Thị trường giấy và bột giấy tại Trung Quốc tháng 5/2020

Trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt, một số nhà cung cấp đã giảm giá bán bìa ngà có tráng hơn 1.000 RMB/tấn (141 USD/tấn), xuống còn 4.300-4.400 RMB/tấn, trong tháng 4 được bán với giá 5,800-5,950 RMB/tấn. Thậm chí, doanh số của một số nhà sản xuất P&B đã giảm 35% so với tháng trước, khiến các nhà máy sản xuất phải cắt giảm công suất hoặc ngừng máy.

Ngay cả phân khúc giấy tissue cũng gặp nhiều khó khăn. Giá giấy vệ sinh cuộn to đã giảm 500-600 RMB/tấn, xuống còn khoảng 5.500 RMB/tấn, buộc các nhà máy sản xuất tissue ở Baoding phải ngừng hoạt động.

Trong khi đó, giá giấy in viết không tráng (UFP) đang ở mức thấp nhất là 4.500 RMB/tấn và nhiều nhà máy UFP đang ngừng hoạt động do hàng tồn kho tăng cao.

Giá bột giấy gỗ mềm tẩy trắng (BSK) trước đây được duy trì ở mức 570-590 USD/tấn, cũng giảm 30 USD/tấn. Người mua đang trông chờ giá BSK giảm còn 550 USD/tấn. Hiện nay, một nhà sản xuất lớn của Canada đã bán BSK (NBSK) ở mức 580 USD/tấn. Các nhà cung cấp ở Scandinavia đã cắt giảm đáng kể khối lượng NBSK xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng cũng không ngăn được sự tuột giá của NBSK.

   >>> Châu Âu: Các nhà cung cấp chuẩn bị tăng giá bột giấy

Tuần trước, NBSK của Canada được bán với giá 570-580 USD/tấn, giảm 10-20 USD/tấn so với hồi đầu tháng 5. NBSK của Scandinavia đã giảm 10 USD/tấn, cũng chỉ còn 570-580 USD/tấn. Giá NBSK trung bình tại thị trường Trung Quốc giảm 10 USD/tấn, còn 575 USD/ tấn. Giá BSK của Nga đã giảm 10-20 USD/tấn xuống còn 560-580 USD/tấn.

Tình hình bột giấy gỗ cứng (BHK) còn tệ hơn do việc thông báo tăng giá bột BHK của Brazil thêm 30 USD/tấn, lên 480-490 USD/tấn vào tháng trước dường như đã phản tác dụng. Một số nhà cung cấp khác đã giảm giá xuống mức thấp nhất là 450 USD/tấn và nhiều nhà cung cấp từ Nam Mỹ bao gồm Brazil, cũng như từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Nam Phi, Nhật Bản và thậm chí là Thái Lan đã đề nghị một mức giả rẻ hơn. Tuần trước, giá BHK Nam Mỹ ở mức 450-490 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn. Giá bán lại giảm 80-120 RMB/tấn, chỉ còn 3.620-3.670 RMB/tấn, tương đương 433-439 USD/ tấn./.

Theo PPI Asia

Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu trang thiết bị y tế

Với sự tham dự của của gần 200 đại biểu đến từ cơ quan liên quan và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 3255/VPCP-KGVX, trong đó có giao Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, vật tư y tế tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng khẩu trang, vật tư y tế, kit xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước và xuất khẩu.

   >>> Bộ Công Thương nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thực hiện

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế của các nước, việc chung tay cùng đất nước phòng chống dịch hiệu quả là yêu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, chia sẻ tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế, lĩnh vực về quản lý rủi ro, hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế… cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mong muốn hội thảo này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định để sản phẩm sản xuất đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian dịch COIVD 19 và hướng tới phát triển bền vững.

Theo đại diện Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 diễn ra tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của Việt Nam và các quốc gia trên toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu về nhóm trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến. Đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm COVID-19.

Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, như: Khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%. Tuy nhiên, khi xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ chống dịch, doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn do tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn tại các quốc gia nhập khẩu (Mỹ, châu Âu) còn khác biệt khá lớn. Rất ít doanh nghiệp trong nước đạt được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu trang thiết bị y tế
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế của Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn tạm thời để hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất đáp ứng các yêu cầu cơ bản về tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.Theo đại diện Bộ Y tế, việc sản xuất các sản phẩm y tế đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là một yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển sản xuất trang thiết bị y tế một cách bền vững, tăng cường năng lực, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế để ngành hàng này phát triển bền vững, lâu dài.

Tại hội thảo các thông tin quan trọng cũng đã được đại diện của các bên chia sẻ và trao đổi nhằm tăng cường chất lượng, năng lực sản xuất và giải đáp, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 như: Giới thiệu Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung; quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19; các yêu cầu về chứng nhận, chất lượng cho hàng hóa nhập khẩu đối với thị trường Mỹ và Châu Âu; Các vấn đề thực trạng về chứng nhận FDA và CE tại Việt Nam; các yêu cầu xuất khẩu cho nhóm sản phẩm khẩu trang, găng tay y tế và quần áo bảo hộ…

Đại diện các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ những vấn đề khó khăn, thuận lợi trong việc sản xuất và xuất khẩu nhóm mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch; thảo luận với các chuyên gia, nhà quản lý làm rõ những vướng mắc để cùng đưa ra các biện pháp tháo gỡ./.

Theo Chính Phủ

Bộ Công Thương nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thực hiện

Theo đó, Hội đồng tư vấn, đánh giá đã nghiệm thu 05 nhiệm vụ KHCN gồm: “Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy” do KS. Triệu Hoàng Sơn làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu, tuyển chọn và đề xuất giải pháp bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy” do ThS. Phạm Văn Hải làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch Đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy” do ThS. Hà Ngọc Anh làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu chọn giống Bạch Đàn và Keo phục vụ ngành công nghiệp giấy” do ThS. Hoàng Ngọc Hải làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu tạo giá thể ruột bầu cho sản xuất cây giống nguyên liệu giấy” do ThS. Nguyễn Đức Thế làm chủ nhiệm.
Tại buổi nghiệm thu, sau khi TS. Dương Xuân Diêu – Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đọc Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN, các chủ nhiệm nhiệm vụ lần lượt trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Đối với nhiệm vụ “Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy”, nhóm nghiên cứu đã thực hiện lưu giữ và bảo tồn an toàn 231 mẫu giống cây nguyên liệu giấy dưới hình thức bảo tồn field gene bank; lưu giữ và bảo tồn an toàn 37 mẫu giống bạch đàn và keo dưới hình thức bảo tồn in vitro; lưu giữ và bảo tồn an toàn 15 mẫu giống cây nguyên liệu giấy dưới hình thức bảo tồn hạt giống.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu, tuyển chọn và đề xuất giải pháp bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy” đã thu thập được 03 mẫu giống Bạch đàn mới có các đặc tính quý phục vụ cho công tác chọn tạo giống cây nguyên liệu giấy, đã xác định kỹ thuật lưu giữ an toàn cho 37 nguồn gen và đã xây dựng quy trình lưu giữ in vitro cho 03 mẫu giống thu thập năm 2018.
KHCN giấy
Ruột bầu được sử dụng để sản xuất cây giống Keo lai BV10.
Trong năm 2019, nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch Đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy” đã xác định được một số yếu tố nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô và giâm hom 2 dòng Bạch đàn H1 và TTKT7; đồng thời xây dựng được 8 ha mô hình trồng 2 dòng bạch đàn này.
Với nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn giống Bạch Đàn và Keo phục vụ ngành công nghiệp giấy”, ngoài việc thu thập số liệu, đánh giá sinh trưởng cây tuổi 3 đã trồng thí nghiệm tại Bắc Giang, cây thí nghiệm tuổi 2 tại Bình Dương, nhóm nghiên cứu còn trồng mới được 2,5 ha rừng khảo nghiệm gồm 17 dòng Bạch đàn và 06 xuất xứ Keo tai tượng ở vùng Trung bộ (trên đất của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp, địa điểm tại xã Cam Hiếu, huyện Cam lộ, tỉnh Quảng Trị). Cây trồng đạt tỷ lệ sống >90%, được chăm sóc, bảo vệ tốt.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu tạo giá thể ruột bầu cho sản xuất cây giống nguyên liệu giấy” do ThS. Nguyễn Đức Thế làm chủ nhiệm đã nghiên cứu ảnh hưởng của loại giá thể đến sinh trưởng của cây giống Bạch đàn và Keo và ảnh hưởng của chế phẩm sinh học đến khả năng phân giải cellulo giá thể hữu cơ. Bên cạnh đó, nghiên cứu ảnh hưởng của cường độ nén đến khả năng lưu dẫn nước của giá thể hữu cơ; ảnh hưởng của liều lượng phân bón thúc đến sinh trưởng của cây giống Bạch đàn và Keo ươm nuôi trên bầu hữu cơ. Ngoài ra, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã nghiên cứu ảnh hưởng của lượng nước tưới đến tỷ lệ sống của cây giống Bạch đàn và Keo ươm nuôi trên bầu hữu cơ ở giai đoạn từ 1 – 10 ngày tuổi cũng như nghiên cứu ảnh hưởng của chu kỳ tưới nước đến tỷ lệ sống của cây giống Bạch đàn và Keo ươm nuôi trên bầu hữu cơ ở giai đoạn từ 1 – 10 ngày tuổi. Từ những kết quả này, đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ tạo giá thể thích hợp cho sản xuất giống cây nguiyeen liệu giấy. Từ giá thể tạo ra từ đề tài, đã sản xuất thử hơn 20.000 cây giống Bạch đàn đạt TCVN 11571-1:2006 và hơn 20.0000 cây giống Keo lai đạt TCVN 11570-2:2016. Đề tài cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tiến bộ kỹ thuật.
Đánh giá chung của Hội đồng nghiệm thu, các nhiệm vụ KHCN do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thực hiện năm 2019 đã triển khai đầy đủ các nội dung công việc, kết quả của các nhiệm vụ đều đạt mục tiêu đề ra; số lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm đều đạt và vượt so với hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Các thành viên trong Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy với kết quả xếp loại Đạt.
Thông tin thêm
Nhiệm vụ 1: “Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy”
Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Triệu Hoàng Sơn
Nhiệm vụ 2: “Nghiên cứu, tuyển chọn và đề xuất giải pháp bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy”
Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Phạm Văn Hải
Nhiệm vụ 3: “Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch Đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy”
Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Hà Ngọc Anh
Nhiệm vụ 4: “Nghiên cứu chọn giống Bạch Đàn và Keo phục vụ ngành công nghiệp giấy”
Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Hoàng Ngọc Hải
Nhiệm vụ 5: “Nghiên cứu tạo giá thể ruột bầu cho sản xuất cây giống nguyên liệu giấy”
Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Đức Thế
Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 đến tháng 12/2019
Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy

Voith cung cấp dây chuyền bột giấy tái chế cho Zhejiang Jingxing Paper tại Malaysia

Gói cung cấp bao gồm máy nghiền bột, hệ thống sàng và cô đặc hình đĩa, cũng như hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tự động hóa. Hai dây chuyền xử lý OCC có công suất kết hợp 2.400 tấn/ngày (khoảng 800.000 tấn/năm), dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2021.

Năm 2019, Zhejiang Jingxing đã đặt hàng hai máy sấy bột giấy tái chế từ nhà cung cấp Trung Quốc Weifang Hicredit, và một hệ thống cắt và đóng kiện bột giấy từ một nhà cung cấp Trung Quốc khác là Chaint Corporation, để xử lý bột giấy OCC thành các tấm bột khô.

   >>> CMPC đạt mức tăng giá bột BEK tại Trung Quốc và nỗ lực mở rộng ra các thị trường khác

Sản lượng bột giấy tái chế của nhà máy Selangor sẽ được chuyển đến Trung Quốc để cung cấp cho các công ty sản xuất giấy bao bì tại đó.

Ban đầu Zhejiang Jingxing dự định xây dựng nhà máy bột giấy tái chế 800.000 tấn/năm trong quý I năm 2020. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và quá trình cấp phép môi trường nên dự án đã chậm lại.

Zhejiang Jingxing paper có tổng sản lượng giấy bao bì tái chế khoảng 1,3 triệu tấn/năm công suất ván đóng gói tái chế tại nhà máy ở thành phố Pinghu, Zhejiang, Trung Quốc./.

Theo Fastmarkets RISI

Thống kê sản xuất và tiêu thụ giấy bao bì Mỹ tháng 4/2020

Trong đó tiêu thụ giấy bao gói & giấy bao bì đặc biệt của Mỹ tăng 5%, so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 3% so với bốn tháng của đầu năm 2019. Cùng với đó, AF&PA đã công bố số liệu hàng tháng về tình hình sản xuất giấy bao bì hòm hộp (containerboard) tháng 4 năm 2020.

   >>> AF&PA công bố khảo sát hàng năm về công suất giấy, bìa và bột giấy

Theo báo cáo, tổng sản lượng giấy bao bì hòm hộp tăng 7% so với tháng 4/2019 và tăng 7% so với bốn tháng đầu năm 2019.

Sản lượng giấy bao bì hòm hộp Mỹ tháng 4 năm 2020 tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 41% từ đầu năm đến nay.

Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy đạt 95,9%, tăng 5,2 điểm so với tháng 4 năm 2019 và tăng 5,6 điểm từ đầu năm đến nay.

Hàng tồn kho giấy bao bì hòm hộp vào cuối tháng 4 đã giảm 19.000 tấn thiếu so với tháng 3/2020 và tăng 28.000 tấn thiếu so với tháng 4/2019./.

Theo Pulpapernews

Kiểm tra, thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Đề tài do TS. Cao Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô làm chủ nhiệm.
Đoàn công tác do Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức với sự tham gia của đại diện Phòng Tài chính – Kế toán (Bộ Công Thương), tổ chuyên gia tư vấn bao gồm các chuyên gia đầu ngành về công nghệ giấy như TS. Vũ Thị Hồng Mận, PGS.TS Lê Quang Diễn, TS. Lương Chí Hiếu.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài, tổ chuyên gia tư vấn đã tiến hành xem xét thực tế hồ sơ thực hiện của nhiệm vụ.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng nội dung. Cụ thể, nhóm thực hiện đã xây dựng được 01 bộ dữ liệu về hiện trạng công nghệ – thiết bị và thực trạng việc ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy; 01 báo cáo đề xuất các định hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các hồ sơ tài chính cũng được đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra, qua đó một số vướng mắc, thiếu sót đã được giải quyết, tháo gỡ kịp thời.
Phát biểu kết luận, thay mặt đoàn kiểm tra, TS. Vũ Thị Hồng Mận – Tổ trưởng tổ chuyên gia đánh giá Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thực hiện bám sát nội dung, đúng tiến độ của đề tài theo hợp đồng và thuyết minh được duyệt. TS. Vũ Thị Hồng Mận ghi nhận những cố gắng, nỗ lực, tinh thần làm việc của nhóm nghiên cứu trong việc triển khai đề tài, góp phần tạo cơ sở cho các cơ quan quản lý về công nghệ – thiết bị ngành giấy, kiểm soát các công nghệ lạc hậu, tạo một thị trường giấy phát triển bền vững.
Thay mặt nhóm thực hiện, TS. Cao Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Chủ nhiệm nhiệm vụ cảm ơn đoàn công tác Bộ Công Thương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Viện hoàn thành nội dung công việc theo tiến độ, đạt chất lượng tốt nhất. TS. Cao Văn Sơn cũng chân thành cảm ơn Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp trong kiểm tra, giám sát thường xuyên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo theo góp ý của tổ chuyên gia trước khi nghiệm thu theo quy định./.
Thông tin thêm
Tên nhiệm vụ: Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Thuộc: Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Cao Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Trung Quốc: các công ty mở rộng sản xuất giấy tissue

Đầu tháng 5/2020, Công ty Henan Hulijia Industry đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm trên hai máy TM5 và TM6 sản xuất giấy tissue, công suất 20.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Zhoukou, tỉnh Hà Nam. Hai máy TM5 và TM6 đều do nhà chế tạo Trung Quốc Shanghai Qingliang Industry cung cấp. Mỗi máy có khổ giấy sau khi cắt biên là 2,85 m và tốc độ thiết kế đạt 1.400 m/phút.

   >>> Dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại

Còn công ty Tangshan Meitehao đã đặt hàng hai PM sản xuất giấy tissue mới từ nhà chế tạo và cung cấp Baotuo Paper Machinery Engineering, tổng công suất 50.000 tấn/năm cho nhà máy tại thành phố Qian’an, tỉnh Hà Bắc. Mỗi máy có công suất 25.000 tấn/năm, có khổ giấy sau khi cắt biên 3,55m và tốc độ thiết kế đạt 1.300 m/phút. Hiện tại nhà máy Qian’an vận hành hai PM sản xuất giấy tissue tương tự, được đưa vào vận hành từ năm 2019.

Cùng với đó, công ty IT Tech Packaging, trước là Orient Paper, xây dựng PM10 sản xuất giấy tissue công suất 15.000 tấn/nămtại nhà máy ở thành phố Xingtai, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Máy được đặt hàng từ nhà chế tạo và cung cấp Trung Quốc, Shanghai Qingliang Industry, có khổ giấy sau khi cắt biên là 2,85m và tốc độ thiết kế đạt 1.200 m/phút. Dự kiến, máy khởi chạy vào năm 2021./.

Theo PPI Asia

Châu Âu: Các nhà cung cấp chuẩn bị tăng giá bột giấy

Các nhà sản xuất bột gỗ mềm và cả bột gỗ cứng đều đang dự kiến thông báo tăng giá trong tháng 5, khi mà mức độ tồn kho được cải thiện, nhu cầu tăng ổn định, nhất là trong phân khúc giấy tissue. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra cho các nhà cung cấp sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của phân đoạn giấy in, viết (P & W), sự bùng nổ của tissue sẽ chấm dứt và các dấu hiệu cảnh báo từ thị trường Trung Quốc. Với tình hình thị trường khó khăn và không chắc chắn chung, nên các nguồn tin cho biết mức tăng thực tế sẽ không đạt được đầy đủ như mức công bố.

   >>> AF & PA công bố khảo sát hàng năm về công suất giấy, bìa và bột giấy

Ở phân khúc bột gỗ mềm tẩy trắng phía bắc (NBSK), sau khi đạt mức tăng giá trong tháng Tư, các nhà cung cấp mong muốn tiếp tục tăng giá trong tháng 5 với mong muốn thông báo mức tăng lần lượt là 40 USD/tấn và 50 USD/tấn. Giá chuẩn bột NBSK vào tháng 4/2020 đã đạt 840-860 USD/tấn. Mọi diễn biến của thị trường Trung Quốc sẽ là căn cứ tính toán cho sự thay đổi và phát triển tiếp theo ở thị trường châu Âu.

Theo PPI Europe, giá NBSK của Canada tại Trung Quốc đã giảm 10 USD/tấn vào đầu tháng 5, trong khi giá bột BSK của Nga đã ổn định và người bán NBSK ở Scandinavi đã cố gắng thực hiện một phần tăng 20 USD/tấn và nâng giá tại Trung Quốc thêm 10 USD/tấn. Sau nhiều tháng chờ đợi và giá cả ổn định, các nhà sản xuất bột giấy bạch đàn tẩy trắng (BEK) hiện đang theo đuổi mức tăng 30 USD/tấn, nếu thành công, sẽ đưa mức chuẩn cho sợi ngắn lên 710 USD/tấn ở châu Âu.

Hiện nay, nhu cầu bột gỗ cứng thực sự ổn định và chính là nhờ vào mức sản xuất và tiêu thụ của giấy tissue. Nhưng khả năng kéo dài mãi phân đoạn này là không khả quan, nhất là nhu cầu bột gỗ cứng tại Trung Quốc đang chững lại, không còn tăng mạnh như giai đoạn cuối tháng 4/2020./.

Theo PPI Europe

AF&PA công bố khảo sát hàng năm về công suất giấy, bìa và bột giấy

Cụ thể, công suất giấy tissue tăng 0,6%, và có xu hướng tăng trưởng trong 10 năm, từ 2010-2019. Trong giai đoạn 2019-2020, 7 máy sản xuất giấy tissue mới đã hoặc sẽ được khởi động, nâng mức công suất dự đoán sẽ vượt xa xu hướng tăng trưởng, tăng 3,5% vào năm 2020.

   >>> Diễn biến tăng giá đột biến của OCC và SOP tại Mỹ

Tỷ lệ công suất của giấy các loại giảm từ 44% trong năm 2009 xuống còn 34% vào năm 2019. Nguyên nhân là công suất giấy in viết và giấy in báo tiếp tục giảm, một số nhà máy bị đóng cửa hoặc chuyển đổi sản xuất giấy bao bì hòm hộp và giấy đóng gói.

Công suất của giấy bao bì hòm hộp tăng 1,5%, đạt mức kỷ lục 40,3 triệu tấn, chiếm 48,6% công suất giấy và bìa của Mỹ trong năm 2019, tăng từ 39,3% trong năm 2009. Đây cũng đánh dấu mốc lần tăng công suất sản xuất giấy bao bì hòm hộp lần thứ 9 liên tiếp của Mỹ.

Báo cáo bao gồm dữ liệu về công suất của tất cả các loại giấy, bìa và bột giấy chính trong ngành công nghiệp giấy Mỹ năm 2019 và 2020. Bên cạnh đó, báo cáo còn có mức tiêu thụ xơ sợi dựa trên khảo sát toàn diện hơn 300 nhà máy bột giấy và giấy của Mỹ được thực hiện trong tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2020. Dữ liệu khảo sát bao gồm các câu trả lời từ các công ty đại diện cho khoảng 87% công suất ngành giấy và bìa của Mỹ.

Theo Pulpapernews