Ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền: Giảm tiêu hao năng lượng tối đa cho ngành giấy

Nghiên cứu sản xuất chế phẩm trong nước

Thị trường giấy tissue (giấy sinh hoạt/giấy vệ sinh) hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang làm chủ “sân nhà” với hơn 90% thị phần. Dòng sản phẩm giấy tissue vẫn đạt mức tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Thị trường hấp dẫn, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn không ngừng mở rộng đầu tư, thống lĩnh thị trường.
Không chỉ đảm bảo nhu cầu cho thị trường trong nước, các doanh nghiệp sản xuất giấy tissue vẫn đang mở rộng mạng lưới xuất khẩu đến các thị trường Hong Kong, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Hoa Kỳ, Lào, Myanmar… Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong 5 năm qua ngành sản xuất giấy đã tăng trưởng mạnh với tốc độ 15-17%/năm.
Tuy nhiên, sản xuất giấy là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (điện, hơi), chiếm khoảng 18 – 25% giá thành sản phẩm. Tùy theo tính chất của từng loại bột giấy và tính chất yêu cầu của mỗi loại giấy mà năng lượng sử dụng cho quá trình nghiền bột giấy chiếm khoảng 15 – 18% tổng năng lượng cần thiết để sản xuất các sản phẩm giấy.
Theo đó, việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học nhằm mục tiêu giảm được tối đa năng lượng nghiền sẽ góp phần vào giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất của các doanh nghiệp sản xuất giấy, tăng lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Mặt khác, việc nghiên cứu sản xuất chế phẩm trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn đầu vào, phù hợp về giá thành, giúp các doanh nghiệp áp dụng thử nghiệm nhiều hơn để đánh giá mức độ hiệu quả đem lại.
Chính vì vậy, Viện Công nghiệp giấy và xenluylô đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue”, do kỹ sư Trần Hoài Nam làm chủ nhiệm đề tài, với mục tiêu tạo lập chế phẩm trong nước và ứng dụng thử nghiệm trên dây chuyền thực tế, đánh giá hiệu quả kinh tế – kỹ thuật sau quá trình thử nghiệm, làm cơ sở cho việc mở rộng và triển khai ứng dụng ở các doanh nghiệp có công nghệ tương tự. Đây là đề tài thuộc Chương trình Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Báo cáo tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương thành lập với Viện Công nghiệp giấy và xenluylô mới đây, kỹ sư Ngô Văn Hữu, thành viên tham gia nhóm nghiên cứu cho biết, những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ sinh học ứng dụng, đã có rất nhiều sản phẩm chế phẩm enzyme được thương mại hóa trong nước nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất.
Trong đó, enzyme trợ nghiền có tác dụng giảm được năng lượng nghiền, đồng thời tăng khả năng thoát nước trên lưới xeo, giảm chi phí cho công đoạn sấy, tăng độ mềm mại của giấy tissue. Do vậy, sự phát triển của chế phẩm enzyme trợ nghiền sẽ góp phần vào việc tăng tính ứng dụng và đem lại hiệu quả cao về vấn đề năng lượng trong ngành giấy.

Hướng tới sản xuất sạch hơn

Theo kỹ sư Ngô Văn Hữu, mục tiêu cụ thể của đề tài đó là xây dựng được quy trình công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền (gồm hỗn hợp enzyme cellulase, xylanase) từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt quy mô pilot 50 kg/mẻ.
Đồng thời, xây dựng được quy trình công nghệ ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền trên dây chuyền sản xuất giấy tissue công suất >3.000 tấn/năm, nhằm giảm năng lượng nghiền ≥10%. Bên cạnh đó, tăng tốc độ vận hành máy xeo ≥5% so với quy trình thông thường. Sản xuất được 30 tấn sản phẩm giấy tissue đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định; ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
Về tính mới, tính độc đáo, sáng tạo của đề tài, kỹ sư Ngô Văn Hữu nhấn mạnh, đây là đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống từ nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm như phân lập các chủng vi khuẩn/xạ khuẩn chịu nhiệt tại Việt Nam, sản xuất chế phẩm; nghiên cứu ứng dụng đưa ra quy trình trong phòng thí nghiệm và hiệu chỉnh công nghệ trên dây chuyền sản xuất thực tế, đánh giá dựa trên kết quả đo đạc thực tế trên dây chuyền sản xuất.
Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt
Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt
“Đặc biệt, chế phẩm enzyme cellulase và xylanase thu từ vi khuẩn/xạ khuẩn, chịu nhiệt/ưa nhiệt ứng dụng cho trợ nghiền trong sản xuất bột giấy chưa được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam trước đây” – kỹ sư Ngô Văn Hữu khẳng định, đồng thời bày tỏ, kết quả của đề tài sẽ góp phần giảm năng lượng điện tối đa cho quá trình nghiền bột giấy, nâng cao năng suất chạy máy. Vì vậy, hiệu quả về mặt kinh tế được chỉ ra khách quan, chính xác. Ngoài ra còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất giấy tại Việt Nam, tiến tới định hướng phát triển bền vững.
Chế phẩm enzyme trợ nghiền được nghiên cứu và sản xuất trong nước dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có là thế mạnh trong việc cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm nhập khẩu thương mại trên thị trường. Hiện nay trong cả nước có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy tissue, phù hợp cho việc ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền nhằm giảm năng lượng nghiền, cụ thể là điện cho các doanh nghiệp.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài đã có những trao đổi với các doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Đồng thời, quảng bá sản phẩm của đề tài, tạo điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp thử nghiệm, áp dụng vào sản xuất thực tiễn. Ngoài ra, liên kết với các đơn vị chuyên sản xuất chế phẩm để tạo khối lượng chế phẩm lớn, giới thiệu sản phẩm và chào bán với các chính sách ưu đãi.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở tiền đề cho các doanh nghiệp sản xuất giấy tissue nói riêng, sản xuất giấy nói chung phát triển và ứng dụng, đầu tư công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn tại Việt Nam. Ngoài ra, tạo sự liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực giấy, hóa học, sinh học để góp phần thúc đẩy áp dụng công nghệ sinh học vào ngành giấy cũng như các ngành khác tại Việt Nam.

Giấy bao bì cao cấp: cơ hội cho các nhà sản xuất tiềm năng

Mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì tăng cao

Tại Việt Nam, giấy bao bì hiện là sản phẩm giấy chính chiếm gần 80% tổng tiêu thụ toàn ngành. Tuy nhiên, trong năm 2019, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,225 triệu tấn, vì sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 5%. Đây là hạn chế nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp giấy có tiềm lực đầu tư công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng bắt kịp nhu cầu trong và ngoài nước.

Theo nhận định của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), trong tháng 3/2020, tất cả các mặt hàng của ngành giấy bao gồm giấy bao bì đều tăng trưởng từ 2-5% so với tháng 2/2020.

Hiện tại, sản xuất giấy bao bì trong nước chủ yếu là giấy lớp mặt (Testliner, Krafliner) và giấy lớp sóng (Medium), dùng để sản xuất thùng carton sóng, đáp ứng được 84% nhu cầu nội địa. Riêng loại giấy tráng phủ cao cấp như Whitetopliner được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực in ấn bao bì thủy sản, đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu, đa phần phải nhập khẩu vì rất ít doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được.

Một thực trạng hiện nay trong ngành giấy số lượng doanh nghiệp tuy đông đảo nhưng lại nhỏ yếu, công nghệ lạc hậu. Nếu xét về tiềm lực, các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn với nguồn vốn lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, năng suất cao, sản lượng trung bình trên 400.000 tấn/năm như Lee & Man Việt Nam (420.000 tấn/năm). Lee & Man cũng là một trong những doanh nghiệp có thể sản xuất loại giấy Whitetopliner với sản lượng trung bình hơn 100.000 tấn/năm, chiếm gần 25% tổng sản lượng giấy bao bì của toàn nhà máy.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì tăng cao, trong năm 2020 – 2021, dự kiến sẽ có khoảng 7 nhà máy giấy bao bì trong nước sẽ đưa vào sản xuất/nâng công suất.

Giấy bao bì cao cấp: cơ hội cho các nhà sản xuất tiềm năng
Ảnh minh họa

“Lấp khoảng trống” phân khúc giấy bao bì tráng phủ cao cấp

Theo VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì dự báo tăng trưởng 14-18%/năm. Do đó, kế hoạch mở rộng sản xuất của các nhà máy giấy bao bì là hướng đi khả quan. Tuy nhiên, phân khúc giấy bao bì cao cấp (tráng phủ) là “khoảng trống” mà ngành giấy cần lắp đầy, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các loại giấy bao bì thông thường.

   >>> Trung Quốc không cấp giấy phép nhập khẩu RCP cho năm 2021

Ngoài ra, với bất cứ sản phẩm nào, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư chất lượng nếu muốn cạnh tranh với giấy ngoại nhập. Lee & Man, với năng lực và thế mạnh trong việc sản xuất giấy tráng phủ cao cấp Whitetopliner, nếu công ty này mở rộng quy mô trong tương lai, đó sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp và ngành giấy trong nước giải đáp bài toán về nhu cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại của Lee & Man cho phép sản xuất sản phẩm có bề mặt láng mịn, độ đồng đều 3 lớp cao, giúp bao bì có thể in ấn những hình ảnh sắc nét, nhiều màu sắc, chi tiết, góp phần giảm chi phí mực in xuống tới 50%. Mặt khác, so với các sản phẩm giấy trong nước, giấy bao bì của Lee & Man có độ chống thấm rất cao.

Cùng với việc tạo ra sản phẩm chất lượng là sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp. 650 triệu USD là số vốn đầu tư của Lee & Man để hiện đại hoá quy trình sản xuất cho nhà máy đặt tại Hậu Giang.

Chia sẻ về cải tiến trong sản xuất giấy bao bì, ông Patrick Chung, TGĐ Lee & Man Việt Nam cho biết: “Công nghệ mới cho phép Lee & Man sản xuất sản phẩm giấy bao bì ngày càng mỏng nhưng vẫn đáp ứng được độ dai cũng như độ cứng cần thiết, tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hạ giá thành sản phẩm. Sản phẩm giấy của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chỉ tiêu chất lượng, an toàn với các chứng chỉ quan trọng như: FSC; ISO 9001:2015; ISO 14001:2015; OHSAS 18001:200.”

Ngoài ra, trong xuyên suốt quá trình hoạt động, việc nâng tầm chất lượng ngành giấy tại Việt Nam là mục tiêu mà Lee & Man luôn hướng đến: “Nhận định được nhu cầu thị trường về giấy bao bì cao cấp, ngay từ đầu, Lee & Man đã có sự đầu tư rất lớn về công nghệ, tập trung sản xuất các loại giấy mà nhiều nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Đồng thời, công ty lấy công nghệ xử lý giấy tái chế làm bệ phóng, hướng đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào phát triển bền vững của ngành và đất nước”, ông Patrick Chung chia sẻ.

Nhìn chung, Lee & Man cũng như các doanh nghiệp giấy bao bì có đủ tiềm lực sẽ có hướng đầu tư đúng đắn, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm giấy Việt.

Theo Vietnamnet

 

Dohaco ước lãi 5 tháng 157 tỷ đồng, người của TIM Invest vào HĐQT

CTCP Đông Hải Bến Tre (Dohaco – HoSE: DHC) vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020. Công ty hoạt động kinh doanh chính trong ngành sản xuất bột giấy, giấy; bao bì từ giấy; dịch vụ in ấn. Địa bàn kinh doanh chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và TP HCM.

Năm 2019, Dohaco đạt doanh thu 1.430 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 182 tỷ đồng, tăng lần lượt 54% và 35% so với kết quả năm trước. Công ty cũng vượt 21% kế hoạch lợi nhuận năm. Cổ đông thông qua mức chia cổ tức 20% bằng tiền. Đợt cổ tức đầu tiên đã được thực hiện tỷ lệ 10%, dự kiến 10% còn lại được chi trả trong năm nay.

Năm 2020, cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 2.338 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 64% và 10% so với thực hiện năm trước. Cổ tức dự chia 30% bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Ông Lê Bá Phương, Chủ tịch HĐQT cho biết trong 5 tháng đầu năm, công ty ước tính lợi nhuận sau thuế 157 tỷ đồng, tương ứng thực hiện 78,5% kế hoạch cả năm.

    >>> VPP Hồng Hà 20 năm liên tục nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao

Trong khi đó quý I, Dohaco có doanh thu gần 671 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, công ty tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận kể từ khi nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn II có vốn đầu tư khoảng 1.156 tỷ đồng đi vào hoạt động từ tháng 9/2019 giúp tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ.

Đại hội cũng bầu ông Marco Martinelli làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021. Ông Marco Martinelli đến từ quỹ đầu tư TIM Invest (Thụy Sĩ), có hơn 15 năm kinh nghiệm trong thị trường vốn. Ông gia nhập TIM Invest vào năm 2000 và phụ trách quản lý tài sản quỹ. Như vậy, HĐQT Dohaco có 7 thành viên.

Theo Người Đồng Hành

Trung Quốc không cấp giấy phép nhập khẩu RCP cho năm 2021

Ở Trung Quốc, chỉ những nhà nhập khẩu được cấp phép trước mới được nhập khẩu chất thải rắn, bao gồm cả RCP từ nước ngoài và chỉ được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất của mình, việc bán lại hoặc chuyển nhượng đều bị nghiêm cấm.

Các nhà nhập khẩu thường nộp đơn xin giấy phép nhập khẩu cho năm tới cho các chính quyền cấp tỉnh trong quý cuối cùng của năm. Các đơn xin cấp phép sau đó được chuyển tiếp đến MEE, cơ quan quyết định việc cấp giấy phép.

Tuy nhiên, ngày 30 tháng 6, đại diện của MEE thông báo rằng, sẽ không có giấy phép nhập khẩu nào được xem xét cho 2021.

Thông báo này được coi là sự củng cố của Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm môi trường ảnh hưởng do chất thải rắn được phê chuẩn cuối tháng 4/2020, có hiệu lực từ ngày 01/9, theo đó cấm hoàn toàn nhập khẩu chất thải rắn từ năm 2021, bao gồm cả giấy thu hồi (RCP).

    >>> Norske Skog đầu tư chuyển đổi sản xuất giấy bao bì hòm hộp

Để phù hợp với quy định mới, dự kiến từ ngày 1 tháng 9 trở đi, một số hãng tàu vận tải biển sẽ ngừng chấp nhận đơn vận chuyển hàng hóa chất thải rắn tới Trung Quốc, bao gồm cả RCP.

Cho đến nay, MEE đã cấp giấy phép nhập khẩu tổng cộng 4,57 triệu tấn RCP cho năm 2020, giảm 45% so với 8,23 triệu tấn được phê duyệt so với cùng kỳ năm 2019.

Trong cả năm 2020, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ phê duyệt không quá 7 triệu tấn giấy phép nhập khẩu RCP./.

Theo Fastmarkets RISI

Xuất khẩu dăm gỗ của Úc giảm mạnh

Kể từ giữa năm 2019, khối lượng xuất khẩu dăm gỗ tại Úc hàng tháng bắt đầu giảm và từ tháng 10/2019 con số không vượt quá mốc 500.000 tấn/tháng.

Tại thị trường Úc, dăm gỗ cứng chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu nhưng từ tháng 4/2019 – tháng 4/2020 xuất khẩu dăm gỗ cứng đã giảm 23,5%, xuống còn 5,165 triệu tấn, thấp hơn mức bình quân hằng năm là 6 triệu tấn/năm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.

Trong khi đó, xuất khẩu dăm gỗ mềm cùng kỳ tăng 7,8% so với 12 tháng trước đó, đạt 562.335 tấn.

Xuất khẩu dăm gỗ của Úc giảm mạnh
Biểu đồ xuất khẩu dăm gỗ hàng tháng

     >>> Chi phí xơ sợi gỗ giảm mạnh trong năm 2019 và đầu năm 2020

Sau khi xuất khẩu dăm gỗ tăng nhẹ trong tháng 3/2020 thì trong tháng 4/2020, khối lượng xuất khẩu giảm trở lại. Tổng xuất khẩu dăm gỗ cứng và gỗ mềm trong tháng 4/2020 chỉ đạt  397.335 tấn (367.092 tấn dăm gỗ cứng, 30.243 tấn dăm gỗ mềm), thấp hơn mức trung bình 477.296 tấn/tháng tính từ 4/2019 – 4/2020.

Dự kiến khối lượng xuất khẩu dăm gỗ trong tháng 5/2020 chỉ còn 342.675 tấn và tháng 6 sẽ tiếp tục giảm xuống còn 217.971 tấn./.

Theo Forest2Market

 

 

 

Norske Skog đầu tư chuyển đổi sản xuất giấy bao bì hòm hộp

Cụ thể, tại nhà máy Golbey ở Pháp, Norske Skog sẽ đầu tư khoảng 250 triệu EUR để chuyển đổi PM1 sản xuất giấy in báo có công suất hiện tại  235.000 tấn/năm sang sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế, công suất 555.000 tấn/năm. Sau khi chuyển đổi, nhà máy Golbey sẽ cung cấp ra thị trường 555.000 tấn/năm giấy bao bì hòm hộp tái chế và 330.000 tấn/năm giấy in báo.

Còn tại nhà máy Bruck ở Áo, Norske Skog sẽ đầu tư khoảng 90 triệu EUR để chuyển đổi PM3 sản xuất giấy in báo có công suất 125.000 tấn/năm sang sản xuất giấy bao bì hòm hộp tái chế, công suất  210.000 tấn/năm. Sau khi chuyển đổi, nhà máy Bruck sẽ cung cấp ra thị trường 210.000 tấn giấy bao bì hòm hộp tái chế/năm và 265.000 tấn giấy in báo/năm.

Hai nhà máy sẽ sử dụng năng lượng xanh và giảm lượng khí thải carbon để bảo vệ môi trường.

   >>> Chi phí xơ sợi gỗ giảm mạnh trong năm 2019 và đầu năm 2020

Tại hai nhà máy này, Norske Skog chỉ thực hiện chuyển đổi sản xuất hai dây chuyền từ giấy in báo sang giấy bao bì công nghiệp, sử dụng nguyên liệu RCP, các dây chuyền khác còn lại tại đây vẫn tiếp tục sản xuất và cung cấp giấy in báo.

Công suất giấy in báo sẽ giảm 360.000 tấn/năm, cân bằng thị trường giấy in báo của Norske Skog tại thị trường châu Âu.

Theo PaperAge

Chi phí xơ sợi gỗ giảm mạnh trong năm 2019 và đầu năm 2020

Tại Nam Mỹ, sau khi đạt mức đỉnh về giá vào QII/2019, giá xơ sợi gỗ cứng đã giảm trong quý thứ hai liên tiếp trong QI/2020, xuống mức thấp nhất trong gần ba năm trở lại đây. Nguyên nhân chính được cho là do nhu cầu giảm từ các nhà máy giấy trong khu vực vào cuối QI/2020 vì hoạt động kinh doanh đang bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Tại Mỹ Latinh, giá xơ sợi gỗ giảm trong đầu năm 2020 phần lớn là do sự suy yếu của đồng tiền bản địa so với đồng đô-la Mỹ. Cụ thể, từ QIV/2019 đến QI/2020, giá đồng real Brazil và đồng Peso Chile đã giảm lần lượt 8,2% và 6,2% so với đồng đô la Mỹ.

Giá xơ sợi gỗ giảm tại các thị trường chính trên toàn thế giới khiến chỉ số giá xơ sợi gỗ cứng (HFPI) trong QI/2020 đã giảm 4,2% so với QIV/2019 và giảm 9,2% kể từ QI/2019. Đây là lần giảm điểm trong quý thứ tư liên tiếp, khiến mức giá trung bình xơ sợi gỗ xuống mức thấp nhất trong vòng bốn năm.

   >>> Thống kê tiêu thụ sản phẩm giấy tại thị trường châu Âu tháng 4/2020

Chỉ số giá xơ sợi gỗ mềm (SFPI) trong QI/2020  thấp hơn 5,6% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là tại thị trường Trung Âu, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương, trong khi thực tế thì giá xơ sợi gỗ mềm có tăng nhẹ tại Nam Mỹ, Đông Canada và Thụy Điển.

Chi phí xơ sợi gỗ mua vào của các nhà máy bột giấy ở Áo, Đức và Pháp đã giảm đáng kể trong năm 2019.

Giá bột gỗ mềm ở Đức trong QI/2020 đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Giá giao ngay đã giảm xuống mức 30 USD trong đầu năm 2020, không bao gồm chi phí vận chuyển. Dự kiến giá gỗ tròn (log) ở Đức ​​sẽ duy trì ở mức hiện tại kể cả khi nếu như thị trường nội địa có vượt cung./.

Theo Pulpapernews

 

Đến năm 2030, 100% siêu thị dùng bao bì thân thiện môi trường

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

   >>> Vì một tương lai không rác thải

Theo đó, để thực hiện chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 như:

– 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy;

– 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

– 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững;

– 90% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các văn bản chínhsách, pháp luật tại địa phương;

– Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

– Giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát;…

Quyết định 889/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 24/6/2020.

Theo Công Thương

Thống kê tiêu thụ sản phẩm giấy tại thị trường châu Âu tháng 4/2020

Cụ thể tiêu thụ giấy tại châu Âu trong tháng 4 như sau:

Giấy in báo: giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 428.000 tấn. Tiêu thụ tại châu Âu giảm 31,4% xuống còn 296.000 tấn/năm. Tiêu thụ tại các nước ngoài châu Âu giảm 7,7% xuống còn 131.000 tấn.

Giấy SC: giảm mạnh 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 181.000 tấn. Tiêu thụ tại châu Âu giảm 33,5% xuống còn 156.000 tấn. Tiêu thụ tại các nước ngoài châu Âu giảm 47,4% xuống còn 26.000 tấn.

Giấy CMR: giảm 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 30.000 tấn. Tiêu thụ tại châu Âu giảm 36,4% xuống còn 209.000 tấn. Tiêu thụ tại các nước ngoài châu Âu giảm 31,7% xuống còn 93.000 tấn.

Giấy UMP: giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 146.000 tấn. Tiêu thụ tại châu Âu giảm 25,7% xuống 107.000 tấn. Tiêu thụ tại các nước ngoài châu Âu tăng 45,7%, ở mức 39.000 tấn.

Giấy CWF: giảm 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 266.000 tấn. Tiêu thụ tại châu Âu giảm 46,5% xuống còn 174.000 tấn. Tiêu thụ tại các nước ngoài châu Âu gần như ổn định hàng năm ở mức 92.000 tấn.

Giấy UWF: giảm 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 413.000 tấn. Tiêu thụ tại châu Âu giảm 26,2% xuống còn 326.000 tấn. Tiêu thụ tại các nước ngoài châu Âu giảm 11,4% xuống còn 87.000 tấn./.

   >>> Thống kê giấy thu hồi, giấy bao bì hòm hộp và giấy bìa gấp hộp thị trường Mỹ tháng 5/2020

Theo Fastmarkets RISI

Thống kê giấy thu hồi, giấy bao bì hòm hộp và giấy bìa gấp hộp thị trường Mỹ tháng 5/2020

Theo số liệu thống kê giấy thu hồi (RCP) tháng 5/2020 của Hiệp hội Giấy & Lâm nghiệp Mỹ (AF & PA), tồn kho tại Mỹ đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng tiêu thụ trong tháng 5 đạt mức 2,52 triệu tấn, giảm 2% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, tiêu thụ đạt 13,212 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Tồn kho giấy thu hồi cuối tháng 5 ở mức 792.700 tấn, tăng 6% so với tháng 4/2020 và tăng 12% so với tháng 5/2019.

Tiêu thụ giấy hỗn hợp (mixed paper) trong tháng 5 đạt 35.300 tấn, tăng 4% so với tháng 5/2019. 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.795 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm tháng năm 2019. Tồn kho giấy hỗn hợp vào cuối tháng 5 ở mức 96.500 tấn, giảm 2% so với tháng 4/2020 và tăng 1% so với tháng 5/2019.

Tổng tiêu thụ OCC trong tháng 5 ở mức  457.000 tấn,  giảm 3% so với tháng 5/2019. 5 tháng đầu năm 2020 đạt 9,33 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm tháng năm 2019. Tồn kho của OCC vào cuối tháng 5 ở mức 457.000 tấn, tăng 11% so với tháng 4/2020 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019.

    >>> Tồn kho bột giấy toàn cầu tiếp tục gia tăng, dự báo giá sẽ giảm tại Trung Quốc

Bên cạnh số liệu thống kê RCP, AF&PA cũng công bố số liệu của 2 sản phẩm giấy giấy: giấy bao bì hòm hộp và giấy bìa gấp hộp. Theo đó, tổng tiêu thụ giấy bao bì hòm hộp & giấy bìa gấp hộp trong tháng 5 đã tăng 2% so với tháng 5/2019.

Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy sản xuất đạt 83,8 phần trăm, giảm 1,8 điểm so với tháng 5/2019 và giảm 1,4 điểm từ đầu năm đến nay, tồn kho cuối tháng 5 tăng 18.000 tấn so với tháng trước và tăng 18.000 tấn so với tháng 5/2019.

Tổng sản lượng trong tháng 5 đã tăng 1% so với tháng 5/2019 và tăng 6% so với cùng kỳ 5 tháng năm 2019. Sản lượng giấy bao bì hòm hộp xuất khẩu tháng 5/2020 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 41% từ đầu năm đến nay.

Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy sản xuất đạt 90,3%, về cơ bản không thay đổi nhiều so với tháng 5/2019 (-0,2 điểm) và tăng 4,4 điểm từ đầu năm đến nay. Tồn kho cuối tháng 5 đã tăng 39.000 tấn so với tháng trước và tăng 77.000 tấn so với tháng 5/2019./.

Theo Fastmarkets RISI