Nguồn cung thấp, cước phí vận tải tăng, thúc đẩy OCC tăng giá tại Đông Nam Á

Ngay từ tuần cuối tháng 10/2020, khách hàng châu Á đã gặp khó khi đặt chỗ tàu để vận chuyển RCP từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đến Đông Nam Á, Đài Loan và Ấn Độ. Tình hình hiện nay ngày càng khó khăn hơn khi người bán viện lý do các vấn đề vận chuyển để tăng giá.

Các nhà cung cấp chỉ ra rằng các công ty vận tải quốc tế ưu tiên thị trường Trung Quốc hơn các khu vực châu Á khác cho các chuyến hàng vận chuyển đường biển, do xuất khẩu và nhập khẩu tăng mạnh của nước này.

Các công ty vận tải thích gửi trực tiếp các container rỗng trở lại Trung Quốc sau khi dỡ hàng Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu, hơn là phân bổ chúng để vận chuyển RCP đến Đông Nam Á. Ngay cả những container rỗng từ Nhật Bản cũng được chuyển thẳng sang Trung Quốc.

Giá cước vận chuyển đường biển cho các chuyến hàng container xuất đi từ Trung Quốc đã tăng vọt, đạt 4.000 USD/container 40 feet để giao hàng đến Bờ Tây nước Mỹ và 5.000 USD/container 40 feet đến Bờ Đông nước Mỹ. Trong khi đó phí vận chuyển RCP từ Mỹ đến Đông Nam Á là xấp xỉ 1.000 USD/ container 40 feet.

Ngoài vấn đề vận chuyển, nguồn cung RCP tại Mỹ và châu Âu cũng bị hạn chế, do ảnh hưởng thắt chặt hoạt động thu gom bởi COVID-19.

Đây thực sự là lý do bất ngờ đối với khách hàng khu vực này, trước đó đã dự đoán giá RCP sẽ giảm sau khi các nhà máy Trung Quốc ngừng mua RCP trên thị trường quốc tế vào tháng 10. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục mua vào ở mức tối thiểu.

Trong khi đó, mức RCP thu mua trong nước tại một số nước như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia không ngừng tăng đã khiến giá RCP nhập khẩu ở đó cũng tăng lên. OCC thu mua trong nước của khu vực các nước này hiện đạt mức 180-200 USD/tấn, trong khi nguồn cung có phần hạn chế.

OCC châu Á tăng vọt: OCC(11) của Mỹ tại Đông Nam Á đạt mức 165-175 USD/tấn trong tuần đầu tháng 11/2020, tăng 10-15 USD/tấn so với hai tuần trước.

Loại OCC cao cấp của Mỹ được lựa chọn kỹ có mức tạp chất dưới 0,5% chủ yếu được các nhà máy Trung Quốc mua trước khi họ ngừng mua vào tháng trước.

Trong khi loại có mức tạp chất 2%, được các nước khác quan tâm hơn như: Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Tại Indonesia, giá OCC thường cao hơn 20 USD/tấn so với các nước châu Á khác do chế độ kiểm tra mà chính phủ Indonesia đang áp dụng đối với RCP nhập khẩu.

OCC châu Âu (95/5) có mức tăng mạnh nhất, tăng 15 USD/tấn lên 165-170 USD/tấn. Với việc châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng ngừng hoạt động do làn sóng đại dịch COVID-19 mới, các nhà cung cấp và người mua cho biết thậm chí còn khó khăn hơn để có được nguồn cung và đặt chỗ tàu cho khách hàng châu Á so với từ Mỹ.

OCC của Nhật Bản giữ nguyên ở mức 165-170 USD/tấn. Tuy nhiên, các nhà cung cấp Nhật Bản đang xem xét việc tăng giá, chào bán cho người mua lên tới 180 USD/tấn./.

Theo PPI Asia (6/11/2020)

VINAPACO với hoạt động hướng về miền Trung

Miền Trung là dải đất gánh chịu nhiều thiên tai nhất cả nước. Trong cơn lũ lịch sử những ngày tháng 10 vừa qua, miền Trung phải gánh chịu tổn thất thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Có những mất mát, hy sinh trong cuộc sống hàng ngày làm quặn đau hàng triệu trái tim người Việt. Không đứng ngoài những gian lao ấy, tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) đã cùng nhau chung tay góp sức mình giúp đỡ miền Trung ruột thịt vượt qua những ngày bão lũ khó khăn.

Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trích từ nguồn Quỹ phúc lợi Tổng công ty tham gia và ủng hộ 100 triệu đồng trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” diễn ra tối 17/10/2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bão lũ lớn diễn ra ở miền Trung đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội của nhiều địa phương, tình hình thiên tai sẽ làm cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ về kinh tế, sức khỏe, cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 4/11 đến ngày 8/11/2020, đoàn công tác Vinapaco đã đến thăm và trực tiếp hỗ trợ hơn 93.000 quyển vở (giá trị trên 400 triệu đồng)  cho các em học sinh tại nhiều điểm trường bị thiệt hại nặng nề thuộc 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng khiến cơ sở hạ tầng các trường học bị hư hại phải tạm ngừng hoạt động, sách vở tài liệu học tập bị nước cuốn trôi, gần 1,2 triệu học sinh phải nghỉ học, việc học tập trở nên khó khăn càng khó khăn. Một chút sẻ chia, hy vọng các em có thêm nghị lực vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách trên con đường tri thức của mình.

Đó đâu chỉ đơn thuần là những quyển vở mà trong đó còn gói ghém cả sự sẻ chia, đồng cảm, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người lao động Vinapaco nói riêng đồng bào Việt Nam nói chung luôn được gìn giữ và lan tỏa. Vì miền Trung thân yêu, thật ấm lòng khi những sẻ chia, đùm bọc của đồng bào mình như kéo mỗi chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Một số hình ảnh của đoàn công tác Vinapaco tại các điểm trường:

  >>> Chống gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả – bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp ngành giấy trong nước

Theo Vinapaco

Gia hạn Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (viết tắt là Giấy xác nhận) đã được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật bảo vệ môi trường 2014.

   >>> Nghị định số 40/2019/NĐ-CP 

Các doanh nghiệp có Giấy xác nhận thuộc các trường hợp quy định tại khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐCP và Mục 14 Nghị quyết số 129/NQ-CP đã gửi hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy xác nhận và đã được cơ quan nhà nước kiểm tra trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP, phải hoàn thiện các nội dung theo thông báo kết quả kiểm tra có được cấp lại, gia hạn Giấy xác nhận theo quy định.

Các doanh nghiệp có Giấy xác nhận được gia hạn phải chịu trách nhiệm và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu; bảo đảm số lượng, tình trạng hoạt động bình thường của máy móc, thiết bị sản xuất, tái chế phế liệu và các công trình bảo vệ môi trường; chất thải sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân; chi được nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở sản xuất theo đúng nhu cầu và phải phù hợp với công suất, máy móc thiết bị sản xuất, tái chế; nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép trong thời gian gia hạn.

Một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã được gia hạn Giấy xác nhận như sau:

  • Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn;
  • Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre;
  • Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn Miền Trung;
  • Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Giang;
  • Công ty TNHH Giấy Kraft Vina;
  • Công ty TNHH xưởng Giấy Chánh Dương;

 

Nội dung chi tiết của thông báo số 76/TB-BTNMT: XEM TẠI ĐÂY

VPPA

Valmet cung cấp máy giấy mới cho Asia Symbol tại Quảng Đông, Trung Quốc

Máy PM 13 của Asia Symbol có khổ giấy sau cắt biên 9,35 m và tốc độ thiết kế 1.800 m/phút.

Giấy thành phẩm gồm các loại giấy in offset và giấy copy, với định lượng cơ bản từ 50-120 g/m2. PM 13 có công suất khoảng 450.000 tấn/năm và dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2022.

Nhà máy Xinhui hiện đang vận hành hai máy UFP có quy mô tương tự, lần lượt được đưa vào hoạt động vào năm 2012 và 2017. Trong những năm gần đây, công ty đã nghiên cứu mở rộng thêm công suất trong lĩnh vực này. Một tài liệu đánh giá tác động môi trường sơ bộ được công bố vào tháng 3 cho biết công ty đang xem xét lắp đặt một máy UFP 450.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Rizhao, tỉnh Sơn Đông.

Khu công nghiệp Rizhao hiện đang vận hành hai dây chuyền bột gỗ hóa học, có tổng công suất 2 triệu tấn/năm bột giấy kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) và hai máy sản xuất bìa carton từ bột giấy nguyên sinh có tổng công suất 530.000 tấn/năm./.

    >>> Giá nhập khẩu RCP tăng mạnh tại châu Á

 

Theo Fastmarkets RISI

Nine Dragons mở rộng công suất bột giấy mới tại nhà máy ở Dongguan

Công ty Nine Dragons đã nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án từ tháng trước và đang đợi sự chấp thuận từ chính quyền địa phương.

Dự án có trị giá đầu tư khoảng 83 triệu USD, bao gồm hai dây chuyền bột giấy nhiệt cơ không tẩy trắng (CTMP) mới, mỗi dây chuyền có công suất 200.000 tấn/năm, đồng thời với hai dây chuyền bột. Nine Dragons cũng sẽ lắp đặt một lò hơi thu hồi mới, sử dụng nguyên liệu là chất thải rắn từ quá trình sản xuất bột CTMP, công suất 370 tấn chất thải/ngày.

Hiện tại, nhà máy Dongguan đang vận hành 16 dây chuyền giấy bao bì công nghiệp với tổng công suất 5,6 triệu tấn và một dây chuyền giấy in, viết không tráng công suất 250.000 tấn/năm. Tất cả đều sản xuất từ nguyên liệu giấy thu hồi.

Khi dự án hai dây chuyền bột CTMP đi vào vận hành sẽ cung cấp nguyên liệu bột giấy nguyên sinh đầu tiên tại nhà máy Dongguan.

Nine Dragons cho biết công suất bột gỗ nguyên sinh được bổ sung sẽ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm bìa và giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, khi Trung Quốc sắp đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu tái chế vì lệnh cấm nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) bắt đầu từ tháng 01/2021./.

   >>> Giá nhập khẩu RCP tăng mạnh tại châu Á

Theo Fastmarkets RISI

Giá nhập khẩu RCP tăng mạnh tại châu Á

Nguyên nhân thúc đẩy giá tăng được cho là Indonesia nới lỏng quy định nhập khẩu RCP, hoãn thực thi lệnh từ ngày 01/10/2020 đến ngày 01/01/2021. Với việc gia hạn này, các nhà máy Indonesia sẽ được tiếp tục mua hàng và cho phép thông quan RCP nhập khẩu cho tới cuối tháng 02/2021.

Trước đó, người mua ở Đài Loan, Đông Nam Á và Ấn Độ đã giảm mua chờ giá RCP giảm trong tháng 10 và 11.

Vào giữa tháng 10, giá giấy OCC(11) của Mỹ giảm xuống dưới 150 USD/tấn, trong khi OCC(12), chủ yếu là loại giấy nâu thường được các nhà máy Trung Quốc mua, được chào giá thấp, chỉ ở mức 165 USD/tấn. Trước tháng 10, sự chênh lệch giá giữa hai loại OCC11 và OCC12 lên tới mức 45-50 USD/tấn.

Thời điểm cuối tháng 10/2020, Mỹ và Châu Âu lại trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19, trước tình hình đó khả năng cung cấp RCP sẽ giảm mạnh và các nhà cung cấp đã tăng giá OCC Mỹ và Châu Âu thêm 5-10 USD/tấn.

Một phần nguyên nhân tăng giá cũng được cho là do nhu cầu OCC và thành phẩm tăng mạnh ở thị trường Mỹ, trong khi dự trữ OCC của các nhà cung cấp lại thấp.

   >>> Arauco tăng giá bột giấy không tẩy trắng tại Trung Quốc từ tháng 11

Tại Đông Nam Á, trong tuần cuối tháng 10/2020, giá OCC11 của Mỹ đã đạt mức 155-160 USD/tấn, so với 150 USD/tấn vào giữa tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn mức 155-165 USD/tấn được ghi nhận cuối tháng 9/2020.

Giá OCC (95/5) của Châu Âu đã tăng 5 USD/tấn, so với mức 150-155 USD/tấn từ hồi cuối tháng 9. Giá OCC Nhật ở mức 165-170 USD/tấn.

Mặc dù có mức giảm giá RCP từ 5-8 USD/tấn, nhưng  OCC Nhật Bản vẫn đắt hơn hẳn so với OCC Mỹ hay châu Âu. Nguyên nhân là vì Nhật Bản có kế hoạch dự trữ OCC cho đến tháng 11 do lo ngại khó khăn trong việc thu gom trong đại dịch COVID.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã  cấp giấy phép nhập khẩu 94.750 tấn RCP. Các nhà cung cấp và mua hàng Trung Quốc đều cho biết, hầu hết hạn ngạch đã được sử dụng hết từ trước, do đó không ảnh hưởng đến thị trường, trong khi đó, nhu cầu RCP trong nước lại chậm chạp. Giá OCC nhập khẩu bán lại đã giảm 34 NDT/tấn, ở mức 2.396 NDT/tấn, tương đương 298 USD/tấn sau khi trừ 13% VAT và 150 NDT/tấn chi phí logistics.

Giá RCP Thái Lan tại thị trường Trung Quốc ở mức 340-350 USD/tấn./.

Theo Fastmarkets RISI

Jiangsu Kaisheng khởi chạy máy sản xuất bìa duplex có tráng phủ 200.000 tấn/năm ở Trung Quốc

Đầu tháng 9/2020, công ty Jiangsu Kaisheng đã đưa dây chuyền vào sản xuất thử nghiệm, BM có khổ giấy sau cắt biên 3,8 m và tốc độ thiết kế 400 m/phút.

Sản phẩm là bìa duplex có tráng làm từ nguồn nguyên liệu giấy tu hồi, định lượng cơ bản là 200-450 g/m2 .

Ngoài ra, nhà máy Suqian của Jiangsu Kaisheng còn vận hành hai máy sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế khác, giấy lớp sóng giữa, với tổng công suất 150.000 tấn/năm./.

    >>> Arauco tăng giá bột giấy không tẩy trắng tại Trung Quốc từ tháng 11

Theo Fastmarkets RISI

Arauco tăng giá bột giấy không tẩy trắng tại Trung Quốc từ tháng 11

Cụ thể, giá bột gỗ thông radiata tẩy trắng (BKP), điều kiện giao hàng CFR trong tháng 11 sẽ tăng thêm 10 USD/tấn lên 630 USD/tấn. Bột giấy kraft chưa tẩy trắng (UKP) tăng hơn 30 USD/tấn, đạt mức 595 USD/tấn. Bột giấy kraft bạch đàn tẩy trắng (BEK) tăng 20 USD/tấn, lên mức 485 USD/tấn.

Đợt tăng giá cho các đơn hàng tháng 11 sẽ là tháng tăng giá BKP và UKP thứ 3 liên tiếp của Arauco tại thị trườngTrung Quốc.

Riêng đối với bột BEK, đây là lần tăng giá chính thức đầu tiên của công ty trong hai  tháng qua. Trước đó, đã có ít nhất 4 nhà sản xuất BEK lớn khác cũng đã thông báo tăng giá 20 USD/tấn tại Trung Quốc.

Arauco có trụ sở chính tại Santiago, có công suất ước tính 3,95 triệu tấn/năm tại các nhà máy ở Chile, Uruguay và Argentina. Ngoài công suất độc lập, Arauco còn chiếm 50% cổ phần tại Montes del Plata (MdP) ở Uruguay, liên doanh với Stora Enso./.

   >>> BVSC: Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DHC

Theo Fastmarkets RISI

Chống gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả – bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp ngành giấy trong nước

Theo thông tin cung cấp của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty VPP Hồng Hà và các doanh nghiệp khác… thì hiện tượng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm giấy, nhất là giấy in, giấy viết từ lâu.

Gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả trong lĩnh vực giấy in, viết… tập trung chủ yếu vào các hình thức sau:  Các doanh nghiệp sử dụng hình thức gian lận về nguồn gốc, xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế suất nhập khẩu và thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp, mua giấy sản xuất trong nước với tỷ lệ rất thấp để lấy chứng nhận xuất xứ, nhưng xuất khẩu đi với số lượng rất lớn, trong đó chủ yếu là giấy nhập khẩu; nhập khẩu giấy in, giấy viết, giấy tissue… dạng cuộn đã gia công sẵn dưới dạng tờ, sau đó chỉ hoàn thiện bổ sung và xuất khẩu thành phẩm; đầu tư nhà máy với diện tích lớn, tuy nhiên máy móc rất ít và đơn giản, sau đó nhập khẩu vở, sổ đã hoàn thiện để xuất bán cho thị trường nội địa (nhằm hưởng ưu đãi thuế VAT và thuế suất nhập khẩu của Việt Nam). Hoặc làm giả, làm nhái các thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước (VPP Hồng Hà, tissue Sông Đuống…) và bán ra thị trường với giá thấp hơn rất nhiều giá của sản phẩm chính hiệu.

Trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh đã nhập khẩu giấy in, giấy viết từ nước ngoài và bán ra thị trường Việt Nam với giá thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp giấy trong nước, thậm chí giá thành phẩm của họ khi bán ra tương đương với giá nguyên liệu đầu vào tại thị trường khu vực. Những hiện tượng này đang gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp giấy trong nước.

Theo Đại diện Cục phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay. . Phòng vệ thương mại được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép thực hiện, các nước phát triển, có nền kinh tế lớn lại là những nước phổ biến áp dụng biện pháp này.

Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái… các doanh nghiệp cần phối hợp kịp thời, tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là với quản lý thị trường khu vực trong việc cung cấp thông tin và xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp gian lận, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các doanh nghiệp trong nước./.

Một số hình ảnh cuộc họp:

VPPA

BVSC: Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DHC

Chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan triển vọng trong quý IV/2020 và năm 2021 với các điểm nhấn chính như sau: (i) khả năng Trung Quốc ngưng nhập khẩu giấy thùng carton cũ trong 2021 sẽ tạo động lực lớn giúp ngành giấy Việt Nam nói chung và DHC nói riêng hưởng lợi kép;

(ii) kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của mảng bao bì, bên cạnh mảng giấy, sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong 2021;

(iii) dòng tiền dồi dào từ Giao Long 2 sẽ giúp DHC trả hết nợ vay trung hạn trước quý II năm tới càng giúp sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp thêm vững chắc và tiết kiệm được chi phí lãi vay;

(iv) DHC vẫn còn 30% cổ tức đã thông qua ở ĐHCĐ thường niên 2020 chưa chốt quyền, việc này được kỳ vọng sẽ sớm diễn ra trong quý IV sắp tới và quý I năm sau.

    >>> Bản tin ngành Giấy tháng 10/2020

Theo Đầu tư Chứng khoán