Mỗi ngày ngân sách thất thu 150 tỉ đồng tiền thuế do dịch COVID-19

Theo Tổng cục Hải quan, do ảnh hưởng dịch COVID-19, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. Bình quân mỗi ngày trong 2 tháng đầu năm chỉ thu được 1.308 tỉ đồng, giảm 150 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Ngày 28-2, Tổng cục Hải quan cho biết ước thu tháng 2 từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỉ đồng, thấp hơn so với tháng 1 hơn 2.300 tỉ đồng.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn như xăng dầu, điện thoại và linh kiện, máy móc phụ tùng, sắt thép… đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2019.

Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm nay từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 49.700 tỉ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2019.

“Nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỉ đồng/ngày, thì 2 tháng đầu năm chỉ thu khoảng 1.308 tỉ đồng/ngày” – Tổng cục Hải quan cho hay.

Thực tế, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2-2020, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm mạnh cả giá trị và số lượng nhập khẩu.

Đơn cử xăng dầu các loại nhập khẩu ước tính là 650 nghìn tấn, ước tính giảm 20% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 2-2019.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng có giá trị nhập khẩu đạt 2,5 tỉ USD, giảm 3,7% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại nhập 900.000 tấn với giá trị 540 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với tháng 2-2019.

Ô tô nguyên chiếc các loại giảm kỷ lục nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 2 này chỉ nhập có 6.000 chiếc, giảm 60% về lượng và hơn 57% về trị giá.

 Theo Tuổi trẻ

Doanh nghiệp xuất khẩu áp biểu thuế thực hiện CPTPP như thế nào?

Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 4470/TCHQ-TXNK hướng dẫn thực hiện Nghị định 57/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, trong đó chủ yếu liên quan đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thông thương hàng hóa giữa các quốc gia thành viên”, bà Hoàng Thị Thủy- Trưởng phòng Giám sát quản lý C/O và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết:.

Nghị định 57 có phạm vi áp dụng với 6 quốc gia: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia, là những quốc gia mà CPTPP đã có hiệu lực, theo quy định về điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Theo bà Hoàng Thị Thủy, để các ưu đãi thuế của CPTPP thực hiện được giữa các quốc gia và chống được gian lận thuế thì C/O là khâu cốt lõi. Do vậy, phía hải quan quy định chặt chẽ thời điểm tiếp nhận, giải quyết, từ chối C/O. Cụ thể: Chứng từ doanh nghiệp phải nộp hải quan tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu gồm một trong các loại chứng từ: Bản chính C/O do người xuất khẩu hoặc người sản xuất phát hành (chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa); bản chính C/O được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.

Trong trường hợp sử dụng một chứng từ C/O cho nhiều lô hàng giống hệt thì trên chứng từ C/O thể hiện thời gian áp dụng nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp. Trường hợp chứng từ C/O không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.

Đại diện Tổng cục Hải quan lưu ý: Hải quan có thể từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi trong một số trường hợp. Điển hình như: Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi yêu cầu xác minh nhưng doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ C/O không trả lời đề nghị xác minh hoặc không cung cấp thông tin xác minh theo quy định.       

Hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tổng cục Hải quan đề nghị xác minh trực tiếp tại nước xuất khẩu nhưng doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ C/O không gửi văn bản trả lời chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kiểm tra. 

Bà Đào Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ thêm: Nếu hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi CPTPP, doanh nghiệp đã nộp thuế và thuế suất áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai cao hơn thuế suất ưu đãi trong CPTPP thì doanh nghiệp sẽ được xử lý hoàn lại tiền thuế nộp thừa.

Theo Tổng cục Hải quan, công văn hướng dẫn cách khai mã biểu thuế trên tờ khai hải quan điện tử và các mức thuế suất tương ứng được hưởng theo quy định tại Nghị định 125, Nghị định 57. Đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhập khẩu vào lãnh thổ các nước Mexico, Singapore, Australia, New Zealand, Canada và Nhật Bản, áp dụng mã Biểu thuế B01, thuế suất ưu đãi MFN quy định tại Phụ lục I Nghị định 125.

Đối với hàng nhập khẩu, áp dụng mã Biểu thuế B20, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CPTTP quy định tại Phụ lục II NĐ 57 đối với hàng nhập khẩu từ Mexico. Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi CPTPP gồm 519 dòng thuế. Các mặt hàng không thuộc biểu thuế này sẽ được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang lãnh thổ các nước thành viên mà CPTPP đã có hiệu lực. Để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, hàng hóa xuất khẩu phải có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước thành viên mà CPTPP đã có hiệu lực.

TẢI CÔNG VĂN SỐ 4470/TCHQ-TXNK TẠI ĐÂY!

Tổng cục Hải quan chỉ đạo khẩn về thông quan phế liệu nhập khẩu

Ngày 28/2, Tổng cục Hải quan cho biết, đã có chỉ đạo khẩn gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thông quan cho doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…

Trước đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các lô hàng phế liệu nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP (ngày 3/2/2019) và văn bản 1036/VPCP-TH (ngày 1/2/2019) về việc thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu.

Tại văn bản 1036/VPCP-TH, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại thông tư số 08/2018 và Thông tư số 09/2018 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, báo cáo trước ngày 15/2/2019.

Tuy nhiên, Bộ TN&MT chưa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư nói trên. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã có điện Fax khẩn gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo, như sau:

Trong khi chờ Bộ TN&MT ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan căn cứ kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định độc lập được Bộ TN&MTchỉ định xác định phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.

Lực lượng hải quan không yêu cầu DN phải nộp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu của sở TN&MT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất./.

Theo: Thời báo Tài chính Việt Nam