Kinh tế tuần hoàn – Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt

Hôm nay (12/9) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019. Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham gia hội nghị với phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế tuần hoàn – đây là phiên quan trọng của hội nghị. 

Cần thể chế, luật hóa kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ tại phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế tuần hoàn, TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn chưa được sử dụng chính thức tại Việt Nam tuy nhiên các hoạt động liên quan đến giảm phát thải, sử dụng tái tạo đã được sử dụng khá lâu. 

Còn trên thế giới, nền kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng của thế giới, lợi ích kinh tế nó đem lại 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030 nói riêng, kinh tế tuần hoàn có thể hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về PTBV của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050 tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá. Riêng tại Việt Nam các báo cáo của WB chỉ ra rằng ô nhiễm không khí đang khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP năm 2013 và ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035.

TS.Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.
TS Hoàng Nam nhấn mạnh, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các quốc gia giải quyết bài toàn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. “Kinh tế tuần hoàn giúp chúng ta không còn phải đánh đổi giữa kinh tế và môi trường. Theo UNICEP, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ bao lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”. 

Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng. Như vậy, việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các sản phẩm sẽ là biện pháp hữu hiệu để Việt Nam giảm rác thải ra môi trường.

Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cũng cho biết, khung chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã có những quy định như: Chỉ thị 36/CT-TW năm 1998; Nghị quyết 41-NQ-TW năm 2004, Nghị quyết 24-NQ-TW năm 2013, Luật BVMT 2014, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR 2018…

Hiện Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện đem lại hiệu quả nhất định như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ… Với việc thúc đẩy quá trình tái chế rác thải của các ngành này sẽ trở thành nguồn nguyên liệu của những ngành khác, đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tới 6,5 triệu USD/năm. Chẳng hạn như mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang….

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề Kinh tế tuần hoàn.

Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn trước đây chỉ là tận dụng vật liệu quá trình sản xuất này đưa sang quy trình sản xuất khác, tuy nhiên, bước tiếp theo cần phải thiết kế vật liệu ngay từ ban đầu để tối đa hóa quá trình tuần hoàn, đảm bảo tỉ lệ tuần hoàn của vật liệu cao hơn.

Nhìn nhận về lộ trình kinh tế tuần hoàn, TS. Nam cho rằng, có 2 phần chính. Thứ nhất, cần xác định vai trò của các bên liên quan, đặc biệt doanh nghiệp có vai trò trung tâm. Thứ hai, cần vai trò kiến tạo của nhà nước, kiến tạo bằng pháp luật, chính sách ưu đãi, hướng dẫn, ngoài ra có cả vai trò của các đoàn thể từng người dân trong nền kiinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, cần phải có một lộ trình xác định các mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Ví dụ, Malaysia đặt ra lộ trình đến năm 2030 không còn rác thải nhựa, Canada cũng như vậy, hoặc có thể chia thêm các mục tiêu ngắn hạn hơn. “Chúng ta cần chung tay của doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu để có lộ trình hợp ký, khả thi nhất” – TS Nam cho biết.

Về ngành giấy, Tổng giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam, ông Patrick Chung – thành viên thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay, hiện nay có đến 90% nguyên liệu của đơn vị là giấy thu hồi, tái chế. Điều này không những giúp giảm thải ra môi trường mà còn tránh lãng phí tài nguyên, tiết kiệm chi phí… Và công ty đã sử dụng các công nghệ mới, hiện đại trong quá trình sản xuất cho quá trình sử dụng tài nguyên giấy tái chế này. 

Tuy nhiên, ông Patrick Chung cũng nhấn mạnh, các nước phát triển có tỉ lệ tái sử dụng giấy cao, có khi hơn 80%, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 50-55%. 

 

Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan chính phủ để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký VCCI, Tổng thư ký – Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam

Đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Buổi chiều tại phiên toàn thể, Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 với chủ đề: “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các bộ ngành, doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, Chủ tịch VCCI cho rằng: Phát triển bền vững là hệ giá trị của thế giới hiện đại, là nền tảng tương tác giữa các quốc gia, là nhịp cầu kết nối con người với con người và là giấy thông hành để doanh nghiệp vào thị trường thế giới. Để lại “dấu chân xanh” trên bảng đồ kinh tế toàn cầu là chuẩn mực của một doanh nghiệp nhân văn. Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP/ EVFTA … cũng đã được thiết kế trên các nền tảng này.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một nội dung một số ý kiến và kiến nghị đề xuất cụ thể: Chuyển từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững nhằm tiến tới mục tiêu: xả thải bằng không, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ông Lộc đề nghị: Đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”, Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

“Xác định rõ trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019.

Cùng quan điểm với VCCI, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững trong thập niên 2020-2030 là hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng chỉ ra rằng, với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, Việt Nam đang phải nhập nhựa, nhập sắt thép, nhập giấy và trong tương lai có thể nhập cả dầu thô. Trong khi, nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp thay thế sử dụng tài nguyên hữu hạn. Nếu so sánh với các nước, hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 thế giới. 

Để thực hiện được chuyển đổi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Việt Nam nên có lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Đó là môi trường với hệ thống luật pháp rõ ràng với các hình thức khuyến khích, ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, về tài chính, về tiếp cận các nguồn lực và chế tài rõ ràng, minh bạch.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hệ thống pháp luật và chính sách về kinh tế tuần hoàn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tiêu biểu là Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam nên tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

VPPA tổng hợp

 

 

Ngành giấy trong định hướng phát triển bền vững ngành Công Thương

Sáng ngày 29/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo khoa học về Phát triển bền vững (PTBV) ngành Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược PTBV và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để thực hiện Chiến lược PTBV và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo PTBV và Văn phòng PTBV của Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thời ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (tại Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2017) để thực hiện. Trong đó, 15 mục tiêu về PTBV của Chính phủ giao đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và phân công cho 20 đơn vị thuộc Bộ thực hiện.

Thông qua Hội thảo khoa học này, với tinh thần cầu thị, lãnh đạo Bộ Công Thương mong muốn được tất cả chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học và toàn thể đại biểu tham dự chia sẻ, đóng góp ý kiến, tư vấn cho Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch hành động PTBV ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2030 nhằm thực hiện hiệu quả.

Chủ trì hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, “xương sống” của đề án PTBV luôn gắn với tái cơ cấu ngành, bao gồm các lĩnh vực truyền thống như công nghiệp, năng lượng, thương mại,… Vì vậy, trong bối cảnh thế giới đang hiện đại hóa mỗi ngày, sự thay đổi liên tục về khoa học công nghệ, ngành Công Thương luôn mong muốn được lắng nghe quan điểm của các chuyên gia về mối tương quan giữa phát triển PTBV và kinh tế tuần hoàn – xu hướng tăng trưởng của toàn cầu hiện nay.

Tại sự kiện, nhiều tham luận được trình bày nhằm xây dựng, tư vấn nhằm phát triển ngành. Như, bà Võ Băng Nga, Vụ Khoa học, giáo dục tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về Chính sách phát triển bền vững của Việt Nam với 5 yếu tố của Chương trình nghị sự 2030 là: Con người, Đối tác, Hòa bình, Thịnh vượng, Hành tinh.

Đại diện Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, TS Đinh Văn Châu đã chia sẻ tại Hội thảo định hướng phương pháp và nội dung xây dựng đề án phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Đại diện quốc gia văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đề cập đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, giá trị sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và giảm thiểu việc tạo chất thải ra môi trường.

Đại diện UNIDO nhấn mạnh, để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cần quyết định tập trung vào sản phẩm/ ngành/ nguyên, vật liệu quan trọng. Chỉ ra các bên và hệ thống đổi mới liên quan; Tạo ra và khuyến khích công tư… Trong đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách, ưu đãi, khuyến khích thúc đẩy sử dụng nguyên liệu tái sản xuất…

2 vấn đề cần thay đổi để phát triển ngành giấy

Tại Hội thảo, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, nước ta đang trong giai đoạn dịch chuyển sản xuất của các nước, ngành giấy đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn và trở thành một trong những ngành phụ trợ quan trọng cho các ngành khác trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Hầu hết các sản phẩm giấy đều có thể tái chế (trừ một số loại giấy vệ sinh). Giấy có thể tái chế tối đa 7 lần, sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu sản xuất có thể giảm rất nhiều năng lượng, nước sạch, phát thải… đặc biệt là giảm đi phần xơ sợi nguyên thủy từ cây gỗ mà cần phải trồng 5-7 năm mới có.

Vai trò của ngành giấy không chỉ tính bằng giá trị thực tế hiện hữu, mà còn phải tính cả giá trị ở phần phụ trợ cho các ngành khác, đặc biệt là xuất khẩu. Do đó, việc đưa ngành giấy vào diện ưu tiên phát triển trong tổng thể nền kinh tế tuần hoàn trong đề án phát triển bền vững Ngành Công Thương là rất quan trọng.

Trong vấn đề này, ông Đặng Văn Sơn cho rằng, có rất nhiều việc cần làm nhưng quan trọng nhất là nhận thức. Không chỉ cần thay đổi nhận thức của người dân mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng pháp luật và truyền thông.

Như, người ta thường nghĩ rằng sản xuất giấy là phá rừng để lấy cây gỗ, nhưng cần nhấn mạnh rằng, không thể lấy gỗ từ rừng tự nhiên. Bởi giấy chỉ sản xuất được từ một số loại cây từ rừng trồng mà các rừng sản xuất hiện nay thường phải có chứng chỉ phát triển bền vững (FSC).

Đáng nói, trong cơ cấu nguyên liệu sản xuất của ngành giấy thì hơn 70% nguyên liệu đầu vào của ngành giấy đều là giấy tái chế. Do vậy, nguyên liệu tái chế rất quan trọng. Nhưng ở nước ta, cả người dân lẫn các cơ quản lý vẫn nhận thức giấy tái chế là phế liệu.

“Ở thế giới người ta không nhận thức giấy qua sử dụng là phế liệu. Họ xem đó là nguyên liệu thứ cấp, một loại tài nguyên. Như ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản… phân loại rõ từng loại giấy đã qua sử dụng. OCC (old corrugated container) tức giấy hòm hộp cũ, ONP (Old News Paper) tức giấy báo cũ… Còn chúng ta nhận thức là phế liệu nên tất cả các các văn bản pháp luật đều dùng chung một từ là giấy phế liệu. Điều này gây nên sự lãng phí trong nước và khó khăn trong quản lý”.

Ông Đặng Văn Sơn nêu ra hai vấn đề để nâng cao nhận thức, có các chính sách ưu tiên tái chế.

Đó là, cần xem xét lại việc phân loại về nguyên liệu thứ cấp và phế liệu để phân biệt rõ “nguyên liệu thứ cấp” và “phế liệu”. Các văn bản pháp luật đang được xây dựng cần lưu ý vấn đề này, tránh như hiện nay vẫn đang dùng từ phế liệu chung cho tất cả nguyên liệu thứ cấp.

Cần khuyến khích, tăng cường thu gom tái chế và tái sử dụng, việc này cần có sự vào cuộc khẩn trương của toàn xã hội, cần một hành lang pháp lý. Các nước phát triển, điển hình Nhật Bản có bộ luật về thu gom, tái chế, tái sử dụng. Còn Luật Môi trường của chúng ta hiện nay chỉ một điều về khuyến khích hoạt động thu gom, tái chế nhưng dưới luật chưa  có các văn bản dưới luật để thực hiện.

“Muốn phát triển bền vững ngành, thì hai vấn đề trên cần được thực hiện. Đây là vấn đề rất cụ thể, có lợi ích thiết thực và điển hình mà thế giới đã làm được, trong khi nước ta lại chưa thực hiện!”, ông Sơn nhấn mạnh.

VPPA