Xóa chồng chéo các luật đầu tư kinh doanh, tăng trưởng GDP có thể đạt 9 – 10%

Khẳng định tháo gỡ những điểm chồng chéo sẽ “mở đường” cho đầu tư, huy động được nguồn lực toàn dân, Chủ tịch VCCI cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ có thể đạt mức 9-10%.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra kiến nghị ba vấn đề về môi trường kinh doanh.

Khẳng định cần những giải pháp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập, Chủ tịch VCCI cho rằng, phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính và có trách nhiệm là lẽ sống của doanh nghiệp trong thời hiện đại.

Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình quốc gia và thành lập hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, vấn đề này cũng đã được lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

“Do đó, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành luật kinh tế tuần hoàn và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các sáng kiến và giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việc định hướng khung khổ pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn rất quan trọng”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Đặc biệt, TS. Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị ba vấn đề để cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ nhất, VCCI đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.

“Các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận những điểm chồng chéo này. Nhưng chúng ta giải quyết rất chậm chễ”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ chủ trì cùng UBTV Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan cùng ngồi bàn xem xét cụ thể từng điểm chồng chéo.

TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị, dùng 1 luật sửa nhiều luật, dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định, tháo gỡ ngay những điểm chồng chéo này để mở đường cho đầu tư phát triển.

“Nếu tháo gỡ được những điều này thì chúng ta có thể huy động được nguồn lực từ toàn dân, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Bởi, hiện thủ tục cấp phép đầu tư kéo dài 2-3 năm, nếu có thể hoàn thành trong 6 tháng hay sớm hơn 1 năm thì toàn bộ quá trình đầu tư sẽ nhanh hơn rất nhiều”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đặc biệt, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, nếu tháo gỡ được những điểm chồng chéo “mở đường” cho đầu tư, tăng trưởng nền kinh tế sẽ có thể đạt tới 9-10% “Do đó, đây là điều cần ưu tiên xử lý sớm so với các công việc khác”, Chủ tịch VCCI nói.

Thứ hai, Chủ tịch VCCI đề nghị chính thức hoá hộ kinh doanh. “Đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với tư cách là loại hình doanh nghiệp một chủ theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo đó, mỗi hộ kinh doanh đều được đăng ký bởi một cá nhân đại diện cho hộ, tức là về bản chất, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp một chủ theo khái niệm chung của thế giới.

Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.

Thứ ba, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị sớm hoàn thành khung pháp lý về hợp tác công tư (PPP). “Hoàn thành khung pháp lý về PPP đảm bảo minh bạch, an toàn, đảm bảo huy động được nguồn lực xã hội không chỉ với các dự án hạ tầng, mà còn các đề án sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn đang đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất ô tô, công nghệ thông tin… Đây là những lĩnh vực không chỉ là kinh tế mà là an ninh quốc phòng, do đó, cần khung khổ pháp lý hoàn thiện thúc đẩy hình thức đối tác công tư phát triển.

Theo Realtimes

Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung thêm ngành nghề ưu đãi đầu tư

Theo Ban soạn thảo, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sẽ bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư… là những mục tiêu chính của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Theo Ban soạn thảo, dự án Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Trong đó, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư vào khoản 1 Điều 16, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này; loại bỏ dự án xây dựng nhà ở thương mại raxf khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định của Luật Đất đai.

Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế – xã hội (gồm: Dự án thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; Dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm).

Đối với các loại dự án này, Chính phủ quyết định bổ sung mức ưu đãi, thời hạn ưu đãi đầu tư nhưng mức ưu đãi bổ sung không quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi bổ sung không quá thời hạn ưu đãi dài nhất.

Đồng thời, căn cứ mục tiêu, yêu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế, Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm với các điều kiện cụ thể.

Vì thế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ về phạm vi thí điểm của Chính phủ để tránh vượt quá thẩm quyền quyết định; chỉnh lý lại cụ thể, chặt chẽ hơn nội dung về phạm vi, điều kiện, thủ tục ban hành văn bản thí điểm để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bảo đảm quản lý chặt chẽ kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Đáng chú ý, trong nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề; bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Chính phủ đề xuất bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư; đồng thời tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật, động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2, 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ủy ban đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, chỉ rõ, trước khi muốn cấm, bỏ ngành nghề nào phải có đánh giá tác động kỹ.

Trong khi đó, trong hồ sơ dự án luật, phần đánh giá tác động lại khá sơ sài, chỉ có chục dòng và chủ yếu dẫn việc dịch vụ kinh doanh đòi nợ không đúng khuôn khổ pháp luật, để xảy ra một số vụ việc phức tạp.

“Hiện ngành nghề này được quy định trong nghị định nên cần phải đánh giá những quy định trong nghị định có phù hợp không và có phải nguyên nhân gây ra hiện tượng phức tạp như vừa qua. Từ việc đang cho phép kinh doanh sang cấm kinh doanh, cần đánh giá kỹ”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo TTXVN.