Thị trường bột giấy Châu Á quý III: sau Acacia của Indonessia, Trung Quốc tiếp tục mua lượng lớn bột BEK; giá BSK tăng nhẹ

Thị trường bột giấy châu Á trong vài tuần đầu tháng 8/2020 đã có dấu hiệu ổn định với việc các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu bột giấy, nhằm ngăn chặn khả năng sụt giảm của thị trường giấy trong nước.

Trong nửa đầu tháng 7, do nhu cầu sụt giảm, nguồn cung dư thừa tại Trung Quốc,  bột BHK đã phải chịu áp lực giảm giá, đã có thời điểm giảm xuống mức 400 USD/tấn.

Sang tháng 8, áp lực dường như đã giảm bớt sau khi một số nhà sản xuất giấy và bìa (P&B) lớn của Trung Quốc nhập khẩu tới 500.000 tấn bột Acacia giá rẻ của Indonesia và các nhà sản xuất này cũng đã mua lượng lớn bột BEK của Brazil cho Q3 với giá cố định.

Bột BEK được chào với giá 450 USD/tấn, với mức chiết khấu được đưa ra tùy theo khối lượng mua. Có nhà sản xuất lớn chỉ trả 420 USD/tấn với khối lượng tới 200.000 tấn.

Với lượng lớn bột BEK được tiêu thụ đã tạo ra không khí mới cho thị trường trong Quý III, các nhà cung cấp đã nâng giá tháng 8 đối với bột BEK và bột Acacia Indonesia lên 440-450 USD/tấn. Bột BEK Nam Mỹ cũng đã đạt mức 430-450 USD/tấn. Bột BHK của Nga cũng ổn định, ở mức 430-440 USD/tấn.

Bột BSK tăng nhẹ: Giao dịch kỳ hạn bột giấy sôi động trở lại và đồng USD giảm giá so với đồng RMB (nhân dân tệ) đã thúc đẩy các nhà cung cấp tìm cách tăng giá đối với bột BSK ở thị trường Trung Quốc.

Tập đoàn Ilim công bố sẽ tăng giá BSK của Nga thêm 20 USD/tấn cho các đơn hàng tháng 9. Hiện nay, giá loại này vẫn ổn định ở mức 540-550 USD/tấn. Bột gỗ thông radiata cũng đang ở mức 535-550 USD/tấn. Bột NBSK nhập khẩu từ Canada đạt mức 560-570 USD/tấn, không đổi trong ba tuần đầu tháng 8. NBSK Bắc Âu đã tăng 10 USD/tấn chốt giá  ở mức 540-560 USD/tấn./.

Theo PPI Asia

Suzano cắt giảm tồn kho, tiêu thụ bột BEK đạt 2,7 triệu tấn trong quý II/2020

Suzano – Nhà sản xuất giấy và bột giấy Brazil, nhà cung cấp bột giấy kraft bạch đàn tẩy trắng (BEK) lớn nhất thế giới, đã công bố kết quả kinh doanh quý II cho thấy tiêu thụ bột BEK đạt 2,7 triệu tấn, cao hơn 25% so với cùng thời kỳ 2019, bất chấp kịch bản kinh tế bị áp lực do sự bùng phát COVID-19. Sản lượng bột giấy cũng tăng 14%, đạt 2,5 triệu tấn.

Lượng tiêu thụ trong quý II tăng, nên công ty đã giảm lượng tồn kho thêm 220.000 tấn. Doanh số bán hàng tồn kho của Suzano đạt tổng cộng 1,9 triệu tấn với chu kỳ 12 tháng, kết thúc vào tháng 6.

Như vậy trong quý II/2020, công ty đã cắt giảm được lượng hàng tồn kho ở tất cả các cảng và kho hàng ở nước ngoài và ở châu Á, lượng hàng chỉ còn ở mức tối thiểu, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù có vấn đề với nhu cầu giấy in, viết trong quý II, nhưng Suzano lại được hưởng lợi từ lĩnh vực giấy tissue. Về giấy bao bì, nhu cầu giấy, bìa ngà Ivory ngày càng tăng cũng là một dấu hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Hiện nay, chênh lệch giá giữa bột gỗ cứng và gỗ mềm vẫn trên 100 USD và có lợi cho nhu cầu tiêu thụ bột gỗ cứng. Mặc dù, giá xuất khẩu bột giấy của Suzano trong quý II ổn định ở mức $ 470 USD/tấn, nhưng vẫn rất thấp và xa so với mức giá trung bình trong 10 năm qua.

Trong nửa cuối năm 2020, nguồn cung bột giấy có thể trở nên thắt chặt hơn do tất cả thời gian ngừng hoạt động đã được lên kế hoạch cho giai đoạn này và thời gian ngừng hoạt động khác liên quan đến thị trường. Ở Brazil, thời gian ngừng hoạt động theo kế hoạch thường tập trung vào nửa cuối năm, như vậy có thể sản lượng sẽ bị cắt giảm khoảng 400.000 tấn, bình quân khoảng 65.000 tấn mỗi tháng.

Trong khi đó, quý III là quý thấp điểm về tiêu thụ bột giấy, công ty kỳ vọng điều này chỉ xảy ra đối với châu Âu. Về mặt tích cực, có thể dự báo sự cải thiện về nhu cầu in, viết, và sản xuất giấy tissue tiếp tục hoạt động rất tốt ở Mỹ. Ở châu Á, trong khi tiêu thụ bột giấy thường tăng vào cuối quý III./.

Theo RISI FastMarkets

Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương: Tín hiệu vui của ngành giấy

Ưu điểm vượt trội

Sản xuất giấy nói chung, giấy bao bì công nghiệp nói riêng, để tạo cho tờ giấy có tính chống thấm nước, không bị nhòe khi gặp mực in gốc nước trong quá trình in, các nhà sản xuất đã sử dụng một số hóa chất có tính màng chống thấm nước trong quá trình gia keo. Có hai phương pháp gia keo phổ biến hiện nay là gia keo nội bộ và gia keo bề mặt.

Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và thiết bị, phương pháp gia keo bề mặt được ứng dụng nhiều hơn cả, bởi những ưu điểm vượt trội so với gia keo nội bộ. Theo đó, các sản phẩm keo chống thấm thế hệ mới (keo chống thấm bề mặt) đã được nghiên cứu, sử dụng kết hợp với dung dịch tinh bột trong quá trình gia keo bề mặt cho giấy.

Sản phẩm keo chống thấm bề mặt cũng được coi là sản phẩm hiệu quả và thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất. Song những loại chất chống thấm bề mặt sử dụng ở các nhà máy sản xuất giấy trong nước hầu hết là nhập khẩu, chưa có cơ sở nào tự nghiên cứu và sản xuất được.

Với mục tiêu tạo những dòng sản phẩm keo chống thấm có ưu điểm và tính ứng dụng vượt trội, được sản xuất, thương mại hóa bởi thị trường trong nước, năm 2017, Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm phối hợp với Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô đã đề xuất, được Bộ Công Thương giao thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp”. Dự án này thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi nghiệm thu dự án, TS. Đặng Văn Sơn – Chủ nhiệm dự án – cho biết, sản phẩm copolyme styren acrylat là tác nhân chống thấm có ưu điểm vượt trội như tính chất tạo màng tốt hơn, giá thành thấp hơn, khả năng chống thấm cao hơn. Ngoài ra, còn góp phần cải thiện, ổn định chất lượng giấy như hạn chế sự hồi ẩm của giấy, ổn định độ bền của giấy trong điều kiện khí hậu Việt Nam.

   >>> Doanh nghiệp Ngành Giấy với việc thực hiện ND 40/2019/ND-CP và Thông tư 25/TT-BTNMT

Làm chủ quy trình công nghệ

Theo TS. Đặng Văn Sơn, đến nay dự án đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat trong thí nghiệm và trên dây chuyền sản xuất công suất thiết kế 3 tấn/mẻ với sản lượng 450 tấn/năm. Bên cạnh đó, đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình ứng dụng nhũ tương copolyme styren acrylat làm chất chống thấm bề mặt trong quá trình sản xuất giấy bao bì công nghiệp; đã thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị dây chuyền sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat công suất 450 tấn/năm.

Đặc biệt, đã tiến hành sản xuất thử nghiệm thành 13 đợt với tổng khối lượng sản phẩm nhũ tương copolyme styren acrylat là 169,839 tấn; đồng thời, tiến hành 2 đợt sản xuất thử nghiệm với tổng khối lượng sản phẩm giấy bao bì công nghiệp 248,709 tấn. Cùng với đó, từng bước tiếp cận thị trường và đã tiêu thụ được 140,429 tấn sản phẩm nhũ tương copolyme styren acrylat, tổng doanh thu sản phẩm bao gồm cả tồn kho dự kiến đạt được khoảng 3,023 tỷ đồng.

Hiện nay, mức tiêu thụ giấy của Việt Nam đã và đang tăng nhanh hơn so với năng lực sản xuất trong nước. Đến năm 2020, nhu cầu thị trường trong nước cho giấy bao bì được dự tính ở mức 3,6 – 4 triệu tấn/năm. Do đó, với sự phát triển của ngành giấy bao bì công nghiệp, thị trường phụ gia, hóa chất ngành giấy cũng có cơ hội đồng hành phát triển.

Theo Công Thương

Doanh nghiệp Ngành Giấy với việc thực hiện ND 40/2019/ND-CP và Thông tư 25/TT-BTNMT

Ngày 13/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường (Nghị định 40/2019/NĐ-CP).

Đồng thời, ngày 31/12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (Thông tư 25/2019/TT-BTNMT).

Tuy nhiên, sau khi triển khai thực hiện nội dung Nghị định 40/2019/NĐ-CP và Thông tư 25/2019/TT-BTNMT, một số doanh nghiệp trong ngành gặp phải những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Có 3 vấn đề vướng mắc nổi cộm nhất đối với các Doanh nghiệp Ngành giấy trong quá trình thực hiện ND 40/2019/ND-CP và Thông tư 25/TT-BTNMT đó là:

a) Quy định về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận);

b) Quy định về thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục;

c) Quy định quan trắc, giám sát định kỳ chỉ tiêu Dioxin/Furan trong nước thải theo QCVN 12:MT/2015/BTNMT

Trước đây, Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nhiều lần trình bày nội dung này tại các cuộc họp, hội thảo, cũng như kiến nghị bằng văn bản tới các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Một lần nữa, Văn phòng Hiệp hội lại tổng hợp các ý kiến của Doanh nghiệp và gửi đề xuất tới Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nội dung chi tiết của Công văn kiến nghị lần này kèm theo dưới đây.

>>> CV kien nghi DTM va quan trac nuoc thai, khi thai -14.8.2020

VPPA

Ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy: Cần hỗ trợ từ chính sách

Công suất vừa và nhỏ

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực… ngành giấy trong nước cần phải thay đổi công nghệ, thiết bị theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, loại bỏ dần các công nghệ thiết bị lạc hậu, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, để định hướng giúp doanh nghiệp (DN) ổn định và phát triển trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách, quản lý cần có những cơ sở khoa học về lý luận, thực tiễn về xu hướng phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất của ngành giấy trên thế giới cũng như trong nước.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp cao, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới”.

Báo cáo trước hội đồng nghiệm thu đề tài mới đây, TS. Cao Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Chủ nhiệm đề tài – cho biết, mục tiêu chính của nhiệm vụ là xây dựng được cơ sở dữ liệu về hiện trạng công nghệ – thiết bị, thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy, từ đó đề xuất các định hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030.

Từ các kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ, thiết bị và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao tại các DN sản xuất bột giấy, sản xuất giấy tissue, giấy bao bì, giấy in giấy viết trong nước cho thấy, ngành công nghiệp giấy Việt Nam có quy mô nhỏ, lạc hậu so với khu vực, có nhiều DN sản xuất nhưng phần lớn công suất vừa và nhỏ, chất lượng sản phẩm chỉ đạt ở mức trung bình, khá.

Hạn chế về tài chính

Thông qua việc triển khai nhiệm vụ, đã đề xuất được lộ trình áp dụng các công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, thân thiện với môi trường cho ngành công nghiệp giấy tới năm 2030; đề xuất một số giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao trong sản xuất giấy, bột giấy và các sản phẩm hóa chất phụ gia đến năm 2030.

Đáng chú ý, đã định hướng được một số ưu tiên ứng dụng và phát triển công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong sản xuất giấy gồm: Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nguyên liệu dăm mảnh gỗ, xử lý bột giấy; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản trị DN; ứng dụng các loại hóa chất, phụ gia mới nhằm tăng cường chất lượng các sản phẩm giấy; ứng dụng các vật liệu nano cho quá trình tráng phủ và xử lý bề mặt giấy…

Theo TS. Cao Văn Sơn, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành giấy Việt Nam có triển vọng to lớn để mở rộng, phát triển sản xuất. Các DN có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin kinh tế, kỹ thuật công nghệ mới, có nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành.

Tuy nhiên, do phần lớn DN có công suất vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế nên việc áp dụng công nghệ cao cho ngành công nghiệp giấy trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, đặc biệt là hỗ trợ, ưu đãi cho các DN vừa và nhỏ để đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường còn hạn chế, khó tiếp cận.

Các DN có công suất dưới 10.000 tấn/năm chiếm trên 80% số lượng DN ngành công nghiệp giấy, nhưng tổng công suất chỉ chiếm khoảng 20% tổng công suất toàn ngành.

Theo Công Thương

Đề xuất dân bán rác thải, công ty thu gom trả tiền

Ðược trả tiền người dân sẽ “nhiệt tình” phân loại

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng, dự thảo đã luật hóa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác).

Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Riêng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Liên quan đến thuế, phí, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hai Bộ TN&MT và Tài chính sẽ phối hợp đề xuất mức hợp lý, ngoài thu ngân sách còn để giảm thiểu nguồn thải. Như thế sẽ rõ hơn, vì Bộ Tài chính cũng không thể biết được đâu là chất ô nhiễm, mức độ ô nhiễm thế nào. Còn ngân sách, lần này sẽ làm rõ trách nhiệm chủ đạo của nhà nước, đồng thời xác định vai trò của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất thay đổi phương thức mới, trái ngược hoàn toàn với cách làm hiện nay. Qua đó phải phân thành hai loại, với rác thải công nghiệp, nhà máy xả thải phải trả tiền. Còn rác thải sinh hoạt, người dân phải là người bán rác thải, được thu tiền về, còn công ty thu gom, vận chuyển phải trả tiền mua rác. “Vì bắt tôi trả tiền nên sinh ra vứt bừa rác. Nhưng nếu tôi bán rác, được tiền, dù không nhiều thì tôi vẫn ý thức, nhiệt tình phân loại để bán. Nhà máy phải đi mua của ông vận chuyển để xử lý ra các loại sản phẩm”, ông Phúc đề xuất.

Đồng tình với đề xuất trên, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị có quy định ở một mức nào đó. Nghĩa là anh càng xả thải nhiều chất thải sinh hoạt, anh càng phải trả phí nhiều, vì người ta phải thu gom, xử lý rác. “Nếu không phải trả tiền lại khuyến khích người ta xả thải nhiều. Anh có quyền bán nhưng nếu xả nhiều thì phải trả phí”, ông Lưu nêu quan điểm.

   >>> Thu gom, tái chế vỏ đồ uống: Góc nhìn của người trong cuộc

 Đề xuất dân bán rác thải, công ty thu gom trả tiền
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Thùng rác ba ngăn, phân loại tại nhà

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cũng ủng hộ phân thành 3 loại rác ngay tại nguồn, nhưng theo ông đây là vấn đề khó, nói chục năm nay rồi mà ngay ở thành phố lớn cũng chưa làm được. Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, nếu quyết tâm làm đồng bộ sẽ tạo ra một thói quen tốt trong dân cư.

“Như anh Nguyễn Hạnh Phúc nói, phân loại rác, người dân bán được thì họ bán, còn xả thải vào môi trường, họ phải trả phí… Địa phương tôi trước đây thí điểm ở phường thì dân hưởng ứng. Nhưng khi thu gom thì tất cả đổ lên một xe thành ra rất lãng phí. Quan trọng là có nhận thức đồng bộ. Tôi đề nghị nghiên cứu lộ trình ngắn hơn, đến tận năm 2025 thì dài quá”, ông Túy nêu.

Đồng tình với việc quản lý chất thải rắn Chính phủ trình, tuy nhiên để mang lại hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý sau này phải có chiến dịch truyền thông, dần dần thay đổi ý thức, hành động của người dân và toàn xã hội như đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phải tạo thói quen phân loại rác tại nguồn, tại từng hộ, từng nhà, đâu phải đợi tới nhà máy mới phân loại.

Tuy nhiên, theo bà Ngân, muốn làm điều này phải có điều kiện cụ thể, nhà thu gom rác làm thùng 3 ngăn khác màu và in chữ luôn. Theo Chủ tịch Quốc hội, có thể đăng ký làm kiểu mẫu cho từng khu phố, từng huyện, từng tỉnh giống như phong trào xây dựng nông thôn mới. “Luật này phải cụ thể hóa Hiến pháp, làm sao cho môi trường trong lành. Chất thải rắn, chất thải khí, chất thải lỏng…tất cả đều phải được xử lý. Trước mắt là rác sinh hoạt rất nhiều, cần phải được xử lý”, bà Ngân đề nghị.

Theo Tiền Phong

Diễn biến thị trường RCP tại Mỹ: Giá DSOCC tăng

Mức chênh lệch giá giữa DSOCC (12) và OCC (11) gia tăng. Thêm vào đó, nhu cầu ổn định tại Trung Quốc trong suốt thời gian qua đã đẩy giá DSOCC xuất khẩu tại Mỹ lên 122 USD/tấn (FOB), tăng liên tục trong 7 tháng, từ đầu năm 2020, trái ngược với 8 tháng sụt giảm liên tục trong năm 2019, với mức giá tương ứng cùng thời điểm 2019 là 82 USD/tấn.

Các nhà sản xuất Trung Quốc không chỉ tận dụng thời hạn của giấy phép nhập khẩu năm 2020 trước lệnh cấm nhập khẩu RCP, mà còn là thời hạn vận chuyển do một số hãng tàu đưa ra đối với RCP để thúc đẩy vận chuyển RCP về Trung Quốc.

Tháng 2/2019, DSOCC có mức giá thấp nhất (FOB), 40 USD/tấn tại các cảng Bờ Tây và 55 USD/tấn tại các cảng New York/New Jersey. Giá DSOCC tháng 8/2020 so với tháng 8/2019 tăng 57 USD/tấn tại các cảng Los Angeles/Long Beach ở mức 172-175 USD/tấn (FAS) và tăng 55 USD/tấn tại các cảng New York/New Jersey ở mức 157-160 USD/tấn (FAS).

Nhiều nhà xuất khẩu OCC tại Mỹ đang lo lắng khi thời hạn cấm nhập khẩu RCP của Trung Quốc có hiệu lực thực sự vào tháng 1/2021. Thị trường OCC dự đoán sẽ sụp đổ khi các hạn ngạch của Trung Quốc được hoàn thành, hoặc khi các hãng vận tải ngừng nhận vận chuyển RCP về Trung Quốc.

    >>> Thị trường bột giấy châu Á: bột Acacia giá thấp gây áp lực giá lên bột BEK

Theo số liệu khảo sát của P&PW, nhu cầu của Trung Quốc trong thời gian hiện tại đã tạo ra sự chênh lệch giá đáng kể giữa DSOCC (12) và OCC (11), chênh lệch 55 USD/tấn ở cả hai Bờ Đông và Tây nước Mỹ trong tháng 8/2020.

Khi Trung Quốc chủ yếu mua DSOCC (12) để đáp ứng hạn ngạch nhập khẩu của họ, thì các nước Đông Nam Á và Ấn Độ lại chủ yếu nhập khẩu loại OCC (11). Chính yếu tố đó lại càng làm gia tăng mức độ chênh lệch giá giữa DSOCC (12) và OCC (11)./.

Diễn biến thị trường DSOCC tại Mỹ

  Theo Fastmarkets RISI

AO Knauf Petroboard, Nga đặt mua máy mới từ Andritz

Đơn đặt hàng từ Andritz bao gồm một máy cuộn sơ bộ mới (PrimeReel) với các lô cuộn, hệ thống truyền động và điều khiển mới, nhằm duy trì chất lượng giấy đồng nhất từ đầu tới cuối cuộn giấy jumbo. Máy cuộn mới sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng, loại bỏ khuyết tật và đặc biệt giảm thiểu sự thay đổichất lượng bề mặt giấy đối với lô cuộn có kích thước đường kính lớn.

Toàn bộ hệ thống phần ướt máy xeo (bộ phận đưa bột lên lưới, bộ phận lưới) cũng như hệ thống điện truyền động (MMD) của dây chuyền KM2 đã được Andritz cải tạo và nâng cấp năm 2018.

KM2 là dây chuyền sản xuất bìa có định lượng cơ bản từ 100-320g/m2, chiều rộng khổ giấy 4.260 mm, và tốc độ thiết kế 700 m/phút – có công suất bình quân 155.000 tấn/năm, sử dụng để sản xuất tấm thạch cao từ 100% giấy thu hồi.

   >>> Nhu cầu gia tăng, thúc đẩy OCC tăng giá tại Mỹ và Trung Quốc

Với đơn hàng này của AO Knauf Petroboard, Andritz ngày càng khẳng định định vị thế vững chắc của mình, với tư cách là đối tác tin cậy và dẫn đầu trong ngành công nghiệp giấy về xây lắp dây chuyền sản xuất giấy và bìa, cải tạo và nâng cấp thiết bị./.

Theo Pulpapernews

 

 

 

 

 

Lần đầu tiên mỹ phẩm dạng tuýp có bao bì bằng giấy

Anthelios thuộc nhãn hàng dược mỹ phẩm La Roche-Posay, 1 trong 36 thương hiệu của tập đoàn L’Oréal. Việc sử dụng công nghệ bao bì giấy được đánh giá bởi quy trình Phân tích Vòng đời Sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA), là một công nghệ hiện đại để đánh giá tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất đến khi sản phẩm được sử dụng và xử lý chất thải.

Theo quy trình LCA, dấu chân sinh thái của tuýp kem chống nắng Anthelios 200ml dạng giấy này có mức tác động thấp nhất trong tất cả tiêu chí, được thiết kế trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung.

Ông Laetitia Toupet, Chủ tịch Toàn cầu của La Roche-Posay cho biết, L’Oréal còn đặt mục tiêu xa hơn là sẽ chia sẻ công nghệ bao bì mới này cho các thương hiệu khác và mang sản phẩm mới đến tất cả các nước trên thế giới.

Từ năm 2012, La Roche-Posay đã tập trung vào việc giảm trọng lượng của bao bì để giảm lượng nhựa sử dụng. Đến năm 2020, tất cả sản phẩm dạng chai lớn của thương hiệu dược mỹ phẩm này đều có trọng lượng nhẹ hơn 10%, đạt chỉ tiêu sử dụng 25% nhựa tái chế cho bao bì, cao gấp 10 lần so với năm 2018. Hãng này tham vọng sử dụng đến 70% vật liệu nhựa tái chế cho bao bì đến năm 2025.

   >>> Nhu cầu gia tăng, thúc đẩy OCC tăng giá tại Mỹ và Trung Quốc

Kiehl’s sẽ là thương hiệu tiếp theo của tập đoàn L’Oréal sử dụng công nghệ bao bì giấy thân thiện với môi trường, dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm vào năm 2021. Một trong những mục tiêu tham vọng sẽ đạt được đến năm 2030 là sử dụng 100% nhựa tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học cho toàn bộ bao bì sản phẩm của tất cả thương hiệu của L’Oréal, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững mới của tập đoàn L’Oréal mang tên “L’Oréal For the Future” (L’Oréal cho tương lai).

Thống kê của WHO cho biết, mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được sử dụng… Đến nay thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó có 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Trung bình mỗi năm thế giới thải ra môi trường khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 8 triệu tấn bị thải ra biển. Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy còn dự báo tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa./.

Theo Vnexpress