Khó khăn bủa vây ngành giấy

Khó cả đầu vào lẫn đầu ra 

Xuất khẩu giảm gần 12% trong những tháng đầu năm nay, trong đó các ngành như dệt may, giày dép giảm lần lượt 19,3% và 16,3%… khiến việc tiêu thụ sản phẩm giấy bao bì vốn chiếm tới 85% tổng sản lượng toàn ngành giấy cũng bị giảm theo. Trong bối cảnh đó, “hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ còn duy trì công suất 50 – 65%”, đại diện Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) xác nhận. Với mức công suất này, doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự hoạt động, bao gồm chi trả lãi vay, tiền lương công nhân và không thể có lãi.

Dự kiến, khó khăn của ngành giấy sẽ kéo dài đến cuối năm nay và có thể lâu hơn do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, sức cầu giảm. Chỉ khi nào các ngành sản xuất khôi phục đơn hàng, doanh nghiệp giấy mới có cơ hội “vượt đáy”.

Song, khó khăn của ngành giấy không chỉ là vấn đề tiêu thụ; ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA cho biết, các doanh nghiệp trong ngành rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp giấy tái chế thu mua giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất từ người buôn đồng nát, nhà thu gom cấp 1, cấp 2… nên hầu hết không có hóa đơn, người bán cũng không thể xuất hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không rõ nguồn gốc cung cấp cho doanh nghiệp mua. Điều này tạo ra khó khăn và rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh xuất xứ, sẽ bị xử lý rất nặng như không cho hoàn thuế VAT; không được tính vào chi phí sản xuất và phạt thanh toán trễ khi cơ quan thuế phát hiện hóa đơn sử dụng không hợp pháp.

Hiện, Tổng cục Thuế đã cho phép các doanh nghiệp ngành giấy làm bảng kê nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng; đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều doanh nghiệp nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Ông Sơn nêu dẫn chứng, một doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì quy mô trung bình có công suất 50.000 tấn/năm và với giả định dùng 50% nguyên liệu thu gom trong nước, 50% nhập khẩu thì mỗi năm sẽ cần khoảng 30.000 tấn nguyên liệu giấy thu hồi (OCC) trong nước. Giá trung bình OCC khoảng 4.000.000 đồng/tấn, như vậy doanh nghiệp cần hóa đơn trị giá 120 tỷ đồng. Nếu một bảng kê có trị giá tối đa 100 triệu thì phải cần tối thiểu 1.200 bảng kê. Hệ quả là hàng tháng doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian và gần như không thể tìm cách để hợp lý hóa việc thu mua nguyên liệu nếu muốn tránh rủi ro bị sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Mong được đóng thuế VAT thay đầu mối thu mua phế liệu

Hiện, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành giấy lên tới 8 triệu tấn/năm và dự kiến có thể tăng thêm khoảng 3 triệu tấn đến năm 2025. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 50 – 60% công suất thiết kế cho thấy rõ là hiệu quả không cao, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, VPPA – đại diện cho khoảng 130/500 doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy nhưng chiếm tới 90% sản lượng toàn ngành – kiến nghị cần có giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ bài toán về vốn. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cùng với đó là việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp có vốn lưu động để tiếp tục duy trì sản xuất, song cần tiếp tục xem xét để hạ lãi suất hơn nữa. Cùng với đó, Chính phủ cần xem xét tiếp tục ban hành chính sách gia hạn hoặc miễn giảm các loại thuế và tiền thuê đất.

Hiện, ngành giấy vẫn chưa bảo đảm được nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững; chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn nên đang phải nhập khẩu hơn 500.000 tấn bột giấy mỗi năm. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành giấy còn đối mặt thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư sản xuất bột giấy từ nguyên liệu trong nước với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, ngành giấy là ngành công nghiệp tái tạo, phù hợp tự nhiên với kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp giúp ngành phát triển bền vững; phát triển hệ thống thu gom chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cao tỷ lệ thu gom. Về vấn đề hoàn thuế VAT, các doanh nghiệp đề xuất cho phép tự đóng thuế VAT thay cho các đầu mối thu mua phế liệu, sau đó tiến hành hoàn thuế để giải quyết các vướng mắc về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc thu mua, tái chế phế liệu. Trước mắt, Tổng cục Thuế nên cho phép thử nghiệm làm các bảng kê có trị giá tối đa không quá 5 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong hoàn thuế VAT.

Về lâu dài, cần xem xét cho lĩnh vực thu gom và tái chế phế liệu (trong đó có ngành giấy) là lĩnh vực hoạt động không chịu thuế, phù hợp với định hướng kinh tế tuần hoàn và phát thải CO2 bằng 0 (Net Zero) của Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA Đặng Văn Sơn đề xuất.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân & VPPA

Dự án sản xuất Giấy fluting và testliner từ 100% nguyên liệu thô tái chế

GS Paperboard & Packaging là một trong những nhà sản xuất giấy và bao bì tích hợp lớn nhất tại Malaysia. Vào năm 2021, họ đã khởi động thành công máy làm giấy bao bì mới nhất tại địa điểm Selangor của họ. PM3 đang sản xuất  testliner và fluting từ 100% nguyên liệu thô tái chế và được trang bị công nghệ sản xuất giấy hiện đại nhất do Valmet cung cấp.

Máy sản xuất bìa carton rộng 7.250 mm sẽ tạo ra các loại giấy fluting và testliner với phạm vi định lượng cơ sở thiết kế là 70-180 g/m2. Tốc độ thiết kế của máy sẽ là 1.200 m/phút và công suất thiết kế hàng ngày là 1.445 tấn.

Phạm vi cung cấp của Valmet bao gồm:

1. Hệ thống chuẩn bị bột

2. Máy Giấy công suất cao,  OptiConcept M

3. Hệ thống chuyển tiếp

4. Hệ thống máy cuộn

5. Hệ thống điều khiển tự động hoá Valmet DNA

6. Kiểm tra, Chạy Thử, Hiệu Chuẩn, Vận Hành và Bàn Giao

7. Thiết bị đo Nồng Độ Bột và Giấy

8. Van điều khiển Valmet (Neles).

Đơn đặt hàng này được bao gồm trong các đơn đặt hàng quý đầu tiên của năm 2019 mà Valmet nhận được. Giá trị của đơn đặt hàng sẽ không được tiết lộ. Tổng giá trị đơn hàng loại này thường vào khoảng 60-70 triệu EUR.

Nguồn: Công ty ATZ Solutions – Biên tập và tổng hợp VPPA

Doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm

Trong văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Dệt may, Da giày – Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ – Chế biến gỗ TP HCM cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam ở mức cao.

Cụ thể, luật hiện hành quy định tỷ lệ đóng 22% vào Quỹ Hưu trí tử tuất (lao động đóng 8%, chủ sử dụng 14%); 3% vào Quỹ Ốm đau và thai sản. Trong khi các nước cùng khu vực có tỷ lệ đóng thấp hơn, như Malaysia 13%; Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5% và Myanmar 2%.

Phân tích hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH như dự thảo đề xuất, các hiệp hội cho rằng nếu giữ nguyên như hiện hành (tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động) sẽ giảm bớt áp lực cho lao động lẫn doanh nghiệp nhưng lại tạo ra khoảng cách thu nhập lẫn căn cứ đóng, khiến lương hưu sau này rất chênh lệch.

Ngược lại, chọn phương án hai (tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước khi ký hợp đồng lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động) thì tiền đóng sát với lương thực tế lao động được nhận, nhưng làm giảm thu nhập của họ và gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, 8 hiệp hội cùng đề xuất hai phương án điều chỉnh tiền lương tính đóng BHXH theo hướng giảm tỷ lệ nhưng nâng nền đóng sát với thu nhập thực tế lao động.

Phương án một, đưa tỷ lệ đóng về mức 20% như năm 2009, trong đó lao động 5% và giới chủ đóng 15%. Nền đóng không dựa trên đầu vào gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng mà căn cứ vào đầu ra, tức trên 70% thu nhập thực tế của lao động. Cách này sát thực tiễn, đảm bảo người thu nhập cao đóng nhiều, thu nhập thấp đóng ít.

Phương án hai, tỷ lệ đóng giảm xuống còn 16%, trong đó lao động 4% và giới chủ 12%. Nền đóng căn cứ trên thu nhập thực tế, chiếm khoảng 90%, trừ một số khoản không có tính chất lương.

Triệu đồngBình quân tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016 – 2021Nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam4.34.34.64.65.15.15.35.35.75.75.75.72.082.08221.81.81.71.71.361.361.31.3Bắt buộcTự nguyện2016201720182019202020210246VnExpress2016● Bắt buộc: 4.3

Theo các hiệp hội, chọn phương án nào cũng đều khắc phục được bất cập của tỷ lệ đóng và nền đóng theo luật hiện hành. Nguồn thu BHXH sẽ không giảm, thu nhập lẫn lương hưu của lao động không quá cách biệt và loại trừ được yếu tố thỏa thuận của đôi bên. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể quy định thấp hơn mức 75% nhưng tiền lương thực lĩnh của lao động cao hơn.

Doanh nghiệp đề xuất thêm ban soạn thảo cần ra quy định rõ ràng về các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng luật có hiệu lực, mỗi bên hiểu khác nhau khiến việc chấp hành bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nguồn: Vnexpress.net

CASCADES THÔNG BÁO KHỞI ĐỘNG THÀNH CÔNG NHÀ MÁY GIẤY BAO BÌ TẠI BEAR ISLAND

Với năng lực sản xuất hàng năm là 465.000 tấn thùng hộp, giấy bìa nhẹ, chất lượng cao, tái chế 100%, nhà máy hiện đại này được trang bị để hoạt động trong nhóm top hàng đầu của ngành và sẽ tăng cường tính linh hoạt trong vận hành, geographic footprint và khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng thùng hộp, giấy bìa của Cascades. Dự án đã tạo ra 700 việc làm trong khu vực trong giai đoạn xây dựng và 180 việc làm lâu dài khi bắt đầu sản xuất thương mại.

“Sau khi vận hành nhà máy Greenpac cách đây gần 10 năm, việc khởi động Bear Island đánh dấu một cột mốc lịch sử khác trong quá trình hiện đại hóa chiến lược mạng lưới nhà máy của chúng tôi. Hơn bao giờ hết, Cascades có các tài sản hiện đại và cạnh tranh sẽ cho phép chúng tôi theo đuổi lâu dài Mario Plourde, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cascades cho biết.

“Cascades muốn cảm ơn tất cả nhân viên và đối tác của mình, những người đã biến dự án này thành hiện thực, một kỳ tích thậm chí còn khó khăn hơn trong bối cảnh toàn cầu khó khăn về các vấn đề chuỗi cung ứng. Dự án này lớn thứ hai trong lịch sử của Cascades và chúng tôi rất tự hào đã chuyển đổi thành công nhà máy này thành một nhà máy hiện đại cho phép Cascades tăng thị phần và nâng cao dịch vụ cũng như danh mục các giải pháp bền vững cho khách hàng của chúng tôi,” Charles Malo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cascades Containerboard nhận xét.

Nhà máy Bear Island hiện đang bước vào giai đoạn tăng tốc của máy và sẽ tăng dần sản lượng để đạt công suất tối đa. Lễ khánh thành chính thức sẽ được tổ chức trong vài tháng tới.

Nguồn: Risi – Biên dịch và Tổng hợp VPPA

Nền kinh tế đang rất khó khăn

“Rất khó tìm cơ hội tăng trưởng”

Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 (diễn ra từ ngày 9 – 12.5.2023), Ủy ban Kinh tế chỉ rõ: tăng trưởng GDP quý I.2023 chỉ đạt 3,32% – mức rất thấp trong điều kiện bình thường. Thêm vào đó, mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I.2022 khi nền kinh tế lúc đó vẫn đang chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Điều đó cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn. “Triển vọng tăng trưởng GDP quý II.2023 khó đột phá khi kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục triển vọng thiếu tích cực”.

Nhận định này được củng cố thêm bởi những chỉ dấu như: khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,4% trong quý I.2023, trong đó hầu hết các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực chính của tăng trưởng đều sụt giảm, như ô tô giảm 17,8%, thép thanh, thép góc giảm 15,8%, xe máy giảm 13,8%, linh kiện điện thoại giảm 13,4%… Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, về mức 46,7 điểm, là lần giảm mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn, hàng tồn kho tăng cao. Số liệu tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 39,9%. Khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp là tiếp cận tín dụng, thị trường bị thu hẹp. Xuất khẩu cũng giảm tới 11,8% so với cùng kỳ, trong đó các ngành như dệt may giảm tới trên 19%, điện thoại và linh kiện giảm 17,3%, giày dép giảm 16,3%… (theo Tổng cục Thống kê). Trong quý II.2023, “tình hình vẫn không mấy khả quan”. “Tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp vẫn sẽ kéo dài đến hết quý III”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong cũng cho rằng, rất khó tìm cơ hội tăng trưởng trong quý II, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm do khả năng suy thoái kinh tế nhẹ, lãi suất các nước tăng cao, lạm phát ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong nước, tiêu dùng nội địa cũng suy giảm. Điển hình là trong kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, khách du lịch đến Phú Quốc – một trong những trọng điểm về du lịch biển – sụt giảm tới 11,5% so với cùng kỳ; hay hệ thống Thế giới Di động đã giảm tới 12.000 nhân sự trong nửa năm qua có nguyên nhân vì tình hình kinh tế và sức mua giảm sút.

Cũng theo ông Tùng, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là đầu tư công, song giải ngân vẫn rất chậm, mới đạt gần 15% trong 4 tháng qua. Nhìn chung, “chưa thấy có tín hiệu tích cực nào xét cả bên trong và bên ngoài”. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay vào khoảng 6,5% là một thách thức rất lớn!

“Cải thiện môi trường kinh doanh không được coi trọng như trước

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức này đến từ cả yếu tố bên ngoài, cả yếu tố bên trong, có nguyên nhân khách quan và cũng có nguyên nhân chủ quan.

Trong đó, công tác dự báo, tham mưu còn bị động, phản ứng chính sách trong một số thời điểm chưa kịp thời, chưa lường trước và có kịch bản ứng phó với những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là xuất hiện những vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng ghi nhận ý kiến cho rằng, hiện nay việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không được coi trọng như trước (không có chương trình hay kế hoạch riêng về cải thiện môi trường kinh doanh mà lồng ghép thành một phần trong Nghị quyết của Chính phủ). Bên cạnh đó, thái độ đồng hành, chia sẻ, cảm thông đối với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp đã suy giảm. Cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… Những điều này đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Dẫn kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy “khoảng 19% ý kiến doanh nghiệp cho rằng chính quyền cấp tỉnh sẽ “trì hoãn việc thực hiện và đợi xin ý kiến chỉ đạo” hoặc “không làm gì” khi phát hiện những điểm chưa rõ ràng trong chính sách/văn bản trung ương”, Ủy ban Kinh tế cho rằng, điều này phần nào cho thấy tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước. Có ý kiến cho rằng quá trình ra quyết định của các bộ, địa phương hiện nay rất phức tạp và mất thời gian. Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế – xã hội.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ vấn đề này, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp.

Nguồn: Daibieunhandan.vn

Sau đua tăng, ngân hàng lại đua giảm lãi suất huy động

So với tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 5 này đã giảm mạnh. Trên thị trường, khảo sát biểu lãi suất niêm yết của nhiều ngân hàng ngày 7/5 cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Mức lãi suất huy động niêm yết cao nhất quanh 8%/năm, được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có thị phần lớn áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).

Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường: 7,2%/năm gửi tại quầy. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 – 5,9%/năm.

Các ngân hàng tư nhân có thị phần nhỏ hơn nữa cũng đang giảm đáng kể lãi suất huy động so với cách đây một tháng. Trên thị trường, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 9%/năm hầu như rất hiếm hoi. Tại kỳ hạn 12 tháng, BACABANK lãi suất huy động giảm từ 8,6% xuống 8,3%; KienlongBank cũng giảm lãi suất huy động từ 8,5% xuống 8,2%; SaigonBank giảm từ 8,3% xuống 8%…

Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. Hồi cuối năm 2022, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.

Nguồn: Cafef

Giải Pháp Tiết Kiệm Năng Lượng ABC (Advantage Balance Control™)

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đang gia tăng các yêu cầu về luật bảo vệ môi trường đối với sản xuất giấy vệ sinh và người tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Có thể nói đối với các nhà sản xuất, khống chế mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí phát thải ở mức độ thấp nhất là quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chỉ với những hình ảnh xanh sẽ không đủ để cạnh tranh mà cần có các hành động thiết thực tương ứng. Vì quá trình sản xuất giấy vệ sinh truyền thống vốn tiêu tốn nhiều năng lượng, nên theo các xu hướng trên, đã đến lúc cần có sự thay đổi. Và đây chính là thời gian vàng để cải tiến điều đó.

Thông thường, khi nhắc đến mục tiêu tiết giảm năng lượng, chúng ta sẽ tập trung vào làm cách nào để tận dụng năng lượng tái tạo đến từ quá trình sản xuất. Thay vào đó, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu từ một cách tiếp cận khác, bằng cách tiết giảm nhu cầu sử dụng. Bước đầu tiên và hiệu quả nhất phải là giảm mức tiêu thụ bằng cách sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có (Best Available Technology BAT). Theo đó bước thứ hai hướng đến gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tận dụng tối đa hệ thống đang được tích hợp bằng cách vận dụng thiết kế nhà máy tối ưu nhất và hoạt động vận hành tốt nhất (Best Operation Practices – BOP). Bước sau cùng, tập trung vào những phần thất thoát nếu như vẫn còn tồn đọng.

A – Giảm Thiểu Năng Lượng Tiêu Thụ

Đạt Độ Khô Sau Ép Cao Nhất Có Thể

Cách hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất giấy vệ sinh là cải thiện độ khô sau khi ép. Độ khô sau khi ép tăng lên có nghĩa là nước cần bay hơi ít hơn đáng kể trên lô sấy Yankee kéo theo cần ít năng lượng tiêu thụ hơn. Chúng ta hãy xem ví dụ sau. Theo tính toán, dựa trên sản lượng tức thời 200 tấn/ngày với độ khô sau ép tăng lên 2%, chẳng hạn từ 44% lên 46%, nghĩa là lượng nước cần làm bay hơi giảm đi 98 kg trên mỗi tấn giấy. Điều này đồng nghĩa là năng lượng tiêu thụ có thể giảm đến 166 kWh trên tấn giấy. Với những công nghệ tốt nhất của Valmet hiện nay, độ khô sau ép có thể đạt đến mức 48% (thực tế, 50% độ khô sau ép là hoàn toàn khả thi). Trong ví dụ của chúng tôi, một chủng loại sản phẩm nếu chỉ chứa một nửa lượng xơ sợi và nước thì lượng nước cần bay hơi là 272 kg trên một tấn giấy.

Việc tiết giảm nhu cầu năng lượng về cơ bản đòi hỏi một cái nhìn toàn diện về cả quy trình sản xuất giấy vệ sinh, trong đó cần xem xét đến tất cả các giải pháp và công nghệ tiềm năng từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đầu vào đến khâu lên cuộn. Ngoài ví dụ trên, vẫn còn rất nhiều giải pháp tiềm năng có thể tiến hành để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng. Bằng cách giảm lưu lượng bột phun ở thùng đầu, có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng của hệ thống tiếp cận mà không làm giảm chất lượng sản phẩm. Việc thiết lập sử dụng nước phun rửa từ hệ thống nước trắng qua xử lý góp phần làm giảm lượng nước sạch tiêu thụ, gián tiếp góp phần làm giảm nhu cầu năng lượng sấy khô. Bộ phận cách nhiệt ở đầu lô Yankee ngăn thất thoát nhiệt và do đó giảm lượng hơi tiêu thụ của lô sấy Yankee. Sử dụng hệ thống truyền động trực tiếp thay vì hộp số cho máy nghiền giúp loại bỏ nhu cầu về nước và dầu làm mát. Khi tổn thất năng lượng cho hộp số vận hành được loại bỏ, mức tiêu thụ điện năng giảm. Một thiết kế mới của sàng lồng có thể mang lại thêm khả năng tiết kiệm năng lượng. Trên đây chỉ là một vài trong số các giải pháp có thể hiện thực được.

B – Nâng Cao Hiệu Quả Sử Dụng

Thiết Kế Nhà Máy Tối Ưu Để Giảm Thiểu Gánh Nặng Về Môi Trường Và Chi Phí Sản Xuất

Một nhà máy được thiết kế tối ưu, nhìn từ quan điểm bảo vệ môi trường và chi phí, bao gồm toàn bộ các giải pháp được tích hợp để đảm bảo sự trơn tru trong vận hành giữa các dây chuyền từ tạo bột đến giấy hoàn thiện. Đây là một thực tế đã được chứng minh trong mô hình mô phỏng tiên tiến của chúng tôi. Cách thức thiết kế, tính toán và bố trí trong mối tương quan giữa các hệ thống thiết bị, điều khiển dựa trên các yêu cầu của quá trình sản xuất và sản phẩm đầu ra là nhân tố rất lớn ảnh hưởng đến toàn bộ năng lượng tiêu thụ. Việc thiết kế vượt mức nhu cầu dẫn đến hiệu quả năng lượng và khả năng vận hành kém cũng như chi phí sản xuất cao. Sự khác biệt giữa công suất lắp đặt cho nhà máy được thiết kế kém nhất so với nhà máy được thiết kế tốt nhất là rất đáng kể. Mặt khác, một nhà máy với thiết kế không phù hợp và các thiết bị vận hành vượt mức yêu cầu có thể làm tăng thêm mức tiêu thụ điện năng cho các bơm bột và bơm nước.

Từ Theo Dõi Đến Hành Động – Từ Trạng Thái Thụ Động Đến Trạng Thái Chủ Động

Để đáp ứng yêu cầu về giảm gánh nặng cho môi trường và chi phí sản xuất, một giải pháp quy trình tích hợp cho dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh hoàn chỉnh là rất cần thiết. Dù một nhà máy được thiết kế tối ưu tích hợp cùng những giải pháp công nghệ bậc nhất nhưng một “cơ thể sẽ không thể hoạt động hiệu quả mà không có khối óc bên trong”. Một hệ thống điều khiển thông minh dựa trên sự tương tác giữa con người và hệ thống. Hệ thống không chỉ tự động kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất và duy trì các tham số vận hành trong phạm vi cài đặt mà còn có những tính năng hỗ trợ hiệu quả như: thống kê một cách hiệu quả về lượng nước và năng lượng tiêu thụ tại một thời điểm cụ thể hoặc cả quá trình, hỗ trợ phân tích và xử lý dữ liệu trực tuyến từ các chuyên gia của Valmet.

Đào Tạo

Giám sát được xem là một công cụ để đảm bảo quá trình sản xuất đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, nhân viên vận hành cũng phải có khả năng đọc hiểu các tín hiệu phản hồi từ hệ thống và thực hiện các thao tác vận hành theo hướng tiết kiệm năng lượng nhất và đảm bảo năng lực sản xuất tối đa của nhà máy. Hiệu quả sử dụng thiết bị có sự tương quan với mức tiêu thụ năng lượng. Do đó, phương pháp & kinh nghiệm vận hành thực tiễn tốt nhất là vô cùng quan trọng để thiết lập hiệu suất sử dụng tốt nhất. Đào tạo góp phần tạo nên thói quen, hành vi của người vận hành để từ đó đạt được mục đích giảm tiêu thụ năng lượng và nước và giảm thiểu tác động đến môi trường.

C – Quan Tâm Đến Phần Thất Thoát

Ngay cả khi sử dụng các công nghệ tốt nhất hiện có và thực hành các cách thức vận hành tốt nhất, nhưng hầu như không thể tránh lãng phí về nhiệt. Do đó, câu hỏi đặt ra là: Liệu nhiệt lượng phát ra có thể được tái sử dụng và sử dụng cho mục đích gì? Một hệ thống thu hồi nhiệt có chức năng thu hồi lượng nhiệt ở mức nhiệt độ thấp dư ra từ hệ thống chụp gió. Hệ thống thu hồi hơi nước rất cần thiết, chủ yếu được sử dụng cho mục đích làm ấm không gian dây chuyền sản xuất, khu văn phòng và những khu vực cần được sưởi ấm. Thách thức đặt ra là làm sao phát triển các công nghệ không chỉ thu được thất thoát mà còn có thể chuyển đổi những năng lượng thất thoát này sang các dạng năng lượng có giá trị hơn. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy các phương pháp mới được giới thiệu để khôi phục năng lượng thất thoát theo một cách hoàn toàn khác. Lấy ví dụ, một trong những công nghệ mới của chúng tôi cho phép thu hồi động năng từ quá trình sản xuất và chuyển đổi nó thành điện năng có giá trị để có thể tái hòa nhập vào hệ thống truyền tải – một bước quan trọng hướng tới mục tiêu nhà máy thân thiện với môi trường.

Một Giải Pháp Tiếp Cận Toàn Diện

Trách nhiệm vì một ngành công nghiệp bền vững lâu dài là cam kết chung giữa nhà sản xuất giấy vệ sinh và nhà cung cấp giải pháp thiết bị. Do đó không có thời gian để chờ đợi hoặc khái niệm “tầm nhìn trong dài hạn” đơn lẻ mà cần phải hành động ngay bây giờ. Để thành công, chúng ta cần phải kết hợp những công nghệ hiện có tiên tiến nhất kết hợp với thiết kế nhà máy tối ưu nhất đồng thời áp dụng các hoạt động vận hành tốt nhất. Ngoài ra, chúng ta cần bắt đầu đúng hướng và thực hiện những bước cần thiết đầu tiên. Nếu chúng ta có thể tiết giảm nhu cầu năng lượng ở bước đầu tiên và sau đó làm cho quy trình vận hành hiệu quả hơn, thì cuối cùng chúng ta sẽ tối ưu được lượng thất thoát. Tiết giảm năng lượng tiêu hao trong khi vẫn có thể sản xuất cùng một sản phẩm với mức chất lượng không thay đổi đang ngày càng trở nên quan trọng đối với ngành sản xuất giấy vệ sinh. Điều này thôi thúc các nhà sản xuất giấy vệ sinh định hướng tầm nhìn xa hơn bằng cách sẵn sàng đầu tư thêm vào giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Những công nghệ tiên tiến được sử dụng hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho ngành, người tiêu dùng và môi trường. Khi hợp tác với Valmet, các nhà sản xuất giấy vệ sinh sẽ nhận được rất nhiều lợi ích từ việc hợp tác với nhà một nhà cung cấp giải pháp toàn diện, có khả năng làm chủ toàn bộ máy móc thiết bị, giàu kiến thức và kinh nghiệm về quy trình sản xuất cũng như yêu cầu thiết kế nhà máy. Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, Valmet tự tin sẽ đưa nhà máy của đối tác lên một tầm cao mới.

Chúng ta hãy làm cùng nhau! Đã đến lúc thực hiện cú nhảy vọt!

Dịch bởi Kỹ sư Valmet và ATZ Solutions (Đại diện Valmet) – Biên tập và Tổng hợp VPPA

Thích ứng với biến động của kỷ nguyên mới: Cần tầm nhìn dài hạn và chiến lược cụ thể

Nhận diện những biến động của kỷ nguyên mới

Dịp lễ 30/4 năm nay gần với một loạt sự kiện có tính bước ngoặt trên toàn cầu.

Thứ nhất, Ấn Độ chính thức vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và Trung Quốc được cho là bắt đầu xu thế sụt giảm dân số. Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, dân số Trung Quốc dự kiến giảm gần 110 triệu người (giảm gấp 3 lần mức dự đoán vào năm 2019). Xu thế già hóa và giảm dân số không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà còn của nhiều quốc gia khác.

Thứ hai, lãi suất toàn cầu chính thức vượt qua ngưỡng 3% ở đa số các nền kinh tế chủ chốt, trong khi cách đây 1 năm chỉ quanh mức 1%. Lãi suất tăng gấp 3 lần, lạm phát lõi được dự báo sẽ duy trì một cách “lì lợm” trong thời gian dài hơn sẽ khiến nhiều hoạt động đầu tư đình trệ.

Thứ ba, rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra sẽ ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng đến thế giới, đặc biệt là các nước nghèo và khu vực ASEAN là một trong những nơi có rủi ro cao. Tại một hội thảo gần đây về hợp tác kinh tế của Anh với ASEAN, tôi đọc được một câu nhấn mạnh rằng “ASEAN là một trong những khu vực gặp nhiều rủi ro nhất trên trái đất”, khi đề cập rủi ro biến đổi khí hậu ở khu vực này, trong đó, rủi ro do bão tố, lũ lụt, ngập nước và lở đất là rủi ro hàng đầu, hạn hán cũng là một mối nguy thường trực, ảnh hưởng đến 15 – 25% dân số trong khu vực.

Thứ tư, là sự chậm đi, thậm chí có phần đảo ngược của tiến trình toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong suốt hơn 3 thập niên vừa qua. Sự gia tăng cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt đang dần hình thành một xu hướng mới, đó là các nền kinh tế chủ chốt bắt đầu “chọn phe”, với sự nổi lên của thuật ngữ “chuyển sản xuất đến những nước cùng phe” (friend-shoring).

Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã sử dụng thuật ngữ “friend-shoring” để mô tả những nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sao cho các cơ sở sản xuất chủ chốt sẽ được đặt lại ở các quốc gia “thân thiện và đáng tin cậy”.

Đáp trả lại điều đó, Trung Quốc cũng nêu chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, quyết tâm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước khác. Những diễn tiến đầu năm 2023 cho thấy, Trung Quốc nghiêm túc với quan điểm này, đồng thời nỗ lực khiến nhiều nước chưa thân thiện với Mỹ gia tăng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí nỗ lực phân hóa mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ.

Kết quả là, thời kỳ tăng trưởng nhanh trước đây với nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á sẽ khó lặp lại trong thập kỷ tới, trong đó có nhiều đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam.

Thời kỳ dân số vàng của một số nền kinh tế trong khu vực này, trong đó có Việt Nam, đang dần đi qua. “Cổ tức dân số vàng” – khái niệm nói về tăng trưởng kinh tế do dân số tăng trưởng lành mạnh đi cùng với năng suất lao động tăng theo – lợi thế do dân số tạo ra giảm dần, lợi ích do toàn cầu hóa mang lại sụt giảm, lãi suất cao, áp lực an sinh xã hội tăng lên với sự già hóa của dân số, biến đổi bất lợi của môi trường và những cam kết phát thải bằng 0 sẽ tạo ra nhiều rủi ro cũng như cơ hội.

Với biến đổi khí hậu, chúng ta thường thấy cả hai khái niệm rủi ro do biến đổi khí hậu (climate risk) và cơ hội do biến đổi khí hậu (climate opportunities). Tương tự như vậy với xu thế “chọn phe” của Trung Quốc và Mỹ. Có thay đổi, thì có cả nguy và cơ; quan trọng là làm sao nắm bắt được nó.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện để cải cách nền kinh tế, nhằm thích ứng với những thay đổi của một kỷ nguyên mới, rất khác với hơn 3 thập niên trước đây. Chiến lược này phải nhắm đến hạn chế bất lợi và tận dụng cơ hội do những thay đổi của kỷ nguyên mới tạo ra.

Đâu rồi một chiến lược dài hạn?

Trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ xin lấy câu chuyện về chiến lược công nghiệp làm ví dụ, vì mục tiêu mà chúng ta hướng tới đã lâu là trở thành một nước công nghiệp tiên tiến.

Cách đây khoảng một tháng, trong buổi tư vấn ngắn cho một ngân hàng ở Singapore về tình hình kinh tế Việt Nam, một người tham dự hỏi tôi rằng: “Theo ông, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào ngành công nghiệp mũi nhọn nào để phát triển trong 5 năm tới”?

Tôi đã bối rối, vì dường như chúng ta có nhiều mũi nhọn quá. Tôi nhận ra, nhà đầu tư nước ngoài cần một chiến lược có tầm nhìn dài hạn và cụ thể để họ tính toán “xuống tiền”, trong khi nước ta dường như vẫn thiếu điều đó.

“Việt Nam cần một chiến lược toàn diện để cải cách nền kinh tế, nhằm thích ứng với những thay đổi của một kỷ nguyên mới, rất khác với hơn 3 thập niên trước đây. Chiến lược này phải nhắm đến hạn chế bất lợi và tận dụng cơ hội do những thay đổi của kỷ nguyên mới tạo ra.”

Đầu năm 2022, tôi rất ngạc nhiên khi đọc được đoạn sau đây do Giáo sư Trần Văn Thọ viết: “Sự việc thứ hai, hôm 17/11, tôi nhận được yêu cầu từ Bộ Công thương nhờ góp ý về dự thảo liên quan chính sách công nghiệp bắt đầu xây dựng. Tìm hiểu, tôi ngạc nhiên khi được biết, đây là lần đầu tiên, một bộ chính sách về công nghiệp hoàn chỉnh được chuẩn bị, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp tiên tiến vào năm 2045”.

Như vậy, đến cuối năm 2021, chúng ta mới bắt đầu có dự thảo liên quan đến chính sách công nghiệp!

Và từ đó tới nay, tôi thấy có rất ít những bước đi cụ thể để thể hiện rõ, đâu là một số ít thế mạnh về công nghiệp chủ chốt mà chúng ta muốn hướng tới.

Thay vào đó, từ năm ngoái tới nay, tôi thấy, đa số các thảo luận về chính sách xoay quanh những câu chuyện phản ứng ngắn hạn với thị trường bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm. Sử dụng một phần mềm theo dõi tin tức và mạng xã hội, tôi nhận ra rằng, trên 37% tin tức chủ chốt được thảo luận và xem nhiều trong 2 tuần gần đây, trước dịp lễ 30/4, vẫn liên quan tới giảm lãi suất, chính sách bất động sản và hầu như không có một tin tức nào nói đến những định hướng dài hạn của nền kinh tế.

Chúng ta dường như đang phản xạ có điều kiện với những biến động kinh tế, hơn là chủ động làm chủ và nắn dòng vốn trong nền kinh tế một cách chủ động.

Ngay cả sau việc TP.HCM công bố số liệu tăng trưởng kinh tế rất thấp trong nhiều năm và liên tục có nhiều thảo luận liên quan, đa số các thảo luận cũng chỉ tập trung nói về những khó khăn, giải pháp tháo gỡ, hay cơ chế đặc thù mà TP.HCM cần có, nhưng lại không thấy có nhiều thảo luận chỉ ra rõ ràng rằng, TP.HCM sẽ phải nhắm vào lĩnh vực chủ chốt nào, cần đầu tư mạnh  vào mũi nhọn cụ thể nào.

Chúng ta không có một định hướng và lựa chọn cụ thể, do đó, những người đi ra quốc tế để marketing hình ảnh của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, vì không biết phải trả lời ra sao với những câu hỏi như: “Cụ thể, đâu là thế mạnh của Việt Nam về công nghiệp?”, “Trong 5 – 10 năm tới, đâu sẽ là 3 lĩnh vực chủ chốt mà Chính phủ hướng tới?”.

Trong khi đó, nhiều nước có định hướng rất cụ thể. Ví dụ, đọc về chiến lược công nghiệp của Anh, có thể thấy rõ những ngành được chú trọng gồm: công nghệ hàng không, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xe hơi mới, xây dựng, công nghiệp sáng tạo, khoa học sự sống (life science), hạt nhân và điện gió ngoài khơi.

Nếu là một nhà đầu tư ở Anh, hay một người đi quảng bá đầu tư vào nước này, tôi sẽ rất dễ dàng trả lời và lấy ví dụ, nhờ sự cụ thể của chiến lược và các kế hoạch đầu tư dài hạn của Chính phủ; đồng thời cũng rất dễ dàng chỉ ra, đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào thì sẽ dễ được ưu đãi hay tiếp cận vốn ở Anh.

Ở Việt Nam cũng có những tên ngành công nghiệp mũi nhọn được nhắc tới, nhưng những khái niệm như “công nghệ cao”, “năng lượng mới”, “chuyển đổi số” còn khá mơ hồ. Quan trọng hơn, không có một cam kết hay chương trình cụ thể (chi bao nhiêu tiền, mục tiêu là gì…) được chỉ ra. Nhiều ngành được gọi là “mũi nhọn”, nhưng chương trình cụ thể dành cho các “mũi nhọn” đó là gì, thì không thấy được nhấn mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài cần những thông tin cụ thể, thậm chí là so sánh với đối thủ cùng khu vực, để thuyết phục được họ bỏ tiền đầu tư ở Việt Nam thay vì nước khác.

Cụ thể hơn, những câu hỏi như: “Đâu là mũi nhọn công nghiệp cụ thể của Việt Nam”, “Đâu là hướng đi của TP.HCM”, “Chính phủ, ngân hàng và những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam sẽ ủng hộ đầu tư vào những công nghệ mới nào”… cần được làm rõ và truyền thông rõ ràng.

Trên đây chỉ mới là một câu chuyện về công nghiệp. Những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, đối diện với già hóa dân số… đều cần những chiến lược rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn, nhưng phải đủ cụ thể, không chung chung kiểu như “tất cả đều là mũi nhọn”.

Đổi mới để thích ứng với một kỷ nguyên mới là điều bắt buộc do biến động của thời đại tạo ra. Để chủ động đổi mới và làm chủ xu thế, cần có tầm nhìn dài hạn, nhưng đồng thời cũng phải có những chiến lược cụ thể.

Rất nhiều ngành “thời thượng” không có trong danh sách những ngành được chú trọng trong chiến lược công nghiệp của nước Anh, vì nước này không có lợi thế về những ngành đó.
Ví dụ, với ngành công nghệ năng lượng thay thế, nước Anh chấp nhận để nước ngoài làm, hoặc doanh nghiệp Anh đầu tư ở nước ngoài thực hiện và họ chỉ tập trung vào điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, ngành khoa học sự sống được dành rất nhiều nội dung hướng vào các thỏa thuận hỗ trợ của Chính phủ và thuận lợi cho các doanh nghiệp ở Anh “làm deal” (thỏa thuận giao dịch kinh doanh) với thị trường tài chính trong lĩnh vực này.
Nguồn: Báo đầu tư

4 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu hơn 6 tỷ USD

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước chỉ đạt 53,57 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sự sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu này, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong 4 tháng đầu năm 2023 ,có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1%).

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD).

Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ USD, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ USD, giảm 53%.

Theo Bộ Công Thương, trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng xuất khẩu trong những quý tiếp theo.

Nguồn: Baochinhphu.vn

Rottneros đầu tư 180 triệu SEK để mở rộng năng lực sản xuất bột giấy CTMP

Do đó, Công suất dây chuyền sẽ tăng từ 125 nghìn tấn hiện nay lên khoảng 165 nghìn tấn với chi phí đầu tư tương đối thấp. Sau khi nâng cấp dây chuyền dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Khối lượng bột giấy CTMP bổ sung chủ yếu dành cho các phân khúc thị trường đang phát triển là bìa và bao bì cũng như khăn giấy. Với chi phí đầu tư thấp trên mỗi tấn sản phẩm, Rottneros củng cố khả năng cạnh tranh lâu dài của mình trên thị trường CTMP đang phát triển.

“Quyết định tăng đáng kể công suất trong CTMP là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển liên tục của Tập đoàn Rottneros với tư cách là công ty dẫn đầu trong ngành bột giấy toàn cầu. Đây cũng là một bước tích cực tiếp theo trong quá trình chuyển đổi cơ cấu của Nhà máy Rottneros sau khi ngừng hoạt động Nhà máy Rottneros Lennart Eberleh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Rottneros cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng các điều kiện sinh lời trong tương lai của CTMP là rất tốt, đặc biệt là do nhu cầu đóng gói ngày càng tăng, đây là một trong những lĩnh vực ứng dụng quan trọng nhất”.

Rottneros là nhà sản xuất bột giấy thị trường độc lập. Tập đoàn bao gồm công ty mẹ Rottneros AB, được niêm yết trên Nasdaq Stockholm, với các công ty con Rottneros Bruk AB và Vallviks Bruk AB, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và bán bột giấy trên thị trường. Ngoài ra, một phần của nhóm còn có Rottneros Packaging AB chuyên sản xuất khay sợi, công ty thu mua nguyên liệu thô SIA Rottneros Baltic ở Latvia và nhà điều hành mảng rừng Nykvist Skogs AB. Tập đoàn có doanh thu khoảng 3 tỷ SEK trong năm kinh doanh 2022 và có khoảng 306 nhân viên.

Nguồn: Fast Market – Biên dịch và tổng hợp VPPA