Bộ ngành “khoe” cắt hàng nghìn thủ tục, doanh nghiệp than chỉ cắt giảm hình thức

Bộ Thông tin – Truyền thông báo cáo cắt giảm được gần 60% điều kiện kinh doanh, giảm chi phí 36 tỷ đồng/năm. Bộ Y tế thống kê cắt gần 1.400/2.000 thủ tục, giúp tiết kiệm 3.300 tỷ/năm. Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu xem lại tính thực chất của hoạt động này khi doanh nghiệp vẫn ta thán.

Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật còn nợ đọng và việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh dưới sự chủ trì của Tổ trưởng Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Văn bản hướng dẫn luật nợ đọng… 8 tháng

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề thể chế, đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành kịp thời văn bản là nhiệm vụ được Thủ tướng đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ này. Vấn đề thường xuyên được đặt ra trong các phiên họp Chính phủ, họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, họp Thường trực Chính phủ. Đây cũng là nội dung được cơ quan lập pháp (Quốc hội) liên tục đốc thúc, đề cập, gần nhất là phiên chất vấn Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng, trưởng ngành tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua.

Trong năm 2019, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 2 buổi làm việc với các bộ để thúc đẩy các bộ ban hành các văn bản hướng dẫn luật có hiệu lực. Tại cuộc kiểm tra đầu tiên vào tháng 3/2019, Tổ công tác xác định có 36 văn bản còn nợ đọng thuộc trách nhiệm của các bộ, tới lần kiểm tra thứ 2, số lượng văn bản nợ đọng giảm xuống còn 20.

Cuộc kiểm tra lần thứ 3 hôm nay, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, hiện còn 14 văn bản để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành đang nợ, trong đó có 6 văn bản nợ quá hạn đã lâu, hầu hết quá hạn 1-3 tháng nhưng cũng có đã nợ quá hạn 4 tháng, thậm chí tới 8. Đây là những rào cản lớn cho việc thực thi pháp luật.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cảnh báo, 1/1/2020 tới đây, có 16 nghị định quy định chi tiết thi hành có hiệu lực, tức chậm nhất 15/11/2019 các bộ ngành phải hoàn thành số văn bản này. Tiếp đó, thêm 12 nghị định quy định chi tiết sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020. Như vậy, thời gian tới, khối lượng văn bản phải làm rất lớn, nếu không quyết liệt sẽ không thể hoàn thành.

Nội dung khác, về việc cắt giảm thực chất và thực thi điều kiện kinh doanh cũng như việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát tình hình chung, các Bộ, ngành đã làm rất tích cực, quyết liệt thời gian qua. Kết quả, 3.100 điều kiện trên tổng số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, 6.700 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến dòng hàng, mặt hàng trên tổng số 9.600 mặt hàng cũng được bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động sản xuất inh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhiều.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phấn khởi với báo cáo của Bộ Tài chính về việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đã làm gia tăng số giấy chứng nhận kinh doanh được lập. Tiêu biểu như  ngành bảo hiểm, gia tăng doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư tăng hơn 300% so với cùng kỳ 2018, bảo hiểm nhân thọ tăng hơn 215% so với cùng kỳ 2018.

Cắt giảm hình thức, chạy theo thành tích

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến từ nhiều cơ quan cho rằng, cần xem xét thực chất các kết quả này. Có ý kiến  cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành 6 tháng đầu năm 2019 chậm, chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xoá bỏ việc kiểm tra như Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng có ý kiến nhận định, việc kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Có những văn bản, thông tư thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng còn nhiều vấn đề phải xem xét, như “thủ thuật” chuyển điều kiện kinh doanh thành tiêu chuẩn, quy chuẩn “đánh đố” doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn chứng, VCCI từng nhận xét, cón hơn 300 văn bản quy định rất rộng, rất khó cho việc tra cứu, áp dụng. Vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều đầu mối trong 1 bộ hoặc nhiều bộ. Lãnh đạo VCCI cho rằng, có tình trạng điều kiện kinh doanh “hoá thân” vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, không giải quyết được bài toán đề ra, tình trạng xin – cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Theo đó, chi phí không chính thức với doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực trong khi giảm chi phí chính là quyết tâm đề ra của Thủ tướng.

Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng than là các bộ, ngành chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (VICEM) cũng bất bình khi thực tế việc cắt giảm mới chỉ là hình thức khi thủ tục giảm nhưng thời gian xử lý công việc không giảm. Một vấn đề doanh nghiệp hỏi ý kiến vẫn phải chờ vài ba bộ trả lời, hầu hết trả lời đúng hạn trong vòng 1 tháng thì chỉ cần một bộ kéo dài đến 3 tháng là các khâu khác cùng phải chậm lại để… chờ. Việc cắt giảm như vậy chưa mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ gỡ bung ra những vướng mắc nhỏ.

Ở khía cạnh khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ, một số đơn vị chỉ chạy theo mục đích cắt giảm cơ học các thủ tục, một số khác cũng làm vì thành tích, cắt giảm “lấy được” mà không quan tấm đến yêu cầu đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước.

Để hoạt động này đi vào thực chất, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần, cương quyết cắt bỏ những thủ tục gắn với quyền lợi cục bộ của các bộ, ngành.

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông khẳng định Bộ này không có văn bản nợ đọng. Về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ này phụ trách 6 lĩnh vực nhưng tổng số điều kiện kinh doanh không nhiều, trong tổng số 385 điều kiện, đến nay 209 thủ tục đã được cắt giảm, chiếm tỷ lệ 59%, đảm bảo chỉ tiêu đề ta. Về số thủ tục hành chính, Bộ cũng bãi bỏ được 35 trên tổng số hơn 200 thủ tục. Việc này giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp 20.000 giờ/năm, chi phí giảm 36 tỷ/năm.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông cũng lo ngại việc quản lý sẽ “chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia” với “trào lưu” cắt giảm. “Việc quản lý trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thay đổi liên tục, kỹ thuật mới liên tục cập nhật, nếu cứ cắt giảm mãi cho đủ số lượng, sợ là đến lúc có vấn đề thì trở tay không kịp” – đại diện Bộ này trình bày.

Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế nêu những con số ấn tượng, đã giảm 1.392/2.005 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 69,43%. Thủ tục hành chính cắt 167/245 thủ tục hành chính. Theo tính toán, việc này giúp tiết kiệm 8.000 ngày công, tương đương 3.332 tỷ đồng/năm, đó là chưa tính tới chi phí cơ hội…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét: “Số liệu cắt giảm của Bộ Y tế rất cao nhưng cần xem xét lại về thực chất việc cắt giảm vì nhiều doanh nghiệp liên quan lĩnh vực trang thiết bị y tế, dược còn kêu nhiều lắm, chỉ có lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm phản hồi tốt. Doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng đâu”.

Theo Dân trí

Cắt giảm giấy phép: Chính phủ yêu cầu ‘nói đi đôi với làm’

Yêu cầu được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6 năm 2019.

Theo Nghị quyết vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chưa hoàn thành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đã được phê duyệt.

“Các bộ, cơ quan đã cắt giảm phải công bố, công khai kịp thời, đầy đủ các thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện nghiêm túc như đã công bố”, Nghị quyết nêu rõ.

Đối với các mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, đề xuất phương án thống nhất một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gửi Văn phòng Chính phủ trong tháng 7 năm 2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan hoàn thành việc ban hành hướng dẫn và kế hoạch cải thiện các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh trong tháng 7 năm 2019; đối với các bộ, cơ quan đã ban hành, khẩn trương tổ chức phổ biến, tập huấn để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

Các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa đã được công bố công khai; tiếp tục rà soát, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về tình hình đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Chính phủ yêu cầu, từng bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là các đề án trong chương trình công tác, các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh nêu tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều đơn vị tích cực cắt giảm giấy phép con

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02, Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CTTTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tính đến ngày 26/6/2019, 85% tổng số các nhiệm vụ trong Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CTTTg đã được hoàn thành, 15% đang được triển khai tích cực.

Nhiều Bộ, ngành đã tích cực rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm các điều kiện doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đạt tỷ lệ vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra; đồng thời ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ (tháng 5 năm 2019), các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu). Với tổng hợp này của Văn phòng Chính phủ, nhìn chung các Bộ đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm 2018.

Sau một năm rưỡi kể từ khi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực, các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Đồng thời, để khẩn trương đưa một số chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị quyết của Quốc hội về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV.

Ở cấp địa phương, tính đến ngày 20/6, đã có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh/thành phố. Trong đó, một số địa phương đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh…

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngay từ cuối tháng 12/2018 và đầu năm 2019, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bình Dương, Đồng Tháp, Tuyên Quang, v.v).

Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các Bộ, ngành, trong đó, dự kiến bỏ quy định thu 06 khoản phí và 04 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 02 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% – 25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn…

Bảng tổng hợp kết quả rà soát độc lập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về cải cách điều kiện kinh doanh:

TT Lĩnh vực  ĐKKD trước 2018 ĐKKD cắt giảm Tỷ lệ cắt giảm ĐKKD hiện tại
1 NN&PTNT 345 251 73% 230
2 Y tế 806 446 55% 436
3 Công Thương 1098 515 47% 634
4 Xây dựng 200 87 44% 184
5 LĐ-TB&XH 84 34 40% 67
6 TN&MT 196 75 38% 144
7 GTVT 553 197 36% 380
8 KH&CN 92 24 26% 68
9 VHTT&DL 161 32 20% 128
10 Tài chính 456 90 20% 392
11 GD&ĐT 192 35 18% 156
12 TT&TT 217 31 14% 196
13 Tư pháp 126 8 6% 118
14 AN-QP 123 5 4% 118

Vẫn tồn tại khoảng cách chính sách và thực thi

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ cho DNNVV.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 02 yêu cầu các Bộ “tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”, nhưng đến nay mới chỉ có 02 Bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện yêu cầu này. Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Hầu hết các Bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về nội dung cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này. Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp.

Cũng trong quý II năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…) đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được Bộ quan tâm giải quyết.

Còn theo kết quả rà soát độc lập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn còn nhiều dư địa để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh.

Theo Chính phủ