Giữa vùng dịch COVID-19, cổ phiếu ngành giấy vẫn vững vàng

Trước ảnh hưởng của diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt tại Hàn Quốc khiến nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành giảm sâu, thì nhóm cổ phiếu ngành giấy lại đang gây chú ý cho các nhà đầu tư, bởi sự ổn định.

Kết phiên 26/2, cổ phiếu GVT của CTCP Giấy Việt Trì (Vipaco) có mức giá 34.500 đồng/cp, bất chấp Vn-Index giảm hơn 13 điểm do những thông tin tiêu cực về dịch COVID-19. Trong 10 phiên gần nhất, cổ phiếu GVT đã có tới 6 phiên tăng trần với thanh khoản 100-200 đơn vị, tăng gần 127%. Kịch bản này tương tự diễn biến vào đầu tháng 3/2019 và cuối tháng 11/2018 của GVT. Trong hơn 2 tuần, thị giá GVT tăng trên 120%, trước khi “rơi” về giá cũ. Khối lượng giao dịch ở mức 100 cổ phiếu mỗi phiên.

Dấu hiệu khởi sắc
Đà tăng của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh Giấy Việt Trì vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2019. Điểm lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, năm 2018, Giấy Việt Trì ghi nhận doanh thu thuần 1.225 tỷ đồng, tăng 6% so với kỳ trước.
Lợi nhuận sau thuế tăng 1,3 lần đạt 37,6 tỷ đồng, nhờ giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý. Con số này vượt 23% kế hoạch doanh thu và gấp gần 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận. Lãi sau thuế chưa phân phối lũy kế đến hết năm 2018 ở mức 37,6 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014-2016, Giấy Việt Trì kinh doanh ổn định, lợi nhuận đi ngang dao động 12-13 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2017, công ty bắt đầu có sự thay đổi rõ khi ghi nhận doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng với lợi nhuận hơn 16,3 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước.
Đến cuối 2018, tổng tài sản ở mức 452,2 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho giảm 45% xuống 117 tỷ đồng.
Trong khi cổ phiếu GVT liên tiếp tăng dù không có thông tin hỗ trợ nào thì cổ phiếu DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre lại được các nhà phân tích chứng khoán khuyến nghị mua trong thời điểm này dựa trên công suất mới thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, dù gặp trở ngại từ dịch Covid-19.
Theo đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu DHC là 47.700 đồng/cp, trong khi giá thị trường hiện nay là 36.000 đồng/cp, thấp hơn 32,5%. VCSC cho rằng, việc mở rộng 4,5 lần công suất sản xuất giấy gần đây của Đông Hải Bến Tre là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của công ty.
Nhà máy Giao Long 2 đã bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 9/2019 và vận hành với gần như toàn bộ công suất trong quý IV/2019 giúp doanh thu và lợi nhuận trong kỳ của Đông Hải Bến Tre tăng lần lượt 168% và 245%. Tương tự, VCSC hiện giả định công ty sẽ vận hành 82-100% công suất nhà máy mới này trong năm 2020- 2021.
Trên thị trường chứng khoán, một cổ phiếu ngành giấy khác là HHP của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng cũng duy trì được mức tăng trưởng nhẹ gần 8% so với cuối năm 2019, đang giao dịch tại mức giá 12.500 đồng/cp.
Trước đó, HHP cũng đã gây ấn tượng với các nhà đầu tư tại thời điểm mới lên sàn hồi tháng 8/2018 với mức giá tham chiếu 12.600 đồng/cp. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HHP kết thúc phiên  với giá 15.000 đồng/cp tăng 19,04%, sau đó tiếp tục tăng lên mức giá hơn 16.300 đồng hồi giữa năm 2019.
Vượt khó khăn để đón cơ hội
Thực tế, ngành giấy tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc các doanh nghiệp áp dụng những công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA), ngành giấy có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% giai đoạn 2000-2007 và 16% giai đoạn 2007-2017, trong đó giấy bao bì có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến trong 5-10 năm tới là 14-18 %/năm.
Có thể nói, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất với các sản phẩm bao bì, đóng gói…
Ngoài ra, ngành giấy còn có lợi thế về mức tiêu thụ giấy bình quân nội địa hiện nay còn rất thấp, mới đạt 50,7kg/người/năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/năm, Thái Lan 76 kg/người/năm, Mỹ và EU 200 – 250 kg/người/năm.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy – sản phẩm phụ trợ cho thương mại điện tử, buôn bán online, bao gói sản phẩm… đã bù đắp mức sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo do sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số.
Thực tế, theo khảo sát gần đây của VPPA, giấy bao bì, tissue đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, giấy báo suy giảm sâu, giấy in viết giảm nhẹ; bột giấy chiếm tỷ trọng hơn 40%, giấy tái chế chiếm gần 60%.
Hơn thế, những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng cao đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử…
Tiềm năng của ngành giấy là không thể phủ nhận, tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang phải đối mặt với không ít thách thức về chính sách cũng như quy mô sản xuất.
Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nếu kéo dài có thể sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư, máy móc và thiết bị ngành giấy, lao động… Đặc biệt là nhiều chuyên gia từ Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam làm việc, dẫn đến tiến độ dự án có thể bị chậm trễ…
Tình trạng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước kém do kinh tế suy giảm có thể làm tăng hàng tồn kho, cạnh tranh cao, gây áp lực mạnh đến doanh nghiệp, nhất là năng lực sản xuất giấy bao bì với tỷ trọng trên 80% tổng công suất toàn ngành nên tác động sẽ càng lớn.
Theo Việt Nam Đầu tư

Cổ phiếu của công ty sản xuất giấy tăng vọt 129% trong 2 tuần

Cổ phiếu của công ty Giấy Việt Trì tăng trần 6 phiên trong 2 tuần qua với tổng mức tăng lên gần 129%.

Giá cổ phiếu của CTCP Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) vừa tăng trần trong phiên ngày 24/02 mặc cho những lo ngại về sự bùng phát của virus corona kéo chỉ số VN-Index giảm gần 30 điểm.

Sau một khoảng thời gian “yên hơi lặng tiếng” kéo dài và không có thanh khoản, giá cổ phiếu công ty giấy GVT bắt đầu bật tăng trần lần đầu tiên vào ngày 13/02 với khối lượng giao dịch quá “èo uột” 200 cổ phiếu. Và từ thời điểm đó cho đến nay, cổ phiếu GVT đã tăng trần được 6 phiên (tính cả phiên 24/02) với mức tăng gần 129% trong 2 tuần qua. Tính từ lúc niêm yết cho đến nay, cổ phiếu này đã tăng 371,48%.

Diễn biến của cổ phiếu GVT

Tiền thân là Nhà máy Giấy Việt Trì, CTCP Giấy Việt Trì lần đầu tiên niêm yết lên sàn UPCoM vào đầu năm 2017 với vốn điều lệ 73,45 tỷ đồng. Hiện Công ty đang kinh doanh các sản phẩm bột giấy và giấy, kinh doanh và chế biến lâm sản, xuất nhập khẩu bột giấy, giấy, vật tư và hóa chất, thiết bị phục vụ ngành giấy, sản xuất hòm hộp, đóng gói sản phẩm và kinh doanh vận tải.

Trong năm 2018, CTCP Giấy Việt Trì ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.225 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 130% lên 37,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp có được lãi lớn nhờ vào cắt giảm chi phí. Tính chung cả năm 2018, Công ty vượt kế hoạch doanh thu khoảng 23%, trong khi lợi nhuận trước thuế gấp gần 3 lần kế hoạch.

Phải chăng giá cổ phiếu tăng nhờ nhu cầu giấy gia tăng trong thời virus corona?

Giữa lúc dịch bệnh virus corona hoành hành, nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh để phòng tránh nhiễm bệnh tăng mạnh và phải chăng đó là lý do khiến giá cổ phiếu của Công ty chuyên sản xuất giấy này leo dốc mạnh mẽ.

Trong thời virus corona, đôi lúc giấy vệ sinh còn là món quà đắt giá hơn cả những cây bút Montblanc và cuốn sổ bằng da.

Tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), các hiệu thuốc và siêu thị ở Hồng Kông và Singapore đang cạn kiệt nguồn cung cấp cơ bản như giấy vệ sinh, khăn giấy, nước rửa tay và khẩu trang, khi nỗi sợ về virus corona chủng mới (Covid-19) lan rộng ra khắp khu vực.

Ông Joel Werner (người Mỹ) điều hành quỹ đầu cơ Solitude Capital Management tại Hồng Kông. Vào ngày 10/02, ông đã mua 216 cuộn giấy vệ sinh trên Amazon.com sau khi gia đình ông không tìm thấy chỗ bán giấy vệ sinh ở Hồng Kông sau nhiều ngày cố gắng tìm kiếm.

Chỉ riêng phí vận chuyển đã tốn 200 USD nhưng ông nghĩ nó đáng khi làm vậy. Ông ấy giữ một nửa số giấy vệ sinh và dự định sẽ tặng một nửa còn lại cho bạn bè và đồng nghiệp. “Giờ thì giấy vệ sinh là món quà đáng giá hơn cả rượu vang”, ông nói.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Cổ đông lớn mua, bán cổ phần Giấy Việt Trì khi giá gấp 3 lần

Bà Hồ Thị Kim Phương và ông Nguyễn Quang Hưng không còn là cổ đông lớn tại GVT. Vợ và con Chủ tịch, con kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát đăng ký mua tổng cộng gần 890.000 cổ phiếu GVT, tương ứng 12% vốn.

Bán ra từ hai cổ đông lớn

Hai cổ đông lớn của CTCP Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) đã bán 739.176 cổ phiếu, tương ứng 10,06% vốn.

Cụ thể, bà Hồ Thị Kim Phương đã bán 188.251 cổ phiếu, tương ứng 2,56% vốn. Sau giao dịch, bà Phương nắm giữ 295.694 cổ phiếu, tỷ lệ 4,03% vốn. Ngày không còn là cổ đông lớn là 10/7. Ông Nguyễn Quang Hưng đã bán 550.925 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,55% xuống 0,05%. Ông Hưng không còn là cổ đông lớn từ ngày 8/7.

Cuối năm 2018, cổ đông lớn nhất của Giấy Việt Trì là Tổng công ty Giấy Việt Nam bán thành công toàn bộ 29% vốn (2.130.050 cổ phần) với giá bán thành công trung bình là 38.253 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá khởi điểm hơn 27.100 đồng và so với thị giá lúc đó khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu. Bà Phương và ông Hưng là 2 trong số 4 nhà đầu tư đã trúng giá, trong đó ông Nguyễn Quang Hưng nắm giữ 554.443 cổ phần – 7,55%, bà Hồ Thị Kim Phương sở hữu 483.945 cổ phần – 6,59%.

Trong 2 ngày 5/7 và 10/7, trên sàn xuất hiện 2 giao dịch thỏa thuận với khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt là 245.000 cổ phiếu (6,25 tỷ đồng) và 522.550 cổ phần (13,17 tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị và khối lượng giao dịch khớp lệnh không đáng kể. Nhiều khả năng giao dịch của bà Phương và ông Hưng được thực hiện trong 2 ngày này. Giá bán mỗi cổ phiếu trong 2 ngày 5/7 và 10/7 lần lượt là 25.200 đồng và 25.500 đồng. Như vậy, 2 cổ đông này có thể đã chấp nhận bán lỗ trong lần giao dịch này.

Mua vào bởi nhóm cổ đông nội bộ

Mới đây, 5 cổ đông nội bộ của công ty đăng ký mua 887.256 cổ phiếu, tương ứng 12% vốn. Các giao dịch trên đều thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 15/7 đến 15/8. Nhóm cổ đông bao gồm vợ và con Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hiện, con Ủy viên HĐQT kiếm kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát và thành viên ban kiểm soát.

Cổ phiếu GVT gấp 3 lần kể từ cuối tháng 2, dao động trong khoảng 29.000 – 31.600 đồng/cp.

5 cổ đông nội bộ của CTCP Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) đăng ký mua 887.256 cổ phiếu, tương ứng 12% vốn. Các giao dịch trên đều thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 15/7 đến 15/8.

Cụ thể: Bà Dương Thị Minh, vợ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hiện đăng ký mua 400.000 cổ phiếu. Trước giao dịch, bà Minh sở hữu 3.670 cổ phiếu GVT. Bà Nguyễn Phương Thảo, con Chủ tịch HĐQT, đăng ký mua 190.000 cổ phiếu. Bà Thảo hiện không sở hữu cổ phiếu GVT.

Ông Đoàn Trung Hiếu, con Ủy viên HĐQT kiếm kế toán trưởng Lê Thị Minh Loan, đăng ký mua 200.000 cổ phiếu. Trước đó, Đoàn Trung Hiếu không nắm giữ cổ phần trong khi bà Loan sở hữu 138.142 CP (tỷ lệ 1,88%).

Thành viên Ban kiểm soát Hoàng Văn Nam đăng ký mua 60.256 cổ phiếu. Trước giao dịch, ông Nam sở hữu 36.991 cổ phiếu, tương đương 0,5% vốn. Trưởng ban kiểm soát Lê Trung Thành đăng ký mua 37.000 cổ phiếu. Ông Nam hiện sở hữu 7.550 cổ phiếu.

Cuối năm 2018, cổ đông lớn nhất của Giấy Việt Trì là Tổng công ty Giấy Việt Nam bán thành công toàn bộ 29% vốn (2.130.050 cổ phần) với giá bán thành công trung bình là 38.253 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá khởi điểm hơn 27.100 đồng và so với thị giá lúc đó khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu. Bốn nhà đầu tư đã trúng giá, trong đó 3 nhà đầu tư lớn công bố sau đó là ông Phạm Đức Hòa (1.060.163 cổ phần – 14,43%), ông Nguyễn Quang Hưng (554.443 cổ phần – 7,55%), bà Hồ Thị Kim Phương (483.945 cổ phần – 6,59%).

Hiện những người có liên quan tới Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Văn Hiện sở hữu gần 25% cổ phần công ty.

Năm 2018, công ty đạt 1.226 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 47 tỷ đồng. Trong năm 2019, Giấy Việt Trì đặt kế hoạch doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng.

Cổ phiếu GVT gấp 3 lần kể từ cuối tháng 2, dao động trong khoảng 29.000 – 31.600 đồng/cp.

VPPA tổng hợp

GVT đặt mục tiêu giảm 57% lãi sau thuế trong năm 2019

Năm 2019, CTCP Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) lên kế hoạch lãi sau thuế giảm 57% so với năm trước.

Năm 2019, GVT đặt kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế lần lượt đạt 1,000 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, giảm 18% và 57% so với thực hiện năm 2018.

Năm 2018, GVT ghi nhận hơn 1,225 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với năm 2017. Lãi sau thuế năm 2018 tăng 131% so với năm trước, tương ứng đạt hơn 37 tỷ đồng. Sở dĩ, năm 2018, GVT ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về lợi nhuận là nhờ sự cộng hưởng của sự tiết giảm chi phí và các khoản giảm trừ doanh thu.

Chi phí tài chính năm 2018 giảm 21% so với năm trước. Các khoản giảm trừ doanh thu do hàng bán bị trả lại giảm 68% so với năm 2017.

Theo Vietstock

 Giấy Việt Trì trả cổ tức 32% bằng tiền mặt

Ngày 22/5 tới, CTCP Giấy Việt Trì (Vipaco – mã: GVT) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2018  bằng tiền mặt với tỷ lệ 32% (1 cổ phiếu nhận 3.200 đồng).

Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ diễn ra ngày 21/5/2019. Với hơn 7,3 triệu cổ phiếu GVT đang lưu hành, dự kiến Giấy Việt Trì sẽ phải chi ra gần 24 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông đợt này.

Được biết, tỷ lệ cổ tức năm 2018 được đánh giá là khá đột biến so với lịch sử chi trả cổ tức của Giấy Việt Trì. Trước đó, ngày 17/4/2018 tỷ lệ cổ tức năm 2017 của công ty là 20% bằng tiền mặt; Ngày 19/7/2017 tỷ lệ cổ tức năm 2016 của công ty là 11% bằng tiền mặt.

Như vậy, với tỷ lệ cổ tức lên đến 32% của năm 2018  và các năm đều đặn trả cổ tức cho người sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp, Giấy Việt Trì được đánh giá là đơn vị tăng trưởng ổn định, tiềm lực kinh tế tốt và “tấm lòng” người lãnh đạo sẵn sàng chia sẻ với cổ đông.

CTCP Giấy Việt Trì tiền thân là Nhà máy Giấy Việt Trì, bắt đầu đi vào hoạt động ngày 19/5/1961. Sản phẩm chủ yếu của Công ty hiện nay: Giấy Duplex coated, giấy Krafliner, giấy in viết, giấy bao gói xi măng, giấy sóng…

Sản phẩm của công ty đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được bạn hàng chấp thuận và đánh giá cao. Từ khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao, việc làm của người lao động ổn định, thu nhập khá, trả cổ tức hàng năm đều đạt…

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GVT giao dịch khá tích cực từ đầu tháng 5 tới nay khi tăng từ 32.000 đồng/cp lên 32.700 đồng/cp, tương đương 2,2%. Tuy mức tăng không đột biến nhưng cũng được xem là khả quan trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung giao dịch ảm đạm.

VPPA