Vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong tương lai gần

Ngày 12.7, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng và vận hành giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện tại Việt Nam. Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết Việt Nam đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon trong nước, tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường carbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế.

Xây dựng đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ Các-bon trong tương lai gần - Ảnh 1.

Ông Tăng Thế Cường bày tỏ cần thiết có sàn giao dịch tín chỉ carbon

Theo ông Cường, cả nước có hơn 1.900 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ tham mưu để Thủ tướng phê duyệt hạn ngạch của Việt Nam, phân bổ cho các cơ sở sở giai đoạn 2026 – 2030 và hằng năm. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiều quốc gia cũng đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Các dự án có tiềm năng tạo tín chỉ carbon để thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và cũng là nguồn tín chỉ để giao dịch, trao đổi.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết, theo quy định tại Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cứ 2 năm một lần, Bộ TN-MT sẽ phải báo cáo minh bạch cho Liên Hiệp Quốc, nêu rõ lượng tín chỉ tạo ra tại Việt Nam và lượng tín chỉ caron bán ra nước ngoài để thực hiện bù trừ giữa 2 quốc gia.

Hiện, Bộ TN-MT đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu, ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ carbon. Sắp tới, Bộ TN-MT sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để các doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ tạo ra trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam phải đăng ký. Khi có trao đổi tín chỉ ra nước ngoài thì cần báo cho Bộ TN-MT.

Bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng ban tư vấn cho Bộ TN-MT xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện, cho biết có 4 cơ chế tín chỉ là: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế carbon được thẩm định (GCS). Tổng lượng tín chỉ phát hành tín chỉ này ở Việt Nam đến tháng 12.2022 là hơn 40 triệu tín chỉ. Ngoài ra, có khoảng 50 dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế của Hội đồng carbon toàn cầu (GCC) đã được đệ trình.

 

Xây dựng đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ Các-bon trong tương lai gần

Đông đảo đại biểu, chuyên gia góp ý cho sàn giao dịch tín chỉ carbon mà Bộ TN-MT đang xây dựng

Trong đó, CDM và JCM là các cơ chế có sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Với các cơ chế còn lại, đơn vị sở hữu tín chỉ có trách nhiệm báo cáo về cơ quan có thẩm quyền quản lý để tổng hợp. Khi Việt Nam thiết lập và vận hành thị trường carbon trong nước, việc thiết lập sàn giao dịch sẽ giúp các giao dịch liên quan đến tín chỉ carbon được tập trung, minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý nghiên cứu đánh giá tiềm năng và nhu cầu thị trường, xác định mục tiêu, thiết kế, cách thức quản lý và vận hành phù hợp.

Theo bà Loan, xu hướng thực hiện mục tiêu Net Zero, nhu cầu tín chỉ carbon tự nguyện trên thế giới đang tăng lên trong thời gian gần đây, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam hầu hết được thực hiện thông qua hợp đồng mua trước, nghĩa là bên có nhu cầu sẽ đặt hàng. Hiện nay, không có tín chỉ được ban hành sẵn để giao dịch trên sàn.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, cho hay việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng để huy động vốn FDI thì doanh nghiệp trong nước, chuỗi cung ứng phải dịch chuyển xanh, bền vững.

Theo bà Hạnh, ở góc độ ngân hàng sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ phát triển bền vững. Đồng thời, tư vấn miễn phí cho tất cả doanh nghiệp khi họ có đầu tư mới hoặc hoạch định kế hoạch kinh doanh hướng tới giảm phát thải để đồng hành cùng chính phủ đến 2050.

Nguồn: thanhnien.vn

Chủ tịch Quốc hội: Hoàn thuế kéo dài mấy năm thì doanh nghiệp có sống được không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như trên khi nghe lãnh đạo Tổng cục Thuế trả lời vòng vo trong phiên họp sáng 12/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại đây, thảo luận về công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp tục nêu ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mà điển hình là Công ty cổ phần An phát.

Theo phản ánh của Báo Đầu tư, gần 6 tháng kể từ khi cơ quan công an kết luận doanh nghiệp này không có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế giá trị gia tăng, Công ty cổ phần An Phát vẫn phải “chạy đi, chạy lại” liên tục giữa Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội, nhưng đến nay hành trình vẫn mịt mù.

Về vụ việc này, ông Dương Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện đã tiếp và nhận đơn của Công ty An Phát khiếu nại việc Tổng cục Thuế, Cục thuế Hà Nội cố ý đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện việc hoàn thế giá trị gia tăng với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng từ các năm 2020,2021 cho Công ty An Phát mặc dù Công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật và hồ sơ hoàn thuế cũng đã được cơ quan Công an Hà Nội xác minh không có có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT theo yêu cầu xác minh của Cục thuế Hà Nội.

Sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn mấy năm rồi, tiếp cận vốn thì rất khó khăn. Với An Phát, cơ quan công an đã xác minh đủ điều kiện rồi mà cơ quan thuế cứ vòng vo, ông Thanh nhấn mạnh.

Nói rõ là Quốc hội đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, ông Thanh cho rằng, nếu Tổng cục Thuế không có hướng dẫn thì cả yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng “gần như không có giá trị gì”.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương mời Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Vũ Chí Hùng nêu rõ hướng xử lý việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Ông Hùng cho biết, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng theo Luật Thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì hồ sơ hoàn thuế được phân làm hai trường hợp gồm hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế hoàn toàn kịp thời, đúng quy định. Các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước khoản thuế sau thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định.

Theo ông Hùng, qua rà soát các thông tin trong những năm gần đây, cơ quan thuế nhận thấy một số doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ, lâm sản có rủi ro cao. Do đó, cơ quan thuế phải thực hiện công tác kiểm tra và xác minh. Có một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế chính sách của nhà nước để gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Ông Hùng cũng đề cập một số thông tin về Công ty cổ phần An Phát, song Phó chủ tịch Trần Quang Phương đề nghị không đi sâu vào một vụ việc mà cho biết hướng khắc phục phản ánh của doanh nghiệp thế nào.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế tiếp tục báo cáo, song vẫn chưa đi đúng yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội sốt ruột hỏi, hiện nay, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng chưa hoàn là bao nhiêu tiền. Phó tổng cục thuế không có câu trả lời.

Ông Huệ nhấn mạnh, Quốc hội đã có nghị quyết và Chính phủ đã chỉ đạo, mà giờ này còn nợ đọng bao nhiêu cũng không nói được.

Doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, tiền hoàn thuế là tiền của người ta còn không cho hoàn nữa, kéo dài mấy năm thì mình làm doanh nghiệp mình có sống được không?, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Giờ này, còn bao nhiêu nợ đọng chưa hoàn cũng không nói được là thế nào, doanh nghiệp nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra, đây là nghĩa vụ của nhà nước chứ người ta không xin. Đây là tiền của người ta, quỹ để hoàn thì năm nào Quốc hội cũng bố trí, đấy là tiền của của người ta mà trì trệ thế này, giờ này, còn không nắm được là nợ bao nhiêu, việc hoàn thuế phải làm ngay”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ông Huệ cũng đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phải tiến hành phiên điều trần về hoàn thuế giá trị gia tăng.

Việc này làm trong tháng 8 thì tốt, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý khi kết luận phần thảo luận về công tác dân nguyện.

Nguồn: baodautu.vn

Tổng cầu sụt giảm mạnh, nền kinh tế khó khăn nhất 30 năm qua

Tổng cầu sụt giảm mạnh, nền kinh tế khó khăn nhất 30 năm qua

Tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới gặp nhiều bất ổn, xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như xung đột Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 (do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó).

Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% – lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.

“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhận định.

Kinh tế Việt Nam khó khăn nhất 30 năm qua

Bình luận về thực trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, khẳng định với kinh nghiệm và trải nghiệm hơn 30 năm trong Chính phủ của ông thì đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Khó khăn càng đè nặng hơn khi chưa tìm thấy lối ra. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với tình hình thực tế.

“Chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm rồi sẽ mất đi và hài lòng với những thứ đó nên không tìm được giải pháp. Tôi cho rằng có nhiều vấn đề quá, nói đến tổng cầu mà Chính phủ có thể kiểm soát, có thể tăng là đầu tư công, còn những thứ khác đáng kể chỉ là giảm thuế giá trị gia tăng…, ngoài ra không còn gì khác”, TS Nguyễn Đình Cung nói và cho rằng việc giảm thuế 6 tháng cũng là quá ít, trong tình hình khó khăn còn kéo dài lẽ ra nên giảm nhiều hơn.

Về đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên hy vọng tư nhân đầu tư vào thời điểm này, bởi lẽ không có động lực, không có cơ chế khuyến khích, tinh thần kinh doanh rất ảm đạm. Ông cũng thừa nhận rằng nói đến đầu tư công là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vì không phải bây giờ mới chậm, mà đã kéo dài nhiều năm nay. Tất cả chúng ta đều biết nhưng vấn đề hiện nay là việc chậm này ngày càng trầm trọng hơn.

Để gỡ khó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc đầu tiên cần làm là hóa giải được cái gọi là “không ai muốn làm” nếu không thì việc chậm vẫn xảy ra; phải nêu rõ cách làm thế nào, ai làm.

“Tôi cho rằng muốn đẩy mạnh đầu tư công cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư, tất cả những dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì nên cho triển khai ngay, khi có quyết định là tìm kiếm nhà đầu tư luôn chứ không đợi triển khai rồi mới tìm, như vậy sẽ mất 3 – 4 năm nữa”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, theo ông Cung cũng nên xem lại một số quy định trong Luật Đầu tư và một số luật liên quan khác, từ đó bỏ đi những thứ đang kìm hãm hay ngăn cản trong việc đầu tư.

“Thậm chí, việc bỏ đi một khâu xin phép trong thủ tục là giảm đi một rủi ro đối với những công chức thực thi, bởi thực tế đã có nhiều vụ việc làm trái trái quy định gây thất thoát, hậu quả nghiêm trọng”, ông Cung nhấn mạnh.

Tetra Pak đặt cược vào các sản phẩm không cốt lõi để đáp ứng nhu cầu bao bì carton ngày càng tăng tại Brazil

Ông nói, sự thay đổi đó được thúc đẩy đặc biệt bởi hồ sơ người tiêu dùng đang thay đổi, họ tìm kiếm các sản phẩm “lành mạnh và bền vững hơn”, chẳng hạn như thực phẩm có chứa protein và thực vật.

Theo Zorzan, một trọng tâm khác trong chiến lược tăng trưởng và hợp nhất của công ty là lĩnh vực kem. Ông chỉ ra “tiềm năng to lớn của açaí sorbet, thứ đang ngày càng có nhiều chỗ đứng trên thị trường Brazil và quốc tế,” đồng thời nói thêm rằng ngành công nghiệp phô mai cũng là một ngành chiến lược.

Năm 2022, Tetra Pak Brazil đạt doanh thu 7,2 tỷ Reais (1,5 tỷ USD). Trong khoảng thời gian đó, công ty đã sản xuất 15 tỷ gói.

Mặc dù Zorzan không tiết lộ dự báo doanh thu của công ty cho năm 2023, nhưng ông thừa nhận rằng công ty đang để mắt đến các thị trường và kết quả đầy hứa hẹn ở Brazil.

Quốc gia này là “một trong những hoạt động chính của công ty trên toàn thế giới” và Tetra Pak đang “không ngừng đầu tư và khám phá các cơ hội kinh doanh mới” trong khu vực, Zorzan cho biết.

Dịch và biên tập: Bích Hảo – Thanh Phan

Uruguay đối mặt với hạn hán nghiêm trọng; Các nhà máy bột giấy BEK không bị ảnh hưởng

Theo một số báo cáo địa phương, tình hình ở thành phố lớn nhất của đất nước rất đáng lo ngại, với hồ chứa nước gần như cạn kiệt. Nhưng kịch bản đáng báo động không ảnh hưởng đến 3 nhà máy bột giấy, bao gồm nhà máy bột giấy kraft bạch đàn tẩy trắng (BEK) mới, công suất 2,1 triệu tấn mỗi năm của UPM ở Paso de los Toros, cách thủ đô 250 km.

Nhà máy Montes del Plata và đơn vị Fray Bentos của UPM đều sử dụng nước từ sông Uruguay và sông Rio de La Plata, những con sông có lượng nước khổng lồ và có thể đi lại được. Cửa sông được hình thành bởi những con sông đó, Rio de La Plata, cũng phục vụ cảng Montevideo, nơi UPM duy trì một cảng bột giấy chuyên dụng.

Nhà máy Paso de Los Toros mới của UPM được phục vụ bởi Rio Negro, nơi cũng được cho là không bị thiếu nước.

Fastmarkets đã biết rằng cho đến nay không có quy trình công nghiệp hoặc hậu cần nào bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tuy nhiên, những tác động có thể có của thời tiết khô hạn kéo dài đối với sự phát triển của bạch đàn sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau một vài năm.

Dịch và biên tập: Bích Hảo – Thanh Phan

Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5-2%

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 – 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 – 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

NHNN tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên những khoản không cần thiết. Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: cafef.vn

Sacombank cho 9 khách hàng vay gần nửa số vốn tự có để rót vào cùng một dự án

Sacombank cho 9 khách hàng vay đến 48% vốn tự có
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các thiếu sót, vi phạm khi kiểm tra chất lượng một số hồ sơ cấp tín dụng tại nhiều ngân hàng, trong đó có NCB, Sacombank, Techcombank, BacABank.

Các vấn đề được phát hiện trong quy trình cấp tín dụng, chuyển nhóm nợ chưa đúng thời điểm, giải ngân khi dự án chưa đầy đủ pháp lý, số liệu báo cáo tài chính sai lệch, không kiểm soát được việc dùng vốn…

Đáng lưu ý, cơ quan thanh tra phát hiện có việc tập trung tín dụng cho 1 khách hàng, 1 dự án thông qua cho vay các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank với tổng dư nợ đến tháng 8-2018 là 15.218 tỉ đồng.

Trong đó, Sacombank đã cho vay với 9 khách hàng gồm Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP ĐTXD Bảo Lộc, Công ty CP đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP TMXD Công Phúc, Công ty CP hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty CP QLĐTXD Việt Hà, Công ty CP XDTMDVDL Hiệp với dư nợ tính đến cuối tháng 8-2018 là 9.262 tỉ đồng – chiếm 48,52% vốn tự có của Sacombank.

Theo cơ quan thanh tra, mục đích vay của 9 khách hàng nêu trên để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án.

Các khách hàng này không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án mà vay để chuyển bên thứ 3 thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở 9 khách hàng vay vốn, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro. Đến thời điểm thanh tra, dự án đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý đất đai.

Nhiều thiếu sót, vi phạm đã được cơ quan thanh tra chỉ ra như: “Một số khách hàng cung cấp số liệu sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế. Sacombank cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại ngân hàng này và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng chuyển nhượng phân khu thuộc dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI”, thông báo kết luận nêu rõ.

Rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích từ dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An trong điều kiện dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án.

BacABank cho loạt công ty “họ” TH vay dù chưa đáp ứng điều kiện
Còn kiểm tra một số hồ sơ cấp tín dụng tại BacABank, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số vi phạm, khuyết điểm khi ngân hàng này cho loạt khách hàng “họ TH” vay: Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty CP Sữa TH, Công ty CP Phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An, Công ty CP Dược liệu TH…

Trong đó, các vấn đề được chỉ ra như ngân hàng thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đáp ứng điều kiện về khả năng tài chính để trả nợ và phương án dùng vốn khả thi; không có tài sản đảm bảo trong khi tài chính khách hàng khó khăn; chậm trả nợ lãi nhưng không chuyển nợ quá hạn; cho vay dù khách hàng không đủ cơ sở đảm bảo khả năng trả nợ, xác định kỳ hạn trả nợ của khoản vay không phù hợp, giải ngân dù dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý…

Tương tự, khi kiểm tra 19 hồ sơ cấp tín dụng với tổng dư nợ cuối tháng 8-2018 là 34.199 tỉ đồng (chiếm 20% tổng dư nợ) tại Techcombank, cơ quan thanh tra cũng phát hiện nhiều vấn đề.

Cụ thể theo thông báo kết luận, ngân hàng này cho vay, mua trái phiếu DN với 7 khách hàng, dư nợ 20.099 tỉ đồng (Công ty CP Đại Thành Invest Hà Nội và Công ty CP Hà Thành Invest Hà Nội; Công ty CP Trường An Invest Hà Nội và Công ty CP Việt Hùng Invest Hà Nội; Công ty CP Hùng Thịnh Invest Hà Nội; Công ty TNHH KDI-1 và mua lại khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiêp của Công ty phát triển bất động sản DPV từ VietinBank), khách hàng góp vốn vào các công ty con để mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án thuộc Vinhomes Ba Son – Golden River, bản chất là vay vốn thành lập DN để mua lại một phần dự án.

‘Ngân hàng bán nợ xấu mà đưa giá trên trời ai mà mua’
Nợ xấu thấp, HDBank báo lãi quý 1-2023 tăng 26%
Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận, tăng nợ xấu
Kiểm tra hồ sơ nêu trên cho thấy Techcombank thẩm định chưa đầy đủ, chưa chính xác, giải ngân khi chưa hoàn tất điều kiện chuyển nhượng, tiếp tục giải ngân dù thỏa thuận nguyên tắc đã hết hiệu lực, tiến độ không đảm bảo nhưng chưa đánh giá lại phương án vay…

NCB thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách chưa đủ điều kiện vay vốn
Thanh tra Chính phủ cũng kiểm tra 6 hồ sơ cấp tín dụng của NCB tại Công ty CP Gami Hội An, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, Công ty TNHH Biofeeds, Công ty CP T&H Hạ Long, Công ty CP tư vấn ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ C&C, Công ty CP du lịch sinh thái Biển Bắc.

Theo đó, NCB đã thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đủ điều kiện vay vốn (thẩm định nguồn trả nợ không có cơ sở, không chứng minh được nguồn vốn tự có đầu tư dự án, dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư…).

Tài sản đảm bảo chưa được đăng ký giao dịch đảm bảo, chưa thực hiện thẩm định lại định kỳ, tài sản đảm bảo là cổ phiếu nhưng không có cơ sở định giá giá trị; giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án nhưng không có hồ sơ chứng minh việc thực hiện dự án…

Kiểm tra sau cho vay của NCB chưa đánh giá đầy đủ tình hình tài chính của khách hàng, tiến độ thực hiện dự án…

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 10-2021, có 3/4 khách hàng đã tất toán, riêng Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội vẫn dư nợ 321 tỉ đồng, nợ nhóm 1.

Đây là chủ đầu tư dự án Tuần Châu Hà Nội của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển với hơn hai thập niên chậm tiến độ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xử lý theo thẩm quyền đối với các khuyết điểm, vi phạm trong việc cấp tín dụng của các ngân hàng nêu trên.

Nguồn: tuoitre.vn

Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng

Trong thông cáo mới phát đi chiều ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo đó, NHNN đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay. Điều hành CSTT đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát lạm phát, duy trì thanh khoản dồi dào, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Từ đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

NHNN cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD được thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Theo đó, ngày 10/7/2023 NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục nghiêm túc tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023; tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD…

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời theo dõi, rà soát tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống những tháng cuối năm để có giải pháp điều hành phù hợp.

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

Nguồn: cafef.vn

Khó giảm lãi suất cho vay ở các kỳ hạn dài

Tại chương trình “Sói già VNI – Hạ lãi suất điều hành liên tục: Đánh giá ảnh hưởng thực tế và Khả năng NHNN hạ lãi suất tiếp?” do công ty chứng khoán Pinetree tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Khánh – Tổng Giám đốc Hedge Academy cho biết, chính sách của Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng, nên sẽ chỉ chủ yếu tác động đến các khoản vay ngắn hạn, còn với các khoản tín dụng dài hạn tình hình vẫn chưa thay đổi nhiều.

Cụ thể, hiện lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn đã được hạ xuống, một số khoản vay ngắn hạn kỳ hạn 6 tháng đã có lãi suất 8,5%, các khoản cho vay vốn lưu động hay cho vay các lĩnh vực được khuyến khích còn có thể thấp hơn. Mặt khác, đối với các khoản cho vay mua nhà, chứng khoán (vay dài hạn) vẫn tương đối khó hạ lãi suất.

Chuyên gia này nói thêm, việc hạ lãi suất cho vay dài hạn còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn. Theo đó, tỷ lệ này đã liên tục được điều chỉnh giảm từ 40% xuống còn 34% như hiện tại và tương lai sẽ chỉ còn 30%. Việc giảm dần hệ số này sẽ đòi hỏi các ngân hàng nếu muốn cho vay dài hạn sẽ buộc phải có lượng vốn từ dân cư phải lớn hơn, trong khi tiền ở trong khu vực này là có giới hạn. Do đó, các ngân hàng sẽ buộc phải hạn chế cho vay các khoản trung và dài hạn. Theo quy luật cung cầu, cung ít thì giá sẽ khó lòng thấp. Vì vậy lãi suất cho vay các khoản trung và dài hạn sẽ không dễ giảm.

Ngoài ra, chuyên gia từ Hedge Academy nói thêm, không chỉ cơ quan điều hành, mà ngay cả các đối tác, cổ đông chiến lược của ngân hàng cũng có yêu cầu phải đảm sự phù hợp trong kỳ hạn của nguồn vốn huy động và khoản vay. Đặc biệt sau những sự kiện đổ vỡ của các ngân hàng trên thị trường quốc tế vừa qua thì các yêu cầu này thậm chí còn khắt khe hơn. Do đó, nếu muốn cho vay dài hạn, các ngân hàng cũng phải tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn. Trong khi, lãi suất huy động ở các kỳ hạn này lại vẫn đang neo ở mức cao. Vì vậy lãi suất cho vay ở kỳ hạn dài vẫn khó có thể hạ.

“Hiện tại, việc giải ngân cho vay dù là ngắn hay dài hạn đều đang không được tốt. Do đó, các ngân hàng có thể sẽ chưa giảm ngay lãi suất để đảm bảo lợi nhuận”, ông Nguyễn Khánh đánh giá.

Khó giảm lãi suất cho vay ở các kỳ hạn dài - Ảnh 1.

Ông Khánh Nguyễn (bên trái); ông Nguyễn Đức khang (bên phải)

Ông Khánh nói thêm, năm nay tỷ giá chắc chắn sẽ vẫn là vấn đề áp lực đối với nhà điều hành. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình vẫn ổn định, do đang có một lượng dự trữ ngoại hối lớn. Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa, sức ép có thể sẽ lớn hơn

Về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng, chuyên gia từ Hedge Academy dự báo, thời gian tới bức tranh lợi nhuận của các nhà băng sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2022, đồng thời sẽ có sự phân hóa. NIM của các nhà băng cũng sẽ không thay đổi nhiều.

“Về bản chất, danh mục tín dụng của từng ngân hàng là khác nhau, chất lượng tài sản khác nhau. Ngoài ra, năm nay còn có thêm các thông tư và nghị định về giãn hoãn nợ. Do đó, sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn sẽ tốt, nhưng có một số vấn đề cần lưu ý về chất lượng tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng cũng đã nhìn thấy vấn đề này từ hơn một năm trước và đẩy tỷ lệ bao nợ xấu lên cao và hiện tại đang giảm dần. Các ngân hàng cũng đã trích lập rất nhiều, nên trong giai đoạn hiện tại tình hình không quá căng thẳng. Tôi kỳ vọng hệ thống ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định”, ông Khánh đánh giá

Nhịp sống Thị trường

Thông tin một số dự án đầu tư trong ngành giấy tại Trung Quốc và Ấn Độ

Hằng Nguyên Cát Lâm khởi động máy xeo giấy làm lớp sóng 150.000 tấn/năm ở Cát Lâm, Trung Quốc

Giấy Hằng Nguyên Cát Lâm đã bắt đầu sản xuất giấy làm lớp sóng có công suất 150.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm.

Được đặt tên là PM 2, chiếc máy này đã bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 7 và có thể sản xuất giấy làm lớp sóng với định lượng là 80-120 g/m².

Nhà máy chế tạo máy xeo số 1 Thấm Dương cung cấp máy xeo này, có chiều rộng xén là 4,4 mét và tốc độ thiết kế là 750 mét/phút.

Nhà máy Cát Lâm cũng có một máy xeo giấy làm lớp sóng 100.000 tấn/năm. Cả hai máy xeo tại địa điểm đều được tích hợp với một dây chuyền xử lý thùng sóng cũ (OCC) 850 tấn/ngày, được đưa vào vận hành vào cuối tháng Tư.

 

Giấy Phẩm Nguyên Sùng Tả khởi động máy xeo giấy tissue 17.000 tấn/năm tại Quảng Tây, Trung Quốc

Giấy Phẩm Nguyên Sùng Tả khởi động máy xeo giấy tissue mới 17.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Sùng Tả thuộc khu tự trị Quảng Tây. Tờ giấy đầu tiên được sản xuất ra vào ngày 27/06/2023.

Máy do Công ty thiết bị Vĩ Tháp Bảo Định cung cấp có chiều rộng cắt là 2,85 mét và tốc độ thiết kế là 1.200 mét/phút.

Nhà máy cũng vận hành máy xeo giấy tissue 10.000 tấn/năm từ 2020.

 

Kempt Tissues của Ấn Độ khởi động máy xeo giấy tissue

Vào cuối tháng 7. Kempt Tissues sẽ sản xuất thương mại trên máy xeo giấy tissue 75 tấn/ngày của Voith đã qua sử dụng tại nhà máy mới ở Morbi, thuộc bang Gujarat phía tây Ấn Độ.

Việc này đã bị lùi lại từ tháng 12 năm ngoái theo kế hoạch ban đầu do sự chậm trễ trong việc bàn giao thiết bị.

Chi phí của dự án xây dựng nhà máy mới (bao gồm 4 ha đất) và thiết bị là 750 triệu rupee Ấn Độ (9 triệu USD). Máy sẽ có chiều rộng cắt là 3,4 mét và tốc độ thiết kế là 600 mét/phút.

Công ty cho biết nhu cầu khăn giấy đã tăng đáng kể ở Ấn Độ kể từ sau đại dịch Covid-19 do người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức về sức khỏe và vệ sinh và mức sống ngày càng được cải thiện.

Công ty cũng có kế hoạch sản xuất các loại đặc biệt như giấy cảm nhiệt, giấy áp phích cán láng trên máy, giấy bóng mờ và giấy cuốn thuốc lá.

Kempt Tissues sẽ bán các cuộn giấy tissue cho các nhà gia công thành sản phẩm giấy tissue ở trong nước và nước ngoài.

Trong tương lai, công ty sẽ lắp đặt máy xeo thứ hai, có công suất 40 tấn/ngày và một xưởng gia công thành phẩm tại địa điểm này. Dự án này ước tính trị giá 350 triệu rupee.

Sau khi hoàn thành dự án, dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới, công ty sẽ đạt sản lượng kết hợp 100 tấn/ngày từ cả hai máy. Công ty cũng sẽ bắt đầu xuất khẩu các thành phẩm giấy tissue sang Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu.

 

Tri-wall thuộc Rengo bắt đầu sản xuất tại nhà máy bao bì sóng mới ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

Tri-Wall, Công ty sản xuất bao bì chịu tải nặng thuộc nhà sản xuất bao bì lớn Rengo của Nhật Bản đã bắt đầu sản xuất tại một nhà máy bao bì sóng mới thành lập ở thành phố Toại Ninh, thuộc tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc.

Nhà máy Toại Ninh do Bozheng Tri-Wall điều hành. Bozheng Tri-wall là công ty con do Tri-Wall sở hữu toàn bộ được thành lập tại địa phương, tham gia vào việc sản xuất và kinh doanh các loại hộp và tấm sóng thông thường và chịu tải lớn.

Theo các nguồn tin địa phương, nhà máy đã được đưa vào vận hành vào đầu tháng 6 và có thể sản xuất khoảng 50.000 m2 bao bì sóng mỗi ngày.

Rengo cho biết việc thành lập một cơ sở ở tỉnh Tứ Xuyên, một trung tâm hậu cần quan trọng và một khu vực có triển vọng kinh tế đầy hứa hẹn, sẽ giúp công ty nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng ở các khu vực xung quanh, đáp ứng nhu cầu đóng gói ngày càng đa dạng và toàn cầu hóa, đồng thời mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh của mình.

Ngoài địa điểm mới ở Toại Ninh, Tri-Wall còn điều hành các nhà máy bao bì sóng ở thành phố Thượng Hải cũng như ở các tỉnh Phúc Kiến và Giang Tô, tất cả đều ở phía đông nam Trung Quốc.

Dịch và biên tập: Bích Hảo – Thanh Phan