‘Cốc giấy không nhựa’ dùng một lần, phân hủy hoàn toàn trong đất

Theo trang Daily Mail (Anh), những chiếc cốc giấy thông thường thường đi kèm với một chiếc nắp nhựa và được tráng một lớp chống thấm bằng nhựa bên trong, làm giảm khả năng tái chế của nó. Loại cốc này có thể mất đến nhiều thập kỷ để phân hủy và giải phóng các hạt vi nhựa siêu nhỏ và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để giải quyết những hạn chế trên, một công ty ở Anh đã chế tạo ButterflyCup, loại cốc được sản xuất hoàn toàn từ giấy với mực in có nguồn gốc từ thực vật và lớp phủ phân tán gốc nước giúp chống thấm. Chiếc cốc này cũng có thể ủ thành phân trộn hoặc tái chế thành các chất thải giấy và bìa cứng.

ButtlerflyCups thậm chí còn được tái sử dụng để gieo hạt và sau đó vùi dưới đất và sau đó chúng sẽ phân hủy hoàn toàn. Đây là một giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa hiện nay.

Chiếc cốc đặc biệt sẽ ra mắt tại các trung tâm Wildfowl & Wetlands Trust (WWT) trên khắp Vương quốc Anh. Nhà thiết kế Tommy McLoughlin hiện đang đàm phán với một số chuỗi cà phê lớn về việc sử dụng phổ biến loại cốc này trên thị trường.

Các chuyên gia ước tính rằng tại Anh, có khoảng 2,5 tỉ cốc cà phê dùng một lần được thải ra môi trường mỗi năm, với chỉ 1/400 chiếc cốc thực sự được tái chế.

‘Có một điều đáng tiếc là trong số hàng tỉ cốc cà phê mà người Anh sử dụng mỗi năm, có rất ít cốc được tái chế. Chúng tôi tạo ra ButterflyCup để giải quyết thảm họa sinh thái này và giúp giải quyết điều đó. Chúng tôi tin rằng đây là chiếc cốc dùng một lần thân thiện với môi trường nhất trên thế giới và hy vọng sẽ có thêm nhiều cửa hàng cà phê trên khắp Vương quốc Anh lựa chọn sử dụng loại cốc cho khách hàng của họ trong tương lai gần’, ông Tommy McLoughlin, Giám đốc điều hành kiêm Nhà sáng lập ButterflyCup, cho biết.

   >>> Các nhà cung cấp Mỹ la tinh thông báo tăng giá bột BEK tại thị trường Châu Á

Tên gọi ButterflyCup được lấy cảm hứng từ thiết kế nắp gấp độc đáo của nó. Thiết kế gấp độc đáo này đã được cấp bằng sáng chế. Nắp chiếc cốc vừa có thể được đậy kín hoàn toàn mà không cần nắp, vừa có vai trò thay thế một chiếc ống hút. Cùng với đó, loại giấy được xử lý đặc biệt bên trong cốc giúp đảm bảo chống bắn nước, thấm và nhỏ giọt. Cốc cũng có thể chứa được cả đồ uống nóng và lạnh.

Theo các nhà thiết kế, chi phí sản xuất mỗi chiếc cốc ButterflyCup chỉ tốn khoảng 1 xu, rẻ hơn nhiều so với cốc tráng nhựa và nắp nhựa thông thường. Chi phí sản xuất cốc cũng rẻ hơn 3 xu so với những chiếc cốc tráng Axit Polylactic (PLA), có nắp tương tự.

ButterflyCup ra mắt 5 năm sau khi đầu bếp truyền hình Hugh Fearnley-Whittingstall nêu bật những khó khăn vốn có trong việc tái chế những chiếc cốc mang đi thông thường, trong bộ phim tài liệu ‘Cuộc chiến chống chất thải của Hugh’ được phát sóng trên đài BBC.

‘Sự thật là không có chiếc cốc nào trong số những chiếc cốc được các hãng cà phê lớn sử dụng được tái chế. Kinh khủng hơn là không ai chịu trách nhiệm về điều đó, tất cả các nhà bán lẻ cà phê lớn đã tạo ra hàng núi rác mang đi này’, đầu bếp Hugh nói.

Theo Thông tấn xã Việt Nam

Cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường: Bài toán “sống còn” của ngành Giấy

Không nằm ngoài quỹ đạo đó, ngành công nghiệp này tại Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, đây cũng là ngành có thị trường rất rộng và hợp tác với nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và chế tạo thiết bị…

Những đóng góp của ngành công nghiệp giấy và bột giấy là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành phát sinh nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước.

Thực tế cho thấy tại Việt Nam, không ít nhà máy giấy từng đứng trước thách thức lớn về môi trường vì không đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc không xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông, hồ, biển, dẫn đến gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, khi quy trình sản xuất không được tối ưu hóa thì việc lãng phí nguyên, nhiên liệu cùng việc tạo ra khí thải cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

Những bài học “xương máu” từ Formosa, Vedan… vẫn còn đó như lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp khi xem nhẹ yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất và xử lý chất thải. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cách mà một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Giấy An Hòa (Tập đoàn Geleximco) cải thiện sản xuất, đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường là điều các doanh nghiệp giấy cần tham khảo.

Không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường!

Ông Nguyễn Văn Anh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giấy An Hòa – đơn vị sở hữu và vận hành Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa cho biết, đơn vị nhận thức sâu sắc việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh tức là đang xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của đơn vị mình cho nên ngay từ khi thành lập, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra định hướng chiến lược phát triển bền vững với quan điểm không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường.

Đơn cử như năm 2016, nhà máy đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải, từ đầu vào tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cụ thể, nước sau khi xử lý luôn luôn đạt tiêu chuẩn loại A – Quy chuẩn Việt Nam QCVN12-2015 của Bộ TN&MT về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy.

Năm 2017, giấy An Hòa đã trở thành đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải trước khi xả ra môi trường…

 

Ngoài ra, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa Tuyên Quang, đơn vị trực thuộc Công ty CP Giấy An Hòa, ngày càng phát huy tốt vai trò quản lý và vận hành các trung tâm nghiên cứu, ươm giống theo công nghệ hiện đại, cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc phát triển cây rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ…

Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, các phong trào bảo vệ môi trường cũng đều được cán bộ, nhân viên và người lao động giấy An Hòa tuân thủ một cách tự giác và nghiêm ngặt.

Từ những đầu tư đó, nhiều năm qua, giấy An Hòa không chỉ là đơn vị có công suất sản xuất bột giấy và giấy cao cấp lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp điển hình trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam, được các cấp, ban ngành, lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương đánh giá cao. Đồng thời, đó cũng là cách để đơn vị này từng bước chinh phục thị trường và trở thành cái tên mang nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung của ngành giấy nói riêng.

Theo Công Thương

Cảnh sát môi trường phải bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Dự thảo nêu rõ những việc Cảnh sát môi trường phải thông báo công khai gồm: Trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường; số điện thoại trực ban đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Khi thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường phải thông báo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đối tượng làm việc biết để họ chấp hành (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác).Các đơn vị của Cảnh sát môi trường phải có hòm thư góp ý công khai, đặt ở nơi thuận tiện để tiếp nhận đơn, thư góp ý kiến xây dựng đơn vị hoặc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm của Cảnh sát môi trường

Cảnh sát môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Cảnh sát môi trường có trách nhiệm sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, khắc phục.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giữ đúng lễ tiết tác phong, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo cũng quy định những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường không được làm là: Không được tiết lộ bí mật, tin tức, tài liệu vụ việc đang điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai đối với những người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào; không được lợi dụng danh nghĩa công tác đến các cơ quan, tổ chức hoặc gặp riêng cá nhân để sách nhiễu, móc ngoặc, tiêu cực, không được nhận quà biếu dưới mọi hình thức.

Cơ quan Cảnh sát môi trường phải bố trí nơi tiếp cơ quan, tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác ở địa điểm thuận lợi và bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận tin báo, đơn, thư tố giác về tội phạm; tại nơi tiếp phải có hòm thư góp ý để nhận đơn, thư tham gia ý kiến xây dựng cơ quan hoặc đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phải phân công cán bộ theo dõi việc giải quyết, trả lời cho người gửi đơn, thư.

Theo VGP