Doanh nghiệp sẽ tự quyết định thang bảng lương, Nhà nước không quy định nữa

Sáng 11/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội , Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động , định hướng nâng cao chất lượng lao động hậu đại dịch cũng như giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động,…

Nêu thực trạng người sử dụng lao động nhiều nơi chỉ áp dụng mức lương bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với tiền lương tối thiểu vùng, khiến người lao động không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu cuộc sống, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và giải pháp để tháo gỡ.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra thực hiện từ 1/7/2021, nhưng do tình hình dịch bệnh, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép lùi cải cách ở khu vực doanh nghiệp chậm lại một chút.

Hiện nay đang thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên quy mô cả nước.

Vấn đề lương của doanh nghiệp thời gian tới sẽ có thay đổi rất căn bản. Lương được xác định chính là giá cả của sức lao động. Khi lương là giá cả sức lao động thì chúng ta phải trả lương theo nguyên tắc thị trường, trên cở sở có sự can thiệp nhất định, trong chừng mực cho phép của Nhà nước“, ông Dung nói.

Nhấn mạnh việc đề cao vai trò tự chủ của người sử dụng lao động, Bộ trưởng cho biết, vấn đề lương tối thiểu vùng sẽ do doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động tự quyết định thang bảng lương, Nhà nước không quy định thang bảng lương nữa.

Thứ nữa là người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về mức lương, thu nhập dựa trên ba căn cứ là sự phát triển của doanh nghiệp; thu nhập, phúc lợi của người lao động; mức lương tối thiểu vùng (mức sàn tối thiểu Nhà nước đặt ra bắt buộc các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chi trả không được thấp hơn, nếu thấp hơn là vi phạm, còn cao hơn thì do hai bên thảo thuận). Người lao động có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận khi thỏa thuận này không đạt yêu cầu. “Đương nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng người lao động bao giờ cũng ở thế yếu hơn so với chủ sử dụng lao đông”, ông nói.

Để giải quyết được việc này, mức lương phải dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động; chỉ số giá cả; khả năng chi trả của doanh nghiệp và bài toán hài hòa lợi ích.

“Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt vai trò điều phối ba bên trong Ủy ban quan hệ lao động gồm cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đại diện của giới chủ (VCCI), đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

doanh-nghiep-se-tu-quyet-dinh-thang-bang-luong-nha-nuoc-khong-quy-dinh-nua
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn – Ảnh: Quốc hội

Về câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) liên quan đến giải pháp nâng cao thu nhập của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc cải thiện đời sống của người lao động phụ thuộc vào hai vấn đề lớn, một là năng suất lao động, hai là điều kiện sản xuất kinh doanh và điều kiện của chủ doanh nghiệp/chủ sử dụng lao động.

Trên cơ sở đó, Bộ thấy có một số vấn đề cơ bản là phải nhanh chóng, tập trung đào tạo lại, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động cũng như năng cao khả năng đàm phán của người lao động với chủ sử dụng lao động. Bởi khu chúng ta chuyển sang một cơ chế tiền lương mới bắt đầu từ năm 2022 – khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương – đây chính là vấn đề trong giải quyết quan hệ lao động.

Thứ hai, Bộ cũng đề xuất với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cần tăng cường vai trò chức năng của tổ chức đại diện cho người lao động để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thứ ba, là xây dựng các tiêu chí, rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng cũng phải mở đường cho phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động thu hút lao động và tăng năng suất lao động, để tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ tư, là sẽ tiến hành quy hoạch lại một số ngành nghề tại các địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một số ngành nghề thâm dụng lao động cao.

Thứ năm, là điều tiết lao động nhất là lực lượng lao động thu nhập thấp, có thể tăng cường chuyển đổi, điều chỉnh sang một số ngành nghề phù hợp hơn, có thu nhập tốt hơn.

     >>> Giá OCC nhập khẩu có chiều hướng giảm nhẹ tại Đông Nam Á

Theo CafeF

Liên bang Nga đối mặt với tình trạng tăng giá giấy in

Theo dữ liệu của các nhà xuất bản, giá giấy in có tráng phủ trong năm 2021 đã tăng 18%, giá bìa cứng tăng 30%, tình trạng tăng giá vẫn đang sốt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thêm vào đó, lượng cung giấy in đang có chiều hướng giảm sút do hiện nay tại Nga có nhiều nhà sản xuất đang chuyển sang sản xuất giấy bao bì nhiều hơn và bắt đầu lo ngại về việc nhà nước sẽ quy định giá cả.

Một trong những phương án khả thi để đối phó với tình hình hiện tại được đề xuất là việc cung cấp các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất giấy, nhằm tránh việc tăng giá sản phẩm.

Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch covid-19, nhu cầu tiêu thụ giấy bao gói đang tăng mạnh do sự phát triển của thương mại trực tuyến, chính điều này là một trong các nguyên nhân đẩy giá bìa cứng đóng gói tăng cao./.

   >>> Giá bột giấy tại Mỹ giảm do tồn kho tăng cao và tác động của thị trường Trung Quốc

Theo Pulpapernews

Nguồn cung tăng, chi phí vận chuyển giảm, giá OCC “hạ nhiệt” tại Đông Nam Á và Đài Loan

Tại khu vực Đông Nam Á, các nhà sản xuất giấy bao bì cho biết tình hình tiêu thụ giấy thành phẩm đang khá ảm đạm, tình trạng xuất khẩu giấy bao gói sang Trung Quốc vẫn chưa khởi sắc trở lại. Chính điều này có tác động đến mức độ tiêu thụ OCC và là một trong các nguyên nhân làm giảm mức giá tại khu vực này.

Chi phí vận chuyển RCP bằng đường biển từ Mỹ về Đài Loan và Hàn Quốc đối với container 40ft  giảm 300 USD/tấn xuống còn 750 USD/tấn, so với tháng 10/2021.

Trong khi, chi phí vận chuyển về Đông Nam Á vẫn giữ nguyên, do hàng hóa phải trung chuyển ở Đài Loan hoặc Trung Quốc nên gây ra tình trạng chi phí gia tăng, đặc biệt là tại Singapore và Malaysia.

Chi phí vận chuyển một container 40 ft giao đến Jakarta vào khoảng 1.750 USD/tấn, cao hơn 1.000 USD/tấn, hay giá RCP cao hơn 40 USD/tấn so với Đài Loan, Hàn Quốc

Tận dụng ưu thế này, người mua ở Đài Loan và Hàn Quốc đã cố gắng giảm giá OCC Mỹ. Tuần đầu tháng 11/2021, tại Hàn Quốc và Đài Loan giá OCC 11 Mỹ đã đạt mức 265-280 USD/tấn, giá OCC 12 ở mức 270-295 USD/tấn.

DS OCC 12 là loại giấy nâu chủ yếu được bán tại Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á.

Tại Indonesia, giá giấy loại cao cấp đã đạt mức 335-350 USD/tấn, bao gồm cả chi phí kiểm tra trước khi giao hàng tại nước xuất xứ.

Ở các nước Đông Nam Á khác và Ấn Độ, giá đã đạt 305-320 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, hoạt động mua OCC Mỹ khá trầm lắng vì các nhà máy ở đó đang gặp khó khăn về đầu ra xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại Đông Nam Á và Ấn Độ, giá OCC 11 của Mỹ ở mức 290-310 USD/tấn.

Nhìn chung, giá OCC 11 Mỹ đã giảm 10-20 USD/tấn tại Đông Nam Á và Đài Loan trong hai tuần qua, xuống còn 265-310 USD/tấn.

Tương tự, OCC của Châu Âu (95/5) cũng giảm 15 USD/tấn, ở mức 260-275 USD/tấn.

Giá OCC Mỹ và Châu Âu giảm đã gây áp lực lên các nhà cung cấp Nhật Bản.

Trung Quốc đang thực hiện chính sách tiết giảm năng lượng, giá khí đốt và dầu mỏ đang có biến động tăng trên thị trường toàn cầu, các yếu tố này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận chuyển đường biển và sẽ tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu RCP từ Mỹ và châu Âu trong tương lai gần./.

    >>> Nhu cầu thấp, bột tái chế và OCC giảm giá tại Trung Quốc và Đông Nam Á

Theo Fastmarkets RISI

Giám đốc điều hành AmCham: Việt Nam là miền đất lành để sản xuất kinh doanh

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò, hiệu quả hoạt động và các đóng góp của AmCham Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, kinh tế, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thứ trưởng cũng ghi nhận sự ủng hộ, hỗ trợ của AmCham Việt Nam đối với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đảm bảo đầy đủ nguồn vaccine Covid-19 và tiếp cận bình đẳng chương trình tiêm chủng quốc gia.

Thứ trưởng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của bà Mary Tarnowka, AmCham tiếp tục thực hiện và thể hiện vai trò quan trọng của mình, vì sự thành công của các doanh nghiệp thành viên, vì sự hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên Amcham chung tay cùng Chính phủ và các địa phương Việt Nam duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả trong tình hình mới và thúc đẩy phục hồi toàn diện.

Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã dành thời gian tiếp, bà Mary Tarnowka bày tỏ ấn tượng đối với tốc độ triển khai tiêm vaccine Covid-19 và các biện pháp linh hoạt, quyết liệt trong duy trì sản xuất, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng của Chính phủ Việt Nam.

Giám đốc điều hành Amcham chia sẻ đánh giá chung của các doanh nghiệp Hoa Kỳ thành viên, “quan hệ hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ còn rất nhiều điểm thuận có thể khai thác, sẻ chia” và luôn xác định “Việt Nam là miền đất lành để sản xuất kinh doanh”.

Chia sẻ về các kế hoạch và ưu tiên của Amcham trong thời gian tới, bà Mary Tarnowka khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có quyết sách phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sự an toàn của người dân, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Bà Mary Tarnowka khẳng định Amcham sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam trong triển khai tiêm chủng, phát triển các chính sách cách ly để góp phần vào “mục tiêu kép” – vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, AmCham sẽ phát huy vai trò cầu nối, tích cực quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

    >>> Lee & Man xin nâng 2,5 lần công suất: Hậu Giang đề nghị doanh nghiệp cân nhắc

Theo Báo Quốc tế

Lee & Man xin nâng 2,5 lần công suất: Hậu Giang đề nghị doanh nghiệp cân nhắc

Ngày 8-11, UBND tỉnh Hậu Giang có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh về việc nâng công suất nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng từ 420.000 tấn/năm lên 1,1 triệu tấn/năm của Công ty TNHH Giấy Lee & Man.

Theo đó, tỉnh Hậu Giang giao Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Châu Thành nghiên cứu kỹ ý kiến của các bộ, ngành trung ương và tỉnh, thành lân cận đối với đề xuất nâng công suất của doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý các vấn đề: sự phù hợp với định hướng chính sách đầu tư của Chính phủ (về môi trường); định hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh yêu cầu chú trọng đến vấn đề môi trường, nguồn nguyên liệu; đánh giá mức độ đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực dự án và người dân trong vùng có sử dụng nước sông Hậu. Nếu đảm bảo các yêu cầu theo quy định, khẩn trương tổng hợp tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Giấy Lee & Man nâng công suất.

Tuy nhiên, tỉnh Hậu Giang đề nghị doanh nghiệp cân nhắc việc đề xuất đầu tư nâng công suất từ 420.000 tấn/năm lên 1,1 triệu tấn/năm, đồng thời nghiên cứu đề xuất đầu tư các dự án phù hợp với chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm, giai đoạn 2021-2025.

    >>> Nguồn cung tăng, chi phí vận chuyển giảm, giá OCC “hạ nhiệt” tại Đông Nam Á và Đài Loan

Theo Tuổi trẻ

Một số hoạt động của VINAPACO trong tháng 9

Cùng với việc chú trọng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, VINAPACO luôn đặc biệt quan tâm các chương trình an sinh xã hội như một hoạt động thường niên không thể thiếu. Nhân dịp năm học mới 2021 – 2022, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trao tặng gần 12.000 cuốn vở cho các em học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, 60 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và 1.200 ram giấy A4 phục vụ công tác giảng dạy với tổng giá trị trên 200 triệu đồng tại 6 điểm trường trên địa bàn huyện Phù Ninh, nơi sản xuất những trang giấy mang thương hiệu Giấy Bãi Bằng.

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” và tiếp tục thực hiện sứ mệnh là cấu nối tri thức với thông điệp “Giấy Bãi Bằng – Nhịp cầu tri thức Việt” , VINAPACO mong muốn đồng hành, sẻ chia cùng các em học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo vượt khó tại 6 điểm trường trên địa bàn huyện Phù Ninh (Trường Tiểu học Phù Ninh, Trường Tiểu học Phù Lỗ, Trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng, Trường THCS Giấy Phong Châu, Trường THCS Phú Nham và Trường THPT Phù Ninh) bằng chính sản phẩm Giấy Bãi Bằng- thương hiệu đã trở nên thân thuộc đối với bao thế hệ học trò. Những ram giấy trắng, tập vở học sinh hy vọng sẽ là món quà thiết thực, đầy ý nghĩa nhằm động viên các thầy cô giáo cùng các em học sinh khởi đầu một năm học mới hứa hẹn nhiều thành công trong công tác dạy và học.

Một vài hình ảnh đáng nhớ của chuyến đi:

Giấy Bãi Bằng cùng em vững bước đến trường
Trao quà cho thầy cô giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Phù Ninh
Những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng tràn đầy nghị lực vươn lên trong học tập dưới mái Trường tiểu học Phù Lỗ

Giấy Bãi Bằng với khát vọng bắc những “nhịp cầu” mang tri thức đến với các em học sinh trên mọi miền đất nước để ngọn lửa tri thức ấy mãi được thắp sáng, kiến tạo, lưu truyền và lan tỏa.

Bên cạnh đó, ngày 21/9/2021, tại Nhà máy Hóa chất thuộc Tổng công ty đã diễn tập ứng phó và xử lý sự cố hóa chất năm 2021. Tham dự và chỉ đạo diễn tập, về phía cơ quan giám sát có đồng chí Đào Anh Tuấn – Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường Sở Công Thương; Đại tá Trần Nho Lương – Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ; Thượng tá Vũ Khánh Trung – Phó phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Phú Thọ. Về phía Tổng công ty Giấy Việt Nam có đồng chí Tạ Đức Long – Phó Tổng giám đốc cùng các đồng chí lãnh đạo đơn vị khối sản xuất và cán bộ làm công tác an toàn trong Tổng công ty.

Sau buổi diễn tập, các đơn vị đã họp rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án, kỹ năng ứng phó khi xảy ra sự cố trong sản xuất. Qua buổi diễn tập, người lao động được nâng cao nhận thức về công tác phòng chống, xử lý sự cố và tính chất nguy hại của hóa chất, cách phòng tránh ngộ độc hóa chất khi xảy ra sự cố đồng thời ôn tập và rèn luyện kỹ năng thực hành, phương án xử lý khi có sự cố xì hở, cháy nổ, rò rỉ hóa chất độc hại, nguy hiểm xảy ra.

Một số hình ảnh của buổi diễn tập:

Đồng chí Tạ Đức Long – Phó Tổng giám đốc TCT phát biểu khai mạc buổi diễn tập   

Họp rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập

Vinapaco

Nhu cầu thấp, bột tái chế và OCC giảm giá tại Trung Quốc và Đông Nam Á

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do nhu cầu từ các nhà máy ở Trung Quốc tiếp tục bị cắt giảm, ảnh hưởng của việc tiết giảm năng lượng và tạm ngừng sản xuất của nhiều nhà máy từ cuối tháng 9/2021.

Các nhà máy lớn nhất của Trung Quốc, Nine Dragons Paper và Lee & Man Paper, đã ngừng hoạt động, để tiết kiệm năng lượng.

Điều này đã buộc một số nhà máy sản xuất RBP ở Đông Nam Á, bao gồm cả Đài Loan và ở Ấn Độ cũng giảm công suất, hoặc thậm chí phải ngừng hoạt động, dẫn đến làm giảm nhu cầu đối với RBP trong tháng 10 và giá cũng giảm theo.

Nhu cầu giảm là nguyên nhân dẫn đến sự giảm giá của bột RBP trong năm nay.

Tháng 6/2021, giá bột RBP đã đạt 525 USD/tấn, kéo dài hết tháng 7/2021 và đã giảm 10 USD/tấn xuống còn 515 USD/tấn, CIF cảng Trung Quốc.

Giá được giữ trong ba tháng liên tiếp ở mức 515 USD/tấn cho đến tháng 10 giảm xuống còn 500 USD/tấn.

Do là nguồn chính để sản xuất bột RCP, nên OCC được xem là thước đo để định giá bột RBP.

Tại Mỹ, giá OCC đã kết thúc đợt tăng giá kéo dài 11 tháng vào tháng 10, và dừng ở mức 164 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với tháng 9 là 167 USD/tấn, FOB Mỹ.

Mức cao nhất đạt được trong  tháng 9 đánh dấu mức trung bình cao thứ tư của OCC tại Mỹ trong 30 năm.

Kể từ đầu năm 2021, mức tăng trung bình của OCC đạt 91 USD/tấn, hay 125%, từ mức trung bình của tháng 01/2021 là 73 USD/tấn.

Trong tháng 10, giá xuất khẩu số lượng lớn cũng đạt mức cao, tại các cảng New York/New Jersey OCC (11) đạt giá 235 USD/tấn, OCC (12) đạt mức 250 USD/tấn; tại các cảng Los Angeles/Long Beach OCC (11) đạt giá 225 USD/tấn, OCC (12) đạt mức 240 USD/tấn./.

     >>> Giá bột giấy giảm mạnh tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á

PPI Pulp & Paper Week

Giá bột giấy giảm mạnh tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á

Trong đó, giá bột BSK có mức giảm sâu nhất, giảm 90 USD/tấn với bột gỗ thông radiata từ 815 USD/tấn xuống còn 725 USD/tấn cho các lô hàng giao tháng 11/2021.

Với lý do giá bột BSK giảm, một số nhà sản xuất đã chuyển đổi sản xuất bột BSK sang bột USK.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp bột NBSK vẫn chưa chấp nhận mức giá dưới 700 USD/tấn và lên kế hoạch ngừng sản xuất tạm thời như: Harmac Pacific, Mercer International, Canfor và Catalyst Paper…

Tại Trung Quốc, giá bột BSK trong các hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2021 được giao dịch ở mức 642 USD/tấn, giảm khoảng 95 USD/tấn so với hai tuần trước, sau khi trừ 13% VAT và 120 NDT / tấn chi phí hậu cần.

Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nhà cung cấp trước đây và những gì họ có thể chấp nhận.

So với trung tuần tháng 10/2021, bột NBSK của Canada đã đạt mức 700-730 USD/tấn, giảm 50-100 USD/tấn. Bột NBSK Bắc Âu giảm 50-110 USD/tấn, đóng cửa ở mức 700-720 USD/tấn.

Sự suy giảm đã đưa mức giá trung bình của loại bột NBSK xuống 713 USD/tấn, giảm 77 USD/tấn.

Giá bột gỗ thông Radiata đã giảm mạnh 90-95 USD/tấn xuống còn 700-725 USD/tấn.

Giá bột BSK của Nga được giao kết ở mức 770-810 USD/tấn.

Ở thị trường bột gỗ cứng, giá bột BHK của Nam Mỹ đã giảm từ 10-20 USD/tấn xuống còn 530-570 USD/tấn./.

    >>> Giá bột giấy tại Mỹ giảm do tồn kho tăng cao và tác động của thị trường Trung Quốc

Theo Fastmarkets RISI

Giá bột giấy tại Mỹ giảm do tồn kho tăng cao và tác động của thị trường Trung Quốc

Thị trường bột giao ngay tại Trung Quốc vẫn im ắng, tình hình này đang lan rộng sang các thị trường khác và làm ảnh hưởng đến thị trường giao ngay của Mỹ.

Giá niêm yết cuối cùng trong tháng 10/2021, bột NBSK giảm 20 USD/tấn xuống còn 1.495 USD/tấn, đưa mức giảm tích lũy lên 120 USD/tấn kể từ mức đỉnh của tháng 6.

Bột SBSK cũng giảm 20 USD/tấn xuống còn 1.480 USD/tấn.

Hiện nay, nguồn cung hàng giao ngay tại thị trường Mỹ rất dồi dào do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chậm hơn các thời điểm khác, dẫn đến việc giảm giá nhiều hơn.

Tình trạng suy giảm giá bột ở Trung Quốc dự kiến sẽ không kết thúc trong ngắn hạn một phần do tình trạng thiếu hụt năng lượng của Trung Quốc đã dẫn đến việc chính phủ nước này yêu cầu thời gian ngừng hoạt động rộng rãi tại các nhà máy giấy và bìa, làm giảm nhu cầu bột giấy, điều này làm gia tăng nhiều nguồn cung hơn trên thị trường giao ngay của Mỹ.

Tại thị trường giao ngay NBSK của Mỹ, giá giảm xuống còn 770-800 USD/tấn ròng giao đến vùng Đông và Trung Tây Hoa Kỳ, giảm 10 USD/tấn.

Trong khi đó, bột BEK tại Mỹ đang có nguồn cung khá dồi dào và cũng niêm yết giảm 20 USD/tấn, chốt tháng 10 ở mức 1.310 USD/tấn.

Bột BHK khác cũng giảm 20 USD/tấn và chốt ở mức 1.280 USD/tấn.

Thời gian dừng hoạt động kéo dài của nhiều nhà máy sản xuất giấy tissue và băng bỉm vệ sinh tại Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến mức tiêu thụ bột BEK và các loại bột BHK khác, đây cũng là nguyên nhân của việc giảm nhu cầu xuất khẩu và giảm giá của các loại bột giấy BSK và cả BHK tại Mỹ./.

    >>> Giá OCC nhập khẩu có chiều hướng giảm nhẹ tại Đông Nam Á

Theo PPI Pulp & Paper Week

Vinapaco: Gặp mặt, trao thưởng “Ý tưởng sáng tạo” năm 2021

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Ngô Thị Thu Hằng – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty đã thông tin về kết quả thực hiện ý tưởng sáng tạo sau 01 năm triển khai. Ngày 27/5/2020, Ban Thường vụ Công đoàn và Tổng giám đốc Tổng công ty đã ký Quy chế phối hợp Tổ chức phong trào thi đua “ Lao động giỏi – lao động sáng tạo”  và khen thưởng tác giả có “ Ý tưởng sáng tạo”. Quy chế được xây dựng với mục đích động viên, khuyến khích ĐVCĐ và người lao động từ thực tiễn, kinh nghiệm trong quá trình làm việc, chủ động đề xuất các giải pháp, ý tưởng mới nhằm mang lại năng suất, chất lượng hiệu quả trong công việc. Ngay sau khi Quy chế được ký và ban hành đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo ĐVCĐ và NLĐ tại các đơn vị. Đặc biệt, đúng dịp hưởng ứng chương trình 75 nghìn sáng kiến do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, các đơn vị thuộc công đoàn Tổng công ty có 198 sáng kiến được duyệt trên hệ thống phần mềm tự động của TLĐ /656 sáng kiến của Công đoàn Công Thương trong đó 02 sáng kiến của đồng chí Đặng Vĩnh Lâm (Nhà máy Điện) và đồng chí Đỗ Hải Anh (Xí nghiệp Bảo Dưỡng) được Công đoàn Công Thương tặng bằng khen và trao thưởng có thành tích trong phong trào lao động sáng tạo.

Quy chế Khen thưởng Ý tưởng sáng tạo đã thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất đến từng tổ, từng ca sản xuất, đến từng người lao động. Những ý tưởng sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn trong quá trình làm việc. Có những ý tưởng chỉ đơn giản là một giải pháp thay đổi, làm mới những cái cũ, cắt giảm các thao tác thừa trong vận hành, bảo vệ thiết bị, an toàn cho NLĐ thực hiện tốt 5S, có những ý tưởng thay đổi toàn bộ quy trình công nghệ hoặc thiết kế, gia công lại các thiết bị hỏng đưa vào sử dụng thay thế thiết bị nhập khẩu hoặc chỉ đơn giản thiết  kế, cải tạo lại dao gấp giấy để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động; có ý tưởng vận dụng công nghệ thông tin vào quản lý khai thác, bảo vệ rừng trồng hoặc đơn giản hơn là áp dụng kinh nghiệm dân gian vào phòng chống sâu  bệnh cho cây nguyên liệu giấy…. Công đoàn Tổng công ty đã cùng các đơn vị thẩm định và lựa chọn 59/104 ý tưởng sáng tạo để trao thưởng theo Quyết định số 61/QĐ-CĐ.GVN ngày 16/8/2021. Trong số 59 ý tưởng có nhiều đồng chí là tác giả của 2 đến 3 ý tưởng: đồng chí Trần Thị Hải Yến, Quách Đức Tuấn thuộc Phân xưởng Giấy, Nhà máy Giấy; đồng chí Vũ Thị Lan – Chuyên viên Phòng Lâm nghiệp; đồng chí Thẩm Trường Sơn – Công ty Giấy Tissue Sông Đuống. 14 ý tưởng thuộc các đơn vị Nhà máy Giấy, Xí nghiệp Bảo dưỡng, Phòng Kỹ thuật, Nhà máy Điện, Nhà máy Hóa chất được Hội đồng sáng kiến Tổng công ty xem xét, công nhận sáng kiến và ra quyết định thưởng.

Các ý tưởng sáng tạo dù có giá trị làm lợi được tính thành tiền, hay những ý tưởng không tính được bằng tiền đều đóng góp một phần rất lớn trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động SXKD của TCT. Đặc biệt, qua phong trào này khẳng định tiềm năng, khát vọng được cống hiến của các đồng chí ĐVCĐ và NLĐ.

Phát biểu tại buổi gặp mặt và trao thưởng, đồng chí Nguyễn Việt Đức – Tổng giám đốc Tổng công ty đã đánh giá cao sự đóng góp của các đồng chí đoàn viên công đoàn và người lao động trong việc đưa ra các ý tưởng hay, cách thực hiện công việc hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động. Những ý tưởng đều bắt nguồn từ thực tiễn nên giá trị mang lại đáng trân trọng và ghi nhận. Đồng chí Tổng giám đốc cũng kêu gọi toàn thể người lao động tích cực hơn nữa trong việc tham gia phong trào thi đua “ Lao động giỏi- lao động sáng tạo” ; “ Ý tưởng sáng tạo” để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, thương hiệu, uy tín của Tổng công ty.

Đồng chí Nguyễn Việt Đức – Tổng giám đốc Tổng công ty đã đánh giá cao sự đóng góp của các đồng chí đoàn viên công đoàn và người lao động

Một số hình ảnh trong chương trình:

Đồng chí Tạ Đức Long – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty khích lệ người lao động tích cực tham gia phong trào

 

Công đoàn Tổng công ty trao đổi về cách thức triển khai chương trình tại các đơn vị và những ý tưởng sáng kiến tiêu biểu
Tác giả ý tưởng sáng tạo trao đổi tại chương trình

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty trao thưởng cho các tác giả có thành tích xuất sắc trong phong trào Ý tưởng sáng tạo

    >>> Giá OCC nhập khẩu có chiều hướng giảm nhẹ tại Đông Nam Á

Vinapaco