Bản tin tháng 12/2020

Trong bản tin số 9 – tháng 11/2020 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

Công ty Giấy Xuân Mai khởi chạy dây chuyền giấy tissue mới

Metsä Spring và Valmet xây dựng nhà máy thí điểm sản xuất xơ sợi 3D

Cửu Long lên kế hoạch tạm dừng máy trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán

>>> Xem BẢN TIN THÁNG 12

Ngành tái chế giấy hồi sinh nhờ dịch bệnh

Báo Wall Street Journal có bài phóng sự mô tả ngành công nghiệp tái chế giấy vụn, giấy tạp ở Mỹ được “thổi luồng sinh khí mới” một cách đầy bất ngờ.

Bỗng dưng thành hàng “hot”

Trước đây, khi Trung Quốc vẫn còn nhập khẩu rác, nhiều hãng giấy Mỹ không muốn đầu tư hạ tầng tái chế nguồn vật liệu này. Nhưng nay, khi Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu rác giấy từ nước ngoài cộng với xu hướng mua hàng online gia tăng, nhu cầu dùng hộp cactông đựng hàng tăng mạnh, quan điểm đó đã thay đổi.

Theo báo Wall Street Journal, các công ty sản xuất giấy và bìa cứng của Mỹ đã tìm ra hướng đi mới, biến giấy tạp thành giấy vệ sinh, ly cà phê dùng một lần, khăn giấy và thùng cactông đựng hàng hóa. Trong dịch bệnh, các công ty này luôn có nguồn cung vật liệu phong phú vì số người đặt mua hàng hóa, thực phẩm giao tới tận nhà cũng nhiều hơn.

Các loại giấy tạp gồm nhiều kiểu giấy trộn lẫn như tạp chí, catalogue, danh bạ điện thoại, tờ rơi quảng cáo, bao bì, hộp cactông qua sử dụng… đang trở thành loại hàng hóa có nhu cầu cao tại Mỹ.

Ông Kevin Hudson, phó chủ tịch phụ trách sợi tái chế của Công ty giấy WestRock, xác nhận với truyền thông Mỹ là kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng bìa giấy từ các chương trình thu gom rác ở khu dân cư cũng tăng lên đáng kể.

Nguồn vật liệu thay thế

Công ty WestRock (có trụ sở tại Atlanta, Mỹ) quản lý 18 nhà máy chuyên phân loại đủ kiểu vật liệu tái chế mới đây đã khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân bỏ các hộp đựng bánh pizza vào thùng rác. Mỗi năm trung bình người Mỹ thải ra khoảng 3 tỉ chiếc hộp này.

Theo WestRock, bất kể lượng bơ, phô mai còn sót lại, các hộp đó vẫn có thể được xử lý “ngon lành” thành bột giấy tái chế để sản xuất bìa cactông mới. Một số hãng cũng đang dùng giấy tạp làm nguồn vật liệu thay thế giấy vụn văn phòng vốn đã giảm mạnh thời gian qua.

Ông John Mulcahy, phó chủ tịch phát triển bền vững của Công ty Georgia Pacific chuyên sản xuất giấy vệ sinh và khăn giấy cho các tòa nhà thương mại và khách sạn từ giấy tạp, cho biết nguồn vật liệu này đang chứng tỏ có thể bù đắp đủ cho lượng hụt đi của giấy vụn văn phòng.

Trong vài năm qua, công ty sở hữu các thương hiệu như ly Dixie, khăn giấy Brawny và giấy vệ sinh Quilted Northern này đã đầu tư khoảng 45 triệu USD tại các nhà máy ở thành phố Green Bay, bang Wisconsin và thành phố Muskogee, bang Oklahoma để sản xuất bột giấy từ giấy tạp tái chế (gồm cả ly cà phê giấy).

Theo ông Bill Moore, một chuyên viên cố vấn về giấy tái chế ở bang Georgia, lượng bìa cactông từ các gia đình ở những khu đô thị lớn thải ra chiếm tới 1/3 số giấy tạp đổ về các nhà máy tái chế, cao hơn so với tỉ lệ 5% của vài năm trước. Cũng theo chuyên gia này, việc gia tăng tỉ lệ hộp bìa cactông khiến giấy tạp trở nên có giá hơn vì những sợi dài hơn trong bìa cứng giúp bột giấy tái chế dai hơn, có thể dùng làm khăn giấy lụa và hộp giao hàng cùng nhiều loại hộp đựng khác.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets RISI, do nhu cầu tăng của các nhà máy tái chế, sản xuất giấy ở Mỹ, giá bán giấy tạp cũng tăng từ 0 USD hồi đầu năm lên khoảng 30 USD một tấn trong tháng 11-2020.

Đây thực sự là cú hích tài chính quan trọng với các đơn vị xử lý, thu gom rác và các thành phố đã lao đao những năm qua khi nguồn thu từ các chương trình tái chế rác sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Brent Bell, phó chủ tịch phụ trách tái chế của Công ty Waste Management – đơn vị thu gom rác lớn nhất của Mỹ có trụ sở tại thành phố Houston, bang Texas, lạc quan cho rằng đó là một nguồn vật liệu có giá trị. Công ty Waste Management đã mở thêm các nhà máy ở Chicago và Salt Lake City để xử lý vật liệu tái chế hiệu quả và ít chất ô nhiễm hơn, nhất là với giấy và bìa cứng – loại chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số rác thu gom.

Ngành tái chế giấy hồi sinh nhờ dịch bệnh

Theo Tuổi trẻ

Biện pháp phòng vệ thương mại: Ngăn chặn tác động tiêu cực từ hàng nhập khẩu

Cụ thể, việc triển khai công tác PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh: Trước hết là hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM, theo đó, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có một chương riêng về PVTM, thay thế các pháp lệnh cũ), Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM cùng các thông tư hướng dẫn về cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế để triển khai công tác PVTM hiệu quả hơn.

Về mặt tổ chức, thực hiện Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 98/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Cơ quan quản lý Nhà nước về PVTM (Cục PVTM) đã được thành lập để làm đầu mối triển khai công tác quản lý nhà nước về PVTM.

Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM, cụ thể: Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Việc ban hành Đề án thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước, qua đó bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hướng tới chủ trương xuất khẩu bền vững.

Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Nghị quyết thể hiện đường lối nhất quán của Việt Nam trong việc tôn trọng các nguyên tắc và quy định trong thương mại quốc tế, coi hành vi gian lận, lẩn tránh xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp PVTM là trọng tâm cần được ngăn chặn, xử lý nhằm bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.

   >>> Phát triển vùng nguyên liệu, giảm gánh nặng cho ngành giấy

Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Đề án là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng hệ thống theo dõi tình hình xuất nhập khẩu của một số ngành hàng quan trọng với các đối tác có kim ngạch lớn, đồng thời phân tích dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó nhận diện nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM cũng như hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025. Chương trình là một bộ phận của Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt.

Chương trình tổng thể này, theo Cục PVTM, Bộ Công Thương cùng với các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo nền tảng cho việc triển khai các chính sách, biện pháp về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để phát triển các ngành sản xuất trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Bên cạnh đó là Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 của Bộ Công Thương triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Đến nay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và công ăn việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Đặc biệt, các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc chống bán phá giá với ước tính chiếm khoảng 5,12% tổng GDP Việt Nam năm 2019. Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Để tiếp tục triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác PVTM, khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, công tác PVTM sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở một số định hướng: Nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội.

Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM. Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Biện pháp phòng vệ thương mại: Ngăn chặn tác động tiêu cực từ hàng nhập khẩu

Theo Công Thương

Phát triển vùng nguyên liệu, giảm gánh nặng cho ngành giấy

Thời gian qua, ngành giấy luôn được Chính phủ, Bộ Công thương đánh giá là lĩnh vực cần quan tâm, hỗ trợ phát triển. Ngành công nghiệp giấy có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến lâm sản và nền kinh tế.

Trước tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, ngành giấy trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi không tự chủ được nguồn nguyên liệu.

Theo thống kê, hằng năm các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước sử dụng tới 70% nguyên liệu phế thải để sản xuất, hơn nửa số này phải nhập khẩu.

Đại diện một doanh nghiệp ngành giấy cho biết tình trạng nhập khẩu nguyên liệu là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất giấy thành phẩm, chưa có đủ dây chuyền để sản xuất bột giấy từ gỗ.

Đa số các doanh nghiệp đều xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập về bột giấy thành phẩm làm nguyên liệu sản xuất. Thêm vào đó, nguồn gỗ thô vẫn chưa nhiều do các doanh nghiệp ngành giấy phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngành chế biến gỗ.

Đại diện Công ty CP giấy An Hòa cho hay việc đầu tư mạnh vào các dây chuyền sản xuất giấy giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp ngành giấy biết điều này nhưng đầu tư được hay không còn tùy vào năng lực tài chính.

Với Công ty CP giấy An Hòa, để phát triển bền vững, ngoài đầu tư cho trang thiết bị, công ty còn đặt ra chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu rộng lớn để chủ động trong sản xuất, qua đó giảm sức ép nhập khẩu nguyên liệu giấy và bột giấy, vị đại diện Công ty CP giấy An Hòa cho biết thêm.

Công ty CP giấy An Hòa
Sản phẩm giấy An Hòa luôn được thị trường đánh giá cao

Cũng theo đại diện Công ty CP giấy An Hòa, việc phát triển nguồn nguyên liệu được xem là hướng đi bền vững đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy. Để hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất giấy, thời gian qua Công ty CP giấy An Hòa đã tập trung tạo lập quỹ đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu.

Ngày 27-6-2008, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa nhằm tạo nguồn cung nguyên liệu gỗ bền vững cho nhà máy, phát triển trung tâm nghiên cứu, ươm giống cây phục vụ trồng rừng nguyên liệu, cung cấp các loại giống tốt cho các đơn vị sản xuất nguyên liệu giấy trong và ngoài tỉnh.

Tổng diện tích đất được quy hoạch để trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy lên tới 85.650,9ha, thuộc 105 xã của các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình và TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, Công ty CP giấy An Hòa cũng đã xây dựng các trung tâm nguyên liệu lâm nghiệp tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, hằng năm Công ty CP giấy An Hòa cung cấp gần 3 triệu cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu mua gỗ và dăm gỗ nguyên liệu từ người dân.

Dây chuyền sản xuất bột giấy của Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa có công suất 130.000 tấn/năm, với công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF), hệ thống thiết bị hiện đại, mới 100%, trong đó các thiết bị chính do Hãng Metso sản xuất tại Thụy Điển và Phần Lan.

Hệ thống thu hồi của nhà máy có khả năng thu hồi đến 95% lượng hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất. Điều này góp phần giảm giá thành sản phẩm, giảm tối đa các chất thải ra môi trường.

Dây chuyền bột giấy của nhà máy bắt đầu sản xuất thương mại từ tháng 11-2012, đến nay, sản phẩm bột giấy An Hòa được nhiều đơn vị sản xuất giấy trong nước sử dụng như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty CP giấy Việt Trì, Công ty CP tập đoàn Tân Mai, Công ty CP giấy và bao bì Việt Thắng… và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.

Nhiều năm qua, Công ty CP giấy An Hòa không chỉ là đơn vị có công suất sản xuất bột giấy và giấy cao cấp lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp điển hình về xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu giấy.

Theo Tuổi Trẻ

‘Cốc giấy không nhựa’ dùng một lần, phân hủy hoàn toàn trong đất

Theo trang Daily Mail (Anh), những chiếc cốc giấy thông thường thường đi kèm với một chiếc nắp nhựa và được tráng một lớp chống thấm bằng nhựa bên trong, làm giảm khả năng tái chế của nó. Loại cốc này có thể mất đến nhiều thập kỷ để phân hủy và giải phóng các hạt vi nhựa siêu nhỏ và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để giải quyết những hạn chế trên, một công ty ở Anh đã chế tạo ButterflyCup, loại cốc được sản xuất hoàn toàn từ giấy với mực in có nguồn gốc từ thực vật và lớp phủ phân tán gốc nước giúp chống thấm. Chiếc cốc này cũng có thể ủ thành phân trộn hoặc tái chế thành các chất thải giấy và bìa cứng.

ButtlerflyCups thậm chí còn được tái sử dụng để gieo hạt và sau đó vùi dưới đất và sau đó chúng sẽ phân hủy hoàn toàn. Đây là một giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa hiện nay.

Chiếc cốc đặc biệt sẽ ra mắt tại các trung tâm Wildfowl & Wetlands Trust (WWT) trên khắp Vương quốc Anh. Nhà thiết kế Tommy McLoughlin hiện đang đàm phán với một số chuỗi cà phê lớn về việc sử dụng phổ biến loại cốc này trên thị trường.

Các chuyên gia ước tính rằng tại Anh, có khoảng 2,5 tỉ cốc cà phê dùng một lần được thải ra môi trường mỗi năm, với chỉ 1/400 chiếc cốc thực sự được tái chế.

‘Có một điều đáng tiếc là trong số hàng tỉ cốc cà phê mà người Anh sử dụng mỗi năm, có rất ít cốc được tái chế. Chúng tôi tạo ra ButterflyCup để giải quyết thảm họa sinh thái này và giúp giải quyết điều đó. Chúng tôi tin rằng đây là chiếc cốc dùng một lần thân thiện với môi trường nhất trên thế giới và hy vọng sẽ có thêm nhiều cửa hàng cà phê trên khắp Vương quốc Anh lựa chọn sử dụng loại cốc cho khách hàng của họ trong tương lai gần’, ông Tommy McLoughlin, Giám đốc điều hành kiêm Nhà sáng lập ButterflyCup, cho biết.

   >>> Các nhà cung cấp Mỹ la tinh thông báo tăng giá bột BEK tại thị trường Châu Á

Tên gọi ButterflyCup được lấy cảm hứng từ thiết kế nắp gấp độc đáo của nó. Thiết kế gấp độc đáo này đã được cấp bằng sáng chế. Nắp chiếc cốc vừa có thể được đậy kín hoàn toàn mà không cần nắp, vừa có vai trò thay thế một chiếc ống hút. Cùng với đó, loại giấy được xử lý đặc biệt bên trong cốc giúp đảm bảo chống bắn nước, thấm và nhỏ giọt. Cốc cũng có thể chứa được cả đồ uống nóng và lạnh.

Theo các nhà thiết kế, chi phí sản xuất mỗi chiếc cốc ButterflyCup chỉ tốn khoảng 1 xu, rẻ hơn nhiều so với cốc tráng nhựa và nắp nhựa thông thường. Chi phí sản xuất cốc cũng rẻ hơn 3 xu so với những chiếc cốc tráng Axit Polylactic (PLA), có nắp tương tự.

ButterflyCup ra mắt 5 năm sau khi đầu bếp truyền hình Hugh Fearnley-Whittingstall nêu bật những khó khăn vốn có trong việc tái chế những chiếc cốc mang đi thông thường, trong bộ phim tài liệu ‘Cuộc chiến chống chất thải của Hugh’ được phát sóng trên đài BBC.

‘Sự thật là không có chiếc cốc nào trong số những chiếc cốc được các hãng cà phê lớn sử dụng được tái chế. Kinh khủng hơn là không ai chịu trách nhiệm về điều đó, tất cả các nhà bán lẻ cà phê lớn đã tạo ra hàng núi rác mang đi này’, đầu bếp Hugh nói.

Theo Thông tấn xã Việt Nam

Ngành cảng biển: Bị kìm hãm do thiếu trầm trọng container rỗng, dài hạn vẫn lạc quan nhờ đà dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam

Tình trạng tắc nghẽn container tại các cảng đi châu Âu, Mỹ… đang đưa ngành vận tải biển toàn cầu bước vào khủng hoảng thiếu container trầm trọng. Nhiều đơn vị cho biết phải tận dụng những container cũ mà đáng lẽ ra đã vứt bỏ. Hệ quả, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container trên nhiều tuyến lớn của quốc tế đã tăng gấp 4 lần trong một khoảng thời gian ngắn.

Tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng trong ngắn hạn

Khan hiếm container rỗng thường xảy ra vào mùa cao điểm cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao, tuy nhiên, năm nay tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các tuyến xuất khẩu sang Mỹ và khu vực châu Á do ghi nhận mức thặng dư thương mại cao (20 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận tại báo cáo ngành mới nhất.

Bên cạnh việc mất cân bằng xuất nhập khẩu, hàng loạt dịch vụ của các hãng tàu bị cắt giảm trong năm nay, hệ quả từ đại dịch Covid-19, khiến thời gian luân chuyển container rỗng sang thị trường Việt Nam, cùng với các nước xuất khẩu khác trong khu vực châu Á bị kéo dài.

Mặt khác, tải vận chuyển đường biển giảm, vốn nhằm giữ giá cước sụt giảm trong thời kỳ nhu cầu yếu do phong tỏa xã hội, đã khiến giá cước vận tải tăng vọt, đặc biệt đối với các tuyến xuất khẩu từ châu Á tới thị trường Mỹ và châu Âu, khi nhu cầu nhập khẩu ở những khu vực này tăng trở lại sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà sản xuất đa quốc gia đang di dời khỏi Trung Quốc, củng cố triển vọng dài hạn về sản lượng thông lượng cảng biển.

Ngành cảng biển: Bị kìm hãm do thiếu trầm trọng container rỗng, dài hạn vẫn lạc quan nhờ đà dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam

    >>> Thị trường bột giấy Trung Quốc- Bột NBSK tăng giá, ảnh hưởng tăng đến các loại bột giấy khác

Dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng đà dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam, trên thực tế, đã được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà sản xuất đa quốc gia có ý định rời khỏi Trung Quốc do đối mặt với tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Sau đại dịch, VDSC cho rằng các lợi thế cạnh tranh giúp Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất không bị ảnh hưởng.

Trong đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như: (i) Chi phí nhân công sản xuất thấp; (ii) ưu đãi thuế cạnh tranh; (iii) chi phí xây dựng khu công nghiệp cạnh tranh và (iv) lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Đáng nói nhất, doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định; và miễn tiền thuê đất. Các ưu đãi đáng chú ý bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong hai năm đầu và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo. Ngoài ra, các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp ưu tiên (như lĩnh vực công nghệ cao) hoặc tại các đặc khu kinh tế / vùng kinh tế khó khăn có thể được hưởng thuế TNDN 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế trong chín năm tới.

Cùng với đó, chất xúc tác trực tiếp thời gian tới là Việt Nam đã có các hiệp định thương mại với 52 quốc gia và 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 11 hiệp định đã có hiệu lực.

Với việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực trong năm nay, Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất. Điều này đã tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2020.

Dự kiến, làn sóng di dời từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Đây sẽ là động lực then chốt thúc đẩy thông lượng hàng hóa tại cảng biển và các dịch vụ logistics khác trong dài hạn.

Ngành cảng biển: Bị kìm hãm do thiếu trầm trọng container rỗng, dài hạn vẫn lạc quan nhờ đà dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam

Cảng container trọng điểm Việt Nam tăng trưởng dương trở lại trong quý 3/2020

Về phía doanh nghiệp trong nước, các khu cảng container trọng điểm đã lấy lại mức tăng trưởng dương về sản lượng trong quý 3/2020, phù hợp với sự phục hồi trong hoạt động thương mại kể từ tháng 6.

Theo VDSC, khối lượng thông lượng container lũy kế tại các cảng biển trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 6%, đạt gần 15 triệu TEU. Trong số các khu vực cảng container trọng điểm, sản lượng thông lượng container tại các cảng Vũng Tàu có sự phục hồi mạnh mẽ nhất về tốc độ tăng trưởng, tiếp tục duy trì mức gần 30%. Kết quả này do Vũng Tàu là nơi có nhiều cảng biển nước sâu phục vụ nhiều tuyến trực tiếp đến Hoa Kỳ (cả Bờ Tây và Bờ Đông), cùng với giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến trong năm 2020.

Hiện, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong những quốc gia xuất khẩu sang Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, tăng thị phần các nước xuất khẩu vào Mỹ lên 5,5% vào năm 2020. Với đà tăng trưởng này này, Vũng Tàu sẽ sớm vượt qua Hải Phòng và trở thành khu vực cảng container quan trọng thứ hai tại Việt Nam.

Ngành cảng biển: Bị kìm hãm do thiếu trầm trọng container rỗng, dài hạn vẫn lạc quan nhờ đà dịch chuyển dòng vốn sang Việt Nam

Theo CafeF

Hệ thống cảnh báo sớm: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn trước các vụ kiện

Thời gian gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp phải đối diện và ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài. Đây được coi là điều tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế, đồng thời cho thấy năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phát triển.

Qua các vụ việc điều tra từ nước ngoài, theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp và hiệp hội bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động bố trí nguồn lực và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra. Các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được việc chỉ thông qua sự chuẩn bị đầy đủ và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, các doanh nghiệp mới có khả năng không bị áp thuế chống bán phá giá hoặc bị áp thuế với thuế suất không cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với một số hạn chế khi bị nước ngoài điều tra bán phá giá. Trước hết là do nhiều doanh nghiệp chưa thể hiểu rõ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Mặt khác, nguồn lực trong ứng phó với các vụ việc điều tra cũng là một thách thức rất lớn đối với hầu hết doanh; đồng thời, các cơ quan điều tra thường có quy định chặt chẽ về thời hạn để các doanh nghiệp trả lời và cung cấp các thông tin phục vụ quá trình điều tra cũng là hạn chế mà doanh nghiệp phải đối diện.

Nhận diện những thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp trước các vụ việc về phòng vệ thương mại, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, luật sư, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm cung cấp tới các Bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác.

Mặt khác, với tinh thần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại luôn theo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.

     >>> Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Phát huy “lá chắn” bảo vệ doanh nghiệp

Xác định phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp nhất trong thương mại quốc tế, ngày 1/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày về phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

Mục tiêu chung của Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” là nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 5/8/2020 về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”. Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ được yêu cầu tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm triển khai nhiệm vụ trong Quyết định đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả với trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Hiện công tác thực hiện về cảnh báo sớm đối với nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau đang được các đơn vị của Bộ Công Thương trong đó có Cục Phòng vệ thương mại duy trì, đẩy mạnh. Trong đó, doanh nghiệp quan tâm có thể thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên trên trang web của Cục Phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, danh sách về các ngành hàng được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đang tích cực xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, thương nhân khi xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường hợp tác với các cơ quan điều tra của các nước để đảm bảo các cuộc điều tra được tiến hành một cách công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của WTO nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam.Hệ thống cảnh báo sớm: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại

Theo Công Thương

Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất giấy tái chế từ nguồn nguyên liệu giấy thu hồi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều được cơ quan cấp phép căn cứ trên các điều kiện về bảo vệ môi trường, năng lực sản xuất và các điều kiện khác… để cấp cho doanh nghiệp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận).

Trong giám sát và quản lý nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu thì việc quy định mã HS trong Giấy xác nhận cho doanh nghiệp khi nhập khẩu là cần thiết. Doanh nghiệp sẽ chỉ được nhập khẩu và sử dụng loại phế liệu theo quy định cho phép, tương ứng với các điều kiện về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, phù hợp với thiết bị, công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường, phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhận thấy việc quy định chi tiết khối lượng từng mã HS trong nội dung Giấy xác nhận sẽ gây nên những bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Giấy xác nhận hiện nay được cấp với thời hạn kéo dài tới 5 năm.

Trong suốt thời gian dài như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm, phải sử dụng nhiều loại phế liệu khác nhau, tương ứng với nhiều mã HS. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân theo Quy luật giá trị, còn phải chịu sự điều tiết và chi phối bởi quan hệ cung – cầu theo cơ chế thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải sản xuất loại sản phẩm nào khách hàng và thị trường cần, khi đó mới có nhu cầu mua và sử dụng loại nguyên liệu tương ứng để sản xuất loại sản phẩm đó.

Những bất cập trong việc quy định chi tiết mã HS trong Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Như vậy, việc quy định cụ thể khối lượng phế liệu nhập khẩu từng mã HS, sẽ  hạn chế sự linh hoạt của doanh nghiệp trong chuyển đổi các loại sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Với mục đích bảo vệ môi trường trong việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các quy định nên tập trung cụ thể về các tiêu chí có ảnh hưởng đến môi trường (tạp chất, độ ẩm…), không cần thiết đi sâu vào các tiêu chí phân loại (mã HS) và khối lượng hàng hóa nhập khẩu của từng mã HS. Theo Quyết định 28/2020/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, thì cả 03 mã HS đều là giấy phế liệu (trừ mã HS 4707.90.00 chỉ được nhập đến hết 31/12/2021), đều được sử dụng để sản xuất ra giấy tái chế các loại.

Việc nhập khẩu và sử dụng loại mã HS nào (trong nhóm được phép) để làm nguyên liệu sản xuất nên là quyền quyết định của doanh nghiệp. Căn cứ theo nhu cầu và thị trường, doanh nghiệp có thể chuyển đổi loại nguyên liệu cho phù hợp từng loại mặt hàng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn và chỉ tiêu về môi trường. Cơ quan cấp phép chỉ nên cấp tổng khối lượng phế liệu và các loại mã HS được nhập, không nên cấp khối lượng chi tiết cho từng mã HS và theo dõi trừ lùi tổng khối lượng phế liệu mà mỗi doanh nghiệp thực tế đã nhập, để các doanh nghiệp được tự quyết định về khối lượng của từng mã HS cần nhập, như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động và thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh./.

     >>> Công văn số 32 Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam gửi bộ Tài nguyên và Môi trường

VPPA

Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ rác thải rắn từ năm 2021

Ngày 25/11/2020, Bộ Môi trường Sinh thái, Bộ Thương mại, Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành thông báo chung số No. 53 – 2020 nêu rõ từ ngày 01/01/2021, Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu rác thải rắn dưới mọi hình thức, đồng thời cấm trút đổ, chất đống và xử lý rác thải rắn từ nước ngoài tại nước này.

Bộ Môi trường Sinh thái Trung Quốc sẽ không phê duyệt bất cứ giấy phép nào liên quan đến nhập khẩu rác thải rắn sau khi có thông báo mới. Những giấy phép đã cấp sẽ chỉ được sử dụng trong thời hạn quy định của năm 2020. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, bắt buộc tái xuất và phạt tiền, nếu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ năm 1980, Trung Quốc cho phép nhập khẩu rác thải rắn, như các loại nhựa, giấy, kim loại… để làm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp. Từ nhiều năm nay, nước này luôn là quốc gia nhập khẩu rác lớn nhất thế giới. Trước những hệ lụy về môi trường, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế nhập khẩu rác thải nước ngoài từ tháng 01/2018 với việc cấm nhập khẩu 24 loại rác, như các loại nhựa, giấy chưa phân loại, rác thải từ nguyên liệu dệt may…

    >>> Lãnh đạo Hiệp hội thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp hội viên phía Nam

Theo số liệu công bố của Hải quan Trung Quốc, lượng rác thải rắn nhập khẩu của nước này đã giảm từ 22,63 triệu tấn của năm 2018 xuống còn 13,48 triệu tấn trong năm 2019. Trong 10 tháng đầu năm 2020 lượng rác thải đăng ký nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh 42,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 6,69 triệu tấn.

Đây được coi là bước đi quyết liệt nhất trong kế hoạch 3 năm nhằm chấm dứt tiếp nhận rác thải rắn từ nước ngoài của quốc gia đông dân nhất thế giới này./.

Theo Xinhuanet

Lãnh đạo Hiệp hội thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp hội viên phía Nam

Tại các buổi gặp và làm việc tại các công ty Lãnh đạo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và Lãnh đạo của các công ty đã trao đổi về tình hình hoạt động của Văn phòng Hiệp hội cũng như của các công ty trong bối cảnh dịch COVID-19 trong năm 2020, tìm hiểu và nắm bắt những vướng mắc và khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo Hiệp hội cũng đã thông báo cho các doanh nghiệp về những việc mà Văn phòng Hiệp hội đã thực hiện trong năm 2020, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 40/2019/ND-CP, về việc gia hạn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải tại các nhà máy, gia hạn đến hết ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời không phải lập lại ĐTM đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014…

Lãnh đạo Hiệp hội đã cùng với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã đi thăm cơ sở sản xuất của một số doanh nghiệp như: dây chuyền mới của Công ty Marubeni mới đưa vào khởi chạy và đã cho ra cuộn giấy đầu tiên vào ngày 02/11/2020, dây chuyền sản xuất của Công ty CP Giấy Sài Gòn, nhà máy sản xuất giấy bao bì của Công ty Giấy Thuận An.

Một số hình ảnh hoạt động của chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Hiệp hội tại các doanh nghiệp hội viên phía Nam:

VPPA