Cầu tăng, cung giảm: giá OCC, SOP, mixed paper tăng tại Mỹ

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thị trường, trong tháng 5/2020, giá giấy thu hồi của Mỹ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều sẽ tăng. Nguyên nhân là do lượng giấy OCC tại một số nhà máy đã giảm khoảng 40-50%, vì nguồn cung từ các dịch vụ ăn uống, siêu thị, cửa hàng đều không phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Do thiếu nguồn cung nên các nhà máy ở Mỹ đã chuyển sang tìm kiếm các loại xơ sợi thu hồi khác. Nhiều nhà máy sản xuất giấy bao bì hòm hộp và giấy tissue đã phải sử dụng nguyên liệu mixed paper để thay thế. Bên cạnh đó, các nhà máy giấy tissue cũng đã mua cả bột gỗ mài làm nguồn nguyên liệu bổ sung. Chính điều này cũng là điều kiện để đẩy cao giá của các loại giấy có tráng sản xuất từ bột gỗ, tạp chí cũ (OMG) và giấy báo sạch (OINP). Giá mixed paper tiêu thụ trong nước đã tăng vọt lên 15 USD/tấn và giá xuất khẩu tăng 10USD/tấn.

Trong tháng 4, một số nhà máy sản xuất giấy bao bì hòm hộp đã buộc phải hoạt động dưới công suất hoặc ngừng máy, tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 5. Do vậy, các nhà máy đều đang đẩy mạnh dự trữ OCC để duy trì hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Mặc dù giá tăng nhưng xuất khẩu lại chậm và gián đoạn. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và các nước châu Á khác giảm vì các nhà máy sản xuất giấy bao bì hòm hộp tại khu vực này đang phải hoạt động cầm chừng, duy trì mức công suất tối thiểu nhằm đối phó với việc giảm giá và giảm nhu cầu giấy bao bì thành phẩm./.

Theo PPI Pulp&Paper Week

DHC – Ngành bình thường, cổ phiếu phi thường

Tiềm năng ngành giấy tại Việt Nam

Theo Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA), ngành giấy có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% (giai đoạn 2000-2007) và 16% (giai đoạn 2007-2017). Trong đó, giấy bao bì có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất (dự kiến trong 5-10 năm tới là 14-18%/năm). Trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư lớn đang hoạt động với công suất mỗi dự án khoảng 400,000-500,000 tấn/năm. Một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1,000,000 tấn giấy bao bì/năm.

Sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1.5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chủ đạo là trong khu vực, như Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 67%, các quốc gia châu Á khác 26%, châu Phi 2.8%, Bắc Mỹ 2.5%, châu Âu 1.7%.

Ngành giấy cung cấp nhiều sản phẩm cho mục đích đa dạng: hoạt động văn hoá xã hội, hoạt động giáo dục, sản xuất, nghiên cứu… Tiêu thụ giấy bình quân của Việt Nam còn khá thấp, mới đạt 50.7kg/người/năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/năm, Thái Lan 76 kg/người/năm, Mỹ và EU 200-250 kg/người/năm. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng cho ngành giấy vẫn còn khá lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang phải đối mặt với không ít thách thức về chính sách cũng như quy mô sản xuất. Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nếu kéo dài có thể sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư, máy móc và thiết bị ngành giấy, lao động. Tình trạng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước kém do kinh tế suy giảm có thể làm tăng hàng tồn kho, cạnh tranh cao, gây áp lực mạnh đến doanh nghiệp.

Nguồn: VPPA

Kết quả kinh doanh khả quan

Thị trường tiêu thụ chính về bao bì của DHC là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các khách hàng chính là các công ty chế biến thủy sản (chiếm khoảng 45% doanh thu mảng bao bì), khoảng 20% đến từ các công ty may mặc và dược phẩm, phần còn lại cho các khách hàng nhỏ lẻ. Tại khu vực này, DHC là một trong những doanh nghiệp lớn nhất với thị phần khoảng 30%.

Hoạt động kinh doanh của DHC tăng trưởng khá tốt trong những năm gần đây. Kết thúc quý 1/2020, DHC đạt doanh thu gần 671 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 89 tỷ đồng, lần lượt gấp 3.3 lần và 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này đạt được là nhờ nhà máy Giao Long – giai đoạn 2 đi vào hoạt động chính thức từ tháng 09/2019 giúp sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh. Trong khi đó, giá giấy nguyên liệu mua vào vẫn ổn định giúp doanh thu của Công ty tăng vọt.

Theo như kế hoạch của Trung Quốc nhằm chấm dứt nhập khẩu giấy carton cũ (OCC) vào năm 2021, nếu được thực hiện, sẽ có áp lực giảm giá lên OCC – nguyên liệu chính cho các nhà sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam và có thể hỗ trợ biên lợi nhuận của các công ty sản xuất giấy như DHC.

Nguồn: VietstockFinance và Báo cáo thường niên DHC

Nhà máy Giao Long 2 đã đi vào hoạt động

Sau quá trình xây dựng 3 năm, nhà máy sản xuất giấy Giao Long 2 của DHC đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/09/2019 với công suất thiết kế là 220,000 tấn/năm. Như vậy, tổng công suất sản xuất giấy kraft của DHC sau khi nhà máy mới vận hành là 280,000 tấn/năm (gấp 3.7 lần công suất nhà máy Giao Long giai đoạn 1). So với các nhà máy sản xuất bao bì khác đã được đầu tư/sẽ được đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn 2017- 2020, nhà máy Giao Long 2 của DHC có chi phí đầu tư thấp hơn trong khi sử dụng công nghệ lõi của Đức giúp đảm bảo chất lượng.

Theo DHC, nhà máy Giao Long 2 đã được vận hành với 100% hiệu suất hoạt động trong giai đoạn tháng 10-11/2019. DHC có kế hoạch nâng công suất bao bì thêm 130% năm 2021 trong khi có kế hoạch sản xuất giấy kraft (có giá cao hơn 40%-50% so với các sản phẩm hiện tại của DHC) trong năm 2020.

Nguồn: DHC

Định giá cổ phiếu

Thông tin đáng chú ý gần đây đối với DHC là việc cổ đông lớn Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P đánh tiếng muốn thoái hết vốn. Cổ đông này hiện sở hữu gần 7.7 triệu cổ phiếu tương đương 13.7% vốn tại DHC.

Daiwa-SSIAM đã đăng ký bán hết lượng cổ phiếu trên từ ngày 18/03-16/04/2020 nhưng giao dịch không thành công do thị trường chưa thuận lợi.

Do DHC hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành giấy đang niêm yết trên sàn nên người viết không so sánh với các doanh nghiệp nội địa. Thay vào đó là sử dụng các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới có mức vốn hóa thị trường bằng hoặc lớn hơn DHC để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu. Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn chủ yếu nằm trong khu vực châu Á.

Nguồn: Investing.com và TradingView

Mức P/E trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới là 10.06 lần.

DHC chia cổ tức khá đều trong nhiều năm nên mô hình chiết khấu cổ tức DDM (Dividend Discount Model) cũng có thể sử dụng trong trường hợp này.

Ta có mức định giá tổng hợp của DHC là 41,815 đồng. Việc mua vào có thể thực hiện nếu giá rơi xuống dưới ngưỡng 33,500 đồng (chiết khấu 20% so với giá trị định giá của cổ phiếu).

Theo Vietstock

Kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn tiền thuế VAT cho doanh nghiệp

Trong dự thảo nghị quyết vừa trình Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch – đầu tư đề xuất hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến tháng 9 năm 2020 đối với các nguyên liệu, vật tư hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch như dệt may, da giày, sản xuất đồ uống…

Mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này có thêm nguồn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian chưa tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ đầu ra.

Đồng tình với việc gia hạn tiền thuế VAT, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng bản chất của thuế VAT là thuế gián thu, doanh nghiệp chỉ nộp hộ người tiêu dùng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên giãn thêm thời hạn nộp thuế này. Doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn tiền để sử dụng.

Thực tế, trước tác động của đại dịch, khó khăn chung của doanh nghiệp là dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh thu không có hoặc giảm mạnh trong khi những khoản vẫn chi khác như mặt bằng, nhân công… vẫn phải chi trả.

Theo tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính, tại Nghị định 41 về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Chính phủ cũng đang gia hạn 5 tháng tiền thuế VAT phát sinh tháng 3, 4, 5 và 6.

Hiện Việt Nam tạm thời khống chế được dịch này nhưng để hoạt động sản xuất kinh doanh được trở lại bình thường thì có lẽ còn rất lâu nữa bởi các bạn hàng, đối tác của VN là EU, Mỹ… đang phải cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch này, do đó, việc kéo dài thời gian gia hạn thuế VAT là rất cần thiết, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp lúc khó khăn này.

Và để Chính phủ có thêm nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị Chính phủ nên đặt ra chỉ tiêu tiết kiệm chi cho các bộ ngành bằng tỉ lệ cụ thể như 3-5 hay 7% dự toán chi thường xuyên.

Chẳng hạn, về việc thu, nhiều năm gần đây, theo ông Thịnh, Chính phủ cũng giao ngành thuế, hải quan phấn đấu tăng khoảng 5% so với dự toán, vì thế về chi cũng vậy, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, số thu ngân sách chắc chắn bị ảnh hưởng, các cơ quan, bộ ngành cũng cần rà soát, cắt giảm, áp dụng các giải pháp công nghệ vào quản lý điều hành để tăng hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi ngân sách.

“Đây là lúc các bộ ngành, Chính phủ cơ cấu lại hoạt động của mình. Về biên chế và các chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm… đã phù hợp hay chưa?” – ông Thịnh đặt vấn đề.

Tại dự thảo, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước, 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Về nội dung này, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng việc cắt giảm này ở riêng các bộ ngành trung ương thôi thì mỗi năm ngân sách tiết kiệm chi được khoảng 700 tỉ đồng.

Giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, ngân hàng

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết trong ngày 5-5 đã ban hành 3 thông tư giảm lệ phí cho doanh nghiệp. Thời gian áp dụng từ ngày 5-5 đến hết năm nay.

Cụ thể, giảm 50% lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Mức phí đã được giảm mạnh, từ 35 – 70 triệu đồng/lần cấp.

Ngoài ra, phí và lệ phí trong lĩnh vực xây dựng như lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở… cũng được giảm còn một nửa so với trước đây.

Trong lĩnh vực du lịch, một loạt loại phí cũng được giảm 50% gồm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Theo Tuổi trẻ

Giấy Hoàng Hà Hải Phòng tiếp tục niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE

Ngày 6/4/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng. Khối lượng cổ phiếu đăng ký là 18 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán HHP, loại cổ phiếu phổ thông.

HHP chào sàn HNX với 10 triệu cổ phiếu vào ngày 8/8/2018, giá tham chiếu 12.600 đồng/cổ phiếu. Sau hơn 1 năm lên sàn, Công ty đã thực hiện phát hành 6,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng VĐL và phát hành 1,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2018.

Theo HNX, HHP dự kiến tháng 6/2020 sẽ Tổ chức hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Ngày 09/9/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng do CTCP Chứng khoán Dầu khí tư vấn.

Tuy nhiên, ngày 18/10/2019, SGDCK TP.HCM nhận được công văn số 1610/2019/HHP-CV ngày 16/10/2019 của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng về việc xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty tại Sở.

Và đến nay, ngày 6/4/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, Giấy Hoàng Hà Hải Phòng ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 368 tỷ đồng, tăng hơn 122 tỷ so với năm 2018, đạt mức tăng trưởng vượt 49,98%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14 tỷ, tăng 39,37% so với năm 2018.

Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng thành lập ngày 05 tháng 11 năm 2012 với vốn góp ban đầu là 18 tỷ đồng nhằm thực hiện tái cấu trúc nhà máy sản xuất giấy Đức Dương đang đứng trước bờ vực phải đóng cửa. Sau 8 năm hoạt động, năm 2019 vốn điều lệ tăng lên gấp 10 lần, đạt 180 tỷ đồng.

Công ty chuyên cung cấp những sản phẩm giấy Kraft sóng mang thương hiệu Hoàng Hà. Trong những năm qua, Hoàng Hà Hải Phòng đã không ngừng nỗ lực phát triển, tăng cường năng lực tài chính đảm bảo các hoạt động kinh doanh bền vững.

Sau hơn 8 năm đi vào hoạt động, Công ty đã và đang khẳng định được vị thế, tạo dựng được thương hiệu, chiếm được lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì carton.

Công ty cũng vừa hoàn tất quá trình đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp thêm dòng giấy Chipboard cho thị trường ống lõi, bìa… với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là sản xuất, kinh doanh giấy Kraft – nguyên liệu chính cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì carton.

VPPA

Valmet cung cấp dây chuyền xeo giấy và lò hơi thu hồi cho Sun Paper

Công ty Sun Paper Trung Quốc đặt hàng Valmet cung cấp một gói thiết bị bao gồm: một máy xeo giấy in cao cấp, hệ thống chuẩn bị bột, một cụm tự động hóa và lò hơi thu hồi cho nhà máy Beihai, Trung Quốc. Tổng giá trị đơn hàng của Valmet khoảng 150 triệu EUR. Ngoài ra, Valmet cũng sẽ cung cấp một hệ thống chuẩn bị bột cho một nhà máy khác của Sun Paper.

Dây chuyền xeo giấy in cao cấp có khổ lưới rộng 11,15m, công suất 500.000 tấn/năm, sản phẩm đầu ra là giấy in không tráng chất lượng cao từ bột hóa học (WFU), định lượng cơ bản 50 – 100 g/m2. Tốc độ thiết kế của máy là 1.800 m/phút.

Dây chuyền sản xuất giấy in cao cấp gồm: một máy xeo giấy hoàn chỉnh (PM1) từ khâu chuẩn bị bột, đến cuộn lớn lô cuộn máy xeo ra hai lô cuộn lại, các hệ thống khí nén, chuẩn bị hóa chất và quy trình liên quan… Hệ thống chuẩn bị bột cho PM1 bao gồm các bộ phận xử lý bột gỗ mềm, gỗ cứng và BCTMP, thu hồi bột, phối trộn bột giấy và bộ phận phun bột.

Gói tự động hóa bao gồm hệ thống điều khiển phân tán bột DNA Valmet, hệ thống truyền động và giám sát vận hành, máy phân tích phần ướt của máy xeo, hệ thống quản lý chất lượng Valmet IQ và các tài liệu đi kèm.

Nồi hơi thu hồi hiệu suất cao mới với công suất 4.600 tDS/ngày (tấn chất rắn khô mỗi ngày). Lò hơi thu hồi có nhiều tính năng, công suất cao, bao gồm quá trình làm nóng sơ bộ nhiều giai đoạn của nước cấp và thu hồi nhiệt từ khói và khí thông hơi đến khí đốt. Hệ thống không khí đa cấp giúp tối ưu hóa quá trình đốt cháy để đạt mức NOx và SO2 thấp.

Dự kiến dây chuyền sản xuất giấy và nồi hơi thu hồi của Sun Paper tại Beihai sẽ khởi chạy trong năm 2021./.

Theo www.paperage.com

Thị trường châu Á: Giá OCC tăng mạnh; giấy bao bì tiêu thụ chậm, giá giảm

Đại dịch COVID-19 đã khiến nguồn OCC dự trữ tại các nhà máy dần cạn kiệt và tiếp tục đẩy giá nhập khẩu giấy thu hồi (RCP) từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản tăng cao ở thị trường Châu Á. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì tái chế giảm và giá xuống thấp.

Nguồn cung RCP tại Mỹ giảm vì nhu cầu tiêu thụ và giá nội địa tăng cao, khiến các nhà cung cấp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Tại một số nước xuất khẩu RCP lớn các nhà cung cấp có thể sẽ cắt giảm khối lượng RCP hoặc ngừng cung cấp hoàn toàn.

Dự báo, giá RCP rất có thể sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5/2020. Thậm chí, giá OCC(12) của Mỹ bán cho khách hàng Trung Quốc có thể lên đến 240 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức hiện tại. OCC(11) Mỹ hiện được cung cấp tại các quốc gia châu Á (không tính Trung Quốc) có giá trên 200 USD/tấn. Cùng xu hướng đó, giá chào bán của OCC Châu Âu và Nhật Bản cũng đang tăng cao và nguồn cung cũng trở nên khan hiếm.

Khách hàng châu Á đang rất bất ngờ với mức giá tăng chóng mặt. Họ đang hy vọng Châu Âu và nhiều bang của Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh phong toả trong tháng 5/2020, và nguồn cung RCP sẽ được cải thiện và khiến giá giảm xuống. Nhiều nhà máy tại châu Á đã chọn phương án cắt giảm lượng nhập khẩu OCC và duy trì hoạt động nhà máy dưới công suất hoặc ngừng máy.

Tại Đài Loan và Đông Nam Á, OCC (11) của Mỹ có giá 195-200 USD/tấn, tăng vọt 15-20 USD/tấn so với tuần cuối tháng 4/2020. Ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, người mua hầu hết đã từ chối mức giá OCC Mỹ trên 180 USD/tấn, OCC Châu Âu và Nhật Bản có giá hơn 170 USD/tấn. OCC Châu Âu (95/5) tăng đột biến, đạt mức 185-190 USD/tấn, tăng 20-35 USD/tấn. Giá OCC Nhật Bản đã tăng 20 USD/tấn lên 175-185 USD/tấn trong hầu hết các giao dịch mua hàng diễn ra ở Đài Loan và Việt Nam.

Tại Nhật Bản, lệnh phong tỏa có thể sẽ kéo dài đến 7/6. Điều đó khiến nguồn cung RCP tại đây bị ngưng trệ do các trường học, nhà hàng và nhiều cửa hàng kinh doanh đều đóng cửa. Trong nước, các nhà máy Nhật Bản tiếp tục giữ nguyên khối lượng RCP thu mua. Tuy nhiên, mức giá bán trong nước lại đang cao hơn so với giá RCP xuất khẩu.

Trong tháng 4, tại Trung Quốc, do nhu cầu của thị trường hạn chế nên giá các loại giấy bao bì đồng loạt giảm, trong đó có OCC nội địa, giấy in cao cấp, bìa hộp. Cụ thể, so với OCC Mỹ, OCC Trung Quốc giá giảm khoảng 30-50 RMB/tấn, ở mức 1.810-2.140 RMB/tấn, tương đương 228-249 USD/tấn sau khi trừ 13% VAT và 150 RMB/tấn phí logistics./.

Theo PPI Asia (FastMarkets RISI)

Ngày 9-5, Thủ tướng đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp hậu COVID-19

Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Hội nghị bắt đầu từ 8h sáng ngày 9-5 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức tốt hội nghị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Đài truyền hình Việt Nam: tuyên truyền về Hội nghị trước, trong, sau thời gian diễn ra hội nghị; tạo chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp trước, trong hội nghị.

Đồng thời, tổng hợp các báo cáo chuyên đề, tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp để chuẩn bị tài liệu, tư liệu của hội nghị.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị thông qua kênh trực tuyến và của các đại biểu, doanh nghiệp dự hội nghị hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các nhiệm vụ liên quan (sản phẩm đầu ra của hội nghị), báo cáo Thủ tướng trước ngày 16-5.

Đài truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền hình trực tiếp hội nghị.

Các bộ, ngành chuẩn bị tham luận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị như chỉ đạo của Thủ tướng ngày 15-4; chủ động xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được ví như là “Hội nghị Diên Hồng” được Thủ tướng tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ. Cùng với hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 9-5, đây là hội nghị lần thứ 4 mà Thủ tướng trực tiếp với doanh nghiệp.

Sau khi lắng nghe những kiến nghị, khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại các cuộc đối thoại, Thủ tướng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Người lao động Tổng Công ty Giấy đóng góp 200 triệu đồng chống dịch Covid-19

Hưởng ứng lời phát động, kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công đoàn đã trích 200 triệu đồng từ Quỹ an sinh xã hội do người lao động đóng góp để chuyển trực tiếp vào số tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người lao động chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch thông qua các công đoàn cơ sở. Đồng thời, vận động để người lao động nhắn tin qua tổng đài 1407 để động viên, hỗ trợ các cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ đang ngày đêm trở thành “lá chắn” để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân”, ông Nguyễn Xinh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam chia sẻ.

Cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của người lao động Tổng công ty Giấy Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, việc người lao động của Tổng công ty quan tâm đóng góp vật lực và tinh thần đã có ý nghĩa to lớn đối với các lực lượng đang trực tiếp tham gia chống dịch tuyến đầu với rất nhiều khó khăn. Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ chuyển số kinh phí này về Ban chỉ đạọ Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để phân bổ về các cơ quan, nhằm chăm lo kịp thời đến các cán bộ đang phòng chống dịch.

Ông Dũng cũng mong muốn trong thời gian tới, người lao động của Tổng công ty tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, Công đoàn nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của năm 2020.

Ông Nguyễn Xinh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam (trái) chia sẻ nguyện vọng chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của người lao động.

Chia sẻ với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Xinh cho biết, toàn Tổng Công ty hiện có gần 5.000 công nhân lao động làm việc tại các đơn vị. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, nhất là mặt hàng giấy trắng phục vụ in ấn và dùng cho học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có đơn vị nào của Tổng Công ty phải giảm việc, ngừng việc, nên vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tổng công ty cũng đã xây dựng nhiều phương án để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Theo Tạp chí Công Thương

Cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường: Bài toán “sống còn” của ngành Giấy

Không nằm ngoài quỹ đạo đó, ngành công nghiệp này tại Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, đây cũng là ngành có thị trường rất rộng và hợp tác với nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và chế tạo thiết bị…

Những đóng góp của ngành công nghiệp giấy và bột giấy là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành phát sinh nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước.

Thực tế cho thấy tại Việt Nam, không ít nhà máy giấy từng đứng trước thách thức lớn về môi trường vì không đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc không xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông, hồ, biển, dẫn đến gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, khi quy trình sản xuất không được tối ưu hóa thì việc lãng phí nguyên, nhiên liệu cùng việc tạo ra khí thải cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

Những bài học “xương máu” từ Formosa, Vedan… vẫn còn đó như lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp khi xem nhẹ yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất và xử lý chất thải. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cách mà một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Giấy An Hòa (Tập đoàn Geleximco) cải thiện sản xuất, đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường là điều các doanh nghiệp giấy cần tham khảo.

Không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường!

Ông Nguyễn Văn Anh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giấy An Hòa – đơn vị sở hữu và vận hành Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa cho biết, đơn vị nhận thức sâu sắc việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh tức là đang xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của đơn vị mình cho nên ngay từ khi thành lập, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra định hướng chiến lược phát triển bền vững với quan điểm không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường.

Đơn cử như năm 2016, nhà máy đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải, từ đầu vào tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cụ thể, nước sau khi xử lý luôn luôn đạt tiêu chuẩn loại A – Quy chuẩn Việt Nam QCVN12-2015 của Bộ TN&MT về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy.

Năm 2017, giấy An Hòa đã trở thành đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải trước khi xả ra môi trường…

 

Ngoài ra, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa Tuyên Quang, đơn vị trực thuộc Công ty CP Giấy An Hòa, ngày càng phát huy tốt vai trò quản lý và vận hành các trung tâm nghiên cứu, ươm giống theo công nghệ hiện đại, cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc phát triển cây rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ…

Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, các phong trào bảo vệ môi trường cũng đều được cán bộ, nhân viên và người lao động giấy An Hòa tuân thủ một cách tự giác và nghiêm ngặt.

Từ những đầu tư đó, nhiều năm qua, giấy An Hòa không chỉ là đơn vị có công suất sản xuất bột giấy và giấy cao cấp lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp điển hình trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam, được các cấp, ban ngành, lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương đánh giá cao. Đồng thời, đó cũng là cách để đơn vị này từng bước chinh phục thị trường và trở thành cái tên mang nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung của ngành giấy nói riêng.

Theo Công Thương

PGS.TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới!

-Singapore hiện là nước có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất Đông Nam Á. Là người đang sinh sống và làm việc tại đây, theo ông quan sát, tâm lý, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đang như thế nào?

Đến ngày 27/4, số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore là 13.624, cao hơn rất nhiều so với Indonesia – quốc gia có số lượng người nhiễm đứng thứ hai ở khu vực là 8.882. Tình hình số ca nhiễm ở Singapore dự kiến còn tăng ở mức 500 -1.000/người/ngày trong ít ngày nữa khi Singapore xét nghiệm tổng thể tất cả các khu có nguy cơ lây nhiễm. Sau đó, tình hình sẽ tốt lên căn bản và nhanh chóng.

Tuy các con số cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng tâm lý và niềm tin của người dân và doanh nghiệp đều khá ổn. Việc đi lại và thể dục ngoài trời của người dân, hoạt động của hệ thống giao thông công cộng, mua sắm ở các chợ thực phẩm cơ bản vẫn bình thường. Điểm khác là Chính phủ ban hành và giám sát ngặt nghèo về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

-Theo ông, đâu là những bài học đáng chú ý mà Singapore có thể rút ra từ thực tế này?

Mỗi quốc gia đều có thể thu được ít nhất một trong ba lợi ích quan trọng từ đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, dịch bệnh giúp mỗi quốc gia tìm được những tử huyệt mà lúc thường ít ai nghĩ tới.

Thứ hai, quốc gia đó có thể khẳng định hoặc bộc lộ điểm mạnh đặc sắc của mình. Lợi ích này đặc biết lớn với những đất nước mà trước nay thế mạnh này ít được thế giới biết đến.

Thứ ba, đại dịch cũng thôi thúc các quốc gia thực hiện những quyết sách và giải pháp tưởng như không thể làm được trong thời kỳ trước đó.

Với Singapore, lợi ích thứ nhất và thứ ba là rất lớn. Về lợi ích thứ nhất, họ nhận ra điểm tử huyệt trong cuộc chống đại dịch Covid-19 là mắc vào cạm bẫy năng lực.

Họ dựa vào cách làm đã thành công trong quá khứ để giải quyết bài toán mới. Cạm bẫy này thường bắt ta phải trả giá đắt trong trường hơp gặp phải biến cố “thiên nga đen” – là loại biến cố thường làm người phạm sai lầm rất lớn nếu suy đoán dựa trên các mô hình đã biết.

Sai lầm của Singapore là chủ yếu dựa vào các giải pháp đã giúp thành công trong chống dịch SARS năm 2003, do vậy không chú ý thích đáng tới cộng đồng 300.000 công nhân lao động nhập khẩu từ Nam Á sống trong hơn 40 ký túc xá tập trung. Các công nhân này khỏe nên nhiều người nhiễm mà không có triệu chứng lâm sàng nên vẫn đi làm, tụ tập trước khi được phát hiện.

Với lợi ích thứ ba, Singapore tuân thủ một nguyên tắc “thép” là luôn nhìn thẳng vào sự thật, dù phũ phàng đến đâu. Thất bại là liều thuốc rất quý để Singapore hiểu rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì trước những thách thức mới. Vì vậy, họ chắc sẽ có những bước tiến vượt bậc trong cải cách và phát triển trong thời gian tới.

-Vậy nhìn về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về công tác chống dịch của Chính phủ cho đến thời điểm hiện tại?

Việt Nam đã nổi lên xuất sắc trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19. Thế mạnh tiềm tàng của khả năng phối hợp trong chỉ đạo của Chính phủ, sự gắn kết xã hội và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân đã làm nên kỳ tích vừa qua.

Vì vậy, lợi ích thứ hai mà tôi nói ở trên là rất lớn với Việt Nam. Nó là một minh chứng có sức thuyết phục rằng đất nước có khả năng tiềm ẩn làm thế giới phải ngạc nhiên, vị nể, đặc biệt khi đứng trước những thách thức toàn cầu.

-Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định cơ bản dừng giãn cách trên toàn quốc và nhấn mạnh đến tinh thần chung sống an toàn với dịch. Ông đánh giá như thế nào về phương án này?

Đây là quyết định sáng suốt và dũng cảm. Chúng ta cần chuẩn bị cho cả việc duy trì hoạt động bình thường khi tình huống lây nhiễm tiếp tục xảy ra.

Chúng ta sẽ có những đội phản ứng nhanh, xử lý quyết đoán, để ca nhiễm cá biệt không ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Thế hệ hôm nay cần có những bản lĩnh và ý thức trách nhiệm mà cha anh đã có trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt – không chỉ có thể sống chung và với bom đạn mà còn làm nên những kỳ tích trong tình thế đầy thách thức này.

-Ông từng đề cập đến việc phải phát huy sức mạnh cộng hưởng của chính quyền, người dân, doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy được sự phát triển kinh tế. Nhìn riêng với những kết quả đạt được tính đến nay ở Việt Nam, sức mạnh này được phát huy như thế nào?

Sức mạnh một dân tộc trong công cuộc phát triển được quyết định bởi 3 động lực chủ đạo: xúc cảm, khai sáng, và năng lực phối thuộc-cộng hưởng.

Người Việt đã được tôi luyện trong lịch sử hàng ngàn năm đau thương và hùng tráng, sức mạnh của động lực xúc cảm rất lớn, nếu không nói là vô song.

Công cuộc cải cách trong hơn 3 thập kỷ qua đã nâng tầm khai sáng và khả năng phối thuộc – cộng hưởng của Việt Nam lên rất nhiều. Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước những triển vọng rất lớn để tạo nên những biến chuyển ngoạn mục, làm thế giới kinh ngạc trong những năm tới.

-Vậy cơ hội từ những sự kinh ngạc đó sẽ là gì?

Là đẩy nhanh công cuộc phát triển với một chiến lược đặc sắc, tạo nên sức mạnh trỗi dậy của dân tộc với sự cộng hưởng của ba thế mạnh: vị thế, tâm thế, và địa thế.

Phải nhấn mạnh lại là kể từ khi cải cách bắt đầu, chưa bao giờ Việt Nam được chú ý với thái độ vị nể như hiện nay. Do đó, mỗi cải cách tiếp theo nếu được thiết kế kỹ càng, hiệu ứng cộng hưởng này sẽ rất lớn.

-Và để tận dụng, chúng ta cần phải làm như thế nào?

Trong nỗ lực cải cách tôi cho rằng cần chú ý xây dựng hệ sinh thái phát triển sống động. Trong hệ sinh thái này có 3 mối quan hệ cần được đặc biệt chú ý. Đó là “tương sinh”, “cộng sinh” và “ký sinh”.

Tương sinh là mối quan hệ tương tác làm các thành viên đều được hưởng lợi từ sự mạnh lên của mỗi thành viên.

Cộng sinh là sự chung sống thuận hòa, các thành viên cần có nhau để cùng tồn tại cho dù lợi ích cộng hưởng không đáng kể.

Ký sinh là mối quan hệ mà một số thành viên hưởng lợi từ việc làm hại cộng đồng giống như loại ruồi muỗi.

Cải cách chiến lược cần đặc biệt chú trọng tạo môi trường và thúc đẩy để các quan hệ tương sinh bừng nở và phát triển. Đồng thời khuyến khích cộng sinh, và quyết liệt triệt giảm các quan hệ ký sinh.

Về thúc đẩy tương sinh, Việt Nam cần tạo những điều kiện đặc biệt để TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lớn mạnh vượt bậc trong các năm tới. Quan hệ tương sinh của hai thành phố này với các tỉnh và nền tảng phát triển của Việt Nam là rất lớn. Hai thành phố mạnh lên 1, Việt Nam mạnh lên 5-10 lần.

Với ký sinh, chúng ta cần hiểu dạng thức này tồn tại rất tinh vi và dai dẳng. Khó khăn trong cải cách của Việt Nam trong một số lĩnh vực mà ai cũng thấy cấp thiết không phải là do thiếu kiến thức hay năng lực mà là do có một bộ phận hưởng lợi từ nó.

Vì vậy, để triệt tiêu loại hình quan hệ tai hại này, chúng ta rất cần ánh sáng mặt trời của sự minh bạch và sự giám sát từ người dân, dù là trong xuất khẩu gạo hay mua thiết bị y tế.

-Trong quý I/2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 3,82%. Ông nhìn nhận như thế nào về con số này?

Đây là một kết quả khá tốt so với các nước trong khu vực khi tăng trưởng Trung Quốc giảm 6,8%; Singapore giảm 2,2%.

Tuy nhiên, theo tôi, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II 2020 sẽ thấp hơn nhiều và có thể ở vào khoảng 1-3%.

Lý do chính của việc sụt giảm này là các ngành dịch vụ chiếm trên 20% GDP bị giảm rất mạnh, trong khi các ngày khác cũng bị chậm lại nhiều. Nếu giả sử 80% nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao là 5% và khu vực dịch vụ chiếm 20% tỷ trọng nền kinh tế này bị giảm 15% thì tăng trưởng quý II sẽ chỉ ở mức 80% x 5%- 20% x 15% = 1%.

Nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị cho một mức tăng trưởng thấp chưa từng thấy trong quý II trước khi kinh tế phục hồi.

-Việt Nam có thể tham khảo thêm những điều gì từ chính sách của Chính phủ Singapore hỗ trợ doanh nghiệp và người dân?

Tôi thấy có 3 cách tiếp cận khá hiệu quả. Thứ nhất, mức giảm thuế bằng 25% mức thuế vừa đóng và không quá 15.000 USD/doanh nghiệp. Nghĩa là hỗ trợ dựa trên đóng góp.

Thứ hai, quỹ cho vay của Chính phủ hoàn toàn thông qua ngân hàng. Chính phủ bảo lãnh tới 80% mức vay. Như vậy nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng chịu 20%. Thêm nữa, các doanh nghiệp không phải trả gốc mà chỉ phải trả lãi (theo mức thị trường với ưu đãi không lớn) cho tới 31/12/2020.

Thứ ba, các doanh nghiệp vay phục vụ để chuyển đổi số được ưu đãi đặc biệt hơn. Với các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống muốn đầu tư bán hàng qua mạng thì có thể được hỗ trợ đến 90%.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được một tỷ lệ bao cấp đến 70% nếu sử dụng dịch vụ tư vấn, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nhân.

-Đã có ý kiến cho rằng mở cửa thị trường nội địa sẽ là gói cứu trợ lớn nhất cho Việt Nam. Quan điểm của ông?

Tôi đồng ý đây là một gói cứu trợ hiệu quả hơn nhiều so với các gói cứu trợ tài chính. Còn nói đến gói cứu trợ lớn nhất mà Chính phủ có thể làm được, theo tôi, là những quyết sách cải cách khiến thế giới kinh ngạc, lòng dân rung động, và làm dấy lên cao độ ý chí và ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

-Nhưng nếu mở cửa thị trường nội địa trong bối cảnh thế giới dịch bệnh vẫn phức tạp thì Việt Nam sẽ phải cân nhắc những gì?

Doanh nghiệp mạnh lên nhờ nhạy bén nắm bắt cơ hội, củng cố tốt nền móng, và có chiến lược phát triển thông thái.

Trong bối cảnh thế giới còn trong khủng hoảng, cơ hội bên ngoài còn hạn chế, các doanh nghiệp cần nhân dịch này nắm bắt triệt để cơ hội trong nước, gia cường nền móng phát triển. Đặc biệt là trong chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ người lao động, nâng cấp chiến lược kinh doanh. Họ cũng cần phương án ứng phó, duy trì hoạt động nếu đại dịch trở lại hoặc một đại dịch mới xuất hiện.

-Liệu có ví dụ tốt nào mà Việt Nam có thể tham khảo?

Hiện chưa có kinh nghiệm nào đủ rõ ràng để tham khảo. Chính vậy, nếu mạnh dạn tiên phong, khám phá phương cách phát triển bền vững trong đại dịch thì uy tín Việt Nam từ thắng lợi trong chống dịch vừa qua sẽ được nhân lên hàng trăm lần, tạo hiệu ứng thuận lợi rất lớn cho công cuộc phát triển sắp tới.

-Nhiều người kỳ vọng rằng đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quan điểm của ông là gì?

Tôi thấy đấy là cơ hội rất lớn mà chúng ta cần chiến lược đặc biệt để nắm bắt triệt để. Có 3 vấn đề lớn khi thiết lập chiến lược này.

Thứ nhất, Việt Nam cần được định vị có lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”. Điều này lớn hơn nhiều lợi thế về chi phí lao động, đặc biệt trong dài hạn.

Trong điểm nhấn này, cần đưa ra các thể chế ưu tú mà các doanh nghiệp FDI lớn, có uy tín đã được hưởng. Chúng ta cần để nhà đầu tư thấy được sự thật tâm, trân trọng, và ý thức chiến lược trong xây dựng nền móng cho hợp tác lâu dài.

Thứ hai, chúng ta cần tính rất kỹ đến thách thức trong cơ hội. Đơn cử như các KCN hậu dịch Covid-19 cần được xây dựng để hoạt động thuận lợi ngay cả khi có dịch bệnh. Trong thời gian tới, tăng hiệu lực bền vững sẽ quan trọng không kém tăng hiệu quả vận hành.

Thứ ba là phải có kế hoạch hành động đặc sắc, khiến nhà đầu tư thán phục. Đấy không phải những ưu đãi về thuế, hay giảm chi phí, mà là thể chế quản lý.

Khi đánh giá về ứng xử của các cơ quan công quyền, các nhà đầu tư ở một nước đang phát triển thường ở một trong hai trạng thái: nhẫn chịu (sacrifice) vì mình đang kiếm lợi ở đây hoặc ngạc nhiên hứng thú (surprise) vì thấy Chính phủ đưa ra quyết sách quá hay, thế giới nên đến học tập.

Bước đường đi lên của Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gian tới không nằm nhiều ở ưu đãi đặc biệt mà ở số lượng ngạc nhiên mà Chính phủ và các địa phương tạo ra cho các nhà đầu tư.

-Ông có đề xuất cụ thể gì cho Việt Nam?

Tôi xin đưa ra 3 đề xuất.

Thứ nhất, trong họp báo Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn nên có một mục nhỏ, giới thiệu cải cách mới nhất của Việt Nam. Biển Đông càng phức tạp, Việt Nam càng cần có nhiều cải cách dũng cảm và hội nhập thế giới với ý thức trách nhiệm cao nhất.

Chúng ta phải ứng xử làm sao để thấy Việt Nam càng mạnh lên khi tình thế càng khắc nghiệt. Đó là một đặc tính đặc sắc nhất của nhà nước kiến tạo phát triển.

Từ ngỡ ngàng ban đầu, báo chí quốc tế sẽ dần tin tưởng rằng chúng ta đang phất lên ngọn cờ cải cách. Sức mạnh của một quốc gia nằm ở khả năng tấn công vào điểm yếu của chính mình, trở thành ngọn hải đăng để thế giới hướng đến.

Thứ hai, một số tập đoàn lớn như Vingroup nên mở rộng sang lĩnh vực khát triển KCN không chỉ cho Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Xây dựng nền tảng phát triển có hiệu quả và hiệu lực lớn hơn nhiều so với làm sản phẩm đơn lẻ như ô tô, máy thở.

Cuối cùng, Trung ương và Quốc hội có thể lập ra một hội đồng tiếp nhận sáng kiến cải cách xây dựng Việt Nam 2045 để nhận ý kiến từ người dân, doanh nghiệp, địa phương.

Người tham gia hội đồng này không cần có vị trí trong hệ thống chính trị để đảm bảo khách quan, họ chỉ cần có uy tín về phẩm chất, trình độ là được.

Hội đồng này sẽ đánh giá các sáng kiến gửi đến, phân tích và trao đổi với Trung ương Đảng, Quốc hội, và Chính phủ các sáng kiến khả thi nhất. Hội đồng sẽ có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc sáu tháng cho toàn dân. Nếu chúng ta thành công, lịch sử sẽ ghi lại nỗ lực này như một Hội Nghị Diên Hồng.

Ảnh: Vũ Minh Quân, Tuấn Hưng

Nhiều lần nhắc đến tiềm năng của Việt Nam và khẳng định đất nước “không giàu mới lạ”, nhưng với một sự cố thiên nga đen như Covid-19, liệu cơ hội của chúng ta có bị chậm lại?

Theo nguyên lý phát triển, một sự cố khắc nghiệt thường dẫn đến những tiến hóa lớn và những biểu tượng đại diện cho kỷ nguyên phát triển mới.

Việt Nam đang có những lợi thế đặc biệt để trở thành biểu tượng phát triển cho ba thập kỷ tới.

Đây vừa là vận hội dân tộc, vừa là cấp bách có tính sống còn vì chỉ sau 30 năm nữa chúng ta trở thành một dân tộc già như Nhật Bản và sức sống động sẽ giảm đi rất nhiều.

Cảm ơn ông!

Phương Ánh
Hoàn Như, Tuấn Mark, tổng hợp
Hương Xuân