Trung Quốc cấp phép nhập khẩu mới 94.750 tấn giấy thu hồi

Ngày 19/10/2020, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một đợt giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) mới với số lượng lên tới 94.750 tấn, giấy phép sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Ba nhà sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế lớn được nhận tới 82% hạn ngạch cấp phép đợt này. Đứng đầu là Liansheng Paper (Longhai), với 30.000 tấn. Công ty con của Shanying International Holdings là Huanan Shanying Paper nhận 26.000 tấn. Shandong Century Sunshine Paper và công ty con Numat Paper đã nhận được tổng cộng 22.000 tấn. Các nhà nhập khẩu ​​sẽ sử dụng các giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi trong đợt này để thông quan lượng hàng RCP đã đặt qua các cảng Trung Quốc trước ngày 31 tháng 12.

Các nhà cung cấp từ Mỹ và Châu Âu đã ngừng bán RCP cho Trung Quốc, các công ty vận chuyển cũng không còn nhận các đơn đặt hàng RCP cho các tuyến đường đó. Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc vẫn có thể sử dụng hạn ngạch 2020 để nhập khẩu RCP từ các nước lân cận, chủ yếu là Nhật Bản, do thời gian giao hàng ngắn.

Lô cấp phép thứ mười ba đã đưa tổng hạn ngạch nhập khẩu RCP của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 6,75 triệu tấn./.

    >>> Oji Nhật Bản khởi chạy dây chuyền TM thứ hai ở Giang Tô, Trung Quốc

Theo Fastmarkets RISI

Trung Quốc dự định bổ sung 5% thuế nhập khẩu giấy thu hồi từ Mỹ

Chính phủ Trung Quốc dự định đánh thuế bổ sung 5%, từ mức 25% hiện tại lên 30% đối với giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu từ Mỹ, dự kiến công bố có hiệu lực từ ngày 15/12/2019. 

Nhưng sau khi đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1, các nhà cung cấp giấy thu hồi Mỹ vẫn chỉ phải chịu mức thuế 25% như trước đây.

Mỹ và Trung Quốc hiện nay vẫn chưa chính thức ký kết thoả thuận thương mại, nếu bất kỳ lý do nào các thỏa thuận cuối cùng không được cả hai bên chấp thuận, Trung Quốc có thể thay đổi các quyết định này và thực hiện chúng trong vòng 24 giờ.

Từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu giấy loại hỗn hợp (mixed paper), và đầu năm 2018 đã ban hành quy định tỷ lệ tạp chất trong giấy thu hồi nhập khẩu không được quá 0,5%, dự kiến đến năm 2021 sẽ cấm hoàn toàn nhập khẩu giấy thu hồi.

Năm 2018, tổng lượng giấy thu hồi nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 18 triệu tấn, giảm 36,8% so với 28,5 triệu tấn trong năm 2017. Năm 2019, tổng hạn ngạch nhập khẩu được Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc phê duyệt chỉ là 10,75 triệu tấn. 

Trong năm 2020, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu giấy thu hồi chỉ còn 7 triệu tấn.

Tính từ đầu năm đến tháng 10/2019, xuất khẩu giấy thu hồi của Mỹ đã giảm 10%, ở mức 14.165 triệu tấn, một trong những sự sụt giảm lớn nhất đối với ngành giấy thu hồi của Mỹ.

Trong khi đó, chỉ tính riêng 10 tháng năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 15,745 triệu tấn giấy thu hồi từ Mỹ./.

 Theo RISI – VPPA dịch

Ngành giấy: Lo thiếu nguyên liệu

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp sản xuất giấy đang lệ thuộc vào nguồn bột giấy nhập khẩu (NK). Trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy, có tới 70% là từ giấy loại, trong đó gần 50% số nguyên liệu này phải NK trực tiếp từ nước ngoài.

Cùng với đó, nguyên liệu cho sản xuất giấy từ giấy thu hồi (phế liệu giấy) có vai trò rất quan trọng trong sản xuất giấy bao bì: Năm 2019 dự kiến là 4,5 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom trong nước chỉ đạt khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Theo TS. Đặng Văn Sơn – Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), nguyên nhân do chưa có cơ chế, chính sách cho hoạt động thu gom tái chế, trong khi đó tại các nước như Nhật Bản, coi phế liệu giấy là tài nguyên quốc gia và tỷ lệ thu gom trong nước đạt trên 82%, tỷ lệ thu gom trung bình của thế giới là 59% năm 2018.

Chia sẻ về thực trạng trên, TS. Đặng Văn Sơn trăn trở, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm (chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng), trong khi giá dăm gỗ xuất khẩu vào khoảng 120 USD/tấn, giá bột giấy nhập khẩu trên 800 USD/tấn.

Theo TS. Đặng Văn Sơn, sản xuất từ dăm gỗ ra bột giấy mang lại lợi nhuận lớn nhất nhưng đầu tư bột giấy có nhiều rủi ro, tỷ trọng đầu tư lớn. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để ngành giấy phát triển.

VPPA cũng kiến nghị, nhà nước cần có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng về ngành giấy, không nên để phát triển tự phát như hiện nay. Để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất, đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường. Nhà nước cần tạo điều kiện ưu đãi trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế…

Theo VPPA, 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy thu về 808,44 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Báo Công Thương