Thị trường giấy và bột giấy Trung Quốc cuối tháng 5

Sau hai tháng giảm mạnh, vào cuối tháng 4, giá giấy bao bì hòm hộp tái chế dường như đã chạm đáy, khiến nhiều công ty gia công  hòm hộp đẩy mạnh việc mua hàng. Tuy nhiên, cuối tháng 5, các nhà sản xuất đã tăng giá bán giấy bao bì tái chế thêm khoảng 50 RMB/tấn (7 USD/tấn).

Từ ngày 27/5, tại các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và thành phố Thượng Hải, giá giấy testliner đã tăng từ 3.450-3.730 RMB/tấn lên 3.500-3.830 RMB/tấn, giá giấy kraft-top liner đã tăng thêm 50 RMB/tấn, đạt 4.000-4.140 RMB/tấn. Giá giấy white-top liner không đổi, vẫn ở mức 5.150-5.550 RMB/tấn. Giá giấy medium độ bền cao đã tăng 100 RMB/tấn, lên 3.250-3.610 RMB/tấn.

Các nhà sản xuất và gia công hòm hộp đã cắt  giảm nhập khẩu giấy medium vì giá CIF đến các cảng chính của Trung Quốc vượt quá 340 USD/tấn, tương đương gần 2.900 RMB/tấn, đã bao gồm thuế nhập khẩu 5% và thuế VAT 13% và chưa gồm bất kỳ phí xử lý tại hải quan hay chi phí logistics nội địa.

   >>> Andritz hỗ trợ kỹ thuật từ xa khởi chạy dây chuyền TMP tại nhà máy Volga Pulp and Paper Mill

Nguyên nhân tăng giá là do lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dịch vụ chuyển phát nhanh đã góp phần kích cầu bao bì đóng gói tại Trung Quốc và dự kiến nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao trong lễ hội mua sắm trực tuyến giữa năm, diễn ra từ ngày 01 đến 18 tháng 6.

Mặc dù trong tháng 4, xuất khẩu đã bất ngờ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cuối tháng 5, thị trường xuất khẩu Trung Quốc vẫn rất ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các đơn đặt hàng tại một số nhà cung cấp đã bị cắt giảm 40% và hiện chưa có dấu hiệu phục hồi dù nhiều nước đã có lệnh nới lỏng phong tỏa.

 Thị trường giấy và bột giấy Trung Quốc cuối tháng 5

Nhu cầu KLB nhập khẩu bị chững lại vì loại hàng này chủ yếu được sử dụng để đóng gói hàng hóa xuất khẩu và ít khi dùng trong thương mại điện tử nội địa. Nhập khẩu KLB cho sản xuất trong tháng 5 vẫn ổn định trong khoảng giá 520-575 USD/tấn.

Trong tháng 5, giá giấy bìa cứng làm từ xơ sợi nguyên sinh tiếp tục giảm do nhu cầu thấp. Tại Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải, giá bìa ngà có tráng cao cấp giảm 300-400 RMB/tấn, xuống còn 6.600-6.700 RMB/tấn. Loại thương mại cũng giảm từ 5.800-5.950 RMB/tấn xuống còn 5.100-5.400 RMB/tấn.Thậm chí, một số nhà phân phối ở phía nam tỉnh Quảng Đông đã bán bìa ngà thương mại chỉ với giá chưa đến 4.500 RMB/tấn.

Tương tự, tại phía Nam Trung Quốc, giá bìa cứng tái chế cũng đi xuống. Giá bìa duplex gáy xám có tráng cao cấp đã giảm 200 RMB/tấn, xuống còn 4.250-4.350 RMB/tấn. Giá bìa duplex gáy xám có tráng thương mại giữ nguyên, ở mức 3.900-4.100 RMB/tấn.

Trong tháng 5, giá giấy in viết có tráng (CFP) cao cấp giảm từ 5.250-5.500 RMB/tấn xuống còn 5.050-5.400 RMB/tấn. Loại thương mại đã giảm 200 RMB/tấn, xuống mức 4.750-5050 RMB/tấn.

Giấy in viết không tráng (UFP) làm từ 100% bột giấy hóa học đã giảm từ 6.100-6.300 RMB/tấn xuống còn 6.000-6.100 RMB/tấn. UFP từ bột hóa cơ đã giảm 50-100 RMB/tấn, xuống còn 5.000-5150 RMB/tấn. Một số nhà cung cấp còn bán với giá 4.500 RMB/tấn. UFP gỗ hỗn hợp/phi gỗ đang được bán với giá 4.600-4.700 RMB/tấn, giảm 100 RMB/tấn.

Thị trường UFP tại Trung Quốc hiện vẫn bị thừa cung dù một số nhà máy đã tạm dừng máy hoặc ngừng sản xuất giấy in viết.Tuy nhiên, trong tháng 5, nhu cầu giấy in, viết cao cấp không tráng (UFP) có tăng nhẹ vì nhiều trường học ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại và mức giá thấp đã khiến các nhà phân phối đẩy mạnh việc mua vào UFP.

Giấy tráng định lượng thấp (LWC) nội địa đã giảm 100 RMB/tấn, xuống còn 6.300-6.400 RMB/tấn.

Giấy in báo trong nước ổn định ở mức 4.200-4.300 RMB/tấn.Trong khi đó, giá bán lại giấy in báo nhập khẩu chỉ ở mức 3.600-3.800 RMB/tấn, chủ yếu là từ Nga, chiếm 35% tổng khối lượng nhập khẩu.

Theo Fastmarkets RISI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin nhanh giá giấy trước biến động do Covid-19 (tiếp theo)

Biến động phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra tại Châu Âu, Mỹ và cả tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến thị trường giấy, ngành giấy nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với chúng tôi dự báo trong bản tin trước. 

>>> Đánh giá mức độ ảnh hưởng tới ngành giấy do dịch bệnh Corona gây ra

Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Châu Âu đóng cửa

Trong một động thái quyết liệt chưa từng thấy nhằm đối phó dịch COVID-19 leo thang, Ủy ban Châu Âu tuyên bố xem xét đóng cửa biên giới với phần còn lại của thế giới trong 1 tháng. Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU tối 17/3 theo giờ Đức, Thủ tướng Đức Bà Angela Merkel tuyên bố các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh  vào khối này, ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Anh.

Theo quyết định mới, công dân ngoài EU sẽ bị cấm vào khu vực các nước Schengen trong 30 ngày tới. Thành viên gia đình của các công dân Châu Âu và các nhân viên thiết yếu, như bác sĩ, y tá, và những người vận chuyển hàng hóa đến EU sẽ được miễn áp dụng các hạn chế này. Như vậy sau vài ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Châu Âu là tâm dịch COVID-19 mới thì các quốc gia thành viên EU đã áp đặt các biện pháp quyết liệt trên.

Trước đó tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cũng là yếu tố để giải phóng nguồn quỹ quốc gia nhằm đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tất cả các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người bị hủy bỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra một số khuyến nghị và yêu cầu mới bao gồm người già nên ở nhà, mọi người nên tránh ăn uống ở ngoài, đi lại không cần thiết và không tụ tập trên 10 người.

Ngành giấy đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguyên liệu giấy thu hồi

Theo các phân tích, việc đóng cửa Châu Âu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mới, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Trong đó, logistics và vận chuyển hàng hóa là hai ngành đang phải chịu thiệt hại nặng nề nhất, việc vận chuyển hàng hóa từ Châu Âu đến các quốc gia khác đang bị ngừng trệ, nhu cầu sụt giảm, thiếu container (do bị tồn đọng số lượng lớn tại các cảng Trung Quốc) làm chi phí gia tăng.

Cụ thể, hãng tàu CMA đã giảm 23 tàu, hãng tàu Maersk và các hãng khác cũng áp dụng biện pháp tương tự. Một số hãng từ chối vận chuyển giấy thu hồi và tăng cước vận chuyển từ châu Âu về Đông Nam Á lên tới 2.500USD, thậm chí 4.000USD/cont 40’, là giá cước rất khó khăn để xuất khẩu giấy thu hồi. Chưa kể nguồn cung cũng sụt giảm do việc thu gom và lưu thông khó khăn vì dịch bệnh.

Trong khi đó, ngành giấy Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đang nhập khẩu giấy thu hồi (OCC, SOP, ONP…) chủ yếu từ Mỹ và các nước Châu Âu… Khi các khu vực này đóng cửa, đồng nghĩa sẽ kéo theo tình trạng thiếu nguyên liệu của các nước nhập khẩu tại Châu Á và Việt Nam.

Tại thời điểm này, giá giấy EOCC (95/5) của Châu Âu đã lên tới 150 – 155 USD/tấn, CIF, cảng thành phố Hồ Chí Minh, giá AOCC11 của Mỹ cũng đã trên 165 USD/tấn và dự kiến giá vẫn còn tiếp tục tăng. Cũng chính vì thế nên rất nhiều nhà cung cấp giấy thu hồi cho thị trường Việt Nam đã huỷ hoặc trì hoãn thực hiện hợp đồng, đơn hàng đã ký, ngay cả khi LC đã được mở để yêu cầu tăng giá hoặc ký các đơn hàng mới với giá cao hơn nhiều. Điều này chắc chắn sẽ gây ra hiện tượng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất giấy tại Việt Nam trong tháng 4 tới và có thể kéo dài trong các tháng tiếp theo.

Theo cập nhật của VPPA, từ đầu tháng 3 tới nay cũng đã xuất hiện tình trạng tranh mua giấy thu hồi nội địa làm cho giá lề OCC tăng liên tục sau mỗi 2-3 ngày/lần và hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp phía Bắc phải mua tới giá 4.000.000đ/tấn, tăng gần 1.000.000đ/tấn so với cuối năm 2019. Trong khi giá giấy thành phẩm chỉ mới tăng khoảng 200.000 – 300.000 đ/tấn. Điều này gây ra áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất giấy và làm cho giá giấy thành phẩm chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, khi mà thị trường Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giấy và giấy lớn.

Do vậy các công ty lớn, có hàng tồn kho nguyên liệu đủ cho một quý trở lên và/hoặc có hệ thống thu gom trong nước tốt sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, trong khi các công ty nhỏ hoặc có mức tồn kho nguyên liệu thấp sẽ bị tác động bất lợi, có thể dẫn đến phải dừng hoạt động.

“Mối lo của nhiều doanh nghiệp giấy hiện nay ngoài việc thiếu nguyên liệu, phải tạm dừng máy, khả năng thừa lao động, phải tạm cho nghỉ việc, chi trả các nguồn chi phí cho nhân công tăng, … Còn có rủi ro khác cũng rất nguy hiểm là nếu một nhân sự bị nhiễm dịch dẫn đến cách ly toàn bộ công ty trong ít nhất 14 ngày cũng hoàn toàn có thể xảy ra”, lãnh đạo một công ty sản xuất giấy cho hay.

Trước thực tế trên, VPPA khuyến cáo đến các nhà máy giấy Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi diễn biến thị trường, tránh đua nhau đẩy giá nguyên liệu lên quá cao. Đồng thời cần tích cực phối hợp với Văn phòng Hiệp hội để đàm phán thêm với các nhà cung cấp lớn, uy tín giữ cam kết, nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất giấy trong nước, cũng như kiến nghị kịp thời tới Chính phủ và các cơ quan chức năng về các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro tới mức thấp nhất, góp phần ổn định kinh tế trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra./.

VPPA

Biến động giá giấy tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, do sự bùng phát của dịch Covid-19 và khủng hoảng nguồn cung giấy thu hồi (RCP) khiến cho giá giấy bao bì hòm hộp tái chế tăng vọt trong khi giá giấy in, viết vẫn giữ ở mức ổn định. Nguyên nhân được cho là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, vận chuyển đình trệ và hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Kể từ đầu năm 2020, giá giấy bao bì hòm hộp đã tăng đến 3 lần, mức tang bình quân 100-300 RMB/tấn.

Ở phía Đông Trung Quốc, giá giấy testliner đã tăng từ 3.900-4.150 RMB/tấn lên 4.220-4.700 RMB/tấn.

Giá giấy kraft lớp mặt đã tăng từ 4.400-4540 RMB/tấn lên mức 4.700-4.970 RMB/tấn.

Giá giấy lớp mặt trắng tăng 300 RMB/tấn, lên mức 5.550-5.950 RMB/tấn.

Giá giấy lớp sóng giữa có độ dai cao tăng vọt từ 3.640-3.780 RMB/tấn lên 3.980-4.320 RMB/tấn.

Giấy bìa 2 mặt có tráng phủ xám cao cấp đã tăng từ 4.400-4.700 lên 4.500-5.000 RMB/tấn.

Giá loại thường đã tăng từ 4.200-4.300 RMB/tấn lên 4.300- 4.500 RMB/tấn.

Giá bìa ngà tráng phủ cao cấp ổn định từ 7.100-7.200 RMB/tấn, giá loại thường tăng 50 RMB/tấn lên mức 5.850-6.000 RMB/tấn.

Giá giấy in viết có tráng loại cao cấp và hàng thường lần lượt là 5.950-6.400/tấn và 5.720-5.950/tấn.

Giá giấy in viết không tráng (UFP) làm từ bột giấy hóa học 100% đang được bán ở mức 6.670-6.920 RMB/tấn.

Giá UFP làm từ bột gỗ hóa học và cơ học bình ổn ở mức 6.200-6.400 RMB/tấn.

Giá UFP làm từ bột hỗn hợp (bột gỗ/bột phi gỗ) có giá 5.850-6.000 RMB/tấn.

Giá giấy in báo trong nước ổn định ở mức 4.300-4.400 RMB/tấn.

Trong nửa đầu tháng 2, Guangzhou Paper ngừng hoạt động 2 tuần khiến sản lượng giảm khoảng 16.000 tấn./.

Theo RISI – VPPA

Thông tin nhanh về biến động giá giấy

Theo ghi nhận của VPPA, do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc và quốc tế, hiện nay các loại giấy thu hồi (RCP) làm nguyên liệu sản xuất giấy và giấy cuộn thành phẩm trong nước đều đã bắt đầu tăng giá. Dự kiến giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn khi thị trường Trung Quốc hồi phục sau dịch bệnh.

Sau những ngày dài bị ngưng trệ do dịch bệnh Covid – 19, thị trường giấy Trung Quốc đang có những biến động khá mạnh và rõ cả trong nhập khẩu và xuất khẩu.

Cụ thể, Trung Quốc đang và sẽ thiếu hụt nghiêm trọng giấy thu hồi (RCP) làm nguyên liệu sản xuất khi trong nước không có người thu gom, các trạm ép đóng cửa và thiếu phương tiện vận chuyển do thiếu tài xế, cùng với việc khoanh vùng ngăn chặn dịch bệnh lây lan của chính phủ, trong khi hàng nhập khẩu cũng bị ứ đọng tại các cảng biển do ảnh hưởng của dịch bệnh; Rất nhiều nhà máy giấy tại Trung Quốc chỉ đủ nguyên liệu chạy đến hết tháng 2/2020. Đồng thời, dịch bệnh cũng đã làm cho chi phí vận chuyển (Logistic) nội địa tăng cao hơn hai lần so với thời điểm trước dịch bệnh, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm của các nhà máy giấy.

Thêm vào đó, tại thời điểm hiện nay, nguồn giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu từ Châu Âu và Mỹ sẽ phải chịu thêm chi phí khoảng 30 USD/tấn, do phải trả thêm phụ phí cao điểm dao động khoảng 250 USD/cont và phí trả container rỗng khoảng 500 USD/cont (vì không có nhiều tàu). Giá giấy EOCC95/5 trước đây khoảng 85 – 95 USD/tấn, nay lên khoảng 120 – 130 USD/ tấn; Giá AOCC11 của Mỹ hiện nay khoảng 145 USD/ tấn; Chưa kể việc tăng giá còn là để đảm bảo ổn định việc thu gom, phân loại RCP đã giảm mạnh thời gian qua, do giá xuống quá thấp dưới cả chi phí giá thành. Cũng chính vì giá RCP tăng đột biến, nên rất nhiều nhà cung cấp RCP cho thị trường Việt Nam cũng đã huỷ hợp đồng, đơn hàng đã ký, ngay cả khi LC đã được mở.

Cộng hưởng các yếu tố trên, nên tại Trung Quốc, dù các nhà máy giấy ngoài vùng tâm dịch đã được phép hoạt động trở lại, nhưng do thiếu nguyên liệu và nhân công nên hoạt động cầm chừng, cùng với giá nguyên liệu tăng cao, đã làm tăng chi phí giá thành sản xuất, cũng như không có đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu giấy của thị trường đang bắt đầu tăng lên. Điều này đã gây nên tình trạng thiếu hụt giấy thành phẩm, đẩy giá cả lên cao tại thị trường Trung Quốc trong những ngày gần đây và sẽ còn kéo dài, theo dự báo có thể tới tháng 06/2020.

Do đó, trong thời gian tới, nhiều loại giấy xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụt giảm, trong khi nhu cầu nhập khẩu giấy, đặc biệt là giấy bao bì của Trung Quốc sẽ tăng nhanh. Cùng với đó, hai nguồn xuất khẩu giấy lớn khác là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường giấy quốc tế, nhất là với các nước Asean trong đó có Việt nam. Trong tuần qua, đã có nhiều đơn đặt hàng mua giấy xuất đi Trung Quốc với giá tăng thêm 20 – 30 USD/tấn so với giá trước tết Nguyên Đán.

Theo đánh giá của các chuyên gia việc giá tăng như trên chưa phải là đỉnh điểm. Dự báo giá giấy sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 20 – 30 ngày tới, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu phục hồi sau dịch, các dịch vụ thương mại trở lại hoạt động. Chính lúc này, cuộc khủng hoảng nguyên liệu ở Trung Quốc sẽ bộc lộ rõ nhất và dự kiến có thể kéo dài nhiều tháng. Tại thị trường Việt Nam, dự kiến giá giấy bao bì sẽ tăng khoảng 500 – 1.000 đ/kg trong 2-3 tháng tới. Tuy nhiên, điều này sẽ ít tác động đến thị trường bao bì trong nước do giá giấy bao bì thời gian qua đã hạ xuống mức “đáy” khá lâu.

Trước thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo đến các nhà máy giấy Việt Nam cần theo dõi các hoạt động phòng chống dịch của Trung Quốc và nước ta cũng như thế giới. Theo dõi diễn biến thị trường Trung Quốc và trong nước để duy trì sản xuất và điều chỉnh giá bán hợp lý, đồng thời cần đảm bảo cung ứng ổn định cho nhu cầu giấy trong nước; Hết sức tránh không để xảy ra tình trạng thiếu hụt như giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018. Trao đổi nhanh với chúng tôi, nhiều đại diện nhà máy giấy Việt Nam cho biết họ vẫn đang giữ giá bán giấy ổn định, đồng thời sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ cho các khách hàng chiến lược của mình, góp phần hỗ trợ kinh tế trong nước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra.

VPPA

Thị trường giấy và bột giấy Việt Nam năm 2019 và nhận định cho năm 2020

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng thể hiện rõ nét và lan rộng, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn biến căng thẳng trong năm 2019. Sự căng thẳng đã có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam theo chiều hướng tích cực và cũng không ít những tiêu cực.

Năm 2019 – Nhiều điểm sáng

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng trên thế giới. Năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% đến 6,8%. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD và đạt 516 tỷ USD, thặng dư thương mại 9,9 tỷ USD.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 138.100, trở lại hoạt động 39.400 doanh nghiệp, ngừng hoạt động 16.000 doanh nghiệp, trong đó tổng số lao động trong doanh nghiệp thành lập mới là 1,25 triệu người. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn cấp đăng ký mới 16,7 tỷ USD, vốn điều chỉnh tăng 5,8 tỷ USD, tổng giá trị góp vốn và mua cổ phần đạt 15,5 tỷ USD.

Điểm sáng về kinh tế Việt Nam chính là động lực lớn cho thị trường giấy Việt Nam đạt được những con số ấn tượng trong năm 2019; Tiêu dùng giấy toàn ngành ước tính đạt 5,432 triệu tấn, tăng trưởng 9,8%; xuất khẩu giấy đạt sản lượng 1,0 triệu tấn, tăng trưởng 23,6%, nhập khẩu đạt sản lượng 2,02 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giấy bao bì và giấy tissue về tiêu dùng và xuất khẩu đạt sản lượng, tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Nhưng, đối với giấy in, giấy viết lại gặp thách thức không nhỏ, sản xuất tăng nhưng tiêu dùng lại giảm; giấy photocopy nhập khẩu giảm 18,1% nhưng giấy in, viết không tráng lại tăng mạnh 20,9%. Sản lượng nhập khẩu giấy in và giấy viết từ thị trường Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đã dẫn tới lượng giấy ngày càng tăng, gây áp lực về giá sản phẩm với doanh nghiệp nội địa.

Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản không xuất khẩu được vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ hướng sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh rất quyết liệt.

Giấy bao bì

Tiêu dùng, giấy bao bì năm 2019 ước tính đạt sản lượng 4,175 triệu tấn, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thấp hơn kỳ năm

2018/2017 nhưng trong bối cảnh chung trên thế giới tăng trưởng không như kỳ vọng, đây là con số rất ấn tượng.

Trong đó, giấy bao bì lớp mặt (testliner, white top liner) và lớp sóng (medium) chủ yếu để sản xuất thùng hộp các tông, đạt sản lượng 3,41 triệu tấn, tăng trưởng 16,0%; giấy bao bì tráng chủ yếu làm hộp gấp (boxboard), đạt sản lượng 0,765 triệu tấn, tăng trưởng 9,0% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu, năm 2019 ước tính đạt sản lượng 0,801 triệu tấn và tăng trưởng 25%, xuất khẩu chủ yếu là giấy lớp mặt và giấy lớp sóng. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chủ đạo là trong khu vực, như Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 67%, các quốc gia Châu Á khác 26%, Châu Phi 2,8%, Bắc Mỹ 2,5%, Châu Âu 1,7%.

Nhập khẩu, năm 2019 ước tính đạt 1,225 triệu tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu giấy lớp mặt và lớp sóng đạt sản lượng 0,495 triệu tấn, giảm 12,9%; giấy bao bì tráng đạt sản lượng 0,730 triệu tấn, tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Về giá giấy năm 2019, giấy lớp mặt và lớp sóng xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á: Giá giấy bắt đầu giảm từ tháng 3 và giảm liên tục đến tháng 10, tổng cộng giảm 40 USD/tấn (928.000 đồng/tấn) đối với giấy lớp mặt; với giấy lớp sóng giảm 63 USD/tấn (1,461 triệu đồng/tấn). Đến tháng 10 giá giấy bắt đầu theo chiều hướng đi lên và hiện đến tháng 12/2019 đã tăng 45 USD/tấn (1,044 triệu đồng/tấn) đối với cả giấy lớp mặt và lớp sóng so với tháng 10/2019.

Tiêu dùng giấy in và giấy viết, giấy photocopy năm 2019 ước tính đạt 0,719 triệu tấn và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giấy in, giấy viết không tráng đạt 0,531 triệu tấn, giảm 1,1% (năm 2018 tiêu dùng 0,537 triệu tấn); giấy in tráng phủ đạt 0,188 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2018 (tiêu dùng 0,259 triệu tấn).

Xuất khẩu, năm 2019, tổng lượng xuất khẩu ước tính đạt 7.800 tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản phẩm là giấy in, viết không tráng.

Nhập khẩu, năm 2019, tổng lượng nhập khẩu đạt sản lượng 0,409 triệu tấn, giảm 15,67% so với cùng kỳ (năm 2018 nhập khẩu đạt 0,485 triệu tấn). Trong đó, giấy in, viết và giấy photocopy đạt 0,221 triệu tấn, giảm 2,2% (giấy photocopy giảm 18,1% nhưng giấy in, viết lại tăng 20,9%); giấy in tráng phủ đạt 0,188 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường cung giấy photocopy cho thị trường Việt Nam là Thái Lan 53% và Indonesia 46%, khác 1%; Đối với nguồn cung giấy in, viết không tráng là Indonesia 48,2%, kế đến là thị trường Trung Quốc 21,1%, tiếp theo là Nhật Bản 17,4%, Thái Lan 4,7%, các quốc gia khác 8,6%.

Giá giấy năm 2019, giấy in và giấy viết không tráng xuất khẩu tại thị trường Đông Nam Á năm 2019, giá giảm liên tục theo quý bao gồm cả chất lượng cao và trung bình, đến tháng 12/2019 giá như sau: giấy chất lượng cao, giá 750 USD/tấn và giảm 100 USD/tấn (2,32 triệu đồng/tấn) so với tháng 1/2019, giấy chất lượng cấp trung chủ yếu được sản xuất từ bột tái chế giá 720 USD/tấn, giảm 80 USD/tấn (1,85 triệu đồng/tấn) so với tháng 1/2019. Trong khi đó, giá giấy tại thị trường Trung Quốc năm 2019: sau khi giảm giá ở mức 840 USD/tấn tại quý III/2019, nhưng giá lại tăng trong quý IV/2019 cho cả giấy cấp cao và trung bình lần lượt 29 USD/tấn (0,628 triệu đồng/tấn) và 25 USD/tấn (0,580 triệu đồng/tấn), diễn biến giá tăng này chủ yếu do áp lực về chi phí môi trường, năng lượng, nhiên liệu, nhân công.

Giấy tissue

Tiêu dùng, giấy tissue năm 2019 ước tính đạt 181.000 tấn và tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhập khẩu, đạt 39.000 tấn, tăng trưởng đến 77,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường cung ứng chính giấy tissue cho Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc và Indonesia, chiếm tỷ trọng lần lượt là 54% và 38%, các quốc gia khác 8%.

Xuất khẩu, đạt sản lượng 67.000 tấn, tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó các thị trường xuất khẩu chính giấy tissue của Việt Nam, là Malaysia chiếm tỷ trọng 25%, kế đến là Mỹ chiếm tỷ trọng 15%, Úc 14%, tiếp theo Niu Di – lân 7%, Campuchia 5%, Mê – hi – cô 5%, Nhật Bản và Lào 4%.

Giấy khác

Tiêu dùng giấy in báo ước tính đạt 47.000 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018. Tiêu dùng giấy vàng mã khoảng 5.500 tấn, tăng trưởng 10%, xuất khẩu đạt 125.000 tấn, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Giấy đặc biệt như giấy carbonles, giấy in ảnh, giấy in tiền, giấy chuyển nhiệt, giấy lọc, giấy trang trí, giấy cuốn thuốc lá… tổng năm 2019 tiêu dùng đạt 301.000 tấn, tăng trưởng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá bột giấy năm 2019

Giá bột giấy hoá học tẩy trắng gỗ cứng (BHKP). Thương phẩm trên thế giới trong năm 2019 giảm mạnh và liên tục trong quý I, II, III, sau đó đi ngang trong quý IV. Diễn biến tăng và giảm giá tại các khu vực như sau: tại Trung Quốc, đến tháng 12/2019, giá ở mức 455 USD/tấn, giảm 33,0% (225 USD/tấn) so với tháng 1/2019; tại Đông Nam Á: đến tháng 12/2019, giá ở mức 458 USD/tấn, giảm 33,1% (227 USD/tấn) so với tháng 1/2019; Tại Bắc Mỹ: đến tháng 12/2019, giá ở mức 490 USD/tấn, giảm 38% (300 USD/tấn) so với tháng 1/2019; tại Châu Âu: đến tháng 12/2019, giá ở mức 660 USD/tấn và giảm 34,6% (350 USD/tấn) so với tháng 1/2019.

Giá giấy thu hồi nhập khẩu năm 2019

Giá giấy hỗn hợp (mixed paper) từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản trong năm 2019, biến động tăng giảm thất thường và liên tục. Trong đó, giấy hỗn hợp từ Nhật Bản đến tháng 12/2019 giá ở mức 125 USD/tấn và giảm 42,5 USD/tấn (0,986 triệu đồng/tấn), từ Mỹ và Châu Âu ở mức 45 USD tấn và giảm 27,5 USD/tấn (0,638 triệu đồng /tấn).

Giá giấy thùng sóng cũ (OCC), từ Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu cũng biến động tăng giảm giá rất thất thường và mang tính liên tục. Trong đó, OCC 12 từ Mỹ đến tháng 12/2019 ở mức giá 85 USD/tấn, giảm 75 USD/tấn (1,74 triệu đồng/tấn); đối với OCC 1.05 từ Châu Âu đến tháng 12/2019 ở mức giá 97,5 USD/tấn, giảm 47,5 USD/tấn (1,10 triệu đồng/tấn); còn OCC từ Nhật Bản đến tháng 12/2019 ở mức giá 72,5 USD/tấn, giảm 92,5 USD/tấn (2,14 triệu đồng/tấn).

Thị trường giấy năm 2020 sẽ diễn biến thế nào?

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao, căng thẳng chính trị vẫn diễn biến khó lường và phức tạp, tuy nhiên căn cứ vào các yếu tố bên trong và bên ngoài. VPPA đưa ra một số nhận định cho thị trường giấy năm 2020 nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình phục vụ cho kế hoạch sản xuất – kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất.

Giấy bao bì – cơ hội và thách thức

Năm 2020, giấy bao bì trong nước có nhiều cơ hội phát triển. Điển hình, về tiêu dùng, giấy bao bì trong nước dự báo tăng trưởng trên 11%. Các yếu tố then chốt dẫn đến triển vọng tích cực cho sự tăng trưởng giấy bao bì tại thị trường Việt Nam năm 2020 dựa vào các yếu tố sau:

Một là, giấy bao bì đã được chứng minh tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP, trong khi đó dự báo GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khoảng 6,8%.

Hai là, mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, trong đó các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy mục tiêu xuất khẩu năm 2020 có tốc độ duy trì tăng trưởng cao trên 10%, như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; nhóm hàng công nghiệp chế biến (dệt may; da giày), đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện…

Ba là, sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản về gia công bao bì giấy xuất khẩu do thách thức mức thuế suất 25% của Mỹ đối với Trung Quốc.

Bốn là, tiêu dùng bán lẻ trong nước tăng trên 11%.

Năm là, chính sách khuyến kích doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hoá và chính sách xuất xứ sản phẩm có thể ban hành trong năm 2020.

Sáu là, việc hạn chế rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển mạnh.

Ngoài ra, tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực Châu Á dự báo tăng trưởng lần lượt là 2,9% và 3,8%, cũng có thể tăng trưởng hơn dự báo: việc hạn chế rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng bao bì giấy trên thế giới đang lan rộng và tăng cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn.

Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường Trung Quốc năm 2020 triển vọng cao hơn năm 2019. Trung Quốc dự báo thiếu cung hơn 2 triệu tấn giấy bao bì và có thể cao hơn nếu cấp hạn ngạch giấy thu hồi giảm mạnh, giá giấy cao hơn do áp lực về giá nguyên liệu tăng cao và chi phí về môi trường, nhân công, năng lượng.

Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy có nhiều cơ hội vào thị trường ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại mới CPTPP, Việt Nam – EU và các hiệp định phát triển sâu, toàn diện.

Bên cạnh các cơ hội trên, ngành giấy Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức. Tiêu thụ trong nước gặp không ít thách thức cạnh tranh quyết liệt: từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khi sản xuất năm 2020 dự kiến tăng khoảng 350.000 tấn, trong khi đó công suất mới năm 2018 – 2019 chỉ sử dụng khoảng 70%.

Cạnh tranh khốc liệt với giấy nhập khẩu: Trong khu vực Châu Á (trừ Trung Quốc) được Risi dự báo là dư cung 0,5 triệu tấn cho năm 2020. Giấy nhập khẩu dự kiến đến mạnh hơn từ các quốc gia trong các hiệp định mới, đặc biệt là khu vực EU khi dự báo dư cung lớn (năm 2020 công suất mới 3,4 triệu tấn)

Xuất khẩu vào Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với nhiều quốc gia: Trung quốc đã giảm thuế nhập khẩu giấy lớp sóng xuống 5% vào năm 2020 cho nhiều quốc gia (trước đó là trên 7% tuỳ theo quốc gia), trong khi đó mức thuế 5% này trước đó chỉ ưu đãi cho một số quốc gia ASEAN.

Giấy in, giấy viết không tráng

Tiêu dùng trong nước dự kiến tăng trưởng rất mạnh bởi năm yếu tố then chốt dẫn đến sự tăng trưởng của giấy in, viết và giấy photocopy năm 2020. Một là, sự dịch chuyển của khoảng 10 doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc về gia công vở, sổ, biểu mẫu xuất khẩu và đã có một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Hai là, cơ hội mở rộng xuất khẩu vở & sổ vào thị trường ưu đãi thuế mới CPTPP, EU. Ba là, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vở, sổ vào thị trường Mỹ (Mỹ áp thuế suất 25% đối với sản phẩm từ Trung Quốc). Bốn là, số lượng học sinh & sinh viên năm học 2019 – 2020 tăng hơn 0,5 triệu. Năm là, mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính Phủ.

Sản xuất ở trong nước đã đạt mức tới hạn so với công suất hiện nay: Sản xuất chỉ còn mức tăng nhẹ bởi Công ty giấy An Hoà, trong khi các doanh nghiệp nhỏ đã tới hạn sản xuất, do dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, lâu năm và chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc.

Giá bột giấy có xu hướng tăng trở lại: Risi dự báo cung không đáp ứng được cầu 0,7 triệu tấn cho năm 2020.

Bên cạnh các cơ hội trên, cũng có những thách thức dành cho giấy in, giấy viết không tráng. Cụ thể, tiêu dùng giảm trên thế giới, Risi dự báo giảm 0,6% cho năm 2020. Xuất khẩu giấy in, viết cạnh tranh quyết liệt, dự kiến tại Châu Á dư cung 0,5 triệu tấn trong năm 2020.

Nhập khẩu gia tăng mạnh về Việt Nam: Sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ dẫn tới việc lượng giấy gia tăng mạnh vào thị trường Việt Nam, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản không xuất khẩu được vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ hướng sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Nhập khẩu vở, sổ nhiều khả năng gia tăng mạnh: Trung Quốc không xuất được vở, sổ, biểu mẫu vào Mỹ do thuế suất 25% nên nhiều khả năng sẽ quay đầu sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam và tạo nên nhiều áp lực cho doanh nghiệp giấy trong nước.

Giấy tissue

Về cơ hội, tiêu dùng dự báo tăng trưởng trên 10%: Các yếu tố then chốt dẫn đến sự tăng trưởng giấy tissue cho năm 2020.

Một là, tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ, GDP theo đầu người, dân số, lưu trú. Hai là, là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc (Mỹ áp thuế suất nhập khẩu 25%) sang Việt Nam gia công xuất khẩu xuất khẩu vào Mỹ, theo Risi thống kê năm 2018 Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ gần 0,367 triệu tấn giấy tissue. Ba là, cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm xuất khẩu vào thị trường CPTPP, EU.

Xuất khẩu gia tăng vào thị trường Mỹ thay thế một phần của Trung Quốc và quốc gia khác: Theo số liệu từ Risi năm 2018, Mỹ nhập khẩu giấy tissue đạt 0,451 triệu tấn, năm 2019 ước tính 0,6 triệu tấn, trong khi đó năm 2020 dự kiến thiếu cung khoảng 18.000 tấn.

Xuất khẩu giấy giấy tissue vào thị trường ưu đãi thuế mới CPTPP, EU: Theo dự báo của Risi khu vực Châu Âu năm 2020 cung không đáp ứng được cầu khoảng 95.000 tấn.

Thách thức đầu tiên phải nói đến sự cạnh tranh quyết liệt với giấy tissue và thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia: Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ quay đầu xuất khẩu vào Việt Nam, năm 2020 dự kiến cung dư 0,410 triệu tấn. Trong khi đó cuối năm 2019 Indonexia công suất mới vào hoạt động khoảng 0,2 triệu tấn.

Vì thế, với bức tranh biến động giá năm 2019, những nhận định ở góc độ cơ hội và thách thức của các loại giấy, Ban biên tập Công nghiệp Giấy hy vọng các doanh nghiệp có những quyết sách đúng đắn để đơn vị ngày càng phát triển, thịnh vượng.

VPPA (Trích ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 1/2020)

Thị trường giấy bao bì Trung Quốc tăng giá tháng 9: Dự báo sự sôi động trở lại

Bắt đầu từ cuối tháng 8/2019, hầu khắp các thị trường tại Trung Quốc đã có sự tăng giá ở các sản phẩm giấy lớp mặt (testliner) và giấy lớp sóng (medium) và các loại giấy bao bì khác. Làn sóng tăng giá giấy bao bì này có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường giấy bao bì Việt Nam, vì thế các doanh nghiệp cần thương xuyên cập nhật thông tin.

Các yếu tố gây nên việc tăng giá giấy bao bì tại Trung Quốc

Xuất phát từ chính sách hạn chế cấp hạn gạch nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) cho các nhà máy sản xuất trong nước, cộng với việc tăng thuế suất nhập khẩu RCP từ Mỹ của Chính phủ Trung Quốc, cũng như chi phí bảo vệ môi trường như hơi, nước thải… tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sử dụng RCP thu gom trong nước, dẫn đến tăng chí phí vận hành và chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất giấy…

Nhằm báo vệ môi trường hơn nữa, Nhà nước Trung Quốc cũng ban hành các quy định ngày càng gay gắt đối với rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần nhờ đó người tiêu dùng và doanh nghiệp đang lựa chọn bao bì giấy làm phương án thay thế. Kết hợp với đó nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại do các nhà sản xuất bao bì giấy đã tăng thu mua và tăng mức dự trữ lên gấp 2 – 4 lần cho thời vụ chính, phục vụ những ngày lễ lớn trong năm như lễ Giáng sinh, Tết dương & Tết âm tại châu Á.

Bắt đầu từ cuối tháng 8/2019, động thái tăng giá giấy lớp mặt (testliner) và giấy lớp sóng (medium), giấy bao bì khác đã diễn ra hầu khắp các thị trường Trung Quốc và có mức tăng nhẹ 20–30 RMB/tấn. Trong tháng 9/2019 tại thị trường Trung Quốc, theo thống kê đã có đến 52 doanh nghiệp đã chính thức công bố tăng giá bán từ 50 – 100 RMB/tấn, tương ứng từ 7 – 15 USD/tấn và dự kiến sẽ tăng thêm 100 RMB/tấn (15 USD/tấn) trong thời gian tới. Biến động tăng giá xuất phát đầu tiên và chủ yếu từ 04 doanh nghiệp sản xuất hàng đầu Trung Quốc, đó là Nine Dragons Paper, Lee&Man, Shanying International, Zhejiang Jingxing Paper sau đó lan toả đến các doanh nghiệp có quy mô  trung bình và nhỏ và diễn ra hầu khắp mọi vùng tại Trung Quốc.

 Triển vọng đối với các nhà sản xuất giấy bao bì Việt Nam?

Theo thống kê của VPPA, xét về tổng lượng giấy xuất khẩu của Việt Nam thì lượng xuất khẩu giấy testliner & medium vào thị trường Trung Quốc năm 2017 chiếm tỷ trọng 60,1%, năm 2018 chiếm tỷ trọng đến 71,2%, trong 8 tháng đầu năm 2019 chiếm tỷ trọng 60,5%, như vậy có thể thấy Trung Quốc là thị trường trọng điểm về xuất khẩu giấy testliner & medium của các nhà sản xuất giấy bao bì công nghiệp Việt Nam.

Làn sóng tăng giá giấy bao bì tại Trung Quốc có thể sẽ có những ảnh hưởng đến thị trường giấy bao bì Việt Nam:

Thứ nhất, giá giấy bao bì thương phẩm sản xuất trong nước nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 300.000 – 500.000 VND/tấn theo mức tăng giá ở thị trường Trung Quốc và giảm áp lực cạnh tranh với giá giấy bao bì nhập khẩu.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu tăng trở lại ở khu vực châu Á sẽ làm giảm áp lực cạnh tranh về giá, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, trong khi chi phí sản xuất, xử lý môi trường, chi phí vận hành đang tăng cao.

Thống kê mức tăng giá giấy testliner & medium, thời gian tăng của các công ty khác nhau ở Trung Quốc:

 

Stt

Tên công ty

Tỉnh/ Thành

Loại giấy

Giá tăng (RMB/tấn)

Thời điểm   tăng giá

Phía Nam Trung Quốc
1 Nine Dragons paper Quảng Đông White top, Testliner, Medium 50 RMB 17/9/2019
2 Dongguan Jiefeng Paper Quảng Đông Medium 50 RMB 11/9/2019
3 Dongguan Jianhang Paper Quảng Đông Medium 50 RMB 11/9/2019
4 Dongguan Shanglong Paper Quảng Đông Medium 50 RMB 11/9/2019
5 Dongguan Jianhui Paper Quảng Đông Testliner 50 RMB 11/9/2019
6 Dongguan Yinzhou Paper Quảng Đông Testliner 50 RMB 11/9/2019
7 Dongguan Taichang Paper Quảng Đông Testliner 50 RMB 11/9/2019
8 Dongguan Xufeng Paper Quảng Đông Medium 50 RMB 11/9/2019
9 Dongguan Lee & Man Paper Quảng Đông Testliner 50 RMB 10/9/2019
10 Guangdong Huatai Paper Quảng Đông Medium 100 RMB 9/9/2019
11 Guangxi Guigang Paper Quảng Tây Medium 50 RMB 10/9/2019
Phía Bắc Trung Quốc
1 Nine Dragons paper Thiên Tân Ivoryboard, Testliner, Medium 50 RMB 9 – 17/9/2019
2 Shunfa paper Hà Bắc Testliner, Medium 60 RMB 1 – 9/9/2019
3 Ruixiang paper Hà Bắc Duplex, Testliner 100 RMB 4/9/2019
4 Senxin Yutian paper Hà Bắc Duplex, Testliner 50 RMB 1/9/2019
Phía Đông Trung Quốc
1 Quzhou Gangxing Paper Phúc Kiến Kraftliner, Testliner 100 RMB 1 – 15/9/2019
2 Longhai Liansheng paper Phúc Kiến Testliner 50 RMB 10/9/2019
3 Samsung Longhai paper Phúc Kiến Medium 50 RMB 6/9/2019
4 Deyan paper Phúc Kiến Kraftboard 100 RMB 5/9/2019
5 Gangzhou paper Phúc Kiến Duplex, Testliner 100 RMB 4/9/2019
6 Nine Dragons paper Phúc Kiến Kraftliner, Testliner 50 RMB 1/9/2019
7 Suifeng paper Chiết Giang Medium 100 RMB 9/9/2019
8 Zhejiang Forest Paper Chiết Giang Duplex, Testliner 50 RMB 9/9/2019
9 Zhejiang Tongxiang paper Chiết Giang Kraftboard 100 RMB 5/9/2019
10 Zhejiang Huachuan paper Chiết Giang Kraftboard 50 RMB 5/9/2019
11 Jiaxing Hongya Paper Chiết Giang Kraftboard 50 RMB 5/9/2019
12 Zhejiang Hangzhou Fuyang Chiết Giang Coreboard, Kraftboard 100 RMB 2/9/2019
13 Zhejiang Dashengda Chiết Giang Testliner, Medium 100 RMB 1/9/2019
14 Zhejiang Hongyi Holding Chiết Giang Testliner, Medium 100 RMB 1/9/2019
15 Zhejiang Daoqin Paper Chiết Giang Testliner, Medium 100 RMB 1/9/2019
16 Anhui Shanying Paper An Huy Testliner, Medium 50 RMB 9/9/2019
17 Shandong Tiandiyuan Sơn Đông Testliner, Medium 50 RMB 7/9/2019
18 Baoding Paper Sơn Đông Kraftboard 50 RMB 4/9/2019
19 Shandong Fengyuan Tongda Sơn Đông Kraftboard 100 RMB 5/9/2019
20 Shandong Huisheng Sơn Đông Kraftboard 100 RMB 4/9/2019
21 Shandong Luli Paper Sơn Đông Testliner, Medium 50 RMB 2/9/2019
22 Jiangsu Lishui Xiexin Giang Tô White-top, Kraftliner 100 RMB 5/9/2019
23 Jiangsu Jiangyin Minglu Giang Tô Coated Duplex, 100 RMB 1/9/2019
24 Jiangsu Fuxing Paper Giang Tô Coated Duplex, 100 RMB 1/9/2019
25 Nine Dragons Paper Giang Tô Kraftliner, Testliner 50 RMB 1/9/2019
26 Shanghai Zhaomei Paper Thượng Hải Medium 100 RMB 3/9/2019
Phía Trung Trung Quốc
1 Hubei Shengda Paper Hồ Bắc Testliner, Medium 50 RMB 12/9/2019
2 Hubei Xiangxing Paper Hồ Bắc Testliner, Medium 50 RMB 7/9/2019
3 Hubei Changjiang Huifeng Hồ Bắc White-top 100 RMB 1/9/2019
4 Hunan Hengshan Xinjinlong Hồ Nam Kraftboard 50 RMB 4/9/2019
5 Henan Longyuan Paper Hà Nam Medium, Duplex 50 RMB 4/9/2019
6 Henan Xingtai Paper Hà Nam Coated Duplex, 100 RMB 1/9/2019
Phía Tây Nam Trung Quốc
1 Shanxi Famen Temple Thiểm Tây Medium 50 RMB 5/9/2019
2 Tongxin paper Trùng Khánh Testliner, Medium 50 RMB 5/9/2019
3 Minglu paper Tứ Xuyên Coated Duplex 100 RMB 1/9/2019
4 Qixiang paper Cát Lâm Medium 100 RMB 1/9/2019

VPPA

 

 

Điện tăng, giá cũng rập rình tăng

Thông tin giá bán lẻ điện sắp tăng bình quân hơn 8,3% ngay trong tháng 3 khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng; nhất là mới đó, xăng đã có phiên tăng giá khá mạnh. Từ con tôm đến tấn thép đều sẽ tăng.

10 năm 9 lần tăng giá: Trong 10 năm qua, giá điện đã điều chỉnh 9 lần, mức cao nhất 15,28% và thấp nhất 5%. Theo Bộ Công Thương, phương án điều chỉnh đã được cơ quan này tính toán để đảm bảo tác động là ít nhất. Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 0,26 – 0,31%, làm giảm GDP 0,22 – 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 – 0,19%.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, bình quân để sản xuất ra 1 tấn thép các doanh nghiệp (DN) phải tiêu tốn khoảng 600 KWh điện, chiếm khoảng 9% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ 5 – 6%. Thời gian qua, nhiều DN đã ứng dụng khoa học – kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng như lò điện hồ quang, nhiệt độ thải khí nóng được tận dụng để sấy thép phế khi đưa vào lò nung… nhưng chi phí cho điện vẫn khá lớn. Ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép VN cho thấy, nếu giá điện tăng hơn 8%, giá thành sản xuất thép tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn. Các DN sẽ phải điều chỉnh giá bán ra, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí này.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SaigonFood, thì nói thẳng điện tăng thì tất cả DN sản xuất đều bị ảnh hưởng, không thể loại trừ một đơn vị nào. Đặc biệt với ngành hàng đông lạnh chi phí này khá lớn. Bình quân mỗi tháng trong năm 2018, SaigonFood phải trả 2,6 tỉ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng thêm 8,3% thì mỗi tháng công ty này phải trả thêm gần 220 triệu đồng, tương ứng tăng 2,6 tỉ đồng/năm. Nhưng chưa hết, bà Lâm lo ngại ngoài chi phí điện tại nhà máy thì tất cả nguyên phụ liệu như bao bì cũng sẽ được điều chỉnh đi lên, kéo theo chi phí sản xuất. Khi đó, chắc chắn SaigonFood sẽ phải cân nhắc tăng giá bán ra để bù đắp chi phí.

Cũng tâm trạng chung trước việc điện tăng giá, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, phân tích: Chi phí điện trong ngành thủy sản và chế biến thủy sản rất lớn do phải cấp đông và lưu trữ kho từ nguyên liệu đến thành phẩm. Chi phí điện của ngành này chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất. Mỗi nhà máy chế biến thủy sản tùy quy mô mỗi tháng phải đóng vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng thêm 8,3%, mỗi nhà máy tối thiểu phải chi thêm vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt theo ông Kịch, ngoài chi phí trực tiếp cho giá điện, các DN còn gặp khó khăn nhiều hơn khi hàng loạt sản phẩm nguyên phụ liệu đầu vào cũng sẽ có đợt tăng giá theo. Như vậy chi phí sản xuất sẽ có một đợt tăng rất nặng.

“Hiệu ứng tăng giá dây chuyền theo sau mỗi đợt giá điện tăng là điều luôn xảy ra và điều này luôn luôn gây khó cho DN sản xuất. Mỗi nhà máy có hàng trăm nguyên phụ liệu khác nhau nên hiện nay chưa tính hết mức độ ảnh hưởng cụ thể ra sao. Ví dụ các loại bao bì khi sản xuất cũng cần điện nhiều nên chắc sẽ tăng giá bán. Chưa kể nhiều loại chi phí khác như lãi vay, chi phí logistics… của VN cao hơn nhiều nước trong khi DN phải cạnh tranh với hàng ngàn DN khác thì không dễ nâng giá bán, nhất là xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Kịch nói.

Người tiêu dùng gánh

Mặc dù nhiều DN chưa cho biết lộ trình tăng giá bán ra nhưng hầu hết thừa nhận điều này sẽ không tránh khỏi. Bà Lê Thị Thanh Lâm thở dài, tuần trước giá xăng cũng đã tăng và từ đầu năm nay, lương tối thiểu vùng đã được tăng thêm bình quân 5,3% so với năm 2018… Cộng thêm giá điện sắp điều chỉnh lên, DN không chỉ bị tác động trực tiếp mà sẽ cộng thêm cả phần gián tiếp khi nhiều ngành hàng khác cũng phải thay đổi giá bán sản phẩm. “Chắc chắn các DN đều phải tăng giá bán. Tuy nhiên thời điểm nào tăng, tăng mức bao nhiêu thì chúng tôi đang tính toán, nhưng chắc là sẽ tăng trong tháng 4. Mức cụ thể phải được cân nhắc kỹ tùy dòng sản phẩm để ít ảnh hưởng nhất đến người tiêu dùng”, bà Lâm chia sẻ.

Chi phí năng lượng trung bình chiếm từ 25 – 30% giá thành sản xuất giấy nên theo ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, giá điện tăng thêm thì chắc chắn chi phí năng lượng của DN cũng cao hơn. Ví dụ trong 100 đồng giá thành sản xuất thì chi phí điện chiếm khoảng 18 đồng. Khi giá điện cộng thêm 8,3% thì DN sẽ cộng thêm 1,5 đồng. Cũng như các ngành khác, DN giấy cũng sẽ chịu phần chi phí gián tiếp từ một số nguyên phụ liệu kèm theo. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng hiện nay đang là mùa thấp điểm của ngành giấy nên các DN trong hiệp hội chưa tính đến việc tăng giá bán ra. Do đó bản thân DN sẽ phải gồng mình và tìm nhiều cách để tiết giảm chi phí hơn nữa nhưng việc này sẽ không thể kéo dài quá lâu mà DN sẽ phải tính toán chuyển phần gia tăng đó vào giá bán và người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Kịch bày tỏ, các DN vẫn chấp nhận lộ trình tăng giá điện để hướng đến một thị trường điện cạnh tranh như nhiều nước. Tuy nhiên hiện nay VN vẫn chỉ có độc quyền tập đoàn điện lực nên dù tăng giá “sốc” thì DN cũng phải chấp nhận mà không có sự lựa chọn khác. Để công bằng hơn, Chính phủ cần phải xem xét lại về những chi phí khác của ngành điện đã tính đủ và hợp lý vào giá thành hay chưa? Hoặc cần xem xét lại hoạt động quản lý để giảm bớt thất thoát, gia tăng năng suất của ngành điện.

Theo Mai Phương – Thanh niên