Suy thoái – cái giá phải trả trong cuộc chiến chống lạm phát

Các ngân hàng trung ương đã đánh giá thấp sự xuất hiện của đợt lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Vì thế, họ giờ đang đẩy các nền kinh tế tiến gần hơn đến suy thoái khi tìm cách hạn chế đà leo thang của giá cả.

Giới phân tích đang ngày càng lo ngại nhà hoạch định chính sách sẽ can thiệp quá tay bằng những đợt tăng lãi suất mạnh. Điều này cũng tương tự cách họ đã quá đà trong việc tung kích thích để phục hồi kinh tế sau dịch.

Ngân hàng trung ương các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất khi lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh. Bloomberg Economics dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 9% trong quý II lên 9,3% quý III, trước khi giảm trở lại mức 8,5% vào cuối năm.

Tốc độ thắt chặt tiền tệ đang khiến việc “hạ cánh mềm” ngày càng khó đạt được. Citigroup cho rằng nguy cơ suy thoái toàn cầu hiện là 50%. Trong khi đó, Bank of America dự báo một “cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay” ở Mỹ, khi các điều kiện kinh tế xấu đi nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Niềm tin của nhà đầu tư rằng các nhà hoạch định chính sách có thể tránh được suy thoái đã sụp đổ. Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng toàn cầu đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Ngược lại, lo ngại suy thoái lên cao nhất kể từ tháng 5/2020, theo khảo sát của Bank of America.

Dario Perkins, Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại TS Lombard, cho rằng dù thị trường lao động đang mạnh, các ngân hàng trung ương vẫn cần phải thận trọng. “Chúng ta đang trên đà thắt chặt quá mức. Điều đáng lo ngại là các nhà hoạch định chính sách đã bối rối trước lạm phát và giờ muốn khắc phục nhanh chóng. Rủi ro là họ có thể đi quá xa, gây ra những thiệt hại không đáng có cho kinh tế thế giới”, ông nhận định.

Một số quan chức đã bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng lãi suất. Chủ tịch Fed Kansas Esther George tháng này cảnh báo việc gấp rút thắt chặt tiền tệ có thể phản tác dụng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 21/7 tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%), lần tăng đầu tiên trong 11 năm và cũng là lớn nhất kể từ năm 2000. Điều đó xảy ra khi khả năng suy giảm kinh tế tại khu vực này đã tăng lên 45%, từ mức 30% tháng 6, theo một khảo sát của Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Anh thì đang cân nhắc nâng thêm 0,5% nữa. Fed cũng được dự báo tăng lãi suất thêm 0,75% trong phiên họp ngày 27/7. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Canada đã gây sốc khi tăng tới 1%.

Trong các nền kinh tế mới nổi, Ngân hàng Trung ương Nam Phi đã nâng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng lớn nhất trong gần hai thập kỷ. Philippines trong tháng này cũng gây bất ngờ với việc tăng 0,75%.

Vì đã chủ quan với lạm phát, các quan chức tiền tệ giờ đây phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để khôi phục niềm tin. Tại Anh, Thống đốc Andrew Bailey hứng chỉ trích từ các chính trị gia trong Đảng Bảo thủ cầm quyền. Họ đổ lỗi cho ngân hàng trung ương đã phản ứng quá chậm với lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Stefan Ingves trong tháng này thừa nhận đã có một “năm tồi tệ” sau 9 tháng liên tiếp để lạm phát vượt dự báo. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Philip Lowe hôm 20/7 thừa nhận việc kích thích quá mức trong bối cảnh đại dịch đã làm tăng thêm áp lực giá.

“Dù cách tiếp cận này giúp chúng ta tránh được một số ảnh hưởng tiêu cực lâu dài, nó lại góp phần vào áp lực lạm phát mà chúng ta đang phải trải qua”, Lowe nói. Cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác, ông đang phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế để kiềm chế giá cả.

suy-thoai-cai-gia-phai-tra-trong-cuoc-chien-chong-lam-phat
GDP toàn cầu từ 2015 đến 2021 (màu đen). Dự báo GDP 2022 và 2023, với màu hồng của IMF, màu vàng của OECD và màu xanh của World Bank. Đồ họa: Bloomberg

“Lạm phát dự kiến còn tồi tệ hơn rồi mới được cải thiện”, Ravi Menon – Giám đốc Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore cho biết tại cuộc họp báo ngày 19/7. Ông cho rằng “cần phải giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế” để khôi phục sự ổn định toàn cầu.

Phân tích của Citigroup về chu kỳ tăng lãi của Fed từ năm 2015 đến năm 2018 cho thấy nền kinh tế giảm tốc nhanh hơn dự kiến của Fed. Điều này có nghĩa Fed cần “chuẩn bị cho những điều bất ngờ” và cùng là lời cảnh báo dành cho các ngân hàng trung ương.

Tại cuộc họp gần đây giữa các giám đốc tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, giới chức đổ lỗi cho Nga rằng đã gây ra lạm phát toàn cầu và khiến triển vọng tăng trưởng xấu đi đáng kể. Chẳng mấy người thừa nhận sai sót trong chính sách và dự báo của chính họ.

Một số nhà kinh tế tỏ ra thông cảm. Selwyn Cornish, chuyên gia về lịch sử chính sách kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng hàng loạt sự kiện diễn ra những năm gần đây – từ đại dịch, chiến sự đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt – đã làm phức tạp công việc của các ngân hàng trung ương. “Làm sao chúng ta dự báo chính xác những điều này được?”, ông nói.

Sayuri Shirai, cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cho biết vòng xoáy tăng lương và lạm phát có thể càng làm xói mòn niềm tin hơn nữa. “Một khi điều này xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ mất uy tín. Vì vậy, dù việc tăng lãi suất hiện tại sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, họ vẫn phải ưu tiên lạm phát”, bà giải thích.

   >>> Thị trường bột giấy giao ngay tại Mỹ: bột NBSK ổn định, bột BHK tăng

Theo VnExpress

Thị trường bột giấy giao ngay tại Mỹ: bột NBSK ổn định, bột BHK tăng

Theo khảo sát của Fastmarkets, tính đến hết ngày 15/7, giá trung bình của bột giấy NBSK giao ngay tại miền Đông và Trung Tây nước Mỹ ổn định ở mức 1.015-1.055 USD/tấn.

Giá hợp đồng kỳ hạn cũng không thay đổi kể từ tháng 1, ở mức 1.805 USD/tấn. Như vậy, giá giao ngay thấp hơn khoảng 43% so với giá hợp đồng.

Trong đó, chi phí vận chuyển là yếu tố gây ra sự chênh lệch lớn về giá bột giấy.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giá giữa bột gỗ cứng và bột gỗ mềm rất nhỏ.

Hiện tại, dù là bột gỗ cứng hay gỗ mềm, miền bắc hay miền nam, chúng đều chênh nhau trong khoảng 20 USD/tấn. Thậm chí, có trường hợp giá bột gỗ cứng còn đắt hơn giá gỗ mềm.

Giá bột BHK giao ngay hiện ngang bằng với bột NBSK.

Do nguồn cung thấp và nhu cầu mạnh, nên giá giao ngay bột BHK của Mỹ tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, giá giao ngay BHK của Mỹ tăng thêm 10 USD/tấn, đạt mốc 1.020-1.050 USD/tấn tại thời điểm tuần thứ 3 tháng 7/2022. Lần đầu tiên đánh dấu mức giá BHK tương đương với NBSK./.

    >>> Doanh nghiệp sản xuất giấy tăng trưởng lợi nhuận “đều như vắt chanh”, EPS cao top đầu thị trường

Theo Fastmarkets RISI

Doanh nghiệp sản xuất giấy tăng trưởng lợi nhuận “đều như vắt chanh”, EPS cao top đầu thị trường

Trên sàn chứng khoán, có khoảng hơn 10 doanh nghiệp sản xuất giấy mang những màu sắc cạnh tranh riêng biệt. Trong số đó, CTCP Giấy Việt Trì (UpCOM – GVT) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu với quy mô doanh thu mỗi năm trên nghìn tỷ.

GVT tiền thân là Nhà máy Giấy Việt trì, bắt đầu đi vào hoạt động ngày 19/05/1961. Kể từ tháng 10/2008, Công ty chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, VĐL ban đầu 47 tỷ đồng. Nhắc đến Giấy Việt Trì, nhà đầu tư không nhiều ấn tượng về thanh khoản cổ phiếu giao dịch trên sàn, mà ấn tượng về kết quả kinh doanh với EPS luôn thuộc TOP cao, về thị giá cổ phiếu và tỷ lệ chia cổ tức hàng năm.

Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất giấy các loại, sản phẩm chủ yếu của gông ty hiện nay: Giấy Duplex coated, giấy Krafliner, giấy in viết, giấy bao gói xi măng, giấy sóng…

Sản phẩm của Giấy Việt Trì đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được bạn hàng chấp thuận và đánh giá cao. Từ khi hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao, việc làm của người lao động ổn định, thu nhập khá, trả cổ tức hàng năm đều đặn ở mức cao.

Kết quả kinh doanh “gặp thời”, EPS cao ngất ngưởng

doanh-nghiep-san-xuat-giay-tang-truong-loi-nhuan-deu-nhu-vat-chanh-eps-cao-top-dau-thi-truong doanh-nghiep-san-xuat-giay-tang-truong-loi-nhuan-deu-nhu-vat-chanh-eps-cao-top-dau-thi-truong

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015 – 2020, Giấy Việt Trì ghi nhận doanh thu dao động trong khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn từ vài chục tỷ cho tới hơn trăm tỷ đồng.

Năm 2021, thị trường giấy bao bì trong nước tiếp tục diễn biến theo hướng thuận lợi cho hoạt động SXKD của công ty. Tại thị trường nội địa các loại giấy bao bì chất lượng cao nhập khẩu thường xuyên không đủ nhu cầu bởi ảnh hưởng của hoạt động vận tải thương mại quốc tế. Trong khi đó khối lượng lớn sản phẩm giấy bao bì của các nhà sản xuất trong nước đã ưu tiên cho xuất khẩu, giảm sản lượng tiêu thụ nội địa đã tạo sức nóng cho thị trường trong nước.

Điều này đã phản ánh vào doanh thu và lợi nhuận Giấy Việt Trì ghi nhận kỷ lục năm 2021. Cụ thể, doanh thu thuần đem lại 1.989 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm trước đó. Trừ các chi phí phát sinh, lãi trước thuế đạt hơn 254 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. EPS tăng từ 12.172 đồng năm 2020 lên 17.248 đồng năm 2021 – thuộc TOP các doanh nghiệp đạt chỉ số EPS cao trên thị trường chứng khoán.

Bước sang 2022, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch năm với doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 10 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 120 tỷ đồng, giảm 53% so với thực hiện năm 2021. Công ty lên kế hoạch thận trọng như vậy một phần do lo ngại về tình hình lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Trong thời gian tới, công ty định hướng sản xuất các sản phẩm giấy bao bì cao cấp, từng bước nâng sản lượng giấy lên 200.000 tấn vào các năm tiếp theo.

doanh-nghiep-san-xuat-giay-tang-truong-loi-nhuan-deu-nhu-vat-chanh-eps-cao-top-dau-thi-truong

Thị giá top trên sàn chứng khoán

Về cổ phiếu GVT, năm 2017, cái tên này chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM và mau chóng tăng mạnh qua từng năm. Cuối năm 2021, thị giá GVT có thời điểm lên sát 170.000 đồng/cp.

Sau giai đoạn đạt đỉnh, GVT giao dịch không mấy tích cực theo xu thế điều chỉnh của thị trường chung. Kết phiên 4/7, thị giá đạt 126.400 đồng/cp, giảm 26% so với đỉnh lịch sử. Ngoài ra, do cơ cấu cổ đông cô đặc nên dường như thanh khoản Giấy Việt Trì khá èo uột, nhiều phiên thậm chí không có giao dịch. Bởi vậy, chỉ cần 100 cổ phiếu được khớp lệnh cũng đủ làm thị giá biến động hàng chục nghìn đồng.

Chia cổ tức đều đặn

Không chỉ kinh doanh tăng trưởng, GVT cũng là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao trong nhiều năm. Kể từ khi niêm yết, không năm nào công ty quên chi trả cổ tức cho cổ đông. Thông thường, công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt dao động với tỷ lệ 10%-35%/vốn điều lệ. Chỉ riêng năm 2020, Giấy Việt Trì trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 58% nhằm tăng vốn.

Với lợi nhuận kỷ lục năm 2021, GVT gây ấn tượng với kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 39%/vốn điều lệ. Mới đây, công ty đã chốt danh sách với thời gian chi trả vào 30/6/2022.

Năm 2022, song song mục tiêu lợi nhuận “thận trọng”, GVT đã thông qua kế hoạch chia cổ tức khiêm tốn hơn, tối thiểu 30%.

   >>> Đông Hải Bến Tre (DHC) rót 97 tỷ đồng thành lập CTCP Giấy Giao Long

Theo CafeF

Đông Hải Bến Tre (DHC) rót 97 tỷ đồng thành lập CTCP Giấy Giao Long

Ngày 15/7, HĐQT Đông Hải Bến Tre (Dohaco – HoSE: DHC) thông qua việc triển khai góp vốn thành lập CTCP Giấy Giao Long. Địa chỉ trụ sở chính đặt tại lô CN01, CN02, CN03, CN 04, cụm công nghiệp Long Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Việt Nam.

CTCP Giấy Giao Long có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Dohaco góp 97 tỷ đồng, tương đương nắm giữ 97% vốn điều lệ. Thời gian góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. HĐQT sẽ xem xét góp thêm vốn tuỳ thuộc tiến độ thực hiện dự án.

HĐQT cử ông Lương Văn Thành – Chủ tịch Dohaco và ông Lê Bá Phương – Phó Chủ tịch Dohaco, mỗi người đại diện 4,85 triệu cổ phần, tương đương 48,5% vốn điều lệ Giấy Giao Long.

Trước đó, ngày 29/6, HĐQT Dohaco thống nhất giải thể CTCP Bao Bì Đông Hải với lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư, thành lập CTCP Giấy Giao Long. Dohaco cũng bãi bỏ nghị quyết ngày 16/6 về việc góp 99 tỷ đồng vào Bao Bì Đông Hải.

Tại thời điểm cuối quý I, Dohaco có một công ty con là công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh bao bì carton. Hiện Dohaco nắm 100% quyền sở hữu và biểu quyết.

Ngoài ra, Dohaco có một công ty liên kết là CTCP Tân Cảng Giao Long với tỷ lệ sở hữu 26%. Hoạt động kinh doanh chính của Tân Cảng Giao Long là cung cấp dịch vụ khai thác cảng và vận chuyển.

Về kế hoạch đầu tư, giai đoạn 2022 – 2026, công ty sẽ đầu tư nhà máy sản xuất giấy bao bì công suất 1.200 tấn/ngày với vốn đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng, nhà máy bao bì số 4 vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Từ 2026-2030, Dohaco dự định đầu tư thêm nhà máy sản xuất giấy kraft và 1 nhà máy sản xuất bao bì carton.

Với nhà máy giấy mới, CEO cho biết đang tiến hành thủ tục thuê đất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chuẩn bị nhập máy móc thiết bị và theo kế hoạch giữa 2025 đưa vào hoạt động. Dohaco đầu tư nhà máy mới chuyên sản xuất dòng giấy cao cấp để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua 15/7, cổ phiếu DHC tăng 2,96% lên mức 66.000đ/cp. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 125 nghìn đơn vị.

dong-hai-ben-tre-dhc-rot-97-ty-dong-thanh-lap-ctcp-giay-giao-long
Diễn biến giá cổ phiếu DHC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

    >>> Giấy thu hồi có xu hướng giảm giá tại thị trường Đông Nam Á

Theo Kinh tế Chứng khoán

Giải đáp những băn khoăn về việc “xử phạt người không phân loại rác”

Chưa xử phạt người dân không phân loại rác từ ngày 25/8

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8 nêu rõ nội dung, “xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”.

Thực tế, đã có nhiều luồng ý kiến lo ngại việc người dân, hộ gia đình sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định đó là cách hiểu chưa đúng. Nghị định 45 quy định xử phạt hành vi “không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định” nhưng hiện lại chưa có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải thì các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.

“Khi nào địa phương có quy định cụ thể về phân loại rác thải thì mới có thể xem xét xử phạt người dân, hộ gia đình vi phạm. Vì thế, chưa thể có việc cơ quan chức năng xử phạt hành vi không phân loại rác thải từ ngày 25/8 tới như một số ý kiến lo ngại”- vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho hay.

Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại như thế nào?

Tại cuộc họp gần nhất ở Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) cho rằng, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại dựa trên các yêu cầu xử lý và theo 3 nhóm gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tùy theo từng khu vực, tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, quy mô công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… có thể lựa chọn những phương thức phân chia theo nhóm chất thải khác nhau cho phù hợp với từng khu vực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Bên cạnh đó, các địa phương có thể tổ chức phân chia thêm thành các nhóm chất thải như: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu Tổng cục Môi trường hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, trong đó nêu rõ nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn chi tiết, cụ thể để UBND các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý rác…

Giải đáp những băn khoăn về việc xử phạt người không phân loại rác - 2
Theo Luật Bảo vệ môi trường, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Trong ảnh, rác thải ùn ứ, chất đống tại khu vực phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Không phân loại rác có thể từ chối thu gom, vận chuyển

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nội dung mới, đáng chú ý nhất của luật là quy định thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ – tức là xả rác càng nhiều thì phải trả càng nhiều tiền.

Để bảo đảm tính khả thi, luật đã đưa ra một số quy định. Trong đó, căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị – xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.

UBND cấp xã được giao trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Việc phân loại rác tại nguồn đã từng thất bại

Việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được thực hiện thí điểm từ năm 2006. Khi đó, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp… Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình.

Một số địa phương khác cũng đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không đạt kết quả hoặc không được duy trì gồm: TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ năm 2017, Bắc Ninh năm 2014, Hưng Yên năm 2012, Lào Cai 2016.

Theo Dân trí

Giấy thu hồi có xu hướng giảm giá tại thị trường Đông Nam Á

Kể từ khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) thì Ấn Độ đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất.

Bởi vậy khi Ấn Độ từ chối nhận hàng thì đã gây áp lực giảm giá lớn đối với các nhà xuất khẩu RCP của Mỹ, khối lượng cho Ấn Độ buộc phải chuyển hướng sang Đông Nam Á, làm gia tăng lượng cung cho khu vực này và kéo giá giảm theo, đặc biệt là RCP từ Châu Âu và từ bờ đông nước Mỹ.

Giá OCC của Mỹ: Các nhà cung cấp của Mỹ vẫn muốn duy trì giá OCC ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ trong nước ổn định và lượng cung cho xuất khẩu không nhiều.

Tuy nhiên, họ cho biết lượng OCC 11 và DS OCC 12 xuất khẩu từ Bờ Đông Hoa Kỳ đã tăng lên và giá có thể sẽ thấp hơn.

Giá DS OCC 12 của Mỹ ở mức 260-265 USD/tấn ở Đài Loan, 275-295 USD/tấn ở Đông Nam Á.

Giá OCC 11 của Mỹ ở mức 255-280 USD/tấn tại Đông Nam Á và Đài Loan.

Giá OCC Châu Âu giảm: Do tác động của chiến tranh Nga-Ukraina và các lệnh cấm vận, trừng phạt lên Nga đã có tác động thị trường toàn cầu, đồng euro sụt giá so với đồng đô-la Mỹ, giá cước vận chuyển RCP từ Châu Âu đến Đông Nam Á giảm đã làm cho giá RCP của Châu Âu giảm mạnh.

Từ tuần đầu tháng 7/2022, giá OCC (95/5) của Châu Âu tiếp tục giảm tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, giảm 25 USD/tấn, giữ mức 210-220 USD/tấn.

Một nguyên nhân nữa thúc đẩy giá giảm là các nhà máy tái chế tại Châu Âu ngừng máy, nhu cầu tiêu thụ tại châu Âu sụt giảm, làm gia tăng lượng cung cho xuất khẩu.

Trong khi đó, do xuất khẩu giấy bao bì và bột giấy thu hồi sang Trung Quốc bị ngưng trệ nên đã dẫn đến việc nhiều nhà máy cắt giảm sản lượng và lượng giấy thu hồi tồn kho tại các nhà máy tăng.

Các nhà máy tại khu vực đang gia tăng mức thu gom và sử dụng RCP thu gom trong nước, cắt giảm lượng nhập khẩu nên giá nhập khẩu RCP tiếp tục sụt giảm.

Dự báo giá OCC 95/5 của Châu Âu sẽ chỉ ở mức 200 USD/tấn hoặc thậm chí thấp hơn trong tuần cuối tháng 7 và tuần đầu tháng 8/2022.

Giá OCC của Nhật Bản: Do giá RCP của Châu Âu giảm nên đã tác động trực tiếp đến giá RCP nhập khẩu từ Nhật Bản.

Giá OCC của Nhật Bản đã giảm mạnh 30-35 USD/tấn, xuống còn 225-250 USD/tấn.

Tại Việt Nam và Thái Lan đã giảm từ 280 USD/tấn xuống mức 235-250 USD/tấn. Tại Đài Loan, giá OCC của Nhật Bản giảm xuống còn 225-230 USD/tấn./.

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch 

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi xăng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa ký văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10.

Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định, đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần kiềm chế sự gia tăng của giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh thì việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng là giải pháp khả thi và có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 cũng như diễn biến thị trường xăng dầu thế giới gần đây khi mà giá xăng liên tục tăng và vẫn đang ở mức cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi xin ý kiến trước đó là từ 20% xuống 12%.

Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới trong tương lai và đảm bảo không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

Về hiệu lực thi hành, trong bối cảnh thị trường xăng dầu đang diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để kịp thời phát huy hiệu quả của giải pháp điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN.

Về thời hạn áp dụng chính sách, Bộ Tài chính cho rằng giá xăng trên thế giới đang ở mức cao, biến động khó lường, khó dự báo. Nguồn cung xăng dầu trên thị trường cũng đang tiềm ẩn rủi ro về khả năng thiếu hụt. Sau khi Nghị định có hiệu lực thì các doanh nghiệp nhập khẩu xăng cũng cần phải có thời gian nhất định để tìm kiếm, đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác mới nên chính sách cũng cần có sự ổn định. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định thời hạn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng theo phương án nêu trên.

Đánh giá tác động đến thu ngân sách, theo Bộ Tài chính, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch ngập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.

Như vậy, có thể thấy tỉ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp. Trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.

    >>> BVDM kêu gọi bãi bỏ ADDs và CVDs đối với CFP nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo báo Công Thương

Vai trò phản biện chính sách của các Hiệp hội

Từ ngày 01/4/2022, sau vài lần trì hoãn, TP Hồ Chí Minh (TP HCM) đã quyết định thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thông qua cảng biển Thành phố theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân TP HCM, với mức phí thấp nhất là 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM); cao nhất là 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Lắng nghe chia sẻ

Theo Sở GTVT TP HCM, sau hai tháng vận hành thu phí cảng biển, mức phí thu được hơn 500 tỉ đồng. Tính toán của Sở GTVT TP HCM đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền đóng góp rất lớn, trong khi các Doanh nghiệp đang phải vật lộn với các khó khăn trong kinh doanh hàng ngày mà Chính phủ phải tìm cách tháo gỡ kể cả việc giảm các loại thuế cho doanh nghiệp; hay như hay như HĐND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng Hà Tĩnh, cảng Nghi Sơn Thanh Hóa với mức hỗ trợ là 200 triệu đồng/chuyến cập Cảng (Nghị quyết số 276/2021-HĐND ngày 28/4/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND ngày 04/4/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa).

Trước thời gian thu phí trên, khi biết tin TP HCM sẽ thu phí hạ tầng cảng biển, qua đó sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và cung cấp dịch vụ logistics trong hoàn cảnh bị tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, các Hiệp hội ngành dịch vụ và ngành hàng, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã chủ động lấy ý kiến của doanh nghiệp hội viên và đã có các văn bản đề nghị với Thành phố bãi bỏ hoặc hoãn việc thu phí đến một thời gian thích hợp.

Ngày 10/12/2021, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (CĐTNĐ) đã chủ trì Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của các Hiệp hội liên quan và một số doanh nghiệp (DN) vận tải thủy. Hội thảo đã trao đổi vấn đề thu phí bất hợp lý đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) qua khu vực cảng Hải Phòng và khu vực cảng TP HCM trong tương lai gần.

Sau sự kiện đó và khi TP HCM tiến hành chính thức thu phí, tiếp theo các văn bản đề nghị trước đó, để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và các DN sản xuất, XNK – Đối tác của DN dịch vụ logistics, VLA đã chủ động, chủ trì phối hợp với 5 Hiệp hội ngành nghề liên quan là Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VSC), Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VSA) và Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tiến hành một loạt các văn bản kiến nghị v/v TP HCM thu phí hạ tầng cảng biển gửi đến UBND, HĐND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thuộc hành pháp và lập pháp trong đó có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kiến nghị của các Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực của Ủy ban này), Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Văn phòng Chính phủ, đồng thời thông báo cho các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội để có tiếng nói đồng tình ủng hộ mạnh mẽ.

Ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị gồm các bên liên quan và đưa ra kết luận để TP HCM xem xét, giải quyết thỏa đáng vấn đề nổi cộm này. Trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng, ngày 8/6/2022 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 169/TB-VPCP thông báo báo kết luận “đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm trình HĐND Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022”.

Đến hết tháng 6/2022 đã có 30 văn bản liên quan của Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội (2 văn bản), Văn phòng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Bộ Tài chính (5 văn bản), Bộ GTVT (3 văn bản), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (5 văn bản) và các Hiệp hội (10 văn bản).  Các văn bản đã phân tích có lý, có tình trên cơ sở luật pháp hiện hành.

Với những nỗ lực kiên trì và liên tục vì quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp, bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, theo đề nghị của UBND, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết/Quyết định ngày 7/7/2022 về việc Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc Ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Theo đó mức phí thu mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2022.

Theo tính toán của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến thành phố giảm 891 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển là cần thiết nhằm tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, góp phần vào việc giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển vận tải thủy, chia sẻ cho giao thông vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, phát triển vận tải đa phương thức.

vai-tro-phan-bien-chinh-sach-cua-cac-hiep-hoi
Mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu.

Kinh nghiệm rút ra

Từ quá trình thực hiện công tác phản biện chính sách thành công này chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho những hoạt động tiếp theo của các Hiệp hội ngành nghề như sau:

Thứ nhất, khi xảy ra sự việc phức tạp và có liên quan tới nhiều bên, các Hiệp hội đã có quyết định kịp thời để phản ánh ý kiến của Hội viên và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên; phải theo đuổi sự việc một cách kiên trì và đã có phương pháp tiến hành với phương châm “thực hiện từng bước một”, giải quyết khéo léo từng vấn đề, không quá tham vọng.

Thứ hai, các Hiệp hội biết chủ động tập hợp sức mạnh của nhau. Có một Hiệp hội đứng ra với vai trò thường trực, dẫn dắt, có trách nhiệm cao. Mỗi Hiệp hội giao cho một đầu mối có năng lực thực hiện, chịu trách nhiệm trước Hiệp hội và có khả năng kết nối chung.

Thứ ba, lãnh đạo Hiệp hội tham gia có ý kiến kiên định, trả lời nhanh để đáp ứng về mặt thời gian theo yêu cầu.

Thứ tư, khi phối hợp nhiều bên có liên quan lại có trụ sở ở các nơi trong cả nước nên sử dụng tối đa phương tiện điện tử để gửi văn bản điện tử và bản gốc gửi phát chuyển nhanh sau đó để đáp ứng yêu cầu về thời gian giải quyết kịp thời kết hợp với sự đồng thuận và có chữ ký của nhiều bên. Việc gửi văn bản phải linh hoạt và đảm bảo tính thời gian.

Thứ năm, các nội dung yêu cầu được giải trình phải theo quy định của luật pháp, không nêu chung chung mà có dẫn chứng cụ thể. Văn bản được gửi tới các cơ quan giải quyêt đúng thủ tục quy định, nên gửi tới cơ quan tư pháp, ngoài các cơ quan hành pháp và lập pháp để xem xét văn bản được ban hành có đúng quy định của pháp luật hay không.

Thứ sáu, theo dõi chặt chẽ kết quả giải quyết sau khi văn bản được gửi đi để có phản ứng kịp thời.

Thứ bảy, kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức luật pháp và kiến thức chuyên môn của các chuyên gia và cơ quan quản lý liên quan. Đề nghị có lý, có tình, hành văn phù hợp với tình hình, tôn trọng và lịch sự.

Thứ tám, tận dụng các kênh truyền thông hỗ trợ, qua đó có tác dụng thiết thực với cơ quan được đề nghị và làm cho dư luận xã hội hiểu và ủng hộ.

Thứ chín, sau khi kết thúc vụ việc, cần viết thư cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã phối hợp, giúp đỡ; đặc biệt là gửi đến cơ quan mà các Hiệp hội đã kiến nghị, đánh giá cao thái độ cầu thị, tiếp thu, sửa đổi vì lợi ích chung và gửi đến các cơ quan truyền thông để phổ biến rộng rãi.

Thứ mười, trường hợp còn vấn đề nào chưa được đáp ứng hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, không nên vội vã kiến nghị lại ngay mà cần bình tĩnh xem xét trên cơ sở tổng thể các kiến nghị và trả lời để có ý kiến tiếp theo vào thời gian thích hợp.

     >>> Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 9 ngành công nghiệp Giấy và Bột giấy tại Việt Nam

Vượt qua những khó khăn sau đại dịch Covid-19, PAPER VIETNAM 2022 vẫn thu hút các doanh nghiệp từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Bỉ, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Trung Quốc, Việt Nam. Đây thực sự là một cơ hội giá trị để các doanh nghiệp, các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác, tiếp cận thị trường và công nghệ mới. Triển lãm dự kiến sẽ đón hơn 4,000 lượt khách tham quan thương mại.

Tại các Hội thảo chuyên đề, các chuyên gia hàng đầu trong ngành sẽ cập nhật xu hướng công nghệ và diễn biến thị trường. “Sự phát triển của ngành giấy Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới” – Ông Đặng Văn Sơn (Phó chủ tịch, Tổng Thư ký VPPA); Tái chế giấy thu hồi nói chung và hộp đựng chất lỏng (sữa, nước hoa quả…) nói riêng ở Việt Nam” – Ông Hoàng Trung Sơn (Phó Chủ tịch VPPA, Chủ tịch Chi hội II, VPPA, Tổng Giám đốc Giấy Đồng Tiến); “Tổng quan ngành giấy bột giấy Ấn Độ” – Ông. B P Thapliyal (Tổng thư ký, Hiệp hội Nông nghiệp và Nhà máy giấy tái chế Ấn Độ IARPMA); “Máy xeo giấy làm thùng sóng trong những năm tới ở Việt Nam” – Chuyên gia của Valmet (Phần Lan)… là một số chủ đề đáng chú ý tại triển lãm.

Chương trình “Gặp gỡ giao thương các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam và quốc tế” do BTC phối hợp với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) chủ trì sẽ là một trong những hoạt động đáng chú ý.

Chương trình Kết nối giao thương B2B cũng luôn được BTC chú trọng phát triển. Việc sắp xếp trước các cuộc hẹn ngay tại gian hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được các cuộc gặp hiệu quả và đáng tin cậy với các đối tác phù hợp, để thương thảo về sản phẩm và công nghệ, lựa chọn người mua – người bán phù hợp, đi đến ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, Khu vực trưng bày giấy tissue là nơi các đơn vị sản xuất sản phẩm giấy tissue được trưng bày miễn phí, nhằm tạo cơ hội trao đổi và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm giấy Việt Nam.

Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ chi phí đi lại cho các đoàn khách tham quan từ 30 người trở lên.

Chúng tôi tin rằng PAPER VIETNAM 2022 sẽ là cầu nối thương mại lý tưởng, nơi hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Giấy và Bột giấy Việt Nam.

Thời gian: 03-05/08/2022

Địa điểm: Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Trần Nguyên Thu Thủy (Ms. Rosie) – Phụ trách dự án
Công ty TNHH MTV DV QC & Triển lãm Minh Vi (VEAS)
Phòng 803, tòa nhà Citilight, 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại : 028 384 88 561  Di động : 093 8300 391
Email: Rosie.tran@veas.com.vn
Website: https://www.paper-vietnam.com/