Ưu điểm vượt trội
Sản xuất giấy nói chung, giấy bao bì công nghiệp nói riêng, để tạo cho tờ giấy có tính chống thấm nước, không bị nhòe khi gặp mực in gốc nước trong quá trình in, các nhà sản xuất đã sử dụng một số hóa chất có tính màng chống thấm nước trong quá trình gia keo. Có hai phương pháp gia keo phổ biến hiện nay là gia keo nội bộ và gia keo bề mặt.
Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và thiết bị, phương pháp gia keo bề mặt được ứng dụng nhiều hơn cả, bởi những ưu điểm vượt trội so với gia keo nội bộ. Theo đó, các sản phẩm keo chống thấm thế hệ mới (keo chống thấm bề mặt) đã được nghiên cứu, sử dụng kết hợp với dung dịch tinh bột trong quá trình gia keo bề mặt cho giấy.
Sản phẩm keo chống thấm bề mặt cũng được coi là sản phẩm hiệu quả và thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất. Song những loại chất chống thấm bề mặt sử dụng ở các nhà máy sản xuất giấy trong nước hầu hết là nhập khẩu, chưa có cơ sở nào tự nghiên cứu và sản xuất được.
Với mục tiêu tạo những dòng sản phẩm keo chống thấm có ưu điểm và tính ứng dụng vượt trội, được sản xuất, thương mại hóa bởi thị trường trong nước, năm 2017, Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm phối hợp với Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô đã đề xuất, được Bộ Công Thương giao thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp”. Dự án này thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tại buổi nghiệm thu dự án, TS. Đặng Văn Sơn – Chủ nhiệm dự án – cho biết, sản phẩm copolyme styren acrylat là tác nhân chống thấm có ưu điểm vượt trội như tính chất tạo màng tốt hơn, giá thành thấp hơn, khả năng chống thấm cao hơn. Ngoài ra, còn góp phần cải thiện, ổn định chất lượng giấy như hạn chế sự hồi ẩm của giấy, ổn định độ bền của giấy trong điều kiện khí hậu Việt Nam.
>>> Doanh nghiệp Ngành Giấy với việc thực hiện ND 40/2019/ND-CP và Thông tư 25/TT-BTNMT
Làm chủ quy trình công nghệ
Theo TS. Đặng Văn Sơn, đến nay dự án đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat trong thí nghiệm và trên dây chuyền sản xuất công suất thiết kế 3 tấn/mẻ với sản lượng 450 tấn/năm. Bên cạnh đó, đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình ứng dụng nhũ tương copolyme styren acrylat làm chất chống thấm bề mặt trong quá trình sản xuất giấy bao bì công nghiệp; đã thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị dây chuyền sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat công suất 450 tấn/năm.
Đặc biệt, đã tiến hành sản xuất thử nghiệm thành 13 đợt với tổng khối lượng sản phẩm nhũ tương copolyme styren acrylat là 169,839 tấn; đồng thời, tiến hành 2 đợt sản xuất thử nghiệm với tổng khối lượng sản phẩm giấy bao bì công nghiệp 248,709 tấn. Cùng với đó, từng bước tiếp cận thị trường và đã tiêu thụ được 140,429 tấn sản phẩm nhũ tương copolyme styren acrylat, tổng doanh thu sản phẩm bao gồm cả tồn kho dự kiến đạt được khoảng 3,023 tỷ đồng.
Hiện nay, mức tiêu thụ giấy của Việt Nam đã và đang tăng nhanh hơn so với năng lực sản xuất trong nước. Đến năm 2020, nhu cầu thị trường trong nước cho giấy bao bì được dự tính ở mức 3,6 – 4 triệu tấn/năm. Do đó, với sự phát triển của ngành giấy bao bì công nghiệp, thị trường phụ gia, hóa chất ngành giấy cũng có cơ hội đồng hành phát triển.