EVFTA vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn: ‘Cứu cánh’ cho xuất khẩu, GDP?

Hiệp định EVFTA vừa được EU phê chuẩn, nhiều khả năng sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7. Liệu đó có là cú hích để “cứu cánh” cho xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế đang bị ảnh hưởng của dịch vius Corona?
Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA)và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa châu Âu (EU) với Việt Nam lúc 18:30 giờ Việt Nam, trong bối cảnh mà xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng lớn do virus Corona. Liệu đây có là “cú hích” để cứu cánh cho xuất khẩu lẫn tăng trưởng GDP năm 2020; và Việt Nam cần làm gì để tận dụng sớm nhất cơ hội mà hiệp định mang lại?
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) Trần Quốc Khánh cũng đã chia sẻ về vấn đề này.
Cần có tinh thần “cầm đèn chạy trước ô tô”
Là người tham gia đàm phán 2 hiệp định từ những ngày đầu, cảm xúc của ông lúc này khi nghe tin EU vừa phê chuẩn các hiệp định?
Ông Trần Quốc Khánh: Toàn bộ anh em đoàn đàm phán đã theo dõi sát sao tiến trình thông qua 2 Hiệp định ở EP. Ngày 21.1, sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế của EP – cơ quan giữ trọng trách thẩm tra giống như Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ta – đồng ý khuyến nghị EP phê chuẩn 2 hiệp định, anh em đã rất mừng.
Tuy nhiên, lo lắng vẫn còn đó khi cuối tuần rồi, Đảng Xanh họ còn cố gắng đề nghị EP xem xét việc hoãn bỏ phiếu thông qua 2 Hiệp định. Nhưng chiều 10.2, đề xuất có tính “thọc gậy bánh xe” này đã bị trên 60% nghị sĩ bác bỏ. Và tỷ lệ phiếu không ủng hộ họ lên tới 60% cũng là tín hiệu khiến chúng ta lạc quan về một kết quả tốt đẹp khi bỏ phiếu phê chuẩn. Và giờ đây, tất cả mọi người đều rất vui với kết quả lúc này.
Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), ông Trần Quốc Khánh.
EP đã phê chuẩn hiệp định, vậy bước tiếp theo Bộ Công Thương, Chính phủ sẽ phải làm gì để hiệp định sớm có hiệu lực, mang lại lợi ích trên thực tế?
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Theo lộ trình dự kiến thì Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét việc trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 này. Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay từ 1.7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Có một vấn đề rất đáng quan tâm là nếu hiệp định có hiệu lực vào ngày 1.7 thì ta đã có sẵn các văn bản hướng dẫn hay chưa? Cái khó cho các cơ quan là quy trình soạn thảo văn bản hướng dẫn chỉ có thể khởi động khi hiệp định đã được Quốc hội phê chuẩn. Từ đây, có thể nảy sinh tình huống hiệp định đã có hiệu lực nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn thực thi bởi thời gian từ lúc được phê chuẩn tới lúc có hiệu lực quá ngắn trong khi theo luật, quy trình xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật lại không thể ngắn như vậy.
Trong tình huống đó, việc tốt nhất mà Bộ Công Thương và Chính phủ có thể làm là dự thảo sẵn các văn bản hướng dẫn để ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thì công bố để lấy ý kiến người dân. Như vậy sẽ rút ngắn được khoảng thời gian trống, giúp các doanh nghiệp 2 bên có thể nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích của hiệp định. Cần nhất và cấp bách nhất là những văn bản hướng dẫn về thuế nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm của các cơ quan Chính phủ và phát triển bền vững. Hiện chúng tôi đang triển khai theo hướng này. Cũng có phần “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng rất hy vọng là Quốc hội sẽ thông qua hiệp định một cách thuận lợi.
EVFTA được ký kết: ngành nông sản được hưởng lợi nhiều nhất.
Cú hích cho xuất khẩu nông sản hồi phục
Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu cho năm 2020 sẽ khó đạt do bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Corona. Trong bối cảnh đó có ý kiến cho rằng nếu hiệp định có hiệu lực 1.7 và ta kịp thời hướng dẫn thì đó là “cứu cánh” cho tăng trưởng kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng?
Về nguyên tắc là như vậy. Nhưng tình hình có thể sẽ khác nếu dịch còn kéo dài, bởi một số ngành xuất khẩu dự kiến được hưởng lợi lớn từ EVFTA như dệt may, da giày .. có thể sẽ gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Ngành giày đã tự chủ được tới 60% nguyên liệu nhưng trong thời đại toàn cầu hóa này, không thể tự chủ 100% được, một số phụ liệu vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.
Nếu chuỗi cung cứng bị gián đoạn bởi dịch thì khả năng nắm bắt cơ hội sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, có cơ sở để hy vọng là dịch sẽ sớm được dập tắt và hoạt động thương mại sẽ trở lại bình thường. Nếu được như vậy, EVFTA chắc chắn sẽ giúp chúng ta bù đắp được một phần mất mát tăng trưởng của những tháng đầu năm.
Trong mọi trường hợp, những ngành ít phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, thí dụ như nông sản, sẽ được hưởng lợi ngay từ khi hiệp định có hiệu lực và chúng tôi đặt ra những kỳ vọng lớn cho những ngành này.
Ông có thể nói rõ hơn về những ngành sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực?
Đó là những ngành được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có mức độ giảm thuế trên 3% tính theo số tuyệt đối bởi 3% trên doanh số là tỷ lệ khá lớn trên thị trường đã khá ổn định về lợi nhuận gộp như thị trường EU. Nông sản, thuỷ sản và nhiều sản phẩm gỗ là những mặt hàng có cơ hội rất lớn.
Ngoài xuất khẩu, hiệp định sẽ có tác động thế nào đến các lĩnh vực như sản xuất, đầu tư và nhìn chung thì ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế của ta trong năm nay và những năm tiếp theo?
Hiệp định EVFTA giúp ta có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho đầu tư, cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới.
Xuất khẩu tăng là hiệu ứng đầu tiên, dễ nhận biết nhất nhưng cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, cả từ trong nước và từ nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất mới là hiệu ứng được trông đợi nhất bởi nó sẽ giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.
Nhiệm vụ của ta là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng, về nhân lực, về cơ chế .. để đón dòng đầu tư này. Nếu không làm được những việc đó thì kỳ vọng sẽ mãi chỉ là kỳ vọng mà thôi.
Xin cám ơn ông!
Theo Thanh Niên

Tồn kho bột gỗ tại các cảng Châu Âu giảm trong tháng 11

So với số liệu thống kê trong tháng 10 năm 2019, khối lượng dự trữ bột gỗ trong tháng 11 tại các cảng châu Âu đã giảm 1,5%. 

Theo thống kê của Europulp, vào tháng 10, khối lượng bột gỗ tồn kho còn 1.869.003 tấn nhưng đến tháng 11 khối lượng tồn đã giảm chỉ còn 1.841.509 tấn.

 Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước là 1.533.625 tấn thì tổng trữ lượng năm nay lại cao hơn 16,7%./.

Theo RISI – VPPA dịch

Domtar tăng 40 USD/tấn giấy NBSK, SBSK và bột bông tơ tại thị trường Bắc Mỹ.

Cuối tháng 12/2019, Domtar tuyên bố tăng giá niêm yết 40 USD/tấn cho sản phẩm bao gồm bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng phía bắc (NBSK), bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng phía nam (SBSK) và bột giấy bông tơ (fluff ở Bắc Mỹ). 

Domtar đã công bố bảng giá niêm yết mới tại thị trường Bắc Mỹ. Trong đó, giá của NBSK là 1.155 USD/tấn, SBSK là 1.045 đô la/tấn đối với và bột giấy fluff lên tới 1.145 đô la/tấn. 

Với thị trường Châu Âu, Domtar sẽ tăng giá bột giấy fluff lên 1.145 USD/tấn, áp dụng từ tháng 01/2020.

Domtar Corporation là nhà sản xuất các sản phẩm bột giấy và giấy in viết bằng bột hoá không tráng lớn nhất ở Bắc Mỹ và lớn thứ hai thế giới dựa trên năng lực sản xuất.

Công ty thiết kế, sản xuất, tiếp thị và phân phối nhiều loại hình kinh doanh bao gồm in thương mại, xuất bản cũng như sản xuất  các loại giấy đặc biệt và giấy dùng trong kỹ thuật với các thương hiệu như Cougar, Lynx Opaque Ultra, Husky Opaque Offset, First Choice, Sandpiper (100% làm từ giấy tái chế chưa tẩy trắng), và Domtar EarthChoice Office Paper.

Domtar sở hữu và vận hành một mạng lưới các cơ sở phân phối giấy, Tập đoàn Domtar Distribution với nhân sự gần 10.000 người và trụ sở chính được đặt tại Montreal và Fort Mill, Nam Carolina./.

Theo RISI – VPPA dịch

Xuất khẩu CWF, UWF của châu Âu tiếp tục giảm trong tháng 10

Theo dữ liệu từ EURO-GRAPH, Hiệp hội các nhà sản xuất giấy Châu Âu, trong tháng 10/2019, xuất khẩu giấy có tráng từ bột hoá (CWF) và giấy không tráng từ bột hoá (UWF) lại giảm thêm một lần nữa.

Về giấy CWF, theo EURO-GRAPH, sản lượng xuất khẩu của châu Âu đạt 458.000 tấn, giảm 7,6% so với năm trước. Cụ thể, xuất khẩu trong nội bộ Châu Âu giảm 8,0%, còn 370.000 tấn và sản khối lượng xuất khẩu ra các quốc gia ngoài châu Âu giảm 5,8%, còn 88.000 tấn.

Còn về giấy UWF, theo EURO-GRAPH, so với năm trước thì trong tháng 10, khối lượng xuất khẩu của Châu Âu đã giảm 1,4%, còn 544.000 tấn. Khối lượng xuất khẩu trong châu Âu đạt 462.000 tấn, giảm 0,9% so với tháng 10 năm 2018 và xuất khẩu ngoài châu Âu giảm 4,2% so với năm ngoái xuống, còn 83.000 tấn.

Theo RISI – VPPA dịch