Valmet cung cấp hệ thống tẩy trắng bột giấy cho nhà máy ITC’s Bhadrachalam, Ấn Độ

Đơn hàng giữa Valmet và nhà máy ITC’s Bhadrachalam thực hiện trong quý III/2020, trị giá ước tính 20-30 triệu EUR. Toàn bộ hệ thống sẽ đi vào hoạt động ​​trong năm 2022.

Gần đây ITC’s Bhadrachalam đã đầu tư một dây chuyền sản xuất giấy, bìa của Valmet, một lò hơi thu hồi công suất cao mới và hệ thống lọc bụi. Do liên tục mở rộng sản xuất giấy bìa, nhà máy bột giấy của công ty cần phải nâng công suất nhằm đáp ứng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.

Valmet và ITC’s Bhadrachalam đã có nhiều cải tiến thiết kế kỹ thuật nhằm tăng hiệu suất hoạt động, giảm chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả của dây chuyền bột hiện có. Dự án này sẽ giúp ITC’s Bhadrachalam tăng sản lượng, cải thiện chất lượng bột giấy và giảm thiểu chi phí sản xuất.

Phạm vi dịch vụ cung cấp của Valmet bao gồm: cung cấp bộ phận tẩy trắng bột giấy mới, nâng cấp hệ thống nấu gián đoạn mở rộng và dây chuyền bột. Bên cạnh đó, Valmet cũng cung cấp thiết bị chính, thiết kế kỹ thuật cơ bản, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ tại nhà máy, và phụ tùng thay thế tương ứng.

    >>> Bản tin ngành giấy tháng 10/2020

Ngoài ra, gói cung cấp còn bao gồm Valmet Industrial Internet VII for Pulp Quality solutions  – Giải pháp giúp nâng cao chất lượng bột giấy cho bộ phận  tẩy trắng bột nhằm bảo đảm hiệu quả tốt nhất trong vận hành.

ITC Paperboards and Specialty Papers Division là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và kinh doanh giấy, bìa tại Ấn Độ, là nhà sản xuất giấy bao bì và giấy in, viết lớn nhất ở Nam Á. Công ty hiện đang sở hữu 11 dây chuyền sản xuất tại ba địa điểm với tổng công suất đạt 800.000 tấn/năm. Sản phẩm cung cấp ra thị trường gồm các loại giấy, bìa, bìa tráng, giấy in, viết có gia keo bề mặt và loại không gia keo bề mặt./.

Theo Fastmarkets RISI

Bản tin tháng 10/2020

Trong bản tin tháng 10/2020 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

Tại Nhật Bản, Tokushu-Tokai và NPI hợp tác bán khăn giấy

Hebei Xuesong tiếp tục mở rộng máy sản xuất giấy tissue 20.000 tấn/năm tại nhà máy Baoding, Trung Quốc 

SCG của Thái Lan có giá cổ phiếu IPO cao nhất Tập đoàn Xi măng Siam (SCG)

>>> Xem BẢN TIN THÁNG 10

Trung Quốc cấp phép nhập khẩu mới 94.750 tấn giấy thu hồi

Ngày 19/10/2020, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một đợt giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) mới với số lượng lên tới 94.750 tấn, giấy phép sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Ba nhà sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế lớn được nhận tới 82% hạn ngạch cấp phép đợt này. Đứng đầu là Liansheng Paper (Longhai), với 30.000 tấn. Công ty con của Shanying International Holdings là Huanan Shanying Paper nhận 26.000 tấn. Shandong Century Sunshine Paper và công ty con Numat Paper đã nhận được tổng cộng 22.000 tấn. Các nhà nhập khẩu ​​sẽ sử dụng các giấy phép nhập khẩu giấy thu hồi trong đợt này để thông quan lượng hàng RCP đã đặt qua các cảng Trung Quốc trước ngày 31 tháng 12.

Các nhà cung cấp từ Mỹ và Châu Âu đã ngừng bán RCP cho Trung Quốc, các công ty vận chuyển cũng không còn nhận các đơn đặt hàng RCP cho các tuyến đường đó. Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc vẫn có thể sử dụng hạn ngạch 2020 để nhập khẩu RCP từ các nước lân cận, chủ yếu là Nhật Bản, do thời gian giao hàng ngắn.

Lô cấp phép thứ mười ba đã đưa tổng hạn ngạch nhập khẩu RCP của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 6,75 triệu tấn./.

    >>> Oji Nhật Bản khởi chạy dây chuyền TM thứ hai ở Giang Tô, Trung Quốc

Theo Fastmarkets RISI

Oji Nhật Bản khởi chạy dây chuyền TM thứ hai ở Giang Tô, Trung Quốc

Dây chuyền của Oji Holdings được cung cấp bởi Andritz, có chiều rộng khổ giấy 5,6 m và tốc độ thiết kế đạt 2.000 m/phút.

Đây là dây chuyền tissue thứ hai tại nhà máy đi vào hoạt động.

TM đầu tiên cũng cùng loại và khởi chạy từ cuối tháng 6/2020. Hai máy này được tích hợp một phần với dây chuyền bột giấy kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) tại chỗ công suất 700.000 tấn/năm.

Sản phẩm chủ yếu sẽ được bán tại thị trường Trung Quốc dưới dạng cuộn jumbo và xuất khẩu sang Nhật Bản./.

    >>> 13 dạng phế liệu bị loại khỏi danh mục được phép nhập khẩu

Theo Fastmarkets RISI

13 dạng phế liệu bị loại khỏi danh mục được phép nhập khẩu

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn cục hải quan các địa phương thực hiện Quyết định 28/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, Quyết định 28 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng một số loại phế liệu là “Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại – mã HS 4707.90.00” và “Xỉ hạt (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (xỉ hại lò cao gồm: xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện gang, sắt, thép – mã HS 2618.00.00)” được phép nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2021.

Quyết định số 28 đã loại bỏ 13 loại phế liệu ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất (so với Quyết định 73/2014/QĐ-TTg).

    >>> Đông Nam Á: Nhu cầu tăng, thúc đẩy giá giấy bao bì hòm hộp tăng

Cụ thể: thạch cao (mã HS: 2520.10.00); các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự (Mã HS: 3818.00.00); phế liệu và mẩu vụ của plastic (nhựa) từ polyme styren (PS): dạng xốp, không cứng (HS: 3915.20.10); phế liệu và mẩu vụ của plastic (nhựa) từ polyme vinyl clorua (PVC): dạng xốp, không cứng (HS: 3915.30.10); tơ tằm phế liệu (kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế (Mã HS: 5003.00.00); thỏi đúc phế liệu (bằng sắt, thép, gang) nấu lại (Mã HS: 7204.50.00); Vonfram phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8101.97.00); Molypden phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8102.97.00); Magie phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8104.20.00); Titan phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8108.30.00); Zircon phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8109.30.00); Antimon phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8110.20.00); Crom phế liệu và mảnh vụn (Mã HS: 8112.22.00).

Tổng cục Hải quan cho biết, đối với 13 loại phế liệu nêu trên, căn cứ quy định tại Điều 3 Quyết định 28, doanh nghiệp được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật./.

Theo Báo Mới

Nine Dragons mở rộng quy mô các dự án sản xuất từ nguyên liệu bột gỗ

Nine Dragons Paper (Holdings), nhà sản xuất giấy bao bì công nghiệp lớn nhất ở châu Á, đang có kế hoạch tăng công suất bột gỗ thêm 600.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Shenyang, tỉnh  Liaoning, đông bắc Trung Quốc.

Kế hoạch dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022, bao gồm 300.000 tấn/năm bột giấy bán hóa và 300.000 tấn/năm bột giấy hóa nhiệt cơ tẩy trắng (BCTMP).

Dây chuyền bột giấy bán hóa tại nhà máy sẽ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế; nhà máy Shenyang hiện đang vận hành hai dây chuyền có tổng công suất 950.000 tấn/năm. Còn dây chuyền bột BCTMP sẽ được cung cấp cho các nhà máy của công ty ở các khu vực khác để sản xuất lớp giữa của bìa gấp hộp (boxboard).

Ngoài ra, Nine Dragons đã công bố một dự án khác tại nhà máy ở thành phố Jingzhou, tỉnh Hồ Bắc. Thàng 6/2020, công ty đã ký thỏa thuận mở rộng công suất bột giấy gỗ 550.000 tấn/năm và công suất bìa cứng 750.000 tấn/năm. Tới nay, công suất bột gỗ của nhà máy đã nâng lên 600.000 tấn/năm, bao gồm bột giấy bán hóa và bột BCTMP.

Tại Jingzhou, Nine Dragons có ý định xây dựng hai dây chuyền bìa cứng với tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm. Theo dự kiến dự án hoàn thành và ​​đi vào sản xuất vào cuối năm 2022.

   >>> Đông Nam Á: Nhu cầu tăng, thúc đẩy giá giấy bao bì hòm hộp tăng

Như vậy sau các dự án đầu tư này, tổng công suất giấy bìa bao gói của Nine Dragons tại Trung Quốc sẽ đạt mức 17,4 triệu tấn/năm./.

 Theo Fastmarkets RISI

Đông Nam Á: Nhu cầu tăng, thúc đẩy giá giấy bao bì hòm hộp tăng

Nhu cầu giấy bao bì hòm hộp sản xuất từ nguyên liệu giấy thu hồi tại thị trường Đông Nam Á có chiều hướng cải thiện trong Quý III/2020. Nguyên nhân giá tăng đối với sản phẩm này tại khu vực là do ảnh hưởng của nhu cầu nội địa và thị trường Trung Quốc đều tăng, chi phí giấy thu hồi (RCP) trong quý III cũng tăng cao hơn.

Vào cuối quý III, mức giá của các loại không đổi so với tháng 8, nhưng mức giá cuối của các loại được khảo sát đã tăng 10 USD/tấn, đạt 400-490 USD/tấn đối với giấy kraft-top liner, 350-410 USD/tấn đối với testliner và 320-370 USD/tấn giấy lớp sóng. Giấy duplex có tráng mặt xám tăng lên 450-510 USD/tấn từ mức 450-500 USD/tấn, giấy duplex có tráng mặt trắng lên 550-610 USD/tấn từ 550-600 USD/tấn so với mức giá trong tháng 7 và 8.

Các nhà quan sát thị trường đã thông báo, nhu cầu về giấy bao bì tái chế tăng trở lại ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, đây là 3 quốc gia đã có tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 thấp nhất tại khu vực kể từ quý 2 và nền kinh tế trong nước đã dần trở lại bình thường. Nhu cầu ở Indonesia và Philippines được cho là kém hơn, cả hai quốc gia đều phải đối phó với tỷ lệ lây nhiễm cao và hạn chế kinh doanh hoặc di chuyển. Các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á đều có số ca nhiễm thấp.

Mặc dù chưa chuyển thành sự bùng nổ nhu cầu trong khu vực, nhưng thị trường tiêu thụ đã nhận thấy sự gia tăng đóng gói xuất khẩu hàng hóa sang Bắc Mỹ và Châu Âu, bất chấp sự lan rộng của COVID-19 ở hai khu vực này.

Sự quan tâm của khách hàng và nhu cầu của thị trường Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy cải thiện đối với giấy bao bì công nghiệp tái chế Đông Nam Á trong giai đoạn này. Nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động trở lại sau khi các địa phương ổn định và kiểm soát được lây nhiễm COVID-19, và nhu cầu nguyên liệu khi ngành công nghiệp giấy Trung Quốc đang phải tính đến tác động của việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn RCP từ đầu năm 2021.

    >>> Thị trường RCP châu Á: Trung Quốc ngừng mua, giá sẽ giảm?

Với việc phục hồi nhu cầu, tỷ lệ hoạt động của các nhà máy sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế tại Đông Nam Á cũng đã tăng lên. Về chi phí RCP, do người mua Trung Quốc phải đảm bảo đủ thời gian hoàn tất thông quan trước cuối năm 2020, việc mua RCP để nhập khẩu vào Trung Quốc đang kết thúc trong tháng 10/2020.

Tuy vậy, các nhà sản xuất giấy, bìa Trung Quốc vẫn gia tăng đầu tư mạnh các công suất mới giấy bao gói tái chế và bột giấy tái chế ở những nơi khác – đặc biệt là ở Đông Nam Á – bởi vậy nhu cầu RCP trong trung hạn có thể vẫn ổn định. Điều đó sẽ khiến cho chi phí RCP ở Đông Nam Á vẫn đủ cao và tiếp tục là nguyên nhân để các nhà sản xuất tìm cách tăng giá.

Các nhà nghiên cứu và phân tích thị trường cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu đối với giấy bao bì hòm hộp tái chế  Đông Nam Á sẽ tiếp tục được cải thiện, do lệnh cấm nhập khẩu RCP tại Trung Quốc thực sự có hiệu lực từ 01/2021 và nền kinh tế thế giới dần hồi phục sau đại dịch COVID-19./.

Theo Fastmarkets RISI

Thị trường RCP châu Á: Trung Quốc ngừng mua, giá sẽ giảm?

Thị trường giấy thu hồi  (RCP) châu Á đang chuyển sang một thời kỳ mới: Trung Quốc đã phần lớn ngưng nhập khẩu RCP từ Mỹ và châu Âu và nguồn hàng này đang chuyển hướng sang các nước châu Á khác.

Hầu hết các khách hàng Trung Quốc đã sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu năm 2020. Việc đặt chỗ tàu vận chuyển RCP từ Mỹ và châu Âu đến Trung Quốc trong thời gian qua đã gặp trở ngại. Hoạt động mua bán RCP tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong hai tuần đầu tháng 10/2020, giá cả hầu như ổn định trong thời gian này.

Giá OCC (12) của Mỹ giữ nguyên ở mức 225 USD/tấn. Giá OCC cao cấp của Châu Âu và OCC của Nhật Bản vẫn giữ nguyên so với tuần cuối tháng 9 ở mức 180 USD/tấn và 185 USD/tấn, tương ứng.

Trong khi đó, giá OCC trong nước đã qua sử dụng, tương đương với OCC của Mỹ, đã giảm 33 NDT/tấn, chốt giá 2.430 NDT/tấn, tương đương 297 USD/tấn sau khi trừ 13% VAT và 150 NDT/tấn chi phí logistics.

Trong khi đó, khách hàng các nước châu Á khác đã dự đoán giá sẽ giảm khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu RCP. Một số nhà cung cấp đã thực sự giảm giá đối với OCC(11) cho khách hàng Đài Loan và Đông Nam Á với mức 5 USD/tấn so với tuần cuối tháng 9, xuống còn 155-165 USD/tấn. Khách hàng mua khối lượng lớn tại Đài Loan dự báo giá sẽ giảm hơn nữa trong tháng 10 và tháng 11 tới, và có thể sẽ dừng ở mức khoảng 150 USD/tấn.

Việc nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch tại Mỹ đã ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng cho châu Á, mặc dù Q4 là mua thu gom cao điểm tại Mỹ.

     >>> Giá giấy, bìa và hộp giấy ở Bắc Mỹ tăng từ tháng 11

Tại thị trường châu Á, giá OCC(11) của Mỹ ở mức 155-165 USD/tấn trong tuần đầu tháng 10, giảm 5 USD/tấn so với tuần cuối tháng 9. Giá về mức thấp của mức chênh lệch đã được báo cáo ở Đài Loan; khách hàng ở Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trả nhiều hơn một chút cho loại rời của Mỹ.

OCC (95/5) Châu Âu giảm 5-10 USD/tấn xuống 145-155 USD/tấn. OCC của Nhật Bản đã giảm 7 USD/tấn ở cuối biên độ xuống 170-178 USD/tấn.

Nhu cầu từ Trung Quốc đối với OCC Nhật Bản vẫn đang đẩy giá của loại này vì ở Trung Quốc vẫn tiếp tục mua loại hàng này cho đến cuối tháng 11 nhờ thời gian giao hàng ngắn./.

Theo Fastmarkets RISI

 

Amcor phát triển túi kéo có thể tái chế đầu tiên trên thế giới

Đây là bước đột phá kỹ thuật sau nhiều năm nghiên cứu và đầu tư chuyên sâu, điều mà trước đây được cho là không thể.

Sản phẩm sử dụng giải pháp AmLite HeatFlex Recyclable của Amcor. Công nghệ tiềm năng này được sử dụng trong nhiều ứng dụng, sản phẩm đựng trong túi có thời hạn sử dụng lâu dài, cần bao bì có độ bền cao và chịu nhiệt cao.

Tạo ra một phiên bản có thể tái chế được coi là một thách thức khó khăn vì vừa phải đáp ứng yêu cầu chức năng rất cao: chịu được khử trùng bằng nhiệt, ngăn chặn oxy và vi khuẩn, giữ thực phẩm an toàn mà không cần làm lạnh và đảm bảo thời hạn sử dụng lâu dài.

Bao bì túi kéo khóa kín miệng là một giải pháp thay thế hiện đại cho đồ hộp kim loại, có thể cải thiện lượng khí thải carbon của hàng trăm sản phẩm tiêu dùng nhờ trọng lượng nhẹ, tiết kiệm tài nguyên, dễ vận chuyển và giảm thiểu chất thải thực phẩm.

Sự đổi mới mang tính đột phá và mang tính độc đáo, cam kết giải pháp đóng gói bền vững. Amcor đang trên con đường thực hiện cam kết phát triển tất cả bao bì của mình có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025./.

    >>> Tetra Pak mở rộng chương trình tái chế học đường ở Hà Nội

Theo Fastmarkets RISI

Tetra Pak mở rộng chương trình tái chế học đường ở Hà Nội

Theo đó, chương trình sẽ được triển khai tại 1.600 trường tiểu học, mầm non tham gia trong năm học 2020 – 2021, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

“Mặc dù hộp giấy đựng đồ uống có tính bền vững cao hơn các loại bao bì khác nhờ có cấu tạo 75% từ nguyên liệu giấy có thể tái tạo và có chứng nhận FSC, nhưng chúng tôi quyết tâm giảm hơn nữa các tác động tới môi trường của hộp giấy thông qua việc mở rộng những chương trình thu gom và tái chế như thế này”, bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc Phụ trách Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam chia sẻ.

Trước đó, trong năm học 2019 – 2020, chương trình đã được triển khai cho gần 1.200 trường tiểu học và mầm non tại 18 quận huyện TP.HCM và 19 quận huyện TP. Hà Nội, thu hút gần 3.000 giáo viên và 800.000 học sinh tại hai thành phố tham gia.

Mặc dù gián đoạn gần nửa năm do dịch Covid-19, chương trình đã thu gom 269 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế.

Tiếp nối thành công của chương trình trong năm trước, chương trình tái chế học đường năm nay sẽ tiếp tục hướng dẫn các em học sinh cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định.

Vỏ hộp giấy sau đó được Công ty Lagom thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về Nhà máy Giấy Đồng Tiến tại Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp và tấm phẳng sinh thái…

Là công ty Thụy Điển, Tetra Pak luôn đặt chất lượng và bền vững là nền tảng cho mọi hoạt động của mình. Chính vì vậy, Tetra Pak liên tục thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống do Công ty cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Trong đó, chương trình tái chế học đường là sáng kiến được Công ty thí điểm vào năm 2017 tại TP.HCM và chính thức triển khai trên diện rộng vào năm 2019 tại Hà Nội.

Bên cạnh chương trình tái chế học đường, Công ty đang không ngừng mở rộng mạng lưới 56 điểm thu gom tại nơi công cộng để người tiêu dùng có thể dễ dàng mang vỏ hộp giấy đã qua sử dụng đến để đưa đi tái chế.

Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak cùng với 8 nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu Việt Nam đã sáng lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu là toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên trong Liên minh sẽ được tái chế vào năm 2030.

    >>> Giá giấy, bìa và hộp giấy ở Bắc Mỹ tăng từ tháng 11

Theo Đầu tư