Bộ Công Thương đồng hành cùng Hiệp hội giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh Covid-19

Tham dự cuộc họp có đại điện các đơn vị thuộc Bộ như Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, công nghiệp như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Sàn Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Hiệp hội Nhựa Việt Nam…

Doanh nghiệp khó tiếp cận với các gói hỗ trợ

Báo cáo tình hình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các thị trường tăng mạnh xuất khẩu tập trung ở khu vực Châu Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang khu vực này đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sang Hoa Kỳ đạt 15,95 tỷ USD, tăng 20%; sang Canada đạt 975 triệu USD tăng 13%; sang Mexico đạt 798 triệu USD, tăng 61%; sang Braxin đạt 511 triệu USD, tăng 11%; sang Chile đạt 287 triệu USD, tăng 93%; sang Argentina tăng 55%; sang Colombia tăng 93%; sang Panama tăng 73% và sang Peru tăng 82%.

Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc (đạt 9,35 tỷ USD, tăng 22,8%); Nhật (đạt 5 tỷ USD, tăng 7,8%); Đài Loan (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 36,3%); Australia (đạt 924 triệu USD, tăng 11,6%).

Xuất khẩu sang châu Âu đạt khoảng 10,4 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU (tính cả Anh) đạt 9,61 tỷ USD, giảm 5,7%. Trong đó: sang Pháp đạt 771,6 triệu USD, giảm 19%; sang Italy đạt 758,7 triệu USD, giảm 17,4%; sang Tây Ban Nha đạt 551,6 triệu USD, giảm 16,4%; sang Anh đạt 1,28 tỷ USD, giảm 6,6%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 3, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp, đại diện các Hiệp hội cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất ngay sau dịch.

Một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, tuy nhiên còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ, để khắc phục những khó khăn chung mà các doanh nghiệp các ngành khác cũng gặp phải do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …

Thay mặt doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với doanh nghiệp, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không cần có điều kiện kèm theo…

Theo Hiệp hội Dệt may, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau từ các nước trên thế giới, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỷ USD.

Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải “gồng mình” để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy, doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của nhà nước.

Hiện tại, Hiệp hội Dệt may cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan, hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp chuẩn bị những bước đi thật tốt để đón nhận cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh khẳng định, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các Hiệp hội, đặc biệt các ý kiến trong bối cảnh mới, trạng thái mới để báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn hậu Covid-19. “Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để trao đổi về cách thực phối hợp. Bộ sẽ trao đổi thêm với các Thương vụ, các thị trường nước ngoài để hỗ trợ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra” – Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương

Doanh nghiệp Việt Nam lo mất cân đối dòng tiền cao nhất khu vực vì COVID-19

Theo một nghiên cứu toàn cầu của Hiệp hội Nghề nghiệp toàn cầu của các kế toán viên, kiểm toán viên và chuyên gia tài chính (ACCA), tác động nặng nề nhất với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như khu vực là sự thiếu hụt dòng tiền, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của các doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19.

Theo đó, có đến 47% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn về dòng tiền, con số này cao hơn hẳn 37% của toàn cầu và 44% mặt bằng chung của doanh nghiệp khu vực ASEAN.

Các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của COVID-19 trên ba yếu tố: người lao động, năng suất và dòng tiền.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất vì khách hàng dừng hoặc giảm mua hàng. Theo nhiều doanh nghiệp, việc đơn hàng doanh nghiệp Việt Nam bị mất nhiều một phần do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất gia công theo đơn đặt hàng mẫu, chưa sản xuất hàm lượng chất xám cao nên khi dịch xảy ra, đơn hàng bị cắt và không chuyển dịch kịp. Con số ảnh hưởng trong yếu tố này ở quy mô toàn cầu chỉ khoảng 28% và khu vực ASEAN là 38%.

Số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến dừng hoặc giảm đơn hàng từ khách cũng cao nhất với 41%, con số này lần lượt 24% và 30% ở mức độ toàn cầu và ASEAN.

Theo ACCA, trong điều kiện nhiều nước công bố các gói hỗ trợ của chính phủ, hầu hết những người tham gia khảo sát đều trả lời còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của các gói hỗ trợ này. 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ phải giảm đáng kể doanh thu và lợi nhuận hàng năm, 21% tổ chức đã ngừng tuyển dụng nhân viên.

Trước tình trạng các doanh nghiệp có nguy cơ mất dòng tiền cao, nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác nhau đã đề xuất chính sách hỗ trợ, gói tài chính giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn mới để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đã đề xuất lên chính phủ một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị 150.000 tỉ đồng, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch.

Theo đề xuất này, các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn có thể đăng ký vay định kỳ cho 2 quý tiếp theo với số vốn tương đương khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.  TAB tin rằng các doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay.

Tương tự, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng mong muốn được giảm gánh nặng thiếu hụt dòng tiền bằng chính sách giảm 100% hoặc ít nhất 50% các loại thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất trong thời gian khoảng 6 tháng để có nguồn lực tái sản xuất.

Nghiên cứu của ACCA được hơn 10.000 chuyên gia tài chính trên toàn cầu hưởng ứng, trong đó có 1.513 chuyên gia, doanh nghiệp từ ASEAN và gần 300 từ Việt Nam để nắm được mức độ ảnh hưởng với hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các DN và tổ chức từ quan điểm của doanh nghiệp.

Theo Tuổi trẻ

Đề xuất miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020

Kiến nghị vừa được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về đề xuất bổ sung một số nội dung trong dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở nhất trí của các hiệp hội Dệt may, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Logistics, Nhôm thanh định hình, Gỗ và lâm sản, Bông sợi, Da giày và túi xách, Nông nghiệp số…

Cụ thể, theo chỉ thị 11 của Thủ tướng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc.

Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp diện rộng và trao đổi trực tiếp cùng các hiệp hội doanh nghiệp thì doanh nghiệp hầu như không thực hiện.

Lý do, mặc dù các doanh nghiệp hết sức khó khăn bởi chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy trong dịch, nhiều ngành doanh thu gần như bằng không nhưng vẫn phải cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu…

Bởi thế, doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc”.

Thêm nữa là việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp và đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch, hàng không… chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.

Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên.

Cho nên, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.

Vì vậy, Ban IV và các hiệp hội kiến nghị cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020. Chính sách này sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất liên quan đến bảo hiểm xã hội. Theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”.

Ban IV và hiệp hội cho rằng đây cũng là chính sách mà doanh nghiệp không thực hiện được, đặc biệt đối với việc chứng minh thiệt hại tài sản. Bởi khó có tiêu chí, thước đo cụ thể để doanh nghiệp làm hồ sơ, và cần có thời gian lâu để xác minh về chi phí hàng tồn kho, các hợp đồng bị hoãn, hủy vô thời hạn, các đổ vỡ do chuỗi sản xuất dần đứt gãy…

Khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỉ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, chi ổn định đời sống người lao động, các hiệp hội và doanh nghiệp đặc biệt đề xuất cho chậm nộp bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết 31-12-2020.

Ngoài ra, Ban IV cùng các hiệp hội cũng kiến nghị giảm thuế suất từ 10% xuống 5% với thuế giá trị gia tăng để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành. Có phụ lục hàng hóa các ngành được áp dụng chính sách hoãn thuế giá trị gia tăng với nguyên vật liệu.

Bổ sung thêm quy định giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 9 tháng cho các doanh nghiệp lưu trú du lịch, công viên chủ đề, cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế được ứng lại 50% tiền ký quỹ làm vốn lưu động với thời hạn 2 năm…

Theo Tuổi trẻ

Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho vay dự án bảo vệ môi trường

Cùng với đó là hỗ trợ giá điện gió nối lưới cho 5 dự án điện gió, với số tiền 86,6 tỷ đồng; trợ giá sản phẩm CDM (Điện gió Bình Thuận) với số tiền 67,6 tỷ đồng, hỗ trợ dự án và hoạt động CDM 3,1 tỷ đồng; thu lệ phí bán/chuyển CERS (Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận) được 45,19 tỷ đồng; vận động tài trợ được 2,32 tỷ đồng, chi hỗ trợ từ nguồn vận động tài trợ 2,26 tỷ đồng.
Các lĩnh vực mà Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ cho vay gồm:

– Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

– Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

– Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.

– Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

– Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Quan trắc môi trường.

– Các lĩnh vực khác quy định tại Phụ lục III Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Phụ lục III Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019).

Quỹ Môi trường hoạt động thông thường dưới hình thức cung cấp hỗ trợ tài chính với các điều khoản ưu đãi, các khoản trợ cấp không hoàn lại, các khoản vay vốn dài hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành trên thị trường.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bảo vệ Môi trường là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý hoặc tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên; bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng.

Theo quy định hiện hành, vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Đối tượng cho vay của Quỹ là các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường với mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian cho vay từ 2,6 % – 3,6%, với thời hạn vay lên đến 10 năm. Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, Quỹ đã giải ngân 76% vốn cho vay với lãi suất ưu đãi ở 54 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến cuối năm 2018, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng đạt 379,99 tỷ đồng, giải ngân vốn vay đạt 324,77 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng hơn 33% so với năm 2017, thu hồi nợ gốc đạt 161,23 tỷ đồng. Tính trong giai đoạn từ năm 2010 – 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Quỹ đều tăng trên 10%/năm.

Có tính thuế thu nhập cá nhân tiền lương làm việc vào ngày nghỉ phép?

   >>> Thủ tướng: Chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, cùng với phát triển KTXH

Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công những ngày không nghỉ phép.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế trả lời như sau:

Tại Khoản 1 Điều 111 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định về ngày nghỉ hàng năm như sau:

“Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.”

Tại Khoản 1 Điều 114 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định về việc thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ phép như sau:

“Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ

1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.”

Tại điểm a Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản thu nhập chịu thuế như sau:

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.”

Căn cứ điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:

“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

…i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế”.

Tại công văn số 64/QHLĐTL-TL ngày 21/02/2020 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có ý kiến về ngày chưa nghỉ phép hàng năm như sau: trường hợp người sử dụng lao động đã quy định lịch nghỉ hàng năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 111 Bộ Luật Lao động, nhưng vì một lý do nào đó người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đi làm vào những ngày nghỉ hàng năm thì thời gian này là thời gian làm thêm giờ.

Căn cứ quy định hiện hành và ý kiến của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam yêu cầu người lao động làm việc vào ngày nghỉ phép hàng năm và thanh toán tiền lương cho những ngày này theo hình thức làm thêm giờ thì phần thu nhập trả cao hơn so với tiền lương ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là thu nhập miễn thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

Theo Chính Phủ

Thành quả và thách thức mới của Giấy Tân Mai

  >>> Điểm tin đầu tư ngành Giấy

Bề dày truyền thống

Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Giấy Tân Mai), trước đây là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA) được thành lập ngày 14-10-1958. Vị trí xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của doanh nghiệp khi đó thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (nay được đổi thành phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Vào khoảng thời gian những năm 1958 – 1960, mặc dù đất nước bị chia cắt nhưng hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất giấy và bột giấy phát triển ở cả hai miền nam – bắc. Khi đó, ở phía nam, COGIVINA là một trong những doanh nghiệp có nhà máy quy mô lớn, là đơn vị sản xuất giấy in báo duy nhất ở miền nam Việt Nam trước khi đất nước thống nhất. Bên cạnh giấy in báo, giấy bao gói xi-măng của Tân Mai cũng là sản phẩm nội địa duy nhất có chất lượng ngang hàng với sản phẩm của Nhật Bản trong những năm 1970.

Ngày 2-5-1975, chỉ hai ngày sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), để bảo toàn nguồn lực sau chiến tranh, đại diện Ban quân quản của tỉnh Đồng Nai đã đến Tân Mai đề nghị doanh nghiệp tổ chức cho công nhân đứng ra bảo vệ máy móc thiết bị, nhà xưởng, vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Đến tháng 6-1975, đại diện Ban quân quản Bộ Công nghiệp vào tiếp nhận bàn giao và đổi tên thành Nhà máy Giấy Tân Mai, là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương). Sau hai tháng tiếp quản, hoạt động sản xuất của Nhà máy Giấy Tân Mai đã trở lại bình thường. Sau một năm, sản lượng sản xuất của nhà máy vượt công suất thiết kế, đạt 18.700 tấn/năm, đưa sản phẩm giấy in báo Tân Mai tới khắp cả nước. Từ năm 1980 đến năm 1990, sản phẩm giấy bao bì hòm hộp chất lượng cao mang thương hiệu Tân Mai luôn đứng đầu danh sách sản phẩm nội địa. Năm 1997, Tân Mai là doanh nghiệp đầu tiên trong nước đi tiên phong và tạo đột phá trong việc sản xuất sản phẩm giấy phô-tô-cóp-pi chất lượng cao, tạo tiền đề để sản phẩm trong nước đánh bật hàng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), vốn thống lĩnh thị trường trong hai mươi năm trước đó. Tới cuối năm 2005, theo chủ trương của Chính phủ, Công ty Giấy Tân Mai được cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ đầu năm 2006.

Bên cạnh hoạt động sản xuất có truyền thống nhiều năm, Giấy Tân Mai cũng là một trong những doanh nghiệp có tổ chức đảng từ rất sớm. Tròn một năm sau khi đất nước thống nhất, chi bộ đảng đầu tiên của nhà máy đã được thành lập với 18 đảng viên. Năm 1980, chi bộ đã được nâng lên thành đảng bộ cơ sở với bốn chi bộ. Kể từ đó đến nay, số lượng đảng viên được phát triển liên tục, tổ chức đảng luôn giữ trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình hoạt động Giấy Tân Mai luôn bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Tây Nguyên, cũng như công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ghi nhận những đóng góp đó của Giấy Tân Mai, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho doanh nghiệp Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Vượt khó để phát triển với tầm nhìn dài hạn

Kể từ khi thành lập đến nay, Giấy Tân Mai luôn là một trong những doanh nghiệp tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp giấy nước ta, đồng thời cũng là doanh nghiệp có đóng góp không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển rừng bền vững tại Việt Nam. Được giao giữ 28.266,55 héc-ta rừng và trồng rừng nguyên liệu cho ngành giấy phía nam với diện tích trải dài trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bình Thuận…, Giấy Tân Mai có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, nhất là việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

   >>> Virus Corona sống được bao lâu trên bề mặt giấy in, bìa các tông?

Tuy nhiên, năm 2012 doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi Nhà máy Giấy Tân Mai (tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1) thuộc diện phải di dời theo lộ trình thực hiện chuyển đổi chức năng quy hoạch từ khu công nghiệp sang đô thị của tỉnh Đồng Nai. Mặc dù việc này gây gián đoạn trong sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp nhưng Giấy Tân Mai đã chủ động tự bỏ chi phí để thực hiện di dời sớm, bảo đảm tuân thủ nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ và địa phương. Sau thời gian gặp khó khăn, tới nay Giấy Tân Mai đã khôi phục, ổn định được sản xuất và vạch ra chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn. Đó là đầu tư xây dựng các nhà máy mới ở các địa bàn trọng điểm phía nam, đồng thời tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với phát triển rừng bền vững.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Tân Mai Lê Thành cho biết: Trong hai năm 2018 và 2019 vừa qua, hoạt động chủ yếu của công ty là trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng, phát triển vùng nguyên liệu; đồng thời triển khai thực hiện dự án Nhà máy Giấy Tân Mai miền đông có công suất 200 nghìn tấn/năm và dự án Nhà máy bột giấy Tân Mai – Kon Tum có công suất 70 nghìn tấn/năm. Nằm trong chiến lược phát triển dài hạn, thời gian qua, công ty đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và quỹ đất lâm nghiệp rộng lớn, trải dài hầu khắp các tỉnh thành phía nam, sẵn sàng đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy mới khi đưa vào vận hành. Việc này cũng sẽ góp phần từng bước nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà. Qua đó, cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, đồng thời góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Theo Chủ tịch HĐQT Lê Thành, chiến lược trong thời gian tới của công ty sẽ tập trung phát triển rừng theo hướng đạt các tiêu chí chứng nhận bảo vệ rừng FSC. Đó là bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Đồng thời triển khai các mô hình rừng kết hợp với sản xuất và đón luồng sinh khí mới từ việc phát triển mô hình kinh tế rừng và dịch vụ, như: Rừng kết hợp với du lịch; rừng kết hợp với nông nghiệp và dược liệu; rừng kết hợp với gỗ; rừng kết hợp với sản xuất giấy… Cụ thể, trong chiến lược phát triển, công ty luôn xác định ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trong khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Công ty xác định bên cạnh việc phát triển phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nhất là hướng tới việc tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn bà con cách thức phát triển kinh tế trên nền tảng phát triển nông nghiệp để giảm tình trạng phá rừng làm rẫy. Thời gian tới, công ty sẽ phấn đấu góp phần hình thành các làng nghề tại các buôn, làng, thôn, bản thông qua tập huấn cho đồng bào quanh khu vực rừng công ty quản lý. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng kết hợp với các hộ dân sản xuất nông nghiệp, trồng xen canh dưới tán rừng; cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu mua lại sản phẩm tạo đầu ra ổn định cho người dân. Ngoài ra, mạng lưới đường phục vụ cho công tác khai thác tỉa thưa và quản lý bảo vệ rừng của công ty cũng sẽ được kết nối vào hệ thống giao thông của các xã, các thôn để tạo thuận tiện cho việc lưu thông của người dân địa phương.

Theo Nhân Dân

Thủ tướng: Chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, cùng với phát triển KTXH

Tại cuộc họp, dựa trên tình hình thực tế và một số yếu tố, lãnh đạo TP. Hà Nội đề xuất xếp Hà Nội vào nhóm nguy cơ. Một số ý kiến tại cuộc họp cũng nhất trí với đề xuất này. Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia thì Hà Nội ở vào nhóm nguy cơ cao.

Đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, Bộ Y tế, các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả đáng mừng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ vậy mà 6 ngày qua cả nước không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm.

Tuy nhiên, “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội. Yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay.

  >>> Virus Corona sống được bao lâu trên bề mặt giấy in, bìa các tông?

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực. Thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao.

Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng, bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Hiện chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước ta.

Nêu rõ việc xác định trạng thái bình thường mới trong bối cảnh hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của lãnh đạo TP.HCM đã xác định vấn đề này; nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là bắt buộc khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…

Trạng thái mới nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là nếp sống mới, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội. Người có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học.

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, biện pháp mà Ban Chỉ đạo đề xuất, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số nơi của Hà Nội có cơ nguy cơ cao như Mê Linh cũng như một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày, chứ chưa áp dụng nhóm nguy cơ cao với toàn Thành phố.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quyết định việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với nơi có nguy cơ cao này. Cùng với Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, một huyện của Hà Giang nơi có bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao.

Lãnh đạo các địa phương phải đi sâu đi sát để xác định nguy cơ cụ thể của các địa phương, kể cả huyện, xã, thôn, bản, khu dân cư để có biện pháp áp dụng phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết dựa trên Chỉ thị của Thủ tướng, quyết định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương; quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu hay đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và các biện pháp phòng chống dịch cần thiết.

Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng phổ cập cho người dân cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính COVID-19, “khi đang hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có ca dương tính thì quy trình xử lý thế nào là nhanh nhất, tốt nhất”. Thủ tướng hoan nghênh TP.HCM có bộ quy tắc sắp công bố đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, trường học. Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt, không được để môi trường dễ lây nhiễm.

Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả can thiệp thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới.

Cơ bản đồng ý nới lỏng một cách thận trọng đối với một số biện pháp, Thủ tướng lưu ý, không lơ là, chủ quan, cần bảo đảm an ninh trật tự, nhất là chống tình trạng đua xe, nhậu nhẹt đông người.

Thủ tướng cho biết sẽ sớm ban hành một chỉ thị mới về những nội dung này.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo báo cáo, đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

Cơ bản đồng ý với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải bảo đảm chất lượng. Kỳ thi do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, trung thực, chất lượng. Cần tăng cường sự thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành. Tăng cường sử dụng công nghệ đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn./.

Theo Chính Phủ

Virus Corona sống được bao lâu trên bề mặt giấy in, bìa các tông?

   >>> Điểm tin đầu tư ngành giấy

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang được nghiên cứu trên khắp thể giới để trả lời cho câu hỏi chúng có thể sống trên bề mặt các chất liệu trong bao lâu và trong điều kiện thế nào, theo Daily Mail.
Mới đây, các nhà khoa học ở Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) phát hiện SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại với “mức độ đáng kể” trên lớp ngoài cùng của khẩu trang y tế sau 7 ngày. Tuy nhiên, nếu khẩu trang được vệ sinh bằng các chất tẩy rửa thông thường thì virus sẽ biến mất sau 5 phút.
Họ cũng phát hiện trong điều kiện nhiệt độ thấp ở 4 độ C, SARS-CoV-2 có thể tồn tại ổn định trong thời gian dài. Ở nhiệt độ phòng, virus vẫn tồn tại trong 7 ngày và chết hoàn toàn sau 14 ngày, theo Daily Mail.
Trong điều kiện nhiệt độ 37 độ C, tương đương thân nhiệt con người, mật độ SARS-CoV-2 sẽ giảm dần và bị xóa sổ hoàn toàn sau 24 giờ.
Nhiệt độ càng cao, SARS-CoV-2 chết càng nhanh. Chúng chỉ sống được 30 phút ở 56 độ C và 5 phút ở 70 độ C, nghiên cứu cho biết.
Trong khi đó, các nghiên cứu ở Mỹ phát hiện SARS-CoV-2 không còn sống trên bề mặt giấy các tông sau 24 giờ. Điều này có nghĩa là việc giao nhận các kiện hàng bưu điện được gói bằng giấy các tông là tương đối an toàn, theo Daily Mail.
SARS-CoV-2 cũng chỉ có thể sống trong 3 giờ trên bề mặt giấy lụa và các loại giấy in, chẳng hạn như giấy báo. Các chuyên gia tin rằng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua các bề mặt như kiện hàng gói bằng giấy các tông hay giấy in là thấp, theo Daily Mail.
Khả năng một người nhiễm bệnh để lại mầm bệnh lâu dài trên các kiện hàng là thấp. Nguy cơ bị nhiễm Covid-19 từ các kiện hàng sau khi chúng được di chuyển, giao đi trong các điều kiện và nhiệt độ khác nhau cũng thấp, WHO cho biết trong một tuyên bố.
Theo Thanh Niên

Điểm tin Đầu tư ngành Giấy

  >>> Norske Skog buộc phải đóng cửa nhà máy giấy in báo tại New Zealand

Được biết, Công ty CP giấy Hưng Hà ký hợp đồng mua hơi của Martech cho dây chuyền giấy bao bì mới đang đầu tư với công suất 100.000 tấn/năm, lò hơi công suất 30 Tph, loại lò hơi tầng sôi, đốt đa nhiên liệu cả rác thải ngành công nghiệp giấy. Dự kiến tháng 10 – 11/2020 sẽ hoàn thành. Đồng thời, Martech cũng là nhà cung cấp lò hơi cho dự án dây chuyền giấy Tissue mới của Nhà máy giấy Xương Giang, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Lò hơi có công suất 20 Tph, áp suất 12,5bar, loại lò hơi tầng sôi, đốt đa nhiên liệu cả rác thải ngành công nghiệp giấy. Dự kiến tháng 10/2020 sẽ hoàn thành.

Từ tháng 3, Tổng Công ty Giấy Việt Nam lập dự án Cải đầu tư nâng cấp hệ thống ép quang 2 máy xeo và dự án Đầu tư bổ sung, nâng cấp thiết bị công nghệ cho 2 máy xeo công suất 120.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần Công nghệ Xen_lu_lo là đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho 2 dự án.

Công ty Cổ phần Công nghệ Xen_lu_lo (XLL) được thành lập năm 2016, là đơn vị cung cấp các dịch vụ về Tư vấn công nghệ kĩ thuật, Cung cấp các thiết bị, hóa chất và sản phẩm ngành giấy… Ngoài ra, XLL cũng là đơn vị uy tín trong lĩnh vực giám định chất lượng dăm mảnh.

VPPA tổng hợp