Sản xuất và Đầu tư về giấy và bột giấy trên thế giới và Việt Nam năm 2019 – 2020

Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và có các kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, VPPA xin gửi đến bạn đọc các thông tin về dữ liệu sản xuất và đầu tư về giấy và bột giấy trên thị trường thế giới và Việt Nam năm 2019 – 2020.

Thế giới – cung cầu có dấu hiệu mất cân đối ở một số khu vực

Giấy làm bao bì – Bao gồm giấy làm lớp mặt (testliner, kraftliner, white top liner), giấy lớp sóng (medium) thế giới năm 2019 – 2020

Khu vực Châu Âu

Năm 2019, theo dữ liệu thống kê từ Fastmarkets RISI, tổng công suất mới giấy lớp mặt và giấy lớp sóng được đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2019 đạt sản lượng 2,035 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khoảng 0,8 triệu tấn (Bảng 1). Như vậy, năm 2019 đã thừa cung hơn 1 triệu tấn.

Năm 2020, công suất mới về giấy lớp mặt và lớp sóng dự kiến đưa vào sản xuất đạt sản lượng khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng trưởng khoảng 0,8 – 1,0 triệu tấn. Như vậy, năm 2020 dự kiến cung vượt nhu cầu khoảng 2,4 triệu tấn, nếu như các công suất mới này được đưa vào sản xuất đúng tiến độ.

Khu vực Nam Mỹ

Năm 2019, theo dữ liệu từ RISI thống kê, tổng công suất giấy lớp mặt và giấy lớp sóng được đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2019 đạt sản lượng 1,07 triệu tấn (Bảng 2), nhưng có khoảng 0,9 triệu tấn được sản xuất trong quý 4/2019, nên không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khoảng 0,45 triệu tấn. Như vậy, năm 2019 cung không đáp ứng được cầu khu vực.

Năm 2020, công suất dự kiến đưa vào sản xuất là 0,45 triệu tấn từ Công ty Klabin sản phẩm giấy lớp mặt (Krafliner) được sản xuất chủ yếu từ bột nguyên sinh và bắt đầu chạy thử vào cuối quý 4 năm 2020, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng 0,5 – 0,6 triệu tấn. Như vậy lượng dư cung từ năm 2019 chuyển sang năm 2020, thì cung và cầu cân đối, có hiện tượng thiếu cung nhẹ với giấy sản xuất từ nguyên liệu tái chế.

Khu vực Bắc Mỹ

Năm 2019, tại Bắc Mỹ công suất mới giấy lớp mặt và lớp sóng sản xuất từ nguyên liệu tái chế, được đưa vào sản xuất đạt 0,76 triệu tấn/năm (Bảng 3), trong khi đó nhu cầu tiêu dùng tăng khoảng 0,7 triệu tấn/năm. Như vậy, năm 2019 cung và cầu cân đối.

Năm 2020, công suất mới dự kiến đưa vào sản xuất đạt khoảng 1,24 triệu tấn/năm, tuy nhiên có khoảng 0,56 triệu tấn được sản xuất vào cuối quý 4/2020, trong đó dự kiến nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khoảng 0,5 – 0,6 triệu tấn. Như vậy, năm 2020 cung và cầu cân đối trong khu vực.

(Nguồn: Fastmarkets Risi, Company data 2019)

Trung Quốc

Năm 2019, công suất mới giấy lớp mặt và giấy lớp sóng được đưa vào sản xuất 2,35 triệu tấn (Bảng 4), tuy nhiên công suất này chủ yếu sản xuất vào quý 4/2019 nên không đáp ứng được lượng giấy thiếu hụt trong nước khoảng 2 triệu tấn. Như vậy, khoảng 75% công suất mới của năm 2019, tương ứng với khoảng 1,76 triệu tấn sẽ được chuyển sang cung cho năm 2020.

Năm 2020, công suất mới dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất giấy lớp mặt và lớp sóng khoảng 2,45 triệu tấn/năm, dự kiến sử dụng công suất khoảng 70% và tương ứng 1,7 triệu tấn cho năm 2020; trong đó cắt giảm và đóng cửa sản xuất do thiếu nguyên liệu giấy thu hồi (RCP), áp lực về môi trường khoảng 3 triệu tấn. Dự kiến tiêu dùng trong nước tăng trưởng khoảng 0,3 – 0,5 triệu tấn/năm. Như vậy, năm 2020 Trung Quốc vẫn thiếu cung khoảng 2 triệu tấn, tuy nhiên lượng cung tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều về cấp hạn ngạch giấy thu hồi (RCP) của chính phủ cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng hay giảm.

Giấy tissue thế giới năm 2019 – 2020

Khu vực Nam Mỹ

Tổng công suất đầu tư mới giấy tissue trong năm 2019 – 2020 ở khu vực Nam Mỹ, được đưa vào sản xuất là 555.000 tấn, trong đó năm 2019 là 274.000 tấn/năm, năm 2020 dự kiến 281.000 tấn/năm (Bảng 5). Đầu tư mới chủ yếu tập trung vào 3 quốc gia là Argentina, 4 nhà máy có công suất 141.000 tấn và chiếm tỷ trọng đến 25,4 %; Mexico, 4 nhà máy có công suất 123.000 tấn và chiếm tỷ trọng 22,1%; Braxin, 4 nhà máy có công suất 143.000 tấn và chiếm 25,7% trên tổng công suất đầu tư trong khu vực. Các nhà máy giấy tissue đầu tư mới trong khu vực có công suất tối thiểu từ 18.000 tấn/năm trở lên, trong tổng số 17 đầu tư mới thì có đến 12 nhà máy có công suất từ 30.000 tấn/năm trở nên. Khu vực Nam Mỹ đang gia tăng mạnh công suất giấy tissue do lợi thế về nguyên liệu bột giấy.

Như vậy, cung trong năm 2019 – 2020 dự kiến tăng 555.000 tấn, trong khi đó nhu cầu trong khu vực dự kiến tăng 350 tấn (4,1%/năm). Dẫn đến khu vực dư cung khoảng 205.000 tấn.

Khu vực Bắc Mỹ

Tổng công suất đầu tư mới giấy tissue năm 2019 – 2020 tại Bắc Mỹ, được đưa vào hoạt động sản xuất khoảng 321.000 tấn, trong đó năm 2019 là 119.000 tấn, năm 2020 dự kiến 202.000 tấn (Bảng 6). Đầu tư mới chủ yếu đến từ Mỹ với 11 nhà máy, có công suất 251.000 tấn; Canada, 1 nhà máy với công suất 70.000 tấn. Công suất thiết kế của nhà máy giấy Tissue ở Bắc Mỹ được đầu tư mới với công suất rất lớn 60.000 – 72.000 tấn/năm.

Ngoài ra, trong năm 2019 khu vực này đóng cửa 3 nhà máy với công suất lên đến 201.000 tấn. Các nhà máy đóng cửa chủ yếu do thời gian hoạt động lâu năm, công nghệ và thiết bị xuống cấp nên hiệu quả sản xuất không cao.

Như vậy, năm 2019 – 2020 cung trong khu vực tăng 321.000 tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng 430.000 tấn, dẫn đến cung không đáp ứng được cầu 109.000 tấn. Năm 2020, cung dự kiến 202.000 tấn, tiêu dùng dự kiến tăng 220.000 tấn, dẫn đến thiếu cung 18.000 tấn.

Trung Quốc

Tổng công suất đầu tư mới giấy tissue tại Trung Quốc năm 2019 – 2020, dự kiến đưa vào sản xuất khoảng 3,27 triệu tấn. Trong đó, năm 2019 công suất mới đưa vào sản xuất 2,08 triệu tấn; năm 2020 dự kiến đưa vào sản xuất 1,19 triệu tấn. Ngoài ra, đóng cửa sản xuất, năm 2019 là 0,6 triệu tấn, năm 2020 dự kiến là 0,3 triệu tấn (Hình 1). Hiện nay sản xuất của Trung Quốc đều nhà nhà máy giấy mới và hiện đại, nên việc đóng cửa sản xuất nhà máy cũ và lạc hậu có thể nhiều hơn dự kiến. Hoặc công suất mới được đưa vào sản xuất chậm trễ hơn dự kiến.

Như vậy, hiện tại theo công suất đầu tư mới và đóng cửa năm 2019 thì công suất mới thực tế đưa vào sản xuất dự kiến là 1,48 triệu tấn, trong đó tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 0,43 tấn, dẫn đến năm 2019 dư cung trên 1 triệu tấn. Năm 2020, công suất thực tế dự kiến đưa vào sản xuất 0,89 triệu tấn, trong đó tiêu dùng dự kiến tăng 0,48 triệu tấn, dẫn đến năm 2020 vẫn dư cung 0,41 triệu tấn.

Khu vực Châu Âu

Tổng công suất mới giấy tissue năm 2019 – 2020 tại châu Âu, dự kiến được đưa vào sản xuất là 631.000 tấn. Trong đó, năm 2019 dự kiến đưa vào sản xuất là 446.000 tấn, năm 2020 dự kiến đưa vào sản xuất là 185.000 tấn (Bảng 7). Công suất của mỗi nhà máy là rất lớn, trong tổng số 11 nhà máy thì có đến 8 nhà máy có công suất thiết kế trên 60.000 tấn/năm, chỉ có 3 nhà máy có công suất từ 30.000 – 34.000 tấn/năm, điều này cho thấy xu hướng đầu tư tại châu Âu các nhà máy giấy Tissue có công suất trên 60.000 tấn/năm.

Như vậy, cung dự kiến năm 2019 là 446.000 tấn, trong khi đó tiêu dùng dự kiến tăng 500.000 tấn/năm, dẫn đến cung không đáp ứng được cầu khoảng 54.000 tấn. Năm 2020, cung là 185.000 tấn/năm, trong khi đó tiêu dùng dự kiến tăng 280.000 tấn/năm, dẫn đến cung không đáp ứng được cầu khoảng 95.000 tấn.

Giấy in, giấy viết thế giới năm 2019 – 2020

Công suất đóng cửa và chuyển đổi sản xuất

Năm 2019 – 2020 giấy in và giấy viết có tổng công suất đóng cửa và chuyển đổi khoảng 6,2 triệu tấn. Trong đó giấy in tráng phủ là 4,48 triệu tấn, còn đối với giấy in, viết không tráng là 1,22 triệu tấn (Bảng 8).

Năm 2019, công suất đóng cửa và chuyển đổi là 3,81 triệu tấn, trong đó khu vực châu Âu là 1,275 triệu tấn; khu vực Bắc mỹ là 1,881 triệu tấn, khu vực châu Á 0,655 triệu tấn. Giấy in và viết không tráng là 1,014 triệu tấn, đóng cửa nhiều nhất là ở Bắc Mỹ 0,865 triệu tấn, châu Á là 0,069 triệu tấn, châu Âu là 0,08 triệu tấn.

Năm 2020, dự kiến công suất đóng cửa và chuyển đổi khoảng 2,398 triệu tấn, chủ yếu diễn ra ở khu vực châu Âu là 1,585 triệu tấn và khu vực châu Á là 0,813 triệu tấn. Trong đó giấy in, viết không tráng là 0,206 triệu tấn. Như vậy, sản xuất giấy in, viết đang giảm mạnh tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, đặc biệt là giấy in tráng phủ.

Công suất đầu tư mới

Công suất đầu tư mới năm 2019 – 2020 chủ yếu là giấy in, viết không tráng, tổng khoảng 2,3 triệu tấn. Trong đó, năm 2019 là 1,35 triệu tấn, năm 2020 là 0,95 triệu tấn và chủ yếu diễn ra tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (Bảng 8).

Bột giấy hoá học tẩy trắng thế giới năm 2019 – 2020

Công suất mới bột giấy hoá học tẩy trắng dự kiến đưa vào sản xuất đạt khoảng 1,55 triệu tấn. Trong đó bột hoá học tẩy trắng gỗ cứng (BHKP) là 1,15 triệu tấn, bột hoá học tấy trắng gỗ mềm (BSKP) là 0,4 triệu tấn. Năm 2019, bột hoá học tẩy trắng gỗ cứng sản xuất

tăng 0,7 triệu tấn, bột hoá học tẩy trắng gỗ mềm tăng 0,3 triệu tấn. Năm 2020, bột hoá học tẩy trắng gỗ cứng dự kiến tăng 0,45 triệu tấn, còn bột hoá học tẩy trắng gỗ mềm tăng 0,1 triệu tấn (Hình 2).

Việt Nam – nhiều dự án lớn

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và tính toán, ước tính, năm 2019 tổng lượng sản xuất giấy các loại tại Việt Nam đạt khoảng 4,43 triệu tấn, tăng trưởng 20,6% so với năm 2018.

Trong đó, giấy bao bì, chủ yếu là giấy lớp mặt (Testliner) và giấy lớp sóng (Medium) được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu giấy thu hồi, đạt sản lượng 3,716 triệu tấn, tăng trưởng 23,3% so với năm 2018 (Hình 3). Sản lượng tăng này chủ yếu đến từ các công suất mới đưa vào hoạt động sản xuất năm 2019 như Công ty Thuận An (250.000 tấn/năm), Công ty Cheng Long (300.000 tấn/năm), Công ty Đông Hải Bến Tre (180.000 tấn/năm), Công ty giấy Rạng Đông (70.000 tấn/năm).

Ngoài ra, sự tăng trưởng sản xuất còn đến từ Công ty Chánh Dương, Công ty KraftVina và một số công ty nhỏ khác ở miền Bắc, đặc biệt sản xuất tăng mạnh trong quý 4 năm 2019 do nguyên liệu rẻ cũng như triển vọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tốt hơn kỳ vọng.

Đối với giấy tissue, sản xuất năm 2019 đạt sản lượng khoảng 220.000 tấn, tăng trưởng 11,1% so với năm 2018. Sản xuất giấy tissue tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ Công ty Xương Giang, Công ty Việt Cường, Vinapaper, đặc biệt là Công ty NTPM (Malaysia) đưa công suất mới 22.000 tấn/năm vào hoạt động sản xuất trong cuối quý III/2019, ngoài

ra sự tăng trưởng cũng đến từ các công ty nhỏ khác do giá bột giấy và giấy thu hồi (SOP) ở mức thấp nên gia tăng sản xuất để cung ứng ra thị trường.

Đối với giấy in và giấy viết, năm 2019 sản xuất đạt sản lượng khoảng 328.000 tấn, tăng trưởng 2.8% so với năm 2018. Sản xuất tăng trưởng chủ yếu đến từ Công ty giấy An Hoà, Công ty giấy Hải Dương, Hoàng Hưng Thịnh, ngoài ra tăng trưởng còn đến từ các nhà máy nhỏ trong thời điểm 6 tháng cuối năm 2019 khi giá bột giấy ở mức thấp nên các đơn vị gia tăng sản xuất.

Đối với giấy vàng mã, năm 2019 sản xuất ước tính đạt 131.000 tấn, tăng trưởng 19,1% so với năm 2018. Sản xuất gia tăng do các đơn hàng truyền thống từ Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc tăng mạnh.

Dự án đầu tư lớn về giấy bao bì dự kiến đưa vào sản xuất năm 2020 – 2021

Giấy bao bì, theo số liệu thống kê, năm 2020 dự kiến có 2 nhà máy có công suất thiết kế 450.000 tấn/năm được đưa vào sản xuất trong 6 tháng đầu năm, đó là Công ty Cheng Long 300.000 tấn/năm và Công ty Hoàng Văn Thụ 150.000 tấn/năm. Trong quý 4 năm 2020, 2 nhà máy dự kiến đưa vào sản xuất với công suất 450.000 tấn/năm, đó là Công ty Marubeni 350.000 tấn/năm và Công ty Miza 100.000 tấn/năm, tuy nhiên Công ty Miza khó có khả năng đưa vào sản xuất trong quý 4. Năm 2021, dự kiến có 3 nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất, với công suất thiết kế 320.000 tấn/năm (Bảng 9).

Dự án đầu tư lớn về giấy tissue đưa vào sản xuất năm 2019 và dự kiến năm 2020 – 2021

Trong quý 4 năm 2019, Công ty NTPM đã đưa vào sản xuất dây chuyền giấy tissue có công suất thiết kế 22.000 tấn/năm tại Bình Dương. Năm 2020, dự kiến có 3 nhà máy đưa vào sản xuất với công suất thiết kế 55.000 tấn/năm, trong đó Công ty Xương Giang 15.000 tấn/năm dự kiến sản xuất trong quý 2, Công ty Việt Thắng 20.000 tấn/năm và Công ty Xuân Mai 20.000 tấn/năm dự kiến sản xuất trong quý 4. Năm 2021, theo như kế hoạch đã thông báo, dự kiến Công ty NTPM đưa vào sản xuất thêm 1 dây chuyền có công suất 20.000 tấn/năm (Bảng 10).

VPPA

Thị trường giấy và bột giấy Việt Nam năm 2019 và nhận định cho năm 2020

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng thể hiện rõ nét và lan rộng, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn biến căng thẳng trong năm 2019. Sự căng thẳng đã có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam theo chiều hướng tích cực và cũng không ít những tiêu cực.

Năm 2019 – Nhiều điểm sáng

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng trên thế giới. Năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% đến 6,8%. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD và đạt 516 tỷ USD, thặng dư thương mại 9,9 tỷ USD.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 138.100, trở lại hoạt động 39.400 doanh nghiệp, ngừng hoạt động 16.000 doanh nghiệp, trong đó tổng số lao động trong doanh nghiệp thành lập mới là 1,25 triệu người. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn cấp đăng ký mới 16,7 tỷ USD, vốn điều chỉnh tăng 5,8 tỷ USD, tổng giá trị góp vốn và mua cổ phần đạt 15,5 tỷ USD.

Điểm sáng về kinh tế Việt Nam chính là động lực lớn cho thị trường giấy Việt Nam đạt được những con số ấn tượng trong năm 2019; Tiêu dùng giấy toàn ngành ước tính đạt 5,432 triệu tấn, tăng trưởng 9,8%; xuất khẩu giấy đạt sản lượng 1,0 triệu tấn, tăng trưởng 23,6%, nhập khẩu đạt sản lượng 2,02 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giấy bao bì và giấy tissue về tiêu dùng và xuất khẩu đạt sản lượng, tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Nhưng, đối với giấy in, giấy viết lại gặp thách thức không nhỏ, sản xuất tăng nhưng tiêu dùng lại giảm; giấy photocopy nhập khẩu giảm 18,1% nhưng giấy in, viết không tráng lại tăng mạnh 20,9%. Sản lượng nhập khẩu giấy in và giấy viết từ thị trường Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đã dẫn tới lượng giấy ngày càng tăng, gây áp lực về giá sản phẩm với doanh nghiệp nội địa.

Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản không xuất khẩu được vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ hướng sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh rất quyết liệt.

Giấy bao bì

Tiêu dùng, giấy bao bì năm 2019 ước tính đạt sản lượng 4,175 triệu tấn, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thấp hơn kỳ năm

2018/2017 nhưng trong bối cảnh chung trên thế giới tăng trưởng không như kỳ vọng, đây là con số rất ấn tượng.

Trong đó, giấy bao bì lớp mặt (testliner, white top liner) và lớp sóng (medium) chủ yếu để sản xuất thùng hộp các tông, đạt sản lượng 3,41 triệu tấn, tăng trưởng 16,0%; giấy bao bì tráng chủ yếu làm hộp gấp (boxboard), đạt sản lượng 0,765 triệu tấn, tăng trưởng 9,0% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu, năm 2019 ước tính đạt sản lượng 0,801 triệu tấn và tăng trưởng 25%, xuất khẩu chủ yếu là giấy lớp mặt và giấy lớp sóng. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chủ đạo là trong khu vực, như Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 67%, các quốc gia Châu Á khác 26%, Châu Phi 2,8%, Bắc Mỹ 2,5%, Châu Âu 1,7%.

Nhập khẩu, năm 2019 ước tính đạt 1,225 triệu tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu giấy lớp mặt và lớp sóng đạt sản lượng 0,495 triệu tấn, giảm 12,9%; giấy bao bì tráng đạt sản lượng 0,730 triệu tấn, tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Về giá giấy năm 2019, giấy lớp mặt và lớp sóng xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á: Giá giấy bắt đầu giảm từ tháng 3 và giảm liên tục đến tháng 10, tổng cộng giảm 40 USD/tấn (928.000 đồng/tấn) đối với giấy lớp mặt; với giấy lớp sóng giảm 63 USD/tấn (1,461 triệu đồng/tấn). Đến tháng 10 giá giấy bắt đầu theo chiều hướng đi lên và hiện đến tháng 12/2019 đã tăng 45 USD/tấn (1,044 triệu đồng/tấn) đối với cả giấy lớp mặt và lớp sóng so với tháng 10/2019.

Tiêu dùng giấy in và giấy viết, giấy photocopy năm 2019 ước tính đạt 0,719 triệu tấn và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giấy in, giấy viết không tráng đạt 0,531 triệu tấn, giảm 1,1% (năm 2018 tiêu dùng 0,537 triệu tấn); giấy in tráng phủ đạt 0,188 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2018 (tiêu dùng 0,259 triệu tấn).

Xuất khẩu, năm 2019, tổng lượng xuất khẩu ước tính đạt 7.800 tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản phẩm là giấy in, viết không tráng.

Nhập khẩu, năm 2019, tổng lượng nhập khẩu đạt sản lượng 0,409 triệu tấn, giảm 15,67% so với cùng kỳ (năm 2018 nhập khẩu đạt 0,485 triệu tấn). Trong đó, giấy in, viết và giấy photocopy đạt 0,221 triệu tấn, giảm 2,2% (giấy photocopy giảm 18,1% nhưng giấy in, viết lại tăng 20,9%); giấy in tráng phủ đạt 0,188 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường cung giấy photocopy cho thị trường Việt Nam là Thái Lan 53% và Indonesia 46%, khác 1%; Đối với nguồn cung giấy in, viết không tráng là Indonesia 48,2%, kế đến là thị trường Trung Quốc 21,1%, tiếp theo là Nhật Bản 17,4%, Thái Lan 4,7%, các quốc gia khác 8,6%.

Giá giấy năm 2019, giấy in và giấy viết không tráng xuất khẩu tại thị trường Đông Nam Á năm 2019, giá giảm liên tục theo quý bao gồm cả chất lượng cao và trung bình, đến tháng 12/2019 giá như sau: giấy chất lượng cao, giá 750 USD/tấn và giảm 100 USD/tấn (2,32 triệu đồng/tấn) so với tháng 1/2019, giấy chất lượng cấp trung chủ yếu được sản xuất từ bột tái chế giá 720 USD/tấn, giảm 80 USD/tấn (1,85 triệu đồng/tấn) so với tháng 1/2019. Trong khi đó, giá giấy tại thị trường Trung Quốc năm 2019: sau khi giảm giá ở mức 840 USD/tấn tại quý III/2019, nhưng giá lại tăng trong quý IV/2019 cho cả giấy cấp cao và trung bình lần lượt 29 USD/tấn (0,628 triệu đồng/tấn) và 25 USD/tấn (0,580 triệu đồng/tấn), diễn biến giá tăng này chủ yếu do áp lực về chi phí môi trường, năng lượng, nhiên liệu, nhân công.

Giấy tissue

Tiêu dùng, giấy tissue năm 2019 ước tính đạt 181.000 tấn và tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhập khẩu, đạt 39.000 tấn, tăng trưởng đến 77,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường cung ứng chính giấy tissue cho Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc và Indonesia, chiếm tỷ trọng lần lượt là 54% và 38%, các quốc gia khác 8%.

Xuất khẩu, đạt sản lượng 67.000 tấn, tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó các thị trường xuất khẩu chính giấy tissue của Việt Nam, là Malaysia chiếm tỷ trọng 25%, kế đến là Mỹ chiếm tỷ trọng 15%, Úc 14%, tiếp theo Niu Di – lân 7%, Campuchia 5%, Mê – hi – cô 5%, Nhật Bản và Lào 4%.

Giấy khác

Tiêu dùng giấy in báo ước tính đạt 47.000 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018. Tiêu dùng giấy vàng mã khoảng 5.500 tấn, tăng trưởng 10%, xuất khẩu đạt 125.000 tấn, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Giấy đặc biệt như giấy carbonles, giấy in ảnh, giấy in tiền, giấy chuyển nhiệt, giấy lọc, giấy trang trí, giấy cuốn thuốc lá… tổng năm 2019 tiêu dùng đạt 301.000 tấn, tăng trưởng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá bột giấy năm 2019

Giá bột giấy hoá học tẩy trắng gỗ cứng (BHKP). Thương phẩm trên thế giới trong năm 2019 giảm mạnh và liên tục trong quý I, II, III, sau đó đi ngang trong quý IV. Diễn biến tăng và giảm giá tại các khu vực như sau: tại Trung Quốc, đến tháng 12/2019, giá ở mức 455 USD/tấn, giảm 33,0% (225 USD/tấn) so với tháng 1/2019; tại Đông Nam Á: đến tháng 12/2019, giá ở mức 458 USD/tấn, giảm 33,1% (227 USD/tấn) so với tháng 1/2019; Tại Bắc Mỹ: đến tháng 12/2019, giá ở mức 490 USD/tấn, giảm 38% (300 USD/tấn) so với tháng 1/2019; tại Châu Âu: đến tháng 12/2019, giá ở mức 660 USD/tấn và giảm 34,6% (350 USD/tấn) so với tháng 1/2019.

Giá giấy thu hồi nhập khẩu năm 2019

Giá giấy hỗn hợp (mixed paper) từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản trong năm 2019, biến động tăng giảm thất thường và liên tục. Trong đó, giấy hỗn hợp từ Nhật Bản đến tháng 12/2019 giá ở mức 125 USD/tấn và giảm 42,5 USD/tấn (0,986 triệu đồng/tấn), từ Mỹ và Châu Âu ở mức 45 USD tấn và giảm 27,5 USD/tấn (0,638 triệu đồng /tấn).

Giá giấy thùng sóng cũ (OCC), từ Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu cũng biến động tăng giảm giá rất thất thường và mang tính liên tục. Trong đó, OCC 12 từ Mỹ đến tháng 12/2019 ở mức giá 85 USD/tấn, giảm 75 USD/tấn (1,74 triệu đồng/tấn); đối với OCC 1.05 từ Châu Âu đến tháng 12/2019 ở mức giá 97,5 USD/tấn, giảm 47,5 USD/tấn (1,10 triệu đồng/tấn); còn OCC từ Nhật Bản đến tháng 12/2019 ở mức giá 72,5 USD/tấn, giảm 92,5 USD/tấn (2,14 triệu đồng/tấn).

Thị trường giấy năm 2020 sẽ diễn biến thế nào?

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao, căng thẳng chính trị vẫn diễn biến khó lường và phức tạp, tuy nhiên căn cứ vào các yếu tố bên trong và bên ngoài. VPPA đưa ra một số nhận định cho thị trường giấy năm 2020 nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình phục vụ cho kế hoạch sản xuất – kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất.

Giấy bao bì – cơ hội và thách thức

Năm 2020, giấy bao bì trong nước có nhiều cơ hội phát triển. Điển hình, về tiêu dùng, giấy bao bì trong nước dự báo tăng trưởng trên 11%. Các yếu tố then chốt dẫn đến triển vọng tích cực cho sự tăng trưởng giấy bao bì tại thị trường Việt Nam năm 2020 dựa vào các yếu tố sau:

Một là, giấy bao bì đã được chứng minh tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP, trong khi đó dự báo GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khoảng 6,8%.

Hai là, mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, trong đó các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy mục tiêu xuất khẩu năm 2020 có tốc độ duy trì tăng trưởng cao trên 10%, như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; nhóm hàng công nghiệp chế biến (dệt may; da giày), đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện…

Ba là, sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản về gia công bao bì giấy xuất khẩu do thách thức mức thuế suất 25% của Mỹ đối với Trung Quốc.

Bốn là, tiêu dùng bán lẻ trong nước tăng trên 11%.

Năm là, chính sách khuyến kích doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hoá và chính sách xuất xứ sản phẩm có thể ban hành trong năm 2020.

Sáu là, việc hạn chế rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển mạnh.

Ngoài ra, tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực Châu Á dự báo tăng trưởng lần lượt là 2,9% và 3,8%, cũng có thể tăng trưởng hơn dự báo: việc hạn chế rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng bao bì giấy trên thế giới đang lan rộng và tăng cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn.

Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường Trung Quốc năm 2020 triển vọng cao hơn năm 2019. Trung Quốc dự báo thiếu cung hơn 2 triệu tấn giấy bao bì và có thể cao hơn nếu cấp hạn ngạch giấy thu hồi giảm mạnh, giá giấy cao hơn do áp lực về giá nguyên liệu tăng cao và chi phí về môi trường, nhân công, năng lượng.

Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy có nhiều cơ hội vào thị trường ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại mới CPTPP, Việt Nam – EU và các hiệp định phát triển sâu, toàn diện.

Bên cạnh các cơ hội trên, ngành giấy Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức. Tiêu thụ trong nước gặp không ít thách thức cạnh tranh quyết liệt: từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khi sản xuất năm 2020 dự kiến tăng khoảng 350.000 tấn, trong khi đó công suất mới năm 2018 – 2019 chỉ sử dụng khoảng 70%.

Cạnh tranh khốc liệt với giấy nhập khẩu: Trong khu vực Châu Á (trừ Trung Quốc) được Risi dự báo là dư cung 0,5 triệu tấn cho năm 2020. Giấy nhập khẩu dự kiến đến mạnh hơn từ các quốc gia trong các hiệp định mới, đặc biệt là khu vực EU khi dự báo dư cung lớn (năm 2020 công suất mới 3,4 triệu tấn)

Xuất khẩu vào Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với nhiều quốc gia: Trung quốc đã giảm thuế nhập khẩu giấy lớp sóng xuống 5% vào năm 2020 cho nhiều quốc gia (trước đó là trên 7% tuỳ theo quốc gia), trong khi đó mức thuế 5% này trước đó chỉ ưu đãi cho một số quốc gia ASEAN.

Giấy in, giấy viết không tráng

Tiêu dùng trong nước dự kiến tăng trưởng rất mạnh bởi năm yếu tố then chốt dẫn đến sự tăng trưởng của giấy in, viết và giấy photocopy năm 2020. Một là, sự dịch chuyển của khoảng 10 doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc về gia công vở, sổ, biểu mẫu xuất khẩu và đã có một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Hai là, cơ hội mở rộng xuất khẩu vở & sổ vào thị trường ưu đãi thuế mới CPTPP, EU. Ba là, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vở, sổ vào thị trường Mỹ (Mỹ áp thuế suất 25% đối với sản phẩm từ Trung Quốc). Bốn là, số lượng học sinh & sinh viên năm học 2019 – 2020 tăng hơn 0,5 triệu. Năm là, mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính Phủ.

Sản xuất ở trong nước đã đạt mức tới hạn so với công suất hiện nay: Sản xuất chỉ còn mức tăng nhẹ bởi Công ty giấy An Hoà, trong khi các doanh nghiệp nhỏ đã tới hạn sản xuất, do dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, lâu năm và chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc.

Giá bột giấy có xu hướng tăng trở lại: Risi dự báo cung không đáp ứng được cầu 0,7 triệu tấn cho năm 2020.

Bên cạnh các cơ hội trên, cũng có những thách thức dành cho giấy in, giấy viết không tráng. Cụ thể, tiêu dùng giảm trên thế giới, Risi dự báo giảm 0,6% cho năm 2020. Xuất khẩu giấy in, viết cạnh tranh quyết liệt, dự kiến tại Châu Á dư cung 0,5 triệu tấn trong năm 2020.

Nhập khẩu gia tăng mạnh về Việt Nam: Sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ dẫn tới việc lượng giấy gia tăng mạnh vào thị trường Việt Nam, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản không xuất khẩu được vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ hướng sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Nhập khẩu vở, sổ nhiều khả năng gia tăng mạnh: Trung Quốc không xuất được vở, sổ, biểu mẫu vào Mỹ do thuế suất 25% nên nhiều khả năng sẽ quay đầu sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam và tạo nên nhiều áp lực cho doanh nghiệp giấy trong nước.

Giấy tissue

Về cơ hội, tiêu dùng dự báo tăng trưởng trên 10%: Các yếu tố then chốt dẫn đến sự tăng trưởng giấy tissue cho năm 2020.

Một là, tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ, GDP theo đầu người, dân số, lưu trú. Hai là, là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc (Mỹ áp thuế suất nhập khẩu 25%) sang Việt Nam gia công xuất khẩu xuất khẩu vào Mỹ, theo Risi thống kê năm 2018 Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ gần 0,367 triệu tấn giấy tissue. Ba là, cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm xuất khẩu vào thị trường CPTPP, EU.

Xuất khẩu gia tăng vào thị trường Mỹ thay thế một phần của Trung Quốc và quốc gia khác: Theo số liệu từ Risi năm 2018, Mỹ nhập khẩu giấy tissue đạt 0,451 triệu tấn, năm 2019 ước tính 0,6 triệu tấn, trong khi đó năm 2020 dự kiến thiếu cung khoảng 18.000 tấn.

Xuất khẩu giấy giấy tissue vào thị trường ưu đãi thuế mới CPTPP, EU: Theo dự báo của Risi khu vực Châu Âu năm 2020 cung không đáp ứng được cầu khoảng 95.000 tấn.

Thách thức đầu tiên phải nói đến sự cạnh tranh quyết liệt với giấy tissue và thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia: Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ quay đầu xuất khẩu vào Việt Nam, năm 2020 dự kiến cung dư 0,410 triệu tấn. Trong khi đó cuối năm 2019 Indonexia công suất mới vào hoạt động khoảng 0,2 triệu tấn.

Vì thế, với bức tranh biến động giá năm 2019, những nhận định ở góc độ cơ hội và thách thức của các loại giấy, Ban biên tập Công nghiệp Giấy hy vọng các doanh nghiệp có những quyết sách đúng đắn để đơn vị ngày càng phát triển, thịnh vượng.

VPPA (Trích ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 1/2020)

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam: Dấu ấn một năm nhiều nỗ lực

Sau hơn một năm hoạt động với Ban chấp hành mới của Nhiệm kỳ VI (2018-2023), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã thực sự đồng hành trong nhiều hoạt động của Ngành, đóng góp đáng kể cho sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp ngành Giấy.

Đồng hành vì sự phát triển của ngành Giấy

Có thể khẳng định, sau hơn một năm kiện toàn bộ máy, VPPA đã dần từng bước hoàn thiện hoạt động, hội nhập mạnh mẽ, số lượng hội viên tăng từ 76 lên 85 hội viên vào năm 2019. Các hội viên của VPPA luôn tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến vào công tác, hoạt động chung.

Nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VPPA đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Bộ ban ngành, đóng góp các ý kiến để phát triển ngành Giấy theo hướng bảo vệ môi trường phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn..; Đồng thời phối hợp tổ chức các buổi làm việc và trực tiếp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính…

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VPPA đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những tồn tại trong sản xuất kinh doanh của ngành Giấy Việt Nam tại Hội nghị giữa các Doanh nghiệp và các Hiệp hội với  Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, trực tiếp báo cáo với các cơ quan quản lý về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Ngành, các doanh nghiệp hội viên, đề xuất các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Kiến nghị tới các cơ quan liên quan, tháo gỡ vướng mắc của Thông tư 08/2018/TT-BTNMT – QCVN 33:2018…

Ngoài ra, VPPA đã kiến nghị lên Bộ Khoa học và Công nghệ về việc nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ trong ngành Giấy; điều chỉnh Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ KH&CN thành Quyết định số 18/2019 của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, qua đó kéo dài thời gian máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Ngành được phép nhập khẩu từ 10 năm lên thành 20 năm;

Đề xuất với Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính về việc áp mã HS trong việc nhập khẩu nguyên liệu giấy để sản xuất, bảo đảm đúng mã HS đối với sản phẩm doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời tuân thủ hiệu quả trong quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp an tâm sản xuất…

Các hoạt động, kiến nghị trên đều được VPPA lấy ý kiến các doanh nghiệp hội viên, nhờ đó, các khó khăn của Ngành được tháo gỡ kịp thời…

Nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hiệu quả ý nghĩa

Ngoài sự nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị các chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành Giấy trong quá trình hội nhập quốc tế, với mong muốn tập hợp, gia tăng sự kết nối cho các doanh nghiệp ngành Giấy và các ngành liên quan, VPPA đã tập trung nguồn lực cho việc phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ, liên kết, hợp tác, tạo chuỗi cung ứng để xây dựng ngành Công nghiệp Giấy ngày càng phát triển.

Năm 2019, VPPA đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn như tổ chức Diễn đàn định hướng đầu tư phát triển bền vững Ngành công nghiệp Giấy, Hội nghị Kỹ thuật Ngành giấy 2019; Hội nghị ngành Công nghiệp giấy Đông Nam Á lần thứ 34, tọa đàm Công nghệ mới về bột giấy…

Tổ chức thành công Hội nghị Công nghiệp Giấy Đông Nam Á lần thứ 34 (THE 34TH FAPPI CONFERENCE – Hội nghị FAPPI 34) tại Việt Nam đã nâng tầm vị thế của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.

Trong năm, Văn phòng Hiệp hội đã tổ chức gặp gỡ với một số đoàn khách nước ngoài (Mỹ, Cannada, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…) nhằm trao đổi, tìm hiểu thông tin ngành giấy các nước thông qua các đối tác. Đặc biệt là Chương trình “sản xuất tuần hoàn trong ngành giấy”, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm giới thiệu các đối tác tin cậy trong việc xuất khẩu giấy thu hồi cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam.

Qua Hội nghị nhiều Công nghệ, giải pháp mới, hiện đại đã được giới thiệu đến đông đảo hội viên và doanh nghiệp ngành Giấy.

Qua Hội nghị nhiều Công nghệ, giải pháp mới, hiện đại đã được giới thiệu đến đông đảo hội viên và doanh nghiệp ngành Giấy.

Văn phòng Hiệp hội đã nhiều lần tổ chức các chuyến công tác tới các Doanh nghiệp FDI trong ngành Giấy nhằm tìm hiểu về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp này tại Việt Nam, hỗ trợ cung cấp thông tin về chính sách cho các doanh nghiệp FDI; đồng thời đón tiếp, thảo luận, trao đổi về hoạt động của Hiệp hội với các doanh nghiệp FDI, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tới làm việc tại Văn phòng Hiệp hội, tìm hiểu về ngành giấy và khả năng đầu tư vào ngành giấy Việt Nam…

Một năm “tất bật” của các ban chuyên trách

Với tinh thần phát triển công tác Hiệp hội một cách chuyên nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã phân ra 3 ban chuyên trách là Ban Truyền thông, Ban chuyên môn và Ban Hội viên.

Đặt trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên phát triển ngành theo hướng bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thời gian qua Ban Truyền thông VPPA đã hoạt động rất tích cực và tổ chức được nhiều hoạt động truyền thông, xúc tiến góp phần thay đổi nhận thức của xã hội và của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành Giấy; được hội viên, các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá rất cao; đóng góp ý kiến và tiếng nói của Hiệp hội, đề xuất để Hiệp hội tham gia sâu vào công tác quản lý Ngành cùng với các cơ quan quản lý nhà nước…

VPPA đón tiếp và làm việc với Trường Đại học Công nghệ Hoa Nam Trung Quốc là Trường có tiềm năng lớn và kinh nghiệm trong hợp tác đào tạo với các nước khu vực và thế giới về chuyên ngành giấy.

Ban Chuyên môn VPPA đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Hiệp hội đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt giao thực hiện công tác lập đề án tái cơ cấu Ngành; đề án lập cơ sở dữ liệu ngành Công Nghiệp Giấy Việt Nam (các nhiệm vụ này sẽ thực hiện trong năm 2019-2020), phối hợp cùng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương xây dựng đề cương chi tiết nhằm định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của ngành trong thời gian tới là “Chiến lược phát triển ngành Giấy giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2045”.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam mang Tết ấm đến trẻ em vùng cao.

Ban Hội viên VPPA kết hợp với các hoạt động của Ban Truyền thông, Ban Chuyên môn đã xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động trong năm 2019, có những hoạt động thu hút việc gia nhập Hiệp hội và quảng bá nội dung hoạt động thực tế của VPPA tới các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội; phát triển thêm hội viên mới.

Khép lại những khó khăn, thử thách năm 2019, năm 2020, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam quyết tâm, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp để đồng hành thể hiện vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành Giấy Việt Nam.

Theo Tạp chí Công Thương

Ngành giấy Việt Nam 2018 và một số đề xuất cho sự phát triển bền vững

Bước qua một năm kinh tế Việt Nam có những tăng trưởng đáng mừng, ngành giấy cũng không ngoại lệ. Nhưng trước thềm năm mới, ngành giấy thấy rõ những khó khăn, diễn biến phức tạp, cần sự định hướng đầu tư và chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm mang đến những cơ hội tốt cho sự phát triển bền vững.

Kinh tế Việt Nam năm 2018: Hấp dẫn nhưng áp lực

Nhận định về kinh tế Việt Nam trong năm 2018, thông điệp đầu năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu tỉ đồng, bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Điều đáng mừng là tăng trưởng cao trong khi nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì tốt và ngày càng được củng cố. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,54%, các cân đối lớn được đảm bảo, thể hiện các chính sách vĩ mô được điều hành rất linh hoạt, hiệu quả.

Động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,98%, từ khu vực nông nghiệp với mức tăng 3,76%, từ tổng cầu tăng mạnh với tổng mức bán lẻ tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỉ USD; xuất siêu 7,2 tỉ USD; dự trữ ngoại hối đạt trên 60 tỉ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 15,9%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (12,9%). Hàng hóa mang thương hiệu Việt đã có tại siêu thị của hầu hết các quốc gia trên thế giới với 5 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỉ USD, 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỉ USD.

Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, chúng ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đang đẩy mạnh vận động ký kết Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA); tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra sức hấp dẫn cao thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và ngành giấy cũng không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh kết quả to lớn đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài chưa cao. Mô hình tăng trưởng chuyển đổi còn chậm; các nguồn lực chưa được giải phóng tối đa; việc cơ cấu lại nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, lúng túng; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm.

Ngành giấy Việt Nam 2018 và một số đề xuất cho sự phát triển bền vững

Ngành giấy Việt Nam 2018, tăng trưởng tốt nhưng còn nhiều bất cập

Theo số liệu tổng hợp chung của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), tổng lượng tiêu dùng giấy các loại tạm tính đạt 4,946 triệu tấn, tăng trưởng 16%; Tổng lượng sản xuất giấy các loại tạm tính đạt 3,674 triệu tấn, tăng trưởng 31,2%; Tổng lượng xuất khẩu giấy các loại đạt 809.250 tấn, tăng trưởng 63%; Tổng trị giá xuất khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt kim ngạch khoảng 1,088 tỷ USD, tăng trưởng 50%; Tổng lượng giấy các loại nhập khẩu đạt lượng 2,081 triệu tấn, tăng trưởng 6%; Tổng trị giá nhập khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt kim ngạch khoảng 2,674 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Bột giấy các loại nhập khẩu đạt lượng 339.387 tấn, tăng trưởng 8%; Tổng trị giá nhập khẩu đạt kim ngạch 263,368 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2017. Phế liệu giấy nhập khẩu đạt lượng 2,068 triệu tấn, tăng trưởng 66,6%.

Tuy nhiên, số liệu tổng hợp cũng chỉ ra cơ cấu ngành giấy còn khá nhiều bất cập. Với giấy in và viết, năng lực sản xuất không tăng, sản xuất đã đạt tới 97% năng lực, nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 483.000 tấn (chủ yếu là giấy in và giấy photocopy chất lượng cao) gấp gần 1,5 lần năng lực sản xuất hiện tại và nhu cầu vẫn tăng trưởng với mức 3%/năm.

Với giấy bao bì, so với năm 2017, năng lực sản xuất loại giấy thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) tăng rất nhanh lên tới 42%, sản xuất cũng tăng tới 37% để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao 20% và xuất khẩu, nhưng cũng chỉ mới sử dụng chưa tới 70% năng lực hiện có. Xuất khẩu tăng tới 99% và đạt kỷ lục 641.000 tấn, nhưng nhập khẩu cũng lần đầu tiên đạt tới con số hơn 1,4 triệu tấn. Xuất khẩu giấy bao bì năm 2018, hầu hết là giấy lớp mặt và lớp sóng đi thị trường Trung Quốc (431.000/641.000 tấn), tập trung từ tháng 3 đến tháng 8, sau đó giảm nhanh cả về số lượng và đơn giá, do nhu cầu giấy bao bì tại Trung Quốc giảm mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự cạnh tranh mạnh từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ.

Nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan chủ yếu là giấy bao bì có tráng phủ với tổng số lượng gần triệu tấn và nhu cầu tăng trưởng cao trong tương lại; nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan chủ yếu là giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) và giấy in, giấy photocopy chất lượng cao. Điều này cho thấy sự mất cân đối rất lớn trong đầu tư sản xuất các loại giấy này.

Giấy tissue có nhu cầu sử dụng tăng 6%, nhưng xuất khẩu tăng tới 20% so với 2017 cũng là một sản phẩm có triển vọng tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, chúng ta đang là nước xuất khẩu dăm mảnh hàng đầu thế giới, nhưng lại phải nhập khẩu một lượng lớn bột giấy.

Đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 2 năm 2017, 2018 và hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các loại giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) với nhiều lợi thế vượt trội và đang gây nên hiện tượng cung vượt cầu đối với loại giấy này, nhưng xu hướng vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh, tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các doanh nghiệp FDI sẽ chiếm trên 60% sản lượng cả nước. Điều này tạo ra áp lực vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhiều khả năng thị trường sẽ chịu sự chi phối mạnh của các doanh nghiệp FDI.

Ngành giấy Việt Nam 2018 và một số đề xuất cho sự phát triển bền vững

Ảnh hưởng chính sách chưa phù hợp

Từ tháng 05 năm 2018, đã có hiện tượng tồn đọng rất nhiều container phế liệu tại các cảng biển nước ta do không có người nhận hoặc người nhận không đủ điều kiện để được nhập khẩu và Thủ tướng đã chỉ đạo nhanh chóng xử lý tháo gỡ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã tỏ ra lúng túng và kém hiệu quả trong việc xử lý dẫn đến việc tồn đọng không những không được giải quyết mà còn tăng thêm, đồng thời gây ra không ít khó khăn và ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Việc thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 09 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và Công văn số 5943/BTNMT-TCMT ngày 26 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hiện đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Thời gian làm thủ tục kéo dài làm phát sinh chi phí lưu container/lưu bãi rất lớn tại các cảng. Chỉ riêng với ngành giấy: phí lưu container, lưu bãi đã lên tới hàng trăm tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu dẫn đến bị khách hàng phạt, tâm lý người lao động bất an; chi phí sản xuất tăng cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực ngay trên sân nhà,… Ngoài ra, khó khăn trong việc kiểm định nhập khẩu và tồn đọng quá nhiều container tại các cảng gây thiếu hụt, mất cân đối container trong vận chuyển của các hãng tàu, làm cho cước vận chuyển đến Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,…

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 30/11/2018, tổng số container đang lưu giữ tại các cảng biển là 20.596 container, trong đó tại cảng Hải Phòng và cảng Cát Lái (TP.HCM) là 12.357 containers (so với thời điểm 25/07/2018 theo số liệu của Tổng cục Hải quan tồn đọng tại hai cảng này là khoảng 5.000 container).

Tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc và khu vực

Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã rất mạnh tay trong việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu, trong đó có cả giấy thu hồi các loại và cho đóng cửa một loạt các nhà máy giấy không đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, gây nên tình trạng thiếu hụt tức thời nguyên liệu sản xuất giấy, cũng như đã đẩy giá giấy thành phẩm lên cao và buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, đã tạo ra hiện tượng dư thừa giấy thu hồi trên thị trường thế giới (năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 18,2 triệu tấn, giảm hơn 7 triệu tấn so với năm 2017), nguồn dư đó đổ về các nước châu Á khác với giá rẻ hơn nhiều so với các năm trước và Việt Nam cũng được hưởng lợi.

Đồng thời, đã xuất hiện làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài để sản xuất giấy bao bì và bột giấy tái chế thương phẩm từ nguyên liệu giấy thu hồi về lại Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong số ít được lựa chọn hàng đầu.

Thêm vào đó, ngành giấy Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh rất mạnh của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả Ấn Độ trong thu hút đầu tư và xuất khẩu sản phẩm giấy tái chế, nhờ lợi thế về kinh nghiệm, khả năng chế tạo thiết bị và cả việc chính phủ các nước này có chính sách thuận lợi đối với việc nhập khẩu nguồn giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, phải kể đến những bất lợi rõ rệt do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Hàng hóa của Trung Quốc khó xuất được qua Mỹ vì thuế cao, sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. Thị trường hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn, gồm có các sản phẩm sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy.

Ngành giấy Việt Nam 2018 và một số đề xuất cho sự phát triển bền vững

Năm 2019, nhiều cơ hội và không ít thách thức

Cũng trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Chúng ta bước vào năm 2019 trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với ảnh hưởng sâu nặng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung; biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nặng nề; nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Ngoài ra, hàng loạt những khó khăn mà ngành công nghiệp giấy nước ta đang phải đối diện ở phía trước, điển hình là chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như: lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước…

Chính phủ sẽ tập trung phát triển kinh tế, chú trọng củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ hơn nữa các chính sách kinh tế vĩ mô; kiểm soát bội chi không quá 3,6% GDP. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Rà soát, có các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ và phát triển đô thị… Tập trung ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường.

Ngành giấy không nằm trong kế hoạch ưu tiên của Chính phủ, nhưng cũng sẽ được hưởng lợi từ sự ổn định kinh tế vĩ mô, từ tốc độ tăng trưởng cao của hầu hết các ngành có nhu cầu sử dụng nhiều bao bì giấy như: gia công, lắp ráp thiết bị điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, chế biến nông thủy sản,… Nhưng đồng thời, cũng cần hết sức quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường.

Mức độ sử dụng giấy bình quân đầu người hiện khoảng 51kg/người, so với mức trung bình thế giới là 58kg/người. Theo dự báo của VPPA trong 5-10 năm tới, nhu cầu giấy các loại sẽ tăng từ 8-10%/năm, riêng giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm

Xu hướng phát triển và định hướng đầu tư

Dự báo năm 2019, tiêu thụ giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 12%; dự kiến xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng trên 10%, sử dụng giấy và bìa giấy gia công xuất khẩu mạnh do có nhiều năng lực đầu tư mới đưa vào sản xuất trong năm 2019. Sản xuất giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 30%, chủ yếu vẫn là giấy làm bao bì do huy động hiệu suất tối đa của các doanh nghiệp FDI và năng lực mới đưa vào sản xuất. Nhập khẩu không có sự thay đổi nhiều về lượng so với năm 2018, tăng trưởng mạnh giấy bìa tráng phủ và giấy tissue, giảm đối với giấy các tông lớp mặt và lớp sóng.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lộ trình miễn thuế nhiều mặt hàng xuống 0% (trong đó có nhiều mặt hàng sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy trong sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giầy). Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 cũng sẽ giúp các ngành công nghiệp sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. EU luôn được đánh giá là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm tiêu dùng nói chung, do đó, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành giấy Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ…

Nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng và ổn định, kéo theo sự tăng trưởng ổn định của các sản phẩm xuất khẩu có sử dụng nhiều bao bì giấy. Đóng góp rất quan trọng vào giá trị xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, đặc biệt các ngành sử dụng nhiều bao bì trong sản phẩm xuất khẩu. Theo ước tính, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 240 tỷ USD, trong đó chỉ riêng 4 ngành sử dụng nhiều bao bì giấy là dệt may, da giày, thủy sản và linh kiện điện tử-điện thoại đã đạt khoảng 110 tỷ USD, cho thấy bao bì giấy trong sản phẩm xuất khẩu chiếm một tỷ trọng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách của các nước trong khu vực đối với ngành giấy (đặc biệt là sự thay đổi chính sách của Trung Quốc) cũng là cơ hội rất tốt ngành giấy phát triển trong những năm tới nếu chúng ta tận dụng hiệu quả những thay đổi này.

Thứ nhất, các chính sách của Trung Quốc cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ rệt: chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ưu tiên các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn làm động lực cho nền kinh tế, giảm tự sản xuất trong nước và tăng nhập khẩu các sản phẩm. Điều này mở ra nhu cầu lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp ngành giấy.

Thứ hai, khi các chính sách có hiệu lực từ 2018, các hoạt động tích trữ thùng sóng cũ (OCC) sẽ giảm dần. Giá OCC ổn định trở lại sẽ giúp nâng cao biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì, khi mà nguồn nguyên liệu đầu vào là giấy OCC chiếm đến trên 60% trong cấu trúc chi phí sản xuất.

Trong dài hạn (5-10 năm tới) các chính sách của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp giấy tại Việt Nam nếu chúng ta tận dụng hiệu quả sự thay đổi này.

Thứ ba, thế giới đã có xu hướng sử dụng bao bì giấy thay cho bao bì nhựa từ nhiều năm qua. Hàn Quốc được biết đến là quốc gia tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần lớn nhất thế giới, đạt mức 98,2 kg/người/năm (theo báo cáo chính phủ Hàn Quốc năm 2016), cũng đã chính thức cấm sử dụng túi nilon từ ngày 01/01/2019 và khuyến khích sử dụng các sản phẩm giấy.

Do vậy, nhu cầu về sử dụng giấy các loại, đặc biệt là giấy bao bì sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Việt Nam khi mức độ sử dụng giấy bình quân đầu người hiện khoảng 51kg/người, so với mức trung bình thế giới là 58kg/người. Theo dự báo của VPPA trong 5-10 năm tới, nhu cầu giấy các loại sẽ tăng từ 8-10%/năm, riêng giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm.

Đây là cơ hội tốt cho sự phát triển của ngành giấy Việt Nam và đi kèm theo đó chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất giấy, như đã từng xảy ra với Trung Quốc giai đoạn 2000-2005.

Nhằm phát triển bền vững trong tương lai, ngành giấy cần định hướng đầu tư trọng tâm các vấn đề sau:

Tăng cường năng lực sản xuất bột giấy từ nguồn nguyên liệu dăm mảnh trong nước hiện đang xuất khẩu tới hơn 10 triệu tấn/năm.

Đầu tư cho sản xuất giấy in và photocopy chất lượng cao thay thế nhập khẩu.

Cần đánh giá thận trọng khi đầu tư sản xuất giấy bao bì. Vì hiện tại, tính theo công suất thì cung đã vượt nhu cầu nội địa, nhưng cũng có gần 2 triệu tấn công suất giấy bao bì từ các máy xeo nhỏ lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng cao, chất lượng thấp sẽ bị thay thế, cộng với nhu cầu về loại giấy này sẽ tăng nhanh trong các năm tới.

Giấy tissue hiện tại thị trường có tiềm năng, song cũng có nhiều dự án đang ấp ủ hoặc chuẩn bị khởi công với những máy giấy tissue hiện đại có quy mô vừa và lớn. Những người đi trước sẽ thành công, nhưng những người đi sau thì cần đánh giá thận trọng khi quyết định đầu tư.

Vấn đề xử lý nước thải cần được quan tâm tính toán kỹ lưỡng, đầu tư thỏa đáng để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đây cũng là mục tiêu quản lý của Chính phủ trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Với các công ty có quy mô nhỏ có thể tìm các sản phẩm ngách để sản xuất, nhưng cần cải tạo để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị, gia tăng giá trị sản phẩm. Với đầu tư mới cũng cần được tư vấn đầy đủ về máy móc, công nghệ hiện đại và quản trị tiên tiến.

Thị trường giấy năm 2018 và dự báo năm 2019

Một số đề xuất, kiến nghị về chính sách

Để đạt được các mục tiêu trên, chính sách của Chính phủ, các quy định pháp luật của Nhà nước để hỗ trợ cho ngành có vai trò vô cùng quan trọng, do vậy, ngay trong năm 2019, chúng ta cần tập trung kiến nghị chính sách đối với các vấn đề sau:

Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 thay cho “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025” theo nội dung Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 – 2020, xét đến năm 2025 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 01/01/2019 để giúp cho ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.

Xây dựng chính sách quy định, định hướng và phân vùng đầu tư, tận dụng tối đa được lợi thế về địa lý và nguyên liệu sản xuất, tránh việc đầu tư quá tập trung tại một hoặc một số địa phương, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư của các dự án, dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng. Cấp phép đầu tư mới cần xem xét với từng dự án cụ thể, không cấp phép dự án có quy mô quá lớn và thực hiện nhiều giai đoạn trong thời gian dài như trước đây. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp.

Tập trung giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian gần, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong việc nhập khẩu hàng hóa làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, coi đây là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất, không phải phế liệu như hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với ngành công nghiệp giấy, từ đó hiểu rõ ngành công nghiệp giấy là một trong những ngành sản xuất tuần hoàn, có tính tái tạo cao và có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với sự phát triển của nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và cơ khí chế tạo.

Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế giấy. Từ đó, nghiên cứu hoàn thiện chính sách phát triển ngành nói chung và nhập khẩu nói riêng theo xu hướng của các nước phát triển đối với ngành công nghiệp giấy.

Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

Kiến nghị Quốc hội xây dựng và sớm ban hành “Luật Khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế” hay là “Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên” để nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế trong nước, hạn chế dần việc nhập khẩu.

 “Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý đối với ngành công nghiệp giấy của các nước trong khu vực, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu của Việt Nam để đưa được ra chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp có quan điểm khách quan hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết” – Ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị tại Hội thảo giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy Việt Nam do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 16 tháng 10 năm 2018).

VPPA