tái chế 100% hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Các cải tiến gồm: ngưng sử dụng màn co nắp chai để giảm rác thải, chuyển màu chai sang trắng trong để đơn giản hóa quá trình tái chế, dùng công nghệ in lazer để không ảnh hưởng đến chất lượng nhựa sau tái chế, lần đầu ra mắt chai thủy tinh với quy trình thu gom và tái chế, đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm dùng bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần.

Với mục tiêu định hình một tương lai không rác thải, ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn qua các nỗ lực cùng với các thành viên khác của PRO Việt Nam, hàng năm, Công ty Nestlé Việt Nam và Công ty La Vie tổ chức các hoạt động tình nguyện làm sạch các bãi biển, các kênh rạch, khu chợ… Các chương trình này thu hút sự tham gia của hàng trăm nhân viên công ty và các tình nguyện viên tại địa phương.

   >>> Bảo vệ môi trường, yếu tố sống còn của ngành giấy

Trong các nhà máy, Nestlé Việt Nam và La Vie đã thực hiện thành công không phát thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, đồng thời tạo ra giá trị từ rác thải. Trong đó, toàn bộ chất thải rắn được xử lý theo công nghệ đốt thu hồi nhiệt hiện đại. Nhiệt lượng tỏa ra được thu hồi và tái sử dụng cho các mục đích khác nhau; tro được hóa rắn làm xi măng hay làm gạch không nung sử dụng cho các công trình dân dụng và thương mại.

Nhằm nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng mới vì một tương lai không rác thải, Nestlé Việt Nam cùng đối tác Sài Gòn Co.op vừa khởi động chuỗi hoạt động trong tháng tiêu dùng xanh 2020 mang tên “Hành trình xanh tái sinh vỏ hộp sữa” tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước nhằm tiến hành thu vỏ hộp và tặng sữa, tặng quà để tuyên truyền kiến thức phân loại rác ngay tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Vỏ hộp thu gom sẽ được chuyển cho đơn vị kỹ thuật xử lý. Điểm thu gom thử nghiệm đầu tiên đã được đưa vào hoạt động tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP. Hồ Chí Minh.

vi mot tuong lai khong rac thai
“Hành trình xanh tái sinh vỏ hộp sữa” tại hệ thống các siêu thị Sài Gòn Co.op

Công ty Nestlé Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc xây dựng 30 sân chơi Năng Động Việt Nam trên toàn quốc bằng vật liệu được tái chế từ vỏ hộp sữa sau khi sử dụng trong hai năm 2020-2021. Các sân chơi được lắp đặt thêm bộ trụ bóng rổ và khung thành bóng đá và những vật dụng được tái chế với tổng chi phí tài trợ 3 tỷ đồng. Việc xây dựng sân chơi giúp thanh thiếu nhi có thêm điều kiện để vận động, tăng cường sức khỏe thể chất và chiều cao nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Trước những thách thức toàn cầu từ đại dịch Covid-19, Tập đoàn Nestlé cùng các thành viên tại nhiều thị trường đang chung tay hỗ trợ các đối tác nhanh chóng phục hồi kinh tế, đồng thời đảm bảo tiếp tục các nỗ lực để đạt được mục tiêu góp phần tạo nên một tương lai không rác thải. Trong đó, các giải pháp để giải quyết các thử thách liên quan đến giảm thiểu rác thải hay hợp tác nghiên cứu bao bì thân thiện môi trường đều được xem xét và sẵn sàng thực hiện nhằm tạo ra tác động ngay lập tức.

Theo Công Thương

 

 

Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon – từ kinh nghiệm của Thụy Điển

Ngày 12/11, Tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển”. Đại diện ngành giấy đã có bài báo cáo, kiện nghị nhằm nâng cao tỉ lệ thu hồi giấy để bảo vệ môi trường, tăng nguồn nguyên liệu.

Tham dự hội thảo có bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn.

Bà Ann Måwe Đại sứ Thuỵ Điển Phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ann Måwe Đại sứ Thuỵ Điển nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta coi mọi thứ đều là nguồn tài nguyên – rác cũng là tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu và cho biết, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam đang hướng tới vì mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Về các mô hình, kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam cũng đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế giấy,… Gần đây, đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn.

Ngành giấy chờ Luật để tăng tỉ lệ thu hồi

Tại báo cáo của ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nêu rõ thực trạng ngành giấy trong nền kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, quá trình sản xuất giấy có thể được thu gom và tái chế 100%, kể cả rác thải của ngành giấy cũng có thể thu gom và làm nguyên liệu đốt cho các lò hơi. Vì vậy ngành giấy là một ngành kinh tế thế có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn. Và trong đó, việc thu gom tái chế được chú trọng rất cao vì lợi ích của việc sử dụng nguyên liệu tái chế.

Tại Việt Nam, con số thống kê từ 2016 đến 2019 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng giấy hàng năm lên tới 30,3%/năm, chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu bao bì xuất khẩu cũng như là xuất khẩu sản phẩm. Tỷ lệ thu gom trong nước cũng đã tăng gần 19%/năm nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. 42,8% vẫn phải nhập khẩu. Điều đó cho thấy, việc nhập khẩu giấy thu gom vẫn là một vấn đề rất quan trọng tại Việt Nam hiện nay trong giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu của ngành giấy.

Dù nhu cầu đang cao, nhưng thực trạng ngành giấy thu gom ở trong nước, tỷ lệ thu hồi chưa đến 40%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 56%, riêng Nhật Bản đã đạt đến mức 82%/ năm.

“Người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn. Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ để khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy. Mặt khác cũng chưa có tiêu chuẩn quốc gia ra về phân loại giấy thu hồi. Việc thu gom chưa được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống nên hiệu quả rất thấp và chi phí còn cao và chất lượng chưa được đồng nhất”, ông Hoàng Trung Sơn phân tích.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cũng nhấn mạnh, Hiệp hội đang tiến hành xây dựng chương trình Quốc gia về thu gom giấy loại, và đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ thu gom giấy các loại trên 50% vào năm 2025. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Luật Tái chế và Tiết kiệm tài nguyên như các nước tiên tiến và Nhật đã làm.

“Nhật Bản khi chưa có luật tỉ lệ thu gom giấy chỉ khoảng 50% nhưng sau khi ban hành Luật Tái chế và Tiết kiệm tài nguyên khoảng 2-3 năm tỷ lệ tỉ lệ tăng lên đến 82%”, ông Hoàng Trung Sơn lấy dẫn chứng.

Các kiến nghị phát triển kinh tế tuần hoàn ngành giấy

Theo đó, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành giấy cần thông qua truyền thông và giáo dục để nâng cao giá trị nhận thức, khuyến khích việc thu gom và xử lý sơ bộ trước khi thu gom để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.

Đề xuất tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống thu gom, trước mắt là tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận để đảm bảo hiệu quả bước đầu.

Chúng ta cần phải nâng cao chất lượng tái chế, tạo ra các sản phẩm hữu ích và có giá trị sử dụng ngày càng cao.

Đối với Chính phủ, cần có chính sách không thu thuế với các hoạt động thu gom, phân loại, đóng kiện, phân phối và sử dụng giấy đã qua sử dụng (gồm cả VHĐUG) làm nguyên liệu sản xuất giấy.

Các cơ quan nhà nước nên cấp nhãn xanh và có các chính sách ưu đãi cho các sản phẩm được sản xuất từ 100% nguyên liệu tái chế.

Và cuối cùng, Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Luật Tái chế và Tiết kiệm tài nguyên như các nước tiên tiến và Nhật đã làm.

Hội thảo cũng kết thúc với phiên thảo luận nhấn mạnh việc hình thành quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư, là điều kiện then chốt để mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon có thể phát triển sâu rộng tại Việt Nam.

Vỏ hộp giấy đã qua sử dụng có giá trị cao có thể tận dụng và tạo ra các vật dụng có giá trị. Đây cũng là nguồn nguyên liệu cho giá trị cho ngành tái chế giấy do chất lượng sơ sợi cao. Công ty Giấy Đồng Tiến là đơn vị thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng – đối tác hơn 10 năm của Tetra Pak.

VPPA

Bảo vệ môi trường: Bài học “nghìn vàng” từ Nhật Bản

Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia “sạch” nhất trên thế giới, với những giải pháp bảo vệ môi trường được thực hiện quyết liệt. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam và nhiều nước châu Á hiện nay. 

Trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường, như: Ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất,… Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường phải sớm tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhật Bản đã thực hiện quyết liệt những giải pháp từ các chương trình bảo vệ môi trường khác nhau, cũng phải trả giá từ nhiều nguồn lực để có được những thành tựu phát triển bền vững ngày hôm nay.

Thiết lập khung pháp lý và chính sách quản lý chặt chẽ

Tốc độ phát triển quá nhanh của các ngành nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những gánh nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển của Nhật Bản. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và nước ngày càng gia tăng.
Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; Giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; Giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất.

Chính từ tư duy là kiểm soát, sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất ngay từ đầu vào, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Từ năm 1993, hệ thống Luật Môi trường cơ bản đã được ban hành, đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, Hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; Các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…

Trong Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí (Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí) tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí; Các tiêu chuẩn và quy định phát thải; Tổng lượng ô nhiễm ở các thành phố, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng, về đường biên và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí. Đồng thời, Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động, quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường.

Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Nước thải công nghiệp được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải chứa trong nước thải. Các nguồn phát sinh ô nhiễm được phân loại tùy theo việc có xác định được địa điểm phát sinh hay không.

Sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và các tổ chức xã hội

Bên cạnh một hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Tại Nhật, có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.


Trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ việc dính líu đến pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của doanh nghiệp đối với vấn đề ô nhiễm và quản lý đô thị.

Kết quả là, tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể. Họ cũng nhận ra rằng quản lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm xã hội và thực hiện có hiệu quả có thể nâng cao kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp đã phát triển các công nghệ và bí quyết về chống ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường

Người Nhật khi đi làm việc thường mang theo một ba lô hoặc túi xách bằng giấy, có cả ngăn chứa rác. Họ còn tỉ mẩn phân loại giấy bỏ, chai nhựa, vỏ lon nước ngọt đã bị đập bẹp vào từng thùng rác khác nhau. Sở dĩ như vậy là nhiều người đi làm cũng kiêm luôn nhiệm vụ mang rác của gia đình đến nơi thu gom theo đúng lịch.

Người Nhật không có thái độ e ngại khi sử dụng lại đồ cũ, hàng tái chế. Họ còn có những cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng có thể tái sử dụng. Sau khi trải qua quá trình tẩy rửa, chỉnh sửa, các vật dụng được phục hồi gần như mới và bày bán cho mọi người có nhu cầu. Vật dụng gia đình dạng này rẻ hơn, hấp dẫn số đông khách hàng. Thậm chí, những khi hàng có ít, người mua nhiều, họ còn phải tổ chức bắt thăm lựa chọn khách may mắn được sở hữu món đồ tái chế.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người Nhật thể hiện rất rõ việc họ ứng xử ngoài đường phố. Ví dụ, bất cứ công dân Nhật nào đi ra đường cùng chó nuôi đều phải mang theo túi đựng và túi đặc biệt để hốt phân khi chẳng may chúng “bậy” trên đường. Người chủ lúc này phải tự biết giải quyết vệ sinh một cách gọn gàng.


Bạn có thể thoải mái đạp xe trên phố ở Nhật Bản và tận hưởng không khí trong lành ở đường phố Nhật Bản, sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng đến việc quên mang theo chiếc khẩu trang để che khói bụi. Đường phố luôn thơm mùi bánh nướng và mật ong. Đi xe buýt hay taxi, bạn cũng sẽ nhìn thấy tài xế đeo găng tay trắng tinh, phong cách rất lịch sự.

Có rất nhiều người Nhật chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính trên đường phố, điều này cũng giúp cho không khí ở đây trong lành hơn. Nhật Bản là quốc gia ưa sạch sẽ, đó cũng chính là lí do vì sao dù bạn có đi dọc hết các vỉa hè thì cũng rất hiếm khi nhìn thấy mẩu rác dù rất nhỏ.

Nói đến rác thì ai cũng sợ vì mùi hôi thối khó chịu nhưng tại Nhật, nhà máy xử lý rác thải được quy hoạch và xây dựng đẹp, y như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tấp nập khách tham quan. Thậm chí, nhiều nơi còn thiết kế cả hồ bơi nước nóng để tiết kiệm nhiệt năng sản sinh ra khi thiêu hủy rác.

Vì sao người Nhật lại có ý thức bảo vệ môi trường như vậy? Việc làm này có được do ý thức giáo dục từ nhỏ. Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mọi học sinh đều phải tham gia các trò chơi tập thể và chơi thể thao trong phòng tập, nhà thể chất và mọi công việc mà ai cũng cho là việc dĩ nhiên phải làm đó là thu dọn đồ và lau sàn. Các trường học không hề có nhân viên dọn dẹp, mà học sinh Nhật thường tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày.

Ý thức quyết định hành động, Nhật Bản chọn cách giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho công dân ngay từ bậc học nhỏ tuổi nhất, nên trong từng hành động của người Nhật luôn luôn thể hiện được tình yêu trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường sống.

Theo Kinh tế môi trường