Các quan chức Trung Quốc cho biết, nền kinh tế trong quý 2 năm nay chỉ tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tăng trưởng kinh tế như vậy có thể là mơ ước của hầu hết thế giới, nhưng nó lại thể hiện tốc độ chậm nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1992.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu vào tháng 3 cho tăng trưởng kinh tế là từ 6 đến 6,5% trong năm nay. Các số liệu vừa đưa ra vào ngày 15.7 có vẻ vẫn nằm trong phạm vi đó. Nhưng phần lớn sự tăng trưởng trong quý thường diễn ra vào tháng 4 và đầu tháng 5, khi niềm tin của công chúng cao hơn vì đợt cắt giảm thuế vào tháng 3 và khởi động kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng trọng điểm khi mùa xuân bắt đầu. Thời điểm thu hoạch tốt nhất đã trôi qua mà không gặt hái được nhiều. Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đã bị đổ vỡ vào ngày 10.5 và Tổng thống Trump đã tăng thuế mạnh đối với hàng hóa Trung Quốc, một bước làm tổn hại niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc hôm 15.7 thừa nhận rằng các điều kiện phát triển kinh tế ngày càng trở nên khó khăn. Theo Mao Shengyong, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khó khăn chồng chất không chỉ trong mà ở cả ngoài nước, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, những bất ổn bấp bênh bên ngoài đang gia tăng, sự phát triển không cân đối và không đầy đủ ở trong nước vẫn còn gay gắt, và nền kinh tế chịu áp lực suy thoái mới.
Trong cuộc họp báo, ông Mao đã hạ thấp tác động của thương mại, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào tiêu dùng. Nhưng Tổng thống Trump, trong một thông điệp trên Twitter hôm thứ Hai về dữ liệu kinh tế, nói rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn đến các công ty muốn rời Trung Quốc sang các nước không bị đánh thuế. Hàng ngàn công ty đang rời đi, ông nói. Đây là lý do tại sao Trung Quốc muốn thực hiện một thỏa thuận với Mỹ.
George Magnus, một chuyên gia lâu năm trong nền kinh tế Trung Quốc, hiện đang làm việc tại Đại học Oxford, cho biết Dữ liệu kinh tế hàng tháng, đặc biệt là nhập khẩu, cho thấy quý thứ 2 bắt đầu mạnh mẽ nhưng sau đó chậm lại..”Một cái gì đó đã xảy ra vào tháng 5”, Magnus nói.
Lực cản toàn cầu
Lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc nằm ở lĩnh vực thương mại, vốn tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 thập niên qua nhưng đã ngừng tăng trong những tháng gần đây. Xuất khẩu giảm 1,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu giảm 7,3%.
Trong khi cuộc chiến thương mại đã làm tổn thương các giao dịch mua hàng của Mỹ từ Trung Quốc, thì sức khỏe kinh tế ở châu Âu và nhiều nước châu Á suy giảm đã khiến nhu cầu nhập hàng Trung Quốc ở nước ngoài tụt mạnh hơn nhiều.
Nền kinh tế chắc chắn đang trong một xu hướng giảm tốc ngày càng rõ vì nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, do đó xuất khẩu đang chậm lại, ông Larry Hu, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Capital, ngân hàng đầu tư thuộc một công ty đa quốc gia lớn của Úc.
Các nhà kinh tế đang theo dõi các dấu hiệu cảnh báo tiềm năng khác, như lạm phát. Tăng giá đã được chế ngự, theo thống kê chính thức. Nhưng nhiều người ở Trung Quốc phàn nàn rằng chi phí sinh hoạt thực tế đang tăng nhanh, đặc biệt là cho thực phẩm, tiền thuê nhà và các chi phí thiết yếu hàng ngày khác.
Sản xuất công nghiệp cũng suy yếu trong năm nay, cũng như đầu tư vào khu vực tư nhân. Doanh số bán nhà đã chậm lại. Các nhà máy ô tô đã giảm mạnh sản lượng do doanh số bán ra yếu, mặc dù có những dấu hiệu vào tháng trước rằng sự quan tâm của người tiêu dùng trong việc mua dòng ô tô sang sẽ sớm ổn định.
Ngân hàng lo lắng
Hiện tại, nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động ổn nhưng chỉ vì nhờ chính phủ Trung Quốc đang bơm một khoản tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng. Họ đang xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, cầu cảng và các cơ sở khác để kết nối các thành phố và thị trấn nhỏ hơn và ít giàu hơn với phần còn lại của đất nước. Về tương lai xa, cơ sở hạ tầng đó giúp cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn và thúc đẩy giao ở một số khu vực nghèo nhất và xa xôi nhất của Trung Quốc. Nhưng trước mắt, các chủ ngân hàng và nhà kinh tế lo lắng về việc liệu một số khoản đầu tư này biết khi nào mới sinh lời.
Mặt khác, xu hướng dài hạn đó đã làm tổn thương thị trường bất động sản và khu vực kinh tế tư nhân. Các nhà điều hành đã nhiều lần kêu gọi các ngân hàng lớn cho vay nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và khu vực tư nhân, và đích thân Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã lên tiếng hồi đầu tháng 7. Nhưng cho đến nay,những lời hô hào này chỉ có hiệu lực rất hạn chế. Các nhân viên mảng tín dụng của ngân hàng lo lắng rằng họ có thể bị đổ lỗi, hoặc thậm chí bị điều tra về tham nhũng, nếu họ mở rộng các khoản vay lớn cho các doanh nghiệp tư nhân.
Nỗi lo trong việc rót tiền vào khu vực tư nhân bị tác động mạnh từ vụ cuối tháng 5, chính quyền kiểm soát ngân hàng Baoshang. Đây là lần đầu tiên trong 2 thập kỷ chính phủ Trung Quốc thâu tóm một ngân hàng tư nhân. Theo New York Times, các nhà điều hành đã gắng buộc một số chủ nợ lớn nhất chấp nhận thua lỗ thay vì bảo lãnh cho họ như một cách để dạy các nhà tài chính cẩn thận hơn về nơi họ rót tiền. Sự sụp đổ của ngân hàng Baoshang có nguyên nhân từ những giao dịch ngoài sổ sách mà các ngân hàng nhỏ Trung Quốc thường lạm dụng để né tránh những quy định hạn chế họ không được cho các đối tượng yếu kém vay, ngoài ra cũng né tránh các quy định về vốn và dự phòng rủi ro.
Theo Một thế giới