Dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại

4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,7 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với thị phần chiếm 15,7% tổng kim ngạch của cả nước (sau thị trường Mỹ với thị phần 24,9%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 22,38 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất khi chiếm thị phần 28,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Sau 4 tháng, thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc giảm xuống mức 9,68 tỷ USD so với con số hơn 12 tỷ USD của 4 tháng đầu năm 2019 (giảm gần 2,7 tỷ USD)

Dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại
Việc mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc giúp gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều

Bên cạnh đó, trong khi dịch Covid-19 khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại thì kết nối trực tuyến là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngày 21/4/2020, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây – Trung Quốc tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam- Trung Quốc (Quảng Tây). Hội nghị có sự kết nối và tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trong đó có 35 doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép mở lại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (Lạng Sơn); cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long (Quảng Ninh).

   >>>Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở lại cửa khẩu phụ, lối mở với Trung Quốc

Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng cũng cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chủ động mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn theo các nguyên tắc: Các cửa khẩu phụ, lối mở đã đáp ứng đủ quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Việc mở lại các cửa khẩu này đã, đang và sẽ giúp thương mại Việt Nam – Trung Quốc khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Theo Công Thương

Trung Quốc cấp giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi lần thứ 7 trong năm 2020

   >>> Diễn biến tăng giá đột biến của OCC và SOP tại Mỹ

Giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi lần thứ 7 được cấp cho 8 nhà máy nằm tại tỉnh Shandong. Shandong Century Sunshine Paper và công ty con Numat Paper được cấp hạn ngạch lớn nhất tới 37.910 tấn.

Như vậy sau bảy lần cấp phép trong năm 2020, tổng hạn ngạch được cấp đến nay đã đạt 4,57 triệu tấn – giảm 45% so với 8,23 triệu tấn cùng kỳ hạn ngạch năm 2019.

Đầu tháng 5/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc Vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn sửa đổi luật liên quan đến chính sách quản lý chất thải rắn, nhằm chính thức hóa quy định ngừng nhập khẩu chất thải rắn, bao gồm cả RCP trong năm 2020./.

Theo Fastmarkets RISI

 

 

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai

Theo quy định tại Điều 7 Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức rộng rãi trong toàn quốc nhằm tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu của KH&CN đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai…

Các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm nay được tổ chức tiết kiệm, thiết thực, quán triệt thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức trực tuyến các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2020.

   >>> Tiên phong ứng dụng công nghệ vật liệu trong công nghiệp bao bì tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm

Theo đó, Bộ KH&CN tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo; thông tin về các thành tựu KH&CN nổi bật phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành và địa phương và những đóng góp thiết thực của ngành KH&CN phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; phổ biến về Chỉ thị số 01/CT-BKHCN ngày 21/4/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc nâng cao năng lực KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19; giới thiệu về chính sách, pháp luật KH&CN mới được ban hành và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Các hoạt động chào mừng trước và sau Ngày KH&CN Việt Nam sẽ được tổ chức thông qua các hình thức tin, bài, phóng sự, phim tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức triển lãm sáng tạo của sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ của các viện, trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp; phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp; tổ chức ngày hội trí tuệ Việt Nam bằng hình thức trực tuyến; lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu; trao giải thưởng báo chí về KH&CN…

Khoa học, công nghệ và đổi mới KH&CN sáng tạo kiến tạo tương lai

Đồng thời, tổ chức các chương trình gặp gỡ, giao lưu trực tuyến giữa các nhà quản lý KH&CN, nhà khoa học với học sinh, sinh viên, nhà sáng chế trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các tầng lớp trí thức, nhà khoa học tiêu biểu thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương trực thuộc; giới thiệu các thành tựu KH&CN, trình diễn các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam trên trang, cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp.

Nhằm hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2020, Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 3206/BCT-KHCN về việc tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức trực tuyến các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN năm 2020; treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng; phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, tổ chức khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhân Ngày KH&CN Việt Nam; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật KH&CN, thành tựu KH&CN nổi bật, trình diễn các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam…

Khoa học, công nghệ và đổi mới KH&CN sáng tạo kiến tạo tương lai

Có thể nói, trong thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp cụ thể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện qua đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2%… Đặc biệt, ngành KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; triển khai theo quy trình đặc biệt các nghiên cứu về dịch tễ học, phác đồ điều trị, chế tạo robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về virus SARS- CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch.

Đồng thời, phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế; huy động hiệu quả mạng lưới đại diện KH&CN tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ và sản phẩm phòng, chống dịch; thúc đẩy hợp tác công – tư trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.

Trong giai đoạn tới, ngành KH&CN tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba” nhằm duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi; đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Theo Công Thương

Lãi suất huy động quá cao

Đây là lần giảm thứ hai điều hành và trần lãi suất huy động trong vòng 2 tháng qua, với mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay, giúp giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng mức lãi suất huy động hiện nay quá cao, cần giảm thêm mới có thể giảm được lãi suất cho vay.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn không giảm nhiều do đã áp dụng mức lãi suất thấp từ trước. Tại Vietcombank lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng ở mức 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức trần 4,25%/năm. BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng chỉ còn 4%/năm. Chỉ có kỳ hạn 3 tháng trở lên lãi suất mới ở mức trần 4,25%/năm.

Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất 4,25%/năm được áp dụng từ kỳ hạn 1 tháng nếu gửi số tiền lớn. Nếu gửi số tiền nhỏ, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng dao động từ 4,1-4,2%/năm. Các ngân hàng nhỏ áp dụng lãi suất trần 4,25%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng.

Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức trên 6,5%/năm, thậm chí 7%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng có vốn nhà nước có lãi suất thấp hơn 1-1,5% tùy kỳ hạn, dao động từ 5,1-6,8%/năm.

Trong thực tế, không chỉ áp dụng lãi suất cao cho kỳ hạn trên 6 tháng, nhiều người gửi tiền cho biết nếu gửi số tiền lớn, khoảng vài tỉ đồng, có thể thỏa thuận mức lãi suất cao hơn thông qua hình thức mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhưng có thể linh hoạt rút ra mà vẫn được hưởng nguyên lãi suất.

Với mức lãi suất tiền gửi như trên, để đảm bảo chi phí kinh doanh và lợi nhuận của hoạt động ngân hàng, theo các chuyên gia, lãi suất cho vay trung và dài hạn đến tay khách hàng phải cộng thêm 2-2,5%/năm nữa, tức là 8,5-10%/năm, thậm chí cao hơn.

Cấp bách giảm lãi suất cho vay

Theo các chuyên gia, ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, nhu cầu vay thấp cũng thúc lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, cần phải thêm thời gian, lãi suất cho vay mới có thể giảm.

Mặt khác, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, muốn kéo lãi suất giảm, phải giữ lạm phát ở mức thấp. Nếu muốn có mức lãi suất cho vay dài hạn ở mức 6%/năm, lạm phát cần giữ mức khoảng 2%. “Với mức lạm phát này, lãi suất huy động khoảng 3% và cộng 2-3% cho các chi phí kinh doanh, lợi nhuận của ngân hàng, mặt bằng lãi suất mới giảm đáng kể được” – ông Hiếu nói.

Theo ông Ngô Đăng Khoa – giám đốc toàn quốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC VN, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, cộng với việc ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục duy trì mức lãi suất điều hành thấp kỷ lục.

Bên cạnh đó, quý 2-2020 được dự báo nhiều biến động tiêu cực. Doanh thu từ dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Số liệu xuất khẩu dù tích cực trong quý 1 cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn từ tháng 4. Doanh số bán lẻ giảm 26% so với cùng kỳ 2019 cũng cho thấy mức tiêu thụ cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy phải cấp bách giảm thêm lãi suất.

Đừng lo tiền chảy vào vàng, USD

Để kéo giảm lãi suất cho vay, trở ngại lớn nhất là ngân hàng vẫn loay hoay kéo giảm lãi suất huy động. Nhiều chuyên gia cho rằng tâm lý chung của người gửi tiền là lãi suất phải thực dương (tức lãi suất tiền gửi phải cao hơn mức lạm phát). Đã từ lâu, có tâm lý cho rằng nếu gửi tiết kiệm không có lợi, người dân sẽ xoay qua kênh đầu tư khác, trong đó có vàng, USD…

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Phước – nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, quan điểm này chỉ phù hợp với nhiều năm trước. Nay tình hình đã rất khác, cả trong và ngoài nước. Trong nước, đã qua rồi thời kỳ lạm phát cao.

Trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang nghiên cứu áp dụng lãi suất đồng USD ở mức âm, nên không lo ngại về việc USD tăng giá và người dân chuyển vốn qua USD hay vàng. Với cả hai kênh USD và vàng, các ngân hàng không còn được phép huy động và cho vay, thị trường vàng từ sau nghị định 24 đã kém sôi động nên việc rót vốn vào vàng lúc này khá mạo hiểm.

Nếu hướng người dân rót tiền vào chứng khoán sẽ có lợi cho nền kinh tế. Sau khi bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, VN đã tạo lòng tin rất lớn, có điều kiện phục hồi kinh tế sớm hơn các nước khác và đang chuẩn bị đón dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường khác. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt kỳ vọng rất lớn nên chứng khoán Việt Nam cũng đã bắt đầu hồi phục.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động, cho vay. Tại Việt Nam những năm gần đây lạm phát cơ bản dưới 3%, lạm phát chung dưới 4% nên lãi suất huy động chỉ cần 3-4%/năm là đã cơ bản hợp lý.

“Việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, tăng đầu tư, tạo công ăn việc làm, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Cũng không lo người dân không gửi tiền mà chuyển qua kênh đầu tư khác, ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng vì song song với giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng nhiều công cụ điều hành khác để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng” – ông Ngân nói.

Lạm phát thấp, cớ sao lãi suất tiết kiệm lại cao?

Ông Trương Văn Phước cho rằng từ 31-12-2019 đến 30-4-2020 lạm phát âm 1,21%. Từ nay đến cuối năm nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đang hỗ trợ VN duy trì lạm phát ở mức thấp, dự báo khó vượt qua mức 2,8%. Đây chính là nhân tố giúp lãi suất huy động có thể thấp xuống.

“Trong điều kiện hiện nay, việc áp trần lãi suất ngắn hạn ở mức 4,25%/năm là hợp lý nhưng về lâu dài có thể nghiên cứu việc áp trần lãi suất cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Ngân hàng trung ương các nước đã hạ lãi suất xuống mức rất thấp để kích thích kinh tế sau đại dịch. VN cũng nên nghiên cứu nhưng vẫn phải đảm bảo chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đầu vào – đầu ra”, ông Phước gợi ý.

Theo Tuổi Trẻ

Ngành công nghiệp giấy Malaysia trở lại hoạt động trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu RCP

Mặc dù trước khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các nhà máy sản xuất giấy bao bì và nhà máy bột giấy tái chế vẫn được phép hoạt động nhưng bị hạn chế về công suất và số lượng công nhân tập trung. Đến nay, các quy tắc về giãn cách xã hội vẫn có hiệu lực đối với mọi người, nhưng hạn chế về sản xuất và nhân sự đối với các nhà máy bột giấy tái chế đã được dỡ bỏ hoàn toàn.Tuy nhiên, chi phí giá tăng cao và sự thiếu hụt nguồn cung giấy thu hồi (RCP) đang gây tổn hại cho hoạt động của các công ty.

Hiện nay các nhà sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi của Malaysia đang vận hành với tỷ lệ công suất thấp khoảng 50%. Họ đang hy vọng có thể tăng sản lượng vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Tỷ lệ hoạt động thấp là vấn đề đối với các công ty này, vì để cần hòa vốn thì tỷ lệ hoạt động phải bảo đảm từ 70% công suất trở lên. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của giấy bao bì hiện nay tại Malaysia vẫn ở mức thấp và các công ty này cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu RCP nghiêm trọng vì thu gom trong nước bị giảm mạnh kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu ban hành.

   >>> Sun Paper mở rộng đầu tư các dây chuyền mới

Chẳng hạn như Công ty Pascorp Paper’s Bentong phụ thuộc rất nhiều vào RCP được thu gom trong nước. Mặc dù lệnh phong tỏa đã dỡ bỏ từ 4/5/2020, nhưng tỷ lệ thu gom vẫn còn rất thấp.

Trong khi đó, nguồn RCP nhập khẩu vào Malaysia đang gặp nhiều khó khăn, giá tăng cao, các nhà cung cấp trì hoãn việc giao hàng do giá liên tục thay đổi, vấn đề logistics tại các cảng và số lượng container còn trống hạn chế cũng làm khó khăn thêm cho việc nhập khẩu RCP vào Malaysia./.

PPI Pulp & Paper Week

Đề xuất điều kiện cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Cụ thể, điều kiện cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gồm:

1- Đủ 18 tuổi trở lên và có hành vi dân sự đầy đủ; 2- Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc và có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; 3- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; 4- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam; 5- Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài; 6- Không được sử dụng thị thực du lịch ký hiệu “DL” theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp đặc biệt thì phải lấy ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo dự thảo, thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 2 năm:

1- Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết; 2- Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam; 3- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài; 4- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài; 5- Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ; 6- Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; 7- Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó; 8- Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam; 9- Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo quy định; 10- Thời hạn của hộ chiếu.

Trình tự cấp giấy phép lao động

Dự thảo nêu rõ, trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động từ nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức thực hiện hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động phải gửi bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó.

Theo Chính phủ

Sun Paper mở rộng đầu tư các dây chuyền mới

Bột giấy kraft gỗ mềm của nhà máy sẽ được trộn với bột tái chế làm nguyên liệu sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế tại nhà máy Zoucheng. Hiện nay công ty Sun Paper sở hữu bốn BM, có công suất 400.000 tấn/năm. Trong đó, một dây chuyền đã chuyển sang sản xuất giấy in viết chất lượng cao không tráng phủ (UFP) từ năm 2019.

   >>> Diễn biến tăng giá đột biến của OCC và SOP tại Mỹ

Năm 2018, công ty đã mở rộng công suất sản xuất bột bán hoá thêm 400.000 tấn/năm nhằm cung cấp bổ sung nguồn xơ sợi cho các BM ở nhà máy Zoucheng.

Tại Lào, công ty đang vận hành một dây chuyền sản xuất bột giấy tái chế, công suất 400.000 tấn/năm để xử lý OCC nhập khẩu từ Mỹ nhằm xuất khẩu bột tái chế về lại trong Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Sun Paper cũng đang xúc tiến các dự án mở rộng quy mô sản xuất.

Công ty đang lắp đặt một máy sản xuất UFP, công suất 450.000 tấn/năm tại một nhà máy mới ở Yandian, thành phố Yanzhou, dự kiến sẽ khởi chạy vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, công ty cũng đang xây dựng một máy sản xuất giấy đặc biệt không tráng phủ, công suất 70.000 tấn/năm tại nhà máy Yandian, dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2020.

Ngoài ra, Sun Paper còn đặt mua một máy UFP công suất 500.000 tấn/năm và một lò hơi thu hồi cho một nhà máy ở Beihai, Quảng Tây, Trung Quốc, dự kiến khởi chạy vào năm 2021./.

PPI Pulp & Paper Week

 

Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở lại cửa khẩu phụ, lối mở với Trung Quốc

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi các bộ: Công Thương, Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế; UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên về việc mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc nhằm khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép mở lại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng theo đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn; cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng cũng cho phép UBND các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để chủ động mở lại theo các quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, quy định về hoạt động thương mại biên giới.

Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện vận tải tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản khác có liên quan, được chính quyền địa phương hai bên thống nhất. Lãnh đạo Chính phủ lưu ý phải đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy hải sản xuất khẩu của ta và hàng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đã được chính quyền địa phương hai bên thống nhất được phép mua bán, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa.

“UBND các tỉnh biên giới phía Bắc chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện, đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền”- văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Theo Người Lao động

Trung Quốc thử nghiệm tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số, hàm ý chính sách đối với Việt Nam thế nào?

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nhanh liên quan đến động thái thử nghiệm tiền Nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số.

Bản chất, lợi ích và ý nghĩa của việc thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số của Trung Quốc

Sau gần 2 năm công bố chính thức về nghiên cứu đồng NDT kỹ thuật số, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số (gọi tắt là DCEP) từ đầu tháng 5/2020. Đây được coi là giai đoạn 1- giai đoạn thử nghiệm trong lộ trình 3 giai đoạn triển khai DCEP. Theo đó, NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ hợp tác với 7 tổ chức ngân hàng – công nghệ để thực hiện thử nghiệm trong quy mô nhỏ, thí điểm tại 4 thành phố: Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Bảo Định từ ngày 4/5/2020; và chưa rõ thời gian thí điểm sẽ bao lâu. Một số công ty nước ngoài như Starbucks, McDonald’s và Subway được cho là sẽ tham gia thử nghiệm.

Về bản chất, DCEP là đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (CBDC), trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kỹ thuật số, là một dạng tiền pháp định được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi NHTW Trung Quốc (thông qua giá trị đồng NDT). DCEP được coi là phiên bản nâng cấp của NDT tiền mặt với nhiều chức năng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của NHTW trong nền kinh tế số. DCEP được vận hành như tiền giấy thông thường, chỉ khác là tồn tại dưới dạng kỹ thuật số trong ví điện tử được NHTW Trung Quốc công nhận.

Về lợi ích và tác động dài hạn của DCEP: với nền tảng công nghệ Blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của NHTW, 6 lợi ích nổi bật của DCEP gồm: (i) Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt (chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, lây lan dịch bệnh…); (ii) Nâng cao vị thế đồng NDT, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng tiền này, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD;

(iii) Nâng cao hiệu quả  thực thi chính sách tiền tệ và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính (do trong tầm kiểm soát); (iv) Hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế (thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số); (v) Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; (vi) Tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn…v.v.

TS. Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

Ý nghĩa của việc thử nghiệm DCEP đối với Trung Quốc: việc sớm đưa vào thử nghiệm đồng DCEP có 6 ý nghĩa nổi bật đối với Trung Quốc, đó là: (i) Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc đưa đồng DCEP trở thành đồng tiền KTS có chủ quyền, có kiểm soát đầu tiên trên thế giới; (ii) Khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc đối phó với các loại tiền ảo hay tiền kỹ thuật số ẩn danh như Bitcoin, Litecoin, đặc biệt đồng Libra (do Facebook đang khởi xướng) … có thể đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính Trung Quốc và toàn cầu; (iii) Là sáng kiến hợp tác công – tư; theo đó việc hợp tác với các tổ chức thanh toán lớn và uy tín của Trung Quốc như Alipay, Tencent để phát triển các chức năng tương tự các nền tảng thanh toán trực tuyến hiện có sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng mức độ phổ cập cho người dân (kể cả những người chưa tiếp cận tài chính chính thức, chưa có tài khoản ngân hàng, buôn bán nhỏ lẻ tại các miền quê…);

(iv) Bắt đầu với các giao dịch giá trị nhỏ trong giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, du lịch, khách sạn…sau đó từng bước mở rộng giá trị và phạm vi giao dịch để không gây xáo trộn hệ thống thanh toán; (v) Hướng tới xã hội không tiền mặt đầu tiên trên thế giới hậu Covid-19, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh do lưu thông tiền tệ truyền thống (tiền mặt, coin…); (vi) Do đồng DCEP là tiền kỹ thuật số, “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, có thể tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh; theo đó, NHTW Trung Quốc có thể áp dụng lãi suất âm để kích thích tăng trưởng ngay cả khi đồng DCEP được sử dụng rộng rãi và người dân không gửi tiền trong ngân hàng.

Rủi ro, thách thức khi Trung Quốc dùng DCEP

Năm hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Với lợi ích và xu thế phát triển tiền kỹ thuật số của NHTW và Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này, đã đến lúc NHTW các nước cần nghiêm túc coi đây là một việc mang tầm chiến lược. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, có ít nhất 5 hàm ý chính sách quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ nhất, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước về việc xây dựng lộ trình phát hành CBDC (nếu có) phù hợp với Việt Nam: thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát hành DCEP từ năm 2014 và thực hiện nhất quán việc triển khai bất chấp các quan điểm khác nhau, trái ngược của các quốc gia, tổ chức quốc tế. Kế hoạch nên được xây dựng với lộ trình, nội dung cụ thể, chi tiết về đơn vị đầu mối chính, cơ chế vận hành, thời gian thử nghiệm, chính thức…v.v. Một điểm cốt yếu cần lưu ý là cần có cách tiếp cận mở song vẫn kiểm soát được rủi ro.

Thứ hai, đánh giá tác động của việc Trung Quốc triển khai đồng DCEP và các nước phát hành đồng tiền kỹ thuật số khác sau này để có thể: (i) xác định phương án tham gia và thái độ chấp nhận phù hợp (nếu được mời); (ii) đánh giá tổng thể, bài bản, thường xuyên về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư (FDI, FII) của Trung Quốc để có kế hoạch, kịch bản ứng phó khi đồng DCEP được Trung Quốc sử dụng rộng rãi, trong cả thanh toán và đầu tư quốc tế; và (iii) xây dựng kế hoạch ứng phó với sự phát triển của đồng DCEP trong thanh toán biên mậu và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ ba, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới xã hội không tiền mặt, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bắt kịp xu thế thế giới: (i) Việt Nam cần sớm ban hành “Chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia“; ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (đã áp dụng từ năm 2016); (ii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm – sandbox) đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, Fintech, mobile money, cho vay ngang hàng….v.v.; (iii) Thực hiện tốt cấu phần giáo dục tài chính trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (qua kênh Mobile như một số quốc gia đang thực hiện; nên quy định giáo dục tài chính cá nhân như là môn học bắt buộc từ bậc phổ thông trung học) từ đó hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ tư, nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số: (i) Nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS), cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được tiếp cận RGTS, tiến tới cho phép tiền kỹ thuật số được tích hợp một cách hiệu quả vào hệ thống thanh toán quốc gia; (ii) Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; (iii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Cuối cùngtăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý đồng tiền DCEP của Trung Quốc và tiền kỹ thuật số nói chung: (i) NHNN chủ động phối hợp với NHTW các quốc gia và các tổ chức quốc tế nghiên cứu, chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số nói chung và tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành nói riêng; (ii) NHNN và các tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số cần phối hợp tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, chống trốn thuế; nghiên cứu cơ chế lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với qui định của Việt Nam và pháp luật quốc tế; và (iii) Tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập, an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia.

TheoCafeF