Thủ tướng muốn nâng gói hỗ trợ tài khóa từ 30.000 tỉ lên 150.000 tỉ đồng

Gói hỗ trợ tín dụng không chỉ 250.000 tỉ đồng mà phải cao hơn, gói kích thích tài khóa tăng lên 150.000 tỉ đồng, đồng thời tính toán giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, có gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Dẫn lại kết quả cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới (62%), Thủ tướng nhìn nhận điều này cho thấy sự đồng tâm, hiệp lực trong cuộc chiến chống COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, làm sao trong 15-20 ngày tới, có thể trong vòng 1 tháng không để dịch bùng nổ nặng nề ở Việt Nam”.

Với chủ trương cách ly xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đây không phải là chuyện “ngăn sông, cấm chợ”, không phải ngăn cấm giao thông, không phải hạn chế sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng mà quan trọng là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động.

Về triển khai công việc quý II, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải lo cho an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như lao động bị mất việc, người nghèo… Bên cạnh đó, cần quan tâm bảo đảm an ninh trật tự cho người dân.

Về gói hỗ trợ, Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ, nhưng Thủ tướng cho rằng gói hỗ trợ này không chỉ 250.000 tỉ đồng mà cần cao hơn nữa.

Đồng thời cần kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công, không phải chỉ 30.000 tỉ đồng mà nâng lên 150.000 tỉ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

thủ tướng muốn nâng gói hỗ trợ

Đồng thời cần hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.

“Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khỏe nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Định hướng tới đây, Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi, sớm có kịch bản điều hành không để bị động; bảo đảm thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.

Kiên quyết giảm giá thịt heo, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu. Đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch COVID-19.

Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ Internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.

Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỉ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỉ đồng.

Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.

Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ nêu trên.

Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng, bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực.

Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Theo Tuổi trẻ

Valmet cung cấp giải pháp công nghệ tại Ấn Độ

Tại Ấn Độ, Valmet cũng sẽ cung cấp giải pháp công nghệ cho các dây chuyền mới sản xuất giấy bao bì hòm hộp của các nhà máy Sri Andal Paper tại Tamil Nadu, Ấn Độ. Tổng giá trị hợp đồng công nghệ ước tính khoảng 15 triệu Eur, sẽ được khởi chạy trong nửa đầu năm 2021.

Dây chuyền sản xuất giấy lớp lót tái chế, giấy lớp sóng tái chế, giấy kraft lớp mặt, với khổ rộng lưới 4,8m, dải định lượng cơ bản 70-300 g/m2.

Tốc độ thiết kế của máy đạt 750 m/phút và công suất 200.000 tấn/năm.

Gói cung cấp của Valmet sẽ gồm ba thùng đầu OptiFlo Foudrinier, hệ thống ép đồng cấp OptiPress Linear có hiệu suất vận hành và ép bỏ nước cao, cùng với một máy ép gia keo OptiSizer Film và hệ thống cấp keo.

Gói tự động hóa gồm hệ thống tự động Valmet DNA, điều khiển và giám sát quy trình vận hành. Gói giải pháp quản lý chất lượng Valmet IQ, thiết bị đo quét, điều khiển và giám sát chất lượng theo chiều ngang của giấy và các tài liệu đi kèm./.

Theo RISI – VPPA dịch

Cần xem lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp

Sau ý kiến của ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, nhiều ý kiến cũng cho rằng tình hình đã khác xa trước, nên xem lại các gói hỗ trợ đã công bố.

Cuối tuần qua, Cục Thuế TP.HCM có đề nghị khá lạ với UBND TP, đó là TP kiến nghị bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM để doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đủ điều kiện hưởng hỗ trợ thuế.

Chi cục thuế cũng vướng

Lý do, các chính sách hỗ trợ giãn, miễn tiền chậm nộp mà Tổng cục Thuế đưa ra tại công văn 897 chỉ có thể áp dụng với điều kiện vùng có dịch.

Còn TP.HCM dù có nhiều ca dương tính với COVID-19 nhưng chưa được công bố dịch bệnh nên doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch tại TP.HCM cho biết: rất khó khăn khi làm hồ sơ. Để được gia hạn nộp thuế phải nằm trong khu vực bị tuyên bố có dịch hay “bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ”.

Doanh nghiệp còn phải có biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất bị thiệt hại, phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi bị sụt giảm, thậm chí không có doanh thu. Nhưng đây có được coi là bị thiệt hại vật chất hay không? Chưa kể khi chúng tôi xin xác nhận nhưng chính quyền địa phương không biết căn cứ vào đâu để xác nhận”, đại diện doanh nghiệp này nói và cho hay cơ quan thuế đã miễn cưỡng nhận đơn nhưng khuyên… chờ nghị định. Trong khi đó, doanh nghiệp đã chịu thiệt hại 2 tháng qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chi cục thuế cũng xác nhận thực tế trên. Các chi cục thuế này cho biết ngày 27-3, Tổng cục Thuế có công văn 1307 cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất và cho biết nghị định này sẽ sớm được Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký nên đến nay cơ quan thuế vẫn… chờ.

Ông Nguyễn Văn Thức, phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán Đông Nam Á, cho rằng doanh nghiệp có cảm giác là hướng dẫn hỗ trợ cho có, chứ doanh nghiệp khó với tới. Nhất là điều khoản yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận thiệt hại.

Cân nhắc giảm thuế chứ không chỉ giãn

Ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, cho biết Nhà nước đã phát tín hiệu những gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch COVID-19 nhưng việc triển khai có vẻ vẫn là chặng đường dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp lại rất gấp.

Nhiều doanh nghiệp nói đã nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc gia hạn nộp thuế thêm 5 tháng, nhưng cái doanh nghiệp cần hơn là được giảm thuế để có thể dùng phần tiền đó duy trì hoạt động của công ty.

Theo ông Dương Hồng Phúc, phó giám đốc Công ty Kim Travel, nhìn vào cách hướng dẫn gia hạn, miễn tiền nộp chậm thuế của cơ quan thu, doanh nghiệp tự hiểu gần như không nhiều hi vọng sẽ tiếp cận được chính sách hỗ trợ.

“Cơ quan thuế có thể chia ngành nghề, lĩnh vực bằng bảng khảo sát kê khai mức độ thiệt hại của dịch chia thành từng lĩnh vực. Doanh nghiệp năm ngoái đóng thuế 100 triệu đồng, năm nay doanh thu sụt giảm 80% thì giảm mức đóng thuế tương ứng, việc gia hạn cũng chỉ cần nói rõ 6 tháng hay một năm, hay sau dịch bao lâu. Đừng bắt doanh nghiệp thêm thủ tục giấy tờ nào lúc này nữa”, ông Phúc đề xuất và nhấn mạnh “gói hỗ trợ không được để lâu, chính sách và tiền hỗ trợ cần được đến với doanh nghiệp kịp thời, tránh tâm lý xin – cho”.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting, cũng cho rằng các thiệt hại do dịch bệnh gây ra đặc thù hoàn toàn khác với thiệt hại do thiên tai trong thời điểm bình thường nên không thể áp dụng quy trình cứng nhắc và chỉ nên xác định nhóm đối tượng được hưởng, triển khai theo hình thức hậu kiểm.

Theo Tuổi trẻ

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam gửi thông báo đề nghị Hội viên chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có thông báo gửi đến hội viên đề nghị chấp hành nghiêm chỉnh quy định, nhất là tại đơn vị doanh nghiệp

Chi tiết thông báo như sau:

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước

Theo lý giải của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các giải pháp về cách ly xã hội mới là dự lệnh, khuyến cáo, chưa phải lệnh cấm. Việc này cũng không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước.

Bốn ngày sau khi ký Chỉ thị 15 với nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch Covid-19, hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16. Các giải pháp, chỉ đạo lần này được nâng cao hơn một mức so với chỉ thị trước bởi diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn.

Theo nhận định, số ca mắc Covid-19 ở Việt đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước.

Bo truong Mai Tien Dung: Cach ly xa hoi khong phai phong toa dat nuoc hinh anh 1 phovang6_zing.jpg
Đường phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Việt Linh.

 10 giải pháp quyết liệt

1.Cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.

2. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

3. Phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp.

4. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

5. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

6. Hạn chế việc di chuyển giữa các địa bàn.

7. Tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 0h ngày 1/4 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia.

8. Các cơ quan Nhà nước cho cán bộ làm việc tại nhà, thật sự cần thiết mới đến công sở.

9. Dừng thăm bệnh nhân tại các bệnh viện; yêu cầu kê khai y tế bắt buộc với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân.

10. Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM).

Cách ly xã hội không phải là phong tỏa

Chia sẻ với Zing.vn để lý giải rõ hơn các yêu cầu trong Chỉ thị vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.

Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và “đi từng bước”.

“Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm”, Bộ trưởng Dũng giải thích và cho biết Chính phủ luôn chuẩn bị sẵn mọi phương án. Nếu thấy tình hình bùng phát sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định “cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước”. Ảnh: Duy Hiếu.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Ông Dũng cũng dẫn chứng ngay như Văn phòng Chính phủ hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Nhưng người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2 m, khi ăn cũng phải mỗi người một bàn.

Lần này, Chính phủ giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý. Nếu thủ trưởng cơ quan để cho đơn vị mình có người bị lây nhiễm Covid-19 do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm.

Bởi với những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ cần lơi lỏng, không kiểm sát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.

Người phát ngôn Chính phủ cho biết cấp trên trực tiếp quản lý sẽ giám sát, xử lý người đứng đầu cấp dưới trong việc thực hiện các yêu cầu này.

Bỏ qua “thời cơ vàng” sẽ rất phức tạp, khó khăn

Dù những ngày qua Chính phủ và các bộ ngành liên tiếp đưa ra khuyến cáo về việc không tập trung đông người, ở một số địa phương, như Nha Trang vẫn còn tình trạng hàng nghìn người tập trung tắm biển bất chấp diễn biến phức tạp của dịch. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này. Trước mắt, Chính phủ sẽ có nhắc nhở và chấn chỉnh ngay.

Bo truong Mai Tien Dung: Cach ly xa hoi khong phai phong toa dat nuoc hinh anh 3 1_1.jpg
Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng nghìn người vẫn tập trung tắm biển ở Nha Trang. Ảnh: An Bình.

Lý giải vì sao chưa ban hành lệnh phong tỏa khi dịch đang diễn biến phức tạp, ông Dũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì thực chất có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được rồi.

Về quyết định tạm đóng cửa biên giới Lào, Campuchia, người phát ngôn Chính phủ nhận định do tình hình bên đó phức tạp hơn, người Việt Nam ở các nước này đang có xu hướng về nước, đường hàng không đã cấm nên họ về bằng đường bộ qua biên giới. Vì vậy, cần có giải pháp mạnh mẽ ở đây để có thể kiểm soát tốt tình hình.

Với yêu cầu không tụ tập trên 2 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học và các nơi công cộng, theo ông Dũng, đó là thông điệp mạnh mẽ hơn so với cách đây 4 ngày khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Điều này truyền đi thông điệp rằng mong mọi người dân nên ở nhà trong giai đoạn cao điểm, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập đông người vì tình hình bây giờ đã khác 4 ngày trước.

“Nếu bỏ qua cơ hội này là mất thời cơ vàng, lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Chính phủ hiểu rằng với những yêu cầu nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng mong tất cả chấp hành. Vì chống dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân”, người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.

Theo Zing.vn

 

Thủ tướng: Cách ly 15 ngày trên phạm vi toàn quốc từ 0 giờ ngày 1/4

Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã…

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Nội dung Chỉ thị như sau:

Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch  bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách sau:

1. Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

2. Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh); tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm. Yêu cầu Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp chặt chẽ với các Bộ và 2 thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thực hiện cách ly tại gia đình, khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần thiết đối với người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12 tháng 3 năm 2020; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình.

Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của những người đã nhập cảnh từ ngày 8 tháng 3 năm 2020 nhưng chưa áp dụng cách ly; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú).

3. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

4. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

5. Giao Bộ Y tế:

a) Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.

b) Đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch vào chiều ngày 31 tháng 3 năm 2020.

d) Tổ chức, sắp xếp việc tiếp tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân theo đề nghị của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế.

đ) Xem xét, xử lý các kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

6. Bộ Y tế tổng hợp và định kỳ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiêm dương tính ở các địa phương, bảo đảm chính xác.

7. Tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 00 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để lây chéo; tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới.

9. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn.

10. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu khẩu trang vải; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.

11. Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chấn chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm. Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân.

12. Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân./.

XEM ĐẦY ĐỦ CHỈ THỊ CỦA CHÍNH PHỦ TẠI ĐÂY.

Theo Thông tin Chính Phủ

Valmet cung cấp hệ thống gia keo cho APM

Valmet sẽ cung cấp một hệ thống gia keo mới cho Công ty Asia Paper Manufacturing (APM) tại Sihwa Mill ở Hàn Quốc. Mục tiêu chính của APM là cải tạo máy giấy PM1 gia tăng các đặc tính độ cứng của các loại giấy bao bì hòm hộp và các loại bìa có tráng thạch cao.

Tổng giá trị đơn hàng khoảng 10 triệu Eur, dự kiến sau cải tạo máy sẽ khởi động vào nửa cuối năm 2021.

Gói cung cấp của Valmet bao gồm một máy gia keo OptiSizer Hard, cơ cấu quay bang giấy TurnFloat, hệ thống cung cấp chất tráng và chuẩn bị keo, cụm điều khiển Valmet DNA và hệ thống kiểm soát chất lượng Valmet IQ.

So với máy gia keo thông thường, OptiSizer Hard có một cặp lô gia keo cứng. Tinh bột được phun vào lô gia keo cứng. Ngoài việc tăng cường độ cứng bề mặt, OptiSizer Hard còn nâng cao độ bền bên trong của bìa được gia keo, tráng phủ.

Dây chuyền PM1 của APM có khổ rộng lưới 5,9m sản xuất giấy testliner gia keo và bìa tráng thạch cao, có phạm vi định lượng từ 80g – 300 g/m2. Tốc độ thiết kế 850 m/phút. Công suất thiết kế 1.100 tấn/ngày tùy theo sản phẩm giấy gia keo hay bìa tráng./.

Theo RISI – VPPA dịch

Những “cú đấm thép” vực dậy kinh tế của Chính phủ

Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, Chính phủ đề ra một loạt giải pháp được ví giống những “cú đấm thép” trong bối cảnh như thời chiến.

Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3,nhằm thảo luận việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương bàn về 4 nội dung chính: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng đề nghị, các Bộ trong các báo cáo phải thực hiện theo từng chuyên đề, phải đi sâu vào những biện pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ, ngành và địa phương, phải lo với một tinh thần lớn là nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”.

VPPA xin đăng lại các thông tin chính được Zing.vn tóm tắt qua bản thiết kế. Để đọc chi tiết các chỉ đạo đọc tại Báo Chính phủ.

biện pháp của chính phủ

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng

Các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19.

Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 126/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Thông báo nêu rõ: Hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới các mặt kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Chưa xem xét, đề xuất việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đã được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% số kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai.

Thông báo Kết luận nêu rõ: Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công-tư sang đầu tư công; bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm trong nước, xúc tiến, mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế để xem xét, đề xuất gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích tăng trưởng vào thời điểm phù hợp; triển khai các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng do Nhà nước định giá, đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Theo Vietnam+

Báo Công Thương: Tác động từ dịch Covid-19: Doanh nghiệp ngành giấy nỗ lực “tự cứu mình”

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), cuối quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp ngành giấy của Việt Nam chịu tác động lớn của việc thiếu nguồn nguyên liệu, đặc biệt thị trường nội địa và xuất khẩu đang giảm, vận chuyển tăng giá. Đây cũng là chủ đề cuộc trao đổi của TS. Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA – với phóng viên Báo Công Thương. 

Thưa ông, mối lo của nhiều doanh nghiệp ngành giấy hiện nay ngoài việc thiếu nguyên liệu, khó khăn về thị trường, vận chuyển rồi chi trả các nguồn chi phí cho nhân công tăng, ông có thể nêu rõ về thực trạng này?

Trong tình hình bùng phát của dịch bệnh Covid-19, ngành giấy cũng như các ngành công nghiệp khác bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt vấn đề nguyên liệu sản xuất. Nếu như các ngành khác ảnh hưởng bởi nguyên liệu từ Trung Quốc và một phần của thị trường châu Âu thì ngành giấy bị tác động kép bởi cả nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra do dịch tại Trung Quốc và châu Âu, Mỹ.

TS. Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA

Thêm vào đó, khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã bắt đầu được khống chế, các nhà máy đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài vì dịch bệnh, nên các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh việc mua vào, càng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung tại thị trường châu Á và gây thêm khó cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện các nhà cung cấp giấy phế liệu vào Việt Nam hủy đơn hàng rất nhiều, trong đó có những đơn hàng mới đặt giai đoạn đầu tháng 1/2020 hoặc vừa mới chốt cũng bị hủy ngang. Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay dự trữ nguyên liệu của các doanh nghiệp lớn rất ít, dao động khoảng 1-2 tháng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn dự trữ hoặc gần cạn kiệt. Nếu tình trạng không nhập khẩu được nguyên liệu, nguồn cung nội địa không đủ, kéo theo nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải đóng máy, ngừng hoạt động. Đó là chưa kể các doanh nghiệp sẽ bị ngưng hoạt động bắt buộc khi có hiện tượng lây nhiễm vào trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giá giấy thành phẩm tăng khoảng 200.000 – 300.000 đồng/tấn. Điều này gây ra áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất giấy về chi phí sản xuất. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu và trong nước đang giảm do cả khâu cung ứng khó khăn, vận chuyển tăng giá và nhu cầu thị trường không cao. Vì thế, doanh nghiệp ngành giấy đang phải chịu ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra.

Ngoài nỗi lo không đủ nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp trong ngành giấy còn gặp sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, nỗi lo nhân công và nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung.

Ông có thể nêu thách thức ngành giấy đang phải đối mặt, khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm, chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng, thưa ông?

Thời gian qua, ngành công nghiệp sản xuất giấy vẫn đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy thì có tới 70% là từ giấy loại, trong đó gần 50% số nguyên liệu này phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, 50% còn lại là từ việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của những đơn vị thu gom nhỏ, lẻ do chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra đảm nhận công việc này.

Cùng với đó, nguyên liệu cho sản xuất giấy từ giấy thu hồi có vai trò rất quan trọng trong sản xuất giấy bao bì: Năm 2018 nhu cầu sử dụng là 3,71 triệu tấn, năm 2019 là 4,5 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom trong nước chỉ đạt khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Nguyên nhân do chưa có cơ chế chính sách cho hoạt động thu gom tái chế, trong khi đó tại các nước như Nhật Bản, họ coi phế liệu giấy là tài nguyên quốc gia và tỷ lệ thu gom trong nước đạt trên 82%, tỷ lệ thu gom trung bình của thế giới năm 2018 là 59%.

Ngoài ra, doanh nghiệp giấy Việt Nam có quy mô công suất sản xuất nhỏ, chủ yếu dưới 30.000 tấn/năm, đầu tư manh mún, không tập trung, công nghệ, thiết bị cũ, chi phí vận hành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, khả năng cạnh tranh kém so với doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu.

Ngành giấy Việt Nam đang lo lắng thiếu nguyên liệu sản xuất vì bị dừng nhập khẩu phế liệu giấy

Không những thế, cơ cấu sản phẩm giấy theo năng lực sản xuất không cân đối với nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước chủ yếu tập trung vào giấy làm bao bì hòm và hộp carton chiếm tỷ trọng đến 87%. Trong khi đó đối với giấy bao bì cấp cao tráng phủ, giấy copy cấp cao, giấy in tráng phủ, các loại giấy đặc biệt chưa sản xuất được, hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn trên 1,3 triệu tấn.

Trước thực tế trên, VPPA có giải pháp và kiến nghị gì để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thưa ông?

Trong khảo sát và dự báo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới đây, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có 1.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát với nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, trong khảo sát này không có thông tin liên quan đến ngành giấy trong nước.

Bên cạnh đó, các văn bản hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giấy chưa được đề cập nhiều về khó khăn cũng như ảnh hưởng giống như các ngành công nghiệp khác. Các chính sách hỗ trợ cũng chưa được nêu rõ so với các ngành như dệt may, da giày hay dịch vụ khách sạn….

Trước thực trạng đó, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh theo dõi thị trường để nắm rõ các xu hướng cũng như có các bước đi phù hợp. Nếu chúng ta quá sốt sắng có thể dẫn đến tình trạng nguyên liệu vẫn khan nhưng giá lại bị đẩy lên quá cao, tình trạng hủy đơn hàng giá thấp để nhận các đơn hàng giá cao và gây tâm lý bất an cho chính doanh nghiệp và bạn hàng, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường và xã hội.

Chúng tôi khuyến cáo hội viên cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trong doanh nghiệp để giảm nguy cơ ảnh hưởng trước mắt như lao động phải cách ly, dừng máy hay đóng cửa vì có người nhiễm Covid-19.

Đồng hành với doanh nghiệp, VPPA đang nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kênh xúc tiến thương mại, bao gồm về nguồn cung nguyên liệu, phương thức thanh toán cũng như các giải pháp hỗ trợ ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, VPPA đã tìm kiếm các nguồn cung mới, giới thiệu các nhà cung cấp uy tín về chất lượng và có đủ nguồn lực cấp hàng để không bị hủy… Cụ thể VPPA đề cử Công ty CP Công nghệ Xenlulo giới thiệu nhà cung cấp nguồn nguyên liệu giấy thu hồi cũng như phục vụ hóa chất, thiết bị đến các doanh nghiệp ngành giấy trong giai đoạn này. Theo đó, Công ty CP Công nghệ Xenlulo phối hợp cùng VPPA giới thiệu nhà cung cấp nguyên liệu giấy lề của các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng như vật tư, thiết bị, hóa chất khác để phục vụ trong ngành.

Ngoài ra, VPPA mong muốn các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành quan tâm và có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, VPPA kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép nhập khẩu, có các chính sách giúp giảm thủ tục nhập khẩu, thời gian thông quan nhanh góp phần giảm chi phí, giải quyết hàng tồn lưu tại cảng, doanh nghiệp sớm có nguyên liệu sản xuất.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy như các ngành công nghiệp khác trong miễn, giảm và nộp chậm, hoàn thuế giá trị gia tăng. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hạ lãi suất và giãn trả nợ ngân hàng cho doanh nghiệp ngành giấy nhằm hỗ trợ trực tiếp vào việc mua nguyên liệu đầu vào.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất với các nhà cung cấp không đơn phương tăng giá nguyên liệu hoặc hủy đơn hàng với lý do dịch bệnh.

Tiếp đó kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các hãng vận tải hàng hóa bằng đường biển xem xét, giảm chi phí logistics hàng hải, không áp dụng mức thu phụ phí đối với các doanh nghiệp giấy Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Công Thương